Đại Dịch! 2 – Biên niên sử của một thời đã mất (1)

Slavoj Žižek

Nguyễn Quang A dịch

image

“BẬC THẦY VỀ KHẢ NĂNG QUAN SÁT PHẢN TRỰC GIÁC.”

—THE NEW YORKER

Trong cuốn tiếp theo hứng thú này của cuốn Đại dịch!: COVID-19 Shakes the World (Đại dịch! COVID-19 làm Lung lay Thế giới) được ca ngợi của ông, Slavoj Žižek đào sâu vào những chiều kích gây ngạc nhiên của những sự phong toả, những sự cách ly, và sự giữ khoảng cách xã hội—cũng như sự phản đối chúng ngày càng ngỗ ngược bởi một công chúng “phản ứng-mệt mỏi” quanh hành tinh.

Ở đây, Žižek xem xét các hiệu ứng lan truyền lên cung ứng thực phẩm của những thất bại gặt hái do thiếu hụt lao động gây ra, và sự siêu-bóc lột giai cấp toàn cầu của những người lao động chăm sóc, mà không có lao động của họ thì đời sống hàng ngày sẽ là không thể. Qua các thí dụ như vậy ông xác định sự bất lực của chủ nghĩa tư bản đương thời đối với sự bảo vệ công chúng một cách hữu hiệu trong thời gian khủng hoảng.

Viết với sự táo bạo và nhiệt huyết đặc trưng, Žižek đi ngang lý thuyết phê phán, văn hoá đại chúng, và phân tâm học để tiết lộ động học rắc rối của tri thức và quyền lực nổi lên trong những thời gian viral này.

 

ĐẠI DỊCH! 2

Tặng tất cả những người mà cuộc sống hàng ngày của họ khốn khổ đến mức họ bỏ qua Covid-19, coi nó như một mối đe doạ tương đối nhỏ.

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

DẪN NHẬP

VÌ SAO MỘT NHÀ TRIẾT HỌC PHẢI VIẾT VỀ THU HOẠCH MÙA VỤ

1. CHÚNG TA KHÔNG BIẾT CÁI GÌ, CHÚNG TA KHÔNG MUỐN BIẾT CÁI GÌ, CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ

2. NGÀY 1 THÁNG NĂM TRONG THẾ GIỚI VIRAL

3. COVID-19, SỰ NÓNG LÊN TOÀN CẦU, SỰ BÓC LỘT — CÙNG CUỘC ĐẤU TRANH

4. VÌ SAO PHÁ HUỶ CÁC TƯỢNG ĐÀI LÀ KHÔNG ĐỦ CẤP TIẾN

5. CHA ….HAY TỒI HƠN

6. TÌNH DỤC TRONG THỜI ĐẠI GIÃN CÁCH XÃ HỘI

7. THẾ GIỚI MỚI (KHÔNG RẤT) DŨNG CẢM CỦA NHỮNG CON LỢN VÀ ĐÀN ÔNG

8. MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CHẠM VÀO, KHÔNG, CẢM ƠN

9. GREATA VÀ BERNIE Ở ĐÂU

10. BỘ PHIM NÀO ĐANG DIỄN RA TRONG THỰC TẾ

11. NHỮNG CÁI CHẾT TRÊN THIÊN ĐƯỜNG

12. BÂY GIỜ CHÚNG TA SỐNG TRONG MỘT CỬA HÀNG CỦA CÁC THẾ GIỚI

13. VÂNG VIÊN THUỐC ĐỎ… NHƯNG VIÊN NÀO

14. NHỮNG THỨ ĐƠN GIẢN MÀ KHÓ LÀM

(KHÔNG CÒN THỜI GIAN) ĐỂ KẾT LUẬN: Ý ĐỊNH KHÔNG ĐỂ BIẾT

PHỤ LỤC: BỐN SUY NGẪM VỀ QUYỀN LỰC, VẺ NGOÀI VÀ SỰ TỤC TĨU

 

LỜI GIỚI THIỆU

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 52 của tủ sách SOS2,* cuốn Đại Dịch! 2 – Biên niên sử của một thời đã mất, (Pandemic! 2 – Chronicles of a time lost) của Slavoj Žižek. Đây cuốn tiếp theo của cuốn Đại Dịch! – Covid-19 làm lung lay thế giớicủa ông. Cả hai cuốn được viết trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Cuốn đầu tiên được viết chắc chắn trước tháng Sáu, còn cuốn này được viết sau đó, nhưng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng Mười Một 2021.

Vẫn với ngòi bút sắc sảo và khiêu khích Žižek phân tích rất sâu sắc các hiện tượng liên quan đến đại dịch Covid-19 (phong tỏa, cách ly, đeo khẩu trang, vân vân) trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu (lưu ý rằng các nước mang danh “cộng sản” như Trung Quốc và Việt Nam đã thực sự là phần của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đó từ nhiều chục năm qua), và đại dịch Covid-19 chỉ làm cho những cuộc khủng hoảng này dễ nhận ra hơn. Cụ thể với Covid-19 là khủng hoảng sức khỏe, khủng hoảng kinh tế đi cùng, cũng như khủng hoảng sinh thái mà góp phần gây ra Covid-19, cũng như những xung đột quốc tế và nhiều khủng hoảng khác của hệ thống toàn cầu này và cần có những thay đổi căn bản mang tính hệ thống của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu này. Chúng ta có thể không đồng ý với tác giả ở điểm này điểm nọ, song những phân tích của Žižek rất độc đáo và đáng chú ý.

Việt Nam đã làm khá tốt trong ba làn song Covid-19 trong năm 2020 cho đến tháng Tư 2021. Đợt thứ tư bắt đầu trong cuối tháng Tư có nhiều lễ hội, sang tháng Năm với nhiều sự kiện lớn kéo theo nhiều người tham dự và đáng tiếc đợt thứ tư này vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường với số ca nhiễm lên đến trên 4 ngàn/ngày vài ngày qua.

Đây là một cuốn sách mỏng của nhà triết học Marxist người Slovenia nổi tiếng thế giới. Hãy đọc cuốn sách này trong những ngày đại dịch đau buồn này để suy ngẫm chúng ta nên làm gì với trái đất của chúng ta và với chính chúng ta.

Hà Nội 17-7-2021

Nguyễn Quang A

 

 

DẪN NHẬP

SAO MỘT NHÀ TRIẾT HỌC PHẢI VIẾT VỀ THU HOẠCH MÙA VỤ

Cái gì đó bị thối ở hướng bắc-tây bắc—và tôi không có ý nói đến phim kinh điển của Hitchcock mà đến Gütersloh, một thị trấn bắc-tây bắc của nước Đức nơi trong giữa tháng Sáu 2020 hơn 650 công nhân tại nhà máy chế biến thịt được xét nghiệm dương tính với Covid-19 và bây giờ hàng ngàn người bị cách ly. Như thông thường, chúng ta đối phó với sự phân chia giai cấp: những công nhân nước ngoài được nhập vào làm công việc bẩn thỉu trong các điều kiện không an toàn.

Cùng mùi thối đang lan ra khắp thế giới. Trong cuối mùa xuân 2020, cái gì đó đang thối ở bang Tennessee miền Nam—hàng tấn và hàng tấn quả và rau không được hái. Vì sao? Bởi vì 100 phần trăm công nhân tại một trang tại ở Tennessee, tổng cộng gần 200 nhân viên, được xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi một công nhân bị mắc virus.[1]

Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ về mối đe doạ do đại dịch gây ra cho cung ứng thực phẩm: các sản phẩm phải được nhặt bằng tay dựa vào hàng trăm ngàn công nhân mùa vụ, hầu hết nhập cư, những người di chuyển trong những xe bus chật ních và ngủ trong những ký túc xá chật hẹp—một ổ nuôi dưỡng lý tưởng cho lây nhiễm Covid-19. Các ca chắc chắn tăng lên vì việc thu hoạch phải được hoàn tất trong cửa sổ thời gian ngắn khi sản phẩm chín. Những công nhân mùa vụ này ở trong một vị thế rất dễ bị tổn thương: công việc của họ là khó nhọc và không an toàn, thu nhập của họ là khiêm tốn, sự chăm sóc sức khoẻ của họ thông thường là không thoả đáng, địa vị nhập cư của nhiều người là bất hợp pháp. Đây là một thí dụ khác về đại dịch tiết lộ những sự khác biệt giai cấp, thực tế rằng chúng ta không đều trong cùng chiếc thuyền.

Các ca giống thế này có rất nhiều khắp thế giới. Không có đủ người để thu hoạch quả và rau ở miền nam Italy và Tây Ban Nha, hàng tấn cam đang thối ở Florida, và các vấn đề tương tự có thể thấy ở Vương quốc Anh, Pháp, Đức, và Nga. Bởi vì đại dịch, chúng ta đối mặt với một khủng hoảng tư bản chủ nghĩa thật phi lý: hàng ngàn người lao động háo hức không có được công việc và ngồi ườn ra trong khi hàng tấn sản phẩm thối rữa trên đồng.

Không chỉ thu hoạch mùa vụ và phân phối bị khó khăn—sự lớn lên của thực vật cũng bị tác động. Châu chấu bây giờ đang huỷ hoại mùa màng từ Đông Phi đến các phần phía tây của Ấn Độ, mà cũng bị hạn hán đe doạ. Tóm tắt tất cả lại: chúng ta đang đối mặt với triển vọng thiếu hụt thực phẩm đáng kể, nếu không phải nạn đói hoàn toàn, và không chỉ ở các nước Thế giới thứ Ba. Vấn đề đi xa hơn, chúng ta ở phương Tây phải trả nhiều hơn một chút cho hộp dâu tây thông thường của chúng ta. Tình hình là không vô vọng, nhưng cần một phản ứng nhanh và có phối hợp quốc tế—nhiều hơn những lời kêu gọi những người tình nguyện để giúp trên những cánh đồng rất nhiều. Các tổ chức chính phủ cần phải tham gia trong việc huy động người để ngăn ngừa khủng hoảng.

Tại điểm này, tôi có thể nghe tiếng cười của các nhà phê bình (cũng như một số bạn) của tôi những người lưu ý một cách nhạo báng đại dịch có nghĩa rằng thời của tôi như một triết gia đã qua rồi như thế nào: ai còn quan tâm đến cách hiểu Lacanian về Hegel khi các nền tảng của sự tồn tại của chúng ta bị đe doạ? Ngay cả Žižek bây giờ tập trung vào làm sao để thu hoạch mùa vụ.

Nhưng những chỉ trích này đã không thể sai hơn. Đại dịch đang diễn ra đã không chỉ đem đến những xung đột xã hội và kinh tế liên tục hoành hành bên dưới bề mặt; nó đã không chỉ đối mặt chúng ta với các vấn đề chính trị to lớn. Nó ngày càng trở thành một cuộc xung đột thật sự của các tầm nhìn toàn cầu về xã hội. Vào lúc đầu của cuộc khủng hoảng, đã có vẻ cứ như một loại đoàn kết toàn cầu cơ bản, với sự nhấn mạnh đến việc giúp đỡ những người bị đe doạ nhất, sẽ thắng thế; tuy vậy, như John Authers diễn đạt, sự đoàn kết này đã dần dần “nhường đường cho một cuộc đấu tranh bè phái và văn hoá cay đắng, với các nguyên tắc đạo đức đối địch được quăng ra như những quả lựu đạn siêu hình. Các nước khác nhau đã lấy những cách tiếp cận đối chọi nhau trong khi Hoa Kỳ đã tách bản thân mình hầu như thành hai quốc gia, được phận chia giữa những người đeo đeo khẩu trang và những người không đeo.”[2]

Cuộc xung đột này là một cuộc xung đột sống còn nghiêm trọng, đến mức người ta không thể đơn giản giễu cợt những người từ chối đeo khẩu trang. Đây là cách Brenden Dilley, một người dẫn chương trình trò chuyện Arizona, đã giải thích vì sao anh không đeo khẩu trang: “Thà chết hơn là một thằng đần. Đúng, tôi muốn nói điều đó theo nghĩa đen. Tôi thà chết hơn là trông giống một thằng ngu ngay bây giờ.” Dilley từ chối đeo khẩu trang vì, đối với anh, việc đeo khẩu trang là không tương thích với phẩm giá con người ở mức cơ bản nhất của nó.

Đó là vì sao bây giờ là hoàn toàn thích hợp cho một nhà triết học để viết về thu hoạch mùa vụ: cách chúng ta giải quyết vấn đề này cuối cùng phụ thuộc vào thái độ cơ bản của chúng ta đối với đời sống con người. Có phải chúng ta, giống Dilley, những người tự do chủ nghĩa (libertarian) từ chối mọi thứ xâm phạm đến các quyền tự do cá nhân của chúng ta? Có phải chúng ta những người vị lợi (utilitarian) sẵn sàng hy sinh hàng ngàn mạng sống cho phúc lợi kinh tế của đa số? Có phải chúng ta những người độc đoán (authoritarian) tin rằng chỉ có sự kiểm soát và điều tiết nhà nước mạnh mới có thể cứu chúng ta? Có phải chúng ta các nhà tâm linh Thời đại Mới (New Age spiritualist) nghĩ về đại dịch là một lời cảnh cáo từ Tự nhiên, một sự trừng phạt vì việc chúng ta khai thác các tài nguyên thiên nhiên? Chúng ta có tin rằng Chúa chỉ đang kiểm tra chúng ta và cuối cùng sẽ giúp tìm một đường ra? Mỗi trong những thái độ này dựa vào một tầm nhìn đặc thù về con người là gì. Trong chừng mực đó, trong việc đề xuất làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng, tất cả chúng ta đều phải trở thành các triết gia.

1. CHÚNG TA KHÔNG BIẾT CÁI GÌ, CHÚNG TA KHÔNG MUỐN BIẾT CÁI GÌ, CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ

Trong Duck Soup (Cháo Vịt) của Marx Brothers, Groucho (một luật sư bảo vệ thân chủ của mình trước toà án) nói: “Hắn có thể trông giống một thằng ngu và nói giống giống một thằng ngu nhưng đừng để việc đó đánh lừa bạn. Hắn thực sự là một thằng ngu.” Cái gì đó theo hướng này phải là phản ứng của chúng ta đối với những người bày tỏ sự nghi ngờ cơ bản với nhà nước bằng việc nhìn sự phong toả như một âm mưu được thiết kế để tước đoạt các quyền tự do cơ bản của chúng ta: “Nhà nước đang áp đặt các lệnh phong toả tước quyền tự do của chúng ta, và nó kỳ vọng chúng ta khống chế lẫn nhau để đảm bảo sự tuân thủ; nhưng việc này không được đánh lừa chúng ta—chúng ta thực sự phải theo các lệnh phong toả.”

Ta phải lưu ý những lời kêu gọi bỏ những sự phong toả đến từ các đầu đối diện của phổ chính trị truyền thống như thế nào: tại Hoa Kỳ chúng được những người cánh Hữu tự do chủ nghĩa (libertarian Rightist) đẩy tới, trong khi ở nước Đức, các nhóm cánh Tả nhỏ ủng hộ chúng. Trong cả hai trường hợp, kiến thức y tế bị chỉ trích như một công cụ để kỷ luật mọi người, đối xử với họ như các nạn nhân bất lực phải bị cách ly vì lợi ích của riêng họ. Cái không khó để phát hiện ra bên dưới lập trường chỉ trích này là thái độ của người không muốn biết: nếu chúng ta bỏ qua mối đe doạ, sẽ không tệ lắm đâu, chúng ta sẽ tìm được cách để vượt qua nó. . .

Phái Hữu tự do chủ nghĩa Hoa Kỳ đòi phải xoá sự phong toả nhằm để trả lại mọi người quyền tự do lựa chọn của họ. Điều đó nêu lên câu hỏi: quyền tự do nào? Như cựu Bộ trưởng Lao động Robert Reich viết: “Bộ lao động của Trump đã quyết định rằng các nhân viên được cho nghỉ phép “phải chấp nhận” một lời đề nghị của chủ sử dụng lao động để quay lại làm việc và vì thế trả giá các trợ cấp thất nghiệp, bất chấp Covid-19. Việc buộc mọi người lựa chọn giữa việc bị nhiễm Covid-19 hay mất sinh kế của họ là vô nhân đạo.”[3] “Sự lựa chọn tự do”, ở đây, là một sự lựa chọn giữa sự đói và việc liều mạng bạn. Tình hình làm nhớ lại tình cảnh của một mỏ than Anh thế kỷ thứ mười tám, ở nơi việc chỉ làm công việc của mình dính đến một rủi ro mất mạng đáng kể.

Nhưng có một loại dốt nát khác mà duy trì sự áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt. Nó không đơn giản như quyền lực nhà nước lợi dụng đại dịch để áo đặt sự kiểm soát hoàn toàn—tôi nghĩ rằng ngày càng có một loại hành động biểu tượng mê tín hoạt động ở đây: một logic nói rằng nếu chúng ta thực hiện một cử chỉ hy sinh đủ mạnh mà đưa toàn bộ xã hội của chúng ta tới một sự bế tắc, thì có lẽ chúng ta có thể kỳ vọng sự may mắn. Sự thực đáng ngạc nhiên là chúng ta (và tôi kể đến các nhà khoa học ở đây) có vẻ biết ít đến thế nào về đại dịch hoạt động ra sao. Khá thường xuyên chúng ta nhận được lời khuyên mâu thuẫn từ các nhà chức trách. Chúng ta nhận được các lệnh nghiêm ngặt để tự-cách ly nhằm để tránh sự lây nhiễm viral, nhưng khi các số lây nhiễm bắt đầu giảm thì nỗi sợ tăng lên rằng các hoạt động của chúng ta chỉ làm cho chúng ta dễ bị tổn thương hơn đối với “làn sóng thứ hai” chờ đợi của sự tấn công viral. Hay chúng ta có tính đến hy vọng rằng một vaccine sẽ được tìm thấy trước làn sóng tiếp theo? Và như có rồi các biến thể khác nhau của virus, một vaccine sẽ có hiệu lực với tất cả chúng hay không? Tất cả hy vọng cho một lối ra nhanh (sức nóng mùa hè, miễn dịch cộng đồng, một vaccine) đang mờ dần đi.

Người ta thường nghe rằng đại dịch sẽ bắt buộc chúng ta ở phương Tây để thay đổi cách chúng ta liên hệ với cái chết, để chấp nhận sự chết và tính mỏng manh của sự tồn tại của chúng ta—một virus nổi lên từ chẳng đâu cả và cuộc sống như chúng ta biết kết thúc rồi. Đấy là vì sao, chúng ta được bảo, những người ở Viễn Đông có khả năng giải quyết đại dịch tốt hơn nhiều—đối với họ, cái chết chỉ là một phần của cuộc sống, của cách các thứ tồn tại. Chúng ta ở phương Tây ngày càng ít chấp nhân cái chết như phần của cuộc sống, chúng ta xem nó như một sự xâm nhập của cái gì đó xa lạ mà có thể được trì hoãn vô độ nếu bạn sống một cuộc sống lành mạnh, tập thể dục, theo chế độ ăn kiêng, tránh chấn thương tâm lý. Tôi chẳng bao giờ tin câu chuyện này. Theo nghĩa nào đó, cái chết không phải là một phần của cuộc sống, nó là cái gì đó không thể hình dung nổi, cái gì đó không được xảy ra với tôi. Tôi chẳng bao giờ thực sự sẵn sàng để chết, trừ để thoát khỏi sự đau khổ không thể chịu được. Đó là vì sao nhiều người trong số chúng ta tập trung một cách ám ảnh vào cùng những con số có ma lực: bao nhiêu ca nhiễm mới, bao nhiêu người khỏi bệnh hoàn toàn, bao nhiêu người mới chết. Nhưng, dù những con số này có kinh khủng đến đâu, sự tập trung duy nhất của chúng ta vào chúng không làm cho chúng ta bỏ qua số lớn hơn nhiều của những người chết vì các nguyên nhân khác như ung thư hay truỵ tim? Bên ngoài virus có không chỉ cuộc sống; cũng có rất nhiều sự chết và cái chết. Có lẽ sẽ hay hơn để xem xét các tỷ lệ tử vong một cách so sánh: ngày nay, ngần này người chết vì Covid-19 trong khi ngần ấy người mất vì ung thư.

Chúng ta phải thay đổi sự tưởng tượng của chúng ta ở đây và ngừng kỳ vọng một đỉnh cao lớn rõ sau đó mọi thứ sẽ rừ từ quay lại bình thường. Cái làm cho đại dịch không thể chịu được là, cho dù Tai hoạ đầy đủ không xuất hiện, mọi thứ cứ kéo lê—chúng ta được báo rằng chúng ta đã đạt đoạn ổn định, rồi mọi thứ cải thiện một chút, nhưng khủng hoảng tiếp tục. Như Alenka Zupančič diễn đạt, vấn đề với ý tưởng về sự kết thúc của thế giới là cùng như vấn đề về sự kết thúc của lịch sử của Fukuyama: bản thân sự kết thúc không kết thúc, chúng ta chỉ bị mắc kẹt trong một sự bất động kỳ quái. Mong muốn bí mật của tất cả chúng ta, cái chúng ta liên tục nghĩ về, là một thứ duy nhất: khi nào nó sẽ kết thúc? Nhưng nó sẽ không kết thúc: là có lý để xem đại dịch đang diễn ra như sự tuyên bố một thời đại mới của những rắc rối sinh thái. Trong năm 2017, đài BBC mô tả cái đang đợi chúng ta như một kết quả của cách chúng ta can thiệp vào tự nhiên, tường thuật rằng “Sự biến đổi khí hậu đang làm tan tầng đất mà đã bị đóng băng trong hàng ngàn năm, và khi các tầng đất tan chảy chúng thả ra các virus và các vi trùng mà, sau khi nằm ngủ, đang quay lại cuộc sống.”[4]

Các virus là bất tử, luôn luôn sẵn sàng xuất hiện trở lại cuộc sống, và sự mỉa mai là “sự bất tử” của chúng vang vọng lại sự bất tử được hứa hẹn bởi những sự phát triển gần đây nhất của khoa học não bộ. Đại dịch đã xuất hiện vào lúc khi các tổ chức báo chí khoa học đại chúng (pop-scientific) bị ám ảnh với hai khía cạnh của sự số hoá của đời sống chúng ta. Một mặt, được viết nhiều về cái gọi là “chủ nghĩa tư bản giám sát,” một pha mới của chủ nghĩa tư bản trong đó sự kiểm soát số hoàn toàn được các cơ quan nhà nước và các công ty tư nhân sử dụng đối với sự tồn tại của chúng ta. Mặt khác, báo chí bị mê hoặc bởi chủ đề về một giao tiếp trực tiếp bộ-óc-máy-móc, hay “bộ óc được nối dây (wired brain).” Với cái này, khi bộ óc tôi được kết nối với các máy móc số, tôi có thể khiến các thứ xảy ra trong thế giới bên ngoài chỉ bằng việc nghĩ đến chúng; và, hơn nữa, khi bộ óc tôi được kết nối trực tiếp với bộ óc khác, người khác có thể trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Ngoại suy đến cực độ của nó, khái niệm não được nối dây (wired brain) mở ra triển vọng của cái Ray Kurzweil gọi là Kỳ dị (Singularity), không gian giống thần thánh của nhận thức toàn cầu được chia sẻ. Dù địa vị khoa học (đáng ngờ, vào lúc này) của ý tưởng này có là gì, là rõ ràng rằng sự thực hiện nó sẽ tác động đến các đặc tính cơ bản của những con người với tư cách các sinh vật biết nghĩ/biết nói. Sự nổi lên cuối cùng của Kỳ dị sẽ là ngày tận thế theo ý nghĩa phức tạp của từ: nó sẽ ngụ ý sự bắt gặp với một chân lý được che giấu trong sự tồn tại con người bình thường của chúng ta, tức là, sự bước vào một chiều kích hậu-con người (post-human).

Là lý thú để lưu ý rằng việc sử dụng rộng rãi của sự giám sát đã được chấp nhận một cách yên lặng trong nhiều phần của thế giới: các drone (thiết bị bay không người lái) được sử dụng để tìm cách giải quyết đại dịch không chỉ ở Trung Quốc mà ở cả Italy và Tây Ban Nha. Còn về tầm nhìn thiêng liêng về Kỳ dị, đơn vị mới của con người và thần thánh, một diễm phúc mà trong đó chúng ta bỏ lại phía sau những giới hạn của sự tồn tại thân thể của chúng ta, rất có thể hoá ra là một ác mộng không thể tưởng tượng nổi. Từ một lập trường phê phán, là khó để quyết định cái nào là mối đe doạ lớn hơn cho nhân loại: sự phá huỷ viral của cuộc sống của chúng ta hay sự mất tính cá nhân của chúng ta trong Kỳ dị. Đại dịch nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta vẫn bén rễ vững chắc vào sự tồn tại thân thể với tất cả những nguy hiểm điều đó ngụ ý.

Điều này có ý nói tình hình của chúng ta là vô vọng? Tuyệt đối không. Có những rắc rối to lớn, hầu như không thể tưởng tượng nổi ở phía trước. Sẽ có hơn một tỷ người mới không có việc làm. Một cách sống mới sẽ phải được nghĩ ra. Một thứ là rõ ràng: trong một sự phong toả hoàn toàn, chúng ta phải sống nhờ các kho thực phẩm và lương thực cũ, như thế nhiệm vụ khó khăn bây giờ là bước ra ngoài sự phong toả và sáng chế ra một cuộc sống mới dưới các điều kiện viral. Hãy chỉ nghĩ về những cách, mà theo đó cái gì là hư cấu và cái gì là thực tế, sẽ thay đổi. Các bộ phim và các serie TV mà diễn ra trong thực tế bình thường của chúng ta, với mọi người tự do đi lang thang dọc các đường phố, bắt tay nhau, và ôm nhau, sẽ trở thành những hình ảnh luyến tiếc của quá khứ bị lãng quên từ lâu, trong khi cuộc sống thực của chúng ta sẽ trông giống một biến thể của vở kịch Play muộn của Samuel Beckett, trong đó ba thùng xám giống hệt nhau xuất hiện trên sân khấu và từ mỗi thùng nhô ra một chiếc đầu, cổ giữ chặt ở miệng thùng.

Tuy vậy, nếu người ta có cái nhìn ngây thơ vào mọi thứ (mà ở đây là thứ khó nhất để làm), thì là rõ rằng xã hội toàn cầu của chúng ta có đủ nguồn lực để phối hợp sự sống sót của chúng ta và tổ chức một cách sống khiêm tốn hơn, với những sự thiếu hụt thực phẩm địa phương được bù bằng sự hợp tác toàn cầu, và với sự chăm sóc sức khoẻ toàn cầu được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc tấn công dữ dội tiếp theo. Chúng ta có khả năng để làm việc này? Hay chúng ta sẽ bước vào một thời đại dã man mới trong đó sự chú ý của chúng ta đến khủng hoảng sức khoẻ sẽ chỉ cho phép các cuộc xung đột giống cuộc Chiến tranh Lạnh được nhen nhóm lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hay các cuộc chiến tranh nóng ở Syria và Afghanistan, để tiếp tục ngoài tầm nhìn của công chúng toàn cầu? Những cuộc xung đột này hoạt động theo cùng cách như một virus: chúng kéo dài liên miên. (Lưu ý lời kêu gọi của Macron cho một cuộc đình chiến khắp thế giới trong thời gian đại dịch đã bị bỏ qua thẳng thừng.) Quyết định này về chúng ta sẽ đi con đường nào không liên quan gì đến khoa học cũng chằng đến y tế, nó là quyết định hoàn toàn chính trị.

* Những cuốn trước:

1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

……….

48. Tom Hartman, Lịch sử bị Che giấu của Chính thể Đầu sỏ Mỹ: Đòi lại nền Dân chủ của Chúng ta từ Giai cấp Thống trị. NXB Dân Khí, 2021

49. Adam Jetlesson, Công tắc Ngắt: sự Lên của Thượng Viện Hiện đại và sự làm Què nền Dân chủ Mỹ, NXB Dân Khí, 2021

50. Kornai János, Suy ngẫm, 2021

51. Slavoj Žižek, Đại Dịch! – Covid-19 làm lung lay thế giới NXB Dân Khí, 2021

[1] https://fortune.com/2020/05/29/farm-workers-test-positive-coronavirus-covid-19-tennessee/

[2] See https://www.yahoo.com/finance/news/golden-rule-dying-covid-19-040107765.html

[3]https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/may/03/ donald-trump-reopen-us-economy-lethal-robert-reich

[4] http://www.bbc.com/earth/story/20170504-there-are-diseases-hidden-in-ice-and-they-are-waking-up

Comments are closed.