Con người này đã chết cái chết của mình – G.G. Marquez viết về E. Hemingway

Gabriel Garcia Marquez

Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Nga

images

E. Hemingway

 Bài viết này của G.G. Marquez về E. Hemingway ngay khi biết tin nhà văn Mỹ qua đời (2/7/1961) đã được đăng trên một tờ tạp chí Mexico ít ai biết và hiện nay không còn nữa, về sau nó cũng chưa khi nào có mặt trong nhiều tuyển tập tác phẩm của nhà văn Columbia. Mãi sau Gabo đã tìm thấy nó trong kho lưu trữ của mình và thấy cần thiết phải đăng nó trên tờ tạp chí “Cambio” mà ông có.

 Lần này thì dường như đúng thật rồi: Ernest Hemingway đã chết. Lời thông báo này đã làm xúc động nhiều người ở khắp các vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới: nào những người hầu bàn từng phục vụ ông, nào những người từng dẫn ông đi săn và những bạn học đấu bò của ông, nào những tài xế taxi từng chở ông đi, và cả những kẻ giết người thuê đã về hưu.

Trong khi đó ở cái thành phố nhỏ Ketchum thuộc bang Idaho (Mỹ) cái chết của một trong những cư dân đứng đắn chỉ là một tin buồn ở tầm địa phương. Thi hài của người quá cố được để viếng trong sáu ngày, nhưng không phải vì để dành cho người đã mất sự tưởng nhớ theo kiểu nhà binh, mà là vì người ta đang chờ cái người lúc này đang đi săn sư tử ở châu Phi. Cái xác chết không phải nằm trên đỉnh núi phủ tuyết cạnh xác một con báo đã đóng băng và không phải là miếng mồi cho những loài chim rỉa xác, mà sẽ yên nghỉ lặng lẽ tại một nghĩa trang sạch sẽ của nước Mỹ giữa những người quá cố thân thiện vây quanh. Những hoàn cảnh gợi nhắc đến cuộc sống thực như thế buộc ta phải tin là lần này Hemingway đã chết thật rồi – sau lần thứ ba tìm cách chết.

Năm năm trước, khi chiếc máy bay chở ông bị rơi ở châu Phi, cái chết của ông đã không thể là sự thật. Người ta đã tìm thấy ông vui vẻ trong trạng thái nửa say nửa tỉnh ở một khoảng sáng trong rừng rậm, cách đó không xa có một đàn voi dạo qua. Bản thân sáng tác của Hemingway nơi mà các nhân vật chưa được quyền chết trước khi nếm trải mùi vị cay đắng của chiến thắng, đã phủ định một cái chết kiểu như thế, nó hợp với điện ảnh hơn là với đời thực.

Còn giờ đây nhà văn 62 tuổi và mùa xuân năm ngoái đã hai lần phải vào viện vì bệnh tuổi già đã được tìm thấy trong căn phòng của ông với đầu bị bắn một viên đạn từ khẩu súng thường dùng đi săn hổ. Có lợi cho giả thuyết tự tử là một lý do thuần tính kỹ thuật: kỹ năng sử dụng vũ khí của ông loại trừ khả năng của một tai nạn bất hạnh. Chống lại giả thuyết tự tử chỉ có một cái cớ nhưng lại dựa vào văn học: Hemingway thuộc loại người không tự kết liễu đời mình. Tự tử trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông bao giờ cũng bị coi là sự hèn nhát, mà các nhân vật của ông thì đều tỏ ra anh hùng dù chỉ là vì họ không sợ sệt và mạnh mẽ về thể chất. Dù sao đi nữa, bí ẩn cái chết của Hemingway không quan trọng lắm, bởi vì lần này mọi việc đã diễn ra đúng quy tắc: nhà văn đã chết như người bình thường nhất trong các nhân vật của ông, và đã chết trước hết vì các nhân vật của mình.

Trái với sự đau buồn thành thật của các võ sĩ quyền Anh, trong những ngày này giới phê bình văn học lại tỏ ra bối rối. Câu hỏi chính đặt ra cho họ bây giờ là: Hemingway là nhà văn vĩ đại đến mức nào, ông xứng đáng chừng nào với những vòng nguyệt quế mà chính ông cũng coi như là trò đùa và là một chi tiết hết sức nhỏ nhặt trong đời một con người?

Nói thẳng ra, Hemingway trước hết là một người khao khát nghiên cứu không hẳn về bản tính con người mà là hành vi cá nhân của con người. Nhân vật của ông xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới, trong mọi hoàn cảnh và trên mọi bậc thang xã hội, nơi cần phải đấu tranh một cách tuyệt vọng thậm chí không phải để sống sót, mà để giành chiến thắng. Và sau đó rồi thì thắng lợi được cảm nhận như một cơn mệt mỏi thể chất tột cùng và sinh ra những mối hoài nghi đạo đức.

Nhưng trong vũ trụ của Hemingway thắng lợi được trao không phải cho kẻ mạnh, mà cho chính người minh triết – người có sự khôn ngoan do kinh nghiệm sống đưa lại. Theo nghĩa này ông là một người lý tưởng. Hiếm khi thấy trong nhiều tác phẩm của ông sức mạnh thô bạo chiến thắng sức mạnh tri thức. Con cá nhỏ nhưng thông minh hơn có thể ăn cả con cá to. Người đi săn ở ông chiến thắng sư tử không phải vì được vũ trang bằng khẩu các bin, mà bởi đã biết rất tỉ mỉ các bí mật cái nghề của mình. Nhưng có đôi lần chính sư tử lại biết các bí mật của mình kỹ hơn. Trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” – cuốn truyện dường như đã thu nạp vào mình toàn bộ thói tật và đức hạnh của tác giả – ông lão ngư dân đơn độc, tàn hơi kiệt sức và bị số phận độc ác truy đuổi đã chiến thắng con cá to nhất thế giới trong cuộc vật lộn, nơi trí tuệ quan trọng hơn sức lực.

Thời gian cho thấy Hemingway, ngay cả nếu không thành nhà văn lớn, cũng đã vượt xa nhiều người lớn hơn mình nhờ vào sự hiểu biết những động cơ giấu kín chi phối hành vi của mọi người, và tất nhiên nhờ sự nắm vững bí mật cái nghề của mình. Một lần trả lời phỏng vấn ông đã định nghĩa rất chính xác công việc sáng tác của mình khi so sánh nó với tảng băng trôi: chỉ một phần tám của nó nổi trên mặt nước, và không thể làm gì với cái phần đó được cả vì bảy phần còn lại duy trì cho tảng băng là chìm dưới nước.

Giá trị trường cửu của Hemingway được neo lại chính bằng sự minh triết giấu kín này, cái duy trì chuyển động cho toàn bộ khối lượng sáng tác của ông mà cấu trúc của nó hiện ra rõ ràng và sáng tỏ, còn đôi khi ít ỏi đến kịch tính.

Hemingway chỉ kể những cái ông tận mắt thấy, những cái ông tự mình trải nghiệm khổ đau và sung sướng, bởi vì tự ông có thể tin tưởng chỉ những cái đó. Đời ông là cả một quá trình học nghề liên tục và mạo hiểm. Và ông trung thực đến tận cùng trong nghề của mình: hãy thử nhớ lại nhà văn đã bao lần liều mạng sống của mình để về sau có thể mô tả chính xác một hành vi đơn giản của các nhân vật.

Theo nghĩa này Hemingway đã không lớn hơn, nhưng cũng không nhỏ hơn người ông muốn trở thành: một con người sống một cuộc sống tràn đầy trong mỗi khoảnh khắc tồn tại của mình. Số phận của ông về mặt nào đó là số phận các nhân vật của ông, những người đã sống qua từng thời khắc ở bất cứ đâu trên Quả Đất, nhưng vẫn sống mãi muôn đời nhờ sự trung thành của những người yêu quý họ. Có lẽ đây chính là định nghĩa chính xác nhất về tầm vóc lớn lao của Hemingway. Và có thể điều đó xác định không phải sự kết thúc mà chỉ là sự mở đầu của cuộc sống trong văn học thế giới. Ông là mẫu mực tự nhiên của một bản người tuyệt diệu, của một người lao động chân chính và trung thực đến khó tin, người mà lẽ ra xứng đáng được nhiều hơn một ngôi vị cao trong ngôi đền vinh quang thế giới.

 Mexico 1961

 (Nguồn: lib.ru)

Dịch giả gửi Văn Việt

Comments are closed.