CHUYỆN NGÔN TỪ (2):

Nguyễn Đức Dương

KỲ 2: CÓ NÊN ĐỔI “CAO CẤP” THÀNH “CẤP CAO”?

Hầu hết các tờ báo “lề phải” ở ta đều xác quyết: “NÊN”! Vì theo họ:

(a) “Cao cấp” là một cụm được kết ghép theo kiểu Hán, trong đó danh từ “cấp” tuy giữ vai trò trung tâm [head] của cụm nhưng lại đứng ở sau; còn “cao” tuy giữ vai trò phụ ngữ [adjunct], nhưng lại đứng ở trước. Lối kết ghép theo trình tự ngược đó vốn hết sức “nghịch” mắt đối với tuyệt đại đa số chúng ta, những người vốn quen với trình tự thuận: “Danh từ + tính từ”; và

(b) Có đổi trình tự như thế, chúng ta mới có cơ loại bớt được một tàn tích ngoại lai nữa, giúp tiếng Việt ngày một thêm trong sáng.

Tuy nhiên, không ít vị thức giả lại cho việc đổi thay ấy là hoàn toàn chả cần thiết vì hai lẽ.

(a) Trước hết, các cụm được kết ghép theo trình tự ngược “Tính từ + danh từ” tuyệt nhiên chả phải là độc quyền của tiếng Hán. Thật thế, tiếng Việt ta cũng có hàng trăm, hàng trăm cụm có dạng tương tự, chẳng hạn, bền chí, chắc hạt, dại gái, đẹp trai, giàu lòng [từ bi], hay chữ, khôn nhà dại chợ, lém mồm, mắn con mắt, nóng tính, nghèo truyền thống, nhẹ dạ, quẫn trí, rắn mặt, sướng thân, thật bụng, to gan, trống mồm trống miệng, ưng bụng, vững dạ, v.v. và v.v..

(b) Hơn nữa, khi đi vào tiếng Việt, “cao cấp” còn phải đương đầu với sức ép “khủng khiếp” của hàng trăm cụm đồng dạng trong tiếng ta (như loại vừa dẫn) để tồn tại. Và, muốn trụ lại được, nó đành phải tự đổi khác bản chất ngữ pháp. Rốt cục, đang là một ngữ [phrase] danh từ với danh từ làm trung tâm, nó đã phải chuyển thành ngữ tính từ với tính từ làm trung tâm. Nói khác đi, thành tố “cấp” trong “cao cấp” đang từ chỗ là trung tâm của cụm, đã phải biến thành phụ ngữ (mà cụ thể là bổ ngữ), làm rõ nghĩa cho “cao”, và trả lời câu hỏi ‘cao về / khía cạnh nào?’.

Chưa hết! Một khi đã đổi khác như thế, “cao cấp” còn “thúc ép” một loạt cụm đồng dạng và cùng chứa yếu tố “cao” phải đổi khác theo.

Rốt cục, nếu

CAO CẤP là ‘cao về cấp bậc’, thì

CAO ÁP sẽ phải là ‘cao về áp suất’ / ‘điện áp’; và

CAO ĐẲNG phải là ‘cao về đẳng cấp’ [theo lối phân định của ngành giáo dục);

CAO ĐIỂM phải là cao về thời điểm’ [như hay bị kẹt xe vào giờ cao điểm, chẳng hạn];

CAO ĐỘ phải là ‘cao về mức độ’ [như căm phẫn đến cao độ];

CAO GIÁ phải là ‘cao về giá trị / về giá cả’;

CAO KIẾN phải là ‘cao về cách kiến giải / ở năng lực kiến giải’;

CAO NIÊN phải là ‘cao về tuổi tác [tính theo năm]’;

CAO SẢN phải là ‘cao về sản lượng’;

CAO TAY phải là ‘cao ở năng lực hành động’;

CAO TẦN phải là ‘cao về tần số’;

CAO THẾ phải là ‘cao về điện thế / thế hiệu’;

CAO TẦNG phải là ‘cao về số tầng’;

CAO TỐC phải là ‘cao về tốc độ’.

Nói khác đi, can cớ gì khiến chúng ta lại phải hoán đổi vị trí, trong khi nó đã tự nguyện làm chuyện ấy? Ấy là chưa kể tới chuyện đổi thay ấy còn làm cho tiếng Việt lộn xộn thêm, chứ chả hề giúp nó trong sáng thêm được chút nào!

Xem vậy đủ thấy cứ nhắm mắt làm theo ý thích chủ quan (kiểu duy ý chí!) một khi còn chưa thấu hiểu được bản chất ngôn ngữ của công việc có thể dẫn chúng ta đi tới những hậu quả !

Comments are closed.