Có một quá khứ còn chưa xa

(Lời tựa cho bốn cuốn sách của Nguyễn Thị Thụy Vũ)

Ngô Thị Kim Cúc

Sáng 20 tháng 12, tại Văn phòng Nhà Xuất bản Hội Nhà văn khu vực phía Nam (NXB Hội Nhà văn liên kết với Phuong Nam Book), nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã ký tặng sách cho một số thân hữu.
Chị vừa được tái bản bốn trong mười đầu sách từng được in trước 1975: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Lao vào lửa.

Đọc lại Nguyễn Thị Thụy Vũ, ta tự hỏi vì sao những tác phẩm này không được tái bản sớm hơn. Bởi vì chỉ xuyên qua những gì rất riêng tư của cuộc đời từng nhân vật – những người dân Việt Nam bình thường nhất – người đọc có thể nhìn ra cả một biến động lớn lao đã ảnh hưởng và xáo trộn xã hội Việt Nam ở mức độ nào…

Ta sẽ hiểu thêm, yêu thêm vùng đất Nam kỳ lục tỉnh, tích chứa vô vàn năng lượng ngầm trong mỗi phần số, có thể làm rã tan ngay cả những truyền thống văn hóa đã thống trị cuộc sống người Việt qua rất nhiều thế hệ…

Ngô Thị Kim Cúc

 

 Image may contain: text No automatic alt text available. No automatic alt text available.

Bốn tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ được tái bản đợt này gồm một tập truyện ngắn: Lao vào lửa, và ba tiểu thuyết: Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang; là gần một nửa trong tổng số ba tập truyện ngắn và bảy tiểu thuyết đã in trước năm 1975 của bà.

Bằng cách viết không quá dụng công về kỹ thuật, với một văn phong giản dị, sử dụng không hạn chế ngôn từ dân gian đậm đặc chất Nam kỳ, là “phong cách” rất riêng của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Đọc truyện bà, người ta có cảm giác được nghe một người từng trải, thâm trầm đang tẩn mẩn tỉ mỉ kể lại những câu chuyện đời, trong đó có những điều hết sức riêng tư thầm kín của nhiều dạng người khác nhau, không hề xen lời bình phẩm, chỉ để từng chi tiết tự bộc lộ cái nhếch mép kín đáo hoặc cái chớp mắt cúi mặt để lướt qua những cơn buồn.

Trừ Lao vào lửa, không gian của cả ba tiểu thuyết là một tỉnh rất xanh của miền tây Nam kỳ: Vĩnh Long. Đó là chốn biểu trưng hồn cốt của một vùng sông nước đất ruộng cò bay thẳng cánh, làm nền cho những sinh hoạt gia đình quyền quý, cầu kỳ, nơi thành phần quan chức học hành đỗ đạt thiết lập một gia phong nghiêm khắc, khép chặt những người phụ nữ lệ thuộc vào họ bằng những tập tục ngặt nghèo. Nhân vật nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ hầu hết là phụ nữ, và thường có một đời sống tinh thần không đơn giản. Trong khi bên ngoài làm như vẫn tuân thủ những ràng buộc đã thành nền thành nếp trong cả gia đình lẫn xã hội, thì bên trong họ vẫn sục sôi một nhu cầu chống đối, nổi loạn, bộc lộ thành hành động và mức độ khác nhau tùy điều kiện và sự gan góc của từng người.

Trong cả ba tiểu thuyết, ta có thể nhận ra chân dung người phụ nữ Việt Nam của một thời quá khứ chưa xa. Nếu ở tầm xã hội, Việt Nam đang phải đối phó với những xung đột từ cuộc chiến với nước Pháp, thì ở tầm gia đình, phụ nữ cũng gánh chịu nhiều mâu thuẫn nội tâm, từ cả bên ngoài và bên trong cánh cửa. Lễ giáo phong kiến và những tập quán xưa cũ vẫn đang cố gò người đàn bà vào cái khung tam tòng từ đức, công dung ngôn hạnh. Không dễ gì chống lại một sức mạnh văn hóa đã thống trị xã hội hàng nhiều trăm năm.

Trong Khung rêu, là gia đình một ông Phủ về hưu sau khi “một ngàn rưỡi mẫu đất ruộng ở miệt Trà Bang, Hóc Hỏa không còn thâu được thóc lúa, hoa lợi nữa. Đất bị Việt Minh sung công cấp phát cho tá điền. Vườn bị người Pháp phát quang để tránh những trận phục kích của đối phương… Giờ ông Phủ chỉ còn trông cậy vào số lúa ruộng ở miệt An Hương… và đồng lương hưu trí”. Dù sao, ông Phủ vẫn đang hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ nhờ sự tần tảo vén khéo của bà Phủ – vợ sau, người đang cố chèo chống con thuyền gia đình, cố níu giữ bề ngoài sung túc thuở xưa. Bốn đứa con trai của ông bà, hai cô cháu gái và những người giúp việc, cùng với họ, họp thành một xã hội thu nhỏ.

Đó là nơi rèm che sáo phủ, với “Những chiếc lư đồng nặng trĩu kềnh càng, chạm trổ tinh vi. Những chiếc độc bình da rạn cao quá gối… Dãy bàn thờ cẩn những bức tranh bằng xà cừ lấp lánh, màu sắc huyền hoặc. Từng cây cột, kèo đến đầu hồi đều chạm trổ hình hoa quả cầm thú”. Nếu dùng cặp mắt truyền thống để đánh giá, ông Phủ không phải là người có hậu vận viên mãn. Canh – con trai trưởng, là một thứ phá gia chi tử, chỉ nhăm nhăm đòi chia tài sản để vung vãi vào các cuộc ăn chơi trác táng. Tường, là loại đầu óc cạn cợt ỷ lại, chẳng chịu trưởng thành, bỏ nhà đi xây tổ uyên ương với cô gái bị mình làm mang bầu, chỉ mới được tháng trời đã vội quay về vì sợ không tự mình kiếm sống nổi. Còn cậu út Chiêu lại bất hạnh sinh ra trong một hình hài bất toàn: ái nam ái nữ. Chỉ có Thụ là người duy nhất gia đình có thể trông chờ, hy vọng. Vậy mà anh lại “bị thu hút vào cơn trốt khuấy phá chính quyền và cổ võ thanh niên bỏ học đi khu”, muốn “góp công vào đại sự”, “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/ Xếp bút nghiêng coi thường công danh”. Việc ông Phủ – bậc trưởng thượng sáng chói và mẫu mực, trong phút giây ma đưa lối quỷ dẫn đường, làm cô đầy tớ được cha đem gán nợ cho mình mang bầu, chỉ là biến cố nhỏ so với cơn bão tố khốc liệt đang làm xáo trộn tận gốc rễ toàn xã hội.

Hai nhân vật nữ đầy bi kịch trong Khung rêu, là bà Phủ và Tịnh – cháu kêu ông Phủ bằng cậu. Nếu bà Phủ là người thế hệ trước chỉ lấy gia đình làm mục đích sống duy nhất cho đời mình thì Tịnh là cái đẹp chưa đủ lớn mạnh đang vật vã tìm cách trụ lại trong phong ba. Bà Phủ buồn chồng cạo đầu tu tại gia nhưng đến lúc cần bảo vệ thể diện gia đình, bà lại hành động đúng theo yêu cầu: “Bà trút hết số tư trang, lén nhờ người thân tín đem đi bán, và nhập với món tiền mà bà cắc ca cắc củm từ bấy lâu nay để lo tống táng rình rang cho chồng”. Còn Tịnh, không còn nơi nào để bám víu sau khi Hoàng – người yêu của nàng bỏ lên chiến khu không lời từ biệt, đã thất tình, loạn trí, phải vào nhà thương điên và chết trẻ chỉ mấy năm sau. Cái đẹp đã thất bại, đã không tìm ra cơ hội để có thể tồn tại và sống sót trong cuộc loạn ly tàn bạo của lịch sử.

Cuối cùng, chỉ còn Thụ trở về, buồn bã, đơn độc trong ngôi nhà từ đường. “Ngôi nhà đó bây giờ xiêu vẹo – mái ngói quằn xuống bờ tường, hàng kèo cột bị mối mọt ăn rệu và loang lở những dấu vết chiến tranh… Chàng không dám ở trong ngôi nhà lớn vì nó có thể sập xuống bất thần không biết ngày nào, giờ nào…”. “Thụ không còn nhìn cuộc đời háo hức nữa. Tất cả đều vô ích. Con người bất quá cũng như một con bọ chét sống trong bộ lông của một con vật khổng lồ”.

***

Trong Nhang tàn thắp khuya, cũng một không gian ngăn nắp, rực rỡ, xa hoa nhưng nhân vật là lớp người sau, đã phần nào chịu ảnh hưởng của sinh hoạt, văn hóa Pháp. Những cô gái trẻ sống chung dưới một trang viên lộng lẫy, được gia đình giáo dục và cho tới trường, vừa đủ để sẵn sàng bước lên xe hoa với một người thuộc loại môn-đăng-hộ-đối, bắt đầu cuộc đời làm vợ làm mẹ theo đúng những bài bản đã thuộc nằm lòng giống như thế hệ cha mẹ họ.

Thục Nghi là một hình mẫu hoàn hảo của “công thức” ấy. Là con gái một ông giáo, về làm vợ người đàn ông sành đời lớn hơn mình chục tuổi từng du học ở phương tây, nàng đã thực hiện thành công tất cả những bài học về bổn phận đàn bà. Với vai trò dâu trưởng trong gia đình một ông đốc phủ sứ tiếng tăm, Thục Nghi đã thức khuya dậy sớm ngay từ ngày đầu tiên về nhà chồng, khôn khéo làm đẹp lòng từ bà mẹ kế của chồng đến các cô em chồng đầy soi mói cho tới kẻ ăn người ở trong nhà. Từ đồ ăn thức uống cầu kỳ sang trọng mỗi ngày tới những lo toan tay hòm chìa khóa cho sinh hoạt cả đại gia đình, không việc nào mà nàng không chu tất ở mức đáng khen nhất.

Khôn ngoan nhất có lẽ là việc Thục Nghi đã mai mối cho các cô em chồng khó tính lớn tuổi hơn mình kiếm được tấm chồng theo đúng “tiêu chuẩn” của các cô, biến họ thành người ủng hộ mình, ngược hẳn thái độ ghen ghét đố kỵ lúc ban đầu.

Trong giao tiếp, vợ chồng Thục Nghi chỉ bè bạn với những người mà tên riêng luôn đi kèm với một chức danh: bá hộ, hội đồng, cai tổng, cò mi, giáo sư, đốc tờ… Quanh nàng chỉ toàn tầng lớp danh giá trong tỉnh, đang tận hưởng cuộc sống bằng việc phô phang sự giàu có thành đạt dù trong cách ăn mặc điểm trang hay trong từng lời ăn tiếng nói.

Có vẻ như chẳng còn gì để Thục Nghi không hài lòng với cuộc sống mới trong “ngôi nhà ngói năm căn giữa một khu vườn rộng hai mẫu” mang tên Kim Mã Trang. Vậy mà bỗng dưng mọi thứ thay đổi. Đó là khi xuất hiện chàng thanh niên bạn của Đức – chồng nàng. Anh chàng Duy mong manh đầy mơ mộng cùng lứa tuổi với nàng, luôn sử dụng tiếng đàn tiếng hát để bộc lộ một tâm hồn nồng cháy, là “đối cực” của người đàn ông khỏe mạnh sung sức nhưng đã trở nên lơ là trong cuộc sống lứa đôi là chồng nàng. Đức không hề hay biết sự tự tin thái quá của anh đang khiến người vợ mới hai mươi tuổi cảm thấy nhàm chán buồn tẻ, bởi sự nối kết giữa họ cứ lặp đi lặp lại toàn những tính toán để kiếm tiền chẳng có chút nào thi vị. Thục Nghi cố trốn tránh những cuộc gặp riêng vừa e dè vừa liều lĩnh của Duy. Thế nhưng chỉ qua những lời lẽ ngập ngừng mà cháy bỏng của Duy, và bằng sự thấu cảm trong sâu thẳm lòng mình, nàng biết đó đúng là những gì mình khao khát. Chúng đã gây nên cơn hồng thủy ngấm ngầm đe dọa cuốn trôi hết những thứ nàng đã tưởng là không gì có thể phá vỡ được.

Cho dù chưa có hành động nào vượt ra ngoài lễ giáo, mới chỉ là những phút xao lòng của một cuộc ngoại tình tư tưởng, thì cuộc sống vợ chồng của Thục Nghi đang bị gặm nhấm dần sự yên ổn bên trong. Nàng đã có tất cả mọi thứ, trừ điều mà nàng chồng nàng không thể mang lại, như cách Duy đã làm. Có lẽ đó là một loại “bi kịch nhà giàu”: không phải cứ sống trong sự no đủ thỏa mãn về vật chất thì người ta có thể đạt tới một hạnh phúc đúng như mong đợi.

“Gió lao xao trên ngọn cây phượng, cây vông… Bầy dơi và bầy chim én bay sập sợn trên mái ngói. Trong không khí u trầm bỗng vang mơ hồ tiếng tắc kè. Đây là thế giới của nàng, cuộc đời của nàng… Bên ngoài, không ai biết có sự gì thay đổi cả. Nhưng bên trong nàng, nghị lực, ý chí và giấc mộng đẹp đã sụp đổ tan hoang. Chính ở tình trạng này, Thục Nghi mới biết rõ con người thật của nàng hơn và nàng biết rõ nỗi tuyệt vọng thật đẹp, thật tươi thắm của ái tình mà nàng không thể ngờ được”.

***

Trẻ hơn so với nhân vật trong Khung rêuNhang tàn thắp khuya là những cô cậu học trò lớp đệ tứ A trong Thú hoang. Nếu phần đầu của tiểu thuyết này chỉ gồm những niềm vui nhỏ trong cuộc sống đời thường ở một vùng quê trong lành và các trò rắn mắt liếng khỉ của tuổi học trò vô tâm thì về sau, cùng với sự trưởng thành, trái tim của họ cũng bắt đầu phải hứng chịu những vết thương.

Không còn những cuộc ngoạn du, những đêm văn nghệ, nhưng giờ học nữ công gia chánh dưỡng nhi đáng nhớ, hay chuyện trêu ghẹo phá bĩnh các cặp tình nhân thầy cô trong trường. Bọn trẻ đã cười vui thỏa thích khi khiến cho những cặp tình nhân thầy cô giáo phải thót tim lo sợ, thế nhưng khi chính mình bắt đầu có những rung động đầu tiên trong đời, đám học trò tai quái ấy cũng buộc phải nhận ngay trái đắng.

Những Liễu, Đức, Kim, Oanh, Quan, Tín, Nam, Huấn, Lập… xuất thân từ những gia cảnh bình thường, lớn lên trong một xã hội đang bị chiến tranh dằn xé, họ không thể giả vờ không biết đến thực tế cuộc sống để cố ôm giữ mãi những trò vui con trẻ.

Đức, Kim, Liễu, ba cô gái, ba tiểu sử, ba chọn lựa đã đưa họ tới những bước ngoặt khác nhau.

Đức nổi tiếng đành hanh và đanh đá đã để cậu bạn tên Lập- cây văn nghệ số một của trường làm mang bầu rồi phủi bỏ trách nhiệm. Cô đã giấu mẹ tự tìm cách phá thai, gặp nguy hiểm suýt mất cả mạng sống, nếu không nhờ bà hàng xóm tốt bụng nhưng nhạy mồm kịp chạy tìm bà đỡ.

Còn Kim – cô gái ít nói, âm thầm, đầy mơ mộng, bị con trai chủ nhà trọ cưỡng hiếp tưởng đã đánh mất cả cuộc đời nếu Huấn – bạn trai cô không có đủ bản lĩnh và yêu thương để giúp cô gượng dậy. Vậy mà sau khi Huấn bỏ lớp trốn lên chiến khu, công an đã vào tận trường bắt đi nhiều học sinh, trong đó có Kim. Cô bị đánh trụy thai, mất đi đứa con mà cô đã tính sẽ một mình nuôi lớn, bất chấp miệng đời thế gian. Cả bảy chị em nhà cô đều “đều có một đời sống tình ái giống nhau… Người tình của họ phần đông đi bộ đội trong cuộc kháng chiến năm 1945, tử trận hoặc đi tập kết. Chị em họ sống với mối tình vô vọng và thờ phụng trong tâm hồn những hình ảnh người khuất mặt hay đi xa”.

Còn Liễu, cuộc tình tự mới nhen nhóm với Nam trong vườn trái cây đã lấy mất của nàng những vô tư hồn nhiên, khiến nàng cứ loay hoay nghĩ ngợi về tương lai vô định của mình, sau khi Nam cũng bỏ học lên chiến khu. “Tôi sợ đầu óc mình trống vắng dễ nghĩ bâng quơ rồi đau xót, thương hại mình trước một viễn ảnh trống trơn, một hiện tại nhiều bất mãn và một tương lai trắng xóa vô vọng trước mắt… Sự đùa cợt ầm ỹ đối với chúng tôi chỉ là một thái độ giả tạo khỏa lấp cái nham nhở, trống trải của cuộc đời”.

Sau khi trở thành một cô giáo dạy giờ và tình cờ bắt gặp ông hiệu trưởng già đang ôm ấp một cô giáo trẻ, cô đã tự viết đơn nghỉ việc. Cô đã hưởng ứng lời rủ rê của Đức, từ bỏ Vĩnh Long tỉnh lẻ, chọn Sài Gòn đô hội làm nơi đến. Sài Gòn đang chờ cô với biết bao câu hỏi chưa thể trả lời…

“Mình sắp bị đưa đẩy, sắp bị thử thách … Tôi phải lau nước mắt, nhìn về con đường trước mặt … Một thành phố xa lạ sắp chào đón tôi…”.

***

Có vẻ như dù không chủ định, Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn là một “người ghi chép” trung thành về cuộc sống mà bà đã tham dự với tư cách người cầm bút. Dù không chủ định, trong những tác phẩm mà bà chỉ nói chuyện nhân thế vẫn đồng thời hiện ra rất nhiều thực tế có tính thời cuộc. Đúng là trong từng mảnh đời của mỗi người Việt Nam bình thường nhất cũng đều phản chiếu lại một phần nào đó của lịch sử và chiến tranh.

Trong tập truyện ngắn Lao vào lửa, chỉ bằng câu chuyện của những cô gái bán bar, lấy Mỹ, cũng hiện ra một góc nhỏ của đô thành Sài Gòn trước 1975, khi đông đảo lính Mỹ đang có mặt. Xuyên qua cuôc đời nổi trôi vô định của những người đàn bà buôn hương bán phấn, là nỗi cám cảnh của người đứng bên ngoài nhìn vào thế giới những kẻ đã “liều nhắm mắt đưa chân”. Dù đã chán chê ở tuổi ngấp nghé bốn mươi hay là cô nữ sinh chỉ mới bỏ học tập tọng vào nghề, trong họ vẫn ngập tràn nỗi liều lĩnh và sự chấp nhận chai đá, khi đã “lao vào lửa” vì những nguyên do khác nhau từ những hoàn cảnh khác nhau.

Tác giả không phẩm bình rằng họ đáng thương hay đáng trách, bà chỉ lẳng lặng vẽ lại chân dung từng người, hợp lại thành chân dung của cả “nhóm người” mà thời kỳ nào cũng phải hứng chịu những phê phán nặng nề của búa rìu dư luận…

Nhưng cuối cùng, điều đọng lại rõ nhất trong độc giả sau khi đọc Nguyễn Thị Thụy Vũ: có một quá khứ đang từ từ thức dậy theo ngòi bút của bà. Những ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói thân thương, “rặt” chất Nam kỳ nhất, đã từ lâu không còn xuất hiện trên văn bản, trên sách báo bỗng gọi nhau trở về. Chúng làm tươi lại, làm đa dạng và giàu có vốn từ tiếng Việt đang rụng rơi, mai một dần vì đủ thứ lý do.

Những du khách thế hệ sau khi có dịp vào thăm những “nhà cổ” đẹp đẽ ở các tỉnh miền tây Nam kỳ sẽ có thể hình dung trong những ngôi nhà ấy từng sống những con người thế nào, với những sinh hoạt ra sao… Những con người ấy đã ăn mặc, nói năng, giao tiếp, yêu đương, đau khổ, sống chết… kiểu nào.

Đó là một phần của lịch sử vùng đất phương Nam, một quá khứ làm nên giá trị văn hóa, là cái nền bền vững cho những đổi thay về sau, giúp chúng không làm xô lệch hay sụp đổ những giá trị trăm năm…

Comments are closed.