Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 5)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

 

3. Đảo di chí lược (1349) của Uông Đại Uyên thời Nguyên

Tác giả của các sách địa lí phần trên chưa bao giờ ra nước ngoài, và chỉ biết về tình hình bên ngoài qua hỏi han sứ giả và thương nhân nước ngoài. Tình trạng này đã thay đổi vào thời Nguyên. Chỉ ba tác phẩm được lưu truyền từ thời Nguyên có liên quan đến nước ngoài, đó là Đại Đức Nam Hải chí, Chân Lạp phong thổ kí Đảo di chí lược.

Cuốn thứ hai là ghi chép của Chu Đạt Quan về những gì ông đã nghe và thấy khi theo sứ giả nhà Nguyên đến Chân Lạp, nhưng đó chỉ là ghi chép về nước Chân Lạp, không có ghi chép nào về các đảo ở biển Đông. Chỉ có Đảo di chí lược [島夷志略] của Uông Đại Uyên là tác phẩm đầu tay đi du lịch nhiều nước. Uông Đại Uyên (1311-1350) là một thương gia thời Nguyên. Ông đã khởi hành từ Tuyền Châu hai lần vào năm Nguyên Minh Tông thứ nhất (1330) và thứ 5 (1337), đi thuyền đến các nước Tây Dương, và nơi xa nhất có thể đến được là Đặc Phiên Lí (Damietta) ở Ai Cập, và cũng có thể đã đến Thát Cát Na (Tangier) thuộc Morocco. Từ năm Chí Chính thứ 9 (1349) triều Nguyên Huệ Tông, ông đã viết cuốn Đảo di chí lược ở Tuyền Châu, mô tả hơn 200 địa điểm mà ông đã tự mình có đi qua. Sách này tiếp nối Lĩnh ngoại đại đápChư phiên chí trước đó, và có ba tác phẩm về các chuyến đi biển của Trịnh Hoà theo sau. So với các tác phẩm thời Tống, nó có nhiều tư liệu sơ cấp hơn, độ sâu và rộng thậm chí còn vượt xa các tác phẩm thời đầu nhà Minh, là một tài liệu quan trọng về lịch sử bang giao giữa Trung Quốc và nước ngoài.

Có một mục riêng cho Vạn Lí Thạch Đường trong Đảo di chí lược (Hình 14):

Cốt của Thạch Đường sinh ở Triều Châu, uốn khúc như một con rắn dài, trải rộng trên biển và vượt qua biển các nước, thường được gọi là Vạn Lí Thạch Đường. Bỏ qua phần còn lại phải hơn một vạn lí. Thuyền treo 4 cánh buồm từ Cửa Đại Tự, lợi dụng gió rẽ sóng, chạy như bay trên biển. Chắc khoảng 100 ngày là đến Tây Dương. Đi một ngày một đêm tính hơn vạn lí. Do đó, các địa mạch địa lí của nó có thể truy ra được: một mạch đến Trảo Oa (Java), một mạch đến Bột Nê (Brunei) và Cổ Lí Địa Muộn (Timor), và mạch kia đi đến vùng đất Côn Lôn ở phía Tây Dương xa. Chẳng lẽ đây là lí do vì sao Tử Dương Chu Tử lại nói đất đai hải ngoại cùng Trung Nguyên địa mạch liên thông? Người nhìn biển thấy mông lung không bờ bến, và Thạch Đường ẩn ở giữa, làm sao rõ được? Tránh được thì tốt, gặp phải thì xấu. Cho nên kim Tí Ngọ (bắc nam) gắn liền mạng sống con người, nếu không phải người đi thuyền khéo léo thì có thể bị lật và chết đuối? Ôi ! Sao không quay lại nơi mình vừa ý mà lại lấy sóng gió làm lối đi qua?[237]

 

Hình 14 Đảo di chí lược

Vạn Lí Thạch Đường được ghi lại ở đây là một khái niệm tưởng tượng. Uông Đại Uyên tin rằng Vạn Lí Thạch Đường từ Triều Châu kéo dài về phía nam theo ba nhánh, một nhánh đến Java, một nhánh đến Vấn Lai (Brunei) và Đế Vấn (Timor: Cổ Lí Địa Muộn), và một nhánh đến vùng đất “Côn Lôn thuộc Tây Dương xa” chưa được biết đến.[238] Dựa trên hiểu biết hiện tại, tất nhiên không có một cốt xương của Thạch Đường như vậy ở biển Đông. Từ việc phân tích vị trí địa lí, khu vực đối diện với Triều Châu trước tiên sẽ gặp Đông Sa (Pratas); và “một [địa] mạch tới Brunei và Timor” bao gồm quần đảo Trường Sa, vì quần đảo Trường Sa nằm ngay phía bắc Borneo; và mạch từ Triều Châu đến Java phải đi qua Hoàng Sa và Trung Sa; còn mạch đến tận “Côn Lôn thuộc Tây Dương xa” cũng có thể bao gồm các bãi cát và đá ngầm nguy hiểm khác. Do đó, Vạn Lí Thạch Đường ở đây không chỉ riêng cho một đảo nào ở biển Đông, hay thậm chí là các đảo ở biển Đông, mà bao gồm đảo Đông Sa (vùng biển ngoài khơi Triều Châu), quần đảo Trường Sa (quần đảo ở biển Đông nằm phía bắc Brunei), các đảo đá thuộc Hoàng Sa và Trung Sa (giữa Triều Châu và Java). Đây là ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc mô tả quần đảo Trường Sa mà không có gì phải nghi vấn.

Cuốn sách đó cho thấy rằng sự hiểu biết của Trung Quốc về các đảo ở biển Đông đã sâu sắc hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, nó chỉ mô tả một hiện tượng địa lí, không nói rõ ràng Vạn Lí Thạch Đường là lãnh thổ của Trung Quốc, ngược lại, trong sách có dòng chữ “vượt qua biển các nước” (越海諸國: việt hải chư quốc) cho thấy Vạn Lí Thạch Đường trải dài qua biên giới của nhiều nước chứ không phải chỉ dành riêng cho một nước. Theo nghĩa đen, thậm chí có lí do để nghĩ rằng các phần cho đến Brunei, Java và Timor thuộc về các nước đó.

4. Sách hướng dẫn đi biển Thuận phong tương tống thời Minh

Kể từ thời Minh, với việc ghi chép trong ngành hàng hải ở Trung Quốc đã tích lũy, hải đồ và sách hướng dẫn đi biển (針經: châm kinh) đã xuất hiện. Châm kinh là sách cẩm nang đi biển cho các thủy thủ vào thời đó, và là cuốn sách giữ kín của người đi thuyền. Dùng nó một mình hoặc với hải đồ có thể đi thuyền trên biển cả. Chúng có tên riêng: Dương canh, Độ hải phương trình, Tứ hải chỉ nam, Hải hàng bí quyết, Hàng hải toàn thư, Châm lộ, Hàng hải châm kinh, Châm vị thiên, La kinh châm bộ v.v. Nhiều sách địa lí, sách phòng thủ biển có tham khảo một số châm kinh, còn để lại dấu vết về các tuyến đường đi biển, nhưng ít người ghi chép cụ thể châm kinh.[239] Thuận phong tương tống [順風相送] thời Minh và Chỉ nam chính pháp [指南正法] thời Thanh là hai trong số những tác phẩm hiếm có. Hướng Đạt, gần đây đã ghi lại hai ghi chú từ Thư viện Anh và biên soạn chúng thành Lưỡng chủng hải đạo châm kinh [兩種海道針經].

Có nhiều thuyết về năm viết cuốn Thuận phong tương tống, thuyết năm 1393, thuyết năm 1403, hay thuyết những năm 1570 (vì Nagasaki, Nhật Bản chỉ được mở cửa ra biển vào năm 1570 như sách đã ghi),[240] mỗi thuyết có lí do riêng, nhưng chắc chắn nó được làm thành sách vào thời Minh. Tạm thời chúng ta chưa đi vào chi tiết về năm xuất bản mà chủ yếu xem qua những ghi chép của nó về Hoàng Sa và Trường Sa. Có hai chỗ ghi chép về Trường Sa và Thạch Đường trong Thuận phong tương tống.

(1) Xác định thời gian lên xuống của thủy triều

Hàng tháng vào các ngày 30, mồng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 nước bình, đến ngày 15 thì nước lại dậy. Ngày 16, 17, 18, 19, 20 nước sẽ dậy. Ngày 21, nước bình như trước. Nước dậy thì chảy xiết, và khi thuyền đi đến biển Thất Châu và Ngoại La, v.v. gặp phải nước dậy trong vài ngày, và đó là lúc phải xem gió. Thân thuyền không được lệch về phía đông, nếu không sẽ không có nước kéo về phía tây. Từ ngày mồng 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, nước chảy về đông muộn, ngày 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, nước chảy về phía đông rất muộn. Khi thuyền đến biển Thất Châu và Ngoại La, v.v. trong vài ngày có thể xem nước chảy nhanh hay chậm, nước lên nước xuống, cũng cần kiểm tra gió và nước dâng, đủ các hướng, lượng định cẩn thận để không phạm sai lầm. Thân thuyền không được lệch, nếu thân thuyền lệch hướng tây, sẽ không có nước kéo qua hướng đông, nếu thân thuyền lệch quá về hướng đông, biển sẽ có màu xanh đen, và sẽ có nhiều chim đầu vịt. Nếu thân thuyền lệch nhiều về phía tây, nước biển sẽ trong, có gỗ mục trôi, và nhiều cá (bái phong ngư), thuyền đi đúng đường, gặp chim với mũi tên trên đuôi, đó là con đường đúng. Thuyền đến gần Ngoại Lai, nếu đi về phía đông 7 canh thì chính là Vạn Lí Thạch Đường, bên trong có đảo đá đỏ, không cao nhưng nếu có thể nhìn thấy thân thuyền thì biết nước cạn, còn nếu nhìn thấy đá nên đề phòng. Nếu thuyền đi tách khỏi biển Thất Châu 7 canh về phía đông, sẽ thấy Vạn Lí Thạch Đường có dạng như cánh buồm, nhìn gần giống như hai ba cánh buồm, có thể đề phòng thuyền bị vướng, một ngày được nhìn thấy núi Ngoại La thì nhớ nó ngàn ngày. Nếu thuyền đi trước Đại Phật Linh Sơn, vào các tháng 4, 5, 6, 7, 8, nước chảy về hướng tây nam, nước rất xiết. Hướng đông tới hướng chánh nam nước chảy xiết, nếu thuyền có thể vào sát núi thì rất tốt. Nếu thuyền trở về Trung Quốc, lệch sang đông quá mức, nước biển đỏ trắng, thấy đủ loại chim muông, đó chính là Vạn Lí Trường Sa, cần phải đề phòng. Lau sậy, củi mục trôi tạo thành ranh giới, nếu hướng thuyền nhiều về phía tây thấy núi Hải Nam, không được tới gần. Tiếng vang ngay trên đầu, phạm vào mà còn sống thì cũng khó thoát ra, thân tàu thấp thì càng nghiêm trọng. Nếu gặp biển Thất Châu thì thấy 7 dòng chảy ở gần cửa Nam Đình. Thuyền xuất phát từ Trung Quốc đi vào biển Giao Chỉ lệch nhiều về phía tây, nước trong, có nhiều cá, thuyền có thể ra khơi, nhưng sợ sa vào Tiêm Bút La thì khó ra được. Khi thuyền nhìn thấy lau sậy và củi tạo thành ranh giới dòng chảy, có thể đi lệch nhiều về phía đông, sử dụng kim la bàn (Khôn Thân) có thể nhìn thấy Đại Phật Linh Sơn trong một ngày một đêm. Nếu nhìn thấy chim trắng có mũi tên trên đuôi, thì biết đi đúng đường, tức là Ngoại La.[241]

(每月三十並初一, 初二, 初三, 初四, 初五, 初六, 初七日水平, 交十五日水又醒。至十六, 十七, 十八, 十九, 二十日水俱醒。廿一日水 又平似前日。水醒流緊, 其勢但凡船到七州洋及外羅等處, 遇此數日水 醒, 看風斟酌。船身不可偏東, 東則無水扯過西。自初八, 初九, 初十, 十一, 十二, 十三, 十四日止, 水遲流東, 廿二, 廿三, 廿四, 廿五, 廿 六, 廿七, 廿八, 廿九日止水俱遲東。船到七州洋及外羅等處, 可算此數 日流水緊慢, 水漲水遲, 亦要審看風汛, 東西南北, 可以仔細斟酌, 可算 無悮。船身不可偏, 西則無水扯過東, 船身若貪東則海水黑青, 並鴨頭鳥 多。船身若貪西則海水澄清, 有朽木漂流, 多見拜風魚, 船行正路, 見鳥 尾帶箭是正路。船若近外羅, 對開貪東七更船便是萬里石塘, 內有紅石嶼 不高, 如是看見船身, 便是低了, 若見石頭可防。若船七州洋落去貪東七更, 船見萬里石塘似船帆樣, 近看似二三個船帆樣, 可防牽船, 使一日見 外羅山, 千萬記心耳。其船若在靈山大佛前, 四, 五, 六, 七, 八月, 流 水往西南, 水甚緊緊。東北時往正南甚緊, 船可近山甚妙。船若回唐, 貪東, 海水白色赤見百樣禽鳥, 乃是萬里長沙, 可防可防。多蘆荻柴多流 界, 船若貪西, 則見海南山, 不可近。行聲廉頭, 生開恐犯難得出, 船身 低了使開至緊。若遇七州洋見流界七條, 乃近南亭門。船若出唐, 到交趾 洋貪西水色清白, 拜風魚多, 船可行開, 怕落占筆羅內難出。船見蘆荻柴 成流界, 乃貪東可行, 用坤申針, 使一日一夜見靈山大佛。若見白鳥尾帶箭, 便是正路, 即是外羅也.)

(2) Bản đồ tiềm năng nước hình núi, trầm tích cạn và đá ngầm ở các xứ, phủ châu

Núi Ô Trư (烏豬山: Ô Trư sơn) giữa biển nước sâu 80 thác (sãi ≃ 1,5 m), thỉnh Đô công lên thuyền màu cúng tiễn thả đi, Thượng Xuyên và Hạ Xuyên ở bên trong còn Giao Cảnh, Giao Lan ở bên ngoài.

Núi Thất Châu (七州山; Thất Châu sơn) có 7 ngọn núi, 3 ngọn ở phía đông trong đó có một ngọn lớn, 4 ngọn ở phía tây lớn như nhau.

Biển Thất Châu (七州洋: Thất Châu dương) nước sâu 120 thác. Đi qua lại phải tế cô nhi bằng ba con vật, rượu và cháo. Đông nhiều chim, tây nhiều cá.

Núi Độc Trư (獨豬山: Độc Trư sơn) nước sâu 60 thác. Đi qua lại thì cúng ở miếu Hải Ninh Bá, nằm ở núi Vạn Châu, Hải Nam. Đầu dài nếu có thể nhìn thấy núi Canh thì thân thuyền thấp.

Biển Giao Chỉ (交趾洋: Giao Chỉ dương) thấp về phía tây có đảo Thảo, nước chảy xiết, nhiều lau sậy và củi. Xa về phía đông có cá bay, xa về phía tây có cá chuồn. Nước sâu 45 thác. Đi thuyền về phía đông 7 canh là Vạn Lí Thạch Đường.

Núi Tiêm Bút La (尖筆羅) nước sâu 50 thác. Có rất nhiều củi và nước trên núi. Tây nam có nhiều lau sậy lá trúc, nhiều đồi núi, có dạng như nhiều cây bút.

Núi Ngoại La (外羅山: Ngoại La sơn) nhìn xa thấy như ba cửa, nhìn gần đông cao tây thấp, bắc có bờ dừa, tây có đá cổ. Thuyền đi gần về phía tây, nước sâu 45 thác. Nếu quay lại, có thể tiến gần về phía tây, và nếu đi về phía đông, có thể phạm rào đá [石欄: thạch lan]. Mã Lăng Kiều nước sâu 25 thác và thuyền có thể qua lại cả bên trong và bên ngoài. Có những rạn san hô nhô ra khỏi mặt nước ở rìa phía nam.[242]

(烏豬山 洋中打水八十托, 請都公上船往回放彩船送者, 上川下川 在內, 交景交蘭在外。

七州山 山有七個, 東上三個一個大, 西下四個平大。

七州洋 一百二十托水。往回三牲酒醴粥祭孤。貪東鳥多, 貪西魚多。

獨豬山 打水六十托。往來祭海寧伯廟。係海南萬州山地方。頭長若見庚山, 船身低了。

交趾洋 低西有草嶼, 流水緊, 有蘆荻柴多。貪東有飛魚, 貪西有 拜風魚。打水四十五托。東七更船有萬里石塘。

尖筆羅 打水五十托。山上柴水甚多。有蘆竹葉多流水界, 西南都是山仔, 如筆羅樣者多。

外羅山 遠看成三個門, 近看東高西低, 北有椰子塘, 西有老古 石。行船近西過, 四十五托水。往回可近西, 東恐犯石欄。馬陵橋二十五 托水, 內外俱可過船。南邊有礁石出水.)

Trong đoạn ghi đầu, cái gọi là “lệch nhiều về hướng đông” (貪東: tham đông) có nghĩa là lệch về phía đông trên cơ sở hướng tuyến đường chính xác ban đầu, và “lệch về phía đông 7 canh ” là chỉ đi lệch theo hướng này 7 canh (khoảng 420 lí). Canh là một đơn vị khoảng cách, nhưng trong hàng hải cổ đại, mỗi canh biểu thị độ dài rất khác nhau, mặc dù nói chung, mỗi canh khoảng 60 lí, nhưng độ dài này không thật chính xác. Lí do là người đi thuyền không có dụng cụ thích hợp để đo độ dài nên chỉ có thể dựa vào thời gian, nhưng do hướng nước chảy và tốc độ gió ở mỗi nơi khác nhau nên quãng đường di chuyển không giống nhau, khoảng thời gian cũng khác nhau. Vạn Lí Thạch Đường là nơi mà từ biển Thất Châu (nghĩa là đại dương bên ngoài của nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, xem 3.5) muốn đi tới phải đi về phía đông tại 7 canh (khoảng 420 lí). Có thể thấy Vạn Lí Thạch Đường ở đây phải là quần đảo Tây Sa (nhưng Vạn Lí Thạch Đường trong câu “Thuyền đến gần Ngoại Lai, nếu đi về phía đông 7 canh thì chính là Vạn Lí Thạch Đường” thì có thể là quần đảo Nam Sa, xem 3.4.10). Hàng rào đá nhắc đến trong chuyến về cũng là quần đảo Hoàng Sa như Vạn Lí Thạch Đường. Vị trí của Vạn Lí Trường Sa không quá rõ ràng, nhưng do đường đi lệch về phía đông khi từ nước ngoài trở về Trung Quốc, nên có thể coi là quần đảo Trường Sa.

Trong đoạn ghi chép thứ hai, “Đi thuyền về phía đông 7 canh là Vạn Lí Thạch Đường” ăn khớp với ghi chép thứ nhất. Vạn Lí Thạch Đường và hàng rào đá ở đây đều chỉ quần đảo Tây Sa. Điều đó không có nghĩa là đi về phía đông sau khi ra khỏi biển Giao Chỉ mà từ núi Độc Trư đi về phía đông. Ở đây, Vạn Lí Thạch Đường được đặt trong mục biển Giao Chỉ, điều này chứng tỏ rằng theo cái nhìn của tác giả, quần đảo Hoàng Sa là các đảo đá nằm trong biển Giao Chỉ. Điều này càng chứng tỏ biển Giao Chỉ kéo dài về phía đông từ bờ biển miền Trung Việt Nam đến một vùng biển rộng bao gồm quần đảo Hoàng Sa, và ranh giới phía bắc của nó tiếp giáp với biển Độc Trư.

5. Hải ngữ (1536) của Hoàng Trung thời Minh

Hoàng Trung (1474-1553) là người Quảng Châu thời Minh, làm quan ở Hồ Châu, Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam, cuối cùng giữ chức Thượng thư Bộ Binh. Năm Gia Tĩnh thứ 15 triều Minh (1536), do cướp biển Nhật nhiều lần quấy phá dọc bờ biển, triều đình thi hành chính sách “cấm biển” và bãi bỏ các sở thuyền buôn (Thị bạc ti) Ninh Ba, Tuyền Châu, chỉ còn lại Quảng Châu là cảng duy nhất trên cả nước tiến hành giao thương với nước ngoài. Quảng Châu đã trở thành nơi thường xuyên tiếp xúc với nước ngoài nhất. Những năm cuối đời, khi sống tại quê nhà, ông có dịp tiếp xúc người lái tàu, thủy thủ và khách du lịch nước ngoài. Ông chú ý đến phong cảnh nước ngoài, không những thường xuyên mời du khách nước ngoài đến nói chuyện mà còn ghi chép cặn kẽ, sắp xếp thành cuốn sách “Hải ngữ” [海語].[243] Hải ngữ là tác phẩm chính về địa lí nước ngoài vào thời nhà Minh.

Có ba đoạn trong Hải ngữ liên quan trực tiếp đến các đảo ở biển Đông, tất cả đều được ghi lại trong Quyển 3 – Úy đồ [畏途] (Hình 15):

Hình 15 “Hải ngữ Úy đồ

Phân Thuỷ: Phân Thuỷ nằm ở biển Ngoại La Chiêm Thành, và đảo cát ẩn hiện như các bậc cửa, kéo dài hàng trăm lí. Sóng to ngút trời, khác hẳn với biển bình thường. Từ núi Mã An đến Cựu Cảng, nhìn về phía đông là tuyến đường các nước (chư phiên), và nhìn về phía tây là tuyến đường Châu Nhai và Đam Nhĩ, chỗ mà trời đất đã sắp đặt khu vực hiểm trở này ngăn cách người Hoa với người Di. Từ Ngoại La đi qua Đại Phật Linh cho đến núi Côn Đôn, từ ngày mồng 1 đến ngày rằm, thủy triều xoay từ đông sang tây, từ ngày rằm đến ngày cuối tháng thì xoay từ tây sang đông, đó là sự thay đổi của thủy triều trên biển và chỉ những người có kinh nghiệm điều khiển tàu thuyền có thể quan sát và thận trọng về nó.

Vạn Lí Thạch Đường: Vạn Lí Thạch Đường nằm ở phía đông của hai biển Ô Trư và Độc Trư. Gió ma quái, cảnh vật u ám không giống ở thế giới loài người, có rất nhiều xà cừ, chim chóc và xe ma, có những con 9 đầu, 3 hay 4 đầu. Tiếng than khóc lan ra khắp biển, vang động hàng mấy lí, kẻ dốt nát và ngu ngốc không lấy đó làm buồn. Người cầm lái sơ ý mất vị trí, vô tình rơi vào trong đá, hàng trăm thi thể bị hồn ma bắt giữ.

Vạn Lí Trường Sa: Vạn Lí Trường Sa nằm ở phía đông nam của Vạn Lí Thạch Đường, tức là sông Lưu Sa ở Tây Nam Di. Nước chảy lờ đờ về nam, gió cát vù vù, trông giống như tuyết trong ngày nắng. Khi sơ ý thuyền bị cuốn vào giữa dòng nước thì không thể thoát ra, nếu may có gió đông nam đủ mạnh thì không bị chìm.[244]

Ở đây trước tiên chúng ta phải thảo luận về vị trí của Phân Thuỷ. Khi thảo luận về sử liệu này, Lí Kim Minh cho rằng Phân Thủy ở gần quần đảo Lí Sơn (tức là núi Ngoại La), và dựa trên điều này, ông tin rằng “trời đất sắp đặt khu vực hiểm nguy ngăn cách người Hoa với người Di” có nghĩa là ranh giới phía tây của Nam Hải của Trung Quốc là núi Ngoại La. Ông cũng cho rằng: “Biển Ngoại La là điểm gặp gỡ của hai[245] tuyến đường của Trung Quốc và nước ngoài. Tàu thuyền từ Trung Quốc đến nước ngoài thường đi theo hướng gió đông bắc và đi theo tuyến đường phía đông của biển Ngoại La. Phân Thủy gọi là Đông Chú; tàu thuyền từ nước ngoài trở về đảo Hải Nam lợi dụng gió tây nam và đi theo tuyến đường phía tây của biển Ngoại La.”[246]

Cả hai khẳng định trên đều sai. Biển Ngoại La có tên từ núi Ngoại La, núi này tất nhiên nằm tại nhóm đảo Lí Sơn ở miền trung Việt Nam. Tuy nhiên, Lí Kim Minh khẳng định rằng Phân Thủy nằm trong vùng lân cận đảo Lí Sơn là hoàn toàn không hợp lí, bởi vì biển Ngoại La hoàn toàn không phải là vùng biển gần đảo Lí Sơn. Đảo Lí Sơn là một nhóm đảo nhỏ gần bờ biển miền Trung Việt Nam, chỉ gồm 8 đảo nhỏ, cách bờ biển đất liền chỉ 16 km. Về mặt địa chất, chúng là đảo đất liền chứ không phải đảo san hô. Trên đảo có núi cao, ngọn núi cao nhất lên tới 517 mét. Nơi đây có môi trường trong lành và hiện là công viên sinh thái, khu du lịch nổi tiếng. Nó rõ ràng là hoàn toàn khác với “đảo cát” được chỉ ra trong Phân Thủy. Thời xưa, đảo Lí Sơn là chỗ neo đậu lí tưởng cho tàu thuyền đi biển, là cột mốc hàng hải trên biển Đông và là điểm trung chuyển của các thuyền buôn. Điều này hoàn toàn khác với mô tả “sóng to ngút trời” và “trải dài hàng trăm lí”. Ngoài ra, bản thân đảo Lí Sơn nằm ở phía tây nam của đảo Hải Nam, do đó nói phía tây của đảo này là “tuyến đường đến Châu Nhai và Đam Nhĩ” là không đúng.

Vì vậy, bản thân núi Ngoại La không phải là “Phân Thuỷ”. Mặc dù biển Ngoại La được đặt theo tên của núi Ngoại La, nhưng phạm vi của nó không giới hạn ở núi Ngoại La gần bờ biển Việt Nam. Trong Hải đồ của Trịnh Hoà, vùng biển cách xa đất liền chỗ núi Ngoại La được đánh dấu là biển Giao Chỉ (xem 3.10.3) Có thể thấy rằng biển Ngoại La là tên gọi khác của biển Giao Chỉ. Kết hợp với Thuận phong tương tống, vùng biển của biển Ngoại La ở đây phải là biển Giao Chỉ, là một đại dương rộng lớn, phía bắc tới đảo Hải Nam, phía tây đến bờ biển Việt Nam và bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Từ mô tả về địa hình của khu vực, “Phân Thủy” ở đây dùng chỉ quần đảo Hoàng Sa, vì “đảo cát ẩn hiện như các bậc cửa, kéo dài hàng trăm lí” đúng là nét đặc trưng của quần đảo Hoàng Sa. Nhưng về cơ bản không có địa hình như vậy gần nhóm đảo Lí Sơn.

Lí Kim Minh hiểu tuyến đường các nước (chư phiên) là tuyến đường từ Trung Quốc đến nước ngoài và tuyến đường Châu Nhai, Đam Nhĩ là tuyến đường từ nước ngoài đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bài có ghi rõ: “Từ núi Mã An đến Cựu Cảng”, từ đầu đến cuối đều nói đến con đường từ Trung Quốc (núi Mã An) ra nước ngoài (Cựu Cảng, tức là Palembang, Sumatra), và mọi thứ đều quy về hướng duy nhất này. Hai cụm từ “chư phiên” và “Châu Nhai, Đam Nhĩ ” không chỉ phương hướng mà chỉ nơi mà hai tuyến đường này đi qua.

Hình 16: Minh họa hai tuyến đường biển được nêu trong Hải ngữ

Cái gọi là phân thủy có nghĩa là từ chỗ đó có thể chia thành hai tuyến đường thủy. Cách giải thích đúng của cả câu là có hai tuyến đường từ vùng lân cận Quảng Châu (núi Mã An) đến Palembang (Cựu Cảng) ở Sumatra: một là tuyến đường phía đông, đi qua các nước phiên (chư phiên), được gọi là tuyến chư phiên, đi qua phía đông của quần đảo Hoàng Sa; tuyến còn lại là tuyến phía tây, đi qua đảo Hải Nam (Châu Nhai, Đam Nhĩ), và đi qua tuyến đường thủy giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, tức là qua phía tây của quần đảo Hoàng Sa. (Hình 16)

Hai tuyến đường này cũng được ghi lại trong Hải lục triều Thanh; tuyến phía tây được ghi chú gọi là Nội Câu [內溝], “Vạn Lí Trường Sa nằm ở phía đông”, là tuyến đường được mô tả là tuyến đường biển truyền thống; tuyến phía đông được ghi chú gọi là Ngoại Câu [外溝], “Vạn Lí Trường Sa ở phía tây” là tuyến đường được phát triển sau này. “Bên trong và bên ngoài hai kênh (câu) này bị Sa chia cắt.” Sa ở đây là Vạn Lí Trường Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa (xem 3.4.12), ghi chép trong Hải lụcHải lục rất nhất quán, điều đó đủ để chứng minh cách hiểu này là đúng.

Hàn Chấn Hoa và Lí Kim Minh đã nhiều lần nhấn mạnh “ranh giới phía tây của lãnh hải Trung Quốc” để chứng minh rằng lãnh hải của Trung Quốc thời cổ gần như là phạm vi của đường 9 đoạn hiện nay.[247] Vì vậy, mỗi khi gặp biển Ngoại La hoặc biển Giao Chỉ (xem phần thảo luận trong Chư phiên chí) được nêu trong sách cổ (chẳng hạn như cuốn này) như là ranh giới giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài, thì họ đều coi đó là “đường biên giới phía tây” của lãnh hải của Trung Quốc, và núi Ngoại La được sử dụng làm điểm phân định. Cách hiểu này là tùy tiện và sai lầm. Trong tất cả những sách vở xưa này không hề nói đến cái gọi là phân giới là “ranh giới phía tây”. Nếu như ranh giới giữa biển Ngoại La (Ngoại La hải) và biển Giao Chỉ (Giao Chỉ dương) được định nghĩa là vùng lân cận của nhóm đảo Lí Sơn, thì cái gọi là biển Ngoại La hay biển Giao Chỉ chỉ là vùng biển rộng 16 km từ núi Ngoại La đến bờ biển của đất liền Việt Nam, rõ ràng là khác với định nghĩa về “dương” và “hải”, và cũng khác với điều ghi trong “Hải đồ của Trịnh Hoà” (xem 3.10.3). Theo Thuận phong tương tống, biển Giao Chỉ bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lí Thạch Đường); từ Hải ngữ cũng biết rằng biển Ngoại La bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Phân Thủy ở trong biển Ngoại La ). Từ góc độ vị trí địa lí, nếu có một biên giới rõ ràng giữa Trung Quốc và nước ngoài, thì biên giới này là biên giới giữa phía bắc và phía nam, không phải là biên giới giữa phía đông và phía tây. Ranh giới phía nam của vùng biển truyền thống Trung Quốc cổ đại phải là ranh giới phía bắc của biển Giao Chỉ hoặc biển Ngoại La. Điều này cũng có thể được nhìn thấy trong sách vở thời Thanh.

Như Hải ngữ đã nói, “Trời đất sắp đặt khu hiểm trở này để phân cách người Hoa với người Di.” Ranh giới này là quần đảo Hoàng Sa. Vậy điều này có giải thích sự quy thuộc của quần đảo Hoàng Sa không? Trước hết, việc coi câu “Trời đất sắp đặt khu hiểm trở này để phân cách người Hoa với người Di” thành một ranh giới rõ ràng giữa Trung Quốc và nước ngoài là quá tùy tiện. Thứ hai, và quan trọng hơn, lấy một địa điểm làm ranh giới tự nó không nói lên nơi đó thuộc về ai. Điểm phân định này có thể thuộc về Trung Quốc hoặc nước ngoài, nó có thể được cả hai chia sẻ hoặc nó có thể là vùng đất không có chủ (mà chỉ là ranh giới). Vì vậy, việc nói rằng đây là ranh giới hoàn toàn không có nghĩa là Hoàng Sa với tư cách là ranh giới thuộc về Trung Quốc hay thuộc về nước khác. Hơn nữa, cần lưu ý rằng sách này coi Hoàng Sa nằm trong “biển Ngoại La”, vì vậy chỉ dựa vào phân tích văn bản, tác giả thậm chí có nhiều khả năng cho rằng Hoàng Sa thuộc Giao Chỉ hay Chiêm Thành, ăn khớp với quan điểm trong Thuận phong tương tống rằng Hoàng Sa thuộc về “biển Giao Chỉ”. Cuối cùng, vì Hoàng Trung chỉ là một người dân thường khi ông viết sách, nên cuốn sách của ông tốt nhất là chỉ ra một cách hiểu lịch sử, có thể đúng hoặc sai. Việc hiểu các ranh giới theo truyền thống dân gian là hữu ích, nhưng nó không thể hiện thái độ chính thức, và đương nhiên nó không thể được coi là ý định chính thức về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

“Vạn Lí Thạch Đường” trong ghi chép thứ hai chỉ nơi nào? Xét từ vị trí chính xác, “Vạn Lí Thạch Đường nằm ở phía đông của hai biển Ô Trư và Độc Trư. Hai biển Ô Trư và Độc Trư lần lượt là biển bên ngoài châu Ô Trư gần đảo Thượng Hạ Xuyên tỉnh Quảng Đông và biển nằm ngoài Đại Châu Đầu ở phía đông nam của Vạn Châu, Hải Nam. Ở phía đông của cả hai, không có địa hình nào có thể được gọi là Vạn Lí Thạch Đường. Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía nam của biển Ô Trư và ở phía đông nam của biển Độc Trư. Quần đảo Trung Sa nằm ở phía đông nam của hai biển này, khó có thể coi là “nằm ở phía đông của hai biển Ô Trư và Độc Trư.” Vạn Lí Thạch Đường là nơi duy nhất không có từ “sa” trong ba địa danh được liệt kê ở đây, điều này trùng hợp với thực tế là quần đảo Trung Sa đều là đá ngầm. Tất nhiên, nếu cho rằng sự phân biệt giữa Hoàng Sa và Trung Sa không quá rõ ràng, thì cũng hợp lí khi coi Vạn Lí Thạch Đường ở đây là cả Tây Sa và Trung Sa.

Trong ghi chép thứ ba, Vạn Lí Trường Sa nằm ở phía đông nam của Vạn Lí Thạch Đường, vì vậy không có gì phải bàn cãi khi cho rằng Vạn Lí Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa. Điều đáng chú ý ở đây là Vạn Lí Trường Sa “cũng là sông Lưu Sa của Tây Nam Di“. Nói cách khác, quần đảo Trường Sa thuộc địa bàn của Tây Nam Di. Điều này cho thấy, ít nhất là theo Hoàng Trung, quần đảo Trường Sa là một nơi thuộc nước ngoài. Cái gọi là Tây Nam Di thật ra là tên mà Trung Quốc dành gọi chung cho các nước Đông Nam Á. Bọn man rợ phía tây nam (Tây nam di) được tóm tắt trong Tứ di quảng kí bao gồm cả nước Bột Nê và nước Tô Lộc.[248] Nước Bột Nê, tức Brunei ngày nay, chiếm toàn bộ phía bắc đảo Kalimantan, bao gồm cả Sarawak và Sabah. Nước Tô Lộc nằm trên quần đảo Sulu thuộc Philippines ngày nay. Hai nước này rất hùng mạnh vào thời đó và là những thành phần quan trọng của giao thông biển ở Đông Nam Á. Từ bối cảnh lịch sử và vị trí địa lí, Tây Nam Di được đề cập ở đây có thể là hai nước này.

Có một ghi chép về biển Thất Châu trong Hải ngữ. Ghi chép này sẽ được thảo luận lại trong Phần 3.5.

6. Tứ di quảng kí của Thận Mậu Thưởng thời Minh và Thù vực chu tư lục (1574) của Nghiêm Tòng Giản ghi chép về chuyến đi sứ của Ngô Huệ

Thận Mậu Thưởng sinh ở Ngô Hưng, Chiết Giang, hiệu là Thai Tử, không rõ năm sinh và năm mất. Trong cuốn sách Tứ di quảng kí [Triều Tiên Phủ Sơn vãng Nhật Bản lộ trình địa lí điều (Đông di quảng kí)], có đề cập đến “Quan Bạch (Toyotomi Hideyoshi) của Nhật Bản cướp phá Triều Tiên,” nay là quần đảo Quan Bạch Đãng”, v.v. Do đó, Tứ di quảng kí [四夷廣記] phải được viết trong hoặc sau Chiến tranh Triều Tiên, tức là từ năm thứ 20 đến thứ 26 Vạn Lịch (1592-1598). Có nhiều cuộc hành trình trên biển được ghi lại trong cuốn sách, trong đó có ghi chép sau:

Năm Chính Thống thứ 6, Ngô Huệ đi sứ từ Quảng Đông đến Chiêm Thành bằng đường thủy

Năm Chính Thống thứ 6, ngày 23 tháng 12, cấp sự trung Thư Mỗ và hành nhân Ngô Huệ khởi hành từ huyện Đông Hoàn. Ngày 24, đi qua biển Ô Trư. Ngày 25, đi qua biển Thất Châu và nhìn thấy núi Đồng Cổ. Ngày 26, đến núi Độc Trư và thấy núi Đại Châu. Ngày 27 đến biên giới Giao Chỉ. Có một đảo rất lớn cắt ngang biển, với những tảng đá kì lạ và sắc nhọn, gió thổi thuyền chạm vào sẽ vỡ tan. Người trên thuyền vô cùng kinh hãi, trong chốc lát gió liền ập tới. Ngày 28, tới Giáo Bôi Thự Trung ở biển Ngoại La Chiêm Thành. Trở lại Đông Hoàn ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 7 [chú giải, sứ giả sai đến Chiêm Thành, chỉ có thể kiểm tra dấu vết thuyền của Trịnh [Hoà] và Ngô [Huệ]. Tuy nhiên, Hoà từ Tân Châu vào, Huệ từ Giáo Bôi vào, hai đường đều có thể đi được, nhưng tùy theo gió mà neo đậu ở chỗ khác nhau!] [249]

Đây là câu chuyện về Ngô Huệ, một viên quan nhà Minh cùng tùy tùng, được sai đi sứ đến Chiêm Thành vào năm 144. Họ vượt qua biển Ô Trư trước, kế đó là biển Thất Châu và sau đó là núi Độc Trư. Biển Thất Châu ở đây chỉ vùng biển xung quanh nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, nằm giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư. Sau khi tiến vào ranh Giao Chỉ giới (đến Giao Chỉ giới), họ gặp phải một đảo rất lớn, có những tảng đá kì lạ và các cạnh sắc nhọn, cực kì nguy hiểm. Theo cách mô tả vị trí và địa mạo như vậy, đảo khổng lồ ở đây phải chỉ quần đảo Hoàng Sa. Hàn Chấn Hoa cũng cho rằng địa phận này “chỉ quần đảo Tây Sa, Trung Sa và các khu vực hàng hải nguy hiểm lân cận “.[250]

  

Hình 17 Tứ di quảng kí

Hình 18 Thù vực chu tư lục

Điều này cũng được ghi lại trong các cuốn sách khác. Sách Thù vực chu tư lục [殊域周咨錄], quyển 7, Chiêm Thành, cũng có ghi chép điều này chi tiết (Hình 18):

Năm Chính Thống thứ 6, vua mất, Ma Ha Quý Do kế vị, xin cầu phong. Hoàng đế xuống chiếu sai cấp sự trung Thư Mỗ [đã mất tên] làm chánh sứ, và Ngô Huệ làm phó sứ, đi phong vương cho ông ta. Mùa đông ngày 23 tháng 12, khởi hành từ Đông Hoàn. Ngày hôm sau đi qua biển Ô Trư, ngày hôm sau nữa đi qua biển Thất Châu, nhìn thấy núi Đồng Cổ. Ngày tiếp theo, đến núi Độc Trư, nhìn thấy núi Đại Châu. Ngày kế nữa, đi đến Giao Chỉ, có một đảo khổng lồ ở bên kia biển, với những tảng đá kì lạ, nếu gió mạnh, thuyền sẽ bị vỡ vụn khi chạm vào, và những người trên thuyền đều sợ hãi. Trong phút chốc gió ùa tới. Ngày hôm sau, đến Giáo Doãn thuộc biển Ngoại La Chiêm Thành. Ngày 29, vua sai đầu mục đến đón chiếu, đi thuyền quý hình voi, đánh trống phất cờ, khua chiêng, tẩm hương, mũ áo chỉnh tề, tiền hô hậu ủng, vào cung thiết yến tiệc. Vua cưỡi voi ra quốc môn, đội mũ hoa vàng, quấn vòng cổ, xung quanh lều treo giáo mác, dùng voi bảo vệ. Tuyên chiếu xong, vua dập đầu xuống đất tiếp thu mệnh lệnh. Bấy giờ là tháng 12 âm lịch, và nước này vẫn còn nóng. Đa số người dân đều cởi trần, còn các học giả mặc quần áo gai. Phía nam lúa đã chín vàng, phía bắc lúa mạ còn xanh tốt. Vào đêm rằm tháng giêng năm thứ 7, vua mời xem pháo hoa. Nghe đàn gỗ trầm, đốt cây lửa, nhạc vũ tràn đầy. Mỗi đêm, trống chia thành 8 canh. Vào ngày 6 tháng 5, trở về, đến biển Thất Châu, gió lớn muốn làm thuyền lớn lật úp. Chánh sứ Thư Mỗ lo khóc, không biết phải làm gì, Huệ viết văn tế Chúc Dung và thần Thiên Phi. Lát sau trời quang lại, và nhìn thấy những ngọn núi biển Quảng Đông. Ngày 15, vui đến biển Quảng Đông và về đến Đông Hoàn.

Lời bàn: Ngô Huệ, tự Mạnh Nhân, người Đông Ngô. Năm thứ 22, phụ trách vận chuyển ngũ cốc đến kinh thành, trên đường ngâm những bài thơ cổ. Khi nói chuyện với quan huyện, quan thấy không phải tầm thường nên nhận làm đệ tử. Đậu tiến sĩ năm Giáp Thìn triều Vĩnh Lạc. Huệ là tiến sĩ đầu tiên của Động Đình. Dạy người đi đường, thích nói chuyện vui. Khi đi sứ Chiêm Thành về, được thăng làm tri phủ Quế Lâm. Tộc Dương người Man ở đông Nghĩa Ninh liên kết với người Miêu gây loạn, và các nhóm phiên đề nghị tiến quân chinh phạt. Huệ ngăn lại và nói: “Nghĩa Ninh thuộc về ta, ta sẽ đi phủ dụ. Nếu không theo, dùng binh cũng không muộn.” Sau đó ông cùng hơn 10 người tiến vào động, núi và đá dốc như kiếm kích. Nghe thấy quan phủ đến, bọn người Dao phóng như bay chạy báo tù trưởng. Huệ nói: “Nếu coi ta như cha mẹ thì nên nghe lời.” Mọi người đều vâng dạ. Huệ nhân đó giảng giải điều thuận nghịch, hoạ phúc. Man tộc họ Dương khóc vì xúc động, ông ở lại vài ngày để quan sát tình hình các làng, rồi rời đi qua hàng ngàn lính canh và về báo bãi binh. Năm sau, bọn cướp ở châu Vũ Cương tuyên bố rằng trưởng châu Nghĩa Ninh sẽ là chủ. Các nhóm phiên trách Huệ. Huệ nói: “Ta chịu trách nhiệm.” Ông cử người đến Nghĩa Ninh. Bọn người Dao từ đỉnh núi thấy sứ giả của Huệ, từ xa đã tỏ lòng kính trọng và không dám nói lời chống lại. Hơn nữa, trách bọn Vũ Cương cáo buộc sai, và kế hoạch của đám cướp bị chặn lại. Đến tận quận của Huệ, không ai dám ăn trộm. Sau đó, ông được thăng chức hữu tham chánh Quảng Đông và được bổng chánh tam phẩm sau khi chết. Sóng gió trên biển vượt khỏi tầm với của con người, nhưng Huệ vẫn chấp nhận hiểm nguy như thường, và không hoảng loạn như Thư Mỗ. Này! Sấm mưa không làm mê muội, cho nên Thuấn thành thánh nhân; đến gió bão còn phải kính trọng nên Trình Tử là thánh nhân. Tính Huệ độ lượng, có thể thấy ở đây. Sau đó, bọn di ở động phản trắc không thể tin được, giống như những cơn sóng biển không thể đoán trước. Huệ cư xử thản nhiên đều do tính độ lượng thúc đẩy, Làm sao có thể không có cơ sở cho lợi ích! Hãy xem ông hàng ngày ngâm thơ cổ, ung dung trào phúng, và tu dưỡng tinh thần, trong có điều tất định thì nguy hiểm là như nhau, giải quyết việc lớn được như vậy. Tục ngữ có câu: “Đọc thuộc ba trăm bài thơ, mà không thể ứng đối được, không dùng vào việc cai trị được, dù nhiều nhưng chẳng được gì !” Huệ nay không những ứng đối được ở chỗ xa mà còn có thể cai trị thành công người man. Những bài ông ngâm quả thực là những bài bổ ích. Còn quan huyện có thể nhận ra điều đó khi ngâm tụng thơ, nhưng là bài học khác! Vì biết rằng người xưa đi sứ các nước, trong lúc yến tiệc, làm thơ để tỏ ý chí, suy đoán thành tựu. nhưng sau đó không hài lòng, lấy sự bao dung làm việc lớn. Những người nhận chiếu đến Chiêm Thành là khác nhau. Nhưng chỉ có dấu vết thuyền Trịnh Hoà được ghi lại trong Tinh tra thắng lãm và dấu vết thuyền của Ngô Huệ được ghi lại trong nhật kí của Huệ, vì vậy được viết chuyên biệt ra để chỉ ra đường đi, lịch ngày tháng để các sứ giả tương lai có thể theo đó để đi. Hơn nữa, Hoà từ Tân Châu vào, còn Huệ từ Giáo Bôi vào. Phải chăng hai đường đều đi được và tùy theo gió mà neo đậu, vì vậy khác nhau?[251]

Chuyện Ngô Huệ đi sứ đến Chiêm Thành được ghi lại không khác nhau mấy trong các sách khác, chẳng hạn như Thủ khê trường ngữ [守溪長語] và Chấn trạch kỉ văn [震澤 紀聞] của Vương Ngao, và Quảng Đông thông chí [廣東通志] của Hoàng Tá.[252]

Các ghi chép trong Tứ di quảng kíThù vực chu tư lục đặc biệt đáng chú ý, đoàn sứ của Ngô Huệ trước tiên tiến vào ranh giới Giao Chỉ và sau đó mới gặp quần đảo Hoàng Sa, điều này cho thấy người ghi chép tin rằng quần đảo Hoàng Sa nằm trong ranh giới Giao Chỉ. Theo Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản, kinh nghiệm của chuyến hành trình này đã được ghi lại trong nhật kí của Ngô Huệ, tức là “Dấu vết thuyền của Ngô Huệ được ghi lại trong nhật kí của Huệ“. Nghiêm Tòng Giản là hành nhân của Ti Hành nhân của nhà Minh kiêm hữu cấp sự trung của bộ phận hình sự, Ti Hành nhân là cơ quan chính thức của nhà Minh phụ trách các vấn đề đối ngoại và có quyền tiếp xúc tất cả các tài liệu về đối ngoại. Do đó, ghi chép trong Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản có thể đã được trích trực tiếp từ nhật kí mà sứ giả Ngô Huệ giao cho Ti Hành nhân. Nếu đây thật sự là những lời kể gốc trong nhật kí của Ngô Huệ, vì Ngô Huệ là sứ giả đến Chiêm Thành, nó có thể được coi là một thái độ chính thức. Một ví dụ tương tự là trong lịch sử Điếu Ngư Đài, các ghi chép về Lưu Cầu do các sứ giả Trung Quốc viết được nhiều người coi là tài liệu chính thức chính thức và có giá trị pháp lí quan trọng trong việc chứng minh tình trạng của Điếu Ngư Đài. Ngoài ra, các tác phẩm do Nghiêm Tòng Giản, một đồng nghiệp của các sứ giả nhà Minh vào thời đó, viết ra cũng mang rất nhiều ý nghĩa chính thức.

Ngoài ra còn có ghi chép về biển Thất Châu trong Tứ di quảng kí, nội dung và nơi xuất hiện của nó giống như trong Hải ngữ, vì vậy cả hai có thể có cùng một nguồn, hoặc Tứ di quảng kí có thể sao chép từ Hải ngữ.

7. Hải tra dư lục (1540) của Cổ Giới của triều đại nhà Minh

Gần như cùng lúc với Hải ngữ Hải tra dư lục [海槎餘錄] của Cổ Giới. Cổ Giới sinh ra vào triều Gia Tĩnh nhà Minh, và cuộc đời của ông gần như không thể truy dấu được. Theo lời tự thuật của ông, ông đến Hải Nam làm quan vào năm Gia Tĩnh thứ nhất (1522) và từ chức vào năm 1527. Sau này, dựa trên hàng trăm sự kiện được ghi lại ở Hải Nam, ông đã viết cuốn sách này vào năm 1540. Hải tra dư lục là một cuốn sách chủ yếu kể về câu chuyện của đảo Hải Nam, nhưng ở phần cuối, cũng có đề cập đến Thiên Lí Thạch Đường và Vạn Lí Trường Đê (Hình 19).

Thiên Lí Thạch Đường ở biển Nhai Châu cách bờ 700 lí, tương truyền bờ đá này chỉ thấp hơn mặt nước 8 hoặc 9 xích, tàu thuyền phải tránh, nếu lọt vào thì không thể ra được. Vạn Lí Trường Đê đi ra phía nam, sóng chạy rất nhanh, thuyền bè qua lại, khó ai ra được. Thuyền của bọn phiên đi lâu thành quen, dù giông bão đến mấy cũng tránh được. Ngoài ra, còn có bãi có ma khóc, hết sức kì lạ, khi thuyền đến sẽ có những con ma không đầu, một tay, một chân và hói đầu rượt đuổi nhau thành từng nhóm cả trăm con, người đi thuyền thường ném gạo vào chúng để ngăn chúng lại, chưa từng nghe chúng làm hại bất cứ ai.[253]

Hình 19 Hải tra dư lục

Hai địa danh Thiên Lí Thạch Đường và Vạn Lí Trường Đê được đề cập ở đây. Thiên Lí Thạch Đường ở đây chỉ quần đảo Hoàng Sa. Có người cho rằng đó là quần đảo Trung Sa,[254] nhưng điều đó không đúng, bởi vì phần cạn nhất của quần đảo Trung Sa vẫn nằm dưới mặt nước hơn 10 mét, chứ không phải chỉ 3 mét (= ⅓ m x 9 [xích]). San hô thậm chí không cao như thế này hàng trăm năm trước. Vậy ở đây phải là quần đảo Hoàng Sa, hoặc cả hai. Vạn Lí Trường Đê nằm ở phía nam của quần đảo Hoàng Sa, vì vậy nó chỉ quần đảo Trường Sa.

Ghi chép này phản ánh rằng người Hải Nam đã có hiểu biết nhất định về Hoàng Sa và Trường Sa vào thời đó. Nếu không, Cổ Giới, người không quá quan tâm đến địa lí và phong tục hải ngoại, chắc chắn sẽ không biết sự tích của Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đồng thời, qua miêu tả có thể thấy rằng hiểu biết của tác giả về Hoàng Sa và Trường Sa còn rất ít, Hoàng Sa thì dùng từ “tương truyền”, còn Trường Sa thì thêm vào chuyện ma quỷ, tương tự như ghi chép trong Hải ngữ.

Điều đáng chú ý là mặc dù kiến ​​thức của Cố Giới về Hoàng Sa và Trường Sa là từ người Hải Nam, nhưng lời văn giải thích thêm rằng Trường Sa (Vạn Lí Trường Đê) là phạm vi hoạt động của người Di. Câu “Thuyền bọn phiên đi lâu thành quen, dù giông bão đến mấy cũng tránh được“, cho thấy các thủy thủ nước ngoài thường đi thuyền trong vùng biển của quần đảo Trường Sa và có thể tránh đá ngầm thành thạo. Câu này chứng minh mạnh mẽ rằng “người phiên” (phiên nhân) là lực lượng chính trong các hoạt động ở quần đảo Trường Sa vào thời đó, và quần đảo Trường Sa cũng là phạm vi ảnh hưởng của họ. Điều này trùng hợp với Hải ngữ rằng Vạn Lí Trường Sa là “sông Lưu Sa của Tây Nam Di“. Như đã nói ở trên, thuyền của bọn phiên (phiên bạc) ở đây chỉ tàu thuyền của Brunei hay Sulu.

8. Đồ thư biên (1562-1577) của Chương Hoàng đời nhà Minh

Chương Hoàng (1527-1608) là một địa lí, nhà giáo dục và học giả kinh dịch triều Minh. Ông là một trong Tứ quân tử của sông Dương Tử, cùng với Ngô Dữ Bật, Đặng Nguyên Tích, Lưu Nguyên Khanh. Ông mở trường (tẩy đường) bên bờ Đông Hồ để thu nạp đệ tử và giảng bài, đồng thời ông cũng là giảng viên của thư viện Động Bạch Lộc, và là một trong những nhân vật hàng đầu trong giới học giả Vương môn ở Nam Xương lúc bấy giờ. Ông đã kết bạn với Matteo Ricci, một người Ý, và thậm chí còn mời Ricci đến giảng đường của thư viện Động Bạch Lộc để giảng về Tây học nhằm thúc đẩy đường hướng giảng dạy thuận thiên. Ông là tác giả của Đồ thư biên [圖書編] (còn được gọi là Cổ kim đồ thư biên), gồm 127 quyển với khoảng một triệu chữ, mỗi quyển có một số lượng lớn hình ảnh minh họa, quyển 1-15 về kinh nghĩa, quyển 16-28 về tượng vĩ lịch toán, quyển 29-67 về địa lí, quyển 68-125 về nhân loại, quyển 126 là Dịch tượng loại biên và quyển 127 về học ngữ. Nội dung của toàn bộ kiệt tác này rất toàn diện, với những thảo luận tuyệt vời về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, phong tục, cấu trúc cơ thể con người, y học, động vật và thực vật, v.v.

Trong quyển 51, có trích dẫn lời của Thông sự Ác Văn Nguyên người Xiêm La (Thái Lan) vào năm 1572:

Khi gió tây thổi vào Đông Hải (biển Hoa Đông), có một ngọn núi tên là Vạn Lí Thạch Đường, bắt đầu từ nước Lưu Cầu (Ryukyu) ở Đông Hải chạy đến núi Long Nha ở Nam Hải (biển Đông).[255]

Những việc làm của thông sự Xiêm La Ác Văn Nguyên, cũng được ghi lại trong các cuốn sách khác. Ví dụ như trong Việt hải quan chí [粵海關志] của Lương Đình Tương thời Thanh,(1838), có ghi:

Năm Long Khánh thứ 6… Thông sự Ác Văn Nguyên nói: Nước ông đông giáp Đại Nê, nam giáp Đông Ngưu, tây giáp Lan Trường, và bắc giáp biển, từ huyện Hương Sơn, Quảng Đông lên thuyền, lợi dụng gió bắc, dùng la bàn đi theo hướng Ngọ (nam), ra biển lớn tên là biển Thất Châu, 10 ngày đêm có thể đến biển An Nam, có một chỗ tên Ngoại La, 8 ngày có thể đến biển Chiêm Thành… thuận gió có thể đi trong trong 40 ngày thì tới, còn nếu gặp gió đông thuyền bị thổi đi về phía tây, tức thuyền có thể bị hỏng vì va vào núi, nếu gặp gió tây thổi vào Đông Hải, có một ngọn núi tên là Vạn Lí Thạch Đường, chạy từ nước Ryukyu ở Đông Hải tới núi Long Nha ở Nam Hải, triều lên thì ẩn, triều xuống mới hiện ra, thuyền dạt vào đây, ít người sống sót.[256]

Núi có tên là Vạn Lí Thạch Đường mô tả ở đây, từ Đài Loan (Ryukyu) ở biển Hoa Đông chạy thẳng đến núi Long Nha ở biển Đông (Singapore hoặc mũi Varella ở Việt Nam hoặc đảo Linga ở Indonesia, chỉ nêu một vài).[257] Không thể nào Vạn Lí Thạch Đường ở đây và Vạn Lí Thạch Đường trong Đảo di chí lược là một, vì nó bao gồm quần đảo Đông Sa và quần đảo Trường Sa, cũng có thể bao gồm cả Trung Sa và Tây Sa, Phạm vi cụ thể không thể kiểm tra được. Lời văn không hề cho rằng đây là một địa phương của Trung Quốc mà chỉ ghi lại lời của quan Xiêm La, mô tả những nguy hiểm có thể gặp phải trên tuyến đường thủy từ Xiêm La đến Trung Quốc.

9. Đông Tây dương khảo (1617) của Trương Tiếp thời Minh

Trương Tiếp (1574-1640) là một cử nhân ở Chương Châu, nhìn thấy sự thối nát chính trị vào cuối thời Minh, ông không có ý định làm quan nên đã ở nhà chuyên tâm viết văn. Năm Vạn Lịch thứ 45 (1617), theo yêu cầu của quan lại Chương Châu, Đông Tây dương khảo 東西洋考] đã được viết, chủ yếu ghi lại tình hình buôn bán liên quan đến Chương Châu. Cuốn sách ghi lại rất nhiều thông tin về các tuyến đường biển (châm lộ) rất hữu ích, có thể so sánh với Thuận phong tương tốngTứ di quảng kí. Cuốn sách cũng lần đầu tiên nói đến cái gọi là ranh giới giữa Đông dương và Tây dương, trong đó Brunei là ranh giới, phía đông Brunei là Đông dương và phía tây Brunei là Tây dương. Trong quyển thứ 9 của bộ sách “Chu sư khảo” [舟師考], khi mô tả tuyến đường biển từ Hải Nam đến Đông Kinh Giao Chỉ có ghi chép về biển Thất Châu và Thạch Đường (Hình 20):

Núi Thất Châu, biển Thất Châu [Quỳnh Châu chí nói: cách Văn Xương 100 lí về phía đông. Trong biển có núi, 7 ngọn nối tiếp nhau, trong đó có suối, nước ngọt uống được. Quân Lưu Thâm nhà Nguyên truy đuổi Tống Đoan Tông, bắt được người họ hàng của vua là Du Đình Khuê. Tục truyền rằng Thất Châu chìm dưới nước, tàu thuyền đi qua, có lệ phải cúng thí những con vật sống, nếu không sẽ bị tai họa, tàu thuyền đi qua đây cực kì nguy hiểm, lệch một ít sang phía đông chính là Vạn Lí Thạch Đường, tức cái gọi là biển Thạch Đường phía đông Vạn Châu. Tàu thuyền phạm vào Thạch Đường, hiếm người thoát được. Biển Thất Châu nước sâu 130 thác, nếu đến Đông Kinh Giao Chỉ, sử dụng kim Thân đơn đi 5 canh, đến núi Lê Mẫu.[258]

Hình 20 Đông Tây dương khảo

Vạn Lí Thạch Đường cũng được nhắc đến trong phần Thủy tinh thủy tỉnh [水星水醒]:

Nước dậy, thế nước chảy rất xiết, khi thuyền đi đến biển Thất Châu và biển Ngoại La trong vài ngày, thân tàu không nên lệch về hướng đông mà nên nghiêng về hướng tây. Từ mồng 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 nước rút về đông: ngày 23, 24, 25, 26, 27, 28 nước đều rút về đông, thuyền đến biển Thất Châu và Ngoại La trong vài ngày, cố giữ để thân thuyền không lệch về phía tây, bởi vì ở phía tây sẽ không có nước, vì vậy tốt hơn là nên lệch qua phía đông. Thuyền đi mà lệch phía tây, gặp nước trong xanh, thấy nhiều cá lượn sóng (bái lãng ngư), thiên về đông thì nước xanh đen, có nhiều thân cây mục lớn, dòng chảy sâu và có tiếng vịt tiếng chim, nếu thấy chim trắng với một mũi tên trên đuôi, vây là đi đúng đường. Gần Ngoại La, thuyền đi về phía đông 7 canh, đó chính là Vạn Lí Thạch Đường, bên trong có một ngọn núi đá đỏ, không cao, nếu thân thuyền thấp và thấy đá thì phải đề phòng.[259]

Biển Thất Châu (七洲洋: Thất Châu dương) ở đây chỉ vùng biển của nhóm đảo Thất Châu (七洲列島: Thất Châu liệt đảo) ở phía đông bắc đảo Hải Nam (xem 3.5). Vạn Lí Thạch Đường trong ghi chép đầu, xuất phát từ nhóm đảo Thất Châu đi thuyền lệch về phía đông 7 canh trên cơ sở hướng tây nam ban đầu, phải chỉ quần đảo Hoàng Sa ở phía nam. Vào thời đó, Quỳnh Châu chí [瓊州志] đã sử dụng cái gọi là “biển Thạch Đường phía đông Vạn Châu” (萬州東之石塘海: Vạn Châu đông chi Thạch Đường hải), tức là biển Thạch Đường ở phía đông Vạn Châu, chứ không phải “biển Thạch Đường của Vạn Châu” (萬州之石 塘海: Vạn Châu chi Thạch Đường hải). Do đó, đoạn văn này nói về các tuyến đường biển và vị trí địa lí, chứ không nói đến vấn đề sở hữu lãnh thổ.

Vạn Lí Thạch Đường trong ghi chép thứ hai chỉ quần đảo Trường Sa, điều này mâu thuẫn với Thuận phong tương tống, sẽ gộp vào phân tích dưới đây.

10. Sách hướng dẫn đi biển Chỉ nam chánh pháp thời Thanh

Vào đầu thời Thanh, còn có một cuốn hướng dẫn đi biển khác là Chỉ nam chánh pháp [指南正法], năm cuối cùng được đề cập trong cuốn sách là năm Khang Hi thứ 50 (1711), xét theo cách hành văn thì đó là sau khi Đài Loan quy thuận nhà Thanh không lâu, nên có thể sách được ra vào đầu thế kỉ 18.[260] Tác giả của nó có thể là một người gốc Chương Châu tên là Ngô Phác, ông ta là một người từng đi du lịch nước ngoài (phiên) và có một bản Hải lộ kí trong nhà. Có lẽ ông cũng đã thu thập một số sách hướng dẫn đi biển khác, sắp xếp chúng và viết thành cuốn sách này.[261] Có ba chỗ trong Chỉ nam chánh pháp nói về Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường:

(1) Lời nói đầu

Hễ thuyền đi đến biển Thất Châu và Ngoại La, phải tính đến số lần nước dâng và rút. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6, từ ngày 15 đến ngày 20, nước đều dâng lên, khi dâng thì chảy về hướng Tây. Từ ngày 8 đến ngày 13, từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 9, nước rút, khi rút thì chảy về hướng đông. Cũng cần phải kiểm tra cẩn thận. Gió lớn gió nhỏ, và nước chảy xuôi ngược, có thể đi đúng đường. Cẩn thận đừng lệch đông hay tây, nếu sang tây thì có nước chảy qua đông, sang đông thì không có nước kéo qua tây. Tây nước trong, gỗ mục trôi, cá (bái phong ngư) là thường. Đông, nước xanh đen, chim đầu vịt kết thành bầy, nhưng thấy chim mũi tên là biết đi đúng đường. Nếu qua Thất Châu, đi lệch về phía đông 7 canh sẽ thấy Vạn lí Trường Sa, nhìn xa giống như cánh buồm, nhìn gần giống hai ba cánh buồm thì nên kéo bánh lái. Nếu một ngày nào đó nhìn thấy Ngoại La đối diện, đi 7 canh về phía đông, chính là Vạn Lí Thạch Đường, trong đó có đảo đá đỏ, không cao, nếu thấy nước thấp ở thân thuyền thì có thể đề phòng. Nếu đến biển Giao Chỉ, nước trong xanh trắng, thấy cá bái phong, có thể lọt vào Tiêm Bút La, chỉ nên đi ra ngoài. Nếu nhìn thấy thành phố màu tím và một cây chết lớn, có thể đi theo hướng Khôn Thân trong một ngày một đêm có thể thấy Đại Phật Linh Sơn. Trước Đại Phật, vào tháng 4, 6, 7, 8 nước chảy về hướng tây rất nhanh, đến gần núi thì rất tốt. Gió đông bắc ngưng lại, nước chảy về hướng bắc, nên ghi nhớ.[262]

(2) Thế nước ở núi Đại Minh Đường và ở hai đảo Đông và Tây Dương Sơn

Núi Độc Trư dò nước sâu 120 thác, đi qua lại đều phải cúng thí. Lệch về đông nhiều cá, về tây nhiều chim. Bên trong là Đại Châu Đầu thuộc Hải Nam, bên ngoài Đại Châu Đầu nước chảy xiết, lau sậy và củi tạo thành ranh giới dòng chảy. Lệch về đông cá bay, lệch tây cá bái phong. Đi 7 canh, thuyền vào Vạn Lí Trường Sa Đầu.

Núi Ngoại La đông cao, tây thấp, bên trong có bờ dừa, gần núi có một lão nhân, nước sâu 45 thác. Lệch về đông sợ thấy Vạn Lí Thạch Đường, đi theo hướng Bính Ngọ 7 canh gặp Giao Bôi, bên trong nước sâu 18 thác, bên ngoài nhớ nước sâu 5 thác, có thể đi thuyền qua được, ở rìa phía nam có đá lộ khỏi mặt nước. Nếu ở cảng Mã Lăng Kiều Thần Châu, nước sâu 8,9 thác, ở mũi sau sâu 2, 3 thác, vào cảng có một tháp, có thể đậu thuyền.[263]

(3) Thiên Đức Phương

Khi thuyền trở về Đường (Trung Quốc), thấy nước biển trắng, hàng trăm loài chim cả vạn con họp bầy, có thể đề phòng Vạn Lí Trường Sa. Lau sậy nhiều, nếu thân thuyền lệch về phía tây, sẽ thấy rào Hải Nam, không nên đến gần Thanh Lan Đầu. Lọt vào Thanh Lan Đầu sợ rằng khó ra được, và chỉ theo hướng Giáp Dần mới tốt. Sau khi vượt qua biển Thất Châu, trong biển Thất Châu có 7 dòng chảy, nếu gần Cửa Nam Đình, thấy Nam Áo hướng đông bắc, là quá tốt.[264]

Theo ghi chép ở đây, Vạn Lí Trường Sa Đầu nằm trên tuyến đường từ núi Độc Trư đến núi Ngoại La. Và trong hành trình trở về, sau khi băng qua con đường tiếp giáp với Vạn Lí Trường Sa sẽ đến Hải Nam. Vạn Lí Trường Sa ở đây chỉ quần đảo Hoàng Sa, và Vạn Lí Trường Sa Đầu là vùng biển ngoài khơi phần cực tây của quần đảo Hoàng Sa. Còn Vạn Lí Thạch Đường nằm ở phía đông của tuyến đường đi về phía nam từ núi Ngoại La, nên đó phải là quần đảo Trường Sa. So với Thuận phong tương tống, tên gọi chỉ đảo ngược. Việc đối chiếu này càng cho thấy rằng hai bộ sách hướng dẫn đi biển này có nguồn gốc khác nhau rõ rệt. Tất nhiên, không có sự quy kết chủ quyền nào liên quan ở đây.

Vạn Lí Thạch Đường nói trong “Thấy Ngoại La đối diện, đi 7 canh về phía đông, đó là Vạn Lí Thạch Đường, bên trong có một đảo đá đỏ, không cao, nếu thấy nước thấp ở thân thuyền, có thể đề phòng” chỉ chỗ nào? Có mâu thuẫn giữa Chỉ nam chánh pháp Thuận phong tương tống. Trong Thuận phong tương tống cũng có câu gần giống như vậy (“Nếu như thuyền gần Ngoại La, đi ngược hướng lệch về phía đông 7 canh thì đó là Vạn Lí Thạch Đường, bên trong có đảo đá đỏ, không cao, nếu thấy thân thuyền thấp, và nếu thấy đá thì có thể đề phòng.”), và câu sau cũng có Vạn Lí Thạch Đường “nếu như thuyền từ biển Thất Châu đi ngược về phía đông 7 canh, sẽ thấy Vạn Lí Thạch Đường giống như một cánh buồm“, dường như là cùng một nơi. Tuy nhiên, trong Chỉ nam chánh pháp, mặc dù cũng ghi “Nếu đi qua Thất Châu, đi lệch về phía đông 7 canh sẽ thấy Vạn lí Trường Sa, nhìn xa giống như cánh buồm,” nhưng nơi này lại được gọi là Vạn Lí Trường Sa, có vẻ như là nơi khác. Vậy ai đúng ai sai? Hướng Đạt tin rằng cả hai đều là quần đảo Hoàng Sa, Thạch Đường là phần phía nam và Trường Sa là phần phía bắc, nhưng ông không chắc chắn.[265] Từ phân tích về các tuyến đường, tác giả cho rằng Vạn Lí Thạch Đường mà có đảo đá đỏ phải là quần đảo Trường Sa, vì thuyền đến phía đối diện của núi Ngoại La và sau đó đi về phía đông trong 7 canh (tức là đi về phía đông nam trong 7 canh), chỉ có quần đảo Trường Sa mới có thể phù hợp với các điều kiện này. Cách dùng từ trong “Đông Tây dương khảo” hoàn toàn giống như trong Chỉ nam chánh pháp, vì vậy chúng phải từ cùng một nguồn, và việc coi chúng là quần đảo Trường Sa là phù hợp.

Năm 2008, các nhà sử học Anh đã “phát hiện lại” một hải đồ của Trung Quốc được người Anh lưu giữ được cho là vào giữa thế kỉ 17, được gọi là Bản đồ Trung Quốc của Selden (The Selden Map of China).[266] Bản đồ này cung cấp bằng chứng mới cho việc làm rõ Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường. Trong bản đồ này (Hình 21),[267] Vạn Lí Trường Sa nằm ở phía nam của đảo Hải Nam, bên cạnh có dòng chữ ‘giống như một cánh buồm’ [似船帆樣: tự thuyền phàm dạng), tương đồng với vị trí của quần đảo Hoàng Sa, trong khi Vạn Lí Thạch Đường nằm ở phía tây nam của Vạn Lí Trường Sa, liền kề trực tiếp với nó, gần bờ biển phía nam của Việt Nam và song song với bờ biển, có một chấm đỏ ở giữa và bên cạnh có dòng chữ ‘đảo màu đỏ’ [嶼紅色: tự hồng sắc] (Hình 21), Cả hai đều cách xa vị trí của quần đảo Trường Sa. Xét từ sử liệu của bản đồ này, khẳng định của Hướng Đạt (tức là Trường Sa là phần phía bắc của quần đảo Hoàng Sa và Thạch Đường là phần phía nam) không phải là vô lí. Mặc dù thực tế quần đảo Hoàng Sa không được phân bố như vậy, nhưng không thể phủ nhận khả năng người dân thời đó đã nghĩ như vậy. Hình dạng của Trường Sa Thạch Đường theo hướng bắc-nam này khá giống vùng nguy hiểm phía Tây Hoàng Sa (xem 4.1.2) trong thời kì đầu, nhưng mối quan hệ giữa chúng vẫn còn khó xác định.

  

Hình 21 Bản đồ Trung Quốc của Selden bên trái, bản đồ đầy đủ; bên phải, phần phóng to của ô trên bản đồ bên trái, thể hiện Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường

Ngoài ra, còn có ghi chép về Nam Áo Khí (Pratas Islands):

Nam Áo Khí

Ở Nam Áo có một đảo với nhiều cây cối. Phía đông là một đảo nhỏ có vịnh cát chạy dài nối đuôi nhau trông như Vạn Lí Trường Sa. Lại nhìn kĩ, phía nam có một cái vịnh, có thể neo đậu thuyền, chỗ đó lấy lôi, nếu gặp phải núi, nên đề phòng. Dòng chảy ở rìa phía tây nam chảy rất xiết, thuyền có thể qua nhanh cửa phía sau, phía tây bắc có đá ngầm, phía đông bắc có triền cát, nhìn như Vạn Lí Trường Sa nhưng đuôi nó ớ phía đông, nước chảy về phía đông của nó. Nếu thấy núi này, dùng Càn Tuất để đi, đó là Đại Tinh.[268]

Khí Nam Áo này nằm ở phía nam Nam Áo, từ góc độ địa hình, kết hợp với nhận định trong phần tiếp theo trong Hải quốc văn kiến lục, hẳn là quần đảo Đông Sa. Đây cũng là ghi chép sớm nhất về quần đảo Đông Sa trong các tư liệu lịch sử của Trung Quốc.

11. Hải quốc văn kiến lục (1730) của Trần Luân Quýnh

Trần Luân Quýnh là một quan võ triều Thanh từ cuối thế kỉ 17 đến giữa thế kỉ 18. Ông rất quan tâm đến vấn đề hàng hải từ khi còn nhỏ và biết rất nhiều về các hoạt động hàng hải. Sau đó, vào năm Ung Chính thứ 8 (1730), ông viết Hải quốc văn kiến lục [海國聞見錄], ghi chép kĩ lưỡng về địa lí tự nhiên và nhân văn của Đài Loan và các đảo lân cận, đồng thời cũng có nhiều ghi chép về nước ngoài. Công trình này của ông cung cấp nhiều tư liệu địa lí biển, được người đời sau trích dẫn, có giá trị lịch sử rất cao. Hoàng Sa và Trường Sa được nhắc đến nhiều lần trong Hải quốc văn kiến lục, và Đông Sa cũng được nhắc đến. Và quan trọng nhất, vị trí của biển Thất Châu trong cuốn sách này khác với tất cả các cuốn sách trước đó. Biển Thất Châu trước đây đề cập đến biển Thất Châu của nhóm đảo Thất Châu ở góc đông bắc của tỉnh Hải Nam, nhưng biển Thất Châu trong cuốn sách này có một phạm vi và vị trí khác. Điều này sẽ được thảo luận cụ thể sau, và ở đây chúng tôi chỉ thảo luận về những chỗ trực tiếp đề cập đến các đảo ở biển Đông.

Hải quốc văn kiến lục – Nam dương kí [南洋記] (Hình 22) ghi:

Hạ Môn đến Quảng Nam, từ Nam Áo đến núi Lỗ Vạn của Quảng Tây và Đại Châu Đầu ở Quỳnh (Hải Nam), băng qua biển Thất Châu, qua núi Cô Tất La bên ngoài Quảng Nam và đến Quảng Nam; lộ trình dài 72 canh. Từ Giao Chỉ đi vòng phía tây biển Thất Châu lên phía bắc; Hạ Môn đến Giao Chỉ, lộ trình dài 74 canh. Biển Thất Châu nằm ở phía đông nam Vạn Châu, Hải Nam, nơi mà bất cứ ai đến Nam Dương đều phải đi qua. Tàu đi biển của Trung Quốc không so được với tàu phương Tây, họ biết dùng hỗn thiên nghi (quả địa cầu), và thước đo góc nghiêng mặt trời, đo giờ và khoảng cách với nước, thế là biết được đang ở nơi nào. Người Trung Quốc dùng la bàn, đồng hồ cát, và xem sức gió, hướng gió tính số canh: mỗi canh vào khoảng 60 lí, gió mạnh mà thuận thì tăng thêm, triều nghịch và gió ngược thì giảm bớt, cũng biết đang ở nơi nào, nếu trong lòng vẫn nghi ngờ, thì nhìn một ngọn núi xa xôi nào đó, phân biệt hình dạng ngọn núi ở trên ở dưới, dùng ‘thằng đà’ để thăm dò độ sâu của nước (đáy ‘thằng đà’ có tẩm dầu để khám phá cát và bùn), và kết hợp mọi thứ với nhau, để tăng độ chính xác. Riêng biển Thất Châu, bên ngoài Đại Châu Đầu, trời nước mênh mông, không có núi để làm mốc, gió rất thuận, đi đúng theo la bàn vẫn phải mất 6, 7 ngày mới vượt qua và thấy núi Ngoại La trên biển bên ngoài Cô Tất La, Quảng Nam, khi đó có dùng dây chuẩn (chuẩn thằng) cho phương vị. Quay sang phía đông, sẽ phạm vào Vạn Lí Trường Sa và Thiên Lí Thạch Đường, quay qua phía tây, sợ bị cuốn vào vịnh Quảng Nam, và không thể ra ngoài nếu không có gió tây. Hơn nữa, các thuyền buôn ban đầu không định đến Quảng Nam mà vào địa phận này, cho rằng do trời đưa đến, thuế và hàng hóa đều tăng gấp đôi, chia đều nếu vẫn chưa đủ. So với hai cái trống không của người hồng mao, về đại thể Trung Quốc vẫn còn cái gọi là sai một li lại đi ngàn dặm. Ở biển Thất Châu có một loài chim thần, trông giống như nhạn biển nhưng nhỏ; mỏ nhọn màu đỏ, chân ngắn màu lục, đuôi có một mũi tên dài khoảng hai xích, gọi là chim mũi tên (tiễn điểu). Khi tàu thuyền ra khơi, nó bay đến dẫn đường và mọi người lấy đó làm chuẩn. Thấy đúng, nó sẽ bay đi, nếu nghi ngờ, nó bay trở lại và xem xét kĩ những điều nghi ngờ, rồi bay đi bay lại. Nếu dâng giấy tạ ơn thần, nó sẽ bay luẩn quẩn không biết ở đâu. Tương truyền là Vương Tam Bảo đã đến Tây Dương, gọi chim gắn tên vào, và số mệnh của ông được ghi lại trong biển.[269]

Hình 22 Hải quốc văn kiến lục – Nam dương kí

Hải quốc văn kiến lục Nam Áo Khí [南澳氣] (Hình 23) ghi:

Nam Áo Khí, nằm ở phía đông nam của Nam Áo. Đảo nhỏ và bằng phẳng, 4 phía đều có chân toàn là đá. Thủy sinh mọc dưới đáy, dài cả trượng. Trong vịnh có những cồn cát, dòng nước tứ phía đều bị hút vào, thuyền không vào được, sa vào thì bị hút không thể quay lại. Cách Nam Áo theo đường thủy 7 canh là Lạc Tế xưa. Phía bắc có bờ cát (sa ngân) dài chừng 200 lí, lộ trình độ hơn 3 canh. Xa về phía bắc có hai ngọn núi tên là Đông Sư và Tượng, đối diện với Sa Mã Khí của Đài Loan. Biển rộng 4 canh có tên là Cửa Sa Mã Khi Đầu. Hơi nước lơ lửng trên biển, phía nam có bãi cát liên tục đến biển Quảng Đông, là Vạn Lí Trường Sa Đầu. Kế đến ở phía nam là một biển tên là Cửa Trường Sa. Còn các bãi cát trùng điệp phía nam cho đến Quỳnh Hải, Vạn Châu, được gọi là Vạn Lí Trường Sa. Ở phía nam của [Vạn Lí Trường] Sa đến biển Thất Châu, cũng có nhiều đá gọi là Thiên Lí Thạch Đường. Cửa Trường Sa, Nam Áo ở phía tây bắc và Bình Hải ở phía tây nam hợp thành thế chân vạc.

Cửa Trường Sa, chiều bắc nam khoảng 5 canh. Tàu thuyền nước ngoài (phiên bạc) đến Quảng Châu và tàu nước ngoài đi đến Luzon, Brunei, Sulu và các nước khác ở Đông Nam Á đều từ Cửa Trường Sa rời đi; gió bắc lấy Nam Áo làm mốc, gió nam lấy Đại Tinh. Tuy nhiên, những người từ các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang và Phúc Kiến đi đến Đông Nam Á thì đi qua Cửa Sa Mã Khí Đầu của Đài Loan để đến các nước thuộc đảo Luzon. Tàu thuyền phương Tây, từ Côn Lôn đi phía đông biển Thất Châu, ở ngoài Vạn Lí Trường Sa, đi qua Cửa Sa Mã Khí Đầu để đến Phúc Kiến, Chiết Giang và Nhật Bản, đi theo hình dây cung thẳng ra đại dương. Người đi từ Trung Quốc đi Nam Dương, chưa nắm chắc tuyến đường đi phía ngoài Vạn Lí Trường Sa, đều đi từ biển Quảng Đông phía trong [Vạn Lí Trường] Sa đến biển Thất Châu. Đây cũng là tinh thần về địa mạch liên tục của sông núi và đất đai, và nó cũng là chỗ hiểm yếu cho các nước ngoài biển trong đại dương bao la. [Vạn Lí Trường] Sa có những con chim biển, kích cỡ khác nhau. Hiếm khi gặp người, gặp thuyền thì ngừng bay, người bắt thì không biết sợ, phun tôm cá lên lưng làm canh.[270]

Hình 23 Hải quốc văn kiến lục Nam Áo Khí

Hải quốc văn kiến lục đi kèm với một bản đồ thế giới (四海總圖: tứ hải tổng đồ), trong đó có đánh dấu những địa điểm trên (lưu ý Thiên Lí Thạch Đường được ghi là Thạch Đường, và Vạn Lí Trường Sa được ghi là Trường Sa) (Hình 24). Nam Áo Khí ở đây được đánh dấu là “Khí” [氣] trên bản đồ, Nam Áo hiện là huyện Nam Áo ở Sán Đầu, Quảng Đông, vị trí địa lí nằm ở chỗ giáp ranh của Quảng Đông và Phúc Kiến. Trong lịch sử, Nam Áo do Quảng Đông và Phúc Kiến chia nhau quản lí, và nó là một thành phố phòng thủ biển quan trọng. Có thể thấy từ bản đồ rằng Đông Sa thật sự ở phía nam hoặc tây-nam Nam Áo. Mặc dù mô tả về Nam Áo Khí ở phía đông nam của Nam Áo không phù hợp với thực tế về phương vị, nhưng từ bản đồ và địa hình có thể thấy rằng chỉ có quần đảo Đông Sa là đáp ứng những đặc điểm này. Từ Nam Áo Khí về phía nam vào biển Quảng Đông (Nam Áo Khí ở chỗ ranh giới của Phúc Kiến), có một bãi cát ở phía nam, được gọi là Vạn Lí Trường Sa. Bãi cát này chắc là mấy bãi ngầm gần Nam Áo Khí. Tương tự là bờ cát (sa ngân) phía bắc được viết rõ ràng là 200 lí, phía nam không viết là bao xa, có lẽ do khoảng cách không lớn. Từ bờ cát này đến Vạn Lí Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa), khoảng 5 canh và nó được gọi là Cửa Trường Sa. Cửa Trường Sa này cũng có khả năng bao gồm vùng biển xung quanh quần đảo Trung Sa. Các mô tả về vị trí sau đó tiếp tục sai, Cửa Trường Sa được cho là ở biển Đông nhưng chân vạc Bình Hải chính là thành phố cổ Bình Hải của thành phố Huệ Châu, hoàn toàn không thể nào ở phía tây nam của Cửa Trường Sa. Nhìn từ góc độ địa lí, để cùng với Bình Hải và Nam Áo tạo thành “ba chân vạc”, đó phải là đảo Đông Sa (Nam Áo Khí), nếu như khoảng cách giữa Vạn Lí Trường Sa Đầu và đảo Đông Sa rất gần, thì Cửa Trường Sa cũng rất gần với đảo Đông Sa. Theo đó, Cửa Trường Sa cũng có thể đáp ứng mô tả về “ba chân vạc”. Nhưng ngay cả như vậy, các mô tả về hướng tây bắc và tây nam vẫn sai. Không thể xem xét tận cùng ở đây. Vạn Lí Trường Sa, thông thương thẳng tới Vạn Châu của Quỳnh Hải, chắc chắn chỉ quần đảo Hoàng Sa, mặc dù xét về địa lí thực tế, quần đảo Hoàng Sa và Vạn Châu vẫn cách nhau 300 km, nhưng không nên tìm hiểu quá sâu các miêu tả trong sách cổ (đặc biệt là miêu tả phương hướng trong cuốn sách có nhiều lỗi này). Thiên Lí Thạch Đường nằm ở phía nam của Vạn Lí Trường Sa, đó chính là quần đảo Trường Sa.

Biển Thất Châu (七洲洋; Thất Châu dương) ở đây, còn được gọi là biển lớn Thất Châu (七洲大洋: Thất Châu đại dương) khác với biển Thất Châu truyền thống, nó không chỉ vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, mà chỉ vùng biển giáp với đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, và quần đảo Natuna, đảo Côn Sơn và bán đảo Đông Dương, về cơ bản tương ứng với bộ phận phía tây hoặc tây nam của biển Đông. Đây là lần đầu tiên “biển Thất Châu theo nghĩa rộng[271] xuất hiện trong sách sử Trung Quốc (xem phần 3.5.8). Hai đoạn này trong sách mô tả phạm vi của biển Quảng Đông, được xác định là mặt biển được giới hạn bởi tuyến Đông Sa-Trung Sa-Tây Sa-đảo Hải Nam. Đây chính xác là “Sa nội Việt dương” (biển Quảng Đông bên trong [Vạn Lí Trường] Sa), qua khỏi Vạn Lí Trường Sa, sẽ đến biển Thất Châu. Vạn Lí Trường Sa được định nghĩa ở đây là ranh giới của biển Quảng Đông và biển Thất Châu, nhưng không phải là một phần của biển Quảng Đông. Còn Thiên Lí Thạch Đường thì ở ngoài biển Quảng Đông chứ không thuộc biển Quảng Đông.

Hình 24 Hải quốc văn kiến lục – Tứ hải toàn đồ

Như đã nêu trong Hải ngữHải lục, có hai tuyến đường được gọi là tuyến đường của các nước phiên (chư phiên chi lộ) và tuyến kênh ngoài (ngoại câu) tương ứng vào thời đó. Hai tuyến đường này đều đi qua phía đông quần đảo Hoàng Sa và đi qua vùng biển quần đảo Trung Sa, vùng biển này được gọi là Cửa Trường Sa. Các mô tả trong cuốn sách này cung cấp thêm thông tin để hiểu về giao thông biển vào thời điểm đó. Theo cuốn sách này, khi tàu thuyền Trung Quốc đến Nam dương, do vấn đề kĩ thuật (ngoài Trường Sa mênh mông không có cách nào để biết), tất cả đều đi từ biển Quảng Đông phía trong [Vạn Lí Trường] Sa đến biển Thất Châu, tức là đi theo tuyến đường kênh bên trong (nội câu). Nhưng tàu thuyền phương Tây, phần lớn chạy theo tuyến phía đông biển Thất Châu, theo tuyến đường kênh ngoài phía ngoài Vạn Lí Trường Sa (tức là về phía đông quần đảo Hoàng Sa). Nếu đi từ Giang Tô, Chiết Giang đến Philippines, thì từ eo biển Đài Loan đi thẳng về phía nam, thuyền của người Trung Quốc (Đường thuyền) có thể làm như vậy. Nhưng nếu muốn đi từ Quảng Đông đến Philippines, chỉ có thể đi qua Cửa Trường Sa (nếu không phải đi vòng qua Kalimantan và đi về phía đông) và đi thẳng về phía nam. Tuy nhiên, vì lí do kĩ thuật, tàu thuyền trên tuyến đường này chỉ gồm ‘phiên bạc, dương tao’ (tàu bọn phiên và tàu phương Tây), còn tàu Trung Quốc không thể đi tuyến này. Ở đây, ‘phiên bạc’ [番舶] chỉ tàu thuyền của Sulu, lúc đó Sulu đã chiếm Sabah từ Brunei, đang là cường quốc, và có vị thế rất quan trọng trong giao thông biển Đông. Còn ‘dương tao’ [洋艘] chỉ tàu ở phương Tây, chẳng hạn như Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh. Các ghi chép ở đây phù hợp với Hải ngữ rằng Vạn Lí Trường Sa “là sông Lưu Sa của Tây Nam Di”, và cũng phù hợp với Hải tra dư lục rằng quần đảo Trường Sa là “chốn quen lâu đời của thuyền phiên”. Lộ trình chỉ đi theo tuyến kênh trong và lộ trình chỉ đi theo tuyến phía tây Đài Loan-Philippines ít liên quan đến quần đảo Trường Sa. Điều này chứng tỏ vào đầu thế kỉ 18, quan hệ giữa Trung Quốc và quần đảo Trường Sa còn rất yếu (Hình 25).

Hải quốc văn kiến lục còn có các bản đồ ven biển toàn quốc. Trong các hải đồ của Quảng Đông và Quỳnh Châu (Hải Nam), hoàn toàn không có các đảo ở biển Đông (Hình 26).

    

Hình 25 Thuyết giải về các tuyến đường biển trong Hải quốc văn kiến lục

Hình 26 Hải quốc văn kiến lục Bản đồ Quỳnh Châu

12. Hải Lục (1820) của Tạ Thanh Cao thời Thanh

Tạ Thanh Cao (1765-1821) quê ở châu Gia Ứng (nay là Mai Châu), Quảng Đông. Năm 1782, trên đường đến Hải Nam ông gặp bão, thuyền bị lật úp, được một tàu nước ngoài đi qua cứu và đưa sang Bồ Đào Nha. Kể từ đó, ông ở trên tàu nước ngoài 14 năm và đã đến nhiều nơi. Sau đó, do bị mù cả hai mắt, ông trở về Trung Quốc vào năm 1796 và sống ở Ma Cao, kiếm sống bằng nghề thông dịch. Kinh nghiệm của ông đã thu hút sự chú ý của học giả Quảng Đông Dương Bỉnh Nam, người đã tổng hợp những kí ức du hành 14 năm của ông thành cuốn sách Hải Lục [海錄], được in và xuất bản năm 1820. Cuốn sách này được ca ngợi như là cuốn “Du kí của Marco Polo” của Trung Quốc, quan khâm sai của triều đình Lâm Tắc Từ khen cuốn sách này là “một bản tường trình rất tốt về các sự việc nước ngoài”, Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên, Doanh hoàn chí lược của Từ Kế Dư ” cũng đã trích dẫn Hải lục ở nhiều chỗ.[272] Trong Hải lục có 2 đoạn tập trung thảo luận về Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong Hải lục·Cát Lạt Bá (Hình 27) ghi:

Hình 27 Hải lục·Cát Lạt Bá

Cát Lạt Bá ở Nam Hải, những người đi thuyền từ Quảng Đông theo tuyến kênh trong (nội câu), sau khi rời Vạn Sơn thì đi về phía tây nam, đi qua Quỳnh Châu (Hải Nam), An Nam cho đến Côn Lôn. Sau đó đi về hướng nam chừng 3, 4 ngày là tới núi Địa Bồn, phía đông là Vạn Lí Trường Sa. Đi theo tuyến kênh ngoài (ngoại câu), sau khi ra khỏi Vạn Sơn, đi theo hướng nam tây nam trong khoảng 4 hoặc 5 ngày và vượt qua bãi cạn Hồng Mao, trong đó có chỗ cát bằng (Sa Thản) rộng khoảng hơn 100 lí, chỗ cạn nhất chỉ 4 trượng 5 xích (≃ 13 m), đi 3 hoặc 4 ngày nữa đến đá Thảo Hài, đi tiếp 4 hoặc 5 ngày tới núi Địa Bồn, nhập trở lại với tuyến nội câu, và Vạn Lí Trường Sa ở phía tây. Kênh trong và kênh ngoài bị [Vạn Lí Trường] Sa chia cắt. Vạn Lí Trường Sa, là phù sa giữa biển, dài cả ngàn lí, là bức bình phong bên ngoài của An Nam. [Vạn Lí Trường] Sa Đầu là khu vực Lăng Thủy, và Sa Vĩ là đá Thảo Hài. Nếu thuyền lạc vào đó sẽ bị cát vùi, không thể quay trở lại và có nhiều người phá thuyền (trường hợp này phải lấy ván, thả nổi trên mặt cát, rồi nằm trên đó, vài ngày sau nếu có thuyền đi ngang qua, đưa thuyền ba lá nhỏ đến cứu thì mới mong còn sống trở về, đứng thẳng trên cát thì chốc lát sẽ bị cát vùi mất). Ở ngay phía nam biển Thất Châu là Thiên Lí Thạch Đường, có hàng vạn tảng đá đứng thành rừng, nước lũ cuồn cuộn, nếu thuyền bị va vào sẽ bị vỡ vụn. Do đó, phải men theo hướng tây nam không bao giờ được chạy theo hướng nam ở kênh trong và kênh ngoài.[273]

Ở đây, Cát Lạt Bá là Jakarta, và Vạn Lí Trường Sa là quần đảo Hoàng Sa. Bãi cạn Hồng Mao có nghĩa là chỗ nước rất cạn, chỗ cạn nhất chỉ khoảng 13 mét, tương tự như địa hình của quần đảo Trung Sa, vì vậy nó phải ở một nơi nào đó trong quần đảo Trung Sa. Tại sao lại gọi là Hồng Mao, Lí Kim Minh cho rằng đó là do mớn nước của các tàu phương Tây tương đối sâu nên cần phải đề phòng chỗ cạn.[274] Đá Thảo Hài là đảo Catwick (hòn Đá Tí) ở Việt Nam, và núi Địa Bồn là Pulou Tioman của Malaysia.[275] “Ở đây nói rằng Thiên Lí Thạch Đường nằm ngay phía nam của biển Thất Châu, nên chắc chắn đó phải là Trường Sa, nhưng vị trí của biển Thất Châu được mô tả ở đây khác với vị trí trong Hải quốc văn kiến lục. Điểm này sẽ được thảo luận sau.

Hình 28 Hải lục – Tiểu Lữ Tống

Hai điểm cần lưu ý: Đầu tiên, đoạn văn này mô tả hai tuyến đường từ Quảng Châu đến Jakarta, đó là nội câu và ngoại câu. Hai tuyến đường này có thể tương ứng với Đông chú và Tây chú trong Hải ngữ và các mô tả liên quan trong Hải quốc văn kiến lục. Như đã phân tích ở trên, cả ba quyển sách này rất ăn khớp với nhau. Cuốn sách hàng hải của Anh, The India Directory, cũng chứa các mô tả về các tuyến đường nội câu và ngoại câu (Outer Passage). Ngoại câu là tuyến đường từ Áo Môn (Macao) đến đảo Áo Nhĩ (Pulo Aor), đi qua quần đảo Trung Sa (Macclesfield Bank) và nội câu (Inner Passage) là tuyến đường đi qua phía đông đảo Hải Nam đến bờ biển Việt Nam.[276] Điều này rất phù hợp với các mô tả có liên quan trong sách vở Trung Quốc. Thứ hai, lời văn viết: “Vạn Lí Trường Sa, là phù sa giữa biển, dài cả ngàn dặm, là bức bình phong ngoài của An Nam”. Xét nội dung văn bản, tác giả coi quần đảo Hoàng Sa là bức bình phong bên ngoài của Việt Nam, nghĩa là quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Hải lục – Tiểu Lữ Tống (Hình 28) có ghi:

Đảo Tiểu Lữ Tống (Luzon) vốn tên là Manila, nằm ở phía bắc Tiêm Bút Lan, Tô Lộc (Sulu), cũng là một đảo lớn trên biển……. Ở vùng biển phía đông bắc của nó, có một ngọn núi tên là Lê, cũng thuộc Luzon, người dân ở đó hành xử giống như người Trung Quốc, và đất đai ở đó sinh ra hải sâm. Thiên Lí Thạch Đường nằm ở phía tây nước này. Tàu thuyền từ Luzon đi về phía bắc có thể đến Đài Loan trong 4 hoặc 5 ngày. Nếu đi về phía tây bắc trong 5 hoặc 6 ngày, đi qua Đông Sa, và sẽ thấy núi Đam Thiên sau vài ngày, sau đó sẽ vào Vạn Sơn rồi đến Quảng Châu. Đông Sa cũng là bãi phù sa giữa biển, ở về phía đông Vạn Sơn nên được gọi là Đông Sa, những người từ Luzon đến Sulu đều phải đi qua nó. Sa này có hai bãi, một đông một tây, bên trong có một cảng nhỏ có thể đi qua. Sa phía tây [西沙: tây Sa] cao hơn một chút, nhưng chỉ cách mặt nước chừng một trượng, nên tàu thuyền đi biển khi gặp gió và mưa thường lạc vào và bị phá hủy. Tàu thuyền đi Triều Châu, Phúc Kiến, Giang Tô, Chiết Giang, Thiên Tân cũng thường bị gió đưa đây, đều neo đậu trong cảng để tránh gió. Đào giếng ở Tây Sa cũng có thể lấy được nước. Ngay phía nam của [Đông] Sa là Thạch Đường. Những người trú gió ở đây nên cẩn thận đừng hành động hấp tấp.[277]

Quần đảo Đông Sa lại xuất hiện ở đây và lần đầu tiên được đặt tên là “Đông Sa”, và được giải thích rằng sở dĩ Đông Sa được gọi là Đông Sa là vì nó nằm ở phía đông của quần đảo Vạn Sơn ở cửa sông Châu Giang, Quảng Đông. “Tây Sa” ở đây chỉ đảo Đông Sa trong quần đảo Đông Sa, không phải quần đảo Tây Sa hiện nay. Thiên Lí Thạch Đường ở đây nằm ở phía tây đảo Luzon và phía nam quần đảo Đông Sa, vì vậy nó có thể chỉ quần đảo Trung Sa hoặc quần đảo Trường Sa. Chỉ xét từ mô tả về định hướng địa lí, có vẻ thích hợp hơn khi giải thích đó là quần đảo Trung Sa, bởi vì nó nằm ngay phía tây đảo Luzon.

Chú thích của Phùng Thừa Quân về Hải lục có nêu “trong bản của Hải sơn tiên quán tùng thư, sau chỗ này (nói về Tiểu Lữ Tống – tác giả), không biết ai đã ghi chú thêm 10 chữ ‘phía trên thuộc Nam Hải, phía dưới thuộc Bắc Hải’ (dĩ thượng thuộc Nam Hải, dĩ hạ thuộc Bắc Hải)’.“[278] Bản của Hải sơn tiên quán tùng thư được xuất bản năm 1851, hiện không còn nữa. Do đó, không rõ phần ghi chú được viết chỗ nào trong sách và “ở đây” [此處: thử xứ] chỉ ở đâu, nhưng có lẽ nó chỉ Thiên Lí Thạch Đường. Phùng Thừa Quân nghĩ rằng đó là một ghi chú, nhưng có vẻ như không phải vậy, xem phần phân tích trong 4.6.2.

Hải lục cũng có bản đồ kèm theo (Hình 29). Giống như hầu hết các bản đồ cổ của Trung Quốc, bản đồ này bị biến dạng rất nhiều và hướng của nó phải được xác định cẩn thận. Từ bản đồ, Trường Sa là Vạn Lí Trường Sa, Thạch Đường là Thiên Lí Thạch Đường, chúng gần tương ứng với vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, kết hợp với bản đồ, nếu như tất cả Thiên Lí Thạch Đường được đề cập trong sách đều chỉ cùng một nơi, thì sẽ phù hợp khi coi đó là quần đảo Trường Sa. Biển Thất Châu như đã đề cập trong Hải quốc văn kiến lục, là vùng biển tiếp giáp đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Natuna, đảo Côn Lôn và bán đảo Đông Dương. Vùng biển giữa quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa với Kalimantan và Philippines được gọi là biển Đại Minh (Hình 30).

13. Nhất ban lục (1822) của Trịnh Quang Tổ thời Thanh

Nhất ban lục [一斑錄] của Trịnh Quang Tổ không phải là một chuyên khảo về địa lí, mà là một tác phẩm hỗn hợp, tương tự như một cuốn bách khoa toàn thư ngắn, được chia thành 5 tập: thiên địa, nhân sự, vật lí, phương ngoại và quỷ thần, nhưng mỗi tập không được trình bày chi tiết. Tuy nhiên, nó có nói đến Trường Sa Thạch Đường cùng với một bản đồ, vì vậy nó đáng được đề cập.

Hình 29 Tổng đồ Hải lục

Hình 30 Giải thích bản đồ Hải lục

Trong tập đầu tiên, chương Ngoại di [外夷], có viết:

Bên ngoài Nhai Châu tỉnh Quảng Đông trong Nam dương, có Trường Sa Thạch Đường, nằm chồng lên nhau như lớp bảo vệ phía ngoài nó, và đường biển mông lung, trong đó có các nước như Cát Lạt Bá, Mã Thần và Địa Vấn, nằm sát bên dưới đường xích đạo.[279]

Bản đồ trong Nhất ban lục khá thú vị (Hình 31), phía đông nam Trung Quốc có hàng loạt địa danh như Đài Loan, Cửa Sa Mã Khí, Lạc Tế, Cửa Trường Sa, Đông Sa, Tây Sa. Phía dưới Tây Sa có Thạch Đường. Trường Sa và Thạch Đường trong bản đồ được vẽ sống động. Thạch Đường ở đây có thể xác định là quần đảo Trường Sa và Tây Sa là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) hiện tại, nhưng liệu quần đảo Đông Sa có phải là quần đảo Đông Sa hay không thì vẫn còn nghi ngờ. Bởi vì từ bản đồ, Lạc Tế có vẻ là đảo Đông Sa hơn. Trong Hải quốc văn kiến lục, tên cổ của Nam Áo Khí là Lạc Tế, và trong Nhất ban lục cũng ghi “có một đảo cát (Lạc Tế) tên là Nam Áo Khí”.[280] Do đó, Lạc Tế ở đây là đảo Đông Sa còn Đông Sa là quần đảo Trung Sa, khác với ghi chép trong Hải lục. Có vẻ như tên của đảo Đông Sa không được cố định vào thời đó.

Nhất ban lục viết: “Trường Sa Thạch Đường chồng lên nhau lớp bảo vệ phía ngoài.” Nhưng nó không nói rằng chúng thuộc về Trung Quốc. Ngay cả khi có ý nghĩa này, giọng điệu của nó cũng yếu hơn so với giọng điệu của Hải lục khi nói Vạn Lí Trường Sa là bức bình phong bên ngoài của An Nam.

Hình 31 Bản đồ Nhất ban lục

Dựa trên phân tích trên, từ thời Tống đến đầu thời Thanh, tên gọi quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa của Trung Quốc không tránh khỏi nhầm lẫn. Trường sa thạch đường lúc đầu dùng để chỉ các địa hình khác nhau ở cùng một nơi, và sau đó được đổi thành tên riêng của quần đảo Tây Sa (và quần đảo Trung Sa). Vào thời Minh, Thạch Đường bắt đầu dùng để chỉ Tây Sa và Trường Sa để chỉ Nam Sa. Tuy nhiên, vào cuối thời Minh, có lẽ là vào đầu năm 1602 trong Khôn dư vạn quốc toàn đồ của Matteo Ricci, tên của Vạn Lí Trường Sa và Vạn Lí Thạch Đường bắt đầu bị hoán đổi.[281] Bản đồ này chủ yếu theo nguyên bản của bản đồ phương Tây, nhưng các tên gọi được dịch sang tiếng Trung Quốc, với Paracel (tức là Hoàng Sa) trong bản đồ phương Tây được dịch thành Vạn Lí Trường Sa. Trong thời Thanh, cách gọi tên đã bị đảo ngược hoàn toàn, Trường Sa chỉ Tây Sa và Thạch Đường chỉ Nam Sa. Ngoài ra còn có Thạch Đường dùng để chỉ tất cả các đảo ở biển Đông. Vào cuối thời Thanh, còn có cách nói cả Trường Sa và Thạch Đường đều chỉ cùng một địa điểm (xem 5.3).


[237]Dậu dương tạp trở, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Hải tra dư lục, Trung Quốc nam hải chư quần đảo vị biên chi nhất, Đài Loan học sinh thư cục, 363

[238]Hàn Chấn Hoa cho rằng vị trí ở đây là đảo Kalimantan (Sử liệu vị biên, tr. 49), Lí Kim Minh cho rằng đó là quần đảo Natuna (Cương vực nghiên cứu, tr. 27), và có người cho rằng nó ở chỗ nào đó xa hơn như Madagascar ở Ấn Độ Dương. Không bàn sâu ở đây.

[239]Hướng Đạt, “Lưỡng chủng hải đạo châm kinh”, Trung Hoa thư cục, 1961 niên, Lời nói đầu, tr. 3.

[240]Liệu Đại Kha “Quan ư trung lưu quan hệ trung Điếu Ngư đảo đích nhược can vấn đề”, “Nam dương vấn đề nghiên cứu”, 2013, kì 1, tr. 95-102.

[241]Nt, tr 27-28.

[242]Nt, tr. 33.

[243]Hoàng Trung, Thượng thư Bộ Binh nhà Minh, Quảng Châu thị địa phương chí, http://www.gzsdfz.org.cn/rsgz/lsmr/201202/t20120208_4590.htm.

[244]Hải ngữ, hHi quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 33-35.

[245]Cương vực nghiên cứu, tr. 29.

[246]Cương vực nghiên cứu, tr. 29.

[247]Cương vực nghiên cứu,tr. 37 hiệt. Sử địa luận chứng, tr. 61-63.

[248]Thận Luyến Thưởng, Tứ di quảng kí, Huyền lãm đường tùng thư tục tập, đài bắc, Quốc lập trung ương đồ thư quán, 1985, tập 222, tr. 2, 22, 633

[249]Thận Luyến Thưởng, Tứ di quảng kí, Huyền lãm đường tùng thư tục tập, đài bắc, Quốc lập trung ương đồ thư quán, 1985, tập 222, tr. 2, 22, 396.

[250]Sử liệu vị biên, tr. 55.

[251]Phục Tòng Giản, Thù vực chu tư lục, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 735, tr. 661

[252]Sử liệu vị biên, tr. 55-57.

[253]Dậu dương tạp trở, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Hải tra dư lục, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi nhất, Đài loan học sinh thư cục, tr. 407-408.

[254]Sử liệu vị biên, tr. 62.

[255]Trích Sử liệu vị biên, tr. 64. Nó nói rằng bài báo được trích dẫn từ q.59 của Cổ kim đồ thư biên, Nghiên cứu tóm tắt về người di ở biển Đông cổ, nước Xiêm La. Tuy nhiên, trong Đồ thư biên do Đãn tra thành văn xuất bản xã tái bản, nghiên cứu văn bản về người di ở biển Đông cổ nằm ở tập 51 chứ không phải tập 59, và những từ mà Hàn Chấn Hoa nói đến không thể tìm thấy trong phiên bản mà tôi đã kiểm tra. Tuy nhiên, vì ghi chép này cũng được tìm thấy trong Việt hải quan chí, nên điều mà của Hàn Chấn Hoa nói được chấp nhận và tiến hành thêm nghiên cứu nào nữa.

[256]Lương Đình Nam, Việt hải quan chí, Tục tu tứ khố toàn thư, quyển 835, tr. 86.

[257]Mạng Nam Minh, http://www.world10k.com/blog/?p=1226.

[258]Trương Tiếp viết, Tạ Phương hiệu đính, Đông Tây dương khảo, Trung Hoa thư cục, 1981, 172

[259]Nt, tr. 310-311.

[260]Hướng Đạt, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, Trung Hoa thư cục, 1961, Tự ngôn, tr. 4.

[261]Nt, Tự ngôn, tr. 11

[262]Nt, (q.2), tr. 108.

[263]Nt, (q.2),tr 117.

[264]Nt, (q.2), tr. 137

[265]Hướng Đạt, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, Trung Hoa thư cục, 1961, tr. 261.

[266]http://seldenmap.bodleian.ox.ac.uk/history.

[267]http://seldenmap.bodleian.ox.ac.uk/map.

[268]Nt, (q. 2), tr. 121.

[269]Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam: Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 119- 120.

[270]Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam: Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 155-156.

[271]Hàn Chấn Hoa chủ biên, Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập, Trung Hoa thư cục, 1981, tr. 1-20.

[272]Chương Văn Khâm, Tạ Thanh Cao dữ Bồ Đào Nha, http://www.library.gov.mo/macreturn/DATA/123-25/index.htm.

[273]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 265.

[274]Cương vực nghiên cứu, tr. 30.

[275]Nt.

[276]The India Directory, 3rd version, 1827, p. 310-313.

[277]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 286.

[278]Phùng Thừa Quân chú thích, Hải lục chú, Trung Hoa thư cục, 1955, tr. 60.

[279]Trịnh Quang Tổ, Nhất ban lục, Trung Quốc thư điếm, Hải vương thôn cổ tịch tùng khan, 1990, q. 1, tr.4.

[280]Trịnh Quang Tổ, Nhất ban lục, Trung Quốc thư điếm, Hải vương thôn cổ tịch tùng khan, 1990, q. 1, tr. 34.

[281]Trần Hồng Du, Tảo kì nam hải hàng lộ dữ đảo tiều chi phát hiện, Quốc lập chính trị đại học lịch sử học báo, kì 39, tháng 5/2013 niên 5 nguyệt, tr. 42-43.

Comments are closed.