Cảm quan hậu hiện đại về nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Ths. Trần Việt Hà

(Thái Bình)

 

Dẫn nhập

Văn học đầu thế kỉ XXI đã ghi nhận rất rõ rệt dấu ấn cảm quan hậu hiện đại ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là trong thể loại tiểu thuyết. Tùy theo mức độ và phong cách, các cây bút tiểu thuyết có tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Tạ Duy Anh… đã khai thác những yếu tố hậu hiện đại trong tác phẩm của mình như: kiểu nhận vật phức hợp đa bình diện; bút pháp giễu nhại, nghịch dị, huyền ảo; lối trần thuật đa trị; kĩ thuật lạ hóa, mảnh ghép; cấu trúc liên văn bản hay tính hỗn loạn và bất ổn của trật tự đời sống… Chính điều đó đã thay đổi cả về lượng và chất của tiểu thuyết Việt, của độc giả Việt, của đời sống phê bình lí luận văn học nước nhà trong quá trình vận động, phát triển và hội nhập với văn học thế giới.

Trong xây dựng nhân vật, một vấn đề tưởng chừng “xưa như trái đất” của tiểu thuyết, cảm quan hậu hiện đại càng có cơ hội được bộc lộ trong quá trình nhà văn nhìn nhận, cắt nghĩa, lí giải về con người. Với xu hướng cách tân mạnh mẽ, trong các tiểu thuyết như Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật (Tạ Duy Anh); Chinatown, Made in Vietnam, Paris 11.8, T. mất tích(Thuận); Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng); Trí nhớ suy tàn, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già, Ngồi (Nguyễn Bình Phương); Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của Người (Nguyễn Việt Hà); Hỗn độn (Nguyễn Khắc Phục)… các nhân vật có xu hướng trở thành những “cái bóng”, những kí hiệu hay biểu tượng hơn là những thực thể trọn vẹn vốn là hình chiếu của con người ngoài xã hội. Xuất hiện bên cạnh đó, nhiều nhân vật phi tính cách, phi tâm lý, được làm cho “mỏng dẹt”, khó hiểu, phi logic thông thường và được giải mã theo nhiều cách khác nhau.

 

Cảm quan hậu hiện đại về nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà

Cảm quan hậu hiện đại là thuật ngữ của chủ nghĩa hậu cấu trúc và chủ nghĩa hậu hiện đại; là hình thức cảm nhận thế giới đặc thù và là phương thức phản xạ suy tư lí thuyết tương ứng với nó, tiêu biểu cho tư duy khoa học của các nhà nghiên cứu văn học hiện thời thuộc định hướng hậu cấu trúc – hậu hiện đại.

Trong quá trình xây dựng nhân vật tiểu thuyết, cảm quan hậu hiện đại của Nguyễn Việt Hà thể hiện cách cảm nhận đặc thù về con người trong một thế giới hỗn loạn. Con người trong thế giới này ghi đậm dấu ấn của cơn “khủng hoảng niềm tin” vào tất cả những giá trị đã từng tồn tại trước đó. Đó là sự hoài nghi với các đại tự sự (grands récits) trong trật tự đời sống, hoài nghi tính áp đặt của cái chính thống, của các phát ngôn lớn; sự đảo lộn trong các thang bảng giá trị đời sống, sự mất niềm tin, lạc loài, bơ vơ, vong thân, vong bản hay tâm trạng hồ nghi tồn tại, và hơn thế là tình trạng bất an của con người….

1. Nhân vật tồn tại giữa các mảng xung đột gay gắt

Nhân vật trong xung đột giữa các giá trị vật chất và giá trị tình cảm, đạo đức

Đất nước bước vào thời kì đổi mới, con người thực dụng mê hám làm giàu và quay quắt kiếm tiền. Nhiều nhân vật trở thành nạn nhân của những tờ giấy bạc thấm đẫm thị phi trong những phi vụ mua quan bán tước, chạy án, chạy tội, chạy điểm chạy bằng, chạy cô-ta… Bị quăng quật trong cõi tiền, các nhân vật vỡ mộng đã ngộ ra hạnh phúc không chỉ có nụ cười và hoa tươi mà cả những giọt nước mắt muộn màng nữa. Đây chính là lúc xung đột giữa các giá trị vật chất và giá trị tình cảm đạo đức được đặt ra gay gắt và bức bối nhất.

Cơ hội của Chúa (1999) phản ánh đời sống giới trẻ trí thức Hà Nội thích nghi với làn sóng kinh tế thị trường… Mọi vấn đề của Hà Nội hiện hữu bằng bộ mặt rất thực, nhộn nhạo nhiễu nhương. Trong khi đó, mô thức kinh doanh chân chính được thay thế bằng những vụ áp phe gian dối, tất cả nhếu nháo trục lợi và bỗ bã ăn chia. Không có bất cứ sự cạnh tranh nào mang dấu hiệu lành mạnh thực sự, người ta chỉ quan tâm đến số lượng tiền chứ không hề màng đến chất lượng tiền. Cho nên doanh nhân hay con buôn bất chấp mọi thủ đoạn, không từ bất kì một cung cách làm ăn nào miễn là kiếm lợi nhanh, chộp giật hớt váng “thị trường còn trinh nguyên nhưng đã tự làm yếu mình bằng thói buôn bán thủ dâm” (tr. 121). Trong khi dân thi nhau buôn lậu thì giới quan chức cũng không bỏ qua những phi vụ làm ăn lớn. Để doanh nghiệp có thể tồn tại, thì phải chấp nhận luật chơi chung, nếu không sẽ bị đào thải “muốn công ty đứng vững chỉ có hai cách trốn thuế và buôn lậu”. Đó cũng là lí do tại sao, nhũng người như Tâm bước vào kinh doanh “rất khó giàu”. Vì thế Tâm đành phải chấp nhận từ bỏ tạm thời khát vọng kinh doanh chân chính, sa sút cả đạo đức lẫn nghiệp vụ để thích nghi với lối làm ăn lươn lẹo chụp giật, từng bước vươn lên. Cuộc sống trở nên hỗn loạn và con người để theo được cái guồng quay mới ấy buộc phải nhỏ nhen, toan tính và ích kỉ, hoải nghi tất cả. Tất cả trở nên hoảng loạn trước các nguy cơ tan vỡ.

Chưa bao giờ và ở đâu Nguyễn Việt Hà lại nói nhiều đến tiền và những nghiệt ngã cay đắng, xót xa nhục nhã của việc kiếm tiền trong tương quan nhân cách và tình cảm nhân vật đến như vậy. Nhân vật Nhã sau những mất mát trong tình cảm và làm ăn đã khẳng định chua chát: “Muốn không ai dẫm đạp lên mình thì mình phải có tiền… Tôi chưa thấy ai có nhiều tiền mà lại nhu nhược và nhân hậu… Tôi biết tiền không đem lại hạnh phúc nhưng nó là phương tiện tốt nhất để đi đến hạnh phúc. Nhã từng cay đắng thốt lên sau hai lần tình yêu bị phản bội. Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn lần này, tôi không muốn là nạn nhân của cái danh” (tr. 497). Thói hám danh hám lợi của những người đàn ông, mà cô có cảm tình và đã yêu, đã nhẫn tâm chà đạp lên tình yêu chân thành của cô, để lại những vết thương lòng tê tái, những kí ức nghẹn ngào và những bài học phản tỉnh nhói buốt.

Còn Khải huyền muộn (2003) tái tạo nên một hiện thực đời sống đan xen, lồng ghép lẫn lộn đầy phức tạp và bê tha của những người có tri thức, có nhan sắc, địa vị và tài năng trong xã hội. Cuốn tiểu thuyết đã cho thấy một sự thật: tiền bạc, lạc thú ăn chơi và sự ghen tuông, háo danh làm hỏng giới người mẫu, đục thủng cửa sau nhà quan chức, làm chao đảo chiếc ghế quyền lực và phá vỡ hạnh phúc gia đình, khủng hoảng đức tin nhanh chóng. Quan chức tìm mọi cách kiếm chác, bóp nặn không từ mọi thủ đoạn để moi rút ruột dự án, khoét rỗng công trình, chiếm đoạt của công một cách hợp thức hóa. Dù là vì tiền, vì tình hay vì danh, vì sở thích nông nổi, mọi chuyện vẫn đều động chạm đến quan niệm đạo đức và lối sống truyền thống. Chỉ là vài nét phác qua nhưng rõ ràng lột tả được hậu trường đen tối của các sàn diễn thời trang thời mở cửa và cuộc sống đầy phức tạp của giới người mẫu cặp với đại gia.

Tiểu thuyết Ba ngôi của người – 2014 cho thấy con người bị đồng tiền thao túng nhiều hơn, sòng phẳng nghiệt ngã hơn trong các cuộc trao đổi từ một chỗ đứng, quyền chức đến thân xác, phổ biến và ti tiện. Cách viết của Nguyễn Việt Hà đọc lên cứ gai gai mà cay mà tởm cái thế nhân này tráo trở hơn xa cái thời cụ Vũ Trọng Phụng. Xã hội đô thị bị tiền đè nên đẻ ra lắm kiểu người, kiểu tình vừa bạc bẽo, vừa dâm tục vừa bệnh hoạn điêu toa. Còn trong giảng đường đại học, chuyển “tình – điểm” trở thành chuyện trao đổi sòng phẳng, trắng phớ đê tiện. Những đổi chác đó không còn nhẹ nhàng như thời Cơ hội của Chúa. Nó trắng trợn, ép buộc, thủ đoạn đầy dâm tục đầy cay đắng và đáng khinh bỉ.

Cho nên cậu Quang Anh đã kết luận không sai về cái thời đại mình đang sống. Một cách nhìn thẳng, có phần hơi cực đoan nhưng xác thực khiến người ta chua chát chấp nhận: Bây giờ xung quanh cậu cháu mình rầm rập toàn bọn điên loạn, đã thế lại còn cố lảm nhảm là mình tỉnh. Nhưng cái thời buổi chó chết này, không những đã thiếu hẳn cái bọn động kinh tự sỉ vả mà chỉ còn cái bọn dở hơi dở hồn vì quá tự tin (tr. 343).

Giá trị vật chất đã thực sự quyết định và làm thay đổi các giá trị tinh thần khác. Cuộc chạy đua chóng mặt với quyền, lợi, danh, dục ở cái thành phố bị “ma đuổi” đã đã đẩy cuộc xung đột các giá trị đó lên đến đỉnh cao và không chấp nhận, không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Điều này đẩy con người bước vào vòng xoáy của sự tha hóa không cưỡng nổi, không đỡ được.

Nhân vật với những xung đột về cách nhìn nhận các giá trị, lẽ sống

Sau bao năm tháng cả dân tộc hướng theo lí tưởng, sống chiến đấu hi sinh vì bao giá trị lớn lao, miên viễn, giờ đây, thế hệ sau nhìn lại, bên cạnh sự thừa nhận đã có những minh định bao quát hơn. Cậu Quang Anh trong Ba ngôi của người, được đào tạo từ Mĩ về, kinh qua hành chính, rồi thương trường, trở thành một thương gia xuyên lục địa đã kết luận: “Phong khí của thời đại nó khủng khiếp lắm, không kể đám tầm thường thì ngay cả những người xuất sắc bình thường cũng bị nó đè. Cả một đám đông rùng rùng chuyển theo một hướng. Ngày xưa là vì tổ quốc, vì nhân loại, vì lí tưởng, còn ngày nay là vì gái, vì tiền vì cá nhân hưởng thụ. Bầy đàn thôi, độc đáo cái nỗi gì. Thuận thời nghĩa là nước chảy bèo trôi. (tr. 97). Cậu rất thẳng thắn và không ngần ngại phán xét kể cả bố mình, một quan cộng sản cỡ bự, khi nói với Kun: “Những người bị kẹt chính là loại như ông ngoại mày. Nửa giăng nửa đèn nửa dơi nửa chuột, đã thế lại loay hoay biết nhiều. Ông ngoại mày tương đối lẫn lộn phức tạp, biết là nói dối nhưng vẫn chân thành tin vào những điều dối trá của mình. Đeo râu giả lâu năm quá đến khi giật ra nó vẫn bị bật máu (tr. 97). Khi nói về chính người anh trai của mình bỏ học nhập ngũ và hi sinh nơi chiến trường lại đầy trân trọng: “Tao tôn trọng những người cộng sản ấu trĩ sơ khai. Bọn họ tuy nóng vội thô bạo nhưng không quá phức tạp đạo đức giả. Bác mày là anh hùng thời bác mày, tao là anh hùng thời của tao”, thế nhưng vẫn không giấu nổi sự giễu nhại và phê phán “Tuy nhiên cũng vẫn là vớ vẩn, vì nghĩ cho cùng vẫn là a dua chạy theo thế thời (tr. 97). Điều đó cho thấy phần nào sự phức tạp trong lối tư duy mới ở con người đô thị, nhất là ở tầng lớp trí thức bậc cao. Rất nhiều những giá trị trước đây một thời tôn thờ đã được xem xét lại và nhìn theo những góc nhìn khách quan, sòng phẳng và thế tục hơn.

Rõ ràng, những cách nhìn nhận không xuôi chiều về các chuẩn mực, giá trị cuộc sống đang mặc nhiên đan xen nhau dày đặc trong ba tác phẩm. Nó vừa làm cho cuộc sống vốn phức tạp lại càng trở nên rối rắm hơn và con người hoặc thụ động hoặc chủ động buộc phải thích nghi với nó.

Nhân vật với những xung đột giữa đức tin và hoài nghi

Với Nguyễn Việt Hà, một nhà văn theo đạo Thiên Chúa, nói về đức tin và hoài nghi, ông đã thể hiện những hiểu biết sâu rộng về tôn giáo và triết học, khi gắn nó với quá trình khủng hoảng tình yêu, hạnh phúc, niềm tin của các nhân vật. Bằng cách nói khi thì trang trọng thiêng liêng gắn với miền tâm linh sâu thẳm của con người, khi thì dung dị, gần gũi thậm chí suồng sã, bỗ bã, tác giả mô tả tinh tế, tài tình và logic quá trình dao động, sụp đổ niềm tin của nhận vật, đồng thời tạo nên chiều sâu triết lí và ý vị sâu xa.

Ở cả ba cuốn tiểu thuyết, điểm giống nhau là các nhân vật đều đang cố bám víu vào một đức tin mong manh nào đó để mong cứu chuộc linh hồn khỏi những mặc cảm sai lầm và ám ảnh tội lỗi. Nguyễn Việt Hà đã để nhân vật của mình tìm đến với tôn giáo như là nơi để trú ngụ và cứu rỗi cho linh hồn mình, đồng thời giải tỏa những áp lực, những bức xúc và bế tắc trong cuộc sống. Thế nhưng hiện thực nhiễu loạn, bế tắc mất phương hướng đã làm cho một số nhân vật mất niềm tin tôn giáo và mất niềm tin cả vào chính mình. Họ sống trong nỗi băn khoăn “chúng ta có nên hằn học, có nên nghiệt ngã ở cuộc đời này khi chúng ta cảm thấy bất hạnh. Hay chúng ta nên yêu thương và tha thứ (tr. 317 – Cơ hội của Chúa).

2. Nhân vật với sự phân rã về nhân cách

Con người tha hóa

Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Việt Hà cũng dành ít trang nói về những chất Tràng An hiếm hoi. Ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống cốt cách người Hà Nội. “Hà Nội may mắn còn giữ được vài ba quán cà phê tử tế, dăm bảy gánh hàng rong ăn được là nhờ những người cầu kì kĩ tính như bố nó (tr. 39 – Ba ngôi của người).

Ngoài chút ít bụi vàng hiếm hoi ấy, trong suốt cả ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, người đọc chủ yếu thấy sự tha hóa từng chút không cưỡng nổi do tham vọng hoặc bế tắc buông xuôi, hay những quỷ sa-tăng trong lốt người. Trong Cơ hội của Chúa, sự nhố nhăng của thời buổi ấy là cơ hội lớn cho những trí thức tha hóa toàn diện và khốn nạn có gien như Lâm, Sáng, Trần Bình…. Lâm thực sự tha hóa vì lợi, còn Sáng lại tha hóa đầy tính toán về danh. Còn Trần Bình lại tha hóa theo một kiểu khác, sống cuộc sống thượng lưu nhưng lối sống của Bình thể biện bản chất vô luân. Anh ta khiến người đọc ghê tởm trước sự đểu giả thượng lưu sạch sẽ của mình.. Hoàng cũng nằm trong mẫu nhân vật trí thức tha hóa vì bế tắc, trược dốc nhưng lại không tìm được con đường và lời giải đáp cho bản thân trong cái xã hội mà anh đang sống.

Trong Khải huyền muộn, sự tha hóa của các quan chức ngành thể thao nói dối nhiều đến mức tin luôn vào điều mình đã nói dối (tr. 85) đã để lại bao chuyện bi hài trong hậu trường Tổng cục Thể dục Thể thao. Không thiếu những kẻ bất tài vô dụng mua quan bán chức, tiêu tiền chùa và sống trác táng tàn bạo. Không thiếu những vụ vùi dập nhân tài, tranh đoạt hất cẳng nhau vì tiền nhưng ngụy biện bằng những lí do ngô nghê thô thiển chẳng liên quan đến chuyên môn. Đa phần đám quan chức chỉ thích thề thốt nồng nàn sống sượng với lối sống xu nịnh bợ đỡ, giả dối, lạm dụng nhan nhản, nhạt nhẽo thớ lợ, đểu giả tệ hại, trơ trẽn vô luân…

Con người mệt mỏi bải hoải, vô cảm, tự thấy mình lạc lõng, bé mọn

Trong xã hội đô thị với những đảo điên, tráo trở, những mánh mung, thủ đoạn và sự thao túng của đồng tiền, không ít người không kịp thích ứng đã rơi rớt lại, bị quăng quật trong những vòng xoáy ma trận đặc quánh của cuộc sống. Họ trở nên bé mọn, thờ ơ, vô cảm và hoài nghi cuộc sống

Cơ hội của Chúa, Hoàng là một tín đồ nhưng luôn hồ nghi thế cuộc, bỡn cợt thực tại và hoang mang yếm thế. Cuộc sống của Hoàng càng về sau càng bế tắc vô định, vô hướng, vô nghĩa và lạc loài. Anh vật vờ bên lề cuộc sống và bất đắc chí, sống bạc nhược, tự an ủi mình bằng mới lí thuyết hiện sinh quá đát.

Còn với Khải huyền muộn, ngay cả Vũ, một quan chức cấp cao của ngành thể thao, quyền sinh quyền sát, vậy mà cũng có lúc bế tắc, tuyệt vọng và chạy trốn đến tu viện sâu trong rừng núi mong tìm nơi giải thoát khỏi những mớ bòng bong của cuộc sống, của đức tin. “Vũ cô đơn mông lung đi vào núi… Vũ chỉ thấy cay đắng chán và mệt mỏi, Vũ lơ lửng trống rỗng…Cái cảm giác rất khó tả của một kẻ trót đã có chữ (tr. 85).

Đến với Ba ngôi của người thì dường như tất cả các nhân vật đều trong tâm thái khủng hoảng. Ở kiếp luân sinh thứ mười, kiếp cuối cùng, nhân vật người cha sau khi gia đình tan vỡ đã sống trong trạng thái hoang hoải, vô định, không thiết tha chí thú điều gì. Còn nhân vật người con cũng không thoát khỏi cảm giác trống trải, hồ nghi khi xót xa hồi tưởng về tuổi thơ không có bố, không biết bố. Sau khi đứa bạn thân bỏ đi, người yêu phản bội, Kun rơi vào trang thái hoài nghi tất cả. Nhân vật cậu Quang Anh cũng không ngoại lệ. Sau khi bị cô sinh viên tốt nghiệp sư phạm Văn lừa tình thê thảm, giọng ngao ngán thốt lên “số tôi là số ăn cứt, khốn nạn cho tôi (tr. 362). Rồi thà chấp nhận cô đơn bởi không còn niềm tin vào tất cả

Thay cho lời kết

Thông qua những xung đột giữa các giá trị, những không gian sống muôn màu tối sáng; thông qua những trường đoạn tâm lí đầy biến động phức tạp trái chiều; thông qua những mảnh vỡ tâm hồn dang dở, chắp nối, qua những khoảnh khắc tự vấn và sám hối, hoài niệm và tiếc nuối của các nhân vật ở Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn Ba ngôi của Người … ngòi bút Nguyễn Việt Hà vừa mạnh dạn đến gay gắt phê phán những mặt trái của xã hội Việt Nam đang phân hóa, vừa giúp người đọc thâm nhập sâu vào bên trong thế giới nhân vật để tìm hiểu và đồng cảm với những bí ẩn và tổn thương trong tâm hồn con người. Điều đó góp phần chứng tỏ cảm quan hậu hiện đại sắc nét của nhà văn. Qua các nhân vật, những trăn trở của ông về thời thế, về nhân sinh luôn mang đậm tính thời sự, vừa tâm huyết đầy trách nhiệm vừa giàu chất nhân văn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bích Thu, Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 11/2006)

2. Đoàn Cầm Thi, “Cơ hội của Chúa– từ nhật kí đến hậu trường văn học ( Pari tháng 6/2004, evan.com.vn)

3. Lý Hoài Thu – Hoàng Cẩm Giang, Tiểu thuyết hậu hiện đại Việt Nam một cái nhìn lịch đại trên bình diện đồng đại (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6/2011)

4. Nguyễn Chí Hoan, “Khải huyền muộn – cuốn tiểu thuyết về chính nó (báo Người Hà Nội số ngày 4 và 11/11/2005)

5. Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa (NXB Trẻ, 2014), Khải huyền muộn (NXB Trẻ, 2013), Ba ngôi của người (NXB Trẻ, 2014)

6. Phùng Gia Thế, Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986” (http://phebinhvanhoc.com.vn ngày 8/12/2007)

7. Thái Phan Vàng Anh, Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI, từ góc nhìn hậu hiện đại (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 7/2010)

Comments are closed.