Dấu ấn phương thức huyền thoại hóa của Franz Kafka trong sáng tác của Phạm Thị Hoài

Thái Thị Hoài An (*), tạp chí Khoa học Văn hoá và Du lịch, số 13 (67), tháng 9 năm 2013

 Tác giả gửi Văn Việt

 TÓM TẮT

011 pham thi hoai 001 (1)

Nhà văn Pjamj Thị Hoài

*

Franz Kafka (F. Kafka), một trong những thiên tài có sự ảnh sâu rộng đến những nhà văn thế hệ đi sau ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, những sáng tạo nghệ thuật của ông để lại dấu ấn đặc biệt trong sáng tác của Phạm Thị Hoài, một trong những cây bút văn xuôi của thế hệ nhà văn sau 1986. Một trong những nét nghệ thuật mà Phạm Thị Hoài chịu ảnh hưởng của F. Kafka là phương thức huyền thoại hóa.

Trong văn học thế kỷ XX, cùng với sự thay đổi trong nhận thức về hiện thực là sự đổi mới về cách diễn tả hiện thực. Từ sự phản ánh theo tiêu chuẩn “giống như thật” văn học đi đến sự phản ánh hiện thực theo hình thức phi lí, biến dạng. Huyền thoại chính là một phương thức nghệ thuật xuất hiện dày đặc trong văn học thế kỷ XX nhằm diễn tả hiện thực với những chiều kích khác với quan niệm mô phỏng trong văn học.

F. Kafka là một trong số những nhà văn sớm nhất làm sống lại huyền thoại và tạo dựng nên thủ pháp huyền thoại trong văn học. Trong sáng tác của ông, huyền thoại vừa có ý nghĩa là phương thức nghệ thuật, là thủ pháp nghệ thuật cũng đồng thời là một biện pháp để cảm thụ thế giới đằng sau thủ pháp đó. Với tư cách là một thủ pháp, huyền thoại chính là công cụ tổ chức văn bản về mặt kết cấu, tổ chức nên cách thuật truyện đem lại cho tác phẩm của F. Kafka màu sắc huyền ảo, kì lạ, thu hút, lôi cuốn người đọc vào tác phẩm nhằm chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Với tư cách là một biện pháp cảm thụ thế giới, huyền thoại là công cụ tổ chức văn bản về mặt ngữ nghĩa, là phương tiện miêu tả ẩn dụ về thế giới, đem tới cho người đọc những cảm nhận hoặc quan niệm về thế giới thực tại của nhà văn. Nói một cách cụ thể, huyền thoại giúp F. Kafka thể hiện cảm quan của ông về sự phi lí, tha hóa, cô đơn, về thân phận trong guồng quay của xã hội hiện đại.

Để tạo dựng nên thế giới nghệ thuật đầy biến ảo của mình, F. Kafka đã sử dụng những dạng thức cơ bản như sau: 

1. Tái tạo lại những motif thần thoại phương Tây:  Motif mê cung là motif được tái tạo nhiều nhất trong tác phẩm của F. Kafka. Những hình ảnh như tòa án, lâu đài, hang ổ vốn rất cụ thể ở ngoài đời lại trở nên là một mê cung mê thất khiến con người trở nên xa lạ và mất phương hướng trong nó. Bên cạnh đó là motif biến dạng. Sự biến dạng từ người thành sâu bọ của Gregor Samsa trong Hóa thân là hình ảnh đầy chất huyền thoại phản ánh sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Những motif huyền thoại được phục sinh trong tác phẩm của F. Kafka tạo nên không khí huyễn hoặc trong tác phẩm của ông. 

2. Nhại huyền thoại: Những câu chuyện có tính truyền thống trong huyền thoại Do Thái – Thiên chúa giáo hoặc thần thoại Hy Lạp – La Mã được nhà văn kể lại nhưng với một cốt truyện mới, một cách cảm thụ mới nhằm làm lạ hóa thế giới vốn đã in sâu bén rễ trong lòng độc giả. Những truyện ngắn như Poseidon, Sự im lặng của các Siren, Truyện của Prometheus là những câu chuyện như vậy.

Ở cả hai phương thức huyền thoại trên, điều mà F. Kafka hướng tới là diễn đạt thân phận con người trong đời sống hiện đại. Mê cung tòa án, lâu đài là những nơi con người không thể thấy, nhưng nó chi phối đời sống của họ và đè bẹp họ. Josef K. chấp nhận cái chết mà vẫn chưa hiểu được mình mang tội gì và quan trọng hơn là không hiểu được cái hệ thống tòa án đã kết tội mình. K. tìm kiếm lâu đài để mong được chấp nhận nhưng tòa lâu đài ẩn hiện trong màn sương dày đặc ấy là điều mà anh không thể đi đến được. Cái phi lí của sự hiện sinh của con người là vậy, là lạc vào mê cung của những thiết chế vô hình đè bẹp đời sống của nó và chấp nhận sự phi lí đó để tồn tại. Cũng tương tự như vậy, những câu chuyện nhại huyền thoại dẫn dắt con người đến sự hiểu biết về thân phận của chính mình. Poseidon vốn là vị thần biển đầy uy lực, ngày ngày cưỡi những con sóng bạc đầu giờ lại trở thành một vị thần cau có vì ngập trong đống giấy tờ công văn. Nhưng bất hạnh của thần là thần không thể chối từ nhiệm vụ đó được và chấp nhận nó. Phi lí và chấp nhận sự phi lí là bản chất bi kịch trong sự sinh tồn của con người trong thế giới mà nó đang tồn tại. Huyền thoại là phương thức giúp nhà văn chuyển tải thông điệp này tới người đọc.

3. Huyền thoại hóa thế giới hiện thực: Nhà văn huyền thoại hóa thế giới hiện thực bằng cách đẩy hiện thực sang phạm vi của cái siêu thực hay nói một cách khác là tạo ra một thế giới huyền thoại bằng cách gán cho những yếu tố bình thường của cuộc sống thường nhật những biểu hiện quái lạ, bất thường, cao siêu hơn cái hiện thực trần thế khiến cho việc phân biệt giữa thực và ảo trở nên mơ hồ. Trong cách mô tả thế giới của mình, F. Kafka đã làm mờ đi những đường viền hiện thực, cấp cho hiện thực những điều khiến cho người ta cảm nhận về thế giới mơ hồ, biến ảo. Trên cái nền là sự thật, nhà văn đã huyền thoại hóa thế giới, đem đến cho thế giới hiện thực đó những yếu tố huyền thoại. Từ không gian, bối cảnh đến con người đều đã được huyền thoại hóa để tạo nên cái vừa là nó vừa không phải là nó. Gọi là vụ án, nhưng không có một vụ án nào xảy ra, bị kết án mà vẫn tại ngoại, vẫn làm việc, vẫn sống đời sống của con người, gọi là một phiên tòa nhưng những người phụ trách phiên tòa lại hoàn toàn chẳng hiểu gì về vụ án mà mình đang xét xử. Sự lẫn lộn giữa thực vào ảo đó tạo nên cảm nhận về thế giới hỗn tạp, mê cung. Phương thức huyền thoại hóa thế giới được xây dựng dựa trên cảm nhận của nhà văn về sự phi lí, sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Cảm quan phi lí, “logic của sự phi lí” đã giúp nhà văn biến thế giới thực thành một thế giới khác đầy tính huyền thoại. Trên phương diện này, có thể nói các nhà văn không chỉ huyền thoại hóa thế giới mà còn tạo ra những huyền thoại mới. 

Có thể thấy trong sáng tác của Phạm Thị Hoài xuất hiện cả ba phương thức huyền thoại kể trên.

1. Tái tạo motif huyền thoại

Ở dạng thức này, trong sáng tác của Phạm Thị Hoài, bên cạnh những motif thuộc thần thoại, cổ tích phương Đông còn xuất hiện nhiều motif trong huyền thoại phương Tây. Điều này không khỏi gây ra cảm giác mới lạ cho người đọc Việt Nam vốn chỉ quen với chất liệu trong kho tàng văn học dân tộc hoặc xa hơn là từ nước láng giềng Trung Quốc. Chương Bé hon trong tiểu thuyết Thiên sứ là một chương như vậy. Sự ra đời của bé Hon (“Một hôm, cả dây quần áo nhà phơi bị quên đêm qua ngoài trời. Điều kỳ lạ là chỉ riêng bộ đồ lót của mẹ đẫm sương và loang lổ vết từa tựa như chàm… Không lâu sau mẹ mang thai…[5, tr.20]) gợi nhớ đến sự sinh thành kì diệu của Thánh Gióng hay Sọ Dừa, motif về sự sinh nở kì lạ trong truyền thuyết và cổ tích mà người Việt nào cũng đã từng nghe qua. Cũng như vậy mười ba nữ hộ sinh chờ đón sự ra đời của bé Hon liên tưởng đến 13 bà mụ trong cổ tích phương Đông. Nhưng bé Hon lại gợi liên tưởng đến Chúa hài đồng, chí ít là một thiên sứ nhà trời dáng xuống trần gian. Cái lạ đến từ nụ cười “làm thân với đủ mười ba nữ hộ sinh đứng quanh bàn đẻ”, khiến họ “ngơ ngác, rồi bật khóc như một dàn đồng ca” khi mới chào đời cho đến cái nết “ăn ít, ngủ ít, chỉ cười. Tóc mượt mắt nhung như thiếu nữ. Đôi má lúc nào cũng ba tuổi…nước da trong suốt, trắng xanh..”. Và đến cả cái nhiệm vụ “ban phát môi hôn và tình yêu cho tất cả” vì một lẽ, thiên thần bé nhỏ này “ý thức sâu sắc về lẽ công bằng, đến những ai chưa nhận đủ môi hôn ở đời” [5, tr.24]. Ngay cả cái chết của bé Hon cũng gợi nên sự ra đi của môt thiên thần vào cõi bất diệt: “Lúc mở ra quan tài trống không, thơm tho sạch sẽ, đọng duy nhất nụ cười làm thân với muôn vật của thiên sứ pha lê bị trục xuất” [5, tr.25].

Quang lùn với biểu hiện kì quái về hình thức kết hợp với “căn bệnh ý chí” chỉ gợi nên hình ảnh của những tên quỷ lùn trong các truyện cổ tích phương Tây chứ không hề gợi liên tưởng về những chú lùn đáng yêu trong câu chuyện về nàng Bạch Tuyết.

Motif mê cung được Phạm Thị Hoài được tái tạo trong tập truyện ngắn Mê lộ của bà. Trong Mê lộ không có những mê cung mê thất cụ thể, đầy ám ảnh như những thiết chế vô hình giăng lưới bủa vây con người như tòa án, lâu đài, hang ổ. Truyện của Phạm Thị Hoài chỉ gợi nên cảm nhận về cái mê cung đó trong cuộc sống đời thường của con người, trong cái cảm nhận về sự cô đơn, xa lạ, phi lí của con người ngay trong đời sống thường nhật của mình.

Motif biến dạng cũng được nhà văn xử lí một cách nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Như trên đã phân tích, cuộc sống với những biến thái của nó đã ảnh hưởng tới mỗi con người. Và trong tốc độ của sự tha hóa đó, con người cũng biến dạng, không còn là mình nữa. Những Quang lùn, chị Hằng, những Hạc, Hùng, thầy Hoàng… là những con người biến dạng trong vòng xoay của cuộc sống.

2. Nhại huyền thoại

Trở lại chương Bé Hon trong Thiên sứ, những motif truyền thuyết phương Đông cũng như phương Tây được tái tạo lại trong chương Bé Hon khiến cho chương này trở thành một câu chuyện có tính độc lập. Có thể lập một biểu đồ so sánh giữa chương Bé Hon và truyền thuyết Thánh Gióng để thấy tính chất nhại rõ nét của chương Bé Hon với Thánh Gióng.

CHI TIẾT

THÁNH GIÓNG

THIÊN SỨ

Sự ra đời kì lạ

Người mẹ đạp dấu chân của người khổng lồ và hoài thai sinh Thánh Gióng

Người mẹ phơi quần áo qua đêm, đồ lót bị ướt sương và loang lỗ tựa vết chàm, từ đó hoài thai sinh bé Hon

Biểu hiện kì lạ sau khi sinh

Đến ba tuổi mà không nói không cười

Chỉ cười mà không khóc, ban phát nụ cười và môi hôn bất tận cho mọi người

Những biến chuyển kì lạ

Nước có giặc, sứ giả tìm người tài chống giặc lập tức ngồi dậy, nói, đòi gặp sứ giả, yêu cầu vũ khí chống giặc, ăn nhiều và lớn nhanh như thổi

 

Kỳ tích

Chống giặc Ân, đuổi giặc ra ngoài bờ cõi

Ban phát môi hôn cho cả gia đình khiến cái gia đình vốn sống không hạnh phúc trở nên hạnh phúc hơn, mọi người trong gia đình trở nên thánh thiện hơn, hiền lành hơn

Kết thúc

Hoàn thành sứ mệnh và bay về trời (Sự bất tử)

Sứ mệnh bị từ chối, chết bất ngờ, tan biến, chỉ có nụ cười bất tận nhưng cuối cùng cũng bị xóa sạch (Sự tan biến vào hư không)

Bảng 1: So sánh cấu trúc truyện kể của Thánh Gióng (Truyền thuyết) và chương Bé Hon (Thiên sứ)        

Từ bảng so sánh, có thể thấy rất rõ, giữa Thánh Gióng và chương Bé Hon có sự đồng nhất về cấu trúc truyện kể, chương Bé Hon thiếu một phần là sự chuyển biến kì lạ của nhân vật. Tuy nhiên với cấu trúc như vậy, chương Bé Hon dẫn đến một kết thúc bi kịch: Trong guồng quay của những toan tính đời thường, trong một xã hội đã mất dần tình người, sự cố gắng của thiên sứ chỉ là sự cố gắng vô vọng, nó không thay đổi được thực tại dửng dưng, tàn nhẫn đó. Với cấu trúc truyện kể nhại huyền thoại như vậy, Phạm Thị Hoài đã lồng vào đó cảm quan về thân phận con người trong xã hội hiện đại.

Tương tự như chương Bé Hon, chương Lễ cầu hôn cũng nhại lại truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, lễ cầu hôn thiếu công bằng để đến nỗi tạo nên tai họa lớn mà đời đời người Việt Nam phải gánh chịu. Hãy nghe Phạm Thị Hoài kể về lễ cầu hôn: “Hai trăm chín mươi chín phò mã tương lai….tủa đi khắp các ngả thành phố….Thất vọng và chán nản, đám phò mã rủ nhau về dưới cửa sổ tôi chờ phút cáo chung đang tới” [5, tr.89]. “Hội thi vòng hai, ai trong số mười vận động viên nhanh chân hơn đồng bọn ấy dâng lễ vật sớm nhất. Ngày đã định, năm chàng Sơn Tinh, năm chàng Thủy Tinh cùng bọc to gói nhỏ lễ vật lỉnh kỉnh xuất hiện nhất loạt khi đồng hồ điểm không giờ sáng” [5, tr.90]. Nhại huyền thoại, Phạm Thị Hoài đã biến một câu chuyện trang trọng trở thành một câu chuyện đầy chất hài hước đen với giọng văn mỉa mai đến cay nghiệt. Câu chuyện truyền thuyết dân gian nhằm giải thích hiện tượng thiên nhiên, nhằm ca ngợi cuộc đấu tranh với sức mạnh kì vĩ và tai quái của thiên nhiên qua hàng ngàn năm tồn tại của người Việt giờ chỉ còn lại là một câu chuyện về sự săn đuổi người đàn bà đẹp phù phiếm của “bầy harem giống đực của thời đại hôn nhân đối ngẫu cấp cao” [5, tr.92], chẳng gì hơn là tình trạng nhốn nháo, lộn xộn mất thăng bằng của xã hội tha hóa, xa lạ. Kết thúc câu chuyện là sự lựa chọn của Hằng, nhưng bi đát thay đó lại là sự lựa chọn đưa cô Mị Nương của thế kỷ XX rơi vào bi kịch, chìm vào nước chứ không phải là cùng chàng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh để bảo vệ thành quả. Có thể so sánh tính chất nhại của chương Lễ cầu hôn (Thiên sứ) với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh qua bảng sau:

CHI TIẾT

SƠN TINH THỦY TINH

LỄ CẦU HÔN

Người con gái xinh đẹp đến tuổi kén chồng

Mị Nương

Hằng

Kén rễ và người đến cầu hôn

Vua cha kén rễ, có hai chàng trai đến cầu hôn, vua Hùng không biết chọn ai

Hằng quyết định chọn chồng, có 299 người cầu hôn, Hằng không biết chọn ai

Thử thách – sính lễ

– Lễ vật: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao

– Thời hạn: Ai đến trước được lấy Mị Nương

 

-Thử thách: Tìm ra Hằng đầu tiên và đoán được điều ước muốn của Hằng

 

 

Kết quả

Sơn Tinh mang lễ vật đến trước được lấy Mị Nương

Thủy Tinh đến sau tức giận dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp Mị Nương

Chàng nhân viên ngoại giao đoán được mong muốn của Hằng.

Không có chàng Thủy Tinh nào dâng nước đánh để cướp người đẹp.

Chàng nhân viên bộ ngoại giao thực chất không phải là Sơn Tinh

Bảng 2: So sánh cấu trúc của Sơn Tinh Thủy Tinh (Truyền thuyết) và Lễ cầu hôn (Thiên sứ)

3. Huyền thoại hóa thế giới hiện thực

Phương thức huyền thoại tạo nên “không khí Kafka” được tái tạo lại trong những sáng tác của Phạm Thị Hoài, nhất là Thiên sứ. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết được tắm trong không khí huyền thoại từ nhân vật cho tới không gian, bối cảnh, thời gian, sự kiện.

Trước hết là nhân vật. Hoài, trùng tên với nhà văn, là chính nhà văn, hay là sự hóa thân của những ước muốn về con người của Phạm Thị Hoài. Khó có thể tìm thấy ngoài đời những nguyên mẫu như vậy. Hoài là tập hợp những cái “dị thường”, “nghịch dị”, từ hình thể (“Một mét hai mươi nhăm, ba mươi kilô, đuôi sam” [5, tr.28]) đến cái khát vọng lạc lõng (“Khao khát cảm thông, gượng nhẹ, một lời êm dịu mỗi sáng mai, một ánh nhìn chia sẻ, một nụ cười khích lệ, một bàn tay mơn man da thịt” [TL đã dẫn], từ hành vi không chấp nhận đám đông cho tới hành động vượt chuẩn (hạ bệ những tư tưởng đã được đóng đinh, tấn phong những cảm giác mong manh). Đó thực sự là một “hóa thân”,  một “biến dạng” in đậm phong cách F. Kafka. Là một biến dạng, Hoài cũng trở nên xa lạ và cô đơn giữa gia đình, giữa xã hội như Gregor Samsa khi đã là con sâu khổng lồ trong gia đình của mình.

 Bên cạnh nhân vật, cái tạo nên đặc sắc của Thiên sứ chính là sự lạ hóa không gian. Không gian trong Thiên sứ là sự pha trộn của nhiều không gian khác nhau trong mạch kể truyện. Bên cạnh không gian thực tế hữu hình với những lỗ thủng trên “mái nhà thiếu giấy dầu và những chân ghế long”; không gian của máy nước công cộng trở thành “Lễ rửa tội vĩ đại”, tủ sách trở thành nơi chứa những bộ mặt tinh thần của thời đại như Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, đám tang của nhà văn lãng mạn (Ai cũng có thể hiểu được ngầm chỉ Nguyễn Tuân). Toàn bộ không gian văn hóa ấy làm nền cho những sự kiện xảy ra trong suốt cuộc tìm kiếm của cô bé Hoài và toàn bộ không gian ấy là thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam trong những năm tháng chìm đắm trong nền kinh tế bao cấp đang chuyển mình sang kinh tế thị trường. Bên cạnh không gian hữu hình còn có sự xuất hiện của không gian tâm linh, không gian chiêm nghiệm trong Thiên sứ. Căn phòng “bốn trăm ô vuông nâu” với cửa sổ nối ra bên ngoài là “tim con đường dẫn tới nhà máy rượu bia”;  Từ “bốn trăm ô vuông nâu và một khung chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic” Hoài “nghiên cứu những gương mặt những dáng người. Ào đến, mất hút. Ào đi, mất hút” rồi phân loại, chứng kiến và ghi lại những sự kiện cố tình hay ngẫu nhiên đập vào mắt và chiêm nghiệm về con người. Vì vậy căn phòng bốn trăm ô vuông nâu và khung chữ nhật biến ảo là không gian tâm hồn của Hoài cùng với nó con đường trước nhà máy rượu bia chính là thế giới, từ thế giới tâm hồn của mình Hoài nhìn ra thế giới bên ngoài. Tính biểu tượng của không gian trong Thiên sứ vì vậy thật rõ nét.

 Hòa trộn trong cái không gian thực tế, tâm linh ấy là không gian huyền thoại. Bằng cách làm mờ đi những đường viền hiện thực, Phạm Thị Hoài đã tạo nên những không gian biến ảo vừa thực, vừa mộng. Cái hiện thực mà ta bắt gặp là hiện thực vừa là nó, vừa không phải là nó. Đọc Thiên sứ, ai cũng có thể nhận thấy khung cảnh của Hà Nội những năm mở đầu của nền kinh tế tị trường, trong cuộc giao tranh giữa tư tưởng quan liêu bao cấp và bộ mặt của nền kinh tế thị trường. Nhưng vẫn có Hà Nội khác được nhìn qua lăng kính huyền thoại. Phạm Thị Hoài đưa vào không gian bình thường ấy những yếu tố nghịch dị để tạo nên không khí huyền thoại. Chương Lễ cầu hôn phác họa cuộc gặp gỡ giữa Hằng và nhà thơ PH. là một kiểu đánh mờ đường viền hiện thực như thế: “Họ gặp nhau giữa một ngã ba vào giờ cao điểm, nhà thơ và ả Hằng, sững lại giữa giấc mộng lạc giữa ban ngày của họ và gây một cảnh tắc nghẽn xe cộ chưa từng thấy trong lịch sử giao thông công cộng của thành phố. Toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông được huy động tới, ba tiếng đồng hồ sau đường mới thông, và họ vẫn đứng sững, mắt không rời mắt, cuộc trò chuyện vô tận của hai cây cọ” [5, tr.86]. Hay cách mô tả căn gác xép nơi chị Hằng đưa Hoài đến giải quyết hậu quả của sự nông nổi trong tình yêu đầu đời của mình: “Một căn gác xép tranh tối tranh sáng chật hẹp mù mịt hương khói và sặc sụa đủ thứ mùi mà khứu giác tôi đành đầu hàng không định nghĩa nổi. Chủ nhà, đàn ông chẳng ra đàn ông, đàn bà chả ra đàn bà, ngồi bất động ở một nơi nào đó, thỉnh thoảng ban vào khung cảnh địa ngục bình dân ấy vài lời nhát gừng, giọng trầm đục và độc đoán” [5, tr.54] gợi nhớ đến cảnh căn gác xép nơi Josef K. đến tìm họa sĩ Titoreli trong Vụ án của F. Kafka.  Những trích dẫn trên đều cho thấy điểm chung là tạo ra cảm giác lạ lẫm cho người đọc nhưng chẳng ai đặt câu hỏi xem thực sự đó có phải là hiện thực như nó vốn có hay không bởi ngay từ đầu Phạm Thị Hoài đã tắm câu chuyện của mình trong không khí lạ lẫm, kì quái khiến cho mọi thắc mắc về cái thực trở nên vô nghĩa. Điều đó có được nhờ vào việc tác giả đã bình thường hóa những điều kì lạ, phá bỏ khoảng cách giữa cái bình thường và cái dị biệt, cái không bình thường được chấp nhận và trở thành cái thường nhật. Một cách cảm nhận thế giới theo kiểu huyền thoại hóa mang dấu ấn rõ rệt của F. Kafka.

Phương thức huyền thoại hóa đã tạo dựng tên tuổi của F. Kafka như một huyền thoại văn chương của nhân loại được tái tạo lại trong sáng tác của Phạm Thị Hoài đã tạo nên dấu ấn đặc biệt của bà trong văn học những năm đổi mới ở Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Huy Bắc (2006), Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân…. (2007), Văn học phương Tây, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phạm Thị Hoài (1989), Mê lộ, Nxb Tổng hợp Phú Khánh, Phú Khánh.

5. Phạm Thị Hoài (1995), Thiên sứ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. Franz Kafka (1989), Vụ án Hóa thân, Phùng Văn Tửu dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.

7. Franz Kafka (1998), Lâu đài, Trương Đăng Dung dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.

8. Franz Kafka (1989), Tuyển tập tác phẩm, Nhiều người dịch, Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

 

THE REMARKABLE OF MYTHOLOGIZED METHODS OF FRANZ KAFKA IN THE PHAM THI HOAI’ S WORKS

Abstract

Pham Thi Hoai is one of the outstanding writers in Viet Nam of the period of innovation. In her fisrt works, she was influenced by many the Twentieth Century’s writers in aspects of art. One of these is the mythologized methods in F. Kafka’s works. Pham Thi Hoai used most of mythologized methods in the works of F. Kafka such renewing motif in the ancient mythes, paroding mythes and mythologizing the real world. The remarkable of F. Kafka’s mythologized methods in the works of Pham Thi Hoai makes the magic appeal of her works.

(*) ThS – Trường Đại học Tây Nguyên.

Comments are closed.