Biển không tranh chấp: Lịch sử bị bóp méo của Biển Đông trước thế kỷ 20 (kỳ 6)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-25.png

被扭曲的南海史二十世紀前的南中國海黎蝸藤南圖書出版股份有限公司 (Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty) Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579

3.5 Biển Thất Châu ở đâu?

Trong các ghi chép của Trung Quốc về biển Đông, một cái tên thường được nhắc đến là biển Thất Châu (七洋: Thất Châu dương, đôi khi được viết là 七洋).[282] Một số nhà nghiên cứu phương Tây thời kì đầu, có lẽ chịu ảnh hưởng của các công trình Trung Quốc, đã mặc nhiên cho rằng biển Thất Châu là vùng biển quần đảo Hoàng Sa,[283] nhưng họ không biết rằng biển Thất Châu trong sách vở Trung Quốc có thể chỉ hai địa danh. Một có thể là vùng biển ngoài khơi nhóm đảo Thất Châu (七洲列島: Thất Châu liệt đảo) ở Hải Nam. Tọa độ địa lí là 19°58’30” N, 111°16’24” E, còn được gọi là Thất Châu Trĩ (七洲峙: gò Thất Châu), thuộc huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Nhóm đảo Thất Châu nằm trong vùng biển phía đông bắc của đảo Hải Nam, khu vực bãi biển Hà Môn và Bạch Bình giáp ranh với trấn Ông Điền và xã Long Mã, thành phố Văn Xương, chỉ cách nhóm đảo Thất Châu hơn 10 hải lí. Nhóm đảo Thất Châu chủ yếu do 7 đảo Bắc Trĩ (Bắc Sĩ), Đăng Trĩ, Cầu Noãn Phao Trĩ, Bình Trĩ, Xích Trĩ, Nam Trĩ (Nam Sĩ) và Song Phàm tạo thành, do đó có tên này. Tổng diện tích là 1,03 km², điểm cao nhất là 174,6 mét so với mực nước biển và được tạo thành từ đá granit. Ngoại trừ Xích Trĩ, tất cả các đảo đều có thảm thực vật. Bắc Trĩ có nguồn nước và tháp đèn biển năng lượng mặt trời. Bắc Trĩ và Nam Trĩ đều có một vịnh tự nhiên. Độ sâu của vùng biển xung quanh là 20-68 mét. Có tài liệu về biển Thất Châu cho rằng mặt biển của nó có thể bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, vị trí chính xác của biển Thất Châu ở đâu ? Chủ yếu có hai bài báo nghiên cứu chi tiết, một Thất Châu dương khảo[284] của Đàm Kì Tương, và một Thất Châu dương khảo[285] khác của Hàn Chấn Hoa. Họ đi đến những kết luận trái ngược nhau, ai sai ai đúng, điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc xác định chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Do đó, để xác định vị trí của biển Thất Châu, vẫn phải xem xét các ghi chép lịch sử.

1. Các ghi chép đầu tiên

Biển Thất Châu được thấy trước tiên trong Mộng lương lục [夢粱錄], quyển 12, “Giang hải thuyền hạm” [江海船艦] của Ngô Tư thời Nam Tống (Hình 32):

Hình 32 Mộng lương lục

Từ cửa biển tiến ra, chính là đại dương, không có bờ bến, nguy hiểm tiềm tàng. Đó là nơi của rồng thần, sò lạ, mưa gió mịt mù hắc ám, chỉ có thể đi bằng la bàn, chính lửa lòng bàn tay, không dám có một chút sai lầm vì tính mạng của những người đi thuyền cũng phụ thuộc vào nó. Tôi thường thấy các thương nhân lớn nhỏ nói điều này rất chi tiết. Nếu muốn dùng thuyền buôn bán với nước ngoài, có thể từ Tuyền Châu ra biển, đi một mạch qua biển Thất Châu, đo nước từ trên thuyền, sâu chừng hơn 70 trượng. Nếu đi qua biển Côn Lôn, Sa Mạc, Xà Luân, Ô Trư và các biển khác, có nhiều vật thiêng đi trong mưa ở đây, và mây nổi lên trên, và sẽ thấy rồng xuất hiện toàn thân, mắt sáng như điện, sừng móng rõ ràng, chỉ không thấy đuôi và tai, trong chốc lát trời mưa như trút nước, sóng gió cuộn lên tận trời, đặc biệt đáng sợ. Nhưng chỗ gần núi và đá ngầm nước lại cạn, nếu tàu va vào đá ngầm sẽ bị hư hại. Tất cả phụ thuộc vào la bàn, sai một chút sẽ chôn vào bụng cá. Từ xa xưa, thuyền nhân đã nói: “Đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn.” Nó cũng sâu hơn 50 trượng … Nếu thương nhân chỉ tới Đài Loan, Ôn Châu, Tuyền Châu và Phúc Kiến để buôn bán, thì chưa từng nếm thử Thất Châu, Côn Lôn và các đại dương khác. Nếu muốn ra nước ngoài, tức là từ cảng Tuyền Châu đến cửa Đại Tự, lập tức có thể vượt ra biển đến nước ngoài.[286]

Trong Tống sử – nhị vương [二王] (bổn kỉ) có ghi:

Tháng 12 năm Bính Tí, đến Tỉnh Áo, bão đánh hư thuyền, suýt chết đuối, rồi bị bệnh. Sau đó, gom góp binh sĩ lại, có 14 người chết. Năm Đinh Sửu, Lưu Thâm đuổi theo đến biển Thất Châu, bắt được Du Như Khuê rồi về.[287]

Nguyên sử truyện Sử Bật [史弼傳] có ghi lại lộ trình quân Nguyên tấn công Trảo Oa (Java):

Tháng 12, Sử Bật tập hợp quân gồm 5.000 người và xuất phát từ Tuyền Châu. Gió to sóng dữ, thuyền lắc lư, binh lính mấy ngày không ăn. Sau khi vượt qua biển Thất Châu và Vạn Lí Thạch Đường, đi qua biên giới Giao Chỉ và Chiêm Thành, vào tháng giêng năm sau, đến núi Đông Đổng và Tây Đổng, đảo Ngưu Khi, và tiến vào biển lớn Hổn Độn, đảo Cảm Lãm, Giả Lí Mã Đáp, núi Câu Lan…, đóng quân đốn cây, đóng thuyền nhỏ đi vào.[288]

Vào thời Nguyên, Chu Đạt Quan được lệnh đi sứ đến Chân Lạp, sau khi trở về Trung Quốc vào năm 1296, ông đã viết Chân Lạp phong thổ kí, trong đó cũng có đề cập đến biển Thất Châu:

Từ Ôn Châu ra biển đi theo hướng Đinh Mùi, qua các cảng Phúc Kiến, Quảng Châu ngoài biển, qua biển Thất Châu, qua biển Giao Chỉ, đến Chiêm Thành.[289]

Đảo di chí lược của Uông Đại Nguyên thời Nguyên ghi:

Núi Côn Lôn cổ, còn được gọi là núi Quân Đồn. Núi cao vuông vức, chân núi trải dài trăm lí, hoàn toàn nằm ở giữa biển lớn, cùng với núi Đông và Tây Trúc của Chiêm Thành tạo thành thế chân vạc. Bên dưới có biển Côn Lôn, tên từ núi mà ra. Đó là nơi mà thuyền đi Tây dương phải đi qua. Thuận gió có thể đi trong 7 ngày ngày đêm. Tục ngữ có câu: “Trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn. Kim lầm, lái lạc, người thuyền sao còn.”[290]

Vào đầu thời Minh, Trịnh Hoà đi thuyền đến Tây dương. Các tùy tùng Phí Tín viết Tinh tra thắng lãm, Mã Hoan viết Doanh nhai thắng lãm, và Củng Trân viết Tây dương phiên quốc chí. Ngoài ra, trong Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi vào cuối thời Minh, có một hải đồ của Trịnh Hoà, đây là tài liệu cơ bản để nghiên cứu các tuyến đường đi Tây dương của Trịnh Hoà, trên bản đồ này một nơi tên Thất Châu. Tuy nhiên, trong số ba ghi chép chính, chỉ có “Tinh tra thắng lãm – núi Côn Lôn” của Phí Tín nói đến biển Thất Châu.

Núi này đứng giữa biển rộng, cùng với núi Đông và Tây Trúc của Chiêm Thành tạo thành thế chân vạc. Núi cao vuông vức,chân núi rộng xa, tên biển là biển Côn Lôn. Tất cả thương nhân đi Tây dương đều phải đợi gió, 7 ngày đêm mới qua được. Tục ngữ có câu: “Trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn, kim lầm, lái lạc, người và thuyền sao còn”. Núi này không có sản vật lạ, người không có nhà ở, ăn hoa quả núi, tôm cá, sống trong tổ trên cây.[291]

Lời văn về biển Thất Châu được ghi trong các ghi chép này tương đối đơn giản. Biển Thất Châu được đề cập trong Mộng lương lục, Đảo di chí lượcTinh tra thắng lãm về cơ bản đều nêu cùng một câu tục ngữ, đó là câu “Trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn“. Biển Thất Châu là một khu vực biển nguy hiểm bên cạnh biển Côn Lôn, nhưng phải đi qua chúng trên đường ra nước ngoài, vì vậy người lái thuyền phải hết sức cẩn thận. Chỉ dựa vào câu này, không thể phán đoán vị trí của biển Thất Châu. Chân Lạp phong thổ kí chỉ ghi lại con đường vượt qua biển Thất Châu và sau đó vượt qua biển Giao Chỉ, và không có cách nào để phân biệt biển Thất Châu ở đây.

Các ghi chép trong Nguyên sử thú vị hơn. Trong mô tả về tuyến đường đi chinh phạt này, trước tiên đi qua biển Thất Châu, sau đó đi qua Vạn Lí Thạch Đường. Sau đó tiến vào vùng biển Giao Chỉ và Chiêm Thành. Vạn Lí Thạch Đường ở đây rõ ràng chỉ quần đảo Hoàng Sa. Vì biển Thất Châu được phân biệt rõ ràng với quần đảo Hoàng Sa, nên nó không phải là vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Do đó, biển Thất Châu chỉ có thể ở nhóm đảo Thất Châu.

Hàn Chấn Hoa cho rằng Vạn Lí Thạch Đường chỉ quần đảo Nam Sa (Trường Sa), vì vậy biển Thất Châu vẫn chỉ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Khẳng định này sai. Từ Trung Quốc đến Java không nhất thiết phải đi qua quần đảo Trường Sa, vì Java nằm ở góc đông nam của biển Đông, trong khi quần đảo Trường Sa ở phía tây nam của biển Đông. Không có tuyến đường được ghi chép nào từ Trung Quốc đến Java đi qua quần đảo Trường Sa, tại sao Sử Bật lại đi tìm đường khác? Hơn nữa, vì quần đảo Trường Sa ở phía nam biển Giao Chỉ, tại sao họ lại phải đến quần đảo Trường Sa trước ở phía nam, sau đó quay ngược về phía bắc đến biển Giao Chỉ, rồi lại đi xuống phía nam để đến Chiêm Thành và Java? Có thể thấy rằng phương pháp lập luận của Hàn Chấn Hoa chỉ là để chứng minh rằng biển Thất Châu là vùng biển quần đảo Hoàng Sa bằng cách chôn Vạn Lí Thạch Đường xuống hố.

Mặc dù Trường Sa và Thạch Đường không được đề cập trong Đảo di chí lược, nhưng có một phần chuyên biệt nói về Vạn Lí Thạch Đường,[292] nói rằng Vạn Lí Thạch Đường “là một địa mạch đến tận Java“, địa mạch này rõ ràng để chỉ quần đảo Hoàng Sa (xem 4.3.3). Vì có một tên chuyên biệt để chỉ quần đảo Hoàng Sa, nên gần như chắc chắn rằng biển Thất Châu được nói trong cuốn sách không chỉ quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, biển Thất Châu ở đây vẫn chỉ vùng biển quanh nhóm đảo Thất Châu.

Trong hải đồ của Trịnh Hoà, giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư có ghi cái tên Thất Châu, từ vị trí có thể biết rằng Thất Châu ở đây chỉ nhóm đảo Thất Châu. Trung Quốc có thói quen gọi tên biển cùng tên với địa điểm mà nó đối mặt. Do đó, biển Thất Châu trong hải đồ của Trịnh Hoà cũng chỉ vùng biển xung quanh nhóm đảo Thất Châu. Kết hợp ghi chép trên bản đồ này với ghi chép trong Tinh tra thắng lãm của Phí Tín, có thể thấy biển Thất Châu mà Phí Tín nói đến cũng chính là biển Thất Châu quanh nhóm đảo Thất Châu.

Từ những ghi chép trên, có thể đại khái kết luận rằng biển Thất Châu là vùng biển xung quanh nhóm đảo Thất Châu. Nếu tiếp tục nghiên cứu các ghi chép chi tiết hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cơ sở cho kết luận này là vô cùng vững chắc. Các ghi chép chi tiết là từ các ghi chép tuyến đường đi biển do các nhà hàng hải để lại vào thời điểm đó. Lưỡng chủng hải đạo châm kinh do Hướng Đạt xuất bản là tài liệu quý giá nhất.

2. Thuận phong tương tống

Cuốn hướng dẫn đi biển đầu tiên là Thuận phong tương tống [順風相送] vào thời Minh, có người cho rằng nó là tác phẩm thời đầu nhà Minh (1403),[293] cũng có người cho rằng đây là tác phẩm của thời giữa và cuối nhà Minh (1571).[294] Nói chung, nó phản ánh những ghi chép của người đi biển vào thời Minh. Thẩm quyền của nó ở chỗ nó là công trình duy nhất có một ít từ ngữ đề cập đến biển Thất Châu. Vì hầu hết các công trình khác đều dựa trên lời đồn và độ chính xác của chúng không thể so sánh với các hướng dẫn đi biển thực tế. Có 7 chỗ trong Thuận phong tương tống nói về biển Thất Châu:

(1) Lời mở đầu

Xưa có nhiều bậc tiền bối đi khắp biển cả, đều dùng linh hoạt 24 vị trí trong sách Địa La. Dù đi hay về, sớm hay muộn cũng đều ghi lại thời gian. Xem xét gió lũ ở núi và đảo, gió lên xuống hay ngang bằng từ đông sang tây, bắc xuống nam, nước chảy nhanh hay chậm, thuận hay nghịch như thế nào. Sử dụng màu sắc nước để suy ra nước sâu cạn và biết núi ở gần xa. Con nước lên xuống phải quan sát kĩ, không được ngủ quên. Lệch một li, đi ngàn dặm, hối hận cũng không kịp. Nếu có gió từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, và đầu thuyền bị lệch phương cần xem xét kĩ để có những thay đổi tạm thời. Nếu bị gió ngược, chú ý nhiều vào chỗ cao, chỉnh số nhiều hơn, khi gió thuận thì bù số trước. Còn nếu trên đường giữa biển Thất Châu, trên không rời hướng Càn (tây bắc), dưới không rời hướng Khôn (tây nam), hoặc nếu đi qua biển nam Vũ Lí và Hốt Lỗ Mưu Tư thì lấy độ cao của sao làm chuẩn.[295]

(2) Xác định thời gian thủy triều lên xuống

Hàng tháng vào các ngày 30, mồng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 nước bình, đến ngày 15 thì nước lại dậy. Ngày 16, 17, 18, 19, 20 nước sẽ dậy. Ngày 21, mặt nước bình như trước. Nước dậy thì chảy xiết, và khi thuyền đi đến Thất Châu Dương và Ngoại La, v.v. gặp phải nước dậy trong vài ngày, và đó là lúc phải xem gió. Thân thuyền không được lệch về phía đông, nếu không sẽ không có nước kéo về phía tây. Từ ngày mồng 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, nước chảy về đông muộn, ngày 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, nước đi theo phía đông rất muộn. Khi thuyền đến Thất Châu Dương và Ngoại La, v.v. trong vài ngày có thể xem nước chảy nhanh hay chậm, nước lên nước xuống, cũng cần kiểm tra gió và lụt, đủ các hướng, lượng định cẩn thận để không phạm sai lầm. Thân thuyền không được lệch, nếu thân thuyền lệch hướng tây, sẽ không có nước kéo qua hướng đông, nếu thân thuyền lệch quá về hướng đông, biển sẽ có màu xanh đen, và sẽ có nhiều chim đầu vịt. Nếu thân thuyền lệch nhiều về phía tây, nước biển sẽ trong, có gỗ mục trôi, và nhiều cá (bái phong ngư), thuyền đi đúng đường, gặp chim muông với mũi tên trên đuôi thì vẫn đúng đường. Thuyền đến gần Ngoại La, nếu đi về phía đông 7 canh thì chính là Vạn Lí Thạch Đường, bên trong có đảo đá đỏ, không cao nhưng nếu có thể nhìn thấy thân thuyền thì sẽ biết nước cạn, còn nếu nhìn thấy đá nên đề phòng. Nếu thuyền đi tách khỏi Thất Châu Dương 7 canh về phía đông, sẽ thấy Vạn Lí Thạch Đường có dạng như cánh buồm, nhìn gần giống như hai ba cánh buồm, có thể đề phòng thuyền bị vướng, một ngày được nhìn thấy núi Ngoại La thì nhớ nó ngàn ngày. Nếu thuyền đi trước Đại Phật Linh Sơn, vào các tháng 4, 5, 6, 7, 8, nước chảy về hướng tây nam, nước rất xiết. Hướng đông tới hướng chánh nam nước chảy xiết, nếu thuyền có thể vào sát núi thì rất tốt. Nếu thuyền trở về Trung Quốc, lệch sang đông quá mức, nước biển đỏ trắng, thấy đủ loại chim muông, đó chính là Vạn Lí Trường Sa, cần phải đề phòng. Lau sậy, củi mục trôi tạo thành ranh giới, nếu hướng thuyền nhiều về phía tây thấy núi Hải Nam, không được lại gần. Tiếng vang ngay trên đầu, phạm vào mà còn sống cũng khó thoát ra, thân tàu thấp thì càng nghiêm trọng. Nếu gặp biển Thất Châu thì thấy 7 dòng chảy ở gần Cửa Nam Đình. Thuyền xuất phát từ Trung Quốc đi vào biển Giao Chỉ lệch nhiều về phía tây, nước trong và nhiều cá, thuyền có thể ra khơi, nhưng sợ sa vào Tiêm Bút La thì khó ra được. Khi thuyền nhìn thấy lau sậy và củi tạo thành ranh giới dòng chảy, có thể đi lệch nhiều về phía đông, sử dụng kim la bàn (Khôn Thân) có thể nhìn thấy Đại Phật Linh Sơn trong một ngày một đêm. Nếu nhìn thấy chim trắng có mũi tên trên đuôi, thì biết đi đúng đường, tức là Ngoại La.[296]

(3) Bản đồ tiềm năng nước hình núi, trầm tích cạn và đá ngầm ở các xứ, phủ châu

Núi Ô Trư (烏豬山: Ô Trư sơn) giữa biển nước sâu 80 thác (sãi), thỉnh Đô công lên thuyền màu cúng tiễn thả đi, Thượng Xuyên và Hạ Xuyên ở bên trong, còn Giao Cảnh, Giao Lan ở bên ngoài.

Núi Thất Châu (七州山; Thất Châu sơn) có 7 ngọn núi, 3 ngọn ở phía đông trong đó có một ngọn lớn, 4 ngọn ở phía tây lớn như nhau.

Biển Thất Châu (七州洋: Thất Châu dương) nước sâu 120 thác. Đi qua lại phải tế cô nhi bằng ba con vật, rượu và cháo. Đông nhiều chim, tây nhiều cá.

Núi Độc Trư (獨豬山: Độc Trư sơn) nước sâu 60 thác. Đi qua lại thì cúng ở miếu Hải Ninh Bá, nằm ở núi Vạn Châu, Hải Nam. Nếu đầu dài có thể nhìn thấy núi Canh, thân thuyền thấp.

Biển Giao Chỉ (交趾洋: Giao Chỉ dương) thấp về phía tây có đảo Thảo, nước chảy xiết, nhiều lau sậy và củi. Xa về phía đông có cá bay, xa về phía tây có cá chuồn. Nước sâu 45 thác. Đi thuyền về phía đông 7 canh là Vạn Lí Thạch Đường.

Núi Tiêm Bút La (尖筆羅) nước sâu 50 thác. Có rất nhiều củi và nước trên núi. Tây nam có nhiều lau sậy lá trúc, nhiều đồi núi, có dạng như nhiều cây bút.

Núi Ngoại La (外羅山: Ngoại La sơn) nhìn xa thấy như ba cửa, nhìn gần đông cao tây thấp, bắc có bờ dừa, tây có đá cổ. Thuyền đi gần về phía tây, nước sâu 45 thác. Nếu quay lại, có thể tiến gần về phía tây, và nếu đi về phía đông, có thể phạm rào đá. Mã Lăng Kiều nước sâu 25 thác và thuyền có thể qua lại cả bên trong và bên ngoài. Có những rạn san hô nhô ra khỏi mặt nước ở rìa phía nam.[297]

(4) Tuyến đường biển từ Phúc Kiến đến Giao Chỉ

Đi thuyền từ cửa Ngũ Hổ và sử dụng kim Ất Thìn để tới núi Quan Đường. Thuyền đi ngang 3 bãi đá ngầm ở rìa phía đông, dùng kim Bính Ngọ tới rìa phía tây núi Đông Sa, nước sâu 6, 7 thác, dùng kim Ất đơn trong 3 canh đi tới đảo Ngô, dùng kim Đinh Ngọ, kim Khôn Mùi một canh đến núi Ô Khâu, dùng kim Khôn Thân đi thuyền 7 canh đến ngang núi Thái Vũ, dùng kim Khôn Thân và kim Thân đơn 7 canh thuyền tới ngang núi Nam Áo, dùng kim Khôn Thân 15 canh tới ngang Đại Tinh Tiêm, dùng Khôn Mùi 7 canh tới ngang núi Đông Khương, Khôn Mùi 5 canh tới ngang núi Ô Trư, dùng kim Khôn đơn 13 canh tới ngang núi Thất Châu, kim Thân đơn 7 canh tới ngang núi Lê Mẫu ở Hải Nam, đó là Thanh Nam Đầu, dùng Canh Thân 15 canh tới Hải Tân Nghiệp, và tuyến chính dùng kim Hợi đơn và Càn Hợi 5 canh tới Cổng Kê Xướng là cửa biển của châu Vân Đồn nước An Nam.[298]

(5) Từ đảo Ngô đến Đai Nê Cát Lan Đan

Từ đảo Ngô ra khơi, thuyền đi hướng trong, dùng kim Đinh Mùi và kim Đinh đơn 7 canh đi qua bên ngoài núi Bình ở Nam Áo. Dùng kim Khôn Thân 15 canh thuyền tới ngang Đại Tinh Tiêm. Dùng kim Khôn Thân 7 canh đến cửa Nam Đình. Dùng kim Khôn đơn 5 canh đến núi Ô Trư. Dùng kim Khôn đơn và Khôn Mùi 13 canh tới ngang Thất Châu Dương. Dùng kim Khôn Mùi 7 canh đến ngang núi Độc Trư và dùng kim Khôn Mùi 20 canh thuyền tới ngang núi Ngoại La. Dùng kim Bính Ngọ 7 canh đến Giáo Bôi và đảo Dương. Dùng kim Bính Ngọ 5 canh đến Linh Sơn Đại Phật. Dùng kim Ngọ đơn 3 canh tới núi Già Mạo. Dùng kim Đinh Ngọ 5 canh đến La Loan Đầu, dùng kim Khôn đơn và kim Khôn Mùi 5 canh đến Diệc Khảm. Dùng kim Khôn Mùi 15 canh thuyền tới bên ngoài núi Côn Lôn. Dùng kim Khôn Thân và Canh Dậu 30 canh thuyền tới cảng Cát Lan Đan (Kelantan). Đó là chỗ đất bùn có thể đậu thuyền. Dùng kim Thân đơn 7 canh đến Lục Khôn, phần chính và đuôi [Lục] Khôn có chỗ cạn, vượt qua rìa phía tây đi vào cảng thì đó là Đại Nê.[299]

(6) Tuyến đường biển từ Đài Vũ đến Bành Phường

Theo kim Đinh 4 canh thuyền đến núi Bình Châu. Dùng kim Mùi 3 canh tới Nam Áo. Dùng kim Khôn Thân 15 canh đến Đại Tinh, dùng kim Khôn Mùi 7 canh đến núi Đông Khương. Dùng kim Khôn đơn 5 canh đến núi Ô Trư. Dùng kim Khôn đơn 15 canh đế biển Thất Châu. Dùng kim Khôn đơn 7 canh tới núi Độc Trư. Dùng kim Khôn Mùi 20 canh tới bên ngoài núi Ngoại La. Dùng kim Bính Ngọ 7 canh đến đảo Giáo Bôi và đảo Dương. Dùng kim Bính Ngọ 7 canh đến Linh Sơn Đại Phật. Dùng kim Ngọ đơn 3 canh đến Già Nam Mạo. Dùng kim Đinh Ngọ 7 canh đến La Loan Đầu, dùng kim Khôn Mùi 5 canh thuyền đến Xích Khảm. Nếu đi tiếp, có thể phạm vào châu Đại Mạo (đảo Đồi Mồi), nếu đi lòng vòng, có thể phạm vào rạn san hô Đại Mạo và áp Đại Mạo, và tại đầu núi dùng kim Mùi đơn 15 canh tới núi Côn Lôn. Dùng kim Khôn Mùi 40 canh đến cảng Bành Phường.[300]

(7) Tuyến đường biển từ Quảng Đông đến Malacca

Tử Cửa Nam Đình đi ra biển, dùng kim Khôn Mùi 5 canh đến núi Ô Trư. Dùng kim Khôn đơn 13 canh tới biển Thất Châu. Dùng kim Khôn Mùi 7 canh thuyền ngang qua núi Độc Trư. Dùng kim Mùi đơn 20 canh tới bên ngoài núi Ngoại La. Dùng kim Bính Ngọ 7 canh tới ngang đảo Giáo Bôi và đảo Dương. Trong ngoài đều có thể đi qua, thuyền đi dọc theo ngọn núi để đi qua bên ngoài cảng Tân Châu của Chiêm Thành, dùng kim Bính Ngọ 5 canh đó là Linh Sơn Đại Phật, thả thuyền màu. Dùng kim Bính Ngọ 3 canh tới Già Mạo, dùng kim Đinh Ngọ 5 canh đến La Loan Đầu, dùng kim Khôn Mùi 5 canh tới núi Xích Khảm. Nếu thân tàu rộng, có thể vi phạm đảo Đồi Mồi; đi lòng vòng có thể phạm rạn đồi mồi. Dùng kim Khôn Mùi 15 canh đến bên ngoài núi Côn Lôn, dụng kim Đinh Mùi 20 canh và kim Mùi đơn 25 canh đến núi Trữ Bàn và mũ tướng Đông Tây Trúc. Từ xa có thể nhìn thấy bên trong mũ tướng và núi Hoả Thiêu. Theo kim Đinh Mùi thêm 15 canh tới rạn san hô Bạch. Đảo Bắc An, Nam An và đảo La Hán. Rạn san hô Bạch nằm ở biên cánh buồm lộ lên của các thuyền đi qua. Dùng kim Dậu đơn 5 canh thuyền đến cửa Long Ư. Không thể đi thuyền vào ban đêm, đề phòng có rạn san hô Ngưu Thỉ ở rìa phía nam. Qua khỏi cửa này là đảo Bình Trường Yêu, đề phòng bãi cát cạn và rạn san hô Lương Tán ở rìa phía nam. Dùng kim Tân Tuất 3 canh đến núi Cát Lí Muộn. Theo kim Càn Hơi 5 canh tới đảo Côn Tống, và kim Hợi đơn 5 canh tới đảo Tiền. Dùng kim Càn 5 canh tới đảo Ngũ. Đi dọc theo núi tới Malacca.[301]

Trong 7 ghi chép này, ngoại trừ ghi chép đầu tiên trong lời nói đầu chỉ mang tính chất chung chung, 6 ghi chép còn lại đều mô tả rõ ràng lộ trình hàng hải, từ đó đưa ra vị trí chính xác của biển Thất Châu. Ghi chép (4), núi Thất Châu nằm giữa núi Ô Trư và núi Lê Mẫu Hải Nam. Trong (5), (6), (7), núi Thất Châu cũng nằm giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư. Núi Ô Trư ở bên ngoài cửa sông Châu Giang ở Quảng Đông và núi Độc Trư ở gần Vạn Châu, Hải Nam. Có thể thấy rằng biển Thất Châu chỉ vùng biển quanh nhóm đảo Thất Châu.

Ghi chép (3) là văn bản giải thích rõ ràng nhất về núi Thất Châu và biển Thất Châu. Theo thứ tự mô tả, cả núi Thất Châu lẫn biển Thất Châu đều nằm giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư. Vị trí địa lí của biển Thất Châu rõ ràng là ở giữa hai nơi này. Vì vậy, núi Thất Châu ở đây chỉ nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, còn biển Thất Châu là biển đối diện. Cũng có thể thấy từ mô tả về độ sâu của nước biển Thất Châu rằng độ sâu nước xung quanh biển Thất Châu là 120 thác. Một thác chỉ chiều dài của cả hai cánh tay dang rộng, khoảng 1,5 mét. 120 thác tương đương với 180 mét. Trong Mộng lương lục có nêu rằng độ sâu của nước biển Thất Châu là 50 trượng, hay khoảng 150 mét. Hai độ sâu này về cơ bản là ăn khớp nhau. Có thể thấy rằng biển Thất Châu được nói trong câu tục ngữ trong Mộng lương lục và các cuốn sách khác cũng là vùng biển xung quanh nhóm đảo Thất Châu.

3. Đông Tây dương khảo

Đông Tây dương khảo [東西洋考] do Trương Tiếp thời Minh viết, cũng có ghi chép cụ thể về các tuyến đường biển, có thể so sánh với Thuận phong tương tống. Có 5 ghi chép liên quan đến biển Thất Châu trong quyển 9 Chu sư khảo [舟師考] (Hình 33):

Tuyến đường Tây dương

(1) (Chương Châu đến Hải Nam)

……………….

Từ Cửa Nam Đình [đối diện, nước sâu 47 thác, dùng kim Khôn đơn 5 canh tới núi Ô Trư.] Núi Ô Trư (có miếu Đô Công trên đó, và thuyền đi qua biển, có chuẩn bị mọi thứ để cúng vái từ xa, cầu xin thần phù hộ, rồi tiễn thần trên những chiếc thuyền màu. Biển sâu 80 thác, dùng kim Thân đơn 13 canh, tới núi Thất Châu).[302]

(2) (Hải Nam đến Đông Kinh Giao Chỉ)

Núi Thất Châu, biển Thất Châu [Quỳnh Châu chí nói: cách Văn Xương 100 lí về phía đông. Giữa biển có núi, gồm 7 ngọn nối tiếp nhau, trên đó có suối, nước ngọt uống được. Lưu Thâm dẫn quân Nguyên truy đuổi Tống Đoan Tông, bắt được cậu ông là Du Đình Khuê. Tục truyền rằng khi xưa Thất Châu chìm dưới nước, tàu thuyền đi qua, có lệ phải cúng thí những con vật sống, nếu không sẽ bị tai họa, tàu thuyền đi qua đây cực kì nguy hiểm, lệch một ít sang phía đông chính là Vạn Lí Thạch Đường, tức cái gọi là biển Thạch Đường phía đông Vạn Châu trong Ái chí. Tàu thuyền phạm vào Thạch Đường, hiếm người thoát được. Biển Thất Châu nước sâu 130 thác, nếu đến Đông Kinh Giao Chỉ, dùng kim Thân đơn 5 canh đến núi Lê Mẫu]

Núi Lê Mẫu…………

Núi Hải Bảo…………..

Đông Kinh Giao Chỉ…[303]

Hình 33 Đông Tây dương khảo – Tây Dương châm lộ · Hải Nam đi Quảng Nam

(3) (Hải Nam đến Quảng Nam)

Rồi từ biển Thất Châu (dùng kim Khôn Mùi 3 canh, tới núi Đồng Cổ).

Núi Đồng Cổ [Quảng Đông thông chí thư nói: Ở phía đông bắc Văn Xương, bọn người Liêu đều đúc đồng làm trống lớn, treo trong sân, Khi đánh giết nhau họ dùng trống để tập hợp lại, về sau khi những người từ ngôi làng miền núi đào được trống, nên đặt tên làng theo đó. Quỳnh Châu chí nói: biển Đồng Cổ sâu hiểm trở, theo kim Khôn Mùi 4 canh tới núi Độc Châu). Núi Độc Châu (thường được gọi là Độc Trư. Quỳnh Châu chí nói: núi Độc Châu (獨州), còn gọi là núi Độc Châu (獨珠), nằm ở phía đông nam Vạn Châu, đỉnh núi cao nhô ra biển, chu vi 50, 60 lí. Các nước phiên phía nam đều lấy đây làm mốc cho tuyến đường thủy đi triều cống, và biển ở đó là biển Độc Châu. Người đi thuyền nói: Có miếu Linh Bá, chỗ để tới lui cúng tế. Nước sâu 65 thác, dùng kim Khôn Mùi 10 canh, tới biển Giao Chỉ].

Biển Giao Chỉ…….

Quảng Nam ……..[304]

(4) (Chiêm Thành đến Xiêm La)

Rồi từ núi Xích Khảm [đi theo kim Mùi đơn tới núi Côn Lôn].

Núi Côn Lôn (đây không phải là Côn Lôn của Hà Nguyên mà đó là một thắng cảnh tuyệt vời trên biển. Tinh tra thắng lãm nói: ở giữa biển lớn, núi cao nhưng vuông vức, chân núi bao la bát ngát, tục ngữ có câu trên sợ Thất Châu dưới sợ Côn Lôn. Kim sai, lái lạc thì thuyền và người khó mà còn, dùng kim Canh đơn và kim Canh Dậu 3 canh thì tới Tiểu Côn Lôn.)[305]

(5) Sao Thủy nước dậy

Nước dậy, chảy rất xiết, khi tàu đi đến biển Thất Châu và biển Ngoại La trong vài ngày, thân tàu không được quay về hướng đông mà nên kéo về hướng tây. Ngày mồng 8, 9, [10,] 11, 12, 13, 14, nước rút về đông; ngày 23, 24, 25, 26, 26, 28, nước đều rút về đông, thuyền đến biển Thất Châu, Ngoại La, vào mấy ngày này, xem xét để thuyền không được lệch về phía tây, vì phía tây không có nước, tốt hơn là kéo về phía đông. Nói chung thuyền đang đi có thể lệch về hướng tây, nước trong xanh, có nhiều cá (bái lãng), lệch sang hướng đông, nước biển đen; nếu nước xanh biếc thì có cây lớn mục, dòng nước sâu và tiếng vịt kêu, nếu thấy có chim trắng với mũi tên trên đuôi thì đó là hướng đi đúng. Gần Ngoại La đi về phía đông 7 canh, chính là Vạn Lí Thạch Đường, trong đó có một ngọn núi đá đỏ, không cao.[306]

Từ thứ tự mô tả trong Đông Tây dương khảo, có thể thấy rằng biển Thất Châu được đề cập ở đây vẫn là biển quanh nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc của Hải Nam. Nó nằm giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư, phân biệt rõ ràng với Vạn Lí Thạch Đường, tức là quần đảo Hoàng Sa.

4. Hải ngữ

Vào thời Minh, chỉ có cuốn Hải ngữ [海語] của Hoàng Trung mới có thể khiến người ta đi tới kết luận “biển Thất Châu là vùng biển của quần đảo Tây Sa” (Hình 34):

Nước Xiêm La (Thái Lan) ở Nam Hải, từ Cửa Nam Đình của Đông Hoàn ra biển, đi về phía nam đến Ô Trư, Độc Trư, Thất Châu, Tinh Bàn, theo kim Khôn Mùi đến Ngoại La, và kim Khôn Thân 45 trình (đoạn đường) đến Chiêm Thành.[307]

Hình 34 Hải ngữ·Xiêm La

Thứ tự được nêu ở đây là Ô Trư, Độc Trư, Thất Châu, khác với các tác phẩm phía trên. Nếu theo thứ tự từ nam tới bắc, biển Thất Châu ở đây thật sự có thể chỉ mặt biển của quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, tác giả nghĩ cách hiểu này là sai. Trước hết, bản thân Hoàng Trung không phải là một nhà hàng hải, trong phần tóm tắt do Kỉ Hiểu Lam viết, ông đã chỉ ra: “Ba quyển Hải ngữ do Hoàng Trung, tự là Tử Hoà Thượng Hải Nhân, tiến sĩ năm Bính Thìn triều Hoằng Trị, quan Hữu thị lang của Bộ Binh thời Minh, viết ra. Cuốn sách này được ông viết ở nhà trong những năm về hưu lúc cuối đời, biên soạn từ các kiến thức về sông núi, phong tục thu thập được qua hỏi han tàu thuyền người phiên”.[308] Do đó, những ghi chép của Hoàng Trung cũng được nghe từ người nước ngoài. Thứ hai, ông không bàn luận chi tiết về các tuyến đường đi biển giữa 3 biển này, so với Thuận phong tương tốngChỉ nam chánh pháp được ghi chép đầy đủ và được sử dụng thực tế thì cuốn này hết sức giản lược. Nếu điều ông thật sự muốn diễn đạt là “Thất Châu dương là quần đảo Tây Sa“, và nếu một trong hai thuyết ngược nhau này là sai, thì khả năng ông bị sai rất lớn: có thể ông sai hoặc người nói với ông sai. Thứ ba, xét về tính ngắn gọn trong ghi chép này, nhiều khả năng tác giả đã không chú trọng tới thứ tự của 3 biển trong ghi chép này mà chỉ liệt kê 3 biển có vị trí gần nhau. Điều này sau đó đã bị các thế hệ về sau hiểu sai rằng biển Thất Châu nằm ở phía nam của biển Độc Trư. Điểm này sẽ được giải thích rõ hơn trong Tứ di quảng kí.

5. Tứ di quảng kí

Có rất nhiều ghi chép về biển Thất Châu trong Tứ di quảng kí [四夷廣記]:

(1) Phúc Kiến đến nước An Nam

Đi thuyền từ cửa Ngũ Hổ ở Phúc Châu, dùng kim Ất Thìn tới Quan Đường, thuyền đi qua 3 rạn san hô ở rìa phía đông và phía tây. Dùng kim Bính Ngọ đi tới núi Đông Sa, vượt thuyền về rìa phía tây, nước sâu 6, 7 thác. Dùng kim Tị đơn, đi 3 canh đến đảo Phiến. Dùng kim Đinh Ngọ đi 1 canh, dùng kim Khôn Mùi đi 2 canh, rồi dùng kim Khôn Thân 1 canh, tới ngang núi Ô Khâu. Dùng kim Khôn Thân đi 7 canh tới ngang núi Thái Vũ. Dùng kim Khôn Thân đi 7 canh tới ngoài Nam Hải. Từ đó, dùng kim Khôn Thân đi 15 canh tới Đại Tinh Tiêm. Dùng kim Khôn Mùi đi 7 canh tới núi Đông Khương. Dùng kim Khôn Mùi đi 5 canh tới ngang núi Ô Trư. Dùng kim Thân đơn đi 15 canh tới Thất Châu. Dùng kim Thân đơn đi tới núi Lê Mẫu ở Hải Nam. Dùng kim Canh Dậu đi 15 canh tới núi Hải Đường và đi đúng đường. Dùng kim Hợi đơn và kim Càn Hợi đi 15 canh đến cửa Kê Xướng, đó là cửa biển của châu Vân Đồn ở Nam hải.[309]

(2) Lộ trình của Ngô Huệ từ Quảng Đông sang Chiêm Thành năm Chính Thống thứ 6

Năm Chính Thống thứ 6, ngày 23 tháng 12, cấp sự trung Thư Mỗ, hành nhân Ngô Huệ khởi hành từ huyện Đông Hoàn. Ngày 24, vượt qua biển Ô Trư. Ngày 25, vượt biển Thất Châu thấy núi Đồng Cổ. Ngày 26, đến núi Độc Trư và thấy núi Đại Châu. Ngày 27 đến biên giới Giao Chỉ. Có một đảo rất lớn cắt ngang biển và những tảng đá kì lạ và sắc nhọn, gió tạt thuyền chạm vào sẽ vỡ tan. Người trên thuyền vô cùng kinh hãi, trong chốc lát gió liền ập tới. Ngày 28, tới Giáo Bôi Thự Trung ở biển Ngoại La Chiêm Thành. Trở lại Đông Hoàn ngày 15 tháng 5 năm Chính Thống thứ 7 [chú giải, sứ giả sai đến Chiêm Thành, chỉ có thể kiểm tra dấu vết thuyền của Trịnh [Hoà] và Ngô [Huệ]. Tuy nhiên, Hoà từ Tân Châu vào, Huệ từ Giáo Bôi vào, hai đường đều có thể thông, nhưng tùy theo gió lại neo đậu chỗ khác nhau!] [310]

(3) Phúc Kiến đến Chiêm Thành

Từ Ngũ Hổ xuống thuyền, dùng kim kim Ất Thìn để tới núi Quan Đường, thuyền đi ngang 3 rạn đá ngầm ở rìa phía đông. Dùng kim Bính Tị tới rìa phía tây núi Đông Sa, nước sâu 6, 7 thác, dùng kim Tị đơn trong 3 canh đi tới đảo Ngưu. Dùng kim Đinh Ngọ đi trong 1 canh, kim Khôn Mùi đi 2 canh, dùng kim Khôn Thân đi 1 canh, đến núi Ô Khâu. Dùng kim Khôn Thân đi thuyền 7 canh đến núi Thái Vũ, Dùng kim Khôn Thân và kim Thân đơn 7 canh thuyền tới núi Bành bên ngoài Nam Loan. Dùng kim Khôn Thân 15 canh tới ngang Đại Tinh Tiêm. Dùng kim Khôn Mùi 7 canh tới ngang núi Đông Khương. Dùng kim Khôn Mùi 5 canh tới ngang núi Ô Trư. Dùng kim Khôn Mùi 10 canh tới ngang núi Thất Châu. Dùng kim Khôn Mùi 7 canh tới ngang núi Độc Trư. Dùng kim Mùi đơn đi 20 canh tới Chiêm Tất La. Dùng kim Mùi đơn đi 5 canh tới bên ngoài núi Ngoại La, Dùng kim Bính Ngọ 7 canh tới đảo Giáo Bôi, đi thuyền vào trong, dọc theo núi vào cảng Tân Châu.[311]

Biển Thất Châu trong ba đoạn ghi chép này đều chỉ vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu. Tuy nhiên, trong (4) Quảng Đông Đông Hoàn huyện chí Xiêm La châm lộ lại ghi:

Từ cửa Nam Đình của huyện Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông ra biển, phía nam đến các biển Ô Trư, Độc Trư và Thất Châu, kim Khôn Mùi của la bàn cho đến Ngoại La. Kim Khôn Thân 45 trình, đến cảng Chiêm Thành cũ. Đi qua Đại Phật Linh Sơn và trên đó là Phong Đôn, thuộc về Giao Chỉ. Rồi đi kim Mùi, đến núi Côn Lôn. Rồi theo kim Khôn Mùi đến đảo Đại Mạo (Đồi Mồi), ngạch Đồi Mồi và đến núi Quy. Dùng kim Dậu cho đến Xiêm La, vào cảng từ cửa biển Doanh Hoà Môn Đài. Ở dưới nước, có một đảo dài ẩn hiện như một cái đê, tàu biển ra vào, như cái đập của Trung Quốc, tuy nhiên đây cũng là một trong những nơi kiểm soát của đất nước, ít ra làm một cửa khẩu, do tù trưởng người di bảo vệ. Và ít ra, làm hai cửa khẩu, tức là kinh đô của đất nước.[312]

Thứ tự ở đây là biển Ô Trư – biển Độc Trư – biển Thất Châu. Thứ tự này giống như thứ tự trong Hải ngữ. Nhưng trong (5) Quảng Đông vãng Xiêm La châm lộ ở phần phụ lục cuối đoạn này lại viết:

Ra biển từ cửa Nam Đình, dùng kim Khôn Mùi, đi 5 canh, tới ngang núi Ô Trư, chỗ ranh giới Mã Hộ. Dùng kim Khôn Mùi, 13 canh, tới ngang núi Thất Châu. Lại dùng kim Khôn mùi 7 canh, tới ngang núi Độc Trư. Nếu nhìn thấy núi Độc Trư, thì có thể dùng kim Đinh Mùi, đi 20 canh, tới núi Ngoại La. Dùng kim Bính Ngọ đi 7 canh đến đảo Giáo Bôi và cảng Tân Châu. Dùng kim Bính Ngọ đi 5 canh tới ngang Đại Phật Linh Sơn. Dùng kim Ngọ đơn đi 3 canh tới núi Già Lam Nhi [Mạo]. Dùng kim Đinh Ngọ tới La Loan Đầu. Dùng kim Khôn Mùi, đi 5 canh tới ngang núi Xích Khảm. Nếu thân thuyền rộng, sợ sẽ phạm vào đảo Đồi Mồi. Thân tàu dài có thể phạm áp Đồi Mồi và rạn san hô Đồi Mồi. Nếu thân thuyền ở gần núi Xích Khảm, không thấy được đảo Đồi Mồi, dùng kim Đinh Mùi và kim Mùi đơn, đi 15 canh tới núi Côn Lôn lớn, đi thuyền vào trong, nước sâu 15, 16 thác. Dùng kim Canh Dậu, đi 3 canh, tới núi Côn Lôn nhỏ. Sử dụng kim Canh Dậu, đi 10 canh tới núi Chân Tự. Đi thuyền trong núi, nước sâu 14, 15 thác. Dùng kim Tân Tuất, đi 10 canh đến núi Hoành lớn (Đại Hoành sơn), có thể đi thuyền trong và ngoài. Với kim Tân Thìn, đi 5 canh, đến núi Hoành nhỏ (Tiểu Hoành sơn), có thể vượt thuyền từ những núi xa trong và ngoài. Dùng kim Càn Tuất, đi 25 canh tới núi Bút Giá. Dùng kim Nhâm Tí, đi trong 10 canh, tới đảo Trần Ông. Dùng kim đơn Nhâm, đi 3 canh, lên tới Thiển, đó là cách đi đến Xiêm La tốt nhất.[313]

Lúc này, thứ tự lại thay đổi từ núi Ô Trư đến núi Thất Châu đến núi Độc Trư. Và trong (6) Xiêm La hồi Quảng Đông châm lộ:

Từ Thiển, dùng kim Bính Tị tới đảo Trần Ông. Dùng kim Bính Ngọ, đi 10 canh đến ngang núi Bút Giá. Đi xa ra biển, dùng kim Bính đơn và kim Bính Tị, đi 25 canh, tới núi Hoành nhỏ chỗ ranh Phàm Phô. Dùng kim Bính Tị, tđi 5 canh, tới ngang núi Hoành lớn và ranh giới Phàm Phô Hộ. Dùng kim Thìn đơn, đi 10 canh, tới núi Chân Tự tại ranh giới Phàm Phô Hộ. Dùng kim Thân Mẹo và kim Mẹo đơn, đi 13 canh, tới núi Côn Lôn lớn chỗ ranh giới Mã Hộ. Dùng chiếc kim Sửu đơn và Sửu Quý, đi 15 canh, đến núi Xích Khảm. Nếu thân thuyền rộng có thể phạm đảo Đồi Mồi. Nếu thân tàu dài, nó có thể phạm áp Đồi Mồi và rạn Đồi Mồi. Dùng kim Sửu đơn, đi 5 canh, tới La Loan Trường. Dùng kim Sửu đơn và Sửu Quý, đi 5 canh tới Già Bì Mạo. Dùng kim Tí đơn, đi 3 canh, tới ngang Đại Phật LInh Sơn. Dùng kim Tí Quý, đi 5 canh, tới ngang đảo Giáo Bôi và đảo Dương, bên trong là cảng Tân Châu. Dùng kim Nhâm Tí, đi 7 canh, tới núi Ngoại La, băng qua rìa phía đông. Dùng kim Sửu Quý, đi 20 canh tới núi Độc Trư. Dùng kim Sửu Cấn và Cấn đơn, đi 5 canh, tới ngang núi Đồng Cổ. Dùng kim Sửu Cấn, đi 2 canh, tới ngang núi Thất Châu. Dùng kim Sửu Cấn, đi 13 canh, tới núi Ô Trư. Dùng kim Cấn đơn, đi 5 canh, về tới cửa Nam Đình, núi Khương.[314]

Thứ tự cũng từ núi Ô Trư đến núi Thất Châu đến núi Độc Trư (nhưng ngược lại, vì đây là lộ trình trở về). Không có lí do gì để cho rằng đây là hai tuyến đường khác nhau, nhất là điểm đầu và điểm cuối ghi ở (4) và (5) giống nhau, nơi qua lại cũng giống nhau, điều này chỉ có thể chứng tỏ rằng ở (4) ), có vấn đề về thứ tự, nhưng tác giả không cho rằng đây là sự nhầm lẫn, vì (4) không bàn chi tiết về trình tự của tuyến đường biển này như ở (5) (chẳng hạn như phương vị và thuỷ trình), rất khác so với các mô tả chi tiết khác, có lí do để tin rằng tác giả chỉ liệt kê 3 biển này, vì nghĩ rằng chúng là 3 biển gần bên nhau, có thể xếp chung với nhau và thứ tự liệt kê không quan trọng.Tuy nhiên, điều này đã làm các thế hệ sau hiểu lầm rằng biển Thất Châu nằm ở phía nam biển Độc Trư.

Cách diễn đạt này trong Tứ di quảng kí rõ ràng là chịu ảnh hưởng của Hải ngữ.

Bởi vì không có lời văn nào như vậy trong hai tuyến đường biển từ Quảng Đông đến Chiêm Thành và từ Quảng Đông đến Xiêm La, hơn nữa nửa đầu của hành trình đến Xiêm La và Chiêm Thành là như nhau, nên không có lí do gì để cho rằng phải đi theo tuyến đường khác. Trong Tứ di quảng kí, chỉ có đoạn từ Đông Hoàn đến Xiêm La mới có mô tả như vậy. Điều này hoàn toàn khớp với điểm đầu và điểm cuối được mô tả trong Hải ngữ (Nước Xiêm La ở Nam Hải, từ cửa Nam Đình của Đông Hoàn ra biển..). Thật ra, trong Tứ di quảng kí, điểm đầu của lộ trình từ Quảng Đông đến Chiêm Thành cũng là cửa Nam Đình, chỉ có điều là không nhấn mạnh “cửa Nam Đình của Đông Hoàn“. Thực ra là do ảnh hưởng quá lớn của Hải ngữ. Nhiều tác phẩm sau này đã trích dẫn các chú thích của Hải ngữ hoặc sử dụng cách diễn đạt này. Một ví dụ khác là Quảng Đông thông chí của Hoàng Tá:

Có 3 tuyến đường tuần tra trên biển để sẵn sàng đối phó cướp biển Nhật, quan quân theo đó để canh giữ. Vào cuối xuân và đầu hè, khi gió thổi mạnh, đốc thúc đưa quân ra biển để phòng thủ, Tuyến đường giữa là thành Nam Đầu huyện Đông Hoàn, ra cửa Phật Đường, cửa Thập Tự, mũi Lãnh Thủy, bến thuyền các biển [Hải ngữ: Từ cửa Nam Đình của Đông Hoàn ra biển, đến 3 biển Ô Trư, Độc Trư, Thất Châu, dùng kim la bàn hướng Khôn Mùi, đến Ngoại La; sau đó kim Thân vào Chiêm Thành, đến biển Côn Lôn; kim Tí Ngọ đến cửa Long Nha ngay sau đó vào Xiêm. Nếu có cướp phiên và cướp biển, chúng sẽ vào cửa Thập Tự để đánh cướp. Vì vậy, phải phòng chống.][315]

Về sau, tài liệu này được diễn giải là quân Minh tuần tra quần đảo Hoàng Sa, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy (xem 3.9.2).

6. Chỉ nam chánh pháp

Có một sách hướng dẫn đi biển khác vào đầu thời nhà Thanh — Chỉ nam chánh pháp [指南正法] (đầu thế kỉ 18), trong đó có tới 9 chỗ nói về biển Thất Châu.

(1) Lời nói đầu

Đối với tàu thuyền đi đến biển Thất Châu và Ngoại La, phải xem xét số lần nước dâng và nước rút. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6, từ ngày 15 đến ngày 20, nước đều dâng lên, nước dâng thì chảy về hướng tây. Từ mồng 8 đến 13 âm lịch, từ mồng 2 đến mồng 9, nước rút, khi rút thì chảy ngược. Cũng cần phải kiểm tra cẩn thận. Xem xét sức gió mạnh yếu, nước chảy ngược xuôi, có thể biết đi đúng đường. Cẩn thận đừng lệch sang tây, sang tây thì nước đẩy qua đông, sang đông thì không có nước kéo qua tây. Phía tây nước biển trong xanh, gỗ mục trôi dạt, có nhiều cá (bái phong). Lệch sang đông, nước xanh đen, chim đầu vịt kết thành bầy, thấy chim mũi tên là đi đúng đường. Nếu qua Thất Châu đi về hướng đông 7 canh sẽ thấy Vạn Lí Trường Sa, nhìn xa trông như cánh buồm, nhìn gần giống như 2, 3 cánh buồm, thì nên trở bánh lái. Đi một ngày thấy đối diện với Ngoại La, đi về phía đông 7 canh, đó chính là Vạn Lí Thạch Đường, trong đó có đảo đá đỏ, không cao, nếu thấy nước dưới thân thuyền thấp, cần phải đề phòng. Nếu đến biển Giao Chỉ thì nước trong xanh, thấy cá bái phong, có thể lạc vào Chiêm Bút La, chỉ có cách thoát ra. Còn nếu thấy ranh giới dòng chảy Tử Thành cùng một cây lớn chết, có thể dùng kim Khôn Thân, đi 1 ngày 1 đêm sẽ thấy Linh Sơn Đại Phật. Phía trước Đại Phật, nước chảy về hướng tây rất xiết vào tháng 4, 6, 7, 8, đến gần núi được thì rất tốt. Gió đông bắc ngừng thì nước chảy về hướng bắc, cố ghi nhớ điều đó.[316]

(2) Thế nước, núi, đảo ở núi Đại Minh Đường và 2 biển Đông Tây

Ở biển Ô Trư, bao gồm cả thượng và hạ lưu sông, nước sâu 80 thác. Mùi đơn 7 canh, đến biển Thất Châu, ở đó có 3 đảo ở phía đông và 4 đảo ở phía tây. Khôn Thân 7 canh đến núi Độc Trư.

Núi Độc Trư, nước sâu 120 thác, đi về ngang đó đều phải cúng tế. Rẽ về phía đông nhiều cá, về phía tây nhiều chim. Bên trong là Đạo Châu Đầu, Hải Nam, bên ngoài Đạo Châu Đầu nước chảy xiết, lau sậy và củi tạo thành ranh giới dòng chảy. Rẽ về phía đông có cá bay, về phía tây có cá ‘bái phong’. Đi 7 canh, thuyền vào Vạn Lí Trường Sa Đầu.

Ngoại La Sơn đông cao tây thấp, bên trong có bờ dừa, gần núi có một cụ già, nước sâu 45 thác. Rẽ sang hướng đông sợ thấy Vạn Lí Thạch Đường, Bính Ngọ 7 canh tới Giao Bôi, bên trong nước sâu 18 thác, bên ngoài phải nhớ chỉ 5 thác, tàu thuyền đều đi qua được, rìa phía nam có rạn đá lộ khỏi mặt nước. Nếu đến cảng Mã Lăng Kiều Thần Châu, nước sâu 8, 9 thác, và đầu mũi chỉ sâu 2, 3 thác, vào cảng có một tháp, và có thể đậu thuyền ở đó.[317]

(3) Thiên Đức Phương

Thuyền trở về Đường [Trung Quốc] lệch sang đông, thấy nước biển trắng, trăm loài chim muông họp đàn, cần phải đề phòng Vạn Lí Trường Sa. Lau sậy nhiều, nếu thân thuyền lệch về phía tây, sẽ thấy Hải Nam Sách, và không nên đến gần Thanh Lan Đầu. Thanh Lan Đầu mở ra, sợ rằng phạm vào sẽ khó ra, và chỉ có hướng Giáp Dần mới tốt. Sau khi vượt qua biển Thất Châu, trong biển Thất Châu có 7 dòng chảy, rồi tới gần cửa Nam Đình, [theo kim] Sửu Cấn sẽ thấy Nam Áo.[318]

(4) Hình thế nước biển Ninh Đăng đến núi Li Châu, Quảng Đông

Núi Ô Trư, nước sâu 15 thác, và [đi theo hướng] Khôn Mùi 14 canh tới biển Thất Châu.[319]

(5) Đại Đam đến Giao Chỉ

Từ Thái Vũ xuống thuyền và dùng Khôn Thân 7 canh đến Nam Áo Bành Ngoại. Khôn đơn 15 canh, đến Đại Tinh Tiêm. Dùng Khôn Mùi 7 canh đến phía đông. Khôn Mùi 5 canh đến Ô Trư. Khôn Thân 13 canh, đến Thất Châu. Dùng Thân đơn 5 canh, đến núi Lê Mẫu, Hải Nam. Dậu đơn 15 canh đến núi Hải Bảo, và đó là đi đúng đường. Dùng Càn Hơi, Hợi đơn 5 canh đến cửa Kê Khiếu, tức là cảng nước An Nam.[320]

(6) Tuyến đường biển từ Đại Đam đến Giản Phố Trại (Campuchia)

Từ Đại Đam xuống thuyền, qua chỗ neo bên trong, dùng Đinh Mùi và Mùi đơn 7 canh, đến Nam Áo Bành Ngoại. Dùng Khôn Thân 15 canh, đến ngang Đại Tinh Tiêm. Dùng Khôn Thân 7 canh, đên Đông Khương cùng cửa Nam Đình. Dùng Khôn Mùi 5 canh, đến Ô Trư. Dùng Khôn Mùi 13 canh, đến biển Thất Châu. Dùng Khôn Mùi 7 canh, đến núi Độc Trư. Dùng Khôn Mùi thêm 20 canh nữa, đến Ngoại La. Dùng Bính Ngọ 7 canh, đến đảo Giao Bôi và đảo Dương Giác, đó là đường chính đến cảng Tân Châu. Dùng Bính Ngọ 5 canh, đến Linh Sơn Đại Phật, khi đi lại ngang qua thả thuyền màu để cúng tế. Dùng Bính Ngọ và Ngọ đơn 3 canh tới núi Già Mạo. Dùng Đinh Mùi 5 canh, đến La Loan Đầu. Dùng Khôn Mùi 5 canh, đến núi Xích Khảm, thân thuyền rộng, sợ phạm đảo Đồi Mồi, thân dài, phạm áp Đồi Mồi. Dùng Khôn Thân và Thân đơn 4 canh, tới núi Hạc Đính, nước sâu 7, 8 thác. Dùng Canh đơn 2 canh, đến đảo Nhất Viên nhỏ, và Canh đơn 2 canh nữa, dọc theo núi nước sâu 8 thác, nhìn thấy hình dạng yên ngựa là Ngoại Nhậm, khi thấy nước lớn và gió tốt thì vào cảng.[321]

(7) Đại Đam sang Xiêm La

Từ Đại Đam xuống thuyền, dùng Khôn Mùi 4 canh, qua khỏi Cam Kết. Dùng Khôn Thân 3 canh, đến ngang bên ngoài Nam Áo. Dùng Khôn Thân 15 canh, đến Đại Tinh Tiêm. Dùng Khôn Thân 7 canh, đến Đông Khương. Khôn Mùi 7 canh, đến Ô Trư. Dùng Khôn đơn 13 canh, đến biển Thất Châu, cúng tế. Dùng Khôn Mùi 7 canh, tới Độc Trư. Dùng Khôn Mùi 22 canh, đến Ngoại La. Bính Ngọ 7 canh, đến Giáo Bôi, và Bính Ngọ 5 canh, đến Chấn Sơn Phật, và thả thuyền màu. Ngọ đơn 5 canh, đến La Loan Đầu. Khôn Mùi 5 canh, đến núi Xích Khảm và núi Phú Đỉnh lớn, rìa bên phải có tên cũ Lâm Lang Thiển. Khôn đơn 15 canh, đến Côn Lôn, phía đông có đảo Tân Lang (Penang) ở chỗ khỏi đuôi của Phàm Phô. Dùng Canh Dậu 3 canh, tới Côn Lôn nhỏ (Tiểu Côn Lôn), phía tây có đá ngầm lộ lên khỏi mặt nước. Sau đó, dùng Canh Dậu 8 canh, đến Chân Từ, có một rạn san hô ở rìa phía đông và tuyến đường chính ở rìa phía nam. 3 canh, tới Giả Từ, lập tức thấy đuôi của Chiêm Nguyệt Lạp. Khôn Thân có một cảng nhỏ không thể đi được, sợ không có gió thuận, khó ra. Tân Tuất 15 canh, đến Hoành lớn (Đại Hoành) và rìa phía nam là tuyến đường chính. Dùng Tân Tuất và Càn Tuất 5 canh, đến Hoành nhỏ (Tiểu Hoành), tạo thành ba cánh cổng, trong các cửa có đá ngầm và đều là những tuyến đường chính tới Hoành Mộc.Tân Tuất 15 canh, tới Bút Giá và tại ranh của Phàm Phô. Dùng Tí đơn và Nhâm Hợi 5 canh, tới đảo Trần Công và núi Lê Đầu, dùng Tí đơn 3 canh, đến Ô Đầu Thiển. Dùng Càn đơn 3 canh, tới đảo Trúc. Tí đơn 5 canh tới Thiển Khẩu. Dùng Tí Quý đi tới đảo Trúc, tiến vào cảng.[322]

(8) Tuyến đường từ Ninh Ba đến Đông Kinh

Dùng Bính Ngọ khi rời Trung Diêu, dùng Đinh Mùi 1 canh, tới Li Sơn và 6 canh tới Phụng Vĩ. Dùng Đinh mùi 19 canh, tới đảo Ngưu. Dùng Khôn Mùi 4 canh, tới Ô Khâu. Dùng Khôn Thân 7 canh, tới Thái Vũ. Dùng Khôn Thân 7 canh, tới ngang ngoài Nam Áo, dùng Khôn Thân 15 canh, tới Đại Tinh. Dùng Khôn Mùi 7 canh, đến Đông Khương. Dùng Khôn Mùi 7 canh, tới Ô Trư. Dùng Khôn đơn 13 canh, đến Thất Châu. Dùng Thân đơn 2 canh, đến Đồng Cổ. Dùng Khôn đơn 5 canh, đến Độc Trư. Dùng Khôn Mùi 4 canh, đến Lê Mẫu – Hải Nam. Dùng Canh Dậu 15 canh, tới Hải Bảo. Dùng Hợi đơn và và Càn Hơi, tới cửa Kê Xướng và vào cảng. Tốn Càn Mậu đơn 5 canh, tới cuối Nhai Châu. Càn đơn Tốn Tuất 3 canh, Càn Hợi Tốn Tị Càn đơn 2 canh, Hợi Nhâm Tị Hợi đơn Bính 5 canh.[323]

(9) Tuyến đường biển từ Thái Vũ đến Đại Nê

Dùng Mùi đơn 7 canh, đến ngoài Nam Áo. Dùng Khôn Mùi 15 canh, tới Đại Tinh. Dùng Khôn Thân 7 canh, tới cửa Nam Đình. Dùng Khôn đơn 5 canh, đến Ô Trư. Dùng Khôn Mùi 13 canh, đến Thất Châu. Dùng Khôn Mùi 7 canh, tới Độc Trư. Dùng Khôn Mùi 21 canh, tới Ngoại La. Bính Ngọ 7 canh, tới đảo Giao Bôi, dùng Bính Ngọ 7 canh, tới Linh Sơn Đại Phật. Dùng Bính Ngọ 3 canh, tới Già Mạo. Đinh Sửu 5 canh, đến La Loan Đầu. Khôn đơn và Khôn Mùi 5 canh, tới núi Xích Khảm. Khôn Mùi 15 canh, tới núi Côn Lôn. Dùng Khôn và Canh Thân 30 canh, tới cảng Kelantan, vùng đất bùn, có thể đậu thuyền. [Thân thuyền] rộng [thì dùng]Tân Tuất, dài thì dùng Càn Hợi để đi qua núi và đi đến Lục Côn. Đi 7 canh, dò thấy nước sâu 7, 8 thác chính là Tông Cư Lao. Rồi đi đến Khuất Đầu Lũng Liêu phía đông, đó là Đai Nê, với những cây tán dù, trên bờ Côn Thân. Đi đến Côn Thân trước, rồi Lục Côn, ở cuối Nê có chỗ cạn, và tốt hơn là đi vào ở biên phía tây nam.[324]

Rõ ràng là trong 9 đoạn ghi chép này, ngoại trừ ghi chép trong phần mở đầu (1) thiếu chi tiết về phương vị, thì Thất Châu và biển Thất Châu trong 8 ghi chép còn lại đều đề cập đến Thất Châu nằm giữa núi Ô Trư và núi Độc Trư. Đoạn (3) cần giải thích một chút ở đây. Đây là tuyến đường từ nước ngoài trở về Trung Quốc (tuyến đường về). Tuyến đường này đi qua biển phía tây của Vạn Lí Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) trước, vì vậy cần phòng ngừa việc đi nhầm vào Vạn Lí Trường Sa (có thể phòng ngừa được). Sau đó, đến Hải Nam, rồi đến biển Thất Châu, nơi đã gần Quảng Đông. Biển Thất Châu ở đây nên chỉ nhóm đảo Thất Châu ở góc đông bắc của Hải Nam sau khi đi vào vùng biển của Hải Nam, chứ không phải vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.

Vậy tại sao biển Thất Châu lại là một nơi nguy hiểm với “trên có Thất Châu, dưới có Côn Lôn”? Có 2 lí do cho điều này. Thứ nhất, thỉnh thoảng có bão ở biển Thất Châu, ví dụ như khi Ngô Huệ từ Chiêm Thành trở về Quảng Đông trong Thù vực chu tư lục, “Ngày 6 tháng 5 đi về, đến biển Thất Châu, có gió mạnh.”[325] Biển Thất Châu ở đây là vùng biển quanh nhóm đảo Thất Châu, xem 3.4.6. Thứ hai, nếu không cẩn thận khi đi thuyền ở biển Thất Châu, lệch sang đông thuyền sẽ lạc đến Vạn Lí Trường Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa), và thuyền sẽ dễ dàng gặp nạn. “Lệch sang đông” (貪東: tham đông) ở đây không có nghĩa là con tàu đi theo hướng đông, mà là con tàu khi đi không theo lộ trình ban đầu, và lệch đi một góc so với lộ trình ban đầu. Do đó, hậu quả của việc lệch sang đông không phải là đã đi về phía đông bao xa mà là đã đi lệch theo một góc bao lớn so với tuyến đường ban đầu. Nếu tuyến đường ban đầu là từ đông bắc đến tây nam, thì lệch sang đông có thể ám chỉ là gần với hướng chánh nam. Thông thường, sách hướng dẫn đi biển sẽ không mô tả chính xác góc lệch sang đông lớn bao nhiêu, bởi vì nó có liên quan đến hướng của dòng nước, có thể hơi lệch một chút, 10° hoặc 20°, sau đó có thể sẽ bị đưa đến một góc hoàn toàn khác với dòng nước khác; hơn nữa, mục đích của việc viết sách hướng dẫn đi biển là để giữ cho người đi biển không đi nhầm đường, không phải để họ đi nhầm đến chỗ đó.

Trong hải đồ Trung Quốc giữa thế kỉ 17 (Bản đồ Trung Quốc của Selden, xem 3.4.10) do người Anh lưu giữ, các hải trình của người Trung Quốc vào thời điểm đó đã được vẽ ra. Trong số đó, tuyến đường từ Quảng Châu đến Việt Nam đi qua Thất Châu của đảo Hải Nam, cách xa quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lí Trường Sa) (Hình 21).[326] Điều này một lần nữa khẳng định biển Thất Châu lúc đó là biển quanh quần đảo Thất Châu, không phải quần đảo Hoàng Sa.

7. Thất Châu trong địa phương chí

Trong địa phương chí Quảng Đông và Quỳnh Châu, các cụm từ núi Thất Châu và biển Thất Châu xuất hiện nhiều lần, và tất cả chúng đều chỉ nhóm đảo Thất Châu và biển Thất Châu gần đó.

Quảng Đông thông chí [廣東通志] của Hoàng Tá thời Minh viết:

“Suối Thất Tinh từ dưới núi Thất Tinh chảy ra [giữa biển có 7 ngọn núi, một tên là Thất Châu Dương…]”[327]

Quỳnh châu phủ chí [瓊州府志] thời Vạn Lịch có ghi:

Núi Thất Châu Dương [cách huyện (Văn Xương) 100 lí về phía đông, trong biển có 7 ngọn núi, một tên là núi Thất Tinh…]”[328] (Hình 35)

Gia Tĩnh Đại Thanh nhất thống chí [嘉慶大清一統志] có ghi:

Núi Thất Tinh [ở phía bắc huyện Văn Xương. Dư địa kỉ thắng: Trên bờ biển ranh giới của huyện Văn Xương, trông giống như 7 ngôi sao kết nối với nhau. Minh thống chí: Núi có 7 ngọn, còn gọi là Thất Châu Dương. Thông chí: Trong biển cách huyện 150 lí về phía bắc, trên có nhiều rừng rậm, dưới có suối, người đi biển phải lấy nước và kiếm củi ở đây…]”[329]

Thất Châu Dương được đề cập ở những nơi này đều ở gần huyện Văn Xương, rõ ràng là chỉ nhóm đảo Thất Châu ở góc đông bắc của đảo Hải Nam.

Hình 35 Quỳnh Châu phủ chí thời Vạn Lịch

8. Hải quốc văn kiến lục

Vào thời Thanh, tác phẩm đầu tiên có Thất Châu Dương xuất hiện mà không chỉ nhóm đảo Thất Châu là Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh. Trong sách này Thất Châu Dương xuất hiện ở 4 chỗ. Ở Đông Nam dương kí [東南洋記] (Hình 36) có ghi:

Từ Luzon nhìn từ phía nam, có một dãy núi lớn, tên chung là núi Vô Lai Do Tức Lực lớn. Phía bắc núi là Sulu, từ xưa chưa chịu triều cống, năm Mậu Thân Ung Chính thứ 6, đã đến Phúc Kiến để triều cống. Nước này tiếp giáp với Cát Lí Vấn ở phía tây, dọc theo phía tây là Brunei, tức là nước Bà La cổ; vòng quanh phía tây là Chu Cát Tiều Lạt; ngay phía nam núi lớn là Mã Thần. Độ bao la và chiều dài của núi không thể đo lường được. Trên núi không có người ở, dã thú cũng không biết tên được. Ba nước Sulu, Cát Lí Vấn và Brunei đều bị chia cắt từ phía nam Luzon. Và Chu Cát Tiều Lạt đi từ biển Thất Châu về phía nam đến Côn Lôn và Trà Bàn, sau đó đi về phía đông đến Chu Cát Tiều Lạt dài 188 canh. Mã Thần cũng từ Trà Bàn, Cát Lạt Ba mà tới. Lộ trình dài 340 canh.[330]

Trong Nam dương kí [南洋記] (Hình 22) có ghi:

Hạ Môn đến Quảng Nam, từ Nam Áo đến núi Lỗ Vạn của Quảng Tây và Đại Châu Đầu ở Quỳnh (Hải Nam), băng qua biển Thất Châu, qua núi Cô Tất La bên ngoài Quảng Nam và đến Quảng Nam; lộ trình dài 72 canh. Từ Giao Chỉ đi vòng phía tây biển Thất Châu lên phía bắc; Hạ Môn đến Giao Chỉ, lộ trình dài 74 canh. Biển Thất Châu nằm ở phía đông nam Vạn Châu, Hải Nam, nơi mà bất cứ ai đến Nam Dương đều phải đi qua. Tàu đi biển của Trung Quốc không so được với tàu phương Tây, họ biết dùng hỗn thiên nghi (quả địa cầu), và thước đo góc nghiêng mặt trời, đo giờ và khoảng cách với nước, thế là biết được đang ở nơi nào. Người Trung Quốc dùng la bàn, đồng hồ cát, và xem sức gió, hướng gió tính số canh: mỗi canh vào khoảng 60 lí, gió mạnh mà thuận thì tăng thêm, triều nghịch và gió ngược thì giảm bớt, cũng biết đang ở nơi nào, nếu trong lòng vẫn nghi ngờ, thì nhìn một ngọn núi xa xôi nào đó, phân biệt hình dạng ngọn núi ở trên ở dưới, dùng ‘thằng đà’ để thăm dò độ sâu của nước (đáy ‘thằng đà’ có tẩm dầu để khám phá bùn át), và kết hợp mọi thứ với nhau, để tăng độ chính xác. Riêng biển Thất Châu, bên ngoài Đại Châu Đầu, trời nước mênh mông, không có núi để làm mốc, gió rất thuận, đi đúng theo la bàn vẫn phải mất 6, 7 ngày mới vượt qua và thấy núi Ngoại La trên biển bên ngoài Cô Tất La, Quảng Nam, khi đó có dùng dây chuẩn (chuẩn thằng) cho phương vị. Quay sang phía đông, sẽ phạm vào Vạn Lí Trường Sa và Thiên Lí Thạch Đường, quay qua phía tây, sợ bị cuốn vào vịnh Quảng Nam, không thể ra ngoài nếu không có gió tây. Hơn nữa, các thuyền buôn ban đầu không định đến Quảng Nam mà vào địa phận này, cho rằng do trời đưa đến, thuế và hàng hóa đều tăng gấp đôi, chia đều nếu vẫn chưa đủ. So với hai cái trống không của người hồng mao, về đại thể Trung Quốc vẫn còn cái gọi là sai một li lại đi ngàn dặm. Ở biển Thất Châu có một loài chim thần, trông giống như nhạn biển nhưng nhỏ; mỏ nhọn màu đỏ, chân ngắn màu lục, đuôi có một mũi tên dài khoảng hai xích, gọi là chim mũi tên (tiễn điểu). Khi tàu thuyền ra khơi, nó bay đến dẫn đường và mọi người lấy đó làm chuẩn. Thấy đúng, nó sẽ bay đi, nếu nghi ngờ, nó bay trở lại và xem xét kĩ những điều nghi ngờ, rồi bay đi bay lại. Nếu dâng giấy tạ ơn thần, nó sẽ bay luẩn quẩn không biết ở đâu. Tương truyền là Vương Tam Bảo đã đến Tây Dương, gọi chim gắn tên vào, và số mệnh của ông được ghi lại trong biển.[331]

Côn Lôn [崑崙] có ghi:

Côn Lôn không phải là Côn Lôn được sông Hoàng Hà bao bọc. Ở phía nam biển Thất Châu có 2 ngọn núi lớn nhỏ sừng sững, gọi là Côn Lôn lớn và Côn Lôn nhỏ. Núi rất khác thường, sinh ra quả tốt, không có dấu vết con người, có rồng thần nằm co mình.[332]

Nam Áo Khí 南澳氣] (Hình 23) có ghi:

Cách Nam Áo theo đường thủy 7 canh là Lạc Tế xưa. Phía bắc có bờ cát (sa ngân) dài chừng 200 lí, lộ trình độ hơn 3 canh. Xa về phía bắc có hai ngọn núi tên là Đông Sư và Tượng, đối diện với Sa Mã Khí của Đài Loan. Biển rộng 4 canh có tên là Cửa Sa Mã Khi Đầu. Hơi nước lơ lửng trên biển, phía nam có bãi cát liên tục đến biển Quảng Đông, là Vạn Lí Trường Sa Đầu. Kế đến ở phía nam là một biển tên là Cửa Trường Sa [Trường Sa Môn]. Còn các bãi cát trùng điệp phía nam cho đến Quỳnh Hải, Vạn Châu, được gọi là Vạn Lí Trường Sa. Ở phía nam của [Vạn Lí Trường] Sa đến biển Thất Châu, cũng có nhiều đá gọi là Thiên Lí Thạch Đường. Cửa Trường Sa, Nam Áo ở phía tây bắc và Bình Hải ở phía tây nam hợp thành thế chân vạc.

Cửa Trường Sa, chiều bắc nam khoảng 5 canh. Tàu thuyền nước ngoài (phiên bạc) đến Quảng Châu và tàu nước ngoài đi đến Luzon, Brunei, Sulu và các nước khác ở Đông Nam Á đều từ Cửa Trường Sa rời đi; gió bắc lấy Nam Áo làm mốc, gió nam lấy Đại Tinh. Tuy nhiên, những người từ các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang và Phúc Kiến đi đến Đông Nam Á thì đi qua Cửa Sa Mã Khí Đầu của Đài Loan để đến các nước thuộc đảo Luzon. Tàu thuyền phương Tây, từ Côn Lôn đi phía đông biển Thất Châu, ở ngoài Vạn Lí Trường Sa, đi qua Cửa Sa Mã Khí Đầu để đến Phúc Kiến, Chiết Giang và Nhật Bản, đi theo hình dây cung thẳng ra đại dương. Người đi từ Trung Quốc đi Nam Dương, chưa nắm chắc tuyến đường đi phía ngoài Vạn Lí Trường Sa, đều đi từ biển Quảng Đông phía trong [Vạn Lí Trường] Sa đến biển Thất Châu. Đây cũng là tinh thần về mạch liên tục của sông núi và đất đai, và nó cũng là chỗ hiểm yếu cho các nước ngoài biển trong đại dương bao la. [Vạn Lí Trường] Sa có những con chim biển, kích cỡ khác nhau. Hiếm khi gặp người, gặp thuyền thì ngừng bay, người bắt thì không biết sợ, phun tôm cá lên lưng làm canh.[333]

Biển Thất Châu (七洲洋) ở đây, còn được gọi là biển lớn Thất Châu (七洲大洋) khác với biển Thất Châu truyền thống, nó không chỉ vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu ở phía đông bắc đảo Hải Nam, mà chỉ vùng biển bao quanh đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, và quần đảo Natuna, đảo Côn Sơn và bán đảo Đông Dương, về cơ bản tương ứng với phần phía tây hoặc tây nam của biển Đông. Điều này được thể hiện rõ hơn qua các bản đồ đi kèm trong Hải quốc văn kiến lục[334] (Hình 24), như Đàm Kì Tương có nói trong Thất Châu dương khảo, đây là lần đầu tiên trong sử tịch Trung Quốc Thất Châu Dương xuất hiện theo loại nghĩa thứ hai.[335] Chương Nam Áo Khí trong sách cũng mô tả về phạm vi của biển Quảng Đông (chạy từ Sa Nội Việt dương đến biển Thất Châu). Biển Quảng Đông được định nghĩa là vùng biển từ Đông Sa đến Trung Sa đến Tây Sa đến đảo Hải Nam, đây chính xác là “Sa Nội Việt dương” (biển Quảng Đông bên trong [Vạn Lí Trường] Sa). Qua khỏi Vạn Lí Trường Sa, sẽ đến biển Thất Châu. Vạn Lí Trường Sa được định nghĩa ở đây là ranh giới của biển Quảng Đông và biển Thất Châu. Còn Thiên Lí Thạch Đường thì ở ngoài biển xa.

Hình 36 Hải quốc văn kiến lục – Đông Nam dương kí

9. Biển Thất Châu theo nghĩa rộng

Từ Hải quốc văn kiến lục trở đi, biển Thất Châu đã trở thành tên chung của hai địa điểm khác nhau. Đàm Kì Tương gọi biển Thất Châu ở góc đông bắc của Hải Nam là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, và biển Thất Châu được mô tả trong Hải quốc văn kiến lục là biển Thất Châu theo nghĩa rộng. Các từ hẹprộng ở đây thật sự không chính xác. Nói chung, phạm vi được xác định theo nghĩa rộng bao gồm phạm vi được xác định theo nghĩa hẹp, nhưng phạm vi được xác định bởi biển Thất Châu ở góc đông bắc của Hải Nam không chứa hết phạm vi được xác định trong Hải quốc văn kiến lục. Nhưng vì Đàm Kì Tương đã sử dụng nó theo cách này, nên tác giả sẽ tiếp tục sử dụng cách gọi của ông.

Sau Hải quốc văn kiến lục, biển Thất Châu theo 2 nghĩa cùng tồn tại trong những cuốn sách khác nhau, và thậm chí cùng tồn tại trong cùng một cuốn sách. Điều này gây khó khăn cho việc xác định biển Thất Châu đang chỉ đến biển nào. Đặc biệt là khi biển Thất Châu chỉ được nói đến mà không có bối cảnh rõ ràng, chẳng hạn như câu chuyện trong Đồng An huyện chí được thảo luận trong Phần 3.9.3 là một ví dụ.

Hải lục của Tạ Thanh Cao là một ví dụ về sự cùng tồn tại của biển Thất Châu theo 2 nghĩa. Ông đã đề cập trong Hải lục – Cát Lạt Bá [噶喇叭] (Hình 27):

Cát Lạt Bá ở Nam Hải, những người đi thuyền từ Quảng Đông theo tuyến kênh trong (nội câu), sau khi rời Vạn Sơn thì đi về phía tây nam, đi qua Quỳnh Châu (Hải Nam), An Nam cho đến Côn Lôn. Sau đó đi về hướng nam chừng ba bốn ngày là tới núi Địa Bồn, phía đông là Vạn Lí Trường Sa. Đi theo tuyến kênh ngoài (ngoại câu), sau khi ra khỏi Vạn Sơn, đi theo hướng nam tây nam trong khoảng 4 hoặc 5 ngày và vượt qua bãi cạn Hồng Mao, trong đó có chỗ cát bằng (Sa Thản) rộng khoảng hơn 100 lí, chỗ cạn nhất chỉ 4 trượng 5 xích, đi 3 hoặc 4 ngày nữa đến đá Thảo Hài, đi tiếp 4 hoặc 5 ngày tới núi Địa Bồn, nối trở lại với tuyến nội câu, và Vạn Lí Trường Sa ở phía tây. Kênh trong và kênh ngoài bị [Vạn Lí Trường] Sa chia cắt. Vạn Lí Trường Sa, là phù sa giữa biển, dài cả ngàn lí, là bức bình phong bên ngoài của An Nam. [Vạn Lí Trường] Sa Đầu là khu vực Lăng Thủy, và Sa Vĩ là đá Thảo Hài. Nếu thuyền lạc vào đó sẽ bị cát vùi, không thể quay trở lại và có nhiều người phá thuyền (trường hợp này phải lấy ván, thả nổi trên mặt cát, rồi nằm trên đó, vài ngày sau nếu có thuyền đi ngang qua, đưa thuyền ba lá nhỏ đến cứu thì mới mong còn sống trở về, đứng thẳng trên cát thì chốc lát sẽ bị cát vùi mất). Ở ngay phía nam biển Thất Châu là Thiên Lí Thạch Đường, có hàng vạn tảng đá đứng thành rừng, nước lũ cuồn cuộn, nếu thuyền bị va vào sẽ bị vỡ vụn. Do đó, phải men theo hướng tây nam không bao giờ được chạy theo hướng nam ở kênh trong và kênh ngoài.[336]

Biển Thất Châu ở đây chỉ biển Thất Châu theo nghĩa rộng. Mặc dù bản đồ đi kèm của Hải lục (Hình 29) bị biến dạng rất nhiều, vị trí của nó vẫn có thể ăn khớp với bản đồ hiện tại sau khi xác định cẩn thận. Từ bản đồ có thể thấy Trường Sa là Vạn Lí Trường Sa, Thạch Đường là Thiên Lí Thạch Đường, chúng gần tương ứng với vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Thất Châu cũng giống như trong Hải quốc văn kiến lục, là vùng biển bao quanh đảo Hải Nam, quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Natuna, đảo Côn Lôn và bán đảo Đông Dương. Vùng biển giữa Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa, Gia Lí Mạn Đan (Kalimantan) và Philippines được gọi là biển Đại Minh.

Tuy nhiên,trong chương “Vạn Sơn” [萬山] (Hình 37), biển Thất Châu lại chỉ biển Thất Châu gần nhóm đảo Thất Châu.

Bắt đầu từ Vạn Sơn, tức là cửa ra, đi về phía tây nam qua biển Thất Châu, được đặt tên theo 7 đảo (châu) nổi trên mặt biển, đi tiếp qua Lăng Thủy... [337]

Hình 37 Hải lục Vạn Sơn

Trong hành trình này, đầu tiên đi qua biển Thất Châu và sau đó là Lăng Thuỷ. Do đó, đương nhiên không thể đi đến quần đảo Hoàng Sa trước rồi quay trở lại Lăng Thuỷ, hơn nữa, nguồn gốc của tên gọi Thất Châu của mặt biển này hoàn toàn phù hợp với biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, biển Thất Châu ở đây là rõ ràng là biển Thất Châu quanh nhóm đảo Thất Châu.

Dương phòng thuyết lược [洋防說略] (1887) của Từ Gia Cán đã mô tả biển Thất Châu theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Trong sách có viết: “Quỳnh Châu nằm biệt lập ngoài biển, cách núi Đồng Cổ 120 lí, dưới có đá ngầm, tàu thuyền đi biển thấy từ xa phải kiêng sợ, cách đông bắc mấy chục lí, có núi Phù Khâu, nơi có 7 đảo xếp thành hàng, tức là núi Thất Châu Dương”. Ông cũng viết: “Nhai Châu ở phía nam, là cánh cửa sau, phân cách Cảng và Hán, đảo, bãi nổi, bãi ngầm, rạn san hô ở đó. Ngoài ra còn có Vạn Lí Trường Sa chạy từ Vạn Châu đến Nam Áo. Cũng có Thiên Lí Thạch Đường từ phía nam Vạn Châu chạy đến biển Thất Châu. Đó là hào lũy tự nhiên hiểm trở nhất của biển Quảng Đông, và những ai nói về phòng thủ biển nên lưu ý đến”.[338] Biển trong đoạn trước theo nghĩa hẹp, đoạn sau theo nghĩa rộng, nằm khoảng từ Vạn Châu đến quần đảo Trường Sa.

Mô tả về biển Thất Châu trong Nam dương lễ trắc [南洋蠡測] (1842, Hình 126) của Nhan Tư Chi có một cách giải thích khác.

Giữa Nam dương có Vạn Lí Thạch Đường, thường được gọi là Vạn Lí Trường Sa, không người ở. Ở phía nam của [Vạn Lí Thạch] Đường là biển ngoài, và phía đông của Đường là biển Phúc Kiến. Tàu thuyền của người Di đi từ biển ngoài về phía đông, nhìn từ xa thấy núi Đài Loan, quay về hướng bắc, tiến vào biển Quảng Đông, đi qua núi Lão Vạn, rồi từ Áo Môn (Ma Cao) tiến vào Hổ Môn, đều dùng [Vạn Lí Thạch] Đường này để phân ranh giới giữa Hoa và Di, Trung Quốc với nước ngoài. Thuyền Đường (Trung Quốc) mỏng, người lái không thông thạo thiên văn, chỉ có thể dùng gậy treo thử màu bùn đáy biển để xác định vị trí, nên không thể ra vùng biển ngoài. Phía Bắc của [Vạn Lí Thạch] Đường là biển Thất Châu, người Di biết Thất Châu có rất nhiều đá ngầm, ngay cả thuyền nhỏ cũng không muốn đi tới. Phía tây của Đường là Bạch Thạch Khẩu… tên của đảo này là Tinh Kị Lợi Pha.[339]

Vạn Lí Thạch Đường và Thiên Lí Trường Sa ở đây là cùng một chỗ. Nhìn từ biển Phúc Kiến là phía đông của [Vạn Lí Thạch] Đường, đó phải là tuyến quần đảo Tây Sa-quần đảo Trung Sa- Đông Sa. Đại dương bên ngoài nằm ở phía nam của Thạch Đường, và nó là tên gọi chung của đại dương bao gồm cả quần đảo Nam Sa. Khoảng cách giữa Hoàng Sa và Trường Sa rất xa, lại không có điểm mốc ở giữa, người lái thuyền Trung Quốc không biết thiên văn học, không thể nào định vị ở vùng biển bên ngoài nên không thể đi tuyến đường này. Điều này hoàn toàn phù hợp với các ghi chép về tuyến đường ngoại câu trong Hải lụcHải quốc văn kiến lục. Biển Thất Châu ở đây chỉ biển phía bắc của Đường, và vị trí của nó gần biển Quảng Đông trong Hải quốc văn kiến lục, khác hẳn với biển Thất Châu theo nghĩa rộng ở trên.

Trong Doanh hoàn chí lược [瀛寰志略] (1849, Hình 129) của Từ Kế Dư, có Á Tế Á Nam dương đồ [亞細亞南洋圖].[340] Bản đồ này rất chính xác về vị trí địa lí và hình dạng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đây là một bước tiến nhảy vọt so với Hải quốc đồ chí. Đường bờ biển các nước Đông Nam Á vẽ với độ chính xác chưa từng có do tác giả dựa vào bản đồ nước ngoài. Ở đây, Thạch Đường và Trường Sa được vẽ thành hai nơi đông và tây liền nhau. Về mặt địa lí, Thạch Đường là quần đảo Tây Sa, Trường Sa là quần đảo Trung Sa, Nam Áo Khí chỉ quần đảo Đông Sa và Cửa Trường Sa là khu vực an toàn giữa quần đảo Đông Sa và quần đảo Trung Sa. Đánh giá về độ chính xác của hướng được mô tả trong bản đồ này, nó phản ánh hướng thực tế chính xác hơn so với bản đồ trong Hải quốc văn kiến lục. Chỉ có quần đảo Nam Sa là để trống. Trong bản đồ này, 3 chữ Thất Châu Dương [七洲洋] tiếng Trung được viết ở phía nam của quần đảo Hoàng Sa, và nó cũng nằm ở phía đông nam của đảo Hải Nam về hướng. Nhìn vào toàn bộ bản đồ, đó là phía tây của biển Đông. Nếu quần đảo Trường Sa được vẽ trên bản đồ, biển Thất Châu sẽ nằm ở phía tây của quần đảo Trường Sa. Điều này phù hợp với mô tả về vị trí của biển Thất Châu trong Hải quốc văn kiến lục Hải lục. Về mặt lời văn, Doanh hoàn chí lược ở đây (quyển 1) về cơ bản đã trích dẫn lời văn trong Hải quốc văn kiến lục· Nam dương kí cho biển Thất Châu. Không trích dẫn lại ở đây. Nhưng trong quyển thứ hai của “Nam hải quần đảo” có:

Trong những năm gần đây, người nước ngoài (phiên) đến phía đông Quảng Đông phần lớn đều tụ tập tại Manila; Mễ Lợi Kiên (Mĩ) và Phật Lãng Tây (Pháp) đã cử người đứng đầu của họ đến để bàn việc buôn bán, và tàu thuyền của họ đều tụ hội tại đây, vì vùng đất này là bờ đông của biển Thất Châu. Nếu rẽ về phía bắc sẽ vào Cửa Trường Sa Đầu và đến phía đông của Quảng Đông.[341]

Theo cách nhìn này, vì Manila nằm trên bờ biển phía đông của biển Thất Châu, biển Thất Châu này là một tên gọi khác cho toàn bộ biển Đông, chứ không chỉ giới hạn ở phía tây của biển Đông.

Quách Tung Đảo đã ghi lại những gì ông nghe thấy trong chuyến đi đến phương Tây trong Sứ Tây kỉ trình [使西紀程] (1876, Hình 142). Khi ông đi qua núi Ngoã Lôi Lạp (Varella) ở Việt Nam bằng thuyền, ông kể lại:

Ngày 25 trời mưa, đi được 852 lí vào giữa trưa, và vượt qua Varella tại 18° phía bắc đường xích đạo, ở phía đông nam của An Nam, và tên biển là Thất Châu Dương.[342]

Ngày 24 trước đó, khi ông đi qua vùng biển “gần phía trái đảo Phách Lạp Tô” (拍拉蘇[pāi lā sū]; phiên âm của Paracels), ông nói nó “cách Quỳnh 300 lí về phía nam, người trên thuyền gọi nó là Qi Na Xi (齊納細 [tế nạp tế]; phiên âm của China Sea – ND) tức là biển Trung Quốc theo cách phát âm”. Có thể thấy, biển Thất Châu ở đây không bao gồm vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, mà chỉ tương ứng với phần phía nam của biển Thất Châu trong Doanh hoàn chí lược.

Vào thời này, biển Thất Châu theo nghĩa hẹp cũng xuất hiện rộng rãi trong các phương chí và bản đồ địa phương khác nhau. Ví dụ, trong Quảng Đông dư địa toàn đồ [廣東輿地全圖] năm 1909, biển Thất Châu được vẽ ở góc đông bắc của tỉnh Hải Nam[343] (Hình 153). Điều này cũng đúng với Quảng Đông dư địa đồ thuyết [廣東輿地圖說][344] năm 1908. Biển Thất Châu cũng được ghi lại theo cách này trong Quỳnh Châu Thông Chí [瓊州通志] và Quảng Đông Thông Chí [廣東通志], ấn bản Đạo Quang. Trong dân chúng biển Thất Châu cũng được dùng theo nghĩa hẹp. Ví dụ, ngư dân Phù Dụng Hạnh và Bành Chánh Giai đều nói rằng họ chưa bao giờ nghe gọi Tây Sa là biển Thất Châu,[345] và biển Thất Châu chỉ để chỉ biển quanh nhóm đảo Thất Châu.[346]

Tóm lại, từ năm 1730, biển Thất Châu [Thất Châu Dương] bắt đầu có hai nghĩa – biển Thất Châu theo nghĩa hẹp và biển Thất Châu theo nghĩa rộng, và cả hai cùng tồn tại. Theo nghĩa hẹp, Thất Châu Dương được sử dụng trong các sách thuộc hệ thống phương chí, và cả trong một số sách hàng hải; trong khi theo nghĩa rộng, Thất Châu Dương chỉ giới hạn trong các sách đề cập đến các tuyến đường nước ngoài và địa lí nước ngoài. Biển Thất Châu theo nghĩa hẹp không liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa, và ngay cả biển Thất Châu theo nghĩa rộng cũng không giới hạn ở một nơi. Nó có thể chỉ bề mặt đại dương bao quanh đảo Hải Nam, quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Natuna, đảo Côn Lôn và bán đảo Đông Dương, tức là phần phía tây nam của biển Đông; nó cũng có thể chỉ phía nam của biển này; nó cũng có thể chỉ quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía bắc của quần đảo Trung Sa, hoặc thậm chí toàn bộ biển Đông, và không hề dùng để chỉ riêng vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

10. Thất Châu Dương trở thành quần đảo Tây Sa như thế nào

Vậy tại sao trong lịch sử biển Thất Châu lại bị gọi thành quần đảo Hoàng Sa? Theo nghiên cứu của Hạ Nãi, cách diễn giải này đầu tiên đến từ phương Tây. Nó được Mayers đưa ra lần đầu trong China Reviews No. 3 (1874). W.P. Groeneveldt trong “Về miền Nam Ấn Độ” tập 2 của quyển 1 trang 151, và F. Hirth trong “Thông báo” quyển 5 năm 1894 (trang 388), đều dùng Thất Châu Dương để chỉ quần đảo Hoàng Sa.[347] Theo đó, Pelliot, một bậc thầy về Hán học, đã trích dẫn cách diễn giải sai này trong Chân lạp phong thổ kí tiên chú [眞臘風土記笺注] năm 1902, khiến nó lan rộng. Tuy nhiên, vào năm 1904, ông thấy rằng cách hiểu này không chính xác, đã chỉnh lại thành Thất Châu Dương là nhóm đảo Thất Châu (Taya Islands), và chỉnh sửa điều này trong lần xuất bản cập nhật. Tuy nhiên, ấn bản đầu tiên của cuốn sách này đã có ảnh hưởng lớn, và ở Trung Quốc đã có bản dịch của Phùng Thừa Quân, vì vậy nhận định sai lầm này đã được lưu truyền, đến nỗi khi Pháp đưa tranh chấp chủ quyền quần đảo Tây Sa với Trung Quốc vào những năm 1930, cũng trực tiếp coi quần đảo Tây Sa và “Thất Châu Dương” là một.[348]

11. Vì sao Hàn Chấn Hoa sai

Khi Trung Quốc cần chứng minh chủ quyền của mình đối với các đảo ở biển Đông, thì việc coi biển Thất Châu là quần đảo Hoàng Sa quả là thuận tiện, ít nhất là có nhiều ghi chép hơn trong các tài liệu. Do đó, một số chuyên gia Trung Quốc, chẳng hạn như Hàn Chấn Hoa, không những muốn chứng minh rằng biển Thất Châu theo nghĩa rộng chính là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) hoặc là bao gồm quần đảo Hoàng Sa, mà còn coi nhiều ghi chép về biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, đặc biệt là các ghi chép giữa thời Tống và Minh cũng là quần đảo Hoàng Sa, hoặc ít nhất đã có “2 Thất Châu Dương”, nhằm chứng tỏ rằng vào thời Tống và Minh đã có ghi chép về việc quản lí của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa, hoặc rằng vào thời Tống và Minh quần đảo Hoàng Sa đã nằm “trong địa phận quốc gia” của Trung Quốc.[349]

Hàn Chấn Hoa tin rằng các đặc điểm của nhóm đảo Thất Châu không phù hợp với mô tả về Thất Châu Dương trong các sách vở từ thời Tống đến đầu thời Thanh. Trong Thất Châu dương khảo [七州洋考],[350] ông liệt kê tổng cộng 5 điểm: thứ nhất, Thất Châu Dương là tuyến dường biển nước sâu, không phù hợp với nhóm đảo Thất Châu; thứ hai, Thất Châu Dương bao la bát ngát không có núi non để lấy làm mốc chỉ đường, khác với nhóm đảo Thất Châu gần đó; thứ ba, Thất Châu Dương có sóng to gió lớn, nhiều giông bão, điều này không phù hợp với nhóm đảo Thất Châu; thứ tư, phía đông Thất Châu Dương chính là khu vực nguy hiểm Vạn Lí Thạch Đường; thứ năm, ông cho rằng nhóm đảo Thất Châu không có chim biển, điều này không ăn khớp với mô tả trong các sách rằng chim biển đã được nhìn thấy ở Thất Châu Dương. Ngoài ra, trong bài viết Tống Đoan Tông và Thất Châu Dương,[351] ông cũng bổ sung thêm 3 lí do: thứ sáu, nhóm đảo Thất Châu trơ trụi, không có nguồn nước nên không thể dùng làm điểm lấy nước trên đường; thứ bảy, ông cho rằng “Thất Châu Dương” là nơi Hoàng đế Tống chạy trốn và bị quân Nguyên bắt giữ, nhưng nhóm đảo Thất Châu thì không; thứ tám, không có bãi biển nào trên nhóm đảo Thất Châu, nhưng có những bãi biển nơi Tống Đoan Tông lưu lại trong các ghi chép lịch sử. Tóm lại, ông tin rằng nhiều ghi chép hàng hải trong các triều đại Tống, Nguyên và Minh nói rằng biển Thất Châu không phải là nhóm đảo Thất Châu, mà là đại dương gần quần đảo Hoàng Sa.

Lập luận của Hàn Chấn Hoa về cơ bản là sai. Trong 8 điểm ông tóm tắt, nhiều điểm chỉ là sự tưởng tượng của riêng ông, không dựa trên tài liệu và ghi chép nào. Phản bác cho từng điểm một như bên dưới.

Trước hết, ở điểm 6, ông cho rằng nhóm đảo Thất Châu trơ trụi và không có nguồn nước, nhưng điều đó không đúng sự thật. Nhóm đảo Thất Châu hiện là một điểm du lịch và về cơ bản vẫn bảo tồn các diện mạo tự nhiên của chúng, nhiều bài kí du lịch phản ánh tình hình thực tế này. Trong bài Chu du Thất Châu liệt đảo [周遊七洲列島][352] của Đặng Lam Tử có ghi:

Đảo Bắc Trĩ là “có một không hai” trong nhóm đảo Thất Châu: nằm cách xa đất liền nhất và được cho là đảo duy nhất có nước ngọt. Theo thông tin do Cục Hải dương Văn Xương cung cấp, đảo Bắc Trĩ cao 146 mét so với mực nước biển, diện tích 0,4 km², chỗ gần nhất cách đất liền 32 km. Trên đảo này cỏ mọc um tùm, cây bụi xanh tốt, thậm chí có cả những cây to bằng cái bát, ngoài các đàn chim biển lớn còn có rắn và một số loài bò sát giống như tắc kè.

Có thể thấy rằng mặc dù một số đảo trong nhóm đảo Thất Châu thiếu nước ngọt, nhưng ít nhất đảo Bắc Trĩ vẫn có nguồn nước và thảm thực vật, thậm chí có thể được mô tả là tươi tốt. Điều này cho thấy nhóm đảo Thất Châu không phải là một nơi hoang vu, trơ trụi.

Tương tự, điểm 5 nói rằng không có loài chim biển nào ở nhóm đảo Thất Châu, điều này cũng không đúng sự thật. Trong bài du kí nêu trên có nói:

“Thuyền trưởng” cho biết, người ta còn gọi đó là đảo Chim, nơi có nhiều chim nhất. Có một bến cảng nhỏ có mái che ở phía bắc của Bình Trĩ, nơi có vô số loài chim biển đang bay dày đặc và hỗn loạn, và âm thanh “chim chíp” (嚄,嚄) không dừng lại dù trong giây lát. Ngay khi đang lắng nghe tiếng chim biển, đột nhiên chúng tôi cảm thấy bầu trời khác lạ và tối sầm lại. Khi nhìn lên, chúng tôi giật mình: hàng ngàn con chim biển đang bay lượn trên đầu, chim liên tục bay ra khỏi đèn biển. Có lúc, bầy chim biển che khuất bầu trời và mặt trời, trong khi chúng vỗ cánh bay thì một số đảo nằm bên dưới dường như đang trôi dạt. Một lúc sau, đàn chim tản ra và bầu trời trở lại bình thường… Ngư dân cho biết, vùng biển này nhiều cá, nên thức ăn cho chim biển dư dả, lại không có rắn rết chuột làm hại nên chim trời rất thích khi sinh sống ở đây.[353]

Điểm 2, cái gọi là cảm giác mênh mông bát ngát thật ra là chỉ toàn bộ hành trình (ví dụ như trong Mộng lương lục, không chỉ đề cập đến biển Thất Châu mà ngay cả gần nhóm đảo Thất Châu, nó có vô biên hay không còn tùy nhìn về phía nào và cách bờ bao xa. Chẳng hạn như tác giả đã nói ở trên viết:

Khi lên tháp đèn biển nhìn từ trên cao, đảo xa như chốn tiên cảnh Bồng Lai, đảo gần như gò đồi, đảo xa như chấm nhỏ trên biển xanh, thuyền đánh cá lại càng nhỏ bé, rồi không khỏi thán phục về sự vô tận của biển cả.[354]

Điều này cho thấy rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi có một cảm giác vô tận ở vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu. Hơn nữa, lập luận của Hàn Chấn Hoa cũng sai khi cho rằng Thất Châu Dương không có núi cao để làm mốc chỉ đường. Chẳng hạn, ông đưa ra một ví dụ trong Mộng lương lục, “Từ khi ra cửa biển, đó là một đại dương, mênh mông không có bờ bến, và địa thế thật sự nguy hiểm.” Tuy nhiên, đối chiếu với nguyên văn bản gốc, có thể thấy rằng dù có câu này, nhưng nó không mô tả Thất Châu Dương, mà để mô tả chung cả hành trình đi biển. Ông cũng trích dẫn Hải quốc văn kiến lục làm ví dụ, nhưng không ai phủ nhận rằng Thất Châu Dương trong tác phẩm này là Thất Châu Dương theo nghĩa rộng. Việc dùng các công trình thời Thanh khi mà khái niệm đã bắt đầu thay đổi để luận chứng về một địa điểm trong thời Minh và Tống rõ ràng là một cách luận chứng sai lầm. Hai tác phẩm khác mà ông liệt kê đều là thơ, và những người có chút hiểu biết về tính chất văn chương cũng như cường điệu của các bài thơ sẽ không coi những mô tả này là tư liệu lịch sử có thể dựa vào.

Điểm 1, “Thất Châu Dương là một tuyến đường biển nước sâu 200 mét, không phù hợp với nhóm đảo Thất Châu” cũng là điều không đúng. Dựa theo ghi chép trong Mộng lương lục rằng Thất Châu Dương nước sâu 70 trượng (≃ 210 m), Hàn Chấn Hoa cho rằng đó không thể là biển Thất Châu quanh nhóm đảo Thất Châu. Lập luận của Hàn Chấn Hoa rằng ở nhóm đảo Thất Châu nước chỉ sâu 50 mét dựa theo hồ sơ thủy văn của hai đảo nhỏ của nhóm đảo Thất Châu trong sách hàng hải của Anh, trong đó thật sự nói rằng giữa hai hòn đảo nước chỉ sâu khoảng 50 mét. Nhưng đi thuyền ở biển Thất Châu không có nghĩa là đi xuyên qua biển Thất Châu. Các nhà hàng hải thường chỉ sử dụng nó như một điểm tham chiếu, miễn là từ ngoài biển có thể nhìn thấy chúng. Mục đích khảo sát của Anh là thu thập dữ liệu chi tiết về thủy văn ở đó nên phải vào vùng biển giữa quần đảo để đo đạc. Hàn Chấn Hoa đã đánh đồng hai việc làm một.

Hàn Chấn Hoa thậm chí còn tiến thêm một bước và cho rằng biển Thất Châu được ghi trong Thuận phong tương tống và các sách hướng dẫn đi biển khác là “biển Thất Châu của quần đảo Hoàng Sa”, vì ông cho rằng biển Thất Châu của nhóm đảo Thất Châu chỉ sâu 50 mét, còn Thất Châu Dương ghi chép trong Thuận phong tương tống thì nước sâu 120 thác (tính mỗi thác 1,5 mét, tức là 180 mét) là không khớp. Ở đây, ngoài việc một lần nữa nhầm lẫn về độ sâu 50 m do Anh đo được chỉ cho vùng nước bên trong nhóm đảo này, ông còn mắc lỗi trong lập luận. Xét từ các ghi chép về tuyến đường, biển Thất Châu trong Thuận phong tương tống chắc chắn là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp. Tất cả các sách hướng dẫn đi biển đều mô tả cùng một phương vị khi mô tả độ sâu của nước và mô tả phương vị cực kì chi tiết và chính xác. Thật sự không có lí do gì để cho rằng độ sâu đúng còn phương vị lại sai. Phương pháp chính xác để luận chứng điều này là sử dụng các ghi chép chi tiết trong Thuận phong tương tống để chứng minh rằng biển Thất Châu được ghi đơn giản trong Mộng lương lục là vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu, không phải ngược lại.

Điểm 3, Hàn Chấn Hoa đã trích dẫn một số ghi chép về việc gặp phải sóng gió ở biển Thất Châu, nhưng điều này không có nghĩa là biển Thất Châu này không phải là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp, bởi vì cũng có những ghi chép về việc gặp sóng gió ở biển Thất Châu theo nghĩa hẹp. Ví dụ, Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản ghi lại chuyện Ngô Huệ đi sứ Chiêm Thành, gặp phải sóng gió ở biển Thất Châu trên hành trình trở về. Hành trình lúc đi cho thấy biển Thất Châu này nằm giữa biển Ô Trư và biển Độc Trư, tức là biển Thất Châu theo nghĩa hẹp. Không có lí do gì để nghĩ rằng có hai địa danh Thất Châu Dương khác nhau chỉ trong một đoạn văn[355] (xem 3.4.6).

Điểm 4, “Lệch về phía đông [貪東: tham đông] của Thất Châu Dương chính là khu vực nguy hiểm Vạn Lí Thạch Đường.” Ở đây, Hàn Chấn Hoa đã hiểu sai nghĩa của “tham đông”. Chẳng hạn, ông viết “Nếu tàu đi từ biển Thất Châu (ở 109° 1/2 E, 16° 1/4 N) đi 7 canh về phía đông (sai biệt về kinh độ 1°41′, sai biệt về vĩ độ 0°0′), thì nhìn thấy Vạn Lí Thạch Đường giống như cánh buồm.[356] Điều này cho thấy ông cho rằng “tham đông” chính là rẽ sang đúng hướng đông (sai biệt về vĩ độ 0°0′). Nhưng thật ra, cái gọi là “tham đông” có nghĩa là trong khi đi tàu không đi theo lộ trình ban đầu mà đi lệch một góc về phía đông so với lộ trình ban đầu. Do đó, kết quả của việc ‘tham đông’ không phải là đi về phía đông bao nhiêu dặm, mà là đi bao nhiêu dặm dọc theo tuyến đường tạo thành một góc nhất định với tuyến đường ban đầu. Nếu tuyến đường ban đầu là từ đông bắc đến tây nam, thì ‘tham đông’ có thể chỉ hướng nam. Từ biển Thất Châu theo nghĩa hẹp đi về phía tây nam thì ‘tham đông’ có thể ở ngay phía nam, và ngay phía nam của nó chính là quần đảo Tây Sa.

Về điểm 7 và 8, cái gọi là vua nhà Tống mất nước chạy đến quần đảo Hoàng Sa, đây chỉ là ý kiến ​​​​của riêng Hàn Chấn Hoa, hoàn toàn không phù hợp với sự đồng thuận của các nhà sử học. Về điểm này, có thể tham khảo bài viết Tống Đoan tông đáo quá đích Thất Châu Dương khảo[357] của Đàm Kì Tương. Bài viết này và những thư từ liệt kê sau bài viết đã phân tích rất rõ vấn đề dưới góc độ sử liệu nên không cần bàn chi tiết ở đây. Đối với điểm 8, Hàn Chấn Hoa nói rằng không có bãi biển nào trên nhóm đảo Thất Châu, điều này không phù hợp với ghi chép lịch sử về nơi Tống Đoan Tông lưu lại. Nhưng thật sự có những bãi biển đầy cát trên nhóm đảo Thất Châu như đã chỉ ra trong The China Sea Directory, trên đảo cực nam, có một bãi cát lớn dài tới 3 dặm Anh.[358]

Hàn Chấn Hoa đặc biệt hi vọng có thể đưa ra kết luận rằng vào thời Tống, biển Thất Châu đã được dùng để chỉ vùng biển quần đảo Hoàng Sa vì điều này cho phép ông dùng nhiều ghi chép về biển Thất Châu sau thời đó vốn đều cho đó là vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, rồi tìm ra trong đó bằng chứng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Vì lí do này, ông đặc biệt muốn chứng minh rằng biển Thất Châu trong Mộng lương lục là quần đảo Hoàng Sa. Nhưng có rất ít thông tin liên quan trong cuốn sách đó, chỉ có hai câu: “Từ Tuyền Châu, có thể đi ra biển, đi một mạch qua biển Thất Châu, đo nước từ trên thuyền, [sâu] khoảng hơn 70 trượng” và “Đi sợ Thất Châu, về sợ Côn Lôn“.

Hàn Chấn Hoa nói tuyến đường thứ nhất là tuyến đi thẳng từ Tuyền Châu đến Chiêm Thành theo đường thẳng lập với đường vĩ tuyến một góc 45°, không đi qua nhóm đảo Thất Châu mà đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Có thể thấy từ bản đồ rằng thật sự có thể vẽ được một đường thẳng theo một góc 45° từ Tuyền Châu đến đảo Lí Sơn. Hàn Chấn Hoa đã bỏ qua thực tế rằng không có đường thẳng từ điểm này đến điểm khác trong tất cả các ghi chép hàng hải, và chỉ nói rằng “đi một mạch” (迤邐: dĩ lệ) chính là “đi xiên” (斜 行: tà hành), và “đi xiên” là đi theo một đường thẳng lập với kinh tuyến một góc 45°. “Đi một mạch” đúng là có hàm ý đi xiên, nhưng điều này không có ý cho rằng “đi một mạch qua biển Thất Châu” có nghĩa là đi dọc theo một đường thẳng lệch một góc 45°, cũng không có nghĩa là toàn bộ tuyến đường là một đường thẳng. Có thể đi theo một góc 60°, hoặc có thể bao gồm một số đường gãy khúc (như chính tuyến đường được ghi lại) (Hình 38). Thật vậy, khi nối hai điểm bất kì với nhau bằng một đường thì có khả năng điều kiện về một đường đi xiên sẽ được thỏa. Hơn nữa, Mộng lương lục không nói rằng điểm đến là các đảo núi của Chiêm Thành.

Để củng cố kết luận của mình thêm nữa, ông đã trích dẫn ghi chép trong Tây dương triều cống điển lục [西洋朝貢典錄} rằng “từ Nam Áo đến núi Độc Trư 40 canh, và từ núi Độc Trư đến núi Ngoại La, đảo Thông Thảo đi 10 canh“, và coi tuyến đường này với tuyến đường trong Mộng lương lục là một. Tuy nhiên, nếu như vậy thì núi Độc Trư lại nằm cách xa lộ trình của tuyến đường mà sách vở nói là phải đi qua nó. Vì vậy, để khắc phục mâu thuẫn này, ông đã tìm thấy trên bản đồ đảo ngầm đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa, tình cờ nằm ​​cách đường 45° mà ông đã vạch ra không xa, và gọi nó là núi Độc Trư.[359] Tuy nhiên, có nhiều mô tả và bản đồ về núi Độc Trư trong các tài liệu lịch sử, và vị trí của nó được công nhận là Đại Châu Đầu trên biển ngoài khơi Vạn Châu. Cho tới nay không hề có tài liệu nào mô tả vị trí của núi Độc Trư mâu thuẫn với các tài liệu đó, và không có tài liệu nào cho rằng núi Độc Trư ở quần đảo Hoàng Sa. Từ bản đồ có thể thấy rằng tuyến đường đó không phải là một đường thẳng mà là một đường gấp khúc đi qua Đại Châu Đầu. Cách diễn đạt trong nguyên văn chỉ giải thích lộ trình, không hề diễn đạt đó là tuyến đường thẳng. Cách tiếp cận của Hàn Chấn Hoa là lấy không thành có, tự tạo ra “sự thật” để hậu thuẫn cho lập luận của mình, giống như khi ông ta vắt óc tìm 6 địa điểm đo đạc “tứ hải” của Quách Thủ Kính để lập luận đó là đảo Hoàng Nham, làm trò cười cho khắp chốn (xem 3.8).

Hình 38 Bản đồ minh họa cách đi xiên trong tuyến đường thủy biển Đông

Hàn Chấn Hoa cũng muốn làm trò xiếc với độ dài quãng đường đi. Trong tất cả các ghi chép của các sách hướng dẫn đi biển, quãng đường giữa mỗi địa điểm đều rất nhất quán, như trong Thuận phong tương tống có nói: “Từ cửa Nam Đình ra biển, dùng kim Khôn Mùi 5 canh tới núi Ô Trư. Dùng kim Khôn đơn và Khôn Mùi 13 canh tới ngang biển Thất Châu, dùng kim Khôn Mùi 7 canh đến ngang núi Độc Trư, và dùng kim Khôn Mùi 20 canh tới ngoài núi Ngoại La.” Những cuốn sách hướng dẫn đi biển khác có ghi chép chi tiết, chẳng hạn như Đông Tây dương khảo, Tứ di quảng kíChỉ nam chánh pháp đều ghi chép giống như vậy. Sự khác biệt nhỏ duy nhất là có ghi chép nói rằng phải mất 15 canh để đi từ núi Ô Trư đến biển Thất Châu. Vì vậy, xét theo ghi chép của các sách hướng dẫn đi biển được các nhà hàng hải sử dụng, không hề có biển Thất Châu nào khác. Hàn Chấn Hoa rất không hài lòng về điều này, ông nói: “Bởi vì một số tác giả biên soạn Hải Đạo châm kinh, chẳng hạn như Ngô Phác người ở sông Chương, đã bỏ qua sự khác biệt giữa hai tuyến đường biển trên, để theo đuổi sự thống nhất của các con số, không để ý sự khác biệt của các kim chỉ hướng, đã chỉnh sửa số canh đi thuyền của hai tuyến đường biển nói trên, để có số canh đi thuyền từ cửa Nam Đình của Đông Hoàn đến núi Ngoại La là 45, số canh đi thuyền từ Ô Trư đến biển Thất Châu từ 7 đã được chỉnh thành 13, cốt tìm kiếm sự thống nhất mà không nhận thấy tạo ra sự nhầm lẫn từ đó.[360]

Hình 39 Bản đồ minh họa các tuyến đường thủy từ Nam Áo đến Ngoại La (đảo Lí Sơn)

Mục đích của việc Hàn Chấn Hoa vô cớ buộc tội và bôi nhọ Phác là muốn chứng minh cách đặt tên biển Thất Châu thời Minh là lộn xộn, đồng thời chứng minh rằng có hai tuyến đường đi qua “biển Thất Châu” có cùng điểm đi và điểm đến, nhưng hai tuyến đường đi qua “biển Thất Châu” này khác nhau: một tuyến ở phía đông biển Thất Châu (tức là nơi nước sâu 200 mét), và tuyến kia nằm giữa biển Thất Châu (tức là nơi mà theo ý kiến ​​​​của ông nước chỉ sâu 50 mét theo đo đạc của người Anh). Theo đó, ông có thể thuận tiện di chuyển vị trí của “biển Thất Châu” đến quần đảo Hoàng Sa (tức là phía đông của nhóm đảo Thất Châu), rồi đưa ra lời giải thích rằng mặc dù “biển Thất Châu” ở đây là “biển Thất Châu” gần nhóm đảo Thất Châu, nhưng thực chất là gần quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù vậy, lời giải thích này vẫn khiên cưỡng và nó không thể giải thích được vì sao tàu thuyền đi qua vùng phụ cận phía đông của nhóm đảo Thất Châu thì nó phải đi qua quần đảo Hoàng Sa, vì vùng biển gần phía đông của nhóm đảo Thất Châu cũng sâu 200 mét, và quần đảo Hoàng Sa gần như nằm ngay phía nam của nhóm đảo Thất Châu thay vì xa về phía đông.

Hơn nữa, không phải chỉ một người ghi lại tuyến đường biển, và không có bằng chứng nào cho thấy ghi chép của người khác đều được sao chép từ Chỉ nam chánh pháp, thậm chí là cuốn mới nhất trong số các sách hướng dẫn đi biển được liệt kê ở trên. Ngay cả khi Ngô Pháp can thiệp vào số canh, chẳng lẽ những người khác cũng đều can thiệp vào các ghi chép sao?

12. Đến biển Thất Châu không có nghĩa là đến Hoàng Sa

Như đã nêu ở trên, biển Thất Châu có nhiều hơn hai tên gọi trong lịch sử và biển Thất Châu theo nghĩa hẹp chỉ là vùng biển gần nhóm đảo Thất Châu, không liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa. Theo nghĩa rộng, biển Thất Châu không chỉ là vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, mà nó vừa là một đại dương, vừa là một tuyến đường thủy. Đại dương này rất rộng và quần đảo Hoàng Sa chỉ là một trong những địa hình trong đại dương này. Điều này khác với biển Thất Châu ở nhóm đảo Thất Châu và các biển khác được đặt tên theo địa danh (chẳng hạn như biển Ô Trư và biển Độc Trư ). Các biển đó gắn liền với các đảo hoặc các địa điểm ven biển. Ví dụ, núi Ô Trư và biển Ô Trư, cái sau là biển trong vùng phụ cận cái trước. Núi Ô Trư, núi Thất Châu và núi Độc Trư đều là những địa hình được dùng như cột mốc định hướng quá trình đi tàu thuyền trên biển. Để có thể sử dụng chúng làm các cột mốc để lái, tàu thuyền trước hết đương nhiên phải đi đến mặt biển gần với chúng, tức là tới biển Ô Trư, biển Thất Châu và biển Độc Trư. Như vậy, tàu thuyền đi qua các biển này, tương đương với việc đến những địa điểm này.

Tuy nhiên, quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ được gọi là núi Thất Châu hoặc những cái tên tương tự trong lịch sử và cả hai không có mối liên hệ nào. Hàn Chấn Hoa cho rằng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm 7 đảo ở phía đông và 8 đảo ở phía tây, và tên Thất Châu là bắt nguồn từ 7 đảo ở phía đông. Nhưng không có cơ sở cho khẳng định này. Trong sử sách lẫn dân gian đều không thấy nói quần đảo Hoàng Sa hay một phần quần đảo này được gọi là Thất Châu. Vả lại, nếu chỉ căn cứ vào số lượng đảo sao không gọi là Thập Ngũ Châu, có thể thấy tên biển Thất Châu không hề được đặt theo tên của quần đảo Hoàng Sa.

Diện tích của biển Thất Châu rất lớn và đường thủy hoặc bề mặt đại dương giữa đảo Hải Nam và quần đảo Tây Sa cũng có thể được coi là một phần của biển Thất Châu. Ví dụ, trong Hải quốc văn kiến lục có nói rằng “Hạ Môn đến Quảng Nam, từ Nam Áo đến núi Lỗ Vạn ở Quảng Đông, Đại Châu Đầu ở Quỳnh Chi và băng qua biển Thất Châu“. Biển Thất Châu ở đây có thể là toàn bộ biển Thất Châu theo nghĩa rộng, hoặc có thể nói là tuyến đường thủy giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa sau khi qua núi Độc Trư, nhưng ngay cả trong trường hợp sau, cũng không thể coi tới được biển Thất Châu là đã tới được quần đảo Hoàng Sa, vì tuyến đường thủy này là rất rộng, và khoảng cách giữa Đại Châu Đầu và quần đảo Hoàng Sa hơn 300 km (tức là 700 lí Trung Quốc cổ), không có tiêu chuẩn thống nhất nào quy định rằng tàu thuyền gần một đảo nhất định ở khoảng cách nào để được coi là đi qua đảo đó. Định nghĩa chặt chẽ nhất của “đi qua” là ghé vào đảo hoặc thả neo tại đảo đó. Nhưng cũng có thể nới lỏng điều kiện, chẳng hạn như từ thuyền trên biển nhìn bằng mắt thường có thể thấy được đảo là tương đương với việc đi qua đảo đó. Quần đảo Hoàng Sa không phải là đảo cao, điểm cao nhất của nó là một điểm nào đó trên đảo Đá, cao khoảng 14 mét, tức là bằng 46 feet,[361] vì trái đất tròn nên mắt người không thể nhìn thấy vật trên mặt biển ở xa vô hạn, khi vượt quá một khoảng cách nhất định thì đường ngắm giữa vật đó và mắt người sẽ bị chặn bởi chỗ cao nhất của mặt biển bị uốn cong, khoảng cách này có liên quan đến chiều cao của vật và chiều cao của người [so với mặt biển – ND]. Thông thường một người quan sát từ boong tàu thì công thức chung là: khoảng cách nhìn thấy = 1,17 × √(chiều cao vật thể + chiều cao mắt người), trong đó khoảng cách nhìn thấy được tính bằng hải lí và chiều cao được tính bằng feet.[362] Ví dụ, nếu một người đang quan sát từ boong tàu ở độ cao 8,5 mét và khoảng cách từ mắt người đến sàn boong tàu là 1,5 mét, chiều cao từ mặt nước của mắt người là 10 mét, điểm cao nhất của Hoàng Sa là 14 mét, tổng của cả hai là 24 mét, hoặc 79 feet, và tính được khoảng cách nhìn thấy là 10,4 hải lí, về cơ bản gần bằng chiều rộng lãnh hải là 12 hải lí, do đó, nếu tàu cách xa 12 hải lí thì không thể nhìn thấy quần đảo Hoàng Sa. Khoảng cách giữa đảo Đá của Hoàng Sa và núi Độc Trư ở đảo Hải Nam là 140 km, vì thuyền đi qua Đại Châu Đầu, nên nó phải rất gần Đại Châu Đầu. Sau khi thuyền ra khỏi Đại Châu Đầu, nó tiếp tục đi về phía tây nam, chứ không đi theo hướng đông nam tới quần đảo Hoàng Sa, nên khoảng cách tới quần đảo này càng lúc càng tăng lên. Do đó, khi đi tiếp trên tuyến đường thủy này, về cơ bản thuyền không thể nhìn thấy quần đảo Hoàng Sa. Ví dụ, Chu Khải đã viết trong Hạ Môn chí [廈門志] vào cuối triều đại nhà Thanh:

Việt Nam, tức là Giao Chỉ xưa kia, trước đây gọi là An Nam… từ Hạ Môn, đi qua Đại Châu Đầu thuộc Quỳnh (Hải Nam), biển Thất Châu [bên ngoài Đại Châu Đầu, bao la bát ngát, không có hình núi làm mốc, đi lệch về phía đông sẽ phạm vào Vạn Lí Trường Sa và Thiên Lí Thạch Đường, còn biển Thất Châu ở phía đông nam Vạn Châu, Quỳnh Châu, hễ đi Nam Việt là phải đi qua] đến Quảng Nam, thủy trình 72 canh.[363]

Ở đây, biển Thất Châu rõ ràng là biển Thất Châu theo nghĩa rộng, nhưng theo lộ trình thông thường, sau khi đi qua Đại Châu Đầu thì không thể nhìn thấy bất kì hình dạng núi nào để làm mốc, khi thuyền đi lệch về phía đông của tuyến đường bình thường chỉ có thể đến quần đảo Hoàng Sa. Nếu tàu thuyền đi trong vùng biển chính của biển Thất Châu theo nghĩa rộng, thì càng không thể nói rằng đi qua biển Thất Châu có nghĩa là đến quần đảo Hoàng Sa. Do đó, ngay cả biển Thất Châu trong tài liệu chỉ biển Thất Châu theo nghĩa rộng, thì vẫn không đúng khi đánh đồng việc đi qua biển Thất Châu với việc đi qua quần đảo Hoàng Sa.

Ngay cả về mặt biên giới biển truyền thống, biển Thất Châu theo nghĩa rộng thời Thanh vẫn không phải là vùng biển của Trung Quốc. Có một ghi chép (Hình 40) trong Khâm định hoàng triều thông điển [欽定皇朝通典] (1787) chính thức của triều đình, trong phần mô tả về tuyến đường thủy từ Hạ Môn đến Quảng Nam (Nam Việt Nam) có đoạn “vượt qua biên giới An Nam, qua biển Thất Châu, đến núi Chiêm Tất La bên ngoài Quảng Nam, sẽ vào địa phận của nó.[364] Biển Thất Châu trong bối cảnh này chính là biển Thất Châu theo nghĩa rộng, tàu thuyền phải vào biên giới An Nam trước, sau đó mới đi qua biển Thất Châu rồi mới đến ranh giới Quảng Nam. Từ công trình chính thức này có thể thấy rằng biển Thất Châu thuộc về cương giới An Nam, không thuộc về Trung Quốc. Điều này rất phù hợp với các ghi chép về đường biên giới trên biển truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam được thảo luận trong Chương 5.

Hình 40 Hoàng triều thông điển


[282]Trong sách cổ của Trung Quốc, “núi Thất Châu” (七州山) và “núi Thất Châu” (七洲山), “Thất Châu dương” (七州洋) và “Thất Châu dương” (七洲洋) được sử dụng thay thế nhau. Để thống nhất, nếu không phải là tài liệu gốc, thì sẽ viết là “七洲山” trong sách này (với châu có bộ thủy 氵).

[283]Ví dụ, Samuels, CFSCS, tr. 17-20

[284]Sử địa khảo chứng luận tập, tr. 1.

[285]Thất Châu dương khảo của Hàn Chấn Hoa có hai bản. Bản đầu trong Sử địa khảo chứng luận tập, tr.21, bản kia trong Sử địa khảo chứng tr. 99. Có sự khác biệt đáng kể giữa hai bản. Bản dùng ở đây là bản sửa đổi được lấy làm cơ sở.

[286]Ngô Tự Mục, Mộng lương lục, Cảnh ấn văn uyên các tứ khố toàn thư, q. 590, tr. 102.

[287]Tống sử, quyển 47, tr. 943-944.

[288]Nguyên sử, q. 162, tr. 3802.

[289]Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ kí, Tứ khố toàn thư, q. 594 quyển, tr. 54.

[290]Dậu dương tạp trở, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Hải tra dư lục, Trung quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi nhất, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 344.

[291]Phùng Thừa Quân giáo chú, Tinh tra thắng lãm giáo chú, Đài Bắc, Thương vụ ấn thư quán, 1962, tập đầu, tr. 8.

[292]Dậu dương tạp trở, Chư phiên chí, Đảo di chí lược, Hải tra dư lục, Trung quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi nhất, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 363.

[293]Trịnh Hải Lân, Điếu Ngư đảo liệt tự chi lịch sử dữ pháp lí nghiên cứu (Phiên bản cập nhật)

[294]Liệu Đại Kha, Quan ư trung lưu quan hệ trung điếu ngư đảo đích nhược can vấn đề, Nam dương vấn đề nghiên cứu, 2013, kì 1, tr.95-102.

[295]Hướng Đạt, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, Trung Hoa thư cục,1961, tr.21.

[296]Nt, tr 27-28.

[297]Nt, tr. 33.

[298]Nt, tr. 49.

[299]Nt, tr. 53.

[300]Nt, tr. 54.

[301]Nt, tr. 55.

[302]Trương Tiếp, Đông Tây dương khảo, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo văn hiến vị biên chi nhị, Đài Bắc, Đài Loan học sinh thư cục, 1975, tr. 288. Tiêu đề trong ngoặc là do tác giả thêm vào, chú thích trong ngoặc vuông là nguyên văn, bên dưới cũng vậy.

[303]Nt, tr 288.

[304]Nt, tr 289.

[305]Nt, tr 292.

[306]Nt, tr. 310-311.

[307]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, Doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 5.

[308]Tứ khố toàn thư đề yếu, http://ctext.org/wiki.pl?if-gb&chapter=676173#, q. 71, sử bộ 27

Hải ngữ, q. 3

[309]Hoài Tưởng Thưởng, Tứ di quảng kí, Huyền Lãm đường tùng thư tục tập, Đài Bắc, Quốc lập trung ương đồ thư quán, 1985, q. 222, 2-122-633

[310]Nt, 2-212-396

[311]Nt, 2-212-429

[312]Nt, 2-212-444

[313]Nt, 22-212-463.

[314]Nt, 22-212-464.

[315]Hoàng Tá, Quảng Đông thông chí, q. 66 ngoại chí 3, bản Gia Tĩnh, Hương Cảng,bản photocopy của Đại Đông đồ thư công ti, 1977, tr. 1784.

[316]Hướng Đạt, Lưỡng chủng hải đạo châm kinh, ( ất ), Trung Hoa thư cục, 1961, tr. 108.

[317]Nt, tr 117.

[318]Nt, tr. 137.

[319]Nt, tr. 159.

[320]Nt, tr. 167.

[321]Nt, tr. 169-170.

[322]Nt,tr 171-172.

[323]Nt, tr. 190

[324]Nt, tr, 191.

[325]Nghiêm Tòng Giản, Thù vực chu tư lục, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 735, tr. 661

[326]http://seldenmap.bodleian.ox.ac.uk/map.

[327]Hoàng Tá, Quảng Đông thông chí, q.14 Dư địa 2, bản Gia Tĩnh, Hong Kong, bản photocopy đại Đông đồ thư công ti, 1977, tr. 377.

[328]Vạn Lịch Quỳnh Châu phủ chí, Nhật Bổn tàng Trung Quốc hãn kiến địa phương chí tùng khan, Thư mục văn hiến xuất bản xã, 1990, tr. 43.

[329]Gia Khánh Đại Thanh nhất thống chí, q.453, Quỳnh Châu 1, Tứ bộ tùng khan tục biên, Thượng Hải thương vụ ấn thư cục, 1922, q. 169, tr. 10.

[330]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 112.

[331]Nt, tr 119-120.

[332]Nt, tr 151.

[333]Nt, tr 155.

[334]Nt, tr 162-163.

[335]Hàn Chấn Hoa chủ biên, Nam Hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập, Trung Hoa thư

cục 1981, trang 1-20.

[336]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 265.

[337]Hải ngữ, Hải quốc kiến văn lục, Hải lục, doanh hoàn khảo lược, Trung Quốc Nam Hải chư quần đảo vị biên chi tam, Đài Loan học sinh thư cục, tr. 217.

[338]Từ Gia Cán, Dương phòng thuyết lược, q. 1 Quảng Đông hải đạo, chuyển dẫn sử

liệu vị biên, tr. 125.

[339]Nhan Tư Tống, Nam dương lễ trắc, tự vương tích kì biên, tiểu phương hồ trai dư địa tòng sao tái bổ thiên lục, Đài Bắc, Quảng văn thư cục ấn hành, 1964.

[340]Từ Kế Dư, Doanh hoàn chí lược, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 743, tr. 25.

[341]Nt, tr. 28.

[342]Quách Tung Đảo, Sứ Tây kỉ trình, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 577, tr. 3.

[343]Quảng Đông dư địa toàn đồ, Trung Quốc phương chí tùng thư số 108,Thành Văn xuất bản xã, 1967.

[344]Quảng Đông dư địa đồ thuyết, Trung Quốc phương chí tùng thư số 107, Thành Văn xuất bản xã, 1967.

[345]Sử liệu hối biên, 411,tr. 414.

[346]Nt, tr. 414

[347]Hạ Nãi, Hạ Nãi chí đàm kì hàm (tiết 6), Khảo chứng luận tập, tr. 7.

[348]Annex 10, SOPSI, p184

[349]Có hai phiên bản Thất châu dương khảo của Hàn Chấn Hoa, một là Sử địa khảo chứng luận tập, tr. 21 xuất bản trước, và Sử địa luận chứng, tr. 99, Có sự khác biệt đáng kể giữa hai phiên bản. Ở đây cái sau sửa đổi được lấy làm cơ sở.

[350]Sử địa luận chứng, tr. 99.

[351]Sử địa luận chứng, tr. 143.

[352]Đặng Lam Tử, Chu du Thất Châu liệt đảo, Nam đảo thị giới, 2011, nguyệt san 9。 http://www.zcom.com/article/36849/index3.htm.

[353]Nt.

[354]Nt.

[355]Nghiêm Tòng Giản, Thù vực chu tư lục, Tục tu tứ khố toàn thư, q. 735, tr. 661

[356]Sử địa luận chứng, tr. 113.

[357]Khảo chứng luận tập, tr. 9-20

[358]The China Sea Directory, Vol.II, 1879 version, p. 390

[359]Sử địa luận chứng, tr. 100-101.

[360]Sử địa luận chứng, tr. 124.

[361]http://en.wikipedia.org/wiki/Rocky_Island_South_China_Sea.

[362]http://www.dublerfamily.com/Activity3.html. (Link không còn hoạt động và có vẻ công thức bị viết nhầm: nếu dùng thuần túy hình học thì D = 1,064 (√H + √h) với D là khoảng cách nhìn thấy, H là chiều vật, h là chiều cao mắt người, hoặc D = 1,148 (√H + √h) nếu tính thêm hiện hiện tượng khúc xạ – ND).

[363]Chu Khải, Hạ Môn chí, q. 8, Phiên thị lược, Việt Nam. Đài Loan Văn hiến tùng khan đệ cửu thập ngũ chủng, Đài Loan ngân hàng kinh tế nghiên cứu thất, 1961,tập 2, tr. 249.

[364]Kê Hoàng Đẳng, Hoàng triều thông điển, q. 98, Biên phòng 2, Quảng Nam, Tứ khố toàn thư, q. 643, tr. 933.

Comments are closed.