Cùng Đinh Cường đi vào cõi tạo hình

Phạm Xuân Đài

Câu tựa đề trên có nghĩa là: tôi đọc quyển sách Đi vào cõi tạo hình của Đinh Cường. Đọc, và thưởng thức vừa hội họa, vừa thi ca, vừa một công trình sưu tầm trong thế giới nghệ thuật Việt Nam.

clip_image002

Đi vào cõi tạo hình do nhà Văn Mới xuất bản vào giữa năm 2015. Ấn loát mỹ thuật, các bức tranh đều được in màu đúng nguyên bản. Theo lời tác giả ở đầu sách thì cuốn này là tập I của một bộ gồm hai cuốn: “Tập I viết từ thời các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương những năm 1930 cho đến giai đoạn chuyển tiếp 1954… Tập II sẽ viết về những họa sĩ cùng thời từ 1957 đến 1966 thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.” Như thế bộ sách này sẽ không đề cập đến “nền hội họa xã hội chủ nghĩa” của miền Bắc, điều này dễ hiểu, vì tác giả là người thừa kế của lớp đi trước từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, và sống cuộc đời nghệ thuật của ông tại miền Nam trước 1975.

Đi vào cõi tạo hình tập I này bắt đầu với Lê Phổ và kết thúc với Ngọc Dũng, khoảng giữa tuần tự là Lê Văn Đệ, Mai Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung, Điềm Phùng Thị, Trương Thị Thịnh, Tạ Tỵ, Văn Đen, Lê Văn Phương, Võ Đình, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Duy Thanh. Tất cả 16 vị. Mỗi vị là một bài riêng, coi như một chương sách, với tựa đề đặt đôi khi như một câu thơ: Lê Phổ: Những Đóa Hoa Hái Từ Một Giấc Chiêm Bao; Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà Và Màu Nâu Đất Buồn; Võ Đình, Tổ Chim Trên Bờ Biển; Họa Sĩ Ngọc Dũng, Vì Sao Rơi Vào Bất Tận… Tác giả đã nói “đây là những đoạn ghi (…) chỉ thuần tình cảm chủ quan của tác giả với các họa sĩ đã từng gặp, đã từng tiếp xúc” chứ không phải là một biên khảo có tính cách chuyên môn về nghệ thuật.

clip_image004

Mai Trung Thứ – Trong gia đình

Dù không nặng về biên khảo, mỗi bài tác giả đều cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin về cuộc đời của nhân vật với tiểu sử rất chi tiết. Mà để có những chi tiết này, bắt buộc tác giả phải qua một công trình sưu tầm khá công phu. Ví dụ về Mai Trung Thứ trên đất Pháp chỉ một câu đơn giản: “Ông đã gặp Fernand Léger và Picasso cùng nhiều họa sĩ một thời quần tụ ở khu Montmartre nổi tiếng” là đã vẽ ra sự “hội nhập” của Mai Trung Thứ vào môi trường sinh hoạt giới nghệ thuật quốc tế trong thời của ông như thế nào. Ví dụ về các tác phẩm của Tôn Thất Đào bị hư hại và mất mát: “Theo ước tính của gia đình lên tới vài trăm bức, nay còn lại khoảng 30 bức tại nhà đang bị mục rã kể trên. Một số cho Hà Nội mượn triển lãm bị thất lạc, một số bị trận lụt năm 1999 làm hư hỏng hết…

Ngoài những hiểu biết do sưu tầm, có nhiều thông tin rất riêng tư, là những kỷ niệm của tác giả với chính nhân vật được nói đến. Đó là những thông tin duy nhất. Chính những chi tiết này đã thổi một sinh khí đặc biệt cho các bài viết, nó tái tạo những mảng đời sống sinh động không thể lẫn với các tài liệu khác. Như với Trương Thị Thịnh: Chị Thịnh. Chúng tôi chỉ quen gọi như thế, khi nhắc đến. Bởi vì đã từ lâu, chúng tôi xem chị như người Chị Cả trong sinh hoạt hội họa của miền Nam – từ thập niên 1950 cho đến tận bây giờ. (…) Mỗi lần về San Jose là mỗi lần chúng tôi hẹn nhau cùng đến thăm chị (…) Và thế nào chị cũng mời cơm chiều tại cái tiệm Tàu ở gần nhà…”

Với Ngọc Dũng: “Thỉnh thoảng buổi chiều tôi hay nhớ anh. Anh hay gọi tôi qua uống với anh ly whisky, anh tự tay pha chế, vừa độ. Có chiều anh lại ghé ngang tôi rủ qua quán cà phê Starbucks ngồi. Nhà tôi và nhà anh gần nhau, chỉ cách mấy con đường. Mất anh, tôi thiếu vắng vô cùng một người bạn vong niên về nghệ thuật, nơi thành phố này.

clip_image006

Ngọc Dũng. Tĩnh vật, Sơn dầu

Quyển này nói về lớp họa sĩ trước mình, nên tác giả coi họ là đàn anh đàn chị, và với một số, tác giả coi là bạn vong niên. Trong thế giới tạo hình, tình bạn như thế là dễ hiểu, vì dù cách biệt tuổi tác, họ vẫn luôn luôn có một mẫu số chung là nghệ thuật. Cá tính một nghệ sĩ nhìn qua lăng kính của một người bạn, thì hẳn khó tìm thấy trong các công trình nghiên cứu chuyên môn, nhưng nó lại cho ta biết nhiều nét bất ngờ thú vị, từ đó có thể soi sáng thêm cho việc nghiên cứu tác phẩm và quan niệm nghệ thuật của người ấy.

Nhưng dù đã nói trước chỉ viết với “thuần tình cảm chủ quan”, chúng ta thấy Đinh Cường rất thận trọng trong việc nhận định về sự nghiệp của các họa sĩ. Dĩ nhiên đây là lớp họa sĩ đi trước tác giả một thế hệ, sự nghiệp, danh tiếng của họ hầu đã được khẳng định, nhưng Đinh Cường khi trình bày về họ vẫn chọn lọc những nhận xét đắt nhất của các cây bút phê bình nghệ thuật, hoặc khi là những nhận xét của chính mình thì lời lẽ rất cân nhắc mặc dù vẫn toát ra cái “tình cảm rất chủ quan”. Khi đọc trích dẫn dù một câu có vẻ đơn giản của một nhà phê bình, độc giả phải hiểu rằng để có được một câu như thế, tác giả phải đọc và thẩm định rất nhiều tài liệu, để tìm ra những lời lẽ thích đáng nhất. Đó chỉ có thể là công việc của người hiểu rõ hội họa, nói nôm na là người trong nghề: trước hết đã nghiên cứu kỹ đối tượng mình đang nói tới, tiếp đến lựa chọn một lời phê bình mà mình cho là sát thực nhất. Đây là một quá trình nặng nhọc đòi hỏi nhiều thời gian của một người biên khảo, mang nặng tính chất khách quan của khảo sát khoa học. Ví dụ nói về sơn mài của Nguyễn Gia Trí mà trích dẫn được những lời này của Tô Ngọc Vân trên báo Ngày Nay thì không chỉ cần công phu của kẻ sưu tầm giỏi, mà còn một tấm lòng hiểu biết và đồng cảm trọn vẹn, vừa với sơn mài, vừa với Nguyễn Gia Trí và vừa với cả Tô Tử:

Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối Sơn Ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. (…) Trên những màu hồng nhợt biến hóa, những sắc nâu ngon thiệt là ngon, những vỏ trứng như đổi cả thể chất thành quý vật, vài nét bạc, vài nét vàng sáng rọi, rung lên, rít lên như tiếng kêu sung sướng của xác thịt khi vào cực lạc…

Năm 1995, nhân chuyến đi nghiên cứu hội họa tại Pháp, Trịnh Cung đã gặp Lê Phổ và đã nhận xét về người họa sĩ lão thành:

… Trong dòng thác nghệ thuật thời ấy luôn bùng lên những đợt sóng dữ dội, Lê Phổ đã không bị chìm lấp, mà trái lại các tác phẩm hội họa của ông vừa thể hiện một trình độ sử dụng sơn dầu hết sức điêu luyện, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ấn tượng – làm bừng thức một thiên nhiên lung linh hoa lá, vừa gợi cảm một thế giới xa vắng đầy yêu thương mà người họa sĩ đã đánh mất trong những ngày tháng rời xa quê nhà…

Hoặc khi viết về Tôn Thất Đào mà tác giả coi là họa sĩ bậc thầy của Huế, một nhận xét rất đẹp của Huỳnh Hữu Ủy đã được trích dẫn:

Trước tiên phải nói đến sông Hương. Bởi vì chính trên dòng nước trong veo ấy, Cựu Kinh đã soi bóng mình qua nhiều thế kỷ thăng trầm, rồi từ đó đã dựng nên một nền văn hóa riêng: văn hóa Huế…

Những chọn lựa đầy chủ ý của Đinh Cường về ý kiến của người khác rải rác trong sách đã giúp độc giả rất nhiều trong việc nắm bắt tính chất các nghệ sĩ được nói đến. Mỗi người nhìn một cách khác nhau, khám phá khác nhau về tài năng, cảm xúc, phương pháp, v.v. với độ chính xác riêng của con mắt mình, trong thời của mình. Đó là một kho báu mà không phải ai cũng có khả năng khai thác để cống hiến cho độc giả. Người khảo cứu mẫn cảm, có khả năng lựa chọn và thẩm định chính xác những gì mình trích dẫn rất cần thiết để xây dựng lại hình ảnh của từng người nghệ sĩ qua từng thời đại.

Tuy nhiên những phần như tiểu sử hay sưu tầm các nhận xét của người khác chỉ là những chuẩn bị cho phần chính là ý kiến của tác giả. Trong nghệ thuật ý kiến về nghệ sĩ hay về tác phẩm luôn luôn mang nặng tính chất chủ quan tuy rằng sự hiểu biết về chuyên môn vẫn luôn là điều kiện cần thiết. Con mắt và tâm hồn cảm nhận được vẻ đẹp của một họa phẩm, đó là điều cần thiết đầu tiên của người sắp viết về nghệ thuật, nhưng phổ vẻ đẹp ấy bằng một phương tiện khác là ngôn ngữ cho người khác hiểu và cảm được như mình thì là điều không đơn giản. Người viết phải có cái tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ thì mới chuyển được cái đẹp từ một bức tranh thành cái đẹp trên trang sách. Tái tạo vẻ đẹp của hình thể, màu sắc thành chữ nghĩa, làm sao cho người đọc hiểu được, hình dung được phần nào thế giới tạo hình, đó là công việc đầy khó khăn của người viết về mỹ thuật. Chúng ta hãy cùng Đinh Cường đi vào cõi tạo hình.

Về tranh Lê Phổ:

clip_image008

Lê Phổ. Thiếu nữ và hoa, sơn dầu 33X28 cm. Sưu tập tư nhân

Tranh Lê Phổ được trưng bày tại Musée d’Art Moderne ở Paris, Musée d’Oklahoma (USA) và trong rất nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Rất nhiều người yêu chuộng tranh ông, vì ở đó là một bản màu đa sắc đầy lạc thú, là khúc hợp tấu giao hưởng những sắc vàng – ông thích nhất màu vàng chanh (jaune citron). Là sự tươi mát của thị giác. Đề tài chính của ông ít thay đổi: Một con thuyền trôi giữa đám sen, những thiếu nữ chập chờn trẩy hái trong khu vườn thượng giới rực rỡ. Cử chỉ khoan thai, trang nhã, dịu dàng như đang bày yến tiệc trong không khí tươi mươi của mùa Xuân. Những đóa hoa ông vẽ biến đổi một cách kỳ diệu, huy hoàng, đôi khi là những đá hoa hái từ một giấc chiêm bao…

Ta thấy tác giả đang viết một bài thơ văn xuôi, vì phải dùng ngôn ngữ thi ca mang một ý nghĩa trừu tượng mới có thể dẫn dắt tạo ra nơi người đọc những cảm giác và hình ảnh để hiểu được ngôn ngữ của hội họa: đa sắc đầy lạc thú, giao hưởng những sắc vàng, khu vườn thượng giới rực rỡ, những đóa hoa hái từ một giấc chiêm bao… mới tái tạo được thế giới rạo rực trong tranh Lê Phổ. Phải sành sõi về họa, về văn xuôi, về làm thơ mới có thể viết một đoạn văn tả một họa phẩm với hiệu ứng cao như thế.

clip_image010

Lê Văn Đệ. Nắng Hè, lụa, 1962.

Viết về Lê Văn Đệ, tác giả mượn sự việc rất phong phú trong đời của vị họa sư này để mô tả sự thành công và danh tiếng của ông nhiều hơn là ý kiến của riêng mình, vốn chỉ trong vài đoạn ngắn:

Ngoài bột màu, sơn dầu, Lê Văn Đệ nổi tiếng nhất là lụa, cũng như Nguyễn Phan Chánh, người bạn đồng khóa với ông. Nhưng hai tính chất của hai bực thầy về tranh lụa Việt Nam khác nhau. Tranh Lê Văn Đệ óng chuốt, có tính đài các, quý phái, ngược lại tranh Nguyễn Phan Chánh tạo mặt phẳng dẹt, giữa một gam màu nâu cố hữu, bình dị, mộc mạc, mang đầy âm sắc quê hương.

Nhưng đặc biệt là đoạn sau đây, kể về phong cách dạy học của thầy Lê Văn Đệ mà tác giả đã theo học một thời gian:

Đó là một người thầy sửa bài hay nhất. Chỉ cần một nét quệt ngón tay của Thầy vào bài là thấy ngay chỗ sai, nét than bay bớt đi, nét nhấn khối đậm thêm, hình vẽ mới được chắc, độ đậm nhạt cũng rõ ràng…

Hạnh phúc thay, thầy Lê Văn Đệ! Nửa thế kỷ sau khi thầy qua đời, được một học trò ngày nay cũng là một họa sĩ danh tiếng, ca tụng cái “quệt ngón tay” đầy tài hoa của Thầy trong khi sửa bài. Đinh Cường đã biến cái sát na quệt ngón tay ấy trở thành thiên thu khi cảm nhận và mô tả được tính chất thiên tài trong cách dạy dỗ của Thầy mình.

Đối với lớp họa sĩ đàn anh đàn chị gần mình hơn, nghĩa là trẻ hơn những vị học các khóa đầu của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, cách nói của tác giả về mỗi người có khác với lớp trước. Nhiều dáng vẻ bạn bè hơn. Thân thiết hơn. Tình cảm trong giao tiếp nhiều hơn là thẩm định trực tiếp về nghệ thuật. Nhưng tình cảm là đủ để nói lên mọi chuyện, trong đó có nghệ thuật.

clip_image012

Thái Tuấn. Khăn quàng, sơn dầu, 1992

Bài về Thái Tuấn là một bài đặc biệt của cuốn sách này. Đó là một dạng tổng hợp, tiểu sử theo lối kể chuyện với nhiều chi tiết riêng tư; các giao tiếp, sinh hoạt, nhận định nghệ thuật viết nửa như tự sự nửa tùy bút. Các nhận xét về tác phẩm lóe lên đây đó như những phát giác tình cờ mà nội dung thì đầy đặn như là suy ngẫm đã thấu đáo trong nhiều năm. Đó là bài viết cho một tri kỷ, cho người mình yêu mến. Mà tác giả đâu có giấu việc đó, ông nói họa sĩ ở miền Nam ông thích nhất Thái Tuấn. Chỉ những người bạn thân nhau mới hiểu những nét vi tế của nhau. Mà người của nghệ thuật thì đời sống nội tâm càng phức tạp và tế nhị, chỉ dùng lý trí thì không thấy, dùng con mắt kỹ thuật hội họa có thể hiểu ít nhiều, nhưng khi đã là bạn thân của nhau, với tình cảm, người ta hiểu hết. Hiểu tâm hồn trước, từ đó sẽ hiểu tác phẩm, thưởng thức tác phẩm, và thành tri kỷ của nhau.

Có lẽ cũng trong cái không khí lãng đãng của nhạc (Trịnh Công) Sơn mà anh đã vẽ “Xin Mưa Đầy” với tiếng hát Khánh Ly. Nhìn tranh là nhận ra ngay hình dáng, khuôn mặt Khánh Ly. Anh rất nhạy cảm với thi ca và âm nhạc. Tạo cho tính chất hội họa sự phong phú của cuộc sống nội tâm, biến bức tranh thành tiếng vang của một cấu trúc tiềm ẩn. Phảng phất trên những tranh thiếu nữ anh vẽ ta còn nhìn ra: Lê Uyên (Phương), Ý Lan…

clip_image014

Bức tranh Cơn Gió Bụi – Phạm Duy thời kháng chiến. Sưu tập Frédéric và Xuân Đài, Paris.

Anh thích những tiếng hát tha thiết đó, đầy say đắm đó? Anh chỉ vẽ tiếng hát chứ không vẽ người mẫu mà vẫn nhìn ra. Cũng như ở bức “Cơn Gió Bụi” vẫn thấy một hình dáng Phạm Duy của thời Bà Mẹ Gio Linh… Anh thường tâm sự “vẽ người mà không vẽ người” là vậy. Anh chỉ vẽ những tình cảm đã nhập vào anh, ẩn sâu trong tiềm thức. Khi vẽ tự động ra.

Khó có ai hiểu đặc tính của một tâm hồn nghệ sĩ giống như Đinh Cường hiểu Thái Tuấn, “biến bức tranh thành tiếng vang của một cấu trúc tiềm ẩn” là một cảm nhận hết sức sâu sắc quá trình sáng tác của bạn mình. Tác giả còn nhận ra những điều ít ai biết “Anh rất ghét cái mũi. Và không có khuôn mặt nào anh vẽ mũi. Nhưng cái giỏi là ta vẫn nhìn ra một khuôn mặt mang đầy biểu tượng. Cái nào cần giản lược là anh giản lược. Ngay cả khi vẽ thiên nhiên:

Tôi đặc biệt thích những bức phong cảnh miền núi của anh. Những xóm nhà, những phiên chợ dưới núi, hàng cây, có khi là bóng một cây đa lớn, ngôi miễu trắng, dòng sông là một vệt cọ chạy dài thanh thoát lạ kỳ.”

Để đến một nhận định chung:

Nhìn ngắm lâu tranh của anh tôi càng thấy hồn mình trầm xuống, đó chính là sự đạt đạo trong nghệ thuật.

*

Sau 1975, tác giả có cái may mắn tiếp tục sinh hoạt hội họa trong môi trường sau khi hai miền Nam Bắc đã nhập làm một. Anh đã được gặp những tên tuổi chưa xưa lắm nhưng đã thành xa xôi như huyền thoại vì sự cách biệt 20 năm Nam Bắc: Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái… với sự kính phục về tài năng cũng như nhân cách. Đồng thời cũng nhìn ra vài cung cách lạ lùng của chính quyền cộng sản đối với lịch sử hội họa của đất nước:

Trong ‘Các Họa Sĩ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương’ do nhà xuất bản Mỹ Thuật Hà Nội in năm 1993, tác giả Nguyễn Quang Phòng đã không công bằng khi ‘quên nhắc’ đến các họa sĩ tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở miền Nam, nhất là hai vị giám đốc của hai trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và Cao Đẳng Mỹ thuật Huế: Lê Văn Đệ và Tôn Thất Đào, chỉ nhắc qua vài dòng về Lê Văn Đệ, không thấy in tranh của hai ông. Còn nhiều họa sĩ, giáo sư như Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Lê Yên, U Văn An… ở miền Nam đều tốt nghiệp ở Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tuyệt nhiên bị quên lãng…

Đó là sinh hoạt công khai, mặt nổi. Ở miền Bắc còn có một tầng sinh hoạt khác “về nghệ thuật”:

Riêng Lê Phổ cũng có ý định tặng cho Viện Bảo Tàng Hà Nội nhiều tranh. (…) Cho đến nay chuyện ấy vẫn chưa thành. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội gần đây vẫn chưa giải tỏa nhiều thắc mắc của công chúng yêu nghệ thuật về chuyện bản chính hay bản sao của nhiều bức hiện đang trưng bày. Thậm chí tác phẩm sơn dầu nổi tiếng ‘Thiếu nữ bên hoa huệ’ của Tô Ngọc Vân, vẫn chưa biết đích xác bản chính đang ở đâu.

Về sự hư hoại và mất mát tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào tại Huế, tác giả viết: “Một số cho Hà Nội mượn triển lãm bị thất lạc, một số bị trận lụt năm 1999 làm hư hỏng hết…” chúng ta không thể không chú ý, bên cạnh thiên tai là lụt lội, lại còn cảnh thê thảm Một số cho Hà Nội mượn triển lãm bị thất lạc. Thất lạc đi đâu, không cần nói, ai cũng biết.

Dối trá, bóp méo lịch sử nói chung, trong đó có lịch sử hội họa. Đó là tính chất mafia của chính quyền cộng sản, từ lâu rồi, thời Liên Xô cho đến bây giờ đều như thế cả. Nhưng cái mafia của tầng ngầm càng khủng khiếp hơn: các tác phẩm có giá trị cao của quốc gia đều có thể âm thầm đội nón ra đi, thay vào đó là các tranh sao chép. (*)

Giới viết lách về hội họa của Hà Nội có biết những việc ấy không? Có ai đề cập tới không? Ở nước ngoài chúng ta thiếu thông tin về các việc này, chỉ nghĩ rằng trong một thời đại mà cả guồng máy công quyền có thể cùng nhau biển thủ hàng tỉ mỹ kim, thì nhằm nhò gì vài ba bức tranh cũ, ai hơi đâu mà nhắc tới? Nhưng Đinh Cường nhắc tới. Chúng ta phải ngậm ngùi tưởng niệm những bức danh họa do những “đấng tài hoa” Việt Nam tạo nên đã âm thầm biến mất khỏi các Bảo tàng Nghệ thuật và không bao giờ biết chúng đã ra đi phương nào, và bao nhiêu đồng đô la đã chảy vào túi những quan chức văn hóa. Chúng ta phải cám ơn họa sĩ Đinh Cường đã nêu vấn đề này lên, ít ra để mọi người biết, và có một phút mặc niệm, thương tiếc cho những mất mát của nước nhà.

*

clip_image016

Đinh Cường, Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng

Triển lãm Duy Thanh, Virginia 1997.

Tôi nghĩ Đinh Cường vừa hoàn tất một tác phẩm quý, giới thiệu một loạt các khuôn mặt nghệ sĩ tạo hình đi trước mình, trong một giai đoạn lịch sử hội họa chưa đầy một thế kỷ của Việt Nam. Đi trước mình nhưng không xa lắm, đó có thể là những người thầy của mình, những đàn anh đàn chị mà anh đã từng quen biết, đã từng thân thiết. Các chi tiết về cuộc đời sáng tạo của lớp nghệ sĩ này anh sưu tập khá đầy đủ, chưa kể trải nghiệm của chính anh trong quá trình tiếp xúc với họ, thậm chí làm bạn với họ. Thế hệ trước và sau đôi khi chỉ là cách phân biệt mong manh, không diễn tả một cách biệt nào rõ rệt trong thế giới nghệ thuật. Đinh Cường đã viết về họ như một người nghiên cứu khá sâu sát một cách khách quan, đồng thời như một người trong cuộc, thở cùng nhịp thời đại, rung động về những đề tài gần gũi với họ.

Và với dư vang của không khí tươi đẹp, đầy tình cảm mà cũng rất chuẩn xác của tác phẩm này, chúng ta chờ đợi Đi Vào Cõi Tạo Hình cuốn II, Đinh Cường sẽ nói về thế giới tạo hình của chính thế hệ mình, sắp ra đời nay mai.

Ngày 5 tháng Tám, 2015.

* Mời đọc bổ túc: Đoạn sau đây trích từ bài “Hệ thống ăn cắp sinh văn hóa ăn cắp” của Ngô Nhân Dụng đăng trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 29 tháng Bảy 2015.

“Phải kể hầu quý vị chuyện một công dân hiền lành ở bên Tàu là họa sĩ Tiêu Nguyên (Xiao Yuan, 萧元). Tiêu Nguyên là họa sĩ, làm quản thủ mỹ thuật trong thư viện của Học viện Mỹ thuật Quảng Châu (廣州美術學院), cho đến khi về hưu năm 2010. Thư viện treo nhiều tranh, ông từng là tác giả nhiều sách về mỹ thuật Trung Hoa. Nếu không sống dưới chế độ cộng sản thì chắc suốt đời ông vẫn chỉ là một quản thủ thư viện, một nhà nghiên cứu hiền lành, lương thiện.

Cuối tháng Bảy 2015, Tiêu Nguyên mới bị kéo ra tòa, cung khai sự nghiệp ăn cắp tranh từ thư viện trong ba năm trời, ăn cắp ngay trước mắt mọi người.

“Năm 2003, Học viện Mỹ thuật bắt đầu đưa cả bộ tranh trong thư viện vào computer lưu trữ, cho giới nghiên cứu dễ tìm tòi. Khi tiến hành công việc “số hóa” (digitalize), Tiêu Nguyên khám phá ra có nhiều bức treo trên tường là tranh giả. Có người treo tranh giả vô đó, tức là các bức tranh thật đã bị đánh tráo mất rồi. Khám phá ra tội trộm cắp ngay trong sở làm, Tiêu Nguyên lẳng lặng không nói gì với ai; vì đã thấy một cơ hội cho chính mình làm ăn. Sống trong một xã hội nhìn quanh thấy toàn bọn ăn cắp ngồi trên cao, mọi người không ai được tố giác mà còn phải vỗ tay hoan hô chúng, được dịp ăn cắp mà bỏ qua thì ngu dại quá!

clip_image018

Zhu Da (1626-1705)

“Tiêu Nguyên đi mua những tờ giấy trắng cũ và cả loại mực cũ, càng cũ càng trông giống tranh cổ. Mỗi cuối tuần, ông mượn các bức tranh thật về nhà, sao chép tỉ mỉ. Cho đến khi bức tranh giả hoàn tất thì mang đến treo lên tường; chả ai biết gì cả. Làm ăn như vậy, tới năm 2006 Tiêu Nguyên phải ngưng, vì cả bộ sưu tập chuyển đi nơi khác. Tổng cộng Tiêu Nguyên đã ăn cắp được 143 bức tranh, bán 125 bức thu vào 34 triệu đồng nguyên (khoảng gần 6 triệu đô la Mỹ). “Phần lớn tranh quý bán qua nhà đấu giá Trung Quốc Gia Đức Phách Mại (China Guardian Auctions 中国嘉德拍卖). Tranh đem bán được giá vì có tác phẩm của các họa sĩ nổi danh trong thế kỷ 20 như Tề Bạch Thạch (Qi Baishi, 齐白石), Trương Đại Thiên (Zhang Daqian, 张大千). Năm 2012 một bức tranh của Tề Bạch Thạch bán ở Bắc Kinh với giá 72 triệu nguyên! Những tranh cổ được giá là của họa sĩ Chu Đáp đời Thanh (Zhu Da, 朱耷;1626-1705).

“Khi bị bắt, Tiêu Nguyên còn giữ 18 bức tranh quý, trị giá 77 triệu nguyên, gần 12 triệu rưỡi đô la. Chắc các bức tranh đó sẽ được trả lại cho Học viện Mỹ thuật Quảng Châu. Nhưng số phận chúng sau này sẽ ra sao, khó đoán được. Bởi vì những bức tranh Tiêu Nguyên vẽ giả đem treo trong thư viện sau đó vẫn có người đánh tráo bằng những bức tranh “giả hơn!” Ra trước tòa, Tiêu Nguyên khai ông nhìn thấy ngay là tranh giả, sao chép vụng về, xấu hơn tranh giả của ông nhiều! Tất nhiên khi nhìn thấy ông cũng không dám tố giác những tay ăn cắp kế nghiệp mình. Vì nếu mở cuộc điều tra thì người ta sẽ khám phá ra những bức tranh bị đánh tráo đem đi cũng là đồ giả, họ sẽ hỏi tới ông.”

(Hết trích)

Comments are closed.