Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn

Lê Minh Hà

imagesTừ khi viết bài này (2000) tới giờ không thấy tác giả này công bố thêm một sáng tác nào. Dường như toàn bộ tâm lực bà dồn hết cho báo chí, mà nếu theo dõi tất cả những trang báo, blog mạng bà chủ trương thì đó thực sự là một mặt trận, lôi cuốn rất nhiều ngòi bút cùng xông pha, pro cho tất cả những gì là tự do.

Vậy thì bà là nhà văn hay nhà báo?

Với tôi, sau tất cả n danh đó là tâm thế một trí thức, điều không phải ai là nhà báo nhà văn Việt hiện nay đều… (người biên tập tự điền).

Bà ấy đây!

         Đọc đến tác phẩm thứ hai của người viết này, đương kim chồng tôi phán: ‘Trăm năm chỉ một mẹ này thôi’. Thôi không nói trăm năm. Thì năm mươi năm đổ lại bây giờ vậy. Trong khoảng hữu hạn này, tài năng này là một cá thể đơn độc.

        Tôi cũng là một người viết, một người viết không chuyên nghiệp, vì lẽ đơn giản là không thể sống được bằng ngòi bút và do đó không thể cho phép mình tiêu pha thời gian một cách xa xỉ bên bàn viết. Là một người viết không chuyên và là một người đọc có chuyên chắc là cho tới hết đời, tôi hiểu lập tức rằng chớ có theo đường của ngòi bút cùng phái tính này. Con đường sáng tạo ấy được vạch ra bằng tài năng ấy, và chỉ nên một tài năng ấy đơn hành.

  Chưa từng ai đặt một câu hỏi: sự đón nhận của độc giả và của cả các nhà văn sẽ ra sao, nếu tác giả những trang viết tràn đầy cảm hứng phê phán kia không phải chính là người đó, mà những đặc điểm phái tính theo quy ước xã hội đã được nhiều nhà phê bình sử dụng làm vũ khí để phê phán bình.

        Chưa từng ai đặt câu hỏi về bút hiệu của tác giả. Dừng sự chọn lựa tình cờ và cố ý ở một cái tên nhân vật để lưu người đọc lại trên những trang viết đầu tay? Hay là một sự tự khẳng định quyết liệt ngay từ buổi ban đầu dấn thân vào cõi sáng tạo lắm nỗi trắc trở và hục hặc? – Sẽ không chan cho người đọc cái thứ nước lẩu sũng sĩnh những tình cảm và nhận thức nửa vời được biểu hiện một cách tin tưởng và (không loại trừ) chân thành đang dềnh ứ lâu nay trong văn chương Việt.

       Giản dị, và rõ ràng là gợi, bởi rõ ràng cái tên đó không phải là một từ Việt thuần, bút hiệu của tác giả, rút ngắn từ tên thật đẹp và hơi khác thường, nếu nhớ rằng kẻ mang tên đó là một người nữ, đã mở cửa vào một miền cảm thức sâu lắng, giản dị, đằng đẵng. Tiếc: người đọc hùng hục đi qua đó và chỉ lục lọi độc thứ mình định thấy. Mà những thứ ấy thì nhiều, thấy ngay, bởi vì đó là nước sơn, vết mài cuối cùng ở tác phẩm của tác giả này. Sắc sảo, gai góc, láo, đáo để, đanh đá, nanh nọc …

       Đanh đá và đáo để, và nanh nọc, những tính từ này buộc, dù ta không muốn, lại phải nhớ tới phái tính của người viết. Nhưng, thế có công bằng không?

  *

  Là đàn bà mà lại dấn thân vào trường chính trị hay trường chữ nghĩa thì khó nhọc lắm, mà cũng lợi lắm. Ít nhất là trong thời buổi truyền thông đóng vai trò vừa là thầy bói vừa là tiên chỉ này. Ít nhất thì cũng dễ được nói tới. Soi sáng tác phẩm ở góc độ tác giả là một thao tác quan trọng và cần thiết trong phê bình nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, không thể bỏ ngay cả khi chả có một tí thông tin chính xác quái nào về tác giả. Nhưng nếu ép một nhà văn vào trong khuôn khổ quy ước về phái tính, lấy những quy ước phái tính đó để xét đoán tác phẩm và đòi hỏi tác giả thì đích thị là một lối tiếp cận nghệ thuật phi nghệ thuật, tội nghiệp cho cả hai bên viết và đọc, không hơn. Không phải là ngồi buồn mà nói: Cung cách thưởng thức nghệ thuật này thế mà lại phổ biến, phổ biến ngay cả trong giới chuyên nghiệp, và vì là chuyên nghiệp mà nhiều khi lại được dành cho địa vị hướng đạo đối với người đọc.

  Cũng rất phổ biến là lối đồng nhất người viết với nhân vật. Thôi cũng được: nếu người viết được coi là nguyên mẫu của nhân vật tích cực. Song thói quen thưởng thức nghệ thuật của người Việt ta, và, lại phải nhấn mạnh: của cả không ít vị thuộc giới chuyên nghiệp, vẫn cứ là thích đồng nhất tác giả (nào, gai góc ngoài đời, chưa chết) với một nhân vật nào được tác giả đó khắc họa thành công. Trong nghệ thuật sân khấu, lối thưởng thức dân dã này có khả năng vinh danh một đời nghệ sĩ. Nhưng mà trong nghệ thuật chữ, lối đồng nhất tác giả với nhân vật (vô phúc lại là nhân vật tiêu cực hoặc giả thuộc kiểu chẳng ra quần chẳng ra váy) do tác giả đó sinh thành nhiều khi thật sự là một nhát chém treo ngành.

  Các nhà phê bình nhiều lúc rất hào phóng trong cảm hứng phê bình độ lượng ban phát cho nhiều tác giả lời khen làm khối tác giả run rẩy chân tay: Mới. Nhiều người ù tai trước lời khen ấy, đặc biệt là lại được coi là mới hơn các cây viết đã chết và đang sống chình ình bên cạnh. Nhưng, nghệ thuật đòi hỏi mỗi tác giả phải mới, trước hết là mới với chính mình.

       Nhà văn này làm được điều ấy. một cách nhất quán.

       Trượt từ truyện dài sang truyện ngắn, rồi tung tẩy nhẩy qua dịch thuật và tiểu luận, rồi lại xông ngược lại những thể loại từng quen với mạch cảm hứng mới và lối biểu hiện khoan xoáy rất riêng, tác giả này buộc người ta phải nói về mỗi tác phẩm của mình, ngay sau khi hoài thai chúng. Khen có lẽ còn không mạnh mồm bằng chê. Với tôi, một người đọc, bản thân sự chê bai này đã là bằng chứng về sự thành công của tác giả này.

       Bởi vì, vượt ra khỏi quy chuẩn của nghệ thuật, mọi sự phê bình đều không còn sức thuyết phục. Dị ứng với phong cách sống của một tác giả, dị ứng với hệ thống nhân vật thành tạo từ ông hay bà ta, từ trong sâu xa là dị ứng với toàn bộ các vấn đề cùng cách tiếp cận và lý giải chúng, khác lạ, không đề nghị một sự dung hòa, không phải là lí do đúng để một nhà phê bình phang cho tác phẩm của tác giả ấy tơi bời. Lại càng không phải là lí do nếu cơn ngứa phê bình lại bắt đầu từ sự dị ứng với một vài nhân vật.

 Thật ra, chỉ người viết (có bản lĩnh) mới biết mình có mới hay không. Nhiều khi, những tác phẩm ra đời, rất mới, trong các tương quan nghệ thuật mang tính lịch đại và đồng đại, nhưng trong bản chất nó chỉ phơi mở những khía cạnh khác nhau tồn tại đồng thời ở tác giả đó, khi cảm nhận và biểu hiện cuộc đời. Và toàn bộ các tác phẩm, cùng với nó, toàn bộ hệ thống nhân vật, hệ thống cảm xúc, chứ không phải chỉ một vài nhân vật hay một vài xúc cảm được gọi ra phải được coi là sự tái sinh của người đã sinh thành ra chúng. Tác phẩm, do đó, mới với người đời; không mới, chỉ khác, đối với người sáng tạo.

Tiềm năng chữ ở tác giả này làm tôi kinh ngạc. Và nó khởi đi từ cấu trúc suy tư. Tây lắm. Hiện đại lắm. Mà cũng Việt lắm. Đem ngôn từ ngoài đời, đem ngôn từ đường phố vào văn chương thì không có gì mới, nếu cốt khắc họa một nhân vật thuộc giới xông pha với đời nơi đầu đường. Nhưng mà đem ngôn từ ấy khai triển những vấn đề thuộc về muôn thuở hay hoàn cảnh xã hội hiện thời thì lại khác. Chưa thấy ai làm, nhất quán, thành phong cách, như tác giả này. Tước bỏ không thương tiếc mọi ước lệ, thẳng thừng phơi bày bản chất của vấn đề theo cách mình cảm nhận, nhà văn hút hồn vía người đọc lập tức.

 Một vị giáo sư mới từ trong nước ra nước ngoài mấy năm trước, đúng dịp một tác phẩm của tác giả này trình làng, đọc, và than thở rằng trong khi đọc cứ có cảm giác bị vả đôm đốp vào mặt. Không còn cái sướng của người bất mãn với cuộc đời rất đáng bất mãn này vì thấy có người chửi thay mình, mà lại chửi hay đến thế, trường hơi, riết róng, thiết tha. Chỉ còn lại nỗi đau, thấy cái cuộc đời đáng lẽ và tưởng rằng đáng trọng của mình, của giới mình (trí thức) sao mà nhục.

       ‘Nhưng nhìn đời nhìn người tệ đến thế thì sao sống nổi với đời này. Chết đi cho rảnh!’ Lời bình luận này về tác giả này tôi đã hơn một lần nghe. Đọc những bài viết không phải là không chứa ẩn hàm ý chặt đẹp, thì nhiều. Nhưng, có thể quên (hay cố tình) quên chăng điều rất cơ bản này khi tiếp cận một tác phẩm hay khi đánh giá một tác giả: Nâng niu cuộc đời hết mình hay dày đạp cuộc đời hết mình trong từng khoảnh khắc sáng tạo bao giờ chẳng là hai mặt biểu hiện của cùng một thái độ thiết tha với cuộc đời đang thế, thiết tha với cuộc đời đáng lẽ phải…

   Như thế là nổi loạn? Nhà văn nổi loạn… Nhà văn phản kháng… Có đúng với tác giả này không? Cái danh này nghe cũng khá kêu và đáng tự hào. Mà cũng đáng thương, nếu xét lại hoàn cảnh nảy sinh lối định danh này trong văn chương đương đại Việt. Nhấn mạnh tính chất nổi loạn và từ đó khái quát thành phong cách sáng tạo của một tác giả thực ra chỉ làm nổi bật tính chất thiếu cởi mở, đóng kín, bưng bưng bít bít của không khí xã hội chính trị mà các nhà văn đang sống, đang phải thở ra hít vào, chưa chắc đã khái quát đúng bản chất của người nghệ sĩ được nói tới.

 Cái đích (không phải là duy nhất, nhưng là đầu tiên) với một nghệ sĩ thật sự là xác lập được, trong sự ngặt nghèo của các quy chuẩn nghệ thuật, riêng một gương mặt, và một cái tên. Không làm được thế thì mọi xúc động hổn hển về sứ mệnh nghệ sĩ của mình đều đâm bi hài. Có vẻ không chính xác lắm nếu nhét nhà văn này vào dòng văn chương nổi loạn. Mà, đã chắc có hẳn một dòng chữ nghĩa như thế trong văn chương Việt Nam đương đại?

 Bảo nhà văn này ngông, thì đúng quá, nhưng mà không đủ. Ngẫm cho kĩ, ngông như thế cũng chưa ăn ai, nếu đặt trong tương quan với nhiều tác giả khác, cùng thời, cùng giới. Như Trần thị Ngh., đơn cử.

  Toàn bộ phong cách của nhà văn này tựu lại và bùng ra trong khả năng phạm thượng. Nói khả năng phạm thượng là nói tới khả năng chống báng trong mọi hoàn cảnh sống, phụ thuộc trước hết vào căn cốt của chủ thể sáng tạo. Tất cả các tác phẩm của tác giả này đều bộc lộ tinh thần phạm thượng và tinh thần này được đẩy tới cực điểm nhờ thói/ lối báng nhạo độc địa đến thành báng bổ. Cho trí thức Việt Nam trầm tư trước vấn đề nan giải lấy tủ hay không lấy tủ thì thật là chưa thấy ai từng. Bao nhiêu giá trị từng được xác lập và tin tưởng đều bị nhà văn đem ra đong đếm lại, và nếu cần, và nếu có thể, thì tung hê. Dù viết theo lối ảo hay thực, dù viết về tình yêu hay cái tưởng là tình yêu, dù viết về tình dục hay mới chỉ là những ám ảnh nhục cảm, dù viết về đời sống nơi xó chợ đầu đường, tỉnh hay quê hay thói thủ dâm trong nhận thức của con người, của cái giới chung chiêng thích độc quyền tri thức… thì mọi tác phẩm nhà văn này viết vẫn là đưa người đọc tới chỗ phải tự giải hoặc cho mình. Chìm đắm vật vờ trong huyền thoại thực ra cũng làm cho đời sống có vẻ nhẹ nhàng đi. Lôi tuột người ta ra khỏi thế giới tế nhị này, bắt người ta đối diện với những điều mà, do tính chất cụ thể đậm đặc, ngôn ngữ Việt đầy ự song khi đi vào văn chương thì lại cực kì rón rén và can đảm tự thiến không rên, tác giả đã phạm cấm liên tục. Tôi nghĩ không phải do nổi loạn, do ngông mà tác giả này ăn đòn nhiều đến thế. Tội tình bao nhiêu cũng chỉ vì đã phạm thượng, đã nhạo báng không thương xót những giá trị đời sống mà có lẽ chính mình cũng từng có thời ấp iu và thiên hạ chưa dám hay không muốn dứt bỏ, một cách cực kì tự tin. Đằng sau sự tự tin kia là thái độ can đảm hiếm thấy. Chống báng một chế độ chính trị liệu có đòi hỏi nhiều can đảm hơn việc chống báng lại một trật tự văn hóa xã hội đã thành khế ước với người đời như thế này? Phủ nhận ước lệ xã hội yêu cầu một khả năng không phải ai cũng có: dám phủ nhận chính mình.

  Có gì là ngoại lai, vong bản, con hoang của văn chương nước nhà? Như một vài nhà phê bình chiến sĩ đã kết án tác phẩm, và nhân thể đi xa hơn, kết án luôn tác giả, dù, đúng thế, tư duy ngôn ngữ của nhà văn này, xét ở góc độ cấu trúc ngữ pháp ngữ nghĩa, chẳng giống ai, chỉ giống tây. Nhìn tận gốc rễ, mọi tác phẩm của tác giả này đều mang tính luận đề, đều chở đạo. Có điều đó không phải là cái đạo thường trú từ đời nọ qua đời kia trong tinh thần Việt. Thói quen thưởng thức nghệ thuật được bảo hành bao đời nay dã làm khó chúng ta, gây ở chúng ta cơn choáng phản vệ tai hại trước sức công phá của người viết này. Than vãn rền rĩ bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra như bà cung nữ xưa của Ôn Như Hầu thì được. Khóc mếu lướt mướt như chị chinh phụ của mấy cụ ông cụ bà Đặng Trần Đoàn Thị Phan Huy thì được. Quẫy đùng đùng chửi xéo chửi đổng nhưng lại vẫn thở dài chong mắt nuốt tủi lúc đêm hôm như bà / cô Hồ Xuân H ương thì được. Lại còn hay nữa. Vì còn để cho đàn ông thấy họ được kêu cầu níu kéo. Vì còn dành chỗ cho người đời được bày tỏ năng lực xót thương. Đằng này, lối đâu, lại mang tất cả ra mà xỉa xói, nhiếc móc, đay nghiến mãi nỗi thẹn của người đời. Mảng hiện thực chủ yếu, được bao quát soi xét nhiều nhất trong tác phẩm của tác giả này là đời sống tâm linh của trí thức Việt. Nhưng với phong cách hoàn toàn khác với một tác giả một thời cũng thường xuyên lách bút vào từng nếp nghĩ suy của trí thức. Người trí thức của ông đáng thương và thê thảm, trong ý thức về sứ mệnh của chính giới mình. Ông, trong khi trách móc, đã phủ lên người trí thức của mình một nỗi buồn xót xa và nồng ấm. Đến nỗi có thể thấy ngay rằng giới này dầu tài sản chỉ là một đời thừa vẫn là gần như tất cả ao ước mệt mỏi và buồn nản về cuộc sống của ông. Còn ở tác giả hay bị đay nghiến ngược này thì khác. Toàn bộ giới được đời sống phong là trí thức theo cái quan niệm đã được thừa nhận đến mức gần như có thể coi là tiên đề đều đáng khinh, đều không đáng và không thể trông chờ gì. Xuất hiện gần như đồng thời với tác giả này có một nhà văn viết như phang như chặt về cái Ác, mà tôi mê lắm lắm. Cái Ác hiển hiện trong văn chương của ông ta trụi thùi lụi, không thêm một nét vờn hư ảo nào bằng tính từ, và bên trên cái Ác bị phanh lọc, là chất thơ giàu sang trong khát vọng về cái Thiện. Tác giả mà tôi nói tới ở đây hướng toàn bộ sự hằn học của mình vào cái Xấu, phỉ báng cái Xấu với sức mạnh của khát vọng về cái Đẹp bằng trùm trùm lợp lợp những so sánh bất ngờ, buồn thay là hoàn toàn chính xác. Trong cảm hứng về cái Xấu của văn chương Việt Nam đương đại, chưa từng thấy ai trường hơi đến thế, xỏ xiên điêu ngoa đến thế. Người đời ghét và sợ cái Ác, và chấp nhận tác phẩm viết về cái Ác trong sự yên tâm không phải ai, hoặc là mình, cũng là nơi di trú của nó. Nhưng mà cái Xấu? Phải chăng đây là căn nguyên nỗi hậm hực cực khoái của đông đảo người đọc khi tới với tác phẩm của tác giả này.

  Vậy thì phải tự cắt nghĩa. Tiện nhất và yên ổn nhất là quy tuốt mọi lí do vào tác giả. Ở tác giả dung chứa nhiều ẩn ức? Thì sao! Không có ẩn ức thì làm sao có những xung động cần thiết để duy trì sáng tạo. Cần thiết hơn sự phỏng đoán, soi mói, quy kết khá là phổ biến hiện nay trong khi phê bình: Khám phá cho được những ẩn ức đã đưa người viết đi xa thế dọc đường chữ nghĩa.

 Đường sáng tạo trong một nghĩa nào đó là đường sang Tây Trúc, là đường của con khỉ hàm sinh từ đá, là đường vừa đi vừa mở, đi, không thể quay lại. Đường sáng tạo không hẳn là do đi mãi vẹt ra mà thành. Trên con đường ấy, người đi không thể quẳng phứt đi gói kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm nghệ thuật, kinh nghiệm sống còn đã được hay tự nhồi nhét trước đó. Cần hơn: tạo trong mình những phản ứng trên cơ sở những xúc tác ngẫu nhiên do đời sống đưa lại để biến đổi toàn bộ các kinh nghiệm vô cơ kia thành hữu cơ, chuyển nó từ cõi ý thức được vào vô thức. Ý thức dưới dạng vô thức, khi hiển hiện lại trong tác phẩm, bao giờ cũng làm phát lộ những vệt sáng khác thường về tác giả. Và ở tác giả này, cách phát lộ thật ấn tượng. Tôi nhiều lúc choáng váng rồi mới khoái chí nổi vì khả năng ngôn từ đặc biệt ngược ngạo của nhà văn này. Tác phẩm nào cũng giàu có ẩn dụ, và các ẩn dụ nghệ thuật không bao giờ trượt qua địa hạt của những ám chỉ mọn. Đạo chữ, phận chữ là chỗ này đây.

 *

 Trong văn chương, chọn lối diễn dịch một luận đề là đồng nghĩa với xác lập một tư thế chính trị hay đạo đức, là đồng thời phải chọn luôn một lối viết xông thẳng ra phía trước mà thuyết giảng. Mà thế thì phải chịu trận là cái chắc, lại dễ hớ. Nhưng mà, đừng đòi hỏi nhau nhiều thế, thưa bạn đọc và thưa tôi. Đừng đòi nhau cái gì cũng phải biết và đã nói hay viết là phải nói hay viết lời tiên tri. Ai chẳng có một vài cái lỗ hổng tri thức cả đời không lấp nổi. Vấn đề nghiêm trọng thật, nhưng may, sự nghiêm trọng lại không ở đấy. Điều cốt yếu là làm sao bồi đắp và hàm giữ được bản chất của người nghệ sĩ trí thức: muốn học nghĩ học cảm cả đời để lấp đi những cái lỗ hổng kiểu đó cứ liên tục xuất hiện trước mình, hành mình, không để mình yên tâm già.

   Nếu nhìn vấn đề như thế, nếu đọc không bằng thiên kiến và vốn liếng thu nhận qua đồn thổi, sẽ tới được cái tâm lành của tác giả và có lẽ sẽ tránh được chuyện bắt bẻ nhau trên từng câu chữ chăng! Cái chuyện thách đối chẳng hẳn lúc nào cũng là bằng chứng của sự thông tuệ. Văn chương Việt hơi bị thừa rồi. Cứ so tra với nhau, vặn vẹo nhau từng chữ một như thế không chừng mắc bệnh thủ dâm trong sáng tạo và thưởng thức sáng tạo lúc nào không biết. Tranh luận trí thức về quá trình nhận thức và sáng tạo chẳng lẽ lại phải độn món cãi nhau vặt gia thêm thông thái ấy hay sao!

 Tôi đọc mọi ấn phẩm của tác giả này không phải một lần. Thực đúng là văn chương ớt hiểm ngâm măng, không thể bắt chước như nhiều người tưởng bở. Sau tất cả những hoang mang, bực dọc, phiền muộn, xót xa mà ngôn từ của nhà văn này đưa lại, cứ có cảm giác thật ra tác giả muốn ngửa mặt nhìn trời nhiều hơn là hục hặc với đời. Bắt chước lối phong danh sũng sĩnh của chữ nghĩa bây giờ, có thể gọi cái mẹ năm mươi một trăm năm chỉ một này là thiên sứ không thể về trời, thiên sứ bị trời đày, đúng hơn, được chăng?

       Không chừng lại là xúc phạm từ người đọc tới người viết. Thôi cứ gọi chị là nhà văn, trong nghĩa tuyệt diệu nhất của danh từ này. Danh từ này không có giống.

4. 2002 Limburg

4. 1014 Berlin

 

Tác giả gửi Văn Việt

 

Comments are closed.