“Cảo thơm lần giở trước đèn”…

Đặng Thị Hảo

 

So với rất nhiều nhà thơ cổ điển dân tộc, sáng tác của Nguyễn Du hiện chỉ còn một khối lượng bản thảo vừa phải, với vài tên tác phẩm: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ, Văn tế thập loại chúng sinh, Thác lời trai phường nón, Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều), và một đôi bài thơ trong truyền thuyết. Nhưng ngược lại, với Truyện Kiều, Nguyễn Du là nhà thơ có khối lượng độc giả, “thính giả” nhiều bậc nhất, khó có tác gia nào sánh kịp. Truyện Kiều của Nguyễn Du là bạn của mọi tầng lớp độc giả trong xã hội. Nó vừa là tác phẩm kinh điển hàm chứa những ý vị triết lý cao thâm đối với những người đầy mình chữ nghĩa, luôn đau đáu những suy luận về con người, vũ trụ, ưu hoạn, sống chết, được mất, luân hồi, nhân quả, v.v. nhưng ngược lại, nó cũng là một người bạn bình dân, chân tình nhất của quảng đại công chúng cần lao. Ai cũng có thể tìm thấy trong những con chữ của Truyện Kiều những lời tri âm sâu sắc nhất. Truyện có thể để đọc, để chia sẻ, giải đáp, và cả để… chơi – trò chơi bói Kiều là thú vui, là niềm đam mê của biết bao thế hệ người Việt. Và rồi dân chúng đã cho nó một định danh là cuốn sách “thần”. Cách gọi đó cũng chẳng là ngoa ngữ chút nào.

Nhưng, trước khi là chủ nhân của một di sản lẫy lừng ấy, Nguyễn Du cũng là một con người giống biết bao người khác với rất nhiều những khúc gấp bất ngờ trên đường đời trong một hoàn cảnh xã hội và gia đình đầy tao loạn: từng sung sướng thỏa thuê trong ân sủng của một đại thế gia vọng tộc, bỗng chốc cuộc đời trở thành bể khổ: mới mươi tuổi đầu đã mất cả cha, mẹ lẫn anh trai, đành nương tựa vào người anh cả cùng cha khác mẹ là Thuật Hiên công Nguyễn Khản (1734 – 1786). Vào thời đó, nếu danh tiếng của quan Đại Tư đồ Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775) lừng lẫy trong Nam ngoài Bắc thì người con cả của ông là Nguyễn Khản cũng “danh bất hư truyền”. Nguyễn Khản đảm đương vị trí rường cột của nhà Trịnh, cao thủ lược thao, phong lưu bậc nhất, tài hoa trên rất nhiều phương diện: thơ văn nhạc họa, điêu khắc, kiến trúc, trang trí… Dinh thự của ông ở Bích Câu sắp đặt nội thất, sân vườn mỹ diệm tinh xảo. Đặc biệt hơn, nơi đây như một xa lông văn học, như một cái nôi văn hóa Thăng Long thu nhỏ, cho nên nó không chỉ là chốn ra vào của trai tài gái sắc, tao nhân mặc khách đất Kinh kỳ, mà còn là nơi “ưa đến” của chúa Trịnh Sâm (1739–1782) – một người sành thơ và rất yêu cái đẹp. Chính nhà chúa đã tự tay đề tặng dinh thự của Nguyễn Khản ba chữ “Tâm phúc đường” (Ngôi nhà thân thiết), lại tặng bức đại tự “Ô y hạng” (Chốn ra vào của những người mặc áo thụng đen)(1). Nhà ông “không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc”(2). Ngay cả khi về chịu tang cha, Nguyễn Khản “vẫn sai con hát đồ khúc gọi là “ngâm thơ Nôm”. Bọn con em quý thích đều bắt chước chơi bời, hầu như thành thói quen”(3). Vào thời điểm hiện nay, khi chúng ta đã dễ dàng chấp nhận những sắc thái văn hóa phương Tây trong lễ nghi tang điếu, ở chỗ: đám tang có thể trở thành một cuộc biểu diễn ca nhạc xúc động và ấn tượng. Người ta không nhất thiết chỉ có khóc và cho rằng càng khóc lóc vật vã nhiều thì càng thể hiện tình cảm của người sống với người chết. Những quy tắc quá nghiêm cẩn của việc tang thời xưa hóa ra không chỉ đến thế kỷ XX, XXI mới có phần cải đổi, mà qua dẫn chứng trên ta có thể hình dung về một Nguyễn Khản nếu chưa thể chủ động thoát khỏi những định chế khe khắt thì cũng là con người đang gắng vượt lên mất mát bằng cách khoác cho đau thương một cái vẻ bề ngoài như suồng sã phá cách nhưng kỳ thực là dồn nén, là chế ngự, như thể một kẻ sĩ “ai nhi bất thương” trước tổn thất – mà là tổn thất kép, vì không chỉ mất người cha yêu kính mà còn mất một vị quan đồng triều tương đắc(4). Có lẽ quan niệm như vậy, nên ông “tự cho phép xé rào” – vẫn mời ca kỹ đến ngâm thơ trong đám hiếu. Những động thái đó khiến không ít nhà nho như Phạm Đình Hổ “cau mày” thì cũng là thường tình(5). Trở lại với câu trích trên của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút ta thấy đoạn văn đã hé cho người đời biết Nguyễn Khản rất chuộng Nôm vì những bài nhạc phủ do ông đặt lời cho con hát vẫn thường “được giáo phường khắp kinh thành tranh nhau truyền tụng”… Thật tiếc, hiện tại sáng tác của Nguyễn Khản gần như không còn gì, trừ vài công trình chung về sử hoặc mấy câu đối, một đôi bài thơ Nôm(6). Cái câu lạc bộ ngâm vịnh, diễn xướng thơ Nôm của ông chắc chắn đã là nơi lưu tồn và nuôi dưỡng nhiều năng khiếu sáng tác và ngâm vịnh, ca hát thơ quốc ngữ.

Công khai ngâm vịnh, sáng tác thơ Nôm dưới thời nhà Trịnh là một bước tiến quan trọng, khẳng định diễn tiến, vị trí của chữ quốc ngữ và các thể thơ dân tộc. Thành tựu thơ Nôm thời đại này đạt được, phải nói, có công sức không nhỏ của nhà Trịnh. Hãy thử xem, cũng thời điểm đó, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn (sau này là các vua Nguyễn) và hầu hết đội ngũ trí thức, văn nhân dưới trướng nhà chúa trong triều đình thường chỉ sáng tác bằng chữ Hán (cho dù việc sáng tác thơ Nôm ở Đàng Trong cũng có lúc khá rộ), thì ở Đàng Ngoài, riêng các chúa Trịnh cũng đã góp vào kho tàng văn học Nôm một khối lượng rất đáng kể. Không khí sáng tác quốc âm chưa bao giờ bùng phát mạnh mẽ như giai đoạn này. Vậy, không thể phủ nhận vai trò nuôi dưỡng, cổ xúy cho thơ ca Nôm của nhà Trịnh, mà Nguyễn Khản là một ví dụ. Tất nhiên, chúng ta không thể vinh danh ông mà không thấy còn dấu vết đáng kể nào về sáng tác, cũng như không thấy ông còn để lại lời tuyên ngôn nào về việc này. Đó là một đáng tiếc lớn, bởi chắc chắn, ít nhất sau cái lần bị kiêu binh đốt phá tan tành tư dinh khiến cả gia đình ông phải bỏ chạy tháo thân khỏi Bích Câu, thì – nói như dân gian: còn người đã là may, kể chi đến gia tài, sách vở(7). Tuy nhiên, cái vang bóng của những ngày “oanh liệt” thì ngược lại, chắc chắn không thể xóa mờ trong ký ức của mỗi thành viên gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền, nó ngưng đọng, chưng cất, lắng sâu trong tâm khảm bất cứ ai đã có dịp tham dự ở cái “câu lạc bộ” nghệ thuật ấy. Và, một người có được cơ duyên đó chính là cậu bé Nguyễn Du. Nguyễn Du đến tá túc nhà anh trong hoàn cảnh côi cút, cũng là một cơ may vì cậu được sống, được thường xuyên chứng kiến, được hấp thu một cách vừa chủ động vừa bị động cái không khí văn chương nghệ thuật hỗn dung bình dân lẫn bác học của văn hóa Thăng Long tràn ngập trong thế giới tinh thần của dinh thự Bích Câu. Tất nhiên không chỉ có Bích Câu và Thăng Long kiến tạo nên một Nguyễu Du tài hoa trong sáng tác, sâu sắc trong tâm hồn và tràn ngập tình yêu thương con người. Cũng nhất quyết không phải chỉ có “Hồng ngư linh khí”(8) mới hun đúc nên một Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản hay một Nguyễn Du… Các ông là tinh hoa của trời Nam đất Việt.

Tiểu sử “trích đoạn” của Nguyễn Du cho thấy, từ khi mất cha mẹ, trong khoảng sáu, bảy năm sau, tuy thân phận con côi nhưng cậu Nguyễn vẫn được chuyên chú học hành, thi cử, thì ai chả nghĩ rằng những bi kịch gia đình liên tiếp giáng xuống đầu xanh tuổi trẻ của ông như thế là “quá đủ”. Nhưng sự đời đâu có ngờ, những biến cố chính trị xã hội “vô đơn chí” bỗng ào ập tới khiến Nguyễn Du không thể không choáng váng chòng chành trước thực tại: cái dinh thự của Nguyễn Khản, phủ chúa Trịnh cửu trùng uy nghi diễm lệ tưởng chừng như là một biểu tượng của vẻ đẹp quyền lực vĩnh hằng bỗng một ngày tan hoang thảm hại, ảnh xạ của quá khứ phù hoa là cái bóng lộn ngược của một thực tại tiêu điều. Dinh thự Bích Câu không còn là bến đỗ bình yên của cậu bé Nguyễn Du nữa, lần đầu tiên trong đời cậu biết thế nào là loạn lạc, là tản cư. Ấy thế mà khi còn chưa thể bắt kịp với cuộc sống tha hương cơm ăn “miếng mặn miếng nhạt”, Nguyễn lại bỗng thấy quyền thế bổng lộc đột nhiên quay trở về với anh mình như trong truyện thần tiên. Chưa hết, những tưởng một lần “tan tành gói may” đã có thể “nhớ đời”, thế mà thật kỳ quái, chưa yên yên mấy nỗi thì chính biến lại xảy ra, chúa Trịnh Khải lại trở thành tội đồ phải chết đường chết chợ, rồi bỗng một cơn chấn động sơn hà kinh thiên động địa ập đến: quân Thanh kéo vào giày xéo Kinh đô và đội quân Tây Sơn áo vải thần tốc quét sạch hàng chục vạn tên xâm lược. Thời đại mới mở ra: nhà chúa và cơ đồ họ Trịnh vĩnh viễn trở thành quá khứ lịch sử. Thực tại như có phép “thần thông biến hóa”, đắc / thất, có / không – chớp mắt. Nhà thơ như rơi vào “bên kia trái đất” với chuỗi ngày phiêu dạt như “cỏ bồng bật rễ” cuốn theo tố lốc. Từ đây, trên mọi nẻo đường đời, ông đã gửi vào sáng tác nỗi lòng và cuộc đời bi ai của bản thân mà cũng là của mọi tầng lớp cần lao trong xã hội(9).

* * *

Vậy điều gì làm nên cốt cách thi ca Nguyễn Du?

Phải chăng trong tâm hồn nhà thơ, hai sắc thái văn hóa thôn quê và thành thị luôn đan xen, bồi bổ vun đắp nên nhãn quan, cảm quan của ông? Bởi vì, khi Nguyễn Du viết Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm thì ta biết rõ ông viết cho mình và thân hữu là chính, nhưng khi chàng Nguyễn Tiên Điền soạn Sinh tế Trường Lưu nhị nữ, viết Thác lời trai phường nón trần tình với người con gái phường vải những lời chân thành “thú tội”:

Tưởng rằng nói thế mà chơi

Song le đã động lòng người lắm thay.

thì có nghĩa nhà thơ đã chủ động dành riêng tấm chân tình tha thiết cho quê hương An Tĩnh yêu quý của mình. Ông chăm chút những câu chữ, hình ảnh rất “Nghệ” với “dặm ví”,“Đò Cài”, “Hồng Sơn”, “Truông Hống”, “Chợ Vịnh”,v.v.:

Về qua liếc mắt trông miền,

Lời oanh giọng ví chưa yên dằm ngồi.

Giữa thềm tàn đuốc còn tươi,

Bã trầu chưa quét nào người tình chung.

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng,

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.

Và cả những con người lao động thôn quê chân lấm tay bùn tảo tần hiện lên thật đáng thương tội nghiệp:

Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì (10);

Một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á(11).

(Sinh tế Trường Lưu nhị nữ)

Nhà thơ trải lòng với khắp các nơi chốn ông đã kinh qua nên ngôn ngữ ông dùng chất đầy chủ kiến: ở Truyện Kiều ông là một nghệ sĩ bậc thầy dùng tiếng “Bắc”, giọng “Bắc” kết hợp với kiến thức dân gian và tri thức bác học kiến tạo nên một tuyệt phẩm mang tính phổ quát về những vấn đề trọng tâm nhất của mọi thời đại, mọi số phận con người. Dân chúng trong Nam ngoài Bắc hay bất cứ nơi đâu cũng có thể dễ dàng đọc, hiểu, soi tìm thấy thân phận mình trong đó. Nếu giá trị rộng lớn của ngôn ngữ Truyện Kiều ở chỗ ấy thì Sinh tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón lại là “món quà ngôn ngữ” nhà thơ dành riêng cho quê nội – một làng quê giàu bản sắc với những cuộc hát đúm, hát ví, hát phường vải… rộn ràng, những cô gái chàng trai xứ Nghệ bộc trực, tảo tần trong cuộc mưu sống nhọc nhằn nhưng quyết không chịu tước đi cái nét thanh tân lãng mạn trong tâm hồn:

Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;

Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa(12).

(Sinh tế Trường Lưu nhị nữ)

Các cô Uy, cô Sạ làng Trường Lưu “Tiếng cười tiếng nói nghe cũng hữu tình;

Nước bước nước đi thật là vô giá” từng gắn bó với nhà thơ, khắc thành kỷ niệm:

Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện(13), dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ;

Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã.

(Sinh tế Trường Lưu nhị nữ)

Chính vì yêu “giọng Nghệ”, “tiếng Nghệ”, văn hóa Nghệ, nhà thơ mới đưa vào bài văn rất nhiều từ ngữ địa phương trong khi với “sức vóc” của một thiên tài, ông thừa tỉnh táo để tránh xa những câu chữ “trọ trẹ” nặng nề ấy(14). Chủ động sử dụng phương ngữ, chính là ông đã khẳng định những tiếng “o” (cô), “ả” (chị), “mệ” (mẹ), “nhởi” (chơi), “nỏ” (chẳng), v.v. đã ngấm vào tâm thức, làm nên một phần hồn cốt của ông, khẳng định sự trở về với cái vùng văn hóa của quê cha chân chất dễ thương, chẳng kém gì quê mẹ mượt mà thanh lịch. Ông đã không giấu giếm niềm tự hào đó trong bài Giang đình hữu cảm. Ấn tượng oai hùng kiêu hãnh thuở bé thơ còn nguyên trong gia tài ký ức của ông từ cái lần cùng gia quyến trên chiếc thuyền Hải Mã rực rỡ cờ hoa trở về quê nội:

Ức tích ngô ông tạ lão thì,

Phiêu phiêu bồ tứ thử giang y.

Tiên chu kích thủy thần long đấu,

Bảo cái phù không thụy hạc phi.

Nhất tự y thường vô mịch xứ,

Lưỡng đê yên thảo bất thăng bi.

Bách niên đa thiểu thương tâm sự,

Cậu nhật Trường An đại dĩ phi.

(Giang đình hữu cảm)

Nhớ xưa khi cha ta cáo lão về(15),

Phơi phới xe bồ ngựa tứ(16) ở bãi sông này.

Thuyền tiên rẽ nước như rồng thần đua nhau,

Lọng báu phấp phới trên không như hạc lành bay liệng.

Từ thuở áo xiêm không tìm thấy nữa,

Nhìn khói vương ngọn cỏ ở hai bờ khôn xiết nỗi bi ai.

Cuộc trăm năm có biết bao nhiêu việc đau lòng,

Ngày gần đây Tràng An đã chẳng phải như xưa nữa.

(Nhớ thuở tiên nghiêm cáo lão về,

Bên sông rộn rịp ngựa liền xe.

Khúc rồng cuộn sóng thuyền tiên lướt,

Cánh hạc vờn mây lọng gấm che.

Từ nếp xiêm y chìm khuất bến,

Để sầu cây cỏ ngập tràn đê.

Trăm năm ngẫm chuyện thương tâm lắm,

Dâu bể Trường An xiết não nề!)(17)

(Quách Tấn)

Lời bốn câu thơ đầu đầy tự hào, hình ảnh sống động cụ thể hiện lên trong ký ức chan chứa hào sảng: “Nhớ xưa” – nhà thơ trực tiếp nhớ lại quá khứ chứ không ghi chép quá khứ qua lời kể hay trí nhớ của một ai đó truyền lại, ông mô tả mọi hình ảnh một cách cụ thể, tỷ mỷ: trên bến sông này năm xưa thuyền của cha ông rẽ nước dũng mãnh như “rồng thần đua nhau”, lúc cập bến thì ngựa tứ xe bồ phơi phới, nhộn nhịp, tàn gấm trên không trung như cánh hạc bay. Khung cảnh thật lộng lẫy. Thế nhưng sau bốn câu “nhớ lại” quá khứ là bốn câu thơ chất chứa suy tư trước thực tại, âm giọng chuyển ngược hẳn: cảnh sắc thê lương: bóng áo xiêm ngày nào nay không thấy đâu nữa, chỉ còn một nhà thơ, một bến vắng. Nhìn làn khói trên ngọn cỏ hai bờ sông mà khôn xiết bùi ngùi: “Cuộc trăm năm có biết bao nhiêu việc đau lòng / Ngày gần đây Tràng An đã chẳng phải như xưa nữa”. Ở đây không còn là câu chuyện của một khúc sông mà là không gian của cả một vùng miền rộng lớn của đất nước mà tiêu biểu là Kinh đô đang chung một cảnh trạng đổi thay tàn héo đến “đau lòng”. Nhớ lại và suy nghĩ – tức là ký ức và thực tại được “đem ra” đối chứng, càng đối chứng càng thấy đối lập: ký ức càng đẹp thì hiện tại càng chẳng có ý nghĩa gì. Ký ức càng vui thì hiện tại càng buồn?

* * *

Từ nỗi niềm riêng – chung trong thơ chữ Hán

Phải nói ngay rằng nếu không may mảng thơ chữ Hán của Nguyễn Du hoàn toàn biến mất, không được phát hiện thì cho dù giá trị Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ… vẫn không suy suyển nhưng thể nào không ít người trong chúng ta trong suốt hành trình nghiên cứu, tiếp cận nhà thơ cũng sẽ có lúc tự hỏi “ông là người như thế nào”, “tâm tư tình cảm của ông ra sao”?… cùng rất nhiều cật vấn chẳng thể giải đáp được về hành trạng, nội tâm nhà thơ như biết bao tác gia trung đại khác lâu nay khiến hậu thế “đau đầu”. Thật may, với ngót 250 bài thơ chữ Hán được phát hiện muộn màng bởi các nhà khảo cứu danh tiếng Đào Duy Anh, Lê Thước, Bùi Kỷ, Phan Võ(18), … chúng ta đã có “khung cửa rộng” bước vào cõi lòng nhà thơ. Nói cách khác, ông và thi phẩm của ông đã tìm được tri âm sau gần hai trăm năm khuất dạng. Với dung lượng 250 bài thơ sáng tác trong khoảng ngót bốn mươi năm, trải dài trải rộng về cả không gian và thời gian, ba tập thơ đã cấp cho người đọc muôn trạng tinh thần cũng như cõi lòng sâu thẳm, nỗi sầu riêng chung của chủ nhân của nó. Rất, rất nhiều điều mới lạ làm nên chân dung tinh thần của tác giả. Ở thi tập đầu, thì đó là một Thanh Hiên đói rét, buồn tủi trên mọi nẻo đường chạy loạn, ai đọc cũng không khỏi xót xa. Con người ấy trước an nguy của thân mệnh, nhiều khi đã phải “tự đánh mất tên mình”, đến nỗi láng giềng cũng chẳng biết ông là ai. Một con người tài hoa, xuất thân hàng thế gia vọng tộc, “cậu ấm cô chiêu” với đầy đủ tên tự, tên hiệu mà đành phải giấu biệt tăm tích hành trạng của mình:

Đào hoa đào diệp lạc phân phân,

Môn yểm tà phi nhất viện bần.

Trú cửu đốn vong thân thị khách,

Niên thâm cánh giác lão tùy thân.

Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,

Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân.

Lưu lạc bạch đầu thành để sự,

Tây phong xuy đảo tiển ô cân.

Hoa đào, lá đào rụng tơi bời,

Cánh cổng xiêu vẹo, che một ngôi nhà bần hàn.

Ở trọ lâu ngày bỗng quên bẵng mình là khách,

Trải nhiều năm càng biết cái già đã đến với mình.

Ở nơi đất khách, nuôi dưỡng sự vụng về để đề phòng thói tục,

Đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên từ lâu vẫn sợ người.

Lưu lạc đến bạc đầu mà có nên chuyện gì đâu?

Gió Tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ(19) .

(U cư)

(Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa,

Một gian lều nát khép lơ là.

Trọ lâu quên bẵng thân là khách,

Năm tháng trôi mau, tuổi bỗng già.

Dưỡng “vụng” tha hương phòng thói tục,

Lánh người thời loạn giữ thân ta.

Nổi chìm bạc tóc chưa nên việc,

Thổi lật khăn đầu trận gió qua).

(Theo Quách Tấn)

Nhà thơ phải “dưỡng vụng”, giả ngây giả ngô để khỏi lọt vào con mắt dò xét của người đời mong bảo toàn tính mạng, và thật đau xót, ông thú nhận đôi khi không xác định được trạng thái thật của bản thân: “Ở trọ lâu ngày bỗng quên bẵng mình là khách”, cô đơn, câm lặng với những dằn vặt không lúc nào nguôi vơi vì nỗi “hùng tâm tráng khí” thì “mờ mịt”, lại thêm anh em thân thích, bạn bè thì ly tán: “Nơi non Hồng không còn nhà, anh em tan tác / Cả hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt / Đường dài, trời chiều, bạn mới ít”, luôn ngóng một bức thư báo tin lành mà không hề có:

Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh(20) hạ,

Kinh niên biệt lệ nhạn thanh(21) sơ.

Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,

Bất kiến bình an nhất chỉ thư.

(Sơn cư mạn hứng)

Một mảnh lòng quê ở dưới bóng trăng,

Tiếng nhạn đầu mùa khơi thêm dòng lệ ly biệt từ bao năm.

Em trai em gái ở làng cũ không có tin tức,

Chẳng thấy được một bức thư bình an nào.

(Trăng dõi niềm quê ngơ ngẩn bóng,

Nhạn khơi lệ biệt sụt sùi canh.

Em xa nhà cách bao năm tháng,

Không một hàng thư gửi gắm tình).

(Quách Tấn)

Theo thống kê của Nguyễn Thị Nương thì Nguyễn Du có “77 lần tả trạng thái cô độc, lẻ loi” mà riêng Thanh Hiên thi tập “đã chiếm 37 lần (48%); 45 lần tả mái đầu bạc thì ở đây là 23 lần (51%); 24 lần xuất hiện hình ảnh cùng đồ, tắc đồ thì ở đây là 15 lần (63%); 44 lần nói nỗi đau sống thừa thì Thanh Hiên thi tập đã chiếm đến 29 lần (66%)”(22). Nguyễn Thị Nương còn cho biết: “số lượng bài thơ, câu thơ có tính chất tự thuật trong các thi tập của Nguyễn Du rất lớn. Chúng vượt xa một số tác giả cùng thời: 107 bài (chiếm đến 43%) – trong khi Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Thì Nhậm… chỉ có từ 7 đến 25 bài (trên dưới 10% tác phẩm)”(23). Từ số liệu đó, tác giả bài viết nhận định: “Bộc lộ tâm trạng đã trở thành một yếu tố đặc trưng cho thơ chữ Hán Nguyễn Du. Những vần thơ tự thuật không chỉ phản ánh cách Nguyễn Du hình dung về bản thân mình mà còn cho thấy quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của một nghệ sĩ lớn. Quá trình này tương ứng với những biến động trên đường đời của tác giả. Đây cũng là một quy luật của thơ ca thời trung đại. Chỉ có điều với Nguyễn Du, sự biến đổi ấy không phụ thuộc vào những thăng trầm trên đường hoạn lộ mà chủ yếu bắt nguồn từ những trải nghiệm nhân sinh”(24). Đúng vậy, từ khi ra cộng tác với Gia Long, Nguyễn Du có một con đường hoạn lộ yên bằng nên tác giả đoạn trích trên không nhìn thấy “sóng gió” trong lòng ông quan Nguyễn Du. Thật ra, nếu xét kỹ hơn nữa thì các bài thơ trong Nam trung tạp ngâm hay Bắc hành tạp lục ngoài những điều ông đã trải lòng cho ta biết trên rất nhiều phương diện: con người cá nhân, một thi sĩ, một vị quan, một công dân trong cuộc đời thường… của mình mà ở tư cách nào thì ông cũng vẫn là một kẻ bất hạnh, cô đơn – cô đơn bất hạnh không chỉ trong cơn nhồi lắc kinh hoàng của cuộc mưu sinh, ly tán mà ngay trên con đường hoạn lộ thênh thang, vào chính những lúc ngỡ như đang thăng hoa nhất, vinh sủng nhất. Đó là bi kịch. Tại sao thế? Thì cứ ngoảnh lại xem: nhân vật kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử như Nguyễn Trãi (1380–1442) còn có khi bị nhà Lê nghi kỵ dồn vào chỗ chết, thì Nguyễn Du ra sao? Hơn ai hết, ông hiểu rằng: dù có được Gia Long trọng đãi thì cái tình trạng ngấm ngầm tranh xé thanh toán lẫn nhau trong giới quan trường( ) đương thời cũng luôn đặt ông trước hai bờ cảm xúc, vừa mẫn cán với nhà Nguyễn vừa băn khoăn ám ảnh bởi “sủng nhục nhược kinh?” – ông cứ đi trên mỗi chặng đường đời– đường quan trong tâm trạng “như lâm thâm uyên, như lý bạc băng” như thế mà không thể tự giải phóng nổi mình suốt hành trình số phận mặc dù vẫn tự biết là kẻ “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân / Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu” (Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người / Đêm tối mờ mịt không biết bây giờ là bao giờ, mãi chẳng thấy sáng – Dạ hành). Suy cho cùng, bi kịch cá nhân cho dù có to lớn đến bao nhiêu nếu như nó không được đặt trong mối tương thông với số phận chung của toàn xã hội thì khó trở thành nỗi niềm chung của nhân quần bách tính. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những vần thơ tự thuật cá nhân, đại diện cho số ít, cái lớn lao của thơ chữ Hán Nguyễn Du là ở chỗ đã trở thành tiếng nói chung của mọi tầng lớp dân chúng cần lao – không chỉ nói về mình mà nhiệm vụ của ông là nói hộ cho mọi người, thậm chí cả những cảnh vật vô tri vô giác, những sinh vật cỏn con mà người đời rất dễ bỏ qua. Và, đó mới là nỗi quan tâm sâu rộng và trước nhất của ông trong thơ chữ Hán:

Thập tải trần ai ám ngọc trừ,

Bách niên thành phủ(25) bán hoang khư.

Yêu ma trùng điểu cao phi tận(26),

Trể uế càn khôn chiến huyết dư.

Tang tử binh tiền thiên lý lệ,

Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư.

Ngư long linh lạc nhàn thu dạ,

Bách chúng u hoài vị nhất lư.

(Bát muộn)

Đã mười năm bụi bặm làm mờ tối chốn thềm ngọc,

Những tòa thành phủ trăm năm một nửa đã thành bãi hoang.

Những chim bọ nhỏ nhoi đều bay cao hết,

Huyết dư của chiến tranh làm nhơ nhớp đất trời.

Nơi xa xôi nghìn dặm phải rơi lệ trước cảnh

binh đao chốn quê nhà,

Bà con bạn bè chỉ có mấy hàng thư ở dưới đèn.

Cá rồng lặng lẽ đêm thu thanh vắng,

Trăm nỗi u uất chưa một chút nào được thư thoát.

(Mười năm bụi bặm dơ thềm ngọc,

Thành phủ trăm năm nửa bỏ hoang.

Chim, bọ nhỏ nhoi bay biệt xứ,

Đất trời tanh thối xót xa trường.

Quê nhà trong loạn lệ ngàn dặm,

Bầu bạn bên đèn thư mấy hàng.

Lặng lẽ đêm thu rồng cá vắng,

Nỗi lòng u uất vẫn vương mang).

(Đào Duy Anh)

Con người và quê hương gắn chung số phận với nhà thơ như một thực thể không thể chia tách cho nên nước mắt Nguyễn Du đã rơi “nơi nghìn dặm” không chỉ vì thương dân mà còn xót đến cả “những côn trùng, chim chóc nhỏ bé”, cũng giống con người, chúng trở nên vô gia cư trong cơn “nhơ nhớp” của đời loạn.

Với Bắc hành tạp lục, nhà thơ càng mở rộng biên độ của sự quan tâm, lòng bao dung, tình yêu thương vượt qua ranh giới địa lý nhưng lại không có ranh giới giữa nhà thơ và tất cả mọi hạng người khắp những vùng đất lạ. Trên mọi nẻo đường hoa nơi đất khách, nhà thơ quan sát chiêm nghiệm và nhận ra rằng ở đâu trên trái đất này thì người cần lao cũng là những người thiệt thòi, lam lũ và bị bóc lột nhất. Họ thật đáng thương cho dù họ và tác giả chả có điểm nào giống nhau. Ta hãy nghe nhà thơ tuyên bố: “Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau” (Tương liên bất tại đồng). Phải nhớ rằng, cũng gần như đồng thời với Nguyễn Du, ta thấy có một tên tuổi khá nối tiếng là Lý Văn Phức (1785–1849). Lý Văn Phức là người đầu tiên (trước cả Cao Bá Quát,1808–1855) phát hiện ra sự phân chia đẳng cấp giàu nghèo, chủ tớ của xã hội thuộc địa:

Cao xa phì mã Hồng mao quỷ,

Bại lạp tàn sam hắc diện nhân.

Xe cao ngựa béo là của quỷ Hồng mao,

Nón mê, áo rách đều là người da đen.

Thế nhưng bên cạnh tấm lòng gần gũi cảm thông, họ Lý vẫn xác định dân chúng bản xứ nơi ông đến công cán là “man, di”. Ông vẫn không thể coi họ đồng đẳng trong tư cách “người” với mình. Ngược lại, với nguyễn Du, ta không thấy ông sử dụng một chữ “man”, chữ “di”(27) hay bất cứ một từ ngữ nào cho thấy sự đối lập của bản thân với dân chúng ngoại quốc cho dù họ ở tận nơi sơn cùng thủy tận, ở tít dưới đáy sâu bởi sự hành hạ của số phận. Người đọc luôn luôn tìm thấy bóng dáng nhà thơ trong đội ngũ những người cùng đáy của xã hội: trong đám phu xe, nơi ông già mù hát rong, mẹ con người hành khất, bên cạnh những con hát, kỹ nữ, thậm chí ở trong thế giới của cỏ cây, sâu bọ, v.v. Cùng họ vui buồn, sướng khổ, căm giận, oán cừu, mà niềm vui thì rất nhỏ, nỗi buồn khổ thì khôn xiết. Cho nên ông là đơn côi nhưng cũng lại là đông đảo, và nổi bật lên ở đó là một tình thương nhân loại khôn cùng, luôn luôn nới dài biên độ.

…Đến lời tri ân dành riêng cho phái đẹp

Có lẽ không tác phẩm nào của Nguyễn Du không một lần xuất hiện hình ảnh người phụ nữ. Kể cả những giai thoại thì hầu như cũng “toàn là” những chuyện liên quan đến nữ giới. Phải chăng đó là một dấu hiệu “bất bình thường” cho dù đến giai đoạn thế kỷ XVIII đối tượng sáng tác của thơ cổ đã được mở bung, nhiều chủ đề cấm kỵ, nhiều hình ảnh thơ ca lâu nay vẫn là khuôn mẫu, là những quy tắc thành văn hoặc bất thành văn ngự trị cầm tù biết bao ý tưởng sáng tác, đến lúc này đều đã “mất thiêng”. Ấy thế nhưng, dường như những cây bút nữ vẫn viết rất ít về mình và ngược lại họ cũng được viết rất ít. Có lẽ chỉ có Nguyễn Du, với cái tâm thức sáng tạo tự do đến mức “hiện đại”, người phụ nữ mới luôn là một ngọn nguồn rộng lớn khơi gợi thi hứng cho nhà thơ. Nếu Thác lời trai phường nón, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ là hai tác phẩm cho ta thấy một chàng Nguyễn dí dỏm, hóm hỉnh và rất trữ tình, một tu my trẻ trung lãng mạn thậm chí có phần “nhát gan” đôi khi “tội tội” trước những cô thôn nữ thì ở Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh cùng nhiều bài thơ chữ Hán, ngòi bút của Nguyễn Du viết về nữ giới thật trân trọng, nương nhẹ và tràn đầy yêu thương. Trong thế giới quần thoa đông đảo ấy của Nguyễn Du, ta hãy thử xem tại sao người phụ nữ – đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội Việt Nam xưa lại trở thành mối quan tâm đặc biệt, trở thành nỗi ám ảnh đeo đẳng trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ, đến độ có thể xem đây là nét độc đáo trong tư tưởng nhân đạo cao cả của ông, vô tiền khoáng hậu.

Nhìn về trước thế kỷ XVIII, ta thấy người phụ nữ vốn rất hãn hữu xuất hiện trong thơ cổ mà người phụ nữ tài hoa bạc mệnh được phản ánh với nỗi đồng cảm xót thương vô hạn như ở Truyện Kiều thì hầu như chưa từng có. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là vắng bóng. Những khuê oán, khuê sầu, những người vợ, người mẹ, những ca kỹ, những người tình tài sắc vẹn toàn nhưng hẩm hiu số mệnh đã từng là niềm xót thương của khá nhiều tuyệt bút cổ điển. Song có lẽ chỉ với Nguyễn Du ta mới thấy vấn đề này xuyên suốt trong hàng loạt sáng tác cả Hán lẫn Nôm của ông đến mức có thể gọi ông là “nhà thơ của phái đẹp”. Gần như không một tác phẩm nào không có ít nhất một nhân vật nữ. Người phụ nữ hiện diện trên khắp các trang thơ của ông: trong Độc Tiểu Thanh ký, Long thành cầm giả ca, Ngộ gia đệ cựu ca cơ, Điếu Long Thành ca giả, Ký mộng, Đoạn trường tân thanh, Văn tế thập loại chúng sinh, v.v. họ đều là những tài sắc nhưng người thì chết oan uổng, kẻ thì dung nhan phai tàn rồi tài năng cũng đành tự ti hèn kém như người. Cô Cầm ngày nào không còn là cô Cầm đầy tự tin với tiếng đàn tuyệt hảo đứng vào hàng chủ đạo trong chiếu nhạc, từng phấn khích mê hoặc thính giả một thời, mà sau những biến cải của thời gian cô chỉ còn như cái bóng ở cuối hàng nhạc công, giọng đàn của cô tuy vẫn đẹp đẽ như ngày nào nhưng cũng chỉ còn như là tiếng đệm của cả dàn nhạc mà thôi:

Tuyên phủ sứ quân vị dư trọng mãi tiếu

Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu

Tịch mạt nhất nhân phát bán hóa

Nhan xú thần khô hình nhược tiểu

Lang tạ tàn my bất sức trang

Thùy tri tiện thị thành trung đệ nhất điệu.

Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy,

Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi.

Nay Tuyên phủ vì tôi bày cuộc vui,

Trong tiệc các cô ca kỹ đều trẻ tuổi.

Duy ở phía cuối có một người tóc hoa râm,

Nét mặt võ vàng, thần sắc khô khan, thân hình hơi bé nhỏ.

Đôi mày phờ phạc không điểm tô,

Ai biết đó là người tài hoa bậc nhất thành thuở bấy giờ?

Điệu nhạc xưa khiến ta thầm nhỏ lệ

Lắng tai nghe lòng càng đau xót.

(Nay quan Tuyên Phủ vì ta mở cuộc chơi,

Ca kỹ trong tiệc đều xinh tươi.

Cuối chiếu một nàng tóc đốm bạc,

Mặt gầy, sắc võ, hình nhỏ nhoi.

Phờ phạc đôi mày không tô điểm,

Ai hay chính người kỳ diệu bậc nhất

Kinh đô thuở đương thời.

Khúc xưa trong trẻo thầm rơi lệ,

Lắng nghe từng tiếng lòng đau xé).

(Nguyễn Huệ Chi)

Hình ảnh người hát cũ của em trai nhà thơ sau nhiều năm gặp lại đã con bồng con mang nhưng nghèo túng đến nỗi vẫn mặc cái áo ngày nào qua thơ ông hiện ra thật xót xa biết bao:

Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử,

Khả liên do trước khứ thì y.

(Ngộ gia đệ cựu ca cơ)(28)

Nghe nói lấy người khác đã được ba con,

Thương thay vẫn còn mặc chiếc áo ngày trước(29)!

(Nghe đâu xuất giá đã ba cháu,

Mà áo năm nào vẫn mặc ư ?)

(Trần Thị Băng Thanh)

Với Nguyễn Du, cô Cầm cũng như cô ca kỹ trong bài thơ này, mấy chữ “xướng ca vô loài” dứt khoát nằm ngoài vùng ngôn ngữ của nhà thơ. Những người phụ nữ của ông, tài nghệ có thể khác nhau nhưng lại rất giống nhau ở chỗ tất cả cùng bất hạnh. Hình ảnh của họ đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh đau đáu thường trực nơi đầu ngọn bút của Nguyễn Du, trở thành nỗi quan tâm dai dẳng trong tư duy nghệ thuật của ông. Trong bài Văn tế thập loại chúng sinh, nếu ngay sau loại chúng sinh đầu tiên được kể đến, Nguyễn Du đã dành ngọn bút cho người phụ nữ quý tộc chỉ “một phen thay đổi sơn hà” mà “phận đã đành trâm gãy bình rơi”:

Thảm thiết nhẽ không hương không khói,

Hồn ngẩn ngơ bãi cói ngàn sim.

thì nhà thơ cũng không quên một loại phụ nữ thuộc hạng tận cùng của xã hội: gái bán hoa. Lòng thương cảm của ông dành cho họ chẳng bên nặng bên nhẹ vì ông nhận thấy họ cùng thuộc về giới phái của cái đẹp và cũng chịu một kết cục bi thảm như nhau mà thôi:

Cũng có kẻ lỡ làng một tiết,

Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa.

Ngẩn ngơ khi trở về già,

Ai chồng con nấy biết là cậy ai.

Sống đã chịu một đời phiền não.

Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,

Hơn ai hết, ông nhận ra ngay cái bất ngờ kỳ lạ của số phận người phụ nữ, số phận họ mong manh, đột ngột thay đổi rất bất thường, dường như không theo một quy tắc luật lệ nào. Kể cả quy luật tình cảm. Một cô Tiểu Thanh, một nàng Kiều hay hình bóng người vợ hình dung tả tơi hiện về trong giấc mộng, đều nhận được từ nhà thơ tiếng đồng vọng yêu thương sâu sắc như thể họ là ruột thịt. Tố Như chỉ còn biết luôn luôn sửng sốt kêu lên tiếng kêu than đứt ruột :

– Thương thay chân yếu tay mềm,

Càng năm càng héo càng đêm càng dầu.

– Đau đớn thay thân phận đàn bà,

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu.

Không chỉ trong bài văn tế, có thể thống kê trên khắp các thi phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều ta nhận ra rằng Nguyễn Du thường xuyên dùng hai chữ “Thương thay” , “Thương ôi”, “Xót thay”, “Xót thân”, v.v. để khóc cho những người tài nữ bất hạnh. Câu thơ “Đau đớn thay thân phận đàn bà / Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” ít nhất đã hai lần lặp lại trong hai tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinhTruyện Kiều… từ đó cho thấy ông không chỉ là nhà thơ của một tình thương vô bờ bến với nhân gian mà còn là của riêng những người phụ nữ. Nguồn cội của điều này là gì? – Có hay không từ trong sâu thẳm là hình bóng người mẹ trẻ tài hoa của ông đã lìa đời quá sớm để lại trong tâm trí nhà thơ những mơ ước, những hình dung, tưởng tượng và cả những bận tâm trước nhất đều hướng về phía những người phụ nữ? Bà là nguồn cội của tình thương nên mỗi dòng mỗi chữ của Nguyễn Du cũng như thể một lời tri ân cùng mẹ, và sâu rộng hơn, đó là lời tri ân về một tình thương vô bờ bến dành cho cái đẹp – phái đẹp ./.

Đặng Thị Hảo

(HN, 7/ 2010)


(1) Người mặc áo thụng đen: chỉ các bậc quân vương, đại thần.

(2) Phạm Đình Hổ– Nguyễn Án. Vù trung tùy bút. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, 1960.

(3) Nhà họ Nguyễn Tiên Điền, in trong Vũ Trung tùy bút. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, 1960; tr.154–155.

(4) Năm 1773, Kiều Nhạc hầu Nguyễn Khản được thăng Thập Nhị bồi tụng, cùng Nguyễn Nghiễm làm việc trong nội điện. Nhân việc này triều đình tặng Nguyễn Nghiễm bức đại tự “Nhị thân phụ tử”.

(5) Thực ra những hành động trái quy tắc của Nguyễn Khản cũng còn được thời đại của ông “bật đèn xanh” vì bản thân chúa Trịnh cũng là người từng có nhiều quyết sách táo bạo, trái luật lệ lâu đời của các triều đại phong kiến, đơn cử việc ông chủ trương cải cách thi cử “cho phép quan trường bắt đầu từ khoa thi Kỷ Sửu (1769) – khoa thi Hội đầu tiên dưới thời Tĩnh vương được bỏ các điều kiêng kỵ trong thi cử – trong đó có việc bỏ cả kiêng kỵ tên húy của vua chúa, để các sĩ tử không vì sơ sót mà hỏng oan, không do vô tình hay phạm húy mà mang tội. Nên khi lệnh ban ra ai nấy đều khôn xiết mừng rỡ” (Theo Trịnh Xuân Tiến. Thịnh vương Trịnh Sâm. Nxb Lao Động, 2004, tr. 97). Thêm nữa, thực ra trong đời sống tâm linh của dân chúng trong xã hội phong kiến, cho dù có bị đè nặng bởi những quy tắc tang ma theo tinh thần Nho giáo thì vẫn luôn tồn tại một luồng gió tự nhiên hồn thuần trong quan niệm về sinh tử mang dấu ấn Phật giáo, Đạo giáo, dân chúng vẫn nghĩ “thác” là “về”, họ vui với việc trở về cõi Tiên, cõi Phật, nên có câu: “Trẻ làm ma, già làm Hội”. Con cháu vui vẻ tiễn các cụ.

(6) Ngoài bài thơ Nôm đáp lời phê trách của Trịnh Sâm vì tội bỏ triều của Nguyễn Khản lưu truyền lâu nay, trên Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1993, TS Nguyễn Xuân Diện đã công bố phát hiện về thơ văn Nguyễn Khản được khắc trên một biển gỗ, lưu giữ tại Đền Và (Sơn Tây). Đó là một bài thơ kèm lời dẫn. Nội dung như sau:“Khản tôi, từ năm Canh Thìn nhập sỹ, làm Đốc đồng Sơn Tây. Qua hai kỳ khảo xét công trạng, năm Đinh Dậu phụng mệnh trấn giữ hai trấn Sơn Tây – Hưng Hóa, chẳng bao lâu thì vì có việc mà bị giải nhậm. Nay nhờ Vương thượng nối theo nghiệp sáng(a) mà lại làm việc ở trấn. Bấy giờ có đến lễ ở chấn cung ba lần, ngẫu hứng mà làm một bài thơ luật vụng về, viết lên biển gỗ để tỏ ý kính trọng.

Thơ rằng:

Cây làm tản cái, đá làm ngai,

Vòi vọi thần cung rạng Đẩu, Thai(b)

Bảo triện(c) đùn đùn mây nhiễu khám,

Ngọc hào rỡ rỡ ráng in đài.

“Rồng oanh hùm trạm(d) thiêng ngôi đất,

Đà phẳng Lô trong(e) vững bác trời.

Chiêm bái trót từng ba độ đến,

Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài(g)

Vào tiết Thanh minh năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, người xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), Tả tư giảng, Lại bộ Thượng thư, Phụng sai trấn thủ Sơn Tây, kính đề”.

–––––––––––

(a) Chỉ việc Đoan Nam vương Trịnh Khải lên ngôi chúa năm 1782.

(b) Đẩu, Thai: tên hai ngôi sao rất sáng ở giải Ngân Hà.

(c) Bảo triện: cái bàn nhỏ có khảm các đồ quý.

(d) “Rồng oanh hùm trạm”: rồng uốn hổ ngồi, một thế rất đẹp theo quan niệm phong thủy thời phong kiến.

(e) Đà, Lô: tức sông Đà và sông Lô.

(g) Phương Đoài: tức phương Tây theo bát quái phương vị, đây chỉ vùng đất thuộc tỉnh Sơn Tây cũ.

(Nguyễn Xuân Diện dịch và chú thích)

(7) Từ đó mà suy, ta thấy Nguyễn Du trước khi chạy khỏi Thăng Long cũng đang ở nhà Nguyễn Khản cho nên, rất có thể, những bài thơ, tập thơ đầu tay của chàng Nguyễn khi đó cũng bị tiêu hủy, thất tán. Điều này lý giải phần nào câu hỏi tại sao thơ chữ Hán của Nguyễn Du chỉ thấy bắt đầu bằng các bài viết từ giai đoạn chạy loạn về Thái Bình trở đi.

(8)Bức hoành phi do vua Lê Hiển Tông (1717–1786) tặng Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm.

(9) Lý giải câu hỏi tại sao Nguyễn Du chỉ thi Tam trường rồi thôi, chúng tôi cho rằng có lẽ vì những đảo lộn liên miên nhiều năm nên ông không có điều kiện yên ổn dùi mài kinh sử, luyện thi, khiến nhà thơ chỉ thi đỗ Tam trường rồi dừng lại. Những kiến thức ông có được có lẽ phần nhiều do tự học tự đọc trong suốt cả cuộc đời.

(10) Tiếng điều khiển trâu. Người Bắc kêu là “vắt, họ…”

(11) Dạ á: Tiếng tượng thanh, trống đánh gọi quân lính và tiếng quân lính trả lời.

(12) Cao bằng mãn tọa: Bạn sang ngồi đầy nhà.

(13) Dạy chuyện: Người hát phường Vải thường phải học thuộc rất nhiều câu để đối đáp với bạn hát. Để có những câu mới và hay thì họ phải tìm đến những bậc giỏi chữ để học. Đây là Nguyễn Du dạy cho hai cô gái Trường Lưu những câu do ông sáng tác.

(14) Gần đây có nhà phê bình cho rằng trong bài Sinh tế Trường Lưu nhị nữ, Nguyễn Du sử dụng nhiều từ địa phương, câu văn trúc trắc do có thể ông sáng tác vào thời kỳ còn trẻ chưa có “kinh nghiệm” cầm bút. Chúng tôi không xem đây là ý kiến thuyết phục. Ngoài ra cũng có ý kiến nghi ngờ tác quyền bài văn này của Nguyễn Du với một số giả thuyết đáng suy nghĩ. Tuy nhiên cũng chưa có bằng chứng thuyết phục về văn bản.

(15) Đây là lần về hưu của Nguyễn Nghiễm cuối năm Tân Mão (1771), tháng Ba năm sau (1772) ông lại được vời ra làm Tể tướng. Tiểu sử Nguyễn Du không cho biết trong chuyến về quê lần này có Nguyễn Du hay không nhưng căn cứ vào lời, ý của bài thơ đậm tính chất một trang hồi ký nhỏ, chúng tôi nghiêng về suy đoán ông có được đi cùng cha trong sự kiện trọng đại này

(16) Xe bồ ngựa tứ: xe quấn cỏ bồ, ngựa tứ là xe bốn ngựa. Ý nói xe của nhà quyền quý.

(17) Bài thơ này rút từ Toàn tập Nguyễn Du. Bản thảo do Nguyễn Huệ Chi chủ biên. Tư liệu Ban văn học Cổ Trung đại, Viện Văn học. Các trích dẫn thơ trong bài đều xuất xứ từ đây.

(18) Đào Duy Anh. Nguyễn Du văn họa phổ (1942); Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, dịch. Nxb. Văn hóa. H, 1959; Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Lê Thước – Phạm Khắc Khoan dịch. Nxb Văn học. H, 1965; v.v.

(19) Gió Tây: trong thơ Nguyễn Du thường nhắc nhiều đến gió Tây. Đây là cách gọi gió lạnh của Trung Quốc vì ở Trung Quốc, gió lạnh thường từ lục địa Tây bắc thổi đến. Lẽ ra theo Việt Nam thì phải là gió Bắc hay gió Đông bắc, nhưng đây là gió lạnh bắt đầu từ mùa thu. Cũng có ý kiến cho là ở đây Nguyễn Du muốn chỉ Tây Sơn nên nói gió Tây. Chúng tôi không theo quan điểm này.

(20) Thiềm ảnh: Bóng con cóc tức bóng trăng.

(21) Nhạn thanh: Tiếng chim nhạn (chim nhạn, nói việc đưa tin, do tích Tô Vũ ở Bắc Hải bắt được con chim nhạn buộc thư vào chân, nhạn bay về vườn Thượng Uyển, vua Hán Vũ Đế bắt được, biết Tô Vũ còn sống đòi Hung Nô thả cho về). Có thể là khi đầu thu mới nghe tiếng chim nhạn thì Nguyễn Du liên hệ đến thư tín mà nhớ các em ở quê nhà.

(22) Nguyễn Thị Nương. Sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Du qua những bài thơ tự thuật. http://web.hanu.vn

(23) . Nguyễn Thị Nương. Bđd

(24) Năm 1815, con trưởng của Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên – là phò mã của vua Gia Long– làm một bài thơ tặng bạn, trong đó có 2 câu cuối “Thư hồi nhược đắc Sơn trung tể / Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky Sơn tể phen này dù gặp gỡ, Giúp nhau xoay đổi hội cơ này). Những người vốn tỵ hiềm bèn tâu vua là ông có ý định làm phản. Mọi sự kêu oan đều không thành, cha con ông bị tội chết.

(25) Thành phủ: Thành vua phủ chúa.

(26) Chỉ nhân dân nhỏ mọn phải xiêu tán vì loạn.

(27) Tất nhiên nhã quan này còn liên quan tới quan niệm một số vấn đề như đồng chủng, dị giáo… nhưng tư tưởng nhân ái mang màu sắc đặc biệt của Nguyễn Du thì không thể giống bất cứ nhà nho nào.

(28) Theo gia phả Nguyễn Du chỉ có một người em cùng mẹ là Nguyễn Ức (1767 – 1823), được tập ấm chức Hoằng tín đại phu trung thành môn vệ úy. Năm 1789, Lê Chiêu Thống chạy theo quân Thanh về Bắc quốc, Nguyễn Ức không kịp theo về ngự ở quê vợ – làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Kinh Bắc. Năm 1811 được bổ nhiệm chức Thiêm thư Bộ công, tước hầu. Năm 1822 được vua Minh Mạng bổ chức giám đốc coi việc ở Nội tào phủ, trông coi mọi việc xây dựng đền miếu ở kinh thành Huế.

(29) Câu này có hai cách hiểu: Đào Duy Anh cho rằng người đào hát vẫn mặc chiếc áo cũ, thể hiện lòng quyến luyến với em Nguyễn Du; cũng có cách hiểu ít “thơ” hơn nhưng cũng không kém phần chua xót: người ca nữ đã lấy chồng khác, có ba con rồi mà vẫn không có nổi chiếc áo mới. Chúng tôi theo cách hiểu thứ hai.

Comments are closed.