Cõi Thơ Cái Trọng Ty

Tô Thẩm Huy

clip_image002

Tôi quen Cái Trọng Ty qua một người bạn. Anh lành như đất, nhỏ nhẹ như mưa phùn tháng giêng. Qua lại nhiều năm, mãi gần đây tôi mới biết là anh có làm thơ, mà là thơ rất hay, đầy hình tượng, màu sắc:

… buổi nắng hanh

trong khu vườn xưa,

có con chuồn chuồn đỏ màu hạt lựu

Hai con mắt, hai viên bi tròn xoe của một thời thơ ấu bỗng hiện ra trừng mắt ngó. Màu hạt lựu? Phải lấy đôi mắt của thiền sư mới thấy cái động ẩn trong cái tĩnh nơi chim muông, ong bướm.

Cái Trọng Ty khi yêu con gái cũng yêu theo cái kiểu hiền hòa, nhỏ nhẹ, như khi anh yêu đồng ruộng, đất trời:

thuở lúa biếc dịu dàng

xanh sóng vỗ

trên tay em

nắng lụa về phơi phới

nắng vàng ơi

Gọi nắng vàng, mà xui ai xao xuyến. Nghe như ai đang gọi ai. Muốn run rẩy mà đáp lại rằng:

– ơi…

Hay như trong câu

thấy trong mắt em

nến vàng hiu hắt

Tôi yêu lắm câu thơ ấy. Từ xưa đến giờ, khắp vòm trời đông tây kim cổ, chưa có ai tả đôi mắt lung linh hay đến như thế. Ông họa sĩ Đinh Cường phóng con mắt hội họa, mượn lời Bùi Giáng mà bảo là thơ Cái Trọng Ty đã đến mực thượng thừa, quả là không ngoa.

Hay là câu này:

trong môi hôn có nụ cười buồn

Anh kiếm đâu ra nụ cười trong môi hôn vậy, anh Cái Trọng Ty? Khi hôn nhau mà người ta cười sao? Mà lại là nụ cười buồn! Thế mới chết người.

Mà ngay cả những khi đang “gay cấn”, trong một đêm mà trăng sao cũng lạc cả lối về, Cái Trọng Ty cũng vẫn nhẹ nhàng nhỏ nhẹ:

em tắm dòng hương đêm trăng sao lạc

con cá lòng tong đớp nhụy hoa vàng

mới đó em về mưa tháng chạp

tháng giêng vươn cổ dài như sếu

em có là em tháng giêng non

Chao ôi, con cá lòng tong của ngày trở về nấu canh bí đao, bây giờ lại được đớp cả nhụy hoa vàng, thì hẳn là nó phải cảm ơn thi sĩ lắm lắm.

Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển do Thư Ấn Quán xuất bản là tập thơ đầu tiên của Cái Trọng Ty, nhưng chắc là anh làm thơ đã từ lâu lắm. Chữ nghĩa anh đến từ một nội công thâm hậu. Anh rất giàu từ vựng, cả Hán lẫn Nôm. Nhiều chữ dùng thật khéo, như:

biển chiều nay đỏ quạch máu người,

Biển không chỉ thuần là màu đỏ, mà một màu đỏ mang đầy sắc thái dữ dằn, kinh hãi, đe dọa.

Hay:

nơi tháp cổ đôi mắt Chàm u uất

ngày rất xanh áo trận cuối con đường

Không biết nên ngắt câu ở đâu. Không chỉ là ngày rất xanh màu áo trận, hay là ngày đang xanh lên vai áo trận cuối con đường, mà tất cả, từ tháp Chàm, lẫn đôi mắt, đến bóng chiều, đến vai áo trận, đến con đường, tất cả như đã tan biến hòa vào nhau trong một màu xanh u uất.

Ông Phạm Duy ở đâu đó đã hết lời ca ngợi chữ vắt trong bài Chiều Qua Tuy Hòa của Nguyễn Đức Quang: Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đèo, vọng phu đưa mắt cũng buồn theo.

Xin mời đọc chữ vắt của Cái Trọng Ty, khi anh nhìn người thiếu phụ lên Long Khánh tìm chồng trong một ngày vàng vọt nỗi hoài trông:

sáng nay theo đoàn tù cuốc đất,

vắt nỗi buồn trong mắt tìm nhau

Vắt hết, vắt cạn? Dùng chữ đến thế thật là chập chùng mấy tầng ảo ngữ. Tác giả đã phải chết đi sống lại mấy lần mới ra được câu thơ như thế.

Lại có lúc thơ Cái Trọng Ty lui mình ra khỏi cái trong lành, mong manh của khói trà buổi sớm, mà quay về với cái không khí đọng đặc, mang mang hồn cổ độ:

Từ nàng suối tóc xanh như sóng

Cây quế giữa rừng vọng Đế kinh

Đất Chàm gió cát về biên viễn

Biển xanh thuyền ngược gió mùa khô

Hương nhớ áo người kỳ hoa về đất trích

Tim mềm thuở ấy Huyền Trân

Lại có lúc chập chờn điển tích:

Đêm tháp Chàm đôi mắt em sông mê

Tôi qua Mường Mán ngày tan tác

Thịnh suy thời đại

Chín Chúa mười ba Vua

Số phận tôi hạt cát hoài thai

Chử Đồng Tử – Tiên Dung

Mai kia rụng hạt mầm nhân quả

Chúng ta chờ quang hợp ngẫu nhiên

Hai thế kỷ một đêm dài sợ hãi

Gần gụi là bao, sao quá đỗi nồng nàn

Tôi mơ được như anh, được làm hạt cát buổi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử

Cõi thơ Cái Trọng Ty không dừng lại ở đấy. Ẩn đằng sau cái tâm hồn lãng đãng như chuồn chuồn, dạt dào như bay lượn trên cánh đồng lúa chín ấy, là cả một trời bão nổi. Là người lính giữa thời chiến tranh khốc liệt, thơ anh bật lên tiếng kêu bi tráng, vang lên những âm thanh của bom đạn, âm hưởng của cái chết lởn vởn quanh mình, bật lên những uất hận ngập trời của kẻ sĩ bất lực trước giông bão của lịch sử, thấp thoáng bóng Đặng Dung kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma:

tiếng hát hỏa châu rụng cánh sao xa

lòng đau u uất những điều không muốn nhớ

có vì sao khuya thức dậy bên trời

sinh bất phùng thời

thiên hạ rối tung

ngày tháng ba giặc tràn qua tây vực

đêm Ban Mê tanh khiếp máu nhân quần

đoàn quân ma trơ trốc núi xương khô

sáng nay dã quỳ vàng thung lũng

tiếc gì nhau chút rượu nhạt vơi đầy

Trong cái cõi tàn sát khốc liệt ấy, sao người lính Cái Trọng Ty vẫn nhìn thấy hoa dã quỳ vàng đầy thung lũng, mà ngẩng đầu nhìn trời xanh ngao ngán?

Dòng sinh tử đang ập ùn ải bắc

Cõi nhân quần chuyển động bến lao xao

Tôi bơ vơ buổi chiều vàng chướng khí

Vách đời in mờ nhạt dấu chân em

Chí cùng sức kiệt dài mơ ước

Bão tố vần xoay thiên địa bất nhân

Đầy dẫy những miễu đền bóng quạ

Tráng sĩ bây giờ lầm lũi như ma

Viết về người thi sĩ lính chiến Cái Trọng Ty đã có các anh Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh, Lương Thư Trung trong phần phụ lục của tập thơ. Tưởng tôi có nói thêm cũng chẳng thêm được gì.

Nhưng cái nét mang mang thiên cổ của những câu như: tiếng ai vừa gọi đò ba bến, heo hút như từ một kiếp sao, nó cứ vương vất, đung đưa trên nỗi niềm bơ vơ, cô quạnh của kiếp người, nó vượt cả không gian lẫn thời gian. Tại sao lại là một kiếp sao? Một kiếp từ một hành tinh xa lạ nào đến đây? Một tiếng vọng từ cõi trời Đâu Suất xa xôi, mờ mịt? Chính cái nét ấy, hòa với cái tươi mát, trong lành của nắng mưa, cây cỏ, một khi những dao động nhất thời đã chìm lắng, sẽ cho ta cái còn lại là cái đẹp muôn thuở, cái làm thơ Cái Trọng Ty ở mãi mãi trong lòng người.

Nói về thơ Cái Trọng Ty thì còn bao điều để nói. Nhưng có lẽ không nên làm tốn thêm giấy mực. Khi uống rượu thì nên uống ba trăm chén một lần, nhưng khi ăn thì nên ăn nhiều lần, mỗi lần mỗi ít. Để hôm nào có thêm ít rượu, sẽ lại mỗi lần mang một bài thơ của Cái Trọng Ty ra mà đùa dỡn với anh. Còn hôm nay thì xin được kết ở đây bằng một bài thơ lành như đất, hiền như Cái Trọng Ty, đẹp như người con gái, mát như ngọn gió ngàn, và thơm như ruộng đồng nước Việt.

Hoa Cải Vàng

Em đi là tháng mười

Vườn xưa mùa hoa dại

Anh về đây tìm lại

Gió thoảng mùi hương cau

Em hiền như bông lau

Một thời trong trí tưởng

Nơi bạt ngàn cao nguyên

Núi rừng xanh ngút hướng

Sao em không là phượng

Thổi mùa hè bốn phương

Thổi mùa xuân vô tận

Chiều mưa bụi lê thê

Anh có về như thế

Nắng vàng gió vàng lay

Chút bụi nhòe mắt cay

Rồi tháng mười xa mãi

Bốn mùa hoa cúc dại

Nở vàng lối đường xưa

Thuở trộm nhìn khung cửa

Những cuộc tình chia xa

Sao em không là hoa

Luống cải vàng vàng tươi

Chuyện tình buồn hóa bướm

Bay la đà chiều mưa

Anh đi tìm hương xưa

Ôi chiều vàng xa xót

Thổi gió trời bao la

Em xa và anh xa

Anh Cái Trọng Ty ơi, bướm vàng, hay hoa cải vàng hóa bướm, đang bay la đà trong chiều mưa hôm nay?

Đậu bằng qua giá vũ như ty. Ôi, ông Vương Sỹ Trinh ôi. Ái thính thu phần…

Houston, Tiết Thanh Minh, 2016

Comments are closed.