CÂU CHUYỆN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ (1): THỬ THÁO GỠ CHUYỆN “VÔ LÍ ẦM ẦM”

KHI DIỄN GIẢI THÀNH NGỮ “THẮT LƯNG BUỘC BỤNG

Nguyễn Đức Dương

Mới đây, LĐCT (số 34) có giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết dài của PGS TS Phạm Văn Tình, trong đó tác giả dành gần trọn nội dung để diễn giải thành ngữ [TN] THẮT LƯNG BUỘC BỤNG. Nhìn chung, nhờ xác định nhanh chóng và đúng đắn thực chất ngữ học của đơn vị ngôn từ đang xét, tác giả đã diễn giải hết sức thành công TN vừa nêu. Tuy nhiên, khi thử soi sáng cái được tác giả gọi là “nghĩa đen” của nó[1] thì ông có phần hơi lướng vướng do bị tình cảnh “vô lí ầm ầm” “bủa vây”, như chính ông công khai thừa nhận, ngay cả khi đã phải viện tới sự giúp sức của một số cô bác cao tuổi.

Sở dĩ tác giả đã lâm vào tình cảnh ngoài ý muốn ấy, theo thiển nghĩ, chắc chỉ vì quỹ thời gian của ông quá eo hẹp, khiến ông quên không để ý tới nghĩa thứ hai của từ LƯNG được Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê (cb.), một công trình biên khảo dày công vừa được nhà xuất bản Tri Thức tặng thưởng “Giải sách hay năm 2012” nêu rõ. Giá có nhiều thì giờ hơn, chắc ông sẽ nhận thấy ngay bộ phận tiếp theo sau đây trong lời diễn giải của từ LƯNG: “2. [Là thứ] dải / bao dài bằng vải [mà phụ nữ thời xưa] hay buộc ngang lưng cho đẹp / dùng làm chỗ đựng tiền; (thường dùng trong khẩu ngữ) để chỉ tiền riêng, tiền vốn (NV nhấn mạnh) […])[2].

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến nhận định: có thể giảng cụm THẮT LƯNG và cụm BUỘC BỤNG đại để như sau:

THẮT LƯNG = Hạn chế các khoản tiền bạc định chi tiêu; và

BUỘC BỤNG = Hạn chế ăn uống.

Còn toàn bộ TN là: Hạn chế tới mức cao nhất cả chi tiêu lẫn ăn uống (để đồng vốn đỡ bị thâm lạm trong thời buổi kinh tế hết sức ngặt nghèo).

Tình cảnh “vô lí ầm ầm” có lẽ đã được tháo gỡ xong.

Nhân đây, chúng tôi xin có đôi lời với tác giả Phan Thị Mỵ (xin x. LĐCT số 38) cùng đông đảo bạn đọc chung quanh những lời góp ý của bà khi bàn về cặp tục ngữ [TNg] “Khuất mắt khôn coi” và “Khuất mắt trông coi” được chúng tôi giới thiệu trên LĐCT số 36. Chúng tôi xin thú thật là rất nhiều người đi trước, giàu kinh nghiệm hơn, khuyên tôi nên tránh trả lời bởi, theo họ, khoảng cách giữa ý kiến của đôi bên còn quá rộng. Chẳng hạn, hồi còn đi học ở trường, các thầy, các cô dạy tôi đều khuyên nên chia mọi biểu thức ngôn từ cần tìm hiểu thành nhiều hợp phần nhỏ hơn (chẳng hạn, ÂM VỊ thành NÉT KHU BIỆT hoặc NGHĨA thành NÉT NGHĨA, v.v.) mới hy vọng đi sâu được vào thực chất của nó và phát hiện được các đặc trưng lí thú của nó. Về sau, khi ra trường, hầu như mọi cuốn sách tôi đọc cũng đều dạy tôi những điều tương tự, và những lời dạy ấy từ đó trở đi tôi đều cố làm theo đúng trong bất cứ trường hợp nào. Ấy thế mà tác giả bài góp ý lại khuyên tôi là “không nhất thiết phải suy xét đến tận chân tơ kẽ tóc bất kì một thành ngữ nào để xem nó nó có hợp lý không”. Ngoài ra, tôi còn được dạy rằng tần suất sử dụng của các biểu thức trong lời ăn tiếng nói chẳng phải lúc nào cũng luôn đi đôi với tính đúng đắn của biểu thức ấy, bởi lẽ “tính đúng đắn” ấy lắm khi đã bị cái được nhà ngữ học lỗi lạc F. de Saussure gọi là “từ nguyên học dân gian” làm cho sai lạc đi. Ấy thế nhưng tác giả bài góp ý lại khuyên tôi: “[…] quan trọng hơn, là xem tần số sử dụng nó trong cuộc sống, trong xã hội cao hay thấp, số lượng sử dụng nhiều hay ít mà thôi”. Sự khác biệt quá lớn ấy đã ngăn tôi viết bài trả lời; cho nên ở đây tôi muốn thưa lại cùng độc giả xa gần chỉ vài lời như vậy mà thôi để mong được thông cảm.


[1] Có lẽ nên gọi đó là “nghĩa hiển ngôn”, như nhà ngữ học Cao Xuân Hạo từng làm thì hơn.

[2] Nghĩa này của LƯNG hiện chúng ta còn có thể bắt gặp trong Kiều (Chung LƯNG mở một ngôi hàng […] / Nữa khi muôn một thế nào / Bán hùm buôn sói chắc vào LƯNG đâu?) hoặc trong một số áng văn thơ cổ (Mỏng LƯNG xem cũng chẳng giàu / Nhiều miệng lấy chi cho đủ) [Nguyễn Công Trứ. Hàn nho phong vị phú].

Comments are closed.