Nguyễn Đức Dương
Cách đây dăm năm, trên tờ Lao Động Cuối Tuần có diễn ra một cuộc trao đổi khá sôi nổi và đủ sâu về lỗi trùng ngôn (pleonas). Sau dịp ấy, các loại lỗi kiểu này những tưởng đã hết đất sống. Nào ngờ mọi cái xem ra vẫn lại tiếp tục “nở hoa”. Tới độ cả trên mặt của không ít các tờ báo có đông độc giả, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp không ít những lời lẽ đại để như:
(1) […] khó lòng liệt kê hết hàng loạt lỗi sai nghiêm trọng về cách hành văn trong loạt bài ấy;
(2) Trình độ ngôn ngữ tiếng Anh của học sinh đang được nâng cao rõ rệt;
(3) Cố giành bằng được một chỗ đứng dưới ánh nắng mặt trời;
(4) Đó mới chỉ là phấn nổi của tảng băng chìm;
(5) Cần coi trọng mọi đặc trưng riêng của các nền văn hoá lớn nhỏ trên thế giới;
(6) Theo các số liệu thống kê mới thu được gầy đây cho biết […];
(7) Những lệch lạc cùng kiểu, theo thiển nghĩ của chúng tôi, chắc sẽ sớm bị loại bỏ trong nay mai;
v.v. và v.v.
Nhưng đâu là nguyên do sâu xa gây nên thực trạng đáng tiếc ấy? Câu hỏi chắc hẳn chẳng hề làm bất kì ai bối rối vì đã từ lâu nhiều người trong chúng ta đều biết rõ thủ phạm: đó chính là những từ ngữ trùng lặp/vô bổ, vốn chỉ làm cho câu thêm rậm lời, mà chẳng hề mang lại cho người đọc/người nghe một thông tin hữu ích nào.
Thật vậy, chỉ cần bỏ bớt các từ ngữ trùng lặp/vô bổ, chẳng hạn, như sai trong câu (1), ngôn ngữ trong câu (2), nắng trong câu (3), chìm trong câu (4), riêng trong câu (5), theo/cho biết trong câu (6) và của chúng tôi trong câu (7) là câu sẽ hết chướng tai ngay tức khắc :
(1’) […] khó lòng liệt kê hết hàng loạt lỗi nghiêm trọng về cách hành văn trong loạt bài ấy;
(2’) Trình độ tiếng Anh của học sinh đang được nâng cao rõ rệt;
(3’) Cố giành bằng được một chỗ đứng dưới ánh mặt trời;
(4’) Đó mới chỉ là phấn nổi của tảng băng;
(5’) Cần coi trọng các đặc trưng của mọi nền văn hoá lớn nhỏ trên thế giới;
(6’) Theo các số liệu thống kê mới thu được gầy đây […] / Các số liệu thống kê mới thu được gầy đây cho biết;
(7’) Những lệch lạc cùng kiểu, theo thiển nghĩ, chắc sẽ sớm bị loại bỏ;
v.v. và v.v..
Để thấy rõ sự trùng lặp, dưới đây, chúng tôi chỉ xin nêu thêm những định nghĩa từ điển của các từ hữu quan, để độc giả đối chiếu, rồi tự rút ra kết luận cần thiết, chứ không diễn giải dài dòng.
Bởi lẽ, như chúng ta đều biết, NẮNG là “ánh sáng trực tiếp từ mặt trời chiếu xuống […]”[1] nên thêm hai chữ mặt trời vào đây rõ ràng là thừa. Tương tự, LỖI là “Chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc”[2], cho nên chẳng cần viết thêm chữ “saiI” sau chữ “lỗi”. Còn tiếng chính là “tên gọi thông thường của ngôn ngữ”, cho nên ở đây, chúng ta chỉ cần dùng một trong hai tên gọi ấy: hoặc là tên thứ nhất, hoặc là tên thứ hai là đủ.
Những sai sót khó nhận biết hơn, chúng tôi tin chắc bạn đọc cũng dư sức phát hiện và tự sửa lấy. Bởi thế, thiết nghĩ chúng ta nên dừng bàn thêm ở đây để khỏi bị mang tiếng là lắm lời.
[1]Theo Từ điển tiếng Việt (của Viện Ngôn ngữ học), tr. 661.
[2] Sách đã dẫn, tr. 581