Đôi điều trao đổi cùng nhà báo Tống Văn Công quanh các từ ngữ gốc Hán

Nguyễn Đức Dương

Báo Lao Động cuối tuần số 19 ra hồi đầu năm ngoái có giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết dài của nhà báo Tống Văn Công, nêu những băn khoăn của ông cùng những điều ông tranh luận với chúng tôi quanh vấn đề cần làm gì để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Được trao đổi cùng nhà báo tên tuổi như ông, tôi luôn coi là một vinh dự vì hai lẽ. Trước hết, ông là một cây bút khả kính cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Sau nữa, cả ông lẫn chúng tôi đều cùng chia sẻ một niềm mong mỏi là làm sao cho tiếng Việt ngày một trong sáng hơn và đáp ứng được đầy đủ hơn mọi đòi hỏi của cuộc sống ngày càng đa dạng hơn cả bây giờ lẫn về sau.

Tuy thế, trong dịp này, tôi vẫn mong được làm rõ thêm vài điều về quan điểm của riêng tôi chung quanh các từ gốc Hán được tiếng Việt vay mượn.

Như mọi người đều biết, vay mượn là hiện tượng phổ quát, tức chả làm gì có một thứ tiếng nào không hề đi vay hoặc được vay; hơn nữa, chả phải riêng gì từ ngữ (bởi có khi còn cả ngữ pháp!). Và tiếng Việt cũng không hề là một lệ ngoại.

Như nhiều khảo cứu khả tín cho thấy: qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, tiếng ta đã mượn của tiếng Hán một lượng từ ngữ nhiều gấp bốn lần số từ vốn có (ngày nay, con số ấy chắc còn lớn hơn gấp nhiều lần). Vậy, nhưng kể từ khi dành được độc lập tới giờ, chưa hề nghe ai lên tiếng than phiền rằng việc vay mượn ấy đã làm cho tiếng Việt trở nên kém trong sáng đi.

Thực tế ấy nói lên điều gì? Nó cho thấy rõ: ác cảm đối với các từ ngữ ngoại lai (nhất là gốc Hán) tuyệt nhiên chả phải do chính chúng gây nên, mà là do sự lạm dụng chúng. Bởi thế, để dễ bàn tiếp, điều đầu tiên cần làm có lẽ là phải trả lời câu hỏi: thế nào là “lạm dụng”?

Nhưng trước khi bắt tay vào cái việc hết sức rắc rối ấy, chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại cái lí do khiến “xu thế dùng từ gốc Hán hiện nay mạnh hơn xưa rất nhiều”. Chắc ai cũng biết, ngôn ngữ là một công cụ giao tiếp hệ trọng nhất giữa người và người. Xã hội càng phát triển, xu thế hội nhập càng sâu thì nhu cầu giao tiếp ắt càng tăng cả về bề sâu lẫn bề rộng. Cho nên, sự vay mượn cũng như sử dụng các từ kiểu ấy tất phải tăng theo mới mong đáp ứng được các nhu cầu không ngừng tăng của xã hội. Đó là điều khó tránh.

Còn như tại sao người ta không dùng “đầu bếp” (thuần Việt), mà dùng “bếp trưởng” (được tạo ra theo cú pháp tiếng Hán) như tác giả hằng mong thì câu trả lời có lẽ tự nó đã rõ: nghĩa của cụm đầu khác xa với nghĩa của cụm sau. Nói khác đi, “đầu bếp” là ‘Người nấu ăn chính’ (như “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) đã cắt nghĩa (nhưng theo thiển nghĩ, có lẽ nên giảng là: ‘Người cai quản một nhà bếp và sinh sống bằng nghề ấy’ thì chính xác hơn); trong khi đó cụm sau (không thấy công trình vừa dẫn cắt nghĩa, nên ta đành tự làm) là: ‘Người cai quản công việc tại một nơi chuyên dùng để nấu ăn và sinh sống bằng công việc ấy’.

Bây giờ, xin quay lại câu hỏi thế nào là “lạm dụng”. Vẫn theo cuốn từ điển trên, “lạm dụng” là ‘sử dụng quá mức / quá giới hạn được quy định’. Dựa vào lời giảng ấy, chắc ta có thể đi đến nhận định: sẽ bị coi là lạm dụng nếu cứ dùng từ gốc Hán trong khi đã có sẵn từ thuần Việt tương đương. Nhận định này chắc hẳn sẽ chả bị ai phản bác, một khi chúng ta chỉ rõ được nội hàm của hai chữ “tương đương”. Việc này thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng xem ra chả phải vậy. Bằng chứng? Mấy dẫn liệu sau đây (mượn của Cao Xuân Hạo) có thể coi như chứng cứ. Chẳng hạn, “nếu gọi con gái mình bằng “quý nữ” là lố lăng, thì gọi một người đàn bà là “đồng chí gái” cũng lố lăng chả kém. “Thủ tướng gái” không bằng “nữ thủ tướng”. Nhưng “đầy tớ gái” lại hơn “nữ đầy tớ”. “Ngài tổng thống và vợ” không bằng “Ngài tổng thống và phu nhân”, nhưng “thằng Út nhà tôi và phu nhân” lại không bằng “thằng Út nhà tôi và vợ nó””. Vậy là, “gái” và “nữ”, “vợ” và “phu nhân” tuy tương đương thật, nhưng rất khó thay thế cho nhau. Đó cũng chính là lí do khiến từ thuần Việt chả phải lúc nào cũng có thể dễ dàng dùng thay cho từ gốc Hán.

Ấy là chưa kể chuyện một loạt từ gốc Hán khi được mượn vào tiếng ta còn nảy sinh thêm một số phẩm chất vốn chả hề có khi còn ở trong Hán ngữ, như “trang trọng” (ss. tạ thế và chết), hay “thi vị” (ss. lệ và nước mắt), hay “cổ kính” (ss. tịch dương và chiều tà), hay “bác học” (ss. thi nhân và nhà thơ), hay mờ ảo (ss. viễn phố và bến sông xa). Cao Xuân Hạo cho rằng mấy điểm ấy chứng tỏ các từ gốc Hán vay mượn kia lẽ ra phải được thừa nhận là thuần Việt từ lâu rồi (bởi trong tiếng Hán nó không hề có các ưu điểm vừa nhắc), thì ngược lại, lại được xem như cái cớ để bài bác và để tìm mọi cách loại bỏ.

Bên cạnh đó, cũng sẽ bị coi là lạm dụng nếu sính dùng các từ gốc Hán “cao siêu” khi nói năng với quần chúng, như “hội ý” thay vì “bàn nhanh”, “mạn đàm” thay vì “nói chuyện phiếm”, “đi thăm” / “đi xem” thay vì “tham quan”, v.v. và v.v.). Việc này từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh (dưới bút danh XYZ) nhắc nhở trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”. Tiếc thay, những lời dặn dò chí lí ấy về sau dần dần bị hiểu chệch thành một chủ trương thanh lọc từ ngữ ngoại lai, và người ta hè nhau tìm cách thay các từ gốc Hán bằng các từ “thuần Việt”. Khi làm thế họ vẫn tưởng là bảo vệ sự trong sáng của tiếng ta, mà quên rằng đó chính là làm cho tiếng ta nghèo đi; hơn nữa, còn đánh đổi những cách nói đúng, hay, phù hợp với ngôn / văn cảnh bằng những cách nói ngọng nghịu, thậm chí thiếu lễ độ.

Có thể coi câu chuyện sau là lời tạm kết cho bài này. Sinh thời, nhà thơ Hoàng Cầm danh tiếng rất ưa dùng cụm “người thơ” thay cho hai chữ ‘thi nhân”. Sự thay thế ấy, tiếc thay, chả đem lại cho ông được mấy thành công, nên cũng chả được mấy người nối bước, ngay cả hồi ông chưa mất. Vì sao thế? Lí do chả hề có gì là bí ẩn: ông đã chuyển ngữ hai chữ “thi nhân” theo lối dịch từng chữ (thi = ‘thơ’; nhân = ‘người’) – một biện pháp từng được nhiều dịch giả giàu kinh nghiệm coi là cách chắc chắn nhất để dịch sai hoàn toàn!

Comments are closed.