Hà Thủy Nguyên
Nhiều người đã quen đọc những bài thơ, nghe những bản nhạc về Hà Nội mà trong đó nhan nhản hai chữ “Hà Nội”, “Hà Thành”, “Thăng Long”… Nhưng khi đọc một bài thơ không hề nhắc một chữ nào đến Hà Nội mà cái khí vị của mảnh đất vừa thanh lịch lại vừa giản dị, vừa hào hoa lại vừa lãng du ấy vẫn thấm đẫm trong tâm hồn ta, thì đó chính là bài thơ “Gió đầu ô” của nhà thơ lang thang Chu Hoạch.
Gió đầu ô vào mùa chớm lạnh
Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn
Hè bạc nắng rõ đường viền ô gạch
Gió đầu hè che ngực tấm chăn đơn
Cả trời nữa cũng chuyển vần vân sắc
Tán bàng xanh đỏ rám tới đường gân
Cũng không thiếu những cành khô ngúc ngoắc
Chẳng buồn giấu mặt giữa không gian
Thu có vẻ như cời than bếp lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu
Ta muốn yêu như kiểu những con tàu khao khát mãi một màu viễn xứ
Ta muốn yêu như thuở hồng hoang dã thú
Tổ tiên loài người vốn sợ cô đơn
Ta lại buồn như sắp sửa vào say
Say cuồng dại rồi lăn quay xác thịt
Ta lại sợ cái già đập cửa
Đã đổi buồn vui lấy được bao nhiêu
Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ
Biết tìm mắt ai màu tri kỷ
Ai bảo trót sinh ra làm kiếp ôm chân thần Vệ Nữ
Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau
Ta đã đi rất lâu sao chưa hết một chiều sâu khuôn mặt
Một lần trở lại chợt nhận ra em
Em là một màu em có sắc tên riêng
Ta không muốn lôi em ra khỏi nơi em đứng
Đen anh đứng kề vào để nổi trắng em lên
Gió đầu ô vào mùa chớm lạnh
Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn
Mẹ ơi mẹ ở lại nhà
Con bất hiếu con ra đi từ sớm
Mẹ nhớ phần cơm con ủ ấm
Ngoài kia lạnh lắm gió đầu ô
Không giống những nhà thơ salon, ôm ấp giấc mộng lãng mạn theo một bóng hồng xa vời, Chu Hoạch là thi sĩ của đường phố – những góc phố Hà Thành. Ông thuộc thế hệ thơ cầm bút từ sau năm 1975 và cũng mới chỉ qua đời vào năm 2008. Tóm gọn lại số phận của Chu Hoạch, có thể mượn mấy câu thơ:
“Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Một đời Nam, Bắc, Tây, Đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly”
(Tản Đà)
Chu Hoạch không in nhiều thơ, người ta nhớ thơ ông qua các trận rượu của ông, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ “Gió đầu ô”. Mỉa mai thay! Bài thơ là nguyên nhân khiến ông bị quy kết là thành phần tiểu tư sản, phải cải tạo bằng cách cho đi móc cống. Nhưng cũng chính bài thơ ấy sau này, người ta chấm cho ông cái giải thưởng thơ danh giá của Hội Nhà văn. Nhưng với Chu Hoạch, ông chẳng thèm quan tâm tới mấy cái giải thưởng, bài thơ, ừ thì “mua vui cũng được một vài trống canh” đưa cay giúp bạn bè.
Lần đầu tiên tôi được biết đến bài thơ cũng trong tình cảnh như thế. Khi ấy, nhà thơ đã ngà ngà say sau một trận rượu từ “vươn thở” đến “tiếng thơ” cùng mấy tay “ẩm giả”. Trời hôm đó se se lạnh và ông bắt đầu nâng chén rượu đọc trong nước mắt.
“Ta lại buồn như sắp sửa vào say
Say cuồng dại rồi lăn quay xác thịt…
Ta lại sợ cái già đập cửa
Đã đổi buồn vui lấy được bao nhiêu!”
Bài thơ mang nặng trĩu nỗi đau thân phận của cả đời người, cái “say” cũng là cái “say” như muốn quên hết cả sự đời. Sinh ra trong thế sự đảo điên, trong cái cảnh “hoa sen xuống dưới, bèo trèo lên trên”, người ta chẳng có thể biết làm gì hơn ngoài việc say, say trong rượu, trong ma túy, say trong nỗi sầu nhân thế.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã đưa ra một khái niệm “gió đầu ô”. Trong từ điển Tiếng Việt, có lẽ sẽ chẳng thể tìm được giải nghĩa nào cho ba chữ này. Tôi xin mạn phép được cắt nghĩa theo cách hiểu của mình như sau. Thành cổ Hà Nội gồm có tất cả 5 cửa ô: ô Quan Chưởng, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Cửa Bắc, ô Cửa Nam. Cửa ô là nơi bắt đầu để ai đó có thể bước vào thành Hà Nội. “Gió đầu ô” là một cách gọi chung cho những cơn gió đầu mùa, cho dù là mùa đông hay mùa hạ. Miêu tả cơn gió ấy, tác giả dung hai tính từ rất giản dị: “mạnh” và“sạch”. Không phải những cơn gió “đìu hiu” hay “xao xác”, mà “mạnh” – một vẻ đẹp đầy nam tính. Lạ lùng hơn cả là tính từ “sạch”, thể hiện tất cả sự trong lành, tinh khiết của luồng không khí “chớm lạnh”. Và cơn gió đầu ô ấy đã đưa ta về một góc phố rất Hà Nội với “hè bạc nắng rõ đường viền ô gạch”, “những cành khô ngúc ngoắc – chẳng buồn giấu mặt giữa không gian, tán bàng xanh đỏ rám tới đường gân”… giữa một bầu trời “chuyển vần vân sắc”. Thật là một bức tranh u uẩn của một ngày đầy gió.
Tiếp sau đó là dồn dập những khao khát của một chàng thanh niên trí thức tiểu tư sản, ôm ấp trong bao nhiêu thang bậc:
“Ta muốn yêu như kiểu những con tàu khao khát mãi một màu viễn xứ
Ta muốn yêu như thuở hồng hoang dã thú
Tổ tiên loài người vốn sợ cô đơn”
Và nỗi cô đơn ấy cứ nhân lên khi con người gặp phải những va vấp trong cuộc đời – nỗi đau, sự thất bại trong tình yêu, khi tất cả thế giới quanh ta đều quay lưng lại với ta và ta rơi vào trong tuyệt vọng. Lúc ấy, ngay cả một tri kỷ có thể “chạm cốc cùng ta trong ý nghĩ” cũng không. Bài thơ quả là một khúc du ca của những kẻ “sinh ra làm kiếp ôm chân Thần Vệ Nữ – Hỡi ạnh chàng ra vẻ phớt buồn đau”
Tác giả không tả nhiều về cảnh sắc hay cái thú ăn chơi của người Hà Nội, nhưng rõ ràng cái tâm thế ngồi nhâm nhi tách café, giữa vài ba bức tranh phố Phái tương phản với phố phường tấp nập ngoài ô cửa, để thưởng thức tuyệt phẩm thơ để mà chiêm nghiệm về sự đời… lại khiến ta có cảm giác Hà Nội hơn bất cứ một bài thơ nào khác nói ra rả hai chữ “Hà Nội”. Đến cuối bài thơ, tác giả lại day lại hai câu:
“gió đầu ô vào mùa chớm lạnh
Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn”
Nhưng luồng gió đầu ô này không chỉ phác cho lòng người đôi nét buồn man mác của đất Hà thành mà nó còn xoáy sâu vào lòng người đọc.
“Mẹ ơi mẹ ở lại nhà
Con bất hiếu con ra đi từ sớm
Mẹ nhớ phần cơm con ủ ấm
Ngoài kia lạnh lắm gió đầu ô”
Một tâm trạng tưởng như chẳng ăn nhập gì với mạch thơ trên nhưng lại khiến bất cứ ai xa xứ đề phải rỏ lệ. Sau một đời người phiêu lãng, ta lại nhớ về “mẹ”, ta lại mong được quay trở về trong vòng tay yêu thương của “mẹ”. Đôi khi đọc bốn câu thơ kết ấy lên ta lại có cảm giác như lời tuyệt mệnh, lời của vong linh một khách giang hồ đang tự chiêu hồn mình.
Nhà thơ Chu Hoạch qua đời cũng trong những ngày gió đầu ô thổi, sau một trận say rượu đến “điên cuồng rồi lăn quay xác thịt”. Gia đình ông không đoàn tụ ở bên ông vào những ngày cuối nhưng bạn bè gần như đều có mặt gần đông đủ. Và cơn gió đầu ô đã đưa tiễn ông quay trở về nhà…
Tác giả gửi Văn Việt.