BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (4)

Chương 4

THI PHÁP CHẤN THƯƠNG

Nguyễn Đức Tùng

 

Tôi vung cái dây thắt lưng lên trước mặt cha tôi.

– Ông đã tra tấn tụi tôi, tôi nói. Không thể nói cách nào khác. Ông đi làm về nhà, rượu chè say sưa, chắc thế, rồi đánh đập thằng Bob và tôi chết mẹ luôn. Tôi còn nhớ đã gào khóc và bỏ chạy, hai đứa vừa bò vừa lết khi ông quất dây nịt vào người. Thôi đừng nói mấy cái chuyện yêu cho roi cho vọt. Tôi sợ ông muốn chết.

– Làm sao con lại nói thế được? Ta nhớ rằng mỗi khi đi làm về vẫn chơi ném bóng chày với con ở sân sau. Tất nhiên thằng Bob bệnh nặng. Nhưng con với ta. Khi ta huấn luyện cho đội bóng chày của hiệp hội Hoa Kỳ, con lò tò theo ta mỗi trận đấu. Hồi đó con là chú bé chuyên nhặt bóng. Sao con có thể quên được?

– Ai bảo tôi quên hồi nào?

– Thì mày nói kiểu đó… thôi bỏ đi.

– Không, ông nói đi, nói tiếp đi. Đúng là chúng ta cũng có những thời kỳ hạnh phúc. Nhưng con không so sánh những ngày vui sướng và những ngày tệ hại, cha ơi, con đang nói về sự hành hạ, đánh đập một đứa trẻ.

(Richard Hoffman, Một Nửa Nhà) (*)

* * *

Sau hai mươi năm lửa đạn, tháng Tư năm 1975, hòa bình đã trở lại như lời hẹn của nó bên hồ Léman. Nhưng đó là lời hẹn đơn sai. Không phải vì hòa bình đến không đúng lúc, mà vì khuôn mặt nó khác thường.

Tôi nhớ trong căn phòng ở Đà Nẵng của chị tôi, có chồng sĩ quan, treo một bức tranh nhỏ vẽ chim bồ câu hòa bình. Có lẽ chị nhìn tranh để cầu nguyện mỗi khi anh đi hành quân.

Mùa hè năm đó, trong khoảng vài tháng ngắn ngủi, khi chính quyền mới được thành lập, chủ trương hòa giải dân tộc của mặt trận Giải phóng miền Nam hãy còn âm vang ở một vài nơi, khi các gia đình thôn quê như nhà mẹ tôi đón tiếp chồng con, dâu rể nội ngoại là quân nhân công chức VNCH từ các thành thị trở về, không khí đoàn viên tở mở và khá tự do hãy còn, tôi đã từng nhìn thấy cái bóng của con chim hòa bình ấy, bên ngoài cửa sổ.

Rồi nó bay đi mất.

Ba mươi năm dù cho ruộng biến ra chiến hào

Và chiến hào thành vườn cây trĩu quả

Có chiến trường hồi phục sức non xanh

Như tích cũ châu theo người về Hợp phố,

Vầng trăng xưa chia cho em một nửa, cho anh một nửa

Mà nay, các gia đình ráp những mảnh cắt chia cho gương cũ lại lành

Chế Lan Viên, tháng Năm, 1975. Thơ là sự nén chặt các ý nghĩa, làm mới lại các ý nghĩa. Người làm thơ được đặt trong mối quan hệ lập tức, đương thời, với hoàn cảnh cá nhân và thời cuộc. Câu thơ cần có tính chất kỳ lạ, thậm chí dị thường so với hiện thực, nếu nó muốn mang nhà thơ đến với các quan hệ đương thời kia. Năm năm sau bài thơ trên đây, có những câu thơ khác, được viết trong hoàn cảnh khác, bởi một người tham dự trực tiếp.

Đem thân làm gã tù lưu xứ,
Xí xóa đời ta với đất trời,
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu,
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi.
Đã mấy năm nay quằn quại đói,
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo.
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại,
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu.

Tô Thùy Yên, năm 1980. Như thể có một người đã đặt lòng tin vào người khác, và bị phản bội. Có một thế hệ. Và đó là chủ đề trung tâm của thơ trữ tình giai đoạn này. Đứa trẻ trong chúng ta, bị bỏ rơi, bị ngược đãi, bởi cha mẹ chúng. Cha mẹ chúng là ai? Là người khác, hy vọng, là dân tộc, trách nhiệm. Những bài thơ đủ sức chiếu rọi ánh lửa giai đoạn sau 1975 sẽ còn mãi không chỉ như nhân chứng của một thời đại, mà còn là cánh cửa liên kết với những nền thơ khác tiếp sau đó. Đó là một loại thơ đi qua chấn thương: không phải chỉ có tứ thơ, ý tưởng, thậm chí không phải chỉ có xúc động, mà còn là và chính yếu là các kinh nghiệm, thể nghiệm cá nhân, gần như trực tiếp. Trong các quá trình giao tiếp với sự kiện, chỉ nhận thức và suy tư thôi chưa đủ mà còn cần đến các giác quan, sự tổn thương thân xác, các dấu vết, nhà thơ và người đọc phải sống và đi qua các hoàn cảnh như nạn nhân.

Không chuẩn bị tâm cảnh ấy, không tham gia vào sự chịu đựng, sợ hãi, sự đấu tranh, chạy trốn, sự sống sót, người đọc không thể cảm nhận trọn vẹn thơ ca của thời kỳ này. Thi pháp của tan vỡ. Mai Trung Tĩnh chuyển từ thơ xuôi sang lục bát:

Chúng đưa ta khỏi ruộng đồng
Lên non tìm mãi vào rừng bụi sâu
Em xa rồi, chẳng thấy đâu
Có gần, chẳng nhận ra nhau lúc này

Thơ chậm, blue. Nhờ thể lục bát giàu âm điệu. Đó là một thể thơ lâu đời và bền vững và không ngớt được làm mới. Nhiều nhà thơ làm mới bằng cách dùng chữ lạ, ngắt dòng, xuống hàng, chấm, phẩy, nhưng đọc kỹ mấy câu của Mai Trung Tĩnh, bạn sẽ thấy dường như bí mật nằm ở chỗ khác. Dường như bạn phải tham dự vào dòng chảy, sức đi của câu chuyện kể.

Hans-Georg Gadamer (1900-2002), trong các công trình giải nghĩa học triết học đã nhấn mạnh đến sự tham dự của cá nhân vào các quá trình hiểu biết loại bỏ khả năng tồn tại một người quan sát khách quan của các sự kiện lịch sử. Tóm lại không có một lịch sử khách quan ngoài các câu chuyện được kể lại bởi các cá nhân dù cá nhân ấy là người viết sử (1). Từ những điều kiện đặc biệt của mình, thơ và văn học hải ngoại có khả năng lưu giữ ký ức của đất nước, nhưng đó là một người thư ký với nhiều công lao và nhiều khiếm khuyết.

* * *

Chất liệu thơ ca được tạo nên không những bởi đời sống hiện tại mà còn bởi ký ức, dĩ vãng. Tuy nhiên đó là một dĩ vãng được làm sống lại, được nhào nặn theo ánh sáng của hiện tại trở thành công cụ nghệ thuật. Đối với nhiều người, cuộc sống tự do ngày trước là một viên ngọc (2). Có quan điểm cho rằng một bài thơ không nhất thiết phải mang lại ý nghĩa mà chỉ cần là một đối tượng thẩm mỹ, nhưng không một bài thơ giá trị nào lại không có nghĩa. Trong một bài thơ thành công, sự yêu thích mà người đọc dành cho nó thường do vần điệu, hình ảnh, nhưng chỉ tồn tại lâu dài bằng ý nghĩa. Khả năng liên kết rất nhanh giữa hai hình ảnh hoặc hai ý tưởng tạo nên một bước nhảy trong thơ. Bước nhảy là sự bất ngờ thẩm mỹ, nếu được tính toán đúng lúc, sẽ là khúc quanh về nhận thức, sự tăng cường xúc cảm. Những liên kết đột ngột như vậy mở rộng không gian của một bài thơ, do đó giúp nó dung chứa nhiều hơn các chi tiết và các nhân vật. Chúng ta muốn sống trong một bài thơ, muốn lớn lên, trưởng thành và già đi trong đó. Các yếu tố của một bài thơ, như từ ngữ, ẩn dụ, vần điệu, đều hướng tới đoạn kết, câu kết để tạo ra một lực đẩy, tuy vậy những câu mở đầu, những câu ở giữa không hề là phương tiện cho mục đích vừa nói. Dương Kiền vào trại cải tạo, và thấy:

đất Long Giao cứng hơn kim cương
nước Long Giao quí hơn nước vô thường
hồ lô đức Quán Thế
trời tháng tư đổ lửa
không thấy nước đâu chỉ thấy mồ hôi chảy trên lưng
ngựa Người
kéo những thùng đất từ đáy huyệt sâu đào mả cha nó
đỉnh cao trí tuệ loài người

(dẫn theo Song Thao)

Trong thơ trước đây hiếm khi người ta nói về bùn nhão, kẽm gai, con trâu, cái cày, mồ hôi vân vân.

Và cái đói.

Con vật đói và người cũng đói

Bước mộng du theo nắng lên cao

(Thanh Tâm Tuyền)

Khuôn mặt hóa trang của cái đói của người Việt là cơm.

Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa êm thân xác mấy mùa thu qua
Môi cằn, má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén, canh pha nước bùn

(Cung Trầm Tưởng)
Các bạn ta ơi bao giờ được thả

Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi

(Minh Đức Hoài Trinh)

Ngay cả khi nói về tương lai, vẫn không thể không nhắc đến cơm. Nhiều người nói đến biểu tượng của dân tộc Việt nam như hoa đào, hoa mai, cây tre, phở, áo dài, chiếc nón lá hay nón cối, nhưng tôi cho rằng biểu tượng trung thành của người Việt là bát cơm.

Và nồi cơm sôi. Nồi cơm sôi

Tôi sẽ sửng sốt nhìn. Sẽ thật thà mô tả

Cho bạn hữu và kẻ thù cùng biết

Những hạt cơm tương lai

(Trần Dạ Từ)

Ký ức chấn thương khác với hoài niệm trữ tình. Những hoạn nạn, tra tấn, chia lìa tạo ra những tổn thương tâm lý, sự đứt đoạn của đời sống. Những đau đớn ấy có thể cần một bút pháp khác để diễn tả chúng. Mối quan hệ giữa quê hương cũ và thực tại, giữa lòng hoài niệm và xứ sở mới, giữa xã hội bên ngoài và đời sống bên trong là mối quan hệ biến động, thay đổi mỗi ngày. Trong ý nghĩa ấy, thơ hoài niệm không phải chỉ là thơ về nỗi mất mát mà còn về sự tìm kiếm. Sự đói nghèo, sự sụp đổ của một thiết chế xã hội dân sự có tính văn minh cao ở miền Nam, sự tan rã của một không gian tinh thần cao cả ở miền Bắc, giam giữ và tù đầy, vượt biển và vượt tường, hoàn cảnh khắc nghiệt ở các trại tị nạn, bước đầu hội nhập đầy khó khăn của người di dân miễn cưỡng, và sự xa lìa đất mẹ, hồi tưởng mất mát. Đó là tám sự kiện hoặc hoàn cảnh có tính gây chấn thương.

Mẹ chết đau ngoài Bắc. Cắn răng

Sụp đổ nốt miền Nam. Mở mắt

Xiềng xích lôi nhau đi. Quay mặt

(Trần Dạ Từ)

Thơ Trần Dạ Từ là một ký ức chấn thương. Sự tìm kiếm tiếp tục của một quê hương biến mất, của một không khí tự do không còn nữa, tạo nên chính năng lượng của thơ. Quê nhà như thế trở thành một ẩn dụ lớn, về không gian và về thời gian, và được sử dụng phổ biến từ tác giả này qua tác giả khác. Sự vắng mặt của xã hội tự do trở thành một sợi chỉ xuyên qua những tâm hồn khác nhau, máng lên nó những màu sắc đã từng tồn tại nhưng chưa bao giờ chiếu ảnh của chúng vào tấm gương thơ ca miền Nam: nền thơ ấy trong một xã hội tự do, chỉ đi sâu vào tính chất hư vô của cuộc đời mà không biết đến tính chất hiện thực của những đau khổ của nó, chỉ biết nói về đau khổ của con người mà ít nói về đau khổ của một con người, chỉ biết khía cạnh siêu hình, ít biết khía cạnh thân xác.

* * *

Cái tầm thường và nghèo nàn của đời sống. Một bài thơ thành công tham dự cả vào ngôn ngữ, ký ức, lịch sử, các quan hệ, ý thức. Tương lai của một bài thơ phải được hiểu như sự diễn tiến liên tục từ các sự kiện, hậu quả của chúng, mối quan hệ của chúng với hoàn cảnh xúc tác, phản ứng của nạn nhân, phản ứng của môi trường. Tương lai của một bài thơ viết về các sang chấn là một hành động sáng tạo, không bao giờ chấm dứt. Ngôn ngữ dùng để phản ảnh các kinh nghiệm cũng có những vấn đề của nó. Trong khi văn học và các hình thức kể chuyện giúp hàn gắn những mảnh vỡ quá khứ, tái xây dựng diện mạo của cá nhân và lịch sử, giúp chúng ta sống lại một lần nữa những kinh nghiệm đã qua, thì chúng, văn học và các nghệ thuật ấy, cũng có khả năng tạo ra những kinh nghiệm chấn thương lần thứ hai. Chúng ta không biết ngôn ngữ có khả năng trở nên người làm chứng đáng tin cậy hay không. Khác với văn xuôi, ngôn ngữ thơ thường không có những điểm tham chiếu khách quan. Nói cách khác, văn cảnh trong thơ hoạt động theo một quy luật khác so với trong văn xuôi, chúng mờ nhạt hơn, khó xác định và bí ẩn hơn.

Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng, mưa
Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình
Tiễn anh linh hiển u linh
Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi

Nguyên Sa, hải ngoại, hai lần lưu vong. Các tổn thương thể xác và tâm lý cá nhân khi được phản ảnh vào văn học sẽ góp phần hình thành một thi pháp chấn thương. Phân tâm học quan niệm rằng cơ chế tự vệ của nạn nhân liên hệ đến việc đi những bước lùi về tâm lý, trong lý thuyết về các quá trình tự vệ tâm lý (defense mechanisms) thuộc cơ chế tâm thần (3). Cơ chế quan trọng nhất mà nạn nhân trải qua là sự lãng quên không có chủ ý. Đó là sự loại trừ ra khỏi hoạt động tâm trí các ý tưởng không thể chịu nổi, các mong ước bị đẩy vào vô thức. Ngay cả sự cố tình quên lãng một sự kiện có ý thức, nếu thành công, cũng biến thành một quá trình vô thức. Đó là sự mất trí nhớ, sự bôi xóa ký ức.

Đọc Tô Thùy Yên, trong nước, vừa trở về từ trại cải tạo:

Nhà thương khó quá võng thờ ơ

Dậu nghiêng cổng đổ thềm um cỏ

Khách cũ không còn khách mới thưa

Kẻ nào ghé lưng nằm lên chiếc võng ấy, những năm tám mươi, sẽ nhớ lại truyện Kiều:

Đầu tường gai góc mọc đầy

Cách mấy trăm năm, ở một đất nước khác, nhưng câu chuyện sai nha, hàm oan, tù đầy, lìa xa cố quận, hình như chẳng khác nhau mấy. Thơ giai đoạn này có sự mờ nhòa giữa trại giam và thế giới, giữa người tù và thiên nhiên. Tâm trạng của người tù có thể được thấy rõ trong giọng điệu thơ bằng phẳng, trầm buồn, lặng lẽ, không tuyên bố, đầy cảm nghiệm. Có một liên kết giữa nhà thơ và người khác, giữa sự đày đọa cá nhân và ý thức về đất nước. Trong khi bạo lực tìm cách xóa bỏ quá khứ vì những hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai, nhà thơ là người thường trực quay lại căn nhà cũ, bằng chính tương lai của mình. Thơ phải đi tìm cho mình những tiếp cận kiểu khác. Thi pháp chấn thương vượt qua giai đoạn tiểu thuyết với đoạn kết có hậu, trường ca đẫm khí vị anh hùng. Các câu chuyện được kể lại giai đoạn này không phải là câu chuyện toàn vẹn, thực ra chúng chỉ là những lời kể, những diễn tiến, những lịch sử không có đoạn kết. Đời sống hàng ngày, sự nghèo đói, sự tầm thường, sự mất tự do, lối sống chỉ đủ thỏa mãn các nhu cầu vật chất tối thiểu, sự giản dị hóa một cách không tình nguyện, đều là các hình thức gây sang chấn. Sự loại bỏ là một hình thức trấn áp kiểu khác. Nhưng sự loại bỏ xảy ra dưới nhiều hình thức: dùng sức mạnh đưa một phần tử ra khỏi cộng đồng, như trại giam, phân biệt đối xử, hạ nhục về tinh thần, bôi nhọ về quá khứ, phao tin đồn, và cuối cùng là bỏ qua, không lên tiếng, không nhắc tới.

Đất bạc màu đi đất bạc màu

Tô Thùy Yên. Bôi xóa là một hình thức hiện đại của trấn áp. So với các hình thức tổn thương khác, hình thức sau cùng này gây ra di chứng khó nhận ra và sẽ là những rối loạn lâu dài của dân tộc. Lê Đình Nhất Lang:

Tôi đặt tên cho doanh nghiệp thành công nhất Việt Nam

Tổ chức của những người yêu nước bằng cách ghét nhân dân
Tập đoàn man rợ vì an ninh tổ quốc
hanhhungchuyennghiep.vn.com
Ném đá giấu tay, Inc.
Đoàn chí nguyện Ném đá sướng tay
Cty TNHH Bạo lực miễn phí (tên tiếng Anh: Violence Is Free, LLC)
Hội thử thách tín ngưỡng công dân
đập-cho-đã.org
Hội những người ném phân với lương tâm sạch

(Lê Ðình Nhất-Lang)

Thoạt kỳ thủy, thơ có tính tự sự, tức là mang trong nó khả năng mô tả sự vật, ca ngợi chiến công, làm chứng cho các sự kiện tập thể. Xã hội ngày càng phát triển, thuộc tính mô tả và trường ca dần dần bị thay thế bởi tính riêng tư, nặng về xúc cảm. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và lý thuyết phân tâm học, thơ thế kỷ hai mươi ngày càng mang tính trữ tình. Sự dịch chuyển từ những lời nói thầm, tâm sự đơn lẻ, chuyển thành tiếng nói và giọng điệu có tính cách đại diện là một sự dịch chuyển ngược chiều từ ngoại vi vào trung tâm. Trong những giờ phút tuyệt vọng, chúng ta có nhu cầu được tin tưởng vào quyền lực lớn hơn, dẫn dắt chúng ta ra khỏi khổ đau. Chúng ta có lẽ không bao giờ biết sự cứu chuộc có tồn tại hay không, nhưng chúng ta biết rằng trong hoàn cảnh tuyệt vọng, con người có nhu cầu tìm về nương tựa đấng linh thiêng, và nhờ thế họ có thêm lòng dũng cảm vượt qua số phận. Nói cho cùng, chính lòng tin mới là phép lạ. Thơ có giá trị tố cáo đối với sự tàn phá, nhưng tố cáo chưa hẳn là mục đích chính yếu, vì mặc dù tìm cách mô tả hiện thực, đó vẫn là một thứ hiện thực xuyên qua lăng kính trữ tình. Nhà thơ tìm cách bảo vệ tâm hồn mình trước những tổn thương của hoàn cảnh nhiều hơn là tìm cách lên án hoàn cảnh khắc nghiệt ấy. Như khi về thăm quê cũ, Nha Trang, đường Duy Tân, Vũ Hoàng Thư lại muốn ra đi:

đêm cuối ở nha trang

hàng phi lao còn sót lại

vi vút gào ký ức

gởi lại em một mùa xanh

khi tóc cùng màu như liễu

tôi sẽ đi như 32 năm trước

Niềm hy vọng biểu hiện xuyên qua tình yêu, giấc mộng đoàn viên. Hình ảnh trong thơ, tức là kinh nghiệm mang tính cảm giác, có khả năng nối kết những người đọc với nhau, tạo nên một tập hợp những người cùng yêu mến một ký ức, một nơi chốn, tạo nên một cộng đồng.

* * *

Sự nhẫn tâm của ngôn ngữ thơ cần được hiểu như là sự phơi mở các sự thật không nhân nhượng, mang chúng đến người đọc một cách giản dị và trực tiếp, và nghệ thuật, tức là làm cho người đọc không còn thời gian để chọn lựa, và hứng chịu trọn vẹn tác động xúc cảm. Đó là bí ẩn của thơ chấn thương. Khác với văn xuôi và văn chính luận, những khoảng im lặng trong thơ, đường biên giới giữa ngôn ngữ và im lặng, được sử dụng như một vũ khí chinh phục. Thơ không chỉ là các ý tưởng và hình ảnh lớn, tổng quát, vì nó biết tâm hồn lặng lẽ dừng lại ở góc tối, ngã rẽ, sự khinh bạc của số phận, các tiểu tiết.

trăm triệu hạt hướng dương rủ nhau bứng rễ

tìm tự do từ độ lặn mặt trời khác

những em bé khóc khàn tiếng pha thuốc ngủ

bú sữa độc biển đêm

bao nhiêu em bé ở lại sưu tầm hoa sen

và sao đỏ trong vở sạch chữ đẹp

chúc tụng những chiến thắng không sách sử ghi nhận

(Lưu Diệu Vân)

Trong một bài thơ, có thể cùng dịch chuyển một lúc nhiều lớp địa chất ngôn ngữ, mang con người lại gần nhau trong kinh nghiệm chung, chia sẻ được, và vì vậy có thể hàn gắn họ vào nhau. Sự lặp lại của các chữ, sự hợp vần và tạo nhạc điệu, sự va đập lóe sáng của các hình ảnh, sự phát hiện các liên kết sự vật, là cội nguồn của quyền năng thơ ca. Ghi lại, mở ra, căm phẫn, soi thấu, và khoan dung. Đối với cá nhân, cũng như đối với dân tộc, hồi phục là một quá trình lâu dài.

Bây giờ trên quê hương chúng ta có những tờ báo ra buổi chiều bị tịch thu
có những chợ trời có những đồ phế thải
có những đống rác thật to

Đó là Nguyễn Đăng Thường, thơ viết năm 1970 về miền Nam trước đây. Cũng nhà thơ này, ở hải ngoại, viết về một Việt Nam cả nước bây giờ, hơn bốn mươi năm sau:

đêm đông trông cố hương

thấy các ngài lãnh tụ

tìm chỗ đặt tên đường

phố mới và phố cũ

đường sương gái buôn hương

đường mương nhường chuột cống

Nếu một người có thể sống sót được là dựa vào các kinh nghiệm cá nhân và dựa vào các khóa huấn luyện, tức là sự học vấn chính thức trong nhà trường, thì họ cũng dựa vào kinh nghiệm của người khác, thậm chí đôi khi là kỹ năng quan trọng nhất. Kinh nghiệm của người khác được truyền đạt qua thơ ca và nghệ thuật. Thơ trữ tình chính trị là một cách nói khác của cố gắng phối hợp giữa kinh nghiệm riêng tư và cảm xúc thời đại có tính sử thi, dù gọi bằng cách nào thơ chính trị vẫn trở nên cấp thiết trong những giai đoạn đen tối của dân tộc.

Con chim sơn ca bay đi rồi

Còn lại đau thương trong hồn tôi

(Tú Kếu Trần Đức Uyển)

Một trong những đặc điểm của thơ sau 1975 là được viết trong những hoàn cảnh đặc biệt, dưới những điều kiện đặc biệt: trong trại cấm Hồng Kông, trong những trại tị nạn dọc theo biên giới, trên thuyền vượt biên, ở đảo Guam, trong các trại tù ở biên giới phía Bắc, trong những ngày lẩn trốn.

Đất mất dần

Nước mất dần

Nhà mất dần

Đời mất dần

(Phan Ni Tấn)

Những năm sau 1975, thơ thời sự chính trị mới trở thành một khuynh hướng. Trước đó nó chỉ có rải rác trong một số bài thơ của một số tác giả. Thơ chính trị viết về điều gì? Rằng chúng ta đã sống. Đã bị quên lãng. Chúng ta đã hứa và không làm được. Rằng chúng ta sẽ chết mà không để lại một điều gì. Những câu chuyện về đất nước ở bước ngoặt bi thảm được kể lại trong thơ, một cách lâu bền hơn nhiều cách khác. Viên Linh, Thủy Mộ Quan:

Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc

Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương

Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt

Các nhà thơ có xu hướng trở lại với nhịp điệu cổ điển, các thể thơ cổ điển. Trước đó là dòng thơ nội tâm và siêu hình, sau đó là dòng thơ lịch sử và hiện thực. Nguồn gốc của ngôn ngữ là nhu cầu giao tiếp, và trong những giai đoạn sơ đẳng có thể tin rằng nhu cầu giao tiếp ấy xuất phát từ những nhu cầu sống còn, như bệnh hoạn và cái chết, như sự lạc bầy và nỗi cô đơn, như sự an ủi và nỗi tìm kiếm. Khả năng làm nhân chứng lịch sử không phải là một khả năng được khai phá mạnh mẽ trong thơ miền Nam giai đoạn hai mươi năm, và đó là nhược điểm quan trọng nhất của một nền thơ trong đất nước chiến tranh. Các nhà thơ miền Nam không ca ngợi cuộc chiến tranh của họ, đó là điều dễ hiểu. Nhưng trước sự đau khổ của những nạn nhân, cái chết thương tâm của nhiều người hàng ngày hàng giờ, nền thơ ca ấy đã viết được những gì?

Không nhiều lắm. Cũng như hải ngoại hiện nay. Cũng như trong nước hiện nay. Cũng như toàn bộ hoạt động văn học nghệ thuật của người Việt trong nửa thế kỷ qua dường như không xứng đáng với những thách thức của phẩm giá dân tộc. Có một khái niệm về sự tan rã, vỡ ra từng mảnh, mất cấu trúc khi nói về ngôn ngữ (fragmentation). Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều quãng đời bị bẻ gãy được sắp xếp lại.

chiều Arizona

hừng hực trời đổ lửa

nhưng mỗi cây cọ vẫn đứng ung dung

nhưng mỗi cụm xương rồng vẫn tươi tốt

đâu như ta vàng vọt nỗi nhớ người

(Nguyễn Thanh Châu)

Đó là một trong những khuynh hướng của thơ hiện đại. Hoài niệm tan vỡ. Không những là điều kiện địa lý mà còn là điều kiện ngôn ngữ. Sự kháng cự lại bạo lực đòi hỏi cố gắng đầu tiên của các nhà thơ là kháng cự lại những lừa dối trong văn học lâu dài, bền bỉ, mạnh mẽ, kháng cự lại nhu cầu uống dòng sữa đen tối nghiệt ngã, như trong một bài thơ của Paul Celan, mà nhân loại đã uống nhiều năm trước.

* * *

Cái lớn lao và cái tâm tình. Trong thơ phản kháng: cái trữ tình có thể dung chứa nhiều chất thời sự với những kinh nghiệm sống động cá nhân. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu sự thật còn lại trong một bài thơ như ánh sáng phản chiếu của hiện thực vào cái tôi của tác giả. Thật ra sự ghi chép bao giờ cũng là sự ghi chép của một người, mặc dù có thể đại diện cho một tập thể lớn hơn, như các nạn nhân. Bản thân đại diện đã là đại diện chủ quan. Thơ hải ngoại là ngôn ngữ của nạn nhân, kẻ không ngớt chạy trốn. Ngu Yên, năm 2008, khi về thăm quê hương:

Sài Gòn mất, Nha Trang mất, Đà Lạt mất

May quá vẫn còn anh yêu em

Phẩm chất của những người có khả năng sống sót qua các sự kiện như đói rét, tra tấn, lưu vong là khả năng rời bỏ các mất mát, không dừng lại quá lâu ở niềm đau và nỗi buồn. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng sau các tổn thương như tai nạn, động đất, lũ lụt, chết người, những nạn nhân sống sót nếu biết hướng vào chuyện giúp đỡ người khác, phục vụ các cộng đồng, tập trung vào các hoạt động tương thân tương ái, thì họ sẽ có nhiều khả năng hơn để trở lại cuộc sống bình thường hóa, và vươn tới ngày mới. Điều đó càng đúng cho một tập thể, một dân tộc. Mai Trung Tĩnh đi cải tạo tổng cộng 11 năm, đứng trong tù nghĩ về phẩm giá con người.

Cửa sổ nhìn ra chim lượn quẩn
Chờn vờn con trắng lẫn con đen

Kinh nghiệm lưu vong là một kinh nghiệm hoang mang, lo âu, nghi vấn. Nỗi sợ không thể biểu hiện các ý tưởng của mình có thể nhìn thấy rõ ở thế hệ định cư thứ nhất của di dân. Có một nhu cầu cân bằng giữa cảm giác bất an trước thử thách trong xã hội mới và cảm giác tri ân đối với sự giúp đỡ mà thế giới đã dành cho người tị nạn. Quá trình lưu vong gồm ba bước: sự rời bỏ đất nước, về mặt địa lý, văn hóa, chính trị – những ngày tháng ở các khu tập trung hoặc ở trại tị nạn, các trại chuyển tiếp – những ngày mới đặt chân đến quốc gia định cư. Có lẽ khác với truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, thơ hải ngoại chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc về giai đoạn này.

Tôi đã bước qua biển Thái Bình Dương

Còn để lại một dấu chân bên kia bờ

Ở đó

Nước biển không kịp mặn

Người ta neo thuyền bằng những sợi chỉ ngũ sắc

(Trần Nghi Hoàng)

Nhà thơ có hai công việc quan trọng như nhau, dù anh ta đã chấm dứt hay không giai đoạn hoài niệm, đó là bước vào giai đoạn hiện tại: hiện thực của ngày hôm nay trên chính mảnh đất mà nhà thơ đang sống, và hiện thực ở chính quê hương mình, vào ngày hôm nay, được kinh nghiệm bởi người khác. Để viết về đối tượng thứ hai này, nhà thơ hải ngoại gặp vài khó khăn, trước hết anh ta phải sống qua kinh nghiệm của tha nhân, điều này đòi hỏi khả năng hóa thân quyết liệt.

Chú ý là một phương tiện của tình yêu. Khi chú ý, chúng ta biến đối tượng được chú ý thành ra mối quan tâm hàng đầu, bông hoa đẹp nhất, trung tâm của đời sống. Con người có nhu cầu mang lại cho người khác những món quà tặng. Ý thức mang quà tặng đến cho người khác là một trong những khởi điểm của chú ý. Nhưng quà tặng không phải là những món quà đắt giá, mà chính là đời sống của chúng ta. Lịch sử chính trị là một lịch sử lừa dối, đã làm nhiễm độc văn chương của Hoa kỳ và thế giới viết về bi kịch Việt Nam, gây tác hại lâu dài. Bởi vì bi kịch là của chung chúng ta, của mọi người Việt không phân biệt Bắc Nam.

Phải rồi, chúng ta có chung một thành phố

Nơi định mệnh chân dài của mỗi của người đã ngủ

Những cây me Nguyên Sa canh cửa dịu dàng

Cột điện Thanh Tâm Tuyền dữ tợn

(Trần Dạ Từ)

Trong những cuộc biểu tình như sự kiện bức tường Bá Linh, Thiên An Môn, Mùa xuân Ả Rập, chúng ta đã nhìn thấy những người lạ ôm chầm lấy nhau như người thân quen cũ, chúng ta đã thấy hàng ngàn người sát cánh bên nhau, chúng ta đã thấy những người đàn ông khóc trên vai nhau. Ai đã từng thấy những cảnh như thế đều tin vào khả năng thay đổi của con người cho một thế giới tốt đẹp hơn. Thời buổi này thật khó khăn tìm ra được một bài thơ làm ta chấn động, buộc phải suy nghĩ lại, một câu thơ làm ta rung động, bồi hồi. Thật vui mừng nghe được giọng nói của nhà thơ vang lên giữa các hàng chữ, như một thứ ánh sáng. Cần chú ý rằng một trong những đặc tính quan trọng nhất của ký ức là tính chọn lọc. Đó là một quá trình cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cùng một sự kiện khách quan những người khác nhau có thể ghi nhớ những khía cạnh khác nhau, và sau một thời gian có thể kể những câu chuyện rất khác nhau về cùng một sự kiện ấy. Điều chắc chắn là những thứ chúng ta nhớ lại thường có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn ấy và hòa hợp với những nguyên tắc sống của tập thể mà một cá nhân thuộc vào. Trong chiến tranh, điều quan sát ấy càng rõ ràng, chẳng hạn những điều tốt đẹp của quân ta, những thứ xấu xa của quân địch dễ được ghi nhớ hơn là ngược lại. Vì vậy kiến tạo trí nhớ một cách có ý thức, hồi phục các sự thật như chúng đã xảy ra, gần như là công việc lương tâm của người sáng tạo.

* * *

Thiếu vắng và mất mát. Những rối loạn gây ra do sự thiếu vắng, như xa cha mẹ, sự mất mát, như cái chết, sự xa lìa như tình yêu, tạo ra những phản ứng khác nhau ở nạn nhân. Nhiều nghiên cứu về y học và tâm lý học cho thấy ở các đối tượng này, đặc biệt là trẻ em, sự kém phát triển về thể chất và tinh thần, đặc biệt mất khả năng về giao tiếp xã hội, không thể tạo ra những quan hệ có tính cách gắn bó với người khác. Sự trống rỗng, chân không của Nguyên Sa:

Buổi sáng thinh không chiều tới chậm

Tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm

Ngược lại với di chứng của sự thiếu vắng, là sự mất khả năng xa rời, độc lập. Những người quá gắn bó với quê hương, cộng đồng, đất nước, khi phải lìa xa rơi vào tình trạng rối loạn căn cước bản thể. Rối loạn căn cước là một hình thức ngược lại của rối loạn thiếu vắng.

Cho ta thấy được ta vừa thoát

Một cõi đời không nguôi nhớ thương

(Luân Hoán)

Tìm cách vượt thoát cho bằng được một cõi, một người, một cuộc, để rồi sẽ quay lại tiếc thương. Một ra đi, lìa bỏ sẽ chia nạn nhân thành hai cái tôi, một cái tôi của các niềm tin trước đó và một cái tôi không còn tin vào các niềm tin ấy nữa. Sự phân biệt ấy, về căn cước và ý thức, cá nhân và xã hội, làm phát sinh tình trạng lo âu ở nhiều nạn nhân.

Xưa kia, ta đã ở đây

miền đất của bao huyền thoại và truyền thuyết

xuyên qua lịch sử như mũi tên mãnh liệt.

Đâu đó dưới mặt trời rát bỏng

đứng lặng ngây hệt một gã khờ, kẻ bị bỏ rơi

kiếm tìm sự trở về hoàn hảo nơi đô thị đầy bụi bặm.

(bài thơ tiếng Anh của Trịnh Y Thư, trích trong Miền Lãng Quên, bản dịch ra tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân) (5)

Trí tưởng tượng thơ ca cũng như các loại sáng tạo nghệ thuật khác không thể là các công cụ hữu ích cho các bài toán cụ thể về xã hội chính trị. Tuy vậy, trong những trường hợp độc đáo, thơ chiếu sáng một vùng nhận thức. Câu thơ sau đây tiêu biểu cho một trong những sang chấn trầm trọng nhất của dân tộc trong hơn nửa thế kỷ:

Tiếng nói chung – nhưng trí óc họ riêng

Trong lồng ngực trái tim cũng khác

(Tú Kếu Trần Đức Uyển, theo tài liệu của tạp chí Khởi hành)

Tức là tạo ra một lớp người khác.

Vì vậy, chúng ta tin có thể tìm thấy trong nghệ thuật các dấu ấn của các xung đột, đôi khi chúng đáng tin cậy hơn so với các trang sử chính thống. Ý nghĩa của một bài thơ là sự tương tác giữa người và người, giữa người và sự vật. Khi chúng ta nhắc đến ý nghĩa một bài thơ là nhắc đến các mối quan hệ. Một bài thơ hoàn tất nhưng ý nghĩa của nó không bao giờ hoàn tất, cũng như một sự kiện đã kết thúc trong quá khứ nhưng di chứng của nó đối với nạn nhân là lâu dài, không có điểm dừng.

Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi, chào quá khứ ngủ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời
.

(Thanh Nam, dẫn theo Thụy Khuê)

Người lưu vong có những khó khăn trong hành xử với thời gian. Quá khứ không phải là của họ, họ phải ra sức chống lại một quá khứ bị áp đặt. Hiện tại phủ nhiều bóng tối của quá khứ và đầy thử thách. Chỉ có tương lai là thuộc về họ, nhưng đó là một tương lai không chọn lựa lúc sinh ra: xa người thân, ngoài đất nước, bên kia lịch sử. Văn học hải ngoại và thơ nói riêng cũng đã thực hiện phần nào văn bản tường trình chuyển tiếp từ một nền thơ tự do ở miền Nam, một nền thơ phản kháng ở miền Bắc, tới một nền thơ lưu vong biệt lập và, sau đó và cùng với nó, phản ánh sự vượt thoát, trưởng thành để dung chứa một cõi giao thoa. Chẳng hạn, năm 2009, từ trong nước, Nguyễn Bình Phương viết trên Hợp Lưu hải ngoại:

Đây đất đai già cỗi

Cái tổng số những gì ta có được

Còn bầu trời là vô vàn mất mát của ta

(4)

Mỗi đất nước, mỗi cộng đồng có một văn hóa riêng. Khởi đi từ năm 1945, người Việt Nam đã có hai dòng văn hóa như hai dòng sông chảy về những hướng khác nhau: dòng văn hóa của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, của những người cách mạng, tự khép mình vào hàng ngũ, và có lẽ mãi mãi quen sống như thế, và dòng văn hóa của những người tự do, rời rạc, thất vọng, thất tán, tự trọng, ngày càng co hẹp lại và lìa xa dòng chảy chính của lịch sử, trôi dạt lưu vong, mang theo lư hương bát nước huyền thoại.

Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc

cỏ cây rù quến

trời xanh cao vút giếng như ngọc

đất hiền thở hương nắng thênh thang

(Thanh Tâm Tuyền)

Sự ám ảnh về tù đầy và tự do tất sẽ dẫn đến nỗi ám ảnh về quê hương, trước những rào cản giữa người lưu vong và bản quán, sau những ngày đầu tiên trên đất khách hội nhập, với khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.

* * *

Hội nhập là một quá trình khó khăn đối với tất cả những người di dân và tị nạn, nhưng đặc biệt với người Việt Nam, vì nhiều lý do chính trị, xã hội, ngôn ngữ. Tất cả những người ra đi, nhất là giai đoạn đầu tiên của phong trào vượt biển, không hề chuẩn bị cho mình những điều kiện tối thiểu ở vùng đất mới. Tuy không còn chết chóc, tù đày, đói kém, những thành phố châu Âu và Bắc Mỹ nơi họ tới, bất chấp sự chào đón ban đầu thân thiện của chúng đến đâu, vẫn chứa đầy thách thức nghiêm trọng. Mối quan hệ căng thẳng giữa người mới đến và vùng đất mới còn tăng lên gấp đôi vì ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam, vì khác biệt về quan điểm đối với cuộc chiến tranh ấy, và tất nhiên, như bao giờ cũng vậy, những khác biệt về văn hóa và các giá trị gia đình. Người ta thường nói đến thế hệ thứ nhất, rời Việt Nam khi đã trưởng thành, thế hệ thứ hai rời Việt Nam khi còn tuổi thiếu niên, thế hệ thứ ba sinh ra ở nước ngoài. Khi thế hệ thứ ba tỏ rõ khả năng hội nhập mạnh mẽ của chúng, cũng là lúc thách thức lớn đối với mỗi gia đình và các cộng đồng: mối dây liên lạc giữa thế hệ thứ ba và quê hương cũ, cội nguồn xưa cần được duy trì như thế nào, sợi dây ấy cần được buộc chặt đên đâu, buông lỏng đến đâu.

sống lặng lẽ bóng hình

phòng bừa bãi kinh sách

thơ thiền với thơ tình

cùng con trăng biện bạch

Sống được như thế, trong thơ Bắc Phong, đời lưu vong chưa hẳn toàn là buồn bực, đau khổ. Quá trình hội nhập xảy ra khác nhau về nhiều phía, ở người Việt Nam, tùy thuộc bạn là người Nam hay người Bắc, cựu quân nhân hay học sinh, người thành thị hay người nông thôn, người Kinh hay người Thượng thiểu số; về phía quốc gia đệ tam, tùy thuộc bạn ở đâu, châu Âu hay Bắc Mỹ hay Úc, và nếu ở Bắc Mỹ, là Hoa Kỳ hay Canada. Điển hình của quá trình hội nhập ở Mỹ thường được gọi bằng chữ melting pot, tức là nồi nấu chảy, nơi những người mới đến vứt bỏ những giá trị cũ của họ, các truyền thống chính trị, lịch sử văn hóa và học hỏi mau lẹ các giá trị của một xã hội dân chủ, vì họ phát hiện ra chúng có lợi cho họ một cách thực tế.

Sự thương thảo giữa quá trình lưu vong và sự trở về, cầu thang mở sáng đèn như một ẩn dụ của tình yêu, bạn như một ẩn dụ của quê hương:

Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trong giấc ngủ đen.
(Mai Thảo)

Đối với một số người, đất đai là cố hương, bầu trời là lưu vong. Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực nối kết những tiếng nói khác nhau trong các vùng địa lý, sự dung hòa ấy khi được phép của thơ ca sẽ được đẩy đi xa hơn nữa, vượt qua ranh giới. Thơ có vần là cam chịu. Thơ tự do là nổi loạn. Thơ có vần là thương cảm và tâm tình. Thơ tự do là nhận thức và phản kháng.

Nhiều người quả quyết

Tôi lạm dụng thuốc phá thai

Có thời làm tiếp viên bia ôm

(Lưu Diệu Vân)

Là phản kháng. Và có thể là nữ quyền. Sự khó khăn của tình cảnh và những phân vân nghi ngại trong nội tâm thể hiện trong thủ pháp sử dụng tiếng nói khách quan, mà không kèm theo giải thích, gây cảm giác bất cần và thách thức, hoàn toàn không phải là cam chịu. Còn đây là thơ trữ tình phản kháng có tính chính trị:

Tiếng chim mùa chợt rộ lên như giữa rừng già
Berlin, chiều, sau mưa
một khung trời khác, nhiều vui buồn khác.

Chân trời nào cho bạn, cho em
cho tự do nhân phẩm con người
thôi sợ hãi, thôi lọc lừa, xảo trá
thôi cấm đoán, tù đày, bắt bớ
thôi xích xiềng, học thuyết anh minh?

Một chiều tự do – trong suốt – giữa cuộc đời.

Đỗ Quang nghĩa, Đi trong chiều tự do. Dõng dạc, thanh thản, tự tin. Mối quan hệ giữa thời gian trôi qua từ sự kiện chấn thương đến lúc được hồi tưởng và không gian của sự kiện, hoàn cảnh của sự kiện ảnh hưởng đến lời kể. Hình dáng, kích thước, màu sắc quyết định nhiều nhất tính chất không gian của câu chuyện. Ký ức về âm thanh đóng vai trò ít quan trọng hơn. Sự sờ mó, đụng chạm, sự mềm mại, sự cứng cáp gây cảm giác thân mật, va chạm, đời sống thực.

Một mảnh trời xanh phủ kẽm gai

Một vầng trăng khuyết lẩn phương đoài

(Vương Đức Lệ)

Mặt khác sự thật, trong khi không được chuẩn bị, có thể mang lại những tác động âm tính ở người tiếp nhận. Một sự thật kèm theo giải thích dễ được tiếp nhận hơn, nhưng giải thích nào cũng mang tính chủ quan của người trung gian. Khuynh hướng cổ điển thường tìm cách giải thích, thơ hậu hiện đại có khuynh hướng chống lại sự giải thích, thơ hiện đại chỉ giải thích bằng các chi tiết mô tả. Do những điều kiện khách quan của đời sống hải ngoại, do kế thừa những thành công và thất bại của nền thơ miền Nam, như tính sáng tạo ngẫu hứng và sự thiếu lý luận phê bình, các nhà thơ ở hải ngoại, tuy có nhiều thành tựu về sáng tác, đã không tận dụng được ở mức tối ưu chất liệu thơ ca qua những khúc quanh như di dân, vượt biển, tù đày, những năm tháng gian khổ đầu tiên ở xứ người.

Ký ức là một thước đo của thời gian, một phương tiện không hoàn hảo của con người dùng để chống lại quá khứ. Ký ức là một quá khứ đã được sàng lọc và được giữ lại một cách vô thức. Ký ức không biết đến sự phát triển và tiến hóa, nó chỉ dừng lại ở một thời điểm. Sau chấn thương, ký ức biến đổi, dưới tác động của các sự kiện liên hệ, trở thành những mảnh vỡ phản chiếu những khía cạnh khác nhau của sự thật.

Ta còn nhớ mặt ta chăng?

(Khoa Hữu)

Bằng sự tồn tại liên tục và vĩnh viễn, tình yêu không chỉ là đề tài của văn học mà còn là một biểu hiện của một thế giới khác chảy ngầm bên dưới, đó là sự chia sẻ về văn hóa, sự tương tác từ ý thức đến vô thức những ngọn nguồn văn hóa có khả năng làm nối kết người đọc, bởi vì khởi thủy của dân tộc là tình yêu, không phải hận thù, bởi vì khởi thủy của các bộ lạc là sự đoàn kết không phải chia rẽ, bởi vì bản chất của văn hóa là xây dựng, nền văn hóa của một dân tộc bắt đầu từ ý niệm chống chiến tranh. Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, người trí thức ở miền Nam trước đây và ở hải ngoại hiện nay, mặc dù chứng tỏ là một cộng đồng hết sức tài ba về nhiều mặt, đặc biệt là khoa học và kinh tế, lại tự thỏa mãn với sự yếu kém của mình trên hai lãnh vực, hiểu biết hoàn cảnh và tình cảm của người dân trong nước, và sự thiếu vắng các công trình văn học lâu dài, một tinh thần học tập về lý luận và phê bình văn học, trừ một vài ngoại lệ. Thơ miền Nam rực rỡ không kịp có một nền phê bình của nó, thơ hải ngoại cũng thế. Trong nước, các nhà nghiên cứu và các nhà thơ chỉ biết khen nhau, không dám phê bình, vì những lợi ích cụ thể. Ngoài nước, các nhà nghiên cứu và các nhà thơ chỉ biết khen nhau, không dám phê bình, vì họ thiếu can đảm. Cả một dân tộc:

Bao năm

Thui thủi

Mần củi

Cuốc đất

Quên mất

Trời xanh

(Nguyễn Đức Sơn, theo Võ Chân Cửu) (6)

Cái khác là sự nổi loạn chống lại tính ổn định, cấu trúc, tính thống nhất, như trong các lý thuyết về lưu vong, nghiên cứu căn cước và hoài nghi. Có thể quan sát thấy một cách đặc biệt ở cộng đồng người Việt Nam nhiều hiện tượng như mất trí nhớ, trầm cảm, cô lập, cực đoan, tự kỷ, và chủ nghĩa cơ hội. Hiện tượng này chưa được nghiên cứu một cách chu đáo về xã hội và tâm lý. Đinh Linh:

Trong một thế giới đa âm và đa sắc,

Nó chỉ nghe được 2 nốt

Và thấy được 2 màu.

Nhưng thơ tìm thấy vũ khí của nó: sự hài hước. Khuynh hướng của một nhà thơ không nhất thiết phải thể hiện trong từng bài thơ và đặc biệt không nhất thiết phải thể hiện ở đề tài mà anh ta chọn lựa hay sự phê phán có tính luân lý trong tác phẩm của mình. Chính sự dừng lại, sự không nói tới, sự buông thả các dấu ấn của tác giả lên một tác phẩm, dù là thơ hay văn xuôi, làm cho tác phẩm ấy thoạt nhìn có vẻ như phi chính trị. Nhưng ngược lại chính trong tình trạng buông thả ấy, một tác phẩm dựng lên cho nó một hệ quy chiếu luân lý riêng.

Trong muôn dòng trái đất tuôn đi

Dòng trong nhất là dòng nước mắt

(Nguyễn Chí Thiện)

Đọc qua bài thơ để tìm kiếm những sự kiện cụ thể là điều nguy hiểm, vì sự diễn dịch lịch sử gần như gồm những khả năng bất tận. Thật ra mỗi bài thơ là một sự kiện, bản thân nó là một va đập của lịch sử và ngôn ngữ, là một hình thức sang thương tâm lý, có thể dẫn tới im lặng. Sự im lặng sau chấn thương như nhà cháy, người thân chết, loạn lạc không phải là im lặng bình thường, câm lặng không phản ứng, tựa như cái chết, mà là một phản ứng.

* * *

Khoảng giữa. Trong một bài thơ thành công, có những lực liên kết bị lấy đi, những mắt xích bị cắt bỏ, với mục đích.

Những mắt xích ràng buộc ấy phản ảnh khoảng cách giữa quá khứ và nhận thức, giữa sự thật và lời chứng, giữa thế giới thực tiễn và hiện thực văn học, giữa người làm thơ và người đọc. Hoài niệm trữ tình là một cố gắng đi tìm lại khoảng giữa, nối kết lại, giúp sống lại một lần nữa, giành lại với thời gian các sở hữu của nó. Ký ức chấn thương không thừa nhận sự liên tục ấy của đời sống, cố gắng phản chiếu sự đổ vỡ, cắt rời, mở rộng chúng, làm cho sự vật trở nên kỳ dị, như trong hội họa lập thể, nhưng trong khi làm việc ấy, chúng lại tăng cường nhận thức của người đọc, và nhờ thế, chiếu sáng lương tri của họ. Lương tri của dân tộc là lẽ thường (bon sens). Trước những lặp đi lặp lại, thi pháp chấn thương thúc đẩy sự vượt qua. Điều này cũng cắt nghĩa thất bại ở nhiều bài thơ do mô tả mà không cố gắng dẫn lối, hóa ra sự mô tả chỉ là than vãn. Sự vượt qua được thực hiện thông qua các phương pháp: giải thích, tố cáo, hòa giải, phản kháng, nối kết với các xâu chuỗi khác. Khái niệm vượt qua có thể mở rộng hơn nữa, trở thành một quá trình chữa lành, hy vọng?

một bông sen nở trên đại dương

bé sinh ra

giữa muôn trùng sóng nước.

giữa khuya này, đêm ba mươi tháng giêng

hai trăm tám mươi mốt người trên thuyền lặng im

nghe sóng đêm cầu nguyện.

tám người thủy thủ

yên lặng cho thuyền hướng về phương Nam

Thơ Nhất Hạnh, khi tác giả làm công tác cứu người trên biển, về một em bé sinh ra trên thuyền. Quê hương không chỉ là đất liền mà còn là biển cả. Đó là một quê hương lạ lùng: nơi con người được sinh ra, nâng đỡ, cũng là nơi khởi sự cuộc chảy trốn xuyên thế hệ. Không chỉ hoài niệm, còn là kết tụ của hình ảnh về phản kháng và về tự do. Đó cũng là con đường đi tới của thơ hôm nay.

Tiếng bạc đời cha gieo đã lỡ
Chiều tà khôn gỡ nước cờ sai
Trắng tay nhìn lại còn con đó
Hy vọng đời cha mẹ kiếp này
Tăm tối cam phần cha đã chịu
Cánh hồng con hẳn sẽ xa bay

Thanh Nam. Chúng ta cần thời gian để tạo nên một nền văn học, một nền thơ. Nhưng đó không phải là thời gian vật lý mà là thời gian của các sự kiện, hoài niệm và suy nghĩ, tức là toàn bộ nội dung chất chứa trong nó. Maya Angelou đã viết: “Chúng ta có thể gặp nhiều thất bại, nhưng chúng ta không được phép để bị đánh bại. Nói thế thì mơ hồ, tôi biết, nhưng tôi tin rằng kim cương là kết quả của áp lực cực kỳ mãnh liệt và của thời gian. Ít thời gian hơn, bạn chỉ có các tinh thể. Ít hơn nữa, than đá. Ít hơn nữa, là các lá cây hóa thạch. Ít hơn thế nữa, chỉ toàn đất cát.” (7)

Đứng vững không khuỵu chân

Trên mảnh đất nghèo khổ

Thanh Tâm Tuyền. Gần đây tôi có lần bay qua vịnh Thái Lan. Khi ngồi bên cửa sổ nhìn xuống, đó là một buổi sớm tháng Giêng nắng rực rỡ, tôi nhớ lại một trong những ngày lênh đênh trên biển, trên chiếc thuyền nhỏ, chết máy, buồm là các áo sơ mi xé ra ghép lại, sau cơn bão, nắng cũng đẹp như thế. Trời trong khiến chúng tôi có thể nhìn xa tận chân trời, thấy được đường cong của mặt nước vẽ lên tròn như quả bóng. Ngày hôm ấy có ít nhất ba chiếc phi cơ phản lực bay thấp qua đầu chúng tôi và bay vòng lại, hoặc là ngày ấy chúng tôi tưởng rằng chúng bay thấp và bay vòng lại, mặc dù đó chỉ là ảo giác, và cầu Trời khấn Phật xin Chúa sao cho chúng thấy được những sinh vật nhỏ bé là những người kia nằm ngồi la liệt rũ rượi trên sàn thuyền.

Ẩn dụ không phải là một quá trình diễn ngôn, mà là kết quả của sáng tạo bí ẩn. Tính cách làm chứng của thơ ca không nằm trong các tường trình có tính báo chí, sự khác biệt của nó là do tư cách làm chứng ấy phải được thông qua ngôn ngữ riêng. Việc dung hợp giữa thơ trữ tình và thơ chính trị không phải là một kết hợp dễ dàng, có lúc cần dựa vào sự thăng hoa, như trong thiếu vắng, xa lìa, mất mát có tính sang chấn. Du Tử Lê:

Năm mươi tuổi: chúng tôi không tuổi trẻ

Thiếu quê hương: phế bỏ võ công mình

Bây giờ khi ngồi bên cửa sổ máy bay, nhìn xuống, tôi biết rằng những người trên cao không thể nhìn thấy rõ như thế, trừ những người có nhiệm vụ cứu hộ đặc biệt. Dưới mắt tôi một chiếc thuyền ở chân trời hiện ra, một chấm nhỏ xíu. Quay ngược kim đồng hồ, tôi thấy ngồi trên mạn thuyền một chàng trẻ tuổi, ba mươi năm trước. Thời gian trôi chớp mắt. Khi lên cao nhìn bao quát bầu trời chúng ta biết con người thật nhỏ bé, mong manh. Nhưng trong số phận nhỏ bé ấy họ đã phải làm những công việc đôi khi lớn lao quá sức mình, giữ cho được sợi dây ràng buộc con người vào mặt đất, vào quê hương, vào mặt biển, ràng buộc vào nhau. Nhờ hành vi ấy mà người ta lớn lên, tồn tại mãi, mỗi cá nhân trưởng thành, một cộng đồng cũng trưởng thành, bền vững, sống lâu hơn thời gian cho phép.

Thơ đi qua khoảng giữa cái lớn lao và cái nhỏ bé ấy.

Máy bay chúng tôi càng lên cao, cái chấm đen dưới kia ngoài cửa sổ càng nhỏ lại, như hạt cát, được một lúc rồi biến mất.

Và, tất nhiên, trên cái chấm nhỏ li ti ấy tôi đã yêu một người đàn bà.

Nguyễn Đức Tùng

Chú thích chương 4:

(*) Richard Hoffman, Half the House, Sven Birkerts, The Art of Time in Memoir, Graywolf Press, 2008, p. 163.

(1) Hermeneutics, Stanley Porter & Jason Robinson, NXB Eerdmans, 2011, p. 88

(2) “Ngài đang cầm trong tay hòn ngọc quý Phi châu, Tổng thống Samora Machel của Mozambique và Tổng thống Julius Nyere của Tanzania nói với Robert Maguabe, nào ngày lễ Độc lập, năm 1980. “Giờ đây, ngài phải biết cách gìn giữ nó.”

Hai mươi ba năm sau, hòn ngọc ấy rơi vỡ, bị làm nhục, lấm bụi.

( “You have the jewel of Africa in your hands,” said President Samora Machel of Mozambique and President Julius Nyere of Tanzania, to Robert Mugabe, at the moment of Independence, in 1980. “Now look after it.”

Twenty three years later and the “jewel” is ruined, dishonoured, disgraced.)

Doris Lessing, Time Bites.

(3) Cơ chế tâm thần (mental mechanisms) là một thuật ngữ phân tâm học thông dụng để chỉ chức năng của cái tôi, ego, hoạt động một cách vô thức, không cần đến sự chú ý, bao gồm giác quan, ký ức, suy nghĩ lý tính, học tập và các cơ chế tự vệ. Cơ chế tự vệ là một quá trình vô thức được sử dụng để loại trừ hoặc giảm thiểu sự lo âu và các xung đột nội tâm.

(4) Hợp Lưu số 103, 2009

(5) Nguyên tác tiếng Anh bài thơ của Trịnh Y Thư:

The Landscape of Forgetting

Once upon the time, I was here

the land of many legends and myths

piercing through history like a raging arrow.

Somewhere under the scorching sun

standing still like a fool, the perfect outcast

looking for a perfect return in the dust-riddled city.

Treacherous and excruciatingly hard life seems

whirling in a frenzied circle just like anywhere else on earth,

but so astoundingly I remain untouched — for reasons

I cannot fathom — as if my existence were trapped

in a boundless dimension.

In vain I try to recall your name

not even a slight trace of memory

re-appearing from that long forgotten past.

Into the gigantic void my thoughts dwindling

this is the landscape of forgetting

just in time someone kindly reminds me the truth,

like a daydream idling.

Sir, history has no place for you here.

(6) Võ Chân Cửu, Theo Dấu Nhà Thơ, NXB Văn học, 2015, p. 246.

(7) Sarah Lewis, The Rise, Simon and Schuster, 2014.

Các tài liệu tham khảo:

Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.

Gaston Bachelard, The Poetics of Space, Beacon, 1969

Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985

Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993

Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993

J.D. Mc Clatchy, The Vintage Book of Contemporary World Poetry, Vintage, 1996

Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998

Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000

26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002

Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005

Jennifer Ashton, From Modernism to Postmodernism, Cambridge Press, 2005

Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,

Agnieska Gutthy, Exile and the Narrative/ Poetic Imagination, Cambridge Scholars, 2010

Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014

Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, Người Việt Books, 2014

Comments are closed.