Chiến tranh dưới ngòi bút Thảo Trường

Nguyễn Lệ Uyên

 

“Chiến tranh hả?

Chiến tranh là cái c. chó gì”.

(Thảo Trường)

clip_image002Thảo Trường vĩnh biệt chúng ta ở tuổi 74 với 14 tác phẩm xuất bản tại Việt Nam và 8 ở Hoa Kỳ. Không phải với số lượng tác phẩm như vậy, hay việc ông bị tù đày 17 năm (không có bản án), từ Nam ra Bắc khiến tên tuổi Thảo Trường nổi tiếng trên văn đàn, mà hơn hết, ngay từ những tác phẩm đầu tay và cách ông chọn lựa thái độ và trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc chiến tranh tương tàn đã làm cho những người trong và ngoài cuộc chú ý rồi.

Khởi đầu là những truyện ngắn đầu tay đăng trên tạp chí Sáng tạo (Hương gió lướt đi, Làm quen…) đầu thập niên 60, sau đó tiếp tục là tập truyện Thử lửa, nhưng phải đến Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, Cánh đồng đã mất, Chạy trốn… thì cái tên Thảo Trường mới khẳng định được vị trí của ông trên văn đàn miền Nam, nhưng đồng thời cũng gây nhiều dư luận đa chiều.

Nói đa chiều bởi độc giả cứ nghĩ ông có truyện khởi đăng từ Sáng tạo, có nghĩa ông ở trong nhóm Sáng tạo, mà Sáng tạo, nói theo cách nói của Mai Thảo thì ở đó là mảnh đất mở đầu, khai phá cho “một nền nghệ thuật mới” và rồi hô hào, khoa trương: “Chất nổ ném vào, cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu…” (Mai Thảo, Đứng về phía cái mới). Cái “đã bắt đầu” kia, thật ra phương Tây đã bắt đầu từ rất lâu rồi! Nếu cố tình sắp xếp cho ông khuynh hướng ấy, thì có vẻ như đẩy ông trở thành một người cô đơn giữa những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp… bởi ngôn ngữ văn chương của ông không mang tính đặc thù của dòng văn học này; thứ đến cách chọn lựa đề tài, xây dựng các nhân vật chưa hề thấy sự buồn nôn, mệt mỏi, chán chường muốn phá vỡ đập nát tất cả những gì đang có trước mặt, như là một mệnh đề khởi đầu cho cuộc cách mạng cho đời sống xã hội và văn chương, tức đứng về phía cái mới.

Sự xuất hiện của Thảo Trường bằng truyện ngắn đầu tay trên Sáng tạo chỉ là con đò giúp ông qua sông, đến với văn học miền Nam. Vì sau này, khi bút lực của ông đến độ chín muồi, chúng ta lại thấy truyện của ông đăng tải trên các tạp chí xếp vào loại dấn thân, thậm chí là đối lập, như Hành trình, Đất nước, Trình bầy… Sau này Cao Huy Khanh trong loạt bài Sơ thảo văn học Miền Nam, đã xếp Thảo Trường vào khuynh hướng những nhà văn dấn thân. Rất tiếc tập Sơ thảo này vừa lên khuôn chưa kịp in thì miền Nam bị ngã gục, khuôn chì bị vứt xó, sách báo bị tịch thu sạch sẽ…

*

Khi nghe tin ông từ trần, một chút bàng hoàng lẫn xót xa cho thân phận những người cầm bút trước năm 75 với đầy dẫy những khổ lụy trong đời sống văn học không trọn vẹn.

Và lúc này, khi nhóm chủ trương Thư quán bản thảo thực hiện số báo tưởng niệm ông, chúng tôi phải lục tung những thùng sách báo cũ may mắn còn giữ được. Nhưng hỡi ơi, sự giữ gìn ấy cũng không thật đầy đủ, bởi sau ngày đen tối kia, sách báo đều bị tịch thu. Tịch thu và mang đi đốt, nhóm lửa! Những Thử lửa, Cát, Vuốt mắt, Người khách lạ trên quê hương, Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp… trong tủ sách gia đình cũng chung số phận hẩm hiu đó, để lúc này, ngồi viết về ông, chỉ còn duy nhất tập Cánh đồng đã mất do nguyệt san Tân Văn số 34 xuất bản tháng 2 năm 1971, nhưng bìa đã mất, chỉ còn lại phần ruột. Đó là sự may mắn cuối cùng. Thôi thì xin ông, dưới suối vàng hay trên thiên đàng, hãy tha thứ cho kẻ hậu sinh, khi trong tay chỉ có: Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp (tải trên mạng) và Cánh đồng đã mất. Đọc và ngẫm nghĩ những gì ông đã viết trong đó như để thắp một nén nhang thương tiếc ông, như lúc sinh thời ông đã từng.

Bối cảnh trong Cánh đồng đã mất là một vùng đất hoang với cỏ cây, lau lách và bông cỏ dại, trước kia được sử dụng làm bãi tập bắn. Còn lúc này khi nhân vật Hoán quay lại, sự hoang dã đã biến mất, thay vào đó là khu căn cứ quân sự phòng thủ của một đơn vị bộ binh. Với khoảng không gian này, Thảo Trường đã dẫn người đọc đến gần với chiến tranh hơn và chỉ có thể nhìn thấy từ một phía, trong cái nhìn thuần nhất và cách suy nghĩ của Hoán, của ông quân nhân già và đẩy ra xa chút nữa là khu vực oanh kích tự do với những hố bom to nhỏ đầy nước và nhiều cá, trở thành nguồn sống cho đám dân quê chạy giặc bên kia sông.

Nếu như chỉ đọc lướt, đọc để giải trí thì Cánh đồng đã mất “không có gì hấp dẫn” do kết cấu câu chuyện, đặc biệt là những mẩu đối thoại cố tình kéo dài để khắc họa, hoặc dẫn giải những suy nghĩ, những tâm trạng nhân vật, hoặc đưa đẩy để giải thích dẫn dắt câu chuyện. Nhưng nếu ta loại bỏ tính thị hiếu giải trí, thì Cánh đồng đã mất phần nào phơi bày được một góc nhỏ bộ mặt thật của cuộc chiến rất nhếch nhác này. Sự nhếch nhác đầu tiên mà Thảo Trường đưa ra là giữa con người và con người, đồng bào anh em với nhau nhưng không thể tin nhau: “Vui mà không dám vui trọn vẹn. Nói năng tiếp xúc với nhau mà lúc nào cũng phải giữ thế thủ, lúc nào cũng phải đề phòng. Trong hoàn cảnh này, chúng ta không còn được sống cái đời sống cởi mở như hồi xưa, chúng ta không còn dám tin vào niềm tin cũ… Đời sống chúng ta đã bị chi phối bởi vật chất và nhất là đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh xảo trá này… Trong hoàn cảnh hiện nay nhìn đâu chúng ta cũng thấy địch. Địch như bủa vây chung quanh ta, địch đôi khi luẩn quất ngay trong chính ta” (Cánh đồng đã mất, tr. 26).

Sự bình yên đã bị vỡ bung. Tất cả đã bị xới tung lên đến nỗi khi ngồi với một cô gái trong hội quán của căn cứ, Hoán cũng tự đặt ra những giả định, những nghi ngờ, gọi là cần thiết “để phòng thủ” trong lúc chuyện trò tâm sự, bởi kẻ ngồi trước mặt là một người hoàn toàn xa lạ để Hoán có thể liên tiếp đặt ra những câu hỏi không có lối ra. Điều gì đã khiến nỗi hoài nghi kia ngày cứ một lớn dần trong đầu óc Hoán, đến nỗi người bạn của anh gọi đó là sự “bệnh hoạn”? Nếu như kẻ địch không phải là người anh em với nhau, cùng dòng máu, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán… thì hẳn sẽ không dẫn đến cách hành xử từ những suy nghĩ được gọi tên là “bệnh hoạn”. Khốn nỗi, kẻ địch lại chính là đồng bào ta, anh em ta, khởi đi từ trăm trứng và phải chịu hệ quả bi thảm khi năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển, chia cắt tình cảm ruột thịt một cách dứt khoát từ một bào thai. Cái huyền sử “khốn nạn” đó như một mệnh đề tiên thiên của máu me chảy hoài hoài trên đất nước này từ ngày lập quốc. Số năm tháng anh em trong nhà đánh nhau đến vỡ đầu cũng gần bằng với khoảng thời gian chung lưng lại đánh đuổi ngoại xâm: “Làm sao chúng ta có thể phân biệt được ai là ai. Sự bi đát là ở chỗ đó. Vậy mà chúng ta vẫn phải đối xử với nhau. Biết rồi có ngày chúng ta sẽ như chó với mèo” (Sđd, tr. 29).

Nhân vật Hoán cũng chỉ là một thanh niên bình thường như bao thanh niên khác cùng thế hệ. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy sóng gió này, trong giai đoạn bắt buộc phải lên đường cầm súng “bảo vệ đất nước” và bên kia thì cũng vậy, với một chủ đích rõ rệt đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước dưới sự điều khiển của “ngoại bang” đứng từ đằng xa. Làm thế nào để giải quyết cuộc chiến nhục nhằn này, và theo Hoán: “Bên này phải nêu rõ lên cái tính chất của cuộc chiến từ năm 1954 đến năm 1960 và tiếp tục đến bây giờ. Phải phân định rõ ràng ra được cái tình trạng đó, cái giới hạn đó. Phải nêu rõ cái chiến thắng mà bên này muốn đạt được là duy trì tình trạng phân định trước kia giữa hai bên. Và hai bên phải cố duy trì được cái tính cách dân tộc trong phe mình, tránh khỏi sự chi phối của ngoại bang, phát triển cái xã hội trong phần kiểm soát của mình để tiến tới thống nhất đất nước” (Sđd, tr. 17, 18).

Khốn thay, cái ý tưởng rất nhân bản của Hoán để giải quyết cuộc chiến nhì nhằng, vì quyền lợi cá nhân, quyền bính và bạo lực nên chẳng ai muốn ngồi lại trên căn bản dân tộc, nhân bản. Và vì vậy, thế hệ anh ở hai đầu lằn ranh lại tiếp tục cầm súng của “ngoại bang” cố sống chết bắn vào nhau, bên này và bên kia cố đẩy nhau vào bờ vực tử sinh.

Mà không phải chỉ có thế hệ Hoán không thôi, đến cả ông già trong căn cứ đã từng tham gia trận Điên Biên Phủ, nay vẫn phải tiếp tục cầm súng như một bổn phận và trách nhiệm, đến nỗi khi nghe Hoán buột miệng triết lý về chiến tranh: “Cuộc chiến tranh này khó lắm. Không bình tĩnh kiên trì là thua ạ. Cụ có thấy là cuộc chiến ở nước ta đặc biệt không?”, thì ông quân nhân già liền đập lại: “Tao đánh giặc cả mấy chục năm nay cũng chưa dám bàn tới, chú mày mới thử có vài ly rượu đã dám vơ cả vào mình. Chiến tranh hả? Chiến tranh là cái c. chó gì ” (Sđd, tr. 71).

Thế hệ trước thì già nua mệt mỏi. Thế hệ sau thì chán nản, bất lực, không còn tin vào bất cứ điều gì, ngay cả thứ “ngoại bang” tận tụy mang xương thịt tiền bạc khí tài đến cũng là của giả nhân giả nghĩa. Nhân vật Hoán của Thảo Trường đã nhổ toẹt vào sự giúp đỡ bỉ ổi đó: “Bộ cứ của Mỹ là không giả sao. Mẹ cóc! Ông có vẻ tin tưởng vào mấy thằng cha đó hơi nhiều. Ông có biết không, Mỹ nó làm được… người giả nữa là rượu […] Tụi nó văn minh lắm. Nó có thể chế ra được bất cứ cái gì. Nó có thể chế ra người máy, vệ tinh, phi thuyền, mà nó lại còn có thể chế ra tự do, dân chủ, độc lập. Nó chế ra được hết. Nó có thể chế ra được nó nữa. Hà hà, ông già thấy kinh chưa. Ông đừng có tin ở tụi nó kỹ quá, có ngày nó chế ra được ông đấy” (Sđd, tr. 72, 73).

Không rõ, khi để nhân vật của mình thốt ra những câu nói trên với một ông già đã trải qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu, có phải là một thông điệp của cả thế hệ phải gánh chịu những tai ách (nhân tai) gửi đến những kẻ cầm đầu hay chăng?

Trong Cánh đồng đã mất, Thảo Trường đã phác họa chân dung hai thế hệ cùng bước vào nơi chốn không lành lặn, bình yên. Tuổi trẻ thì sôi nổi, hối hả và hoài nghi, còn tuổi già như ông sĩ quan già trong căn cứ này trở thành nhân vật chai lì, cô đơn qua thời gian: “Rượu đã không còn có thể làm cho ông nôn mửa. Đàn bà cũng không còn có thể làm cho ông kêu lên rên rỉ kể cả cái giây phút chuyển sang. Ông bị cằn cỗi? Nhiều lần ông đã tự hỏi như vậy. Tuổi trẻ đã mất. Nhưng liệu tâm hồn ông đã mất mát hết chưa?”.

Ông không thể tham gia với đám trẻ trong hội quán qua những bước nhảy nhanh chậm trên sàn, không còn cái háo hức, rực lửa của tuổi trẻ để ôm chặt người bạn nhày trong vòng tay. Tất cả như đã biến mất khỏi cuộc đời, y như cánh đồng trước kia mênh mông màu xanh cỏ phủ tràn cùng những bông hoa dại rung rinh trước những cơn gió phất qua, nay đã biến mất. Mùi thơm của hoa cỏ đất trời đã biến dạng. Cánh đồng của sự bình yên đã méo mó, của hoa thơm, cỏ mượt xanh đã chìm lấp bên dưới những giao thông hào, vòng rào kẽm gai, như ông sĩ quan già đã bị lấy mất tuổi thanh xuân của chính mình, như tuổi trẻ của Hoán bất chợt đổi thay về số phận và khung cảnh: “Tôi đã… thơ thẩn trong những bụi cây lùm cỏ, tôi đã có lần thấy những bông hoa dại trên những lùm cỏ đó. Tôi đã nhìn ngắm bông hoa dại, đã ngắt nó cài lên nón. Đó là ngày xưa” (tr. 41).

Sự biến mất kia đâu chỉ mình ông già, người bạn, Hoán, hay Hoa, Tâm… những nhân vật trong truyện phải gánh chịu, mà hình như, mà chắc chắn như cho cả mọi chúng ta, khi mà cuộc sống bị xua đuổi đi sang một ngóc ngách khác, khi mà tất cả phải thụt lùi, chạy trốn khỏi những phát đạn nổ dã man trên khắp phần đất này. Thảo Trường đã vẽ nên sự phi lý ấy qua cảnh những người dân quì mọp xuống đất vái lạy chiếc trực thăng đang vòng vòng trên cao bằng những phát đạn nổ quanh họ: “Đạn đại liên trên máy bay tuôn xuống làm thành một vòng tròn xung quanh đám người. Những viên đạn cầy xuống ruộng nước bắn tung tóe. Đoàn người bên dưới sợ hãi, có người quì xuống bùn chắp tay lạy lên máy bay lia lịa. Mấy người Mỹ chỉ trỏ cười hô hố… Cuộc bắn dọa thật vô cùng dã man” (tr. 92). Đó là vùng đất bị khoanh tròn, là vùng oanh kích tự do, là nơi mà các phi vụ oanh kích ở những nơi khác chưa kịp ném hết bom, các phi công lượn đến và trút xuống những quả bom còn lại để đáp xuống phi trường an toàn. Đó là vùng đất chết. Là nơi mà người dân bị xua đuổi ra khỏi làng để cách ly với VC, đồng thời những hố bom đó, tiêu biểu cho sự chết chóc lại là nơi đang nuôi sống họ: “Cá nhiều lắm. Ở các hố bom của các ông đó. Các hố bom lớn lắm. Lớn bằng cái ao lận. Nước đọng lâu ngày có rất nhiều cá. Chúng tôi đi tát nước bắt cá ở các hố trong vùng này” (tr. 97).

Cái chiến tuyến giữa ta và địch không rạch ròi, không có ranh giới nhất định. Ngày là của bên này và đêm là của bên kia. Hôm nay là đất của phe địch và mai kia lại thuộc về phe ta. Cảnh lộn xộn vất vưởng này cứ lặp đi lặp lại đến nỗi những kẻ nhân danh tự do dân chủ, mang cả tiền của máu xương đến “viện trợ” có lúc cũng phát khùng: “Người nước ông không tôn trọng thông cáo gì cả. Khu này đã có lệnh cấm từ lâu. Lệnh cấm đã được phổ biến rộng rãi. Họ không tôn trọng quân lệnh. Người nước anh chỉ làm khó cho quân đội. Người nước anh không có kỷ luật” (tr. 94). Còn người trong cuộc là Hoán khi nhìn thấy cảnh này cũng đâm ra cáu tức không kém: “Đ.m. các anh, đang nói mà các anh bắn như vậy hỏi còn làm c. gì nữa” (tr 95). Chỉ với một khoảnh khắc nhỏ ở một vùng đất nhỏ không tên tuổi, Thảo Trường đã đẩy lên tính cách bi hài của cuộc chiến bẩn thỉu này rồi, chỉ vì lãnh tụ của hai bên mượn tay ngoại bang dưới hình thức này hay hình thức khác, để phang vào đầu nhau cho đến khi nào giành được phần thắng về mình, cái mà họ kêu là chính nghĩa!? Sự bi thảm của cả dân tộc trong giai đoạn này, được ông gói gọn trong lời thoại của chị đàn bà: “Sống! Ai lại không muốn sống hả ông? Nhưng sống thì phải ăn chứ. Ruộng vườn tan hoang cả rồi, chúng tôi phải đi bắt cá. Bắt cá về bán mua gạo mà ăn. Ông có biết thế không?” (tr. 99). Hẳn nhiên nhân vật Hoán hiểu, hiểu rất rõ nhưng đành bất lực, bởi quyền hạn không nằm trong tay anh. Nhưng giả thử có nằm trong tay thì chắc Hoán cũng không thể làm được gì tốt đẹp cho nhân dân của anh đang bị mỗi phe phía xỏ dây dắt mũi chạy như trâu bò, nhắm mắt lao tới như lũ điên loạn!

Sự bất lực của tuổi trẻ, hoài vọng và mơ ước không thành, được Thảo Trường khép lại bằng cảnh Hoán đón chiếc xe ngựa trở ra thị trấn: “Hoán nhìn ông già và nhìn con ngựa. Cả hai đều cũ kỹ già nua như nhau. Con ngựa ỉa xuống đường mấy cục cứt úa vàng. Hoán thấy rõ bụng nó phải thót lại, hai chân sau hơi khuỵu xuống trong một động tác thật mệt nhọc.

Đoàn xe nhà binh vẫn chạy qua vẫn chưa hết” (tr. 125).

Truyện chấm dứt ở đó. Chấm dứt với nỗi mệt nhoài đầy đau khổ, thất vọng một cách thản nhiên!

*

Nhưng đến truyện ngắn Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp thì lại khác: Thảo Trường đã công khai bày tỏ thái độ của mình cho cả hai phe tham chiến với lối văn kể chuyện rất bình thản, dung dị mà đau mà thấm đẫm chất nhân văn qua từng nhân vật, phơi bày bộ mặt thật của chiến tranh một cách gớm ghiếc.

Con kinh nhỏ, thẳng tắp ở một quận lỵ nhỏ heo hút là khởi đầu câu chuyện được nhà văn mô tả: “nó èo ọt như một chiếc que đan”. Nhưng đọc đến cuối truyện thì con kinh đó lại giống như lưỡi gươm bén nhọn, xiên chết không chút xót thương đối với người dân vô tội, mà chị Tư như một biểu tượng cho cả dân tộc, cho hai đầu đất nước! (Nhiều lần tôi đã lặp đi lặp lại biểu tượng này trong các bài viết về những nhân vật nữ của Thế Uyên, Lữ Quỳnh, Y Uyên, Khuất Đẩu…)

Với những người đàn bà như chị Tư, hẳn không ai muốn xa lìa mái ấm gia đình niềm hạnh phúc bên chồng con. Khốn nỗi, dù có muốn hay không cũng không do chị chọn lựa. Sự chọn lựa là do kẻ khác, tập đoàn súng đạn khác, vượt ra khỏi ý thức và hành động của những người dân bình thường. Và đó cũng là nguyên nhân chính đẩy chị đi hết những bi thảm này đến những bi thảm khác, một cách nhục nhã. Hôm nay chị bị trùm lên lớp áo màu đỏ, ngày mai lại bị lột ra xỏ vào thân xác chị lớp màu sơn khác, quay mòng mòng như một con rối: “Chị Tư biết đến những tiếng: Tự Do, Dân Chủ, Ðộc Lập, Hạnh Phúc, Căm Thù, Ðả Ðảo… và nhiều tiếng nữa từ đó”. Và sau đó: “Chị đi làm ấp chiến lược, chị học tập chính trị “tam túc”, “tam giác” trong vòng đai kẽm gai và bờ đất”. Con rối nhân dân là chị Tư giờ bỗng dưng trở thành con người “toàn diện” tiêu biểu cho họng súng của hai phía, cứ đều đều khạc ra lửa: “Chị Tư lúc này đã trở nên một người biết tới hai chủ nghĩa: cộng sản và nhân vị. Chị có thể nói rất trôi chảy về những chủ nghĩa đó vì chị đã được nghe quá nhiều lần”.

Nỗi uẩn nhục của chị Tư càng ngày càng dày thêm lên, cao hơn lên cho tới khi đạt đến đỉnh điểm của khoái cảm lẫn nhục nhã, ê chề, đau đớn: “Thời gian này chị Tư quên đi mất hình ảnh anh Tư, vì chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn độn với anh binh sĩ truyền tin và “chú” em trai cán bộ. Chị giãy giụa trong những niềm hoan lạc tràn ngập đó. Cuối cùng, đến một hôm, cái thai trong bụng chị máy động. Cái máy động thứ nhất làm chị bàng hoàng. Chị tự hỏi “nó” là của ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin? Chị thẫn thờ cả người và chị muốn rời ngay cái chốn đó. Chị tự hỏi của ai? Chị muốn biết của ai? Cái thai của ai cũng được nhưng chị phải biết chắc là của người nào. Lúc này chị lại nghĩ tới anh Tư dữ dội. Và chị Tư bỏ dở công tác binh vận. Chị trở về căn nhà xiêu vẹo ở ven bờ kinh. Chị khóc ròng vì không biết cái thai của ai”.

Những giọt nước mắt của chị Tư, đồng thời cũng là tỉ tỉ giọt nước mắt của phụ nữ hai miền Nam Bắc trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, phải cắn răng chịu đựng, chỉ vì đó là nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó và phải hoàn thành. Và, vô hình trung, thân xác người phụ nữ trong tình cảnh này biến thành những trao đổi cho mưu đồ độc ác nhất, trở thành một phương tiện cho cái mục tiêu nhớp nhúa họ muốn đạt tới!

Những giọt nước mắt đó nói theo giọng văn học hiện thực xã hội là mang tính tố cáo. Tôi nghĩ, khi Thảo Trường cho những giọt nước mắt chảy ròng ròng, ông không hề đi theo khuynh hướng dòng văn học kia là kêu gào, tố cáo… mà hơn hết là phơi bày cái đằng sau nó (những giọt nước mắt), phơi bày bộ mặt thật của cuộc chiến tranh bẩn thỉu đến buồn mửa này!

Thân xác chị Tư hành động theo “lệnh”, nhưng có lúc chị cũng cảm thấy “chị quằn quại khoái lạc” khi ở bên dưới hai người đàn ông là hình bóng của hai kẻ thù đang đối đầu nhau. Lý giải cho những nhục cảm kia, hẳn chúng ta cũng có thể, phần nào cảm thông với thân phận của những chinh phụ thời đại. Đó là lẽ thường tình. Nhưng điều không bình thường ở đây là ước muốn nhỏ nhoi của người phụ nữ là muốn biết ai là người cha của cái bào thai kia, như một niềm hạnh phúc mong manh đã bị đánh mất từ mười năm về trước, chỉ còn lại là những hình bóng bảng lảng xa gần của người chồng vắng mặt, với những rung động thoi thóp chợt hiện chợt biến, không có hình dạng rõ ràng. Nhưng, ước mơ có thật, rất gần đó đã bị từ chối, bị xổ toẹt một cách phũ phàng: “Một hôm chị hỏi anh cán bộ cái thai trong bụng chị là con của ai, anh ta bảo là con của Ðảng”, rồi buộc chị phải lao tới, làm cái nhiệm vụ thi đua rất thiêng liêng kia là vác chiếc bụng chửa ì ạch leo lên cao treo khẩu hiệu, gài lựu đạn. Có vẻ như ở thời điểm này chị hài lòng về công việc được giao phó cho mình và đã hoàn thành, nhưng điều chị chưa hài lòng là tại sao anh du kích lại không thừa nhận cái bào thai trong bụng chị ở một cấp thấp, đồng đẳng với người đàn bà có mang, mà lại đẩy lên cao hơn với một hình tượng vô hình, không đầu, không chân tay, không hình hài? Nó là cái rỗng không to lớn không thể hình dung, nhưng đồng thời là cái nhỏ bé nhất, như một bóng ma lợn cợn trong lớp không khí bao quanh người! Chị đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rất uất ức bởi không thể nhận dạng rõ ràng bộ mặt thằng cha rất trừu tượng của cái bào thai dần hồi ngọ ngoạy trong bụng. Chị hài lòng về công việc của mình vừa xong, nhưng không hài lòng về bộ mặt trống không kia, khiến chị nổi khùng: “Chị Tư ứa nước mắt nhìn tấm bảng, nhìn anh ta, rồi chị dắt anh ta vào giường. Chị Tư đè ngửa anh cán bộ xuống rồi chị khóc nấc lên thành tiếng: “Tôi đây, tôi là của anh, nhà của tôi là của anh, cái bào thai này cũng là của anh. Nó phải là của anh!” Anh cán bộ ú ớ dưới ngực chị: “Nó là của Ðảng! Tất cả là của Ðảng!”.

Câu chuyện người đàn bà tên chị Tư được Thảo Trường đẩy lên thành cao trào như trên sân khấu kịch, khi người sĩ quan chỉ huy đơn vị hành quân đến vùng đất có con kinh thẳng tắp “èo ọt như chiếc que đan”. Nhà cửa vườn tược có đấy, những khẩu hiệu và lựu đạn cài trên cây có đấy. Và có đấy người đàn bà bắt đầu phải gánh chịu mọi hậu quả từ cái từ trừu tượng quái ác kia để lại. Chị phải đối mặt với kẻ thù của cái từ trừu tượng đó. Còn lại, những người bị chị “đè ngửa” thì biến mất, trốn khỏi nỗi sợ hãi to lớn trong chị. Người sĩ quan chỉ huy vừa là hung thần với chị trong buổi đối mặt ban đầu, nhưng lại trở thành ân nhân cứu sống mẹ con chị sau tai nạn bất ngờ do nỗi sợ hãi ùa tới. Người sĩ quan này cũng không tốt đẹp gì trong đời sống, vì chính miệng anh ta nói lên: “Lúc trở về căn nhà chị Tư, người sĩ quan lại sờ trán chị Tư, sờ trán đứa nhỏ và nói với mẹ con chị rằng có lẽ anh ta cũng đã có nhiều con nhưng không biết chúng ở đâu và chưa hề khai sinh cho đứa nào. Bèn khai sinh cho đứa nhỏ này mang dòng họ của mình”. Điều gì khiến người sĩ quan hành hạ chị buổi đầu, đã trở nên nhân ái hơn khi chính tay anh ta đỡ đẻ, chăm sóc mẹ con chị Tư? Lòng nhân ái chăng? Đạo đức truyền thống chăng? Hay tình máu mủ đồng bào trong cảnh ngộ khốn cùng khiến anh ta cảm động, thay đổi thái độ hành xử? Rất có thể là tất cả, mà cũng có thể là không chút nào. Duy nhất lay động tâm hồn anh ta, bản chất người trong anh ta trỗi dậy khi thấy hình hài bé nhỏ vẫn khỏe mạnh, nằm bên chị đàn bà chịu nhiều đau khổ. Đứa trẻ sơ sinh chính là sự khởi đầu cho lòng nhân ái của anh ta. Nó là ngọn lửa nhân ái, đầy tính người truyền qua người sĩ quan nọ.

Và chính đoạn cuối của truyện mới thật sự là thông điệp gửi tới, không phải cho cậu bé được mang dòng họ anh, mà cho tất cả, cho hai phía đối đầu trong cuộc chiến tanh tưởi này: “NHẮN TIN: Nhắn cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa, cậu khôn lớn (lời Nhắn Tin này chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên hai mươi tuổi), lúc đó tôi không biết cậu sống trong hoàn cảnh nào, trong một xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là, trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi biểu tình, trước khi đảo chánh, trước khi lật đổ, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh… nghĩa là trước khi quyết định làm một việc gì, xin cậu… chỉ xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ. Xin cậu hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế, vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng đội của tôi chết vì những thứ khẩu hiệu như cái khẩu hiệu Ðả Ðảo Ðế Quốc Mỹ” ấy”.

Có lẽ, đây là thiên truyện viết về chiến tranh hay nhất của Thảo Trường, tôi nghĩ vậy.

Viết về Thảo Trường, nhà phê bình Đặng Tiến đã có nhận xét: “Bút pháp linh hoạt: tả cảnh tù tội thì gay cấn, bi đát; cảnh xã hội Việt Nam mới ly kỳ, cay đắng; cảnh sống nước ngoài dí dỏm, hoạt kê. Thảo Trường hậu chiến tranh, hậu lao cải, là nhà văn đều tay và điệu nghệ. Nhưng nhìn chung, những truyện ngắn về các trại giam, tích lũy lâu, là hàm súc nhất; chưa kể chúng làm chứng từ chân chính cho một thời đại”. (http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=2018)

Cảm ơn ông và mong mấy dòng ngắn ngủi trong thông điệp ông gửi đi sẽ lay động được những cái đầu khô khốc, đầy máu lửa. Và như vậy ông đã nhìn thấy sự thành công của mình từ thế giới bên kia. Và sau hết, tôi mới hiểu tại sao ông, dù không bị chính quyền miền Nam thời đó làm tình làm tội, nhưng có cái nhìn kém thân thiện về ngòi bút của ông, cũng như tại sao ông lại phải chịu tù đày 17 năm dài từ Nam ra Bắc. Bởi vì ông, Thảo Trường là một nhà văn trung thực!

(9/2010)

(trích Thư quán bản thảo (số đặc biệt Tưởng nhớ Thảo Trường) số 44 tháng 11/2010)

Comments are closed.