"Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu"

Lê Như Bình

 

Tác giả Chu Giang vừa cho công bố trên Văn Nghệ TP HCM bài Kiểm dịch Trần Đình Sử [1]. Bài khá dài, tập trung vào chê trách GS. Trần về những vấn đề lí thuyết văn hóa, văn học chuyên sâu.

Đáng tiếc là, đọc xong khoảng 6 trang A4, người ta nhận ra ngay một cái tâm đáng ngờ, cái trí khó tin, với một giọng điệu thật khó chấp nhận. Sau đây, xin được giải bày mấy ý nghĩ:

1- Chu Giang kể lể hàng loạt “bệnh” của GS. Trần: Nào là dám khẳng định con người Việt Nam trong văn học cách mạng là con người chính trị, con người giai cấp; dám đề cao đối thoại, tranh luận trong việc tìm chân lí; lại ngang nhiên coi sai sót của bản thân là chuyện thường tình; nhà nghiên cứu mà chỉ diễn giải lại (chữ nghĩa của người khác), đã thế còn chọn Bakhtin, một tay đại bịp, để diễn giải, lại diễn giải rất sai.

Ghê gớm như thế, nhưng tôi dám chắc Chu Giang chẳng đọc gì của GS Trần Đình Sử. Chưa nói đến hàng chục công trình mà muốn thấy hết phải ngước mắt nhìn lên, ngay cuốn sách mới nhất [2] (2014) gần 500 trang của GS. Trần, bàn về một hệ thống nhiều vấn đề lí luận văn học lớn, chuyên sâu, với 3 phần chính, 25 mục, hàng trăm tiểu mục (trong đó có cả lí luận văn học Marxist), mà Chu Giang chọn, cũng chỉ sơ qua vẻn vẹn có mấy dòng trong 6 trang (8, 9, 308, 309, 314, 315). Thế là kết luận. Thế là tức tốc, tấu trình lên tận kinh đô.

Điều lạ là người kiểm dịch không giấu diếm việc đọc sách theo kiểu “sờ voi” này. Ông khoe với độc giả: Không rõ… trước tác của Giáo sư như thế nào, vì tôi chưa có hân hạnh được tiếp cận / Nay xin kiểm dịch sơ qua quyển Trên đường

Qua quýt, phiến diện, sờ được cái vòi tưởng voi là con đỉa, chẳng đo chẳng đếm, mà dám cao giọng chê bai, coi thiên hạ như cỏ rác, thử hỏi Chu Giang là nhà khoa học loại gì đây?

2- Chu Giang kết tội GS. Trần: đề cao tranh luận khoa học, đề cao đối thoại, trong việc tìm chân lí và động lực phát triển xã hội. Bằng cách trích mấy câu của GS: Chân lý nằm trong đối thoại và chỉ qua đối thoại mới được mọi người thừa nhận. / Chúng ta thiếu vắng các cuộc tranh luận khoa học thực sự… / cho nên xã hội, văn hóaít phát triển”, rồi phán: Chỗ này mà dám biện luận với Giáo sư thì hóa ra dạy chân dài vén áo. / Qua đối thoại mà có được chân lý thì Giáo sư thua xa các chị em trên chợ Đồng Xuân.

Chuyện hiệu quả tác dụng của đối thoại, tranh luận đã ngã ngũ từ thời cổ đại. Nó là giá trị văn hóa của thế giới văn minh. Nó tránh cho loài người phải đổ xương đổ máu. Không có đối thoại, hai miền Triều Tiên vừa rồi thành tro rồi còn gì. Không có đối thoại, người Hy Lạp đến ngày vỡ nợ, lấy cháo đâu mà ăn… Tổng thống Putin hàng năm đều đối thoại trực tuyến với mọi người dân đấy thôi,… Chỉ có ở ta, chuyện đối thoại, tranh luận khoa học mới hay bị quên. Và hệ lụy như thế nào chắc ai cũng biết. Còn nhỏ, cả 12 năm học ở trường phổ thông, chỉ độc mình thầy diễn giảng, còn trò thì cúi đầu cúi cổ ghi chép. Để rồi lớn lên, đứa trẻ hóa thành “con cừu”, khi phải kiếm ăn thì ngơ ngơ ngác ngác, khi bất đồng, kể cả với người ruột thịt, người yêu dấu, chẳng biết đối thoại bằng lời nói, chỉ còn một cách là vung dao kiếm. Và chắc ai cũng biết cuộc đại cải cách giáo dục lần này của ta cũng chỉ là xóa bỏ văn hóa độc diễn, độc quyền chân lí, để cung cấp cho con người khả năng xử lí các mối xung đột bằng đối thoại.

Nhắc nhở văn hóa đối thoại là một việc rất nên làm, rất đáng làm, rất thời sự. Thế mà, lại giãy nảy lên, thì thật lạ. Trong khi tỏ ra buồn lòng vì những hành động đổ máu của giới trẻ, khẩn thiết yêu cầu nhà trường và các thầy nên xem lại sự giáo dục, mà lại to tiếng phủ nhận đối thoại, tranh luận. Ai dám tin cái “ưu thời, mẫn thế” ấy? Có gì mập mờ, đánh lận ở đây chăng?

Không dám chắc như vậy, nhưng điều này thì tin: Chu Giang rất mù mờ về phạm trù đối thoại. Sự khẳng định như đinh đóng cột: Qua đối thoại mà có được chân lý thìthua xa các chị em trên chợ Đồng Xuân, cho thấy ông này này đã nhầm lẫn đối thoại với cãi vã. Một đàng là biết lắng nghe, biết bày tỏ để người khác hiểu và biết hiểu người khác. Một đàng là to tiếng, chặn họng, bất chấp lí lẽ, mồm hét, mắt trợn, thổi phồng uy lực để ép đối phương sợ hãi mà khuất phục. Một đàng là văn minh, là khoa học, là con người, là hai bên cùng thắng cùng tồn tại. Còn đàng kia là bợm bãi, là hoang dã cầm thú, là một mất một còn. Đối thoại, tranh luận khoa học là thúc đẩy xã hội phát triển. Cãi vã là để cho phi lí bất công thắng thế, là kéo lùi, là đưa xã hội đến bờ vực xung đột, chiến tranh. Văn sĩ trí thức, bộ óc của xã hội mà nhầm lẫn, mà mù mờ thì nguy hại lắm lắm, dân tình biết trông đợi vào đâu, thưa “học giả” Chu Giang?

3- Một chuyện lạ nữa là Chu Giang chụp cho nhà bác học Bakhtin cái mũ đại bịp, chống Mác quyết liệt, tư cách học thuậtkhông hoặc chưa đáng tin. Mà độc nhất chỉ vin vào mỗi một ý kiến của Ngô Tự Lập. Mặc dù cũng cố che đậy sự thiếu tự tin, bằng những câu chữ lấp lửng: có nhiều khả năng là… / Tuy nhiên,… Biết đâu là ngược lại.

Hình như cái thời, độc quyền kiến thức đã hết. Chỉ vài cái nhấn chuột, sự che đậy trở thành lố bịch. Người đọc dễ dàng đọc hàng loạt bài về Bakhtin, và cũng không thể không nghi vấn: Người viết những cuốn sách như Thi pháp tiểu thuyết Dostoevski, Sáng tác của François Rabelais với văn hóa dân gian Trung đại và Phục hưng, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ… lừng danh ở chính quê hương mình, cũng như khắp các nước văn minh, mà đại bịp ư? Hay cái người chụp mũ là ngụy biện là đại bịp đây?

Còn chuyện kết tội Bakhtin chống Mác quyết liệt mà chẳng cần lí lẽ dẫn chứng gì, lại thêm một trò khôi hài nữa. Mà Mác nào đây? Mác chỉ có một ông, nhưng Mác-xít thì có nhiều loại lắm: Mác – Lênin, Mác – Stalin, Mác – Mao Trạch Đông,… Thậm chí, diện chủng Pol-pot trước đây cũng xưng Mác-xít đấy thôi! Cho nên, bao nhiên người tử tế trên thế gian này,… đã thành hồn ma vì bị vấy cho cái hơi hướng chống Mác. Phê sai lầm của Stalin bị đánh đồng với việc chống chế độ xã hội chủ nghĩa, thế là hàng loạt nhà khoa học rất có uy tín, kể cả ủy viên bộ chính trị phải tù đày. Phàn nàn Mao Chủ tịch hả, theo bọn xét lại Mác-xít rồi, tù mọt gông nhé! Có ý không nghe Kim Jong-un, à chống cách mạng vô sản nhé. Bắn!… Sự nhầm lẫn cố ý ấy khiến cho trên thế giới diễn đi diễn lại cảnh nồi da nấu thịt hết sức thương tâm. Trong bài Kiểm dịch của Chu Giang, dường như có tiếng hít hà, cố tìm cái hơi hướng chết người ấy. Tội nghiệp cho Mác tiên sinh vĩ đại, Người nhiều lần bị bắt làm con tin, che chắn không công cho cái ác.

4- Chính vì vậy mà Chu Giang đã và đang suy diễn dối trá về sự nguy hại xã hội trong chuyện trung tâm, ngoại biên.

Nhưng cách suy diễn còn vụng về, và nhiều lỗi lắm! Trong bài tập làm văn, chỗ nào học sinh mắc lỗi phán đoán mà không dẫn chứng minh, thầy giáo thường gạch dưới và phê dấu chấm hỏi ngoài lề. Bài viết của Chu Giang có kha khá dấu chấm hỏi như vậy. Vì người viết rất coi thường người đọc, cứ vung mạng bất chấp chứng cứ. Vừa phán: GS Trần diễn giải rất sai về Bakhtin. Chẳng thèm giải thích, đã quay ngoắt sang một phán đoán khác: vận dụng lí thuyết sinh học vào xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa,… là sai lầm. Khổ nỗi, chỗ này, học giả Chu Giang lại tự phơi ra một khoảng trống triết học rất sơ đẳng. Từ mấy ngàn năm trước, người cổ đại đã biết quy luật tương thông trong vũ trụ. Vạn vật, cũng như con người, muôn màu vẻ, nhưng thống nhất vận hành theo những quy luật chung. Một trong những lí do khiến cho triết học Mác vĩ đại, là học thuyết này biết vận dụng lí thuyết sinh học vào lĩnh vực nghiên cứu xã hội: Thuyết tế bào của hai nhà bác học Đức, M. J. Schleiden và T. Schwann, thuyết tiến hóa của nhà tự nhiên học người Anh, Ch. R. Darwin. Ấy thế mà nhà Mác-xít Chu Giang lại đang ra sức phủ nhận sự vận dụng tuyệt vời này của Mác. Không biết ai chống Mác quyết liệt đây nhỉ?

La lối là vậy, nhưng tôi dám cá rằng Chu Giang chẳng giải thích nổi có mưu đồ chống chủ nghĩa Mác là gì. Cũng như loại lang băm thấy cái chổi lông gà liền nhất quyết: người bệnh mới ăn thịt gà. Thấy người ta nói giải là suy ra phá, chống, rồi từ đó ra phá hoại, lật đổ thể chế, chính quyền, xã hội. Nguồn cơn là cách hiểu rất sai về Mác. Vì nếu Bakhtin chế ra lí thuyết lật đổ, thì phải là học trò của Mác chứ, sao lại chống ông thầy của mình. Mác vốn là một lý thuyết gia vĩ đại về lật đổ chế độ phong kiến ngàn năm, tư bản trăm năm. Bakhtin không được vinh hạnh như thế đâu. Nhà Bakhtin có lông gà không thể vội vã quy ông là ăn thịt gà được.

Nếu đọc đủ 13 trang sách mà GS Trần viết [3] về ngoại biên hóa (chuyện liên quan đến ông M. Bakhtin, bên Nga) thì chẳng đến nỗi nhầm lẫn tai hại coi nhà bác học lừng danh thế giới là đại bịp. Và chỉ cần đọc cũng khoảng từng ấy trang [4] về giải cấu trúc (do ông R. Barthes người Pháp đề xướng) cũng trong sách ấy của GS Trần, thì cũng đâu có sự suy diễn ác ý về giải trung tâm, như thế. Ấy cái tội lười học, nó khổ vậy!

Nói lí thuyết thì quá dài nhưng “cốt truyện” giải trung tâm, chỉ đại để thế này: Giả dụ, (chỉ giả dụ thôi nhé), trong nhà Chu Giang, ông bố là trung tâm, ông có quyền ra lệnh, bắt mọi người làm mọi thứ. Chu Giang thích học chữ Pháp chữ Anh, nhưng cụ không cho. Bây giờ, nhất chỉ có chữ Nga, chữ Tàu, phe mình, học cho tốt đi! Chữ thực dân đế quốc, bỏ! Rồi, Chu Giang rất mê đọc sách Di, Tề, Tăng Sâm,… có năng khiếu viết văn, dạy học, thì cụ “chỉ thị”: nông nghiệp thôi, cứ thóc gạo là trên hết. Mà Chu Giang có hứng thú gì về chuyện khoai ngô đâu, có năng khiếu cày bừa đâu? Thành thử lớn kếch rồi mà cấy hái cứ lóng nga lóng ngóng. Thóc lúa thu hoạch về nhà thì lèo tèo mà sách Di, Tề, đọc cũng không được kĩ. Thấy khó sống cậu Chu nhà ta lén “rời trung tâm”, lên huyện, rồi lên tỉnh, cuối cùng về kinh. Bố cho người tìm cũng không về. “Tướng ra ngoài thành bất tuân lệnh vua”, Chu làm hồ sơ và đỗ vào đại học ở Hà Nội. Biết chuyện cụ nổi giận: Láo, “cá không ăn muối”, không tiền gạo gì nhé, cấm chỉ! Nhưng may nhờ cú liều ấy mà Chu Giang, trở thành công chức, rồi nhà văn. Mãi đến khi, thấy con trai hoành tráng ngồi cạnh những bậc thi hào văn chương trên ti vi, miệng mắng vài câu lấy lệ, nhưng cụ ưng cái bụng lắm. Cụ thông báo: Chu Giang bây giờ cứ thoải mái viết văn. Cụ đã đồng ý cấp phép, nếu cần kinh phí cứ a lô.

Tóm lại, có thể nói tạm một câu về cái thuyết lạ mà rất quen ấy: cái trung tâm bao giờ cũng có xu hướng đông cứng, bảo thủ, vì thế cản trở phát triển, khi thoát ra ngoài trung tâm, sự phát triển tự nhiên hơn, nên mạnh mẽ hơn. Vậy thôi, làm gì có chuyện phá phiếc, hại hiếc ở đây?

Ấy, cái thuyết giải cấu trúc, giải trung tâm của Barthes chỉ có vậy. Thế mà nổi tiếng khắp thế giới. Chỉ vì người ta nhìn vào đâu đâu trên thế gian này cũng thấy bóng dáng của nó. Và quan trọng là nó gợi ý cho con người cách thoát trì trệ, lạc hậu để vươn lên. Ở ta, ngày trước, hợp tác xã là nhất. Ưu việt lắm, làm chung, ăn chung, tinh thần làm chủ tập thể ngời ngời. Cả làng chả ai phải nghĩ ngợi gì. Đã có kế hoạch của Ban chủ nhiệm. Tối ngủ kĩ. Sáng mai, keng keng, ra đường, cán bộ chỉ gì, làm nấy. Trưa, keng keng, về ăn cơm, có khi còn được ăn cơm hợp tác. Vui thì vui thật, nhưng nhà năm bảy người, làm cả năm chỉ chỉ được vài tạ thóc, đói trường thiên dài tập. Khổ nỗi chẳng ai dám tự xoay xở gì, vì xã cấm tiệt. Riêng tây rồi suy thoái, phá hoại xã hội chủ nghĩa à. Cả làng đành bấm bụng. Có vài thằng nhóm máu liều, nấu rượu bán, lên rừng buôn khoai sắn. Lợn hắn nuôi không nhập cho hợp tác, đêm giết trộm, bán chui, Rồi suốt ngày chỉ chăm chút cho ruộng phần trăm cá thể,… Xã lo bọn này diễn biến thành tư bản, ra sức bắt bớ. Nhưng khổ nỗi, bọn chúng đều rủng rỉnh tiền gạo. Thành thử, lôi kéo khối thằng học cách liều. Của đáng tội, chúng ngoan lắm, có mưu đồ lật đổ Ban chủ nhiệm hợp tác đâu. Chẳng qua, đói đầu gối phải bò. Công an bắt chẳng xuể, có anh còn làm theo. Nghe nói, ông Kim Ngọc ở Phú Thọ, đương kim đầu tỉnh, nổi tiếng thương dân, nháy cấp dưới cho dân chui rào. Đến nước này thì Trung ương phải ra tay. Cả nước phải phê phán. Khổ thân ông Ngọc, mất cả chức tước. Bây giờ thì khác rồi. Ông Ngọc đã danh dự lắm, trung ương khen ông hết lời: có ý chí chiến đấu, sáng tạo. Cách làm chui của ông bây giờ thành chính sách lớn của nhà nước. Việt Nam thành nước xuất gạo nhất nhì thế giới. Ấy, chuyện sớm đúng, chiều sai, đến mai lại đúng, trước bên lề, ngoại vi, sau thành trung tâm, là vậy. Thế gian ai cũng nếm qua. Mấy ông Tây, R. Barthes, J. F. Lyotard, F. Jameson, chỉ có công nhìn ra đó là quy luật và đặt tên cho quy luật ấy là giải cấu trúc. Vậy thôi.

Tuy nó hay ho vậy, nhưng cái “truyện” giải cấu trúc, giải trung tâm là lạ này, cũng chả mấy người “đọc”. Các nhà lãnh đạo các quốc gia, bận rộn lại càng không. Luẩn quẩn có mấy ông nghiên cứu văn hóa, văn nghệ tự sướng với nhau. Gần đây, một số văn nghệ sĩ nước Nam ta mới táy máy nhập nội. Chẳng phải các ông thích thú gì, mà vì cái nghề nó bắt vậy. Làm thằng đẽo cày, cứ thấy cày nào bán chạy, bỏ tiền, mua về một cái, đo đạc, rồi đóng y hệt, khéo rao, còn bán chạy hơn. Còn làm anh viết văn thì khổ lắm. Văn sáng phải khác văn chiều. Không nhai lại như bò được. Học Nguyễn Du, viết “Mười năm trong cõi nhà ta”. Trăm năm rút còn mười, người ta thành nhà ta. Mà còn bị khối thằng chả viết được nửa câu thơ, dí vào tận mũi mà cười. Đàng này, phải chọn chủ đề, chọn nhân vật,… sao cho khớp với nội dung tuyên truyền của tháng này, năm này. Chữ nghĩa là phải ruột ngựa, cấm hai mặt. Khác đi là có chuyện. Rất chi là gò bó. Thành thử, theo kế hoạch, các nhà văn ta cứ phải sòn sòn, nhưng con cái cả làng cứ như cùng một bố, tròn trịa, hao hao quả trứng. Trong đỏ, ngoài trắng. Khác chăng chỉ trứng gà, trứng vịt. Sắp già đến nơi rồi mà nhìn vào rổ cứ soăn soẳn như nhau. Để lâu không khéo ung hết. Cả nền văn học cứ im ắng, chẳng có gì bứt phá. Sốt ruột lắm. Thấy giải cấu trúc, giải trung tâm của bọn tây có thể “cởi trói” đây. Phép thần để cho văn học nước Nam sánh với khu vực đây. Sướng quá, đem về dùng thử. Chẳng biết, mấy ông dịch diếc thế nào giải thành phá bỏ, chống đối; trung tâm thành chính thống, hiện hữu,… rồi nhà nước, chế độ mới chết người ta chứ. Mà ở nước mình, 24/24, căng mình phòng bị bọn phá hoại thù địch. Bây giờ lại nghe chống, rồi phá, có cái gì như chống chế độ, kích động phá hoại, làm mất ổn định đây. Thế là vung tay. Thương cho mấy văn sĩ trói gà không chặt, bỗng chốc no đòn. Oan uổng lắm thay!

Nhưng cũng chả trách các nhà bảo vệ, việc của họ phải vậy. Đáng chê là các nhà văn ta. Ngón tay chọc con mắt. Người thì hốt hoảng, kẻ muốn lập công. Cá biệt còn do tư thù, ghét người can ngăn, thù người chê kiểm dịch thú y này nọ. Thế là đấm đá, thế là đại chiến văn chương bùng lên. Ông nọ tố suy thoái, ông kia chỉ phản động. Đến nỗi cái hội “nghĩa tình”, khối anh không thèm nhìn mặt nhau. Ngày giỗ chạp, rượu với bia tuy ít vẫn thừa.

Biên bản kiểm dịch của Châu Giang là vậy, lật lông vạch lá. Chỉ mới nghi có hơi hướng chống Mác, tức tốc tấu trình lên Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm, rồi thượng cấp Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Chu Giang tố ông Bakhtin, là đại bịp, là chống Mác quyết liệt, là nhà lí thuyết lật đổ phá hoại tầm cỡ thế giới, mà không thấy rằng, oan uổng cho ông ta lắm lắm. Dân Đông Âu, khi ào ào từ bỏ cách quản lí Xô viết lạc hậu, chẳng biết Bakhtin là ai. Rồi bọn IS, đang đốt phá cả châu lục đen, cũng chẳng nhắc gì đến ông ta. Trùm khủng bố Bin Laden, cũng chẳng treo ảnh Bakhtin.

Chu Giang lên án ngoại biên hóa, mà không biết rằng đó là cách thức đổi mới, là con đường thoát duy nhất của các dân tộc bị tụt hậu trong một thế giới phẳng hôm nay. Hãy trông, bị cấm vận, bị khóa đường biên, không được ngoại biên hóa, đến cái anh Nga to xác cũng đang lo cuống lo cuồng đấy thôi. Cái bất biến, là chế độ đã xác định rồi: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng nhiều phần trong bộ khung đó vẫn còn là lí tưởng. Đối mới là quá trình đục bỏ những chỗ có mục mại, mối mọt, là công cuộc tìm kiếm những vật liệu chất lượng cao để gia cố bồi đắp, kiến tạo, là quá trình xây dựng để bốn trụ cột ấy ngày càng chắc chắn, vững vàng. Đảng đang cố gắng làm điều ấy. Bên trong, thì cố gắng hiện đại hóa bộ máy, rồi có cả một nghị quyết lớn chống sâu mọt, thực tế đã ra tay nhốt rọ nhiều chuột cống. Bên ngoài thì tổ chức hoạt động ngoại giao sôi động: kéo các đại học tiên tiến Âu, Mĩ vào Việt Nam, mời ngư dân Nhật dạy đánh cá, trồng rau, mời chuyên gia Thụy Điển, Nhật vào hỗ trợ chống tham nhũng. Rồi cải cách hành chính theo kểu phương Tây, rồi ra tích cực tham dự TPP,… Trước đây chỉ có cái tên Việt Nga, Việt Trung. Giờ đây thêm rất nhiều, Việt Mĩ, Việt Nhật, Việt Ý, Việt Úc, Việt Hàn,… Chu Giang giải thích thế nào về cái bắt tay lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama? Đủ thấy quá trình thanh lọc sự lạc hậu của trung tâm, rồi ngoại biên hóa, hội nhập của Việt Nam, đang diễn ra vô cùng sôi động, tác dộng lớn đến sự phát triển của đất nước. Thế mà lu loa rằng: bàn về giải trung tâm, giải thiêng là có hại, là kích động lật đổ, là có ý đồ xấu!? Thực chất là che đậy ý đồ gì vậy?

Nói về giải thiêng, Đảng ta đã làm việc này từ lâu. Trước đây chuyện hợp tác xã, nông trường làm chung, ăn chung,… là quan trọng lắm. Bây giờ trở thành chuyện ấu trĩ. Những quả đấm thép cũng đã hết thiêng, đang được cổ phần hóa. Khối kẻ, mồm dạy đạo đức Bác Hồ mà tay thì móc túi dân đã đã bị Đảng cho đi bóc lịch. Giải thiêng thực ra là lột bỏ những thứ thiêng giả, là giải độc khỏi cơ thể. Còn những gì thiêng thật thì giải thế nào được. Chuyện này Cụ Hồ là một tấm gương đấy thôi, Cụ từ chối mọi thứ thiêng liêng giả hiệu. Miếng ăn, cái mặc, đôi dép, cái nhà của Cụ rất đỗi bình dân. Cụ chỉ coi mình là một người lính vâng lệnh quốc dân. Cụ dạy chức năng người cán bộ là đầy tớ, phụng sự nhân dân, chứ không phải vua quan… Cụ cần gì tượng to nghìn tỉ, chùa lớn trăm gian, Cụ đã là xương thịt của nhân dân rồi.

Chuyện chỉ vậy. Xét cho cùng, những kẻ vu khống việc diễn giải, đề xuất ngoại biên hóa,… là có hại, là làm mất ổn định, chỉ có hai loại: 1- Chẳng hiểu gì là ổn định. Ở nước ta cứ xây dựng, giữ vững chế độ có bốn cái trụ cột nêu trên là ổn định. Nhưng ổn định không phải cứ ôm lấy cái cũ kĩ lạc hậu có hại, mà phải liên tục kiến tạo, bồi bổ để bốn trụ cột đó thành hiện thực, vững bền. 2- Kẻ lo bị Đảng “giải” ra khỏi trung tâm, mất ăn, nên vu khống, diệt người ngăn chặn. Không được thì câu giờ: cứ từ từ dần dần, chỉ mong kéo dài những ngày đục khoét. Thế lực thù địch chính, “đe doạ sự tồn vong của chế độ” là đấy chứ còn tìm ở đâu? Người ta biết thừa cái láu cá của chúng. Hãy xem các nước văn minh. Người Anh, Pháp, Mĩ,… họ đẻ ra và thoải mái bàn bạc về ngoại biên hóa, giải trung tâm. Họ chẳng cần tước bằng thạc sĩ của ai vì chuyện trung tâm ngoại vi. Họ ngoại biên hóa tất cả những gì của nhân loại miễn là đem lại giàu, mạnh, đạo đức, văn minh cho nước họ. Chứng tỏ rằng ngoại biên hóa đã làm cho chế độ các quốc gia tiên tiến trên thế giới ổn định, phát triển như vũ bão, mấy trăm năm, chưa có dấu hiệu gì là suy tàn.

5- Nói chung là rất đáng phàn nàn về thái độ học thuật của Chu Giang. Ai trên đời tránh được sai sót? Chỉ cho người, chỉ cẩn thận, chỉ đúng, người tử tế, ai mà không phục. Khi ấy, nổi nóng chửi vài câu thì cũng còn có nhẽ. Đàng này, GS. Trần viết: Các ý kiến của tôi chắc chắn khó tránh khỏi khuyết điểm, mâu thuẫn hoặc chưa chín. Đó cũng là chuyện thường tình. Rất khiêm tốn, chừng mực, biết người biết ta. Thế mà Chu Giang um lên Giáo sư kiêu ngạo quá. Trịch thượng quá. Xem thường khoa học, xem thường bạn đọc quá. Rồi răn: Trong học thuật mà thái độ như thế thì rất khó tự vượt mình, vì cái gót Asin nó còn nặng lắm. Người xưa xem thói kiêu ngạo là căn bệnh tệ hại nhất của kẻ sĩ. Dạy người khác phải khiêm nhường, mà phì ra những lời lẽ mang đậm đặc vi trùng tự cao, tự đại, kiêu ngạo trịch thượng, thử hỏi kẻ sĩ Chu Giang mắc bệnh gì?

Còn về chữ nghĩa cụ thể của Chu Giang, thật không đủ từ ngữ để diễn tả sự thô tục. Đem miếng ăn để nhiếc móc (Mâm cao cỗ đầy. Nhà hàng sang trọng… mà khách khứa không thèm đến thì có nhục không?); coi đối thủ là kẻ ăn mày (thấy người ăn cũng thò tay vào bị); là cóc nhái, cua ốc (thuyền đua thì lái cũng đua con cóc cũng nhảy con cua cũng bò); là gái đĩ (dám biện luận với Giáo sư thì hóa ra dạy chân dài vén áo, (nói chệch chữ đĩ, chữ váy); kém phường chợ búa (thua xa các chị em trên chợ Đồng Xuân); là loại kép hát (Đã cặp đôi lại còn kép! Đúng thế [..], chẳng kép là gì). Rồi văng đủ đầu nọ đầu kia để cố làm nhục người khác (thà làm đầu cái ti cái tí nhà mình còn hơn làm cái đuôi). Ôi chao! Chẳng nhẽ một đống lời tiếng đầu đường xó chợ thô thiển tục tĩu nhất, lại có thể tùy tiện văng ra từ miệng một “văn sĩ” thế ư?! Nhưng mà thôi, có trách là trách cái cách giáo dục cổ hủ, từ bé đã không được dạy đối thoại, tranh luận khoa học, chỉ biết cãi vã, thì lớn lên có là nhà này nhà nọ, cũng khó tránh bị chê cười. Khổ vậy thay! Di hại vậy thay!

***

Sáng tác chữ nghĩa văn chương, mà bị thiên hạ coi như kiểm dịch động vật. Cả giận, luýnh quýnh làm lộ những thao tác của thú y, liệu có khôn ngoan không nhỉ? Xem Chu Giang kiểm dịch văn chương, bỗng nhớ tới Ông cử Nhu, trong thơ của cụ Tú Xương: Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu/ Sách như…, chữ như… /Văn chương đâu phải là đơn thuốc / Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.

Nhân thể cũng xin góp ý với các tạp chí ấn phẩm lớn có uy tín: cần phải cân nhắc kĩ những bài viết của các tay bút ngoại đạo về các vấn đề khoa học chuyên sâu. Kẻo dễ bị bạn đọc chê là thiếu thận trọng.

Người viết bài này thật cũng cực chẳng đã, nhưng thấy phải quấy mà ngồi im thì không đành lòng. Chắc khó tránh khiếm khuyết. Mong được các bậc cao minh chỉ giáo. Xin chân thành bái tạ trước.


[1]– Chu Giang, Kiểm dịch Trần Đình Sử. http://tuanbaovannghetphcm.vn/kiem-dich-tran-dinh-su/

[2]– Trần Đình Sử, Trên đường biên của lý luận văn học, NXB Văn học, 2914.

[3]– Trần Đình Sử, sđd, tr. 312-325.

[4]– Trần Đình Sử, sđd, tr. 216-228.

Comments are closed.