ĐỂ ĐỌC HIỂU TỤC NGỮ

Nguyễn Đức Dương

0. Mở bài

Tục ngữ [TN] thì ai cũng có thể đọc làu làu, miễn biết đọc biết viết. Nhưng thấu hiểu được những điều người xưa gửi gắm trong mỗi câu lại là chuyện khác. Vậy, phải làm gì để có thể nắm bắt được mọi thông tin mà TN muốn chuyển giao? Bài dưới đây thử đi tìm một lời giải có thể chấp nhận được cho câu hỏi vừa nêu.

Theo thiển ý, để hiểu thấu mọi thông tin mà người xưa muốn chuyển giao cho con cháu qua các đơn vị TN, chúng ta phải hoàn tất bốn việc: (1) làm rõ nghĩa từ vựng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của mọi từ ngữ hợp thành mỗi câu; (2) làm rõ mối quan hệ cú pháp giữa các hợp phần ấy; và tiếp đến là (3) làm rõ nghĩa hiển ngôn của nó; để từ đó (4) suy ra nghĩa hàm ẩn (nếu câu còn có cả thứ nghĩa ấy).

1. Những việc cần làm

Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt đi sâu vào những phần việc cụ thể cần làm trong từng khâu. Bây giờ, xin đi vào khâu thứ nhất.

1.1. Làm rõ nghĩa từ vựng

Đây là việc đầu tiên nhất thiết phải làm bởi một lẽ hết sức giản dị: mỗi từ ngữ trong câu là một viên gạch góp phần tạo dựng nên nội dung của toàn câu. Việc này nhìn chung hết sức mất thì giờ và chẳng thú vị chút nào. Có lẽ đó là lí do khiến nó rất hay bị coi nhẹ trước khi bắt tay vào những phần việc còn lại. Mà đã coi nhẹ thì dù muốn dù không chúng ta đều phải trả giá. Và cái giá phải trả lắm khi chẳng hề rẻ!

Chẳng hạn, do đinh ninh “thả cá” trong “Thứ nhất thả cá ; thứ nhì gá bạc” là ‘cho cá [giống] xuống ao hồ để nuôi’, tác giả Nguyễn Lân đã giảng câu trên là: ‘Việc thả cá là có lợi và đúng, nên cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm ăn bất chính” (xin x. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam [1989]).

Xem ra ông đã cố tình làm ngơ trước một sự thực từng được giới khảo cứu chỉ ra từ rất sớm: cụm này còn có một đồng âm, và đồng âm ấy vốn chuyên dùng để biểu thị nghĩa ‘thách cá’, như nhiều từ điển từng ghi nhận. Và theo quy tắc “phù ứng ngữ nghĩa giữa các từ ngữ trong câu”,– một quy tắc từng được giới ngữ văn học xác lập ngay từ thời cổ đại,– chính cái nghĩa này mới tương thích với cụm “gá bạc” đi kèm ở vế sau. Nói cách khác, cả thả cá lẫn gá bạc đều là những trò đỏ đen “bất chính” như nhau; cho nên, phải chỉnh lại lời cắt nghĩa trên thành: ‘Thả cá và gá bạc là hai trò đỏ đen chóng sinh lợi bậc nhất xưa nay trong xã hội’ mới mong có được một lời giải tương thích với cách hiểu vẫn lưu truyền rộng rãi từ bao lâu nay trong dân dã.

Cũng do quá coi nhẹ nghĩa từ vựng của “TRÀNG” (= ‘Vạt trước của chiếc áo dài kiểu cổ) trong “Áo cứ tràng; làng cứ xã”, tác giả Nguyễn Lân đã đổi bừa nó thành “CHÀNG” (với cái nghĩa là ‘từ hay được phụ nữ dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ với hàm ý thân thiết’) rồi giảng: ‘( là chức dịch trong làng) Nói tính ỷ lại của người đàn bà cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình’ (Sđd, tr.10), – một cách hiểu chả hề giống ai,– trong khi nghĩa đích thực của câu vẫn được giới thông thạo văn chương truyền miệng nhất trí với nhau là: ‘Áo thì nên dựa vào tràng mà cắt may; còn làng thì nên căn cứ vào lí trưởng mà bình phẩm’, vì TRÀNG, như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) từng chỉ rõ, là ‘Vạt trước của chiếc áo dài [kiểu cổ]’.

Cũng do quá tin vào Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), chúng tôi đã giảng chệch gần như hoàn toàn câu “Hà tiện mới giầu (= “giàu” [nói trại]); cơ cầu mới có” trong cuốn Từ điển tục ngữ Việt bằng lời cắt nghĩa: ‘Có ăn tiêu thật dè sẻn mới mong giàu lên được; có chịu thiếu thốn, khổ cực / ăn ở nghiệt ngã, hiểm độc [với người xung quanh] mới mong có [của][1]. Giá chịu bỏ ra mươi lăm phút để tra Hán – Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, chắc hẳn chúng tôi đã giã từ ngay với lời giảng vừa dẫn để bằng lòng tức khắc với lời giảng: ‘Có ăn tiêu thật dè sẻn mới mong giàu lên được; có nối được nghiệp cha ông mới mong có [của][2].

Đến đây, chúng tôi tự thấy không nên đưa thêm dẫn chứng nữa cho bạn đọc đỡ mất thì giờ để chuyển sang khâu kế tiếp.

1.2. Làm rõ mối quan hệ cú pháp

Cú pháp của mọi thứ tiếng, như sách vở viết về ngữ học từ lâu từng ghi rõ, là thứ phương tiện giúp người nói dễ dàng và mau chóng truyền đạt mọi thông tin ngữ nghĩa mà anh ta cần / muốn chuyển cho người nghe.

Hệ trọng là thế, nhưng tiếc thay, đây lại là khâu rất dễ khiến cho giới diễn giải TN rối trí. Vì sao thế? Xin thưa: như nhà ngữ học tên tuổi Cao Xuân Hạo từng vạch rõ từ hồi còn sống, loại hình sáng tác dân gian này chưa bao giờ “mặc” vừa chiếc “áo” Chủ–Vị[3], tuy chiếc “áo” ấy vẫn được sách vở ngữ pháp chính thống ở ta (vốn bị quan điểm “dĩ Âu vi trung” [lấy châu Âu làm trung tâm] làm cho méo mó đi) coi là nội dung chủ chốt cần được truyền dạy trên mọi bậc học kể cả tiểu học, và vẫn ưa dùng để “khoác” cho mọi kiểu câu có thể bắt gặp trong tiếng Việt!

Xin minh hoạ điều vừa nói bằng một vài dẫn liệu tiêu biểu. Chẳng hạn, do nhầm tưởng hai cụm “rắn mai” và “rắn hổ” trong “Rắn mai tại lỗ; rắn hổ về nhà” là chủ ngữ, còn hai cụm “tại lỗ” và “về nhà” là vị ngữ, và mối quan hệ giữa hai bộ phận trong câu là “kẻ hành động” và “hành động (do kẻ ấy gây nên)”, tác giả Nguyễn Lân đã giảng câu trên là: ‘(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang) Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang; còn rắn hổ mang thì hay ra ngoài’ (Sđd). Lời giảng vừa dẫn, tiếc thay, chẳng hề tương thích một mảy may nào với cách hiểu vẫn lưu truyền tự bao đời trong dân dã, nhất là với vốn kinh nghiệm sống còn của giới bắt rắn nhà nghề: ‘[Hễ bị] rắn mai [gầm cắn thì nạn nhân có thể mất mạng ngay] tại lỗ [= cửa hang của nó]; [hễ bị] rắn hổ [mang cắn thì nạn nhân có thể lê] về [tới] nhà [mới tắt thở]’.

Đâu là nguyên do gây nên tình trạng sai khác đáng kể ấy? Thưa: sở dĩ có sự sai khác quá lớn đó, vẫn theo nhà ngữ học danh tiếng họ Cao, chung quy chỉ vì trong cảm thức sâu xa của mọi người Việt bình thường (một khi còn chưa bị hệ ngữ pháp Chủ–Vị “dĩ Âu vi trung” làm cho “chệch choạc”), thì “rắn mai” và “rắn hổ” chả phải là chủ ngữ, mà là “đề ngữ” [tức topic]; còn “tại lỗ” và “về nhà” chả phải là vị ngữ, mà là “thuyết ngữ” [tức comment], và mối quan hệ ngữ nghĩa giữa hai phần ấy là mối quan hệ giữa “sự thể [state of affairs] không may” và “hậu quả bi thảm do nó gây nên”. Nói khác đi, câu trong kho TN Việt (mà chả riêng gì trong TN!) vốn được tổ chức theo khuôn Ðề–Thuyết, một mô hình từng được các nhà Việt ngữ học nổi tiếng nước ngoài (như L. Thompson, H. Dyvik) khởi xướng từ nhiều thập kỉ trước, rồi được Cao Xuân Hạo cùng các cộng sự bổ khuyết vào những năm 80, 90 của thế kỉ XX và đã gây được một tiếng vang đáng kể trong học giới chẳng riêng gì tại TP. Hồ Chí Minh[4].

Chứng cớ? Nếu cứ giảng Chó treo; mèo đậy theo khuôn Chủ–Vị, ta buộc phải giảng rằng: ‘Chó [đem] treo [các món ăn cần cất giữ lên cao]; [còn] mèo [thì đem] đậy [kín các món ăn cần cất giữ lại]’ hay ‘[Nên đem] chó treo [cao lên / [nên đem] mèo [đậy kín lại (để ngăn chúng ăn vụng các món ăn cần cất giữ)]’, trong khi nghĩa đích thực của câu, như mọi người đều biết, lại là: ‘[Để ngăn] chó [ăn vụng thì các món ăn cần cất giữ phải được] treo [cao lên]; [để ngăn] mèo [ăn vụng thì các món ăn cần cất giữ phải được] đậy [kín lại]’, do mối quan hệ giữa “chó” (phần Đề) và “treo” (phần Thuyết) cũng như giữa “mèo” (phần Đề thứ hai) và “đậy” (phần Thuyết thứ hai) là mối quan hệ giữa hai sự thể, trong đó cái đầu biểu thị “mục đích cần nhằm tới“; còn cái sau biểu thị “hành động (cần làm để đạt đến cái đích kia)”.

Nhân tiện, cũng xin mời độc giả bớt chút thì giờ để “chiêm nghiệm” vài dẫn liệu “đặc sắc” mà chúng tôi có thu thập được trong thời gian biên soạn cuốn Từ điển tục ngữ Việt để có thể hình dung đầy đủ hơn tác hại khôn lường của việc dùng khuôn Chủ–Vị để mô tả cấu trúc cú pháp của các đơn vị TN[5]. Chẳng hạn, GS Nguyễn Như Ý cùng các cộng sự đã gỉảng như sau câu “Ăn cơm có canh; tu hành có vãi” trong cuốn Ðại từ điển tiếng Việt (1998) của họ: ‘Sự ham muốn nhục dục của đôi kẻ trong giới tu hành cũng là chuyện thường tình, ví như ăn cơm thì phải có canh, ở nhà chùa thì ắt có vãi’, trong khi đó nghĩa đích thực của câu vốn chỉ giản dị là: ‘Ăn cơm thì nên có canh (kèm theo cho dễ nuốt); còn tu hành thì nên có vãi (phụ giúp cho đỡ mất thì giờ vào những việc chả mấy liên quan tới chuyện tu hành)’.

Câu “Ăn lúc đói; nói lúc say cũng được công trình vừa dẫn giảng là: ‘Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say thường nói rất hay [sic!?]’, trong khi nghĩa đích thực của nó chỉ đơn giản là: ‘Ăn là việc ai cũng hay làm khi bụng đói; nói là việc ai cũng hay làm khi đầu óc chếnh choáng hơi men[6].

Bây giờ, có lẽ đã tới lúc có thể chuyển sang khâu thứ ba: làm rõ nghĩa hiển ngôn.

1.3. Làm rõ nghĩa hiển ngôn

Thông tin về nghĩa từ vựng của các hợp phần cùng mối quan hệ cú pháp giữa chúng trong câu TN, như chúng ta sẽ thấy, mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ, giúp chúng ta làm rõ thứ nghĩa đang xét của các đơn vị kiểu này.

Tại sao vậy? Xin thưa: Vì hiếm thấy thể loại sáng tác dân gian nào chuộng lối diễn đạt rút gọn (tức tỉnh lược) ở một mức cực cao và một phạm vi cực rộng như là TN. Do thế, chừng nào còn chưa phục dựng được đúng và đủ các phần đã bị lược bớt thì chừng ấy còn chưa thể nói tới chuyện làm rõ thứ nghĩa đang bàn.

Thật thế, phải làm công việc vừa nhắc trước đã bởi lẽ, như thực tế cho thấy, người xưa rất chuộng phương châm diễn đạt “ý ở ngoài lời” khi sáng tác. Sở dĩ người xưa thích làm thế chung quy có lẽ chỉ vì họ chả mong gì hơn ngoài việc làm cho các đơn vị TN dễ di vào tâm thức con cháu và nhất là giúp các thế hệ đi sau dễ ghi nhớ và ghi nhớ thật bền những lời căn dặn của chính mình.

Có làm tốt khâu này (như chúng ta sắp làm dưới đây chẳng hạn với câu “Chiêm hơn, chiêm sít; mùa ít, mùa nở”) mới mong làm rõ được nghĩa hiển ngôn của câu cần giảng: ‘[Thóc] chiêm [xay ra thường lợi gạo] hơn [thóc mùa, nhưng cơm gạo] chiêm [thổi lên hay bị] sít (= kém nở); [thóc] mùa [xay ra thường được] ít [gạo hơn thóc chiêm, nhưng cơm gạo] mùa [lại] nở [hơn nhiều] (phần đặt trong ngoặc vuông tại dẫn chứng là phần đã bị tỉnh lược).

Đến đây, chắc chả cần tinh ý lắm có lẽ ai cũng có thể dễ dàng nhận biết ngay: cái dạng đầy đủ này cũng chính là cái đích mà ta cần đạt tới. Xin minh hoạ thêm dăm dẫn liệu nữa để bạn đọc có thể hình dung cụ thể hơn những công việc cần làm ở khâu này.

Chẳng hạn, muốn biết được nghĩa hiển ngôn của “Cơm nhà; gà chợ”, ta hãy đưa nó về dạng đầy đủ ban đầu: ‘Cơm [được thoả sức ăn chính là thứ [do] nhà [thổi lấy]; gà [được thoả sức chọn chính là thứ vẫn bày bán ngoài] chợ.

Với các dẫn liệu tiếp theo, ta cũng có thể tiến hành theo lối tương tự. Chẳng hạn, chỉ cần đưa “Lợn chuồng chái; gái cửa buồng”, về dạng chưa hề bị lược bớt bất kì bộ phận nào: Lợn [được nhốt tại] chuồng chái [thì con nào trông cũng bắt mắt]; con gái [chỉ thấp thoáng trước] cửa buồng [thì cô nào trông cũng dễ xiêu lòng]’ là tự khắc sẽ thu được nghĩa hiển ngôn.

Cái nghĩa ấy của câu “Chim gà; cây cau; rau cải; nhân ngãi vợ; đầy tớ con” cũng chính là dạng chưa hề bị tỉnh lược sau đây: ‘[Trong họ nhà] chim [thì] gà [là giống cho nhiều thịt và thịt ngon hơn cả]; [trong họ nhà] cây [thi] cau [là giống cao sang và đa dụng hơn hết thảy (dưới mắt người xưa); [trong họ nhà] rau [thì] cải [là giống khoái khẩu và chế biến được lắm món nhất]; [trong hàng] nhân ngãi [thì] vợ [là kẻ khéo thu vén cửa nhà và cũng giỏi cam chịu hơn bất kì ai]; [trong hàng] đầy tớ [thi] con [là kẻ dễ sai bảo hơn bất cứ thứ kẻ hầu người hạ nào]’.

Dạng chưa bị tỉnh lược sau: ‘[Ba thứ ở đời dễ khiến ai cũng hết sức bực mình cho dù có giỏi cam chịu đến mấy chăng nữa là] ruồi vàng, bọ chó và gió Than Uyên rõ ràng chả phải là cái gì khác mà chính là nghĩa hiển ngôn của câu “Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên”.

4.1. Làm rõ nghĩa hàm ẩn

Bây giờ, có lẽ đã tới lúc bàn sang khâu cuối: làm rõ nghĩa hàm ẩn,– tức thứ nghĩa tuy không lộ rõ trên ngôn bản / văn bản, nhưng vẫn thấu đến người đọc / người nghe thông qua một phép suy diễn (trên cơ sở nghĩa hiển ngôn của câu hữu quan).

Hàng loạt đơn vị trong kho TN Việt không hề có nghĩa hàm ẩn, chẳng hạn, như: “Ác tắm thì ráo; sáo tắm thì mưa” – “Quầng hạn; tán mưa” – “Giàu nhà kho; no đầu bếp; chóng chết quản voi” – “Thứ nhất thịt bò tái; thứ nhì gái đương tơ” – “Con hơn cha là nhà có phúc” – “Ải thâm không bằng dầm ngấu” – “Gái còn son không bằng tô don Vạn Tượng” – “Yêu trẻ trẻ đến nhà; kính già già để tuổi cho” – “Có trẻ vui nhà; có già vui chùa” – “Tiền ở trong nhà tiền chửa; tiền ra khỏi cửa tiền đẻ” – “Mẹ con một lần da đến ruột” v.v. và v.v.. Dù thế chăng nữa, chúng ta vẫn không được quyền bỏ qua thứ nghĩa ấy bởi lẽ trong hàng loạt trường hợp, đây chính là điểm ý vị nhất mà người xưa mong gửi gắm cho các thế hệ mai sau.

Xin minh hoạ những gì vừa trình bày bằng vài dẫn liệu cụ thể.

Các soạn giả Ðại từ điển tiếng Việt (1999) đã giảng câu “Chết sông, chết suối, chả ai chết đuối đọi đèn” là: ‘Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước các đối tượng tầm thường’. Ðọc lời cắt nghĩa theo lối “vọng văn sinh nghĩa” (tức cứ nhìn chữ mà đoán mò ra nghĩa) vừa dẫn, chắc hẳn ai cũng phải lấy làm tiếc là chả hiểu sao họ lại chả buồn ngó ngàng gì tới hai thực tế sắp nói: Thứ nhất, tập quán thề nguyền ưa thích của ông bà ta thuở trước: khi muốn thề, ông bà ta hay thốt ra một lời thề độc (chẳng hạn, “sẽ chết ngay tức khắc nếu đơn sai…”), rồi lấy các vật thể được coi là trường tồn cùng trời đất (như sông biển, núi non, v.v.), các nguồn sáng (như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v.) hoặc các thế lực siêu nhiên (như thần linh, ma quỉ, v.v.) ra làm “đấng” chứng giám cho những gì mình thề. Thứ hai, thời chưa có đèn dầu hoả hoặc đèn điện, ông bà ta thường dùng một cái đĩa hoặc một cái bát (tức “đọi”, nếu gọi bằng tiếng địa phương), cho dầu lạc / dầu dừa vào, rồi thả một sợi bấc [= tim] bằng vải sao cho phần đầu của nó vắt ngang trên miệng đĩa / bát để làm vật thắp sáng.

Hễ lưu ý đến nếp sinh hoạt ấy, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra cho câu đang xét một lời diễn giải gần với sự thật hơn: ‘[Con người ta chỉ có thể] chết [đuối dưới] sông, chết [dưới] suối, [chứ chưa từng thấy ai chết đuối [trong] đọi [(= bát) dầu vẫn dùng làm] đèn [; và hay được đưa ra làm “đấng” chứng giám cho lời thề]’. Từ cái nghĩa hiển ngôn ấy, ta có thể dễ dàng suy ra nghĩa hàm ẩn sau đây của câu: ’Đừng vội tin vào các lời thề, ngay cả những lời thề độc, bởi lẽ độ xác thực của chúng, nhìn chung, đều rất thấp’.

“Xanh nhà còn hơn già đồng” cũng là một câu TN quen thuộc. Nhưng chắc do ngại ngẫm nghĩ, các tác giả cũng của cuốn Đại từ điển tiếng Việt (1998) dẫn trên đã vội đánh đồng nó với câu “Chiêm hoa ngâu đi đâu chẳng gặt”, rồi diễn giải y hệt như các tác giả cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1995) đã làm: ‘Một kinh nghiệm làm ruộng: lúa chiêm chín (vàng như hoa ngâu) phải gặt ngay để tránh mưa bão”.

Giá chịu khó làm rõ được cái nghĩa hiển ngôn của câu là: ‘[Thóc tuy còn hơi] xanh, [nhưng đã gặt về] nhà [vẫn chắc ăn] hơn [là thóc đã] gìà [(= chín vàng), nhưng còn ở ngoài] đồng’, chắc họ sẽ có thể dễ dàng suy ra cái nghĩa hàm ẩn của câu: ‘Các món lợi nhỏ, nhưng đã ăn chắc, bao giờ cũng đáng giá hơn là các món lợi lớn, nhưng còn xa vời’.

Đọc câu “Gái thương chồng đương đông buổi chợ ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm” và lời diễn giải cho nó trong cuốn Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ (1988) của GS Hoàng Văn Hành cùng cộng sự, chắc hẳn ai cũng sẽ rút ra ngay được một bài học thấm thía: xác định nhầm cấu trúc cú pháp (thay vì câu rút gọn lại giảng chệch thành câu so sánh), thường có thể dẫn chúng ta đi xa tới đâu: ‘([…Câu] phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng). Người con gái luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào đương đông buổi chợ. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc [sic!?] nhưng mãnh liệt như cái nắng quái chiều hôm vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm’ (tr. 166).

Phải chi coi đó là câu tỉnh lược, chắc chắn họ đã thu được một kết quả khả quan hơn rõ rệt: Gái [= vợ] đã thương chồng thì hãy hết lòng cùng chồng ngay cả khi đương đông buổi chợ [= đang có cơ buôn may bán đắt); trai [=chồng] đã thương vợ thì hãy hết lòng cùng vợ ngay cả khi đang phải khổ sở với cái nắng quái ác lúc xế chiều.

Gút lại, trót nhầm ở khâu thứ ba, nên họ cũng đánh mất luôn cơ may thành công ở khâu cuối cùng. Phải chi họ cũng làm như ta vừa làm bên trên, chắc hẳn họ cũng sẽ suy ra được nghĩa hàm ẩn của câu cần cắt nghĩa, và cũng sẽ thấy đó chính là lời nhắn nhủ thật bụng và hết sức hiền minh mà người xưa dành cho con cháu mai sau khi sáng tác câu ấy: ‘Đã yêu thương nhau thì vợ chồng hãy ăn ở hết lòng cùng nhau ngay cả khi chả có cơ may nào để bày tỏ tấm chân tình ấy’.

Xin thêm một dẫn liệu nữa để minh hoạ cho nghĩa hàm ẩn. Từ nghĩa hiển ngôn của câu “Nắng đan đó ; mưa gió đan gàu” là: ‘Nên đan sẵn đó lúc trời đang nắng (để còn có cái mà đơm khi mưa xuống); nên đan sẵn gàu lúc đang mưa gió (để còn có cái mà tát khi trời khô hạn)’, chắc ai cũng có thể dễ dàng suy ra nghĩa hàm ẩn của câu: ‘Phải lo liệu sẵn trước mới có cơ ứng phó kịp khi tình thế mới xuất hiện’.

3. Mấy lời kết

TN là pho tập đại thành những tri thức, những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức mà tổ tiên ta chắt lọc được từ thực tiễn qua bao đời nhằm truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Xem thế đủ thấy đọc hiểu TN mới chỉ là bước đi hết sức nhỏ nhoi trên con đường khai thác đến nơi đến chốn cái di sản vô giá và đồ sộ được thừa hưởng ấy, bởi lẽ bên cạnh bao lẽ thật, bao điều hay đáng học vẫn còn không ít điều phải suy ngẫm thật tỉnh táo, thậm chí phải hết sức dè chừng, chưa được đào sâu đến tận cùng trong cái kho báu đang bàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đào Duy Anh. Hán – Việt từ điển. 1950, NXB Minh-Tân,

Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, 1995, NXB Văn hoá.

Nguyễn Đức Dương. Tìm về linh hồn tiếng Việt. 2003, NXB Trẻ.

Nguyễn Đức Dương. Từ điển tục ngữ Việt. 2010, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Hoàng Văn Hành – Nguyễn như Ý – Phan Xuân Biên. Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, 1988, NXB Khoa học xã hội.

Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt . Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Bản in lần thứ hai, 2004, NXB Giáo dục.

Nguyễn Lân. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, 1989, NXB Văn hoá.

Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Bản in lần thứ mười một, 2005, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học.

Nguyễn Như Ý (chủ biên). Đại Từ điển tiếng Việt. 1998, NXB Văn hoá – thông tin.

TÓM TẮT

Trong bài này, tác giả thử phác hoạ các nét chủ chốt của một quy trình cho phép đọc hiểu các đơn vị tục ngữ [TN] Việt. Theo tác giả, quy trình ấy gồm:

(1) làm rõ nghĩa từ vựng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) các hợp phần tạo nên đơn vị TN đang bàn;

(2) làm rõ mối quan hệ cú pháp giữa các hợp phần ấy theo khuôn ngữ pháp Ðề–Thuyết;

(3) phục dựng đúng và đủ dạng chưa bị tỉnh lược của câu để qua đó làm rõ nghĩa hiển ngôn của nó;

(4) từ đó, suy ra nghĩa hàm ẩn (nếu câu còn có cả thứ nghĩa ấy).

Để dễ hình dung các công việc cần làm ở mỗi khâu, tác giả luôn dẫn kèm một loạt dẫn chứng cụ thể minh hoạ cho từng phần việc.

Tuy đọc hiểu TN là chuyện hết sức hệ trọng, song tác giả vẫn cho rằng đó dẫu sao cũng chỉ là một bước đi hết sức nhỏ nhoi trên con đường khai thác thấu đáo pho tập đại thành những tri thức, những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức được tổ tiên ta chắt lọc từ thực tiễn qua bao đời nhằm truyền lại cho các thế hệ mai sau.


[1] Bởi theo cuốn từ điển này, tiếng ta có hai cụm “cơ cầu”, trong đó “cơ cầu1 = ‘Thiếu thốn, khổ cực’, còn “cơ cầu2 = ‘Nghiệt ngã, hiểm độc’.

[2] Vì theo học giả họ Đào, “ là cái thúng, còn cầu là áo cầu; con cái nối được nghiệp cha ông gọi là cơ cầu; tỉ như con nhà thợ làm cung giỏi thì tuy chẳng khéo được bằng cha, nhưng cũng suy được ý cha mà bắt chước cách uốn thanh tre làm thành cái vành thúng; con nhà thợ hàn giỏi tuy chẳng khéo được bằng cha, nhưng cũng có thể mô phỏng ý cha, mà chắp vá các loại da để làm ra cái áo cầu’.

[3]Xin x. Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Bản in lần thứ hai. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004.

[4]Sđd.

[5] Chi tiết hơn về điểm này, xin x.: Nguyễn Dức Dương. Tục ngữ: cấu trúc cú pháp, trong cuốn “Tìm về linh hồn tiếng Việt”, NXB Trẻ, 2003, tr. 173-205.

[6] Về câu này, trong bài Ai làm hỏng tục ngữ?, đăng trên blogspot.com Tuấn Công thư phòng, tác giả Hoàng Tuấn Công có chê chúng tôi đã giải nghĩa sai, vì theo tác giả, có người không hề nói lời nào khi say rượu, mà chỉ ăn ra ngủ. Chúng tôi cảm thấy hết sức ngỡ ngàng khi đọc lời chê ấy vì trộm nghĩ có lẽ tác giả Hoàng Tuấn Công đã “phê” nhầm địa chỉ: lẽ ra ông nên chê những người đã sáng tác ra câu TN “Ăn lúc đói; nói lúc say”, chứ sao lại chê chúng tôi, người chỉ có một bổn phận duy nhất là cắt nghĩa thật trung thành các sản phẩm được người xưa sáng tác ra, mà không được quyền thêm bớt, dù chì một chữ

Comments are closed.