Cảm nhận khi đọc bài thơ Ký Ức của Ly Hoàng Ly

Lê Học Lãnh Vân

Quen với nhà thơ Hoàng Hưng, tôi chỉ biết cô con gái Ly Hoàng Ly anh thường nhắc là một họa sĩ thực hành nghệ thuật thị giác. Gần đây, khi thơ Ly Hoàng Ly được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chọn đăng báo Văn Nghệ, tôi mới lần đầu đọc những bài thơ của chị.

Ngay khi lẩm nhẩm đọc những câu đầu tiên, tôi đã sửng sốt với bài thơ Ký Ức. Khổ đầu tiên có ba câu:

Khi viết tới đâu đốt hết những gì vừa viết tới đó

là khi chạm tới tận cùng của sự buông bỏ

Tro tàn là sách

Câu đầu, chưa thấy gì.

Câu thứ hai, dù còn mơ hồ, bắt đầu cảm nhận một chiều sâu.

Câu thứ ba, ôi chao, câu thứ ba: Tro tàn là sách.

Tro tàn là sách. Nghe một làn gió tự nhiên thổi từ kiếp người, số phận và nỗi niềm Tiểu Thanh! Văn chương vô mệnh luỵ phần dư (Nguyễn Du). Tập thơ bị đốt đi nhưng tâm sự của người vẫn còn đó!

Và có liên quan gì tới ý kiến của hiền nhân phương Tây, văn hoá là những gì còn lại sau khi quên hết? Phải chăng Ly Hoàng Ly muốn nói Ký Ức là những gì còn lại sau khi từng kỷ niệm nhạt nhoà đi?

Cái gạch nối điển tích Đông Tây khiến bốn chữ Tro tàn là sách duyên dáng và sâu sắc bao nhiêu…

Từ đó, nhìn trở ngược lên câu trên là khi chạm tới tận cùng của sự buông bỏ. Có nghe chăng rung lên từ đáy kiến thức và trí tuệ rằng buông bỏgiữ lại? Và càng hiểu hơn câu đầu tiên Khi viết tới đâu đốt hết những gì vừa viết tới đó.

Vậy đó, từ câu thứ ba Tro tàn là sách, nhìn ngược lên hai câu đầu, tôi cảm nhận vẻ đẹp thanh thoát mê hồn như vẻ đẹp Chu Mạnh Trinh cảm nhận năm xưa khi đứng ngẩn người nhìn hang động Hương Sơn Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt…

Khổ thứ hai cho tôi cùng cảm nhận: Sọt rác là bảo tàng.

Khổ thứ ba khiến tôi lặng người:

Khi sống tới đâu chết tới đó,
chết tới đâu sống tới đó,
là khi chạm đến tận cùng của buông bỏ.
Tử sinh là hơi thở.

Người bạn thân tài hoa, anh Huỳnh Ngọc Chiến, viết khi biết mình mang bạo bệnh…

Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay
với anh, giữa Sinh và Tử chỉ là Một làn sương nhỏ cách chia

Làn sương đó trong thơ Ly Hoàng Ly là Tử sinh là hơi thở trong một khổ thơ dáng dấp hiện đại hơn

Khi sống tới đâu chết tới đó,
chết tới đâu sống tới đó

Nhưng, phải đợi tới khổ thứ tư, khổ cuối, mới thấy tác giả đẩy sự buông bỏ tới tận cùng, nơi không mùi, không vị… nơi vật chất rất quen thuộc nhưng con người ít cảm nhận sự hiện hữu của nó chung quanh…

Ký ức là không khí
Ký ức là không khí

Ký ức là không khí

Vâng, mọi việc trên đời đơn giản thế. Chiêng trống inh trời, vải vóc sặc sỡ rồi chìm đi, tất thảy trở về với nguồn cội nguyên sơ của thời gian và không gian.

Nơi đó Ký Ức ngủ giấc thanh bình…

Ngày 03 tháng 7 năm 2021

=====================

KÝ ỨC

Ly Hoàng Ly

Khi viết tới đâu đốt hết những gì vừa viết tới đó,
là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.
Tro tàn là sách.

Khi dựng xong tác phẩm nào quăng sọt rác tác phẩm đó,
là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.
Sọt rác là bảo tàng.

Khi sống tới đâu chết tới đó,
chết tới đâu sống tới đó,
là khi chạm đến tận cùng của buông bỏ.
Tử sinh là hơi thở.

Khi nhớ tới đâu quên tới đó,
là khi chạm đến tận cùng của sự buông bỏ.
Ký ức là không khí.
Chẳng nhớ cũng chẳng quên không khí.
Ký ức là không khí
Ký ức là không khí

Comments are closed.