Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH

Trần Hữu Thục

GỎI CHỮ

Nguyễn Thị Hoàng gây “sốc” văn giới (và xã hội) bằng câu chuyện (Vòng tay học trò), NgH gây “sốc” văn giới bằng cách viết.

Người ta gọi (văn) NgH là ngổ ngáo.

Ngổ ngáo?

Ngổ ngáo: có thái độ, hành động ngang ngược, liều lĩnh. Tiếng Anh, ngổ ngáo được dịch là rash/reckless: thiếu suy nghĩ, ẩu, không sợ hậu quả. NgH có viết ẩu không? Không. Thiếu suy nghĩ? Không. Còn hậu quả? Là, theo tôi, ta có một nhà văn chỉ giống một người duy nhất: Trần Thị NgH.

NgH bảo, “Ngổ ngáo là chữ của người khác đặt cho người viết, còn người viết trong người như thế nào cứ… xịt ra như thế ấy, chả biết có phải là ngổ ngáo không, nhưng mà không thích điệu, thích cắt tóc tém, đi nhanh, ăn mặc gọn; trong văn chương thì không thích uốn éo, không tráng men, chắc vì vậy nên được coi là ngỗ ngáo.”[1]

Tóm lại, với NgH, viết đơn giản chỉ là có sao nói vậy (người ơi!), không dùng thủ pháp tu từ học để bôi trơn, chà láng[2] hiện thực. NgH thể hiện “quan điểm” này trong hầu như tất cả tác phẩm của mình, phăng phăng, dứt khoát.

Cần nói thêm cho rõ. Ngổ ngáo mới chỉ là một trong nhiều tính cách mà người ta quy cho (văn) NgH. Với Du Tử Lê thì: mạnh mẽ, lạnh lùng, khô khốc, giễu cợt, gây gỗ, thiếu bóng cây; với Thụy Khuê thì: tỉnh táo, vô cảm, châm biếm, đớn đau, tự trào, hiện sinh, rất mới, rất trẻ. Với Thanh Tâm Tuyền, khác hẳn. Ông nói về cấu trúc câu, chữ: “về sự rời rạc, sự tuôn tràn, những nhịp thở, những lỗ trống, nói về dấu phẩy, dấu chấm; phẩy là đòi đoạn, chấm là chưng hửng lôi tuột luốt như rớt đến trống không đến sợ. Và câu khác trồi lên, kéo lên như một ân huệ, như một phép mầu để lại dìm trong đòi đoạn.”[3]

Thì thế, mỗi người một cách nhìn. Vả, NgH viết nhiều, mỗi giai đoạn một cách, mỗi truyện một cách. Nói gì xa, hai truyện viết trong giai đoạn đầu, “Nhà có cửa khóa trái” và “Chủ nhật”, cũng đã khác hẳn nhau về cốt truyện lẫn văn phong và tính cách. Sau này cũng thế, có truyện mang phong cách truyền thống, có truyện hoàn toàn cách tân, cách tân theo lối riêng của NgH, không thể xếp vào một xu hướng nào rõ rệt, “hiện sinh”, “hậu hiện đại” hay “tiểu thuyết mới”, có truyện lại pha pha kiểu này kiểu khác, chẳng ra truyện chút nào. Viết, ở NgH, là viết chữ, viết văn, trước khi viết truyện. Văn không chỉ là phương tiện của truyện, mà là thành phần của truyện, thậm chí, ở nhiều chỗ, chính là truyện. NgH tạo được một hơi văn riêng, rất riêng. Đọc NgH, với tôi, là một lặng lẽ tỏa đầy hơi. Đọc, là “lắng nghe” NgH sử dụng và điều động chữ. Khi thì đùa nghịch, vọc giỡn, khi thì quanh co, ví von, khi thì quái ác, thâm trầm, khi thì rạch ròi, huỵch toẹt, đôi lúc… tàn nhẫn. Hơi văn NgH nghe đã khác lạ ngay từ những truyện đầu tay:

“Chàng ngồi cạnh mép giường nhìn tôi đi tới đi lui thu dọn những thứ lặt vặt (bàn chải đánh răng, khăn mặt, kính soi, kẹp tóc, thuốc gội đầu, thuốc ho…). Tôi mang đi hết, không để sót một món. Tôi ghét di tích, kỷ niệm. Chàng ngồi tằn mằn mớ quần lót tôi còn để bừa ở ngoài, hỏi xin; (…) Những sợi tóc còn sót trong chăn gối chàng, chiếc khăn ướt vắt cẩu thả trên sợi dây thép, ly sữa uống giữa khuya còn một chút cặn dưới đáy, tờ báo tơi tả nhàu nhượi, mùi xà phòng chàng tắm buổi sáng, mùi Parazol quen thuộc trong nhà cầu, ống kem đánh răng vặn vẹo…” (Nhà có cửa khóa trái)

Có một cái gì rất không bình thường ở đây. Sau những mặn nồng ân ái, lại ân ái đầu đời, thế mà chia ly chỉ bịn rịn, không rưng rưng, sụt sùi, không níu kéo, toàn thấy mô tả mấy thứ lặt vặt không đâu vào đâu: mớ quần lót, chiếc khăn ướt, tờ báo tơi tả, ống kem đánh răng vặn vẹo… Nghe sao bình thường, nhạt nhẽo!

Ở một truyện khác:

“Tôi co người như con tép thụt sát góc giường ngó trân trân người đàn ông lạ mặt nằm ngủ. Tôi đập muỗi chan chát, nôn ruột ụa mửa những búng nước tanh lỏng le, tôi lò dò đi tiểu, rửa ráy, cầm nhín cái thau nhôm vàng khè nhớt nhợt.” (Nghỉ mát ở bãi biển)

Trông ghê: tanh lỏng le, lò dò đi tiểu, vàng khè nhớt nhợt!

Điểm chung là: ở cả hai trích đoạn, NgH quay “cận cảnh” những chi tiết có vẻ như không cần thiết, lại tầm thường, dung tục. Nhưng không có gì là “không bình thường” cả. Quá bình thường là khác. Rõ ràng, NgH tìm cách soi rọi thật gần, thật sát vào những ngóc ngách (bình thường) ít có người để ý; hoặc không dám, không cần để ý. Soi rọi và cách soi rọi các chi tiết đó khiến văn NgH, một mặt, trông dửng dưng, lạnh và mặt khác, mang vẻ khiêu khích/giễu cợt/châm biếm/thách đố hoặc, tất cả những điều đó cùng một lúc. Một cách vượt rào, vượt khỏi cái thường tình. Cũng là vượt khỏi chính mình.

Thử so sánh với một đoạn văn của Võ Phiến:

Dưới đường, những chiếc xe hơi, xe ba gác, xích lô đạp và xích lô máy xếp dọc bên lề. Những thùng rác, trụ điện. Hai con chó trửng giỡn đuổi nhau, vờn nhau. Con chó nằm bên chàng nhìn xuống thèm thuồng. Thỉnh thoảng nó không cầm lòng được, cuống quýt, cào chân trên ván gác và hực lên một tiếng. Ngoại trừ sự rạo rực của con chó, tất cả không gian rỗng tuếch, không một tình cảm. Trăng vằng vặc mà vô tình.” (Một ngày để tùy nghi).

Võ Phiến đã khá chi li, nhưng vẫn còn lảng vảng ở vòng ngoài, chưa áp sát. Võ Phiến sử dụng kính lúp, NgH sử dụng kính hiển vi:

“Vài năm trước khi qua đời ba tôi hay ở trần mặc xà-lỏn ngồi bó gối kiểu đó ở góc phản, thở khò khè, lâu lâu khạc đờm vô cái lon sữa bò để gần đấy. (…) Đờm đặc queo, có khi không chịu nhúc nhích, phải pha thêm nước hoặc dùng que khều khều cho nó trôi xuống đánh tọt.” (Seretide)

Nếu là Võ Phiến hay ai khác, thì có lẽ sẽ ngừng ngang chỗ “thở khò khè” hoặc quá lắm là “lâu lâu khạc đờm vô cái lon sữa bò”. NgH đi xa, “đờm đặc queo”; không những thế, còn đi sâu hơn, “có khi [cục đờm] không chịu nhúc nhích”; vẫn chưa đủ, NgH còn thêm “phải pha thêm nước hoặc dùng que khều khều cho nó trôi xuống đánh tọt.”

Chi li đến thế là cùng! Đúng là NgH “xịt” chữ, tham dự trò chơi với chữ một cách tích cực, lại hồn nhiên và thoải mái. Không mã hóa, không bóng bẩy. Vả lại, NgH đã soi rọi đến chỗ không thể mã hóa hay bóng bẩy được nữa. Nếu các sự vật mà nói được, chắc chúng phải cám ơn NgH đã tìm cách đưa “thân phận” hèn mọn của chúng vào ánh sáng… văn chương.

Viết, để cho ra văn, thường những chi tiết “không được đẹp” bị bỏ qua, hoặc nếu cần thiết, chỉ quanh co gợi ý, “tu-từ hóa” chúng, biến chúng thành “uyển ngữ”. NgH, ngược lại, đi sâu, đi sát, thản nhiên bóc chúng ra, lật chúng lên y như ta lật một cục đá nằm lâu năm ngoài vườn, tìm thấy đủ thứ côn trùng nhúc nhích bên dưới. Nhìn thì cảm thấy rợn da gà, nhưng hiện thực vốn sẵn ở đó, luôn luôn như thế, là thế, tĩnh tại, chẳng hề “nói lên” cái gì cả. Các chi tiết của chúng thường dễ bị khuất lấp bởi cái vẻ bên ngoài nhũn nhặn, phẳng phiu, bởi cái tổng thể gọn gàng của chúng. Mà cũng bị che khuất bởi chính rào cản ngôn ngữ (như cục đá ngoài vườn) và qua đó, bởi chính chúng ta. Thay vì nhìn thấy một cơ thể, ta nhìn thấy một nhan sắc; thay vì nhìn thấy những cái thô nhám, xù xì, ta nhìn thấy một hình dáng gọn gàng; thay vì thấy cái cụ thể, ta nhìn thấy cái trừu tượng. Nhất là khi xuất hiện qua thứ ngôn ngữ văn chương hoa hòe bóng bẩy, chúng còn bị khúc xạ thành nhiều lớp khác nhau, làm thay đổi hẳn diện mạo của hiện thực. Nhưng có cách gì thoát khỏi ngôn ngữ đâu!

(Dường như) biết thế, NgH chơi cách khác, không sử dụng ngôn ngữ bóng bẩy, không nói quanh nói co cốt làm vừa lòng ai, mà lột truồng, bóc hết những lớp võ mỹ miều bao quanh bộ mặt của hiện thực, diễn tả chúng y-như-chúng-là, trần trụi. Thử nghe NgH phác thảo chân dung người tình đầu đời (lưu ý: những chữ in nghiêng trong các trích đoạn sau là tôi muốn nhấn mạnh):

“Trung là người quen của một bạn trong nhóm. Tay này đẹp ớn! Tóc bồng má đỏ mắt to môi ướt mi rậm, hơi điều điệu vì biết mình đẹp, hơi đểu đểu với nụ cười nhếch một bên khóe giống Alain-Jean, tên tội phạm đang bị cảnh sát truy lùng trong La Veuve Couderc. Sau kỳ hè, tôi trở về Sài Gòn vẽ lại chân dung mỹ nhân bằng chì than. Bức vẽ gửi tặng qua đường bưu điện khiến anh chàng đùng một cái tót về thành phố. Chúng tôi bắt đầu ngồi quán, ẹo qua ẹo lại bóng gió, lâu lâu tợp một ngụm cà-phê loãng ra cái điều điềm đạm có chiều sâu.” (Phục chế ảnh cũ)

Đặng Thơ Thơ cho rằng cách nhìn nam giới của NgH “thường là khắt khe, nhiều lúc tàn nhẫn, ngay cả trong tình yêu.”[4] Không đâu! NgH bình đẳng với mọi người, mọi thứ, mọi vật. Trên kia, NgH tả “ba tôi” khạc đờm, sau đây, tả một bà già 70 tuổi đi vệ sinh:

“Từ phòng ngủ, để 6 bước vào nhà vệ sinh phải dùng cả hai tay nâng chân phải lên cao vài mi-li-mét đặt nhích 10 phân về phía trước, xong lập lại thao tác đó với chân trái, lưng khòm khòm, đầu lắc lắc theo nhịp khắc khoải của Khúc Định Mệnh số 5. (…) Có hôm cái-tồn-tại-trong-bụng đã không thể chờ. Trong điều kiện di dịch nhiêu khê, tự dọn sạch xú uế trên sàn gỗ đòi hỏi một nỗ lực chết người.” (tựa đề truyện: 218)

Cảnh một người phụ nữ già gặp khó khăn khi đi tiêu đi tiểu, “lê 6 bước”, “nhích 10 phân”, “cái tồn tại trong bụng” (tức là phân) bỗng dưng trộn với một bản nhạc cao cấp: bản giao hưởng Beethoven số 5.

Tả đám tang bà mẹ:

“Về tới đầu hẻm đã thấy lô nhô màn trướng cờ quạt. (…) Hẳn đã có người sụt sùi lúc liệm, một giờ trước khi [chuyến bay] SQ333 hạ cánh. Phần tôi thì làm rồi, sau lúc được người quen cho biết tin. Một tí thôi, một mình trong nhà tắm ớ cái nhà thuê cách chỗ đám tang 17 phút đi bộ. Tôi tưởng tôi sẽ thê lương vật vã, bởi bấy lâu nay mỗi khi muốn khóc thường tự nhắc nhở để dành mai mốt má chết làm một trận tổng kết. Vậy mà nó không chảy, nó rỉ, giống vải lau nhà vắt chưa ráo đã đem hong.” (Mataco, Ltd)

Tả một cô gái học đàn:

“Dạo ấy cô gái nhỏ nhắn gần như gầy gò còm nhom với mái tóc thả dài hai bên ngực che khuất đôi vú lép thường ngồi sau lưng thầy chờ đúng lúc để lật trang cho những trường đoạn thầy độc tấu. Đã có lúc Thị vừa dõi mắt theo những dòng nhạc trên giá đàn, vừa bị phân tâm bởi mùi mồ hôi dầm dề từ lưng và nách áo thầy (…) Mỗi nốt nhạc bung lên đến một lúc bỗng xộc mùi tanh như máu bầm để khô.” (Trổ đồi mồi)

Tả cảnh:

“Phòng ngủ 15 mét vuông có cả lò sưởi, một giường đôi, một bàn viết to như bàn ăn dành cho 8 người. Nhà bếp lúng túng tủ lạnh, máy giặt, lò điện, bàn ăn, rốt cuộc chỉ còn vài ô gạch vừa đủ đứng xoay qua xoay lại. Nhà tắm như được thiết kế cho một người dẹp lép ốm nhom; chen chúc trong 3 mét vuông là bàn cầu, lavabo, chỗ đứng tắm vòi sen có tấm màn nhựa kéo ngang.” (Đường vòng)

Những trích đoạn trên mô tả người, vật, sự vật, khung cảnh… chọn một cách tình cờ từ các truyện của NgH. Những chữ do tôi nhấn mạnh (in nghiêng) là cách ăn nói dân dã diễn ra thường ngày trong cuộc sống bên ngoài: khẩu ngữ. Văn NgH đầy những khẩu ngữ, cả ở các đối thoại lẫn trong mạch văn, như thế. Viết như nói. Đó là một trong những nét khá tiêu biểu trong văn phong NgH. NgH nói văn. Chính xác hơn: vừa viết văn vừa nói văn. Về người tình đầu đời: tay này, đẹp ớn, hơi đểu đểu, tót về, ẹo qua ẹo lại, tợp; về đám tang mẹ: lô nhô, thê lương vật vã, làm một trận tổng kết, vải lau nhà vắt chưa ráo; về nhân vật ‘tôi”: còm nhom, Thị (Y Thị), vú dẹp lép, máu bầm để khô; về phòng ngủ: lúng túng, dẹp lép ốm nhom.

Thử liệt kê thêm một số nói văn nhặt nhạnh đâu đó từ nhiều truyện của NgH: nằm chèo queo, mò mẫm, rị mọ, yếu xìu, quơ cả bụm, khôn tổ cha, xí bùm bum, xụi lơ, xẹp lép xanh rờn, trái cây chín dú, bờ chờ bợt chợt, ngoi ngóp bò ra, thở dài ứ hự, đâu đít nhau, trụi lủi, tỏng tòng tong, nằm chình ình, chạy tới chạy lui như gà mắc tóc, ầu ơ ví dầu, gái gú lăng nhăng, đập cho lòi phèo, tiếc hùi hụi, lóng rày, ngồi tùm hum, bí xị, nợ lút đầu, mướt rượt, gần xịt, trần ai khoai củ, vẹo cổ trật be sườn, ầu ơ ví dầu, ngồi thu lu, lạnh té đái, ốm nhom ốm nhách, đá cá lăn dưa, vân vân.

Khẩu ngữ, do tính cách tượng hình, cụ thể nên khi dùng để diễn tả, sự vật trông có vẻ trần trụi, thô, xấu, và do đó, dường như sát với hiện thực hơn; nhưng đồng thời, lại cũng làm cho chúng trông có vẻ tiêu cực. Thực ra, tích cực hay tiêu cực chỉ là cách chúng ta “đánh giá” theo một quy ước áp đặt. Con cóc thì xấu vì da nó “sần sùi” trong lúc đó, con chim thì đẹp vì lông “mướt”, vì màu sắc “sặc sỡ”. Sần sùi, mướt, sặc sỡ… chỉ là tính cách, vốn không xấu cũng chẳng tốt, không tiêu cực cũng chẳng tích cực. Ấy thế mà “nằm chình ình” hay “nằm chèo queo” nghe tiêu cực hơn “nằm ngay đó”, “ngồi thu lu” nghe tiêu cực hơn “ngồi thu mình”, “tót về” tiêu cực hơn “đi về”, “vú dẹp lép” tiêu cực hơn “vú nhỏ”… NgH tiêu-cực-hóa hiện thực bằng cách sử dụng khẩu ngữ hay sử dụng khẩu ngữ để đưa ngôn ngữ tiệm cận với hiện thực, điều mà ngôn ngữ bóng bẩy không làm được? Hay, phải chăng, sự thật bao giờ cũng tiêu cực? Với NgH, hình như cả hai.

Ngoài khẩu ngữ, tôi tìm thấy một số đặc điểm nổi bật khác trong văn phong NgH:

· Liên tưởng và ví von: so sánh sự vật/hiện tượng/cử chỉ này với những sự vật/hiện tượng/cử chỉ khác tương tự nhau bằng cách liên tưởng. Liên tưởng và ví von là thủ pháp ẩn dụ, so sánh ngầm giữa những sự vật tương tự nhau ở một điểm nào. Khi nhìn thấy ngay sự tương tự, ẩn dụ trông có vẻ nhẹ nhàng như khi so sánh người đẹp với đóa hoa hay nụ cười buồn với một bông hoa héo. Nhưng khi đẩy sự liên tưởng đi xa, rất xa, hay sử dụng những hình ảnh, sự vật chỏi nhau, ẩn dụ trở thành một hình thức phê phán hay giễu cợt. Với một đầu óc tưởng tượng phong phú, NgH đã nhìn thấy sự tương tự ở những chỗ trông chẳng tương tự tí nào. Nhưng chính ở điểm này khiến văn NgH mang một vóc dáng khác, lạ, có lúc đầy tính sáng tạo. Chẳng hạn: ví von nụ cười nhếch môi của người tình đầu với nụ cười của tên tội phạm đang bị cảnh sát truy lùng; ví von “nốt nhạc” vang lên “tanh như máu bầm để khô”; ví von nước mắt rỉ với “vải lau nhà vắt chưa ráo đã đem hong”; ví nhà tắm tồi tàn với một người “dẹp lép ốm nhom”.

Thử kể thêm vài cách ví von ở những nơi khác:

– Nụ hôn: nụ hôn không vượt quá răng, ngửi ngửi nhau như hai con chó tìm hơi quen (ví nụ hôn với hai con chó ngửi nhau);

– Cô Kiều Nguyễn Du: cô Kiều đi ra đi vô lầu xanh như người ta đi Walmart (ví lầu xanh với chợ Walmart);

– Xã hội Việt Nam thời đổi mới: Sau hơn một thập kỷ đói và dốt, từ những lỗ châu mai người ta thập thò ngoi đầu lên dáo dác ngó qua ngó lại. (ví xã hội miền Nam sau khi Cộng Sản chiếm với một trại lính);

– Loa phóng thanh trên đường phố: Ở các cột đèn ngã tư, máy phóng thanh thôi gào thét lúc 5 giờ sáng những bài hát gấu ó như chó cắn. (ví các loa phóng thanh Cộng Sản với tiếng chó sủa).

– Thủ dâm: thủ dâm rần rần như trình diễn văn nghệ quần chúng (ví hành vi “thủ dâm” với ca hát)

Ví von xuất hiện rất nhiều không những trong văn mà còn cả trong các câu trả lời phỏng vấn của NgH. Chẳng hạn:

Lý Đợi: Chị quan niệm thế nào về việc cầm bút? Nhà văn có nghĩa vụ hay sứ mệnh nào không?

NgH: Cầm bút thì cũng như thợ may cầm kéo, đồ tể cầm dao, thợ mộc cầm búa đinh, tiều phu cầm rìu, ca sĩ cầm máy vi âm… (…) Nghĩa vụ của họ là cắt cho khéo, chặt cho đẹp, đóng cho chắc, bổ cho chính xác, hát cho hay – ít nhất là trong đánh giá chủ quan của chính họ. Còn sứ mệnh thì… tính sau đi.”

Hay:

Nhà báo: Có khi nào Trần Thị NgH dự định về sống hẳn ở Việt Nam để sáng tác?

NgH: Văn chương nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung không cần đến giấy thông hành vì không có ranh giới địa lý.”[5]

Hình thức ví von, trong nhiều trường hợp, tuy gián tiếp, nhưng có khả năng biến một diễn tả bình thường thành sâu, độc và đa nghĩa.

· Nhiều đoạn văn, có khi khá dài, qua đó, NgH diễn tả mọi vật, mọi sự một cách khơi khơi, lang bang từ điều này đến điều khác, nói trổng, không cần chủ từ, không cần liên từ, không cần chuyển mạch. “Bay vào phòng tắm tôi bắt đầu chùi tẩy cái bồn đóng cáu đen sì, chắc đã lưu niên để vậy. Coi như cuộc chiến tranh trong lòng người Việt nam hoà bình chưa bắt đầu được chữ nào. Ngày đầu tiên đi chợ nấu ăn, ngày thứ nhì làm vệ sinh nhà cửa. Buổi chiều đọc bậy bạ một tí rồi xem phim tài liệu về Frida Kahlo. Lẽ ra thì không nên ngồi thu lu trong phòng. Mùa hè bên ngoài coi bộ vui. (…) Đổi bối cảnh cũng thú, nhưng tưng tửng ở nhà đi dạy kèm cũng khoẻ. Lâu rồi chẳng đẻ đái được gì, cũng bởi nhà nước quản lý nhân dân làm chủ. Hiến pháp điều 2 khẳng định: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, điều 4 xác quyết: Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Hiểu chết liền! Cánh tay văn học miền Nam trước 1975 bị đoạn chi, sau được nối dài ở hải ngoại, hơi lặt lìa vụng vết chỉ khâu.”

Chỉ có một chữ ‘tôi” trong câu đầu. Cách nói trổng tạo nên chất “khô khô” trong văn NgH. Đã thế, lại nhảy cóc: từ chuyện nhà bỗng nhảy sang “nhà nước quản lý nhân dân làm chủ” cộng thêm khẩu ngữ “hiểu chết liền”, bất ngờ, lạ, chẳng giống ai! Cách viết “nhảy cóc” này tạo nên tính chất lang bang, đa chuyện, đa đề tài và đa ý trong văn NgH.

Trong các câu trả lời phỏng vấn, NgH cũng nói trổng, nói ví von, rất ít khi sử dụng chủ từ “tôi”.

· NgH cố tình mô tả một cách rất chi tiết những điều có thể không cần phải chi tiết. “Lên đến tầng 5 đếm đúng 90 nấc. Mở khóa trên 2 vòng, khóa dưới 2 vòng, khóa giữa 2 vòng, ghìm chìa khóa ở ổ giữa, túm lấy tay nắm, rịt cửa vào người để nẩy cái khấc.”

Chi tiết quá, trông rườm rà, nhưng tạo ra một hiệu ứng riêng trong trí tưởng người đọc. Trích đoạn này diễn tả nỗi khổ của người già khi leo lên lầu trong truyện “218”

· NgH còn sử dụng những cụm từ phổ thông xuất phát từ nhạc, truyện hay các khẩu hiệu tuyên truyền: “chính diện trông rất xung đột nội tâm”, ra cái điều “chiến sĩ tiền tuyến bảo vệ hòa bình hậu phương, “mười năm tình cũ”, “có chiều sâu tâm hồn”, “làm vệ sinh tư tưởng”, vân vân. “Người đàn bà hai con” kể chuyện một mối tình thuộc loại “vòng tay học trò”, sử dụng tựa đề của một số tác phẩm văn chương và âm nhạc làm các tiểu tựa, trông rất sát với nội dung truyện, lại hàm ý giễu cợt: ngày xưa hoàng thị, mê lộ, động hoa vàng, ru em từng ngón, vũng lầy của chúng ta…

· Mặt khác, do thích đàn và thích vẽ, lại đàn hay vẽ giỏi, nên văn NgH thường pha trộn với âm nhạc và nhất là với hội họa. Có truyện, NgH đưa cả tranh do chính NgH vẽ vào truyện, như một hình thức minh họa. Ở nhiều chỗ, NgH chơi nhạc hoặc vẽ tranh bằng chữ, có khi là cả hai cùng một lúc:

“Vili vẫn đầm đìa đắm đuối uốn lượn hai cánh tay mật ong, mười ngón thon bay phấp phới trên dàn phím Steinway & Sons, đầu niễng, mắt nhắm, mày cau, hai môi mím kín màu son Rouge de Rose của Lancôme, tóc nâu hạt dẻ quăn quíu quật tứ tung theo động tác cổ. Mặt sau chiếc áo long lanh những sợi pha lê là một vạt lưng trần trôi miên man về tận hạ nguồn, hai dây áo mảnh vắt vẻo trên xương đòn gánh nhấp nhô theo động tác tay, đường cong từ gáy lượn mềm xuống gò mông tròn, bẻ cua thật ngọt lòn qua xương cụt, men theo đường nối giữa đít và đùi, gập góc chín mươi độ ở hai gối, ôm sát mép gẫy của đôn ghế rồi buông tuột theo cẳng chân dài lấp ló ở đường xẻ áo.” (Trổ đồi mồi)

Không có một đầu óc quan sát tinh, nhạy kết hợp với con mắt của một người biết vẽ, tưởng không cách chi có thể mô tả cảnh cô gái ngồi đánh đàn piano như thế, sống động, tượng hình, đẹp.

Nhưng “hội họa” hơn cả là “Tuyệt tác- chín biến khúc”. Đây là một trong những truyện ngắn đặc sắc của NgH. NgH vẽ chữ và viết tranh. Chữ nghĩa chọn lọc, sắc sảo, khít khao với tranh vẽ. Tranh trong chữ, chữ trong tranh. Thực trong ảo, ảo trong thực. Nhân vật “nó” là một hiện hữu lưỡng tính: một tay tình nhân trẻ hơn 18 tuổi và đồng thời cũng chính là bức tranh:

“Tôi thấy trong đầu một màu trắng của đêm mất ngủ còn nó màu tím. Thứ tím lợ của mực Quế Lâm nếu có pha một tí nước, hoặc ngả sâm sẫm nếu thả vô vài giọt Parker xanh đen. Nó đang chổi dậy, vẫn không có đầu, ngực trần, tay phải chống ngược, tay trái với chồm về phía trước khều một khối tròn tím rịm, chăn xanh đen phủ ngang bụng, lõm giữa hai đùi kéo nhăn nhíu ra cái phông trắng rồi mất tăm. Lại dựng đứng. Mực chảy ra ngoài khối tròn dẹt màu tím, vùng ngực nó tối hút mắt làm tôi ngộp như bị chặn họng. Tím Mai, tôi định gọi vậy, nhưng sau lại ngần ngừ đổi thành Trăng Chảy.”

“Tuyệt tác – chín biến khúc” là một tổng hợp mới lạ trong cấu trúc, đẹp trong tranh, đa ý trong nội dung, tài hoa trong cách diễn đạt.

Tóm lại, NgH trộn chữ và qua chữ, trộn ý. Như trộn gỏi. Hãy gọi là gỏi chữ. Đọc NgH là một hình thức ăn gỏi. Làm gỏi, món ăn dân dã nhất Việt Nam này, dù gỏi gà gỏi vịt hay gỏi cá gỏi tôm, vân vân, đều là “ép” nhiều thứ – có khi rất chỏi nhau – vào nằm chung: cái chua, cái ngọt, cái mặn, cái chát, cái sống, cái chín, cái cay, cái bùi. Chả thế mà ăn gỏi là ăn một tổng hợp, là thưởng thức được nhiều mùi vị cùng một lúc. NgH đã trộn chữ theo một công thức rất riêng nên hơi chữ cho ta một vị riêng. NgH thay đổi cách trộn trong từng truyện, từng hồi, từng phân đoạn và thậm chí… từng câu. NgH trộn nhiều thứ khác nhau: cũ và mới, thời sự và văn chương, thanh và tục, dí dỏm, tinh nghịch và nghiêm túc, chua chát, cay đắng và ngọt ngào, khẩu ngữ và chuyên ngữ, đen và bóng, vân vân.

Nếm thử lúc đầu, nhăn mặt. Thử nhiều lần, đâm ghiền.

LĂNG BA VI BỘ

Gỏi chữ đưa đến gỏi chuyện. Truyện NgH thường là một tập hợp của nhiều chuyện, chúng có thể dính líu, đan xen nhau, có khi chẳng quan hệ gì nhau. NgH nói chuyện nọ xọ qua chuyện kia, linh tinh, lỉnh kỉnh. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành đề tài và bất cứ đề tài nào cũng mở ra những đề tài khác, đa dạng, luôn luôn thay đổi. Vừa đang nói chuyện bên đông bỗng nhảy sang chuyện bên tây, vừa đang ở đề tài này, chợt phóc sang đề tài khác. NgH quanh qua quẹo về, thêm thắt, ráp nối, liệt kê, kể lể. Các sự kiện bập bềnh trôi nổi giữa chủ điểm và ngoại vi, kéo độc giả chạy ra xa, rồi đột ngột níu trở lại gần, tung, hứng, cắt dứt hay đào sâu các chi tiết. Thỉnh thoảng, NgH để lửng lơ, rời rạc từng mảnh, từng mảng để độc giả tự mình ráp nối.

NgH lăng ba vi bộ.

Truyện NgH mở, ít keo trong cấu trúc. NgH thả lỏng để cho những mảnh vụn cuộc sống lừng lững đi vào trong truyện. Nói chung, truyện thường đơn giản, không hay ít khi đưa ra một đề tài nặng ký nào. Có truyện đơn giản một cách rất bất ngờ: 218 kể chuyện dự tính nhảy lầu tự tử của một nhà văn nữ 70 tuổi sống độc thân ở tầng lầu số 5 của một chung cư cũ, leo lên leo xuống rất khó khăn; “Seretide” kể chuyện một người đàn ông bị lên cơn suyễn đột ngột khi đi trong tháng máy, phải sử dụng ống bơm thuốc khiến người đồng hành tưởng là kẻ cướp; “Người đàn bà nằm” kể chuyện một phụ nữ có con so, bị ghẻ lở ở chỗ kín vì rận cắn. Đề tài NgH thường không cứng nhắc, không cô lập vào một chủ điểm nào đó định sẵn mà, trái lại, tự phát triển. Vài truyện sáng tác trong thời gian đầu (mà NgH gọi là thời kỳ quá độ, thí mạng cùi), còn tập trung hay xoay quanh một chủ điểm nào đó, nhưng càng về sau, trong các thời kỳ “biên độ”, “ế độ” và “cá độ”,[6] theo cách xếp đặt của NgH, truyện càng đa-tuyến, đa-đề-tài, tỏa ra, lan rộng. Nhiều đề tài pha trộn vào nhau. Chọn một đề tài nào đó đôi khi chỉ là cái cớ chỉ để nói về những đề tài khác. Kể một chuyện nhưng là cái cớ để kéo ra những chuyện khác. Có thể nói, đề tài không chi phối, mà lắm khi lại là hậu quả của (những) câu chuyện.

Trong “Lệch một khấc”, tưởng NgH đang nói về hội họa, hay về tính tham lam tình dục của đàn ông thì hóa ra cũng là nói về đồng tính. Trong “Mataco, Ltd”, nội dung chính là đám tang của bà mẹ, lại tỏa ra năm, bảy chuyện khác nhau, từ lòng hiếu thảo cho đến các thủ tục khai tử nhiêu khê, rắc rối trong cơ chế Cộng Sản, từ việc chôn cất cho đến việc tranh chấp tài sản thừa kế, vân vân và vân vân. “Cinema Paradiso” kể chuyện về cuộc đời của một cô gái ở gần rạp chiếu phim, lại mở ra một lô chuyện linh tinh lỉnh kỉnh khác, từ lai lịch một rạp xi nê ở ngoại ô, cho đến ông đạo diễn phim, từ các tài tử phim ảnh nổi tiếng Pháp, Mỹ cho đến các bộ phim tình cảm Quỳnh Dao, phim Hồng Kông, Ấn Độ, phim Việt Nam trước 1975 rồi đến phim Nga, phim Tiệp sau 1975; kèm theo đó là những nét phác họa khung cảnh xã hội Việt Nam sau 1975. Trong “Phục chế ảnh cũ”, nội dung chính là tìm lại nhân dáng của một người tình đầu đời, thực ra, là phác họa ra hình ảnh, mà đồng thời cũng là kinh nghiệm sâu sắc của NgH với nhiều người đàn ông đi qua đời NgH, cả tưởng tượng lẫn thực tế, mà NgH gọi là một “tập đoàn đàn ông về mặt sinh học.”[7] “Chuông gió” đề cập đến một phụ nữ tính tình quá chu đáo, quá tỉnh táo, quá cặn kẽ đâm ra so đo tính toán trong quan hệ với mọi người, được ví von với chứng tự kỷ (autism) dẫn đến sự đổ vỡ một cuộc tình; và lang bang nhảy qua chuyện dạy con, chuyện số phận nàng Kiều của Nguyễn Du, hay chuyện nhũng lạm trong cơ chế nhà nước, vân vân.

Võ Phiến kể chuyện này qua chuyện nọ, nhẩn nha, lai rai trong lúc vẫn nhắm đến chủ đích xoay quanh đề tài đã chọn. NgH cũng kể chuyện này qua chuyện nọ, nhưng nhảy cóc, nhảy băng, đôi khi vượt rào. Vì thế, ở một số truyện, nếu độc giả muốn tìm đề tài chính, rất khó. Mở đầu truyện đôi khi là một chi tiết đột ngột từ trên trời rơi xuống, dẫn đến một nội dung nhập nhằng, lang bang, rồi kết truyện thì lại tưng tửng như dưới đất trồi lên. NgH bảo, “Người viết nào cũng ăn ngủ đi đứng sinh sống bình thường như người không viết, có điều họ hái hoa bắt bướm nhiều hơn, nhặt nhạnh nhiều hơn, dừng chân thường xuyên hơn thành ra có kẻ đi mãi mà không tới nhà là vì vậy.Trong những gì nhặt được dọc đường, bỗng có thứ chi đó đùng một cái nở bung ra, thế là thành chuyện. Nó có thể là là cát, đá, sạn, hoa dập, gai nhọn. Nhưng nó nở.”[8]

Đúng là “nhặt nhạnh và nở bung”. Viết, với NgH, đơn giản như thế. Nhặt nhạnh bất cứ thứ gì và “có thứ chi đó” nở bung ra trong ngôn ngữ: nguyên xi, trần trụi và nóng hôi hổi. Các sự vật, sự kiện, chi tiết hiện thực trong văn NgH dường như đều có chỗ đứng bình đẳng, đàng hoàng, cụ thể. NgH mang cả cái không khí ngồn ngộn của cuộc sống chung quanh vào văn.

“Nhăn rúm”, theo tôi, là một truyện điển hình cho phong cách sáng tác “nhặt nhạnh và nở bung” thành đa-chuyện, đa-đề-tài của NgH. Bằng một giọng văn tường thuật từ chuyện này đến chuyện khác, chi li, có gì “xịt” đó, không điệu đàng, uốn éo, không tráng men, nhân vật cô gái kể lại cuộc đời mình xuyên qua những quan hệ chồng chéo từ cha, mẹ, cha ghẻ, chị, anh rể kéo dài từ trước 1975 cho đến giai đoạn sau này với hàng chục câu chuyện đan xen nhau đầy hỉ, nộ, ái, ố, ai, bi, lạc dục trong một xã hội đảo điên, điên đảo, nhiễu nhương. Truyện thì có mà “cốt” thì dường như không, đề tài chính cũng không. NgH lăng ba vi bộ hàng trăm bước, xàng xê từ mối tình đầu của người mẹ lúc vào truyện, đến mối tình thứ hai của mẹ, đẻ ra “tôi”, nhân vật chính; rồi chuyện hai chị em người chị cùng mẹ khác cha ở chung, chuyện mẹ mua nhà, chuyện ‘tôi” lớn lên mê văn chương của Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Xuân Hoàng…; chuyện chồng con người chị, chuyện Cộng Sản vào chiếm Sài Gòn, chuyện anh rể tự tử chết, chuyện chị vượt biên rồi về sau bảo lãnh mẹ, vân vân và vân vân. Mỗi một chuyện đẻ ra nhiều “tiểu chuyện” khác, dằng dai, dai dẳng để đi đến một phần cuối thật bất ngờ, tưởng chừng như chẳng dính dáng gì đến toàn truyện:

“Vói tay nhặt lên mân mê. Từ chỗ nó chui ra không có cảm giác gì đặc biệt, giống phụ nữ có tháng thỉnh thoảng nhợn ra một cục huyết bầm bằng nửa miếng gan gà. Lạ là thoạt nhìn nó giống miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trỗ màu sậm sì. Phải chăng cái trinh tiết, do bị hãm bởi con ma men và con ma tôi, đã nằm chờ từng ấy năm đến quắt queo nhăn rúm? Chắc cú không phải thai chết lưu, bởi cái nghìn vàng vẫn còn đó nỗi buồn nên nó đành tự sản tự tiêu? Rõ ràng nó là một phần trong cơ thể rụng ra, như cuốn rún của trẻ sơ sinh bị héo do đứt dinh dưỡng từ nhau của người mẹ. Nó là cái gì thì cũng là điều thầm kín, phải được cất ở hốc bí mật dưới tủ thờ cùng với tiền để dành, của hồi môn và những bài thơ tình.”

Cái “đáng giá ngàn vàng” của nền luân lý cổ xưa, cái “đóa trà mi” đẹp đẽ, xinh xắn, tươi tắn của Nguyễn Du, cái mà mọi cô gái nâng niu, nhọc lòng gìn giữ (đôi khi suốt cả đời) chỉ là “một miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì” quắt queo nhăn rúm! Rẻ hơn bèo. Bình thường và tầm thường như cục đất ngoài vườn. Nhưng đó lại là một khám phá độc đáo của NgH: cụ-thể-hóa hay sự-vật-hóa một cái bị đàn ông đẩy đến chỗ vô cùng trừu tượng. Nó lật ngược hàng ngàn năm luân lý Khổng-Mạnh vốn đã biến cái vỏ quýt phơi khô thành sợi thòng lọng treo trên đầu, chực chờ siết cổ số phận người phụ nữ, deuxième sexe!

Ôi, tiết trinh!

NGƯỜI TA KHÔNG SINH RA NHƯ LÀ, MÀ TRỞ NÊN, ĐÀN BÀ

Simone de Beauvoir nói thế: On ne naît pas femme: on le devient. Người ta không bẩm sinh mang thân phận đàn bà, mà bị buộc phải làm đàn bà.

Tiếp nối các cây bút nữ đi trước của trào lưu văn chương mới với những Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…, NgH xông xáo, đi tới, đi xa hơn, không phải để đòi, để tranh đấu, mà để xác định quyền của NgH: một con người trong thân xác đàn bà. Nữ quyền là nhân quyền, nói theo Hillary Clinton. Đàn bà với một số các khái niệm tiêu cực đi kèm, không phải là bản chất mà là sự áp đặt, một áp đặt hàng ngàn năm xuất phát từ một xã hội do đàn ông thống trị. Đàn ông biến đàn bà, nói theo Beauvoir, thành một “deuxièm sexe”, giới tính thứ hai. Giới tính thứ hai là thứ cấp, là lệ thuộc, là công dung ngôn hạnh, là tứ đức tam tòng, vân vân và vân vân, toàn là những ràng buộc vừa khắt khe vừa vô lý. Văn chương NgH là một vùng vẫy, một thách đố, một chống chỏi để vượt thoát khỏi “giới tính thứ hai” như một thân phận, một định mệnh. NgH không đòi nữ quyền; nữ quyền, nói nghe ghê gớm, thực ra vẫn hàm ý tiêu cực, vì chỉ đòi quyền của người nữ mà quyền của người nữ chỉ là “quyền của người nữ”. NgH đòi quyền làm người. NgH chống áp đặt. Chống giả tạo. Chống ràng buộc

· Bạch hóa

Áp đặt lớn nhất đối với phụ nữ là tình dục. Dù trinh tiết chỉ là một “miếng tóp mỡ hay thẻo vỏ quýt phơi khô đã trổ màu sậm sì”, mất trinh là một kinh nghiệm đặc thù đối với phụ nữ, trước hết, do những ám ảnh vô thức nặng nề của thứ triết lý giáo dục do đàn ông đề xướng, thứ đến, do những cảm giác lẫn lộn về mặt sinh lý. “Nhà có cửa khóa trái”, “Chủ nhật” và “Nghỉ mát trên bãi biển” được sáng tác từ thuở đầu đời có thể xem là một bộ ba liên-văn-bản, qua đó, NgH cho rằng tình dục là một đòi hỏi cần thiết bình thường, do đó, “thất thân” đối với đàn bà cũng giống như người ta ăn uống, ngủ, bài tiết, giải trí. Mặt khác, thất thân là một chọn lựa tự do: một cô gái có thể thất thân với một người đàn ông, không nhất thiết phải là người mình yêu. Dẫu vậy, “trở thành đàn bà” là một kinh nghiệm độc nhất vô nhị, kinh nghiệm đó có thể trở thành một ám ảnh.

Nguyễn Du viết:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về

Nguyễn Du “đẹp hóa”, “sang hóa” cái “nhăm rúm”. NgH, không “con ong” cũng chẳng “đóa trà mi”. Cũng chẳng thèm tiếc nuối. Không những thế, kinh nghiệm thất thân là một cái thú, “thú đau thương”:

“Tôi bấu tay trên lưng chàng. Thật không còn thứ đau đớn nào hơn. Thứ đau đớn để nhớ lại bùi ngùi về sau trong những tình cảm ơn nghĩa. Đêm nóng và mùi mồ hôi trộn lẫn giữa hai người làm tôi bứt rứt cảm động.” (Nhà có cửa khóa trái)

Tôi nhớ Francois Sagan: “Chàng nắm lấy cánh tay tôi, vừa giữ tôi lại vừa cười. Tôi quay về phía chàng và nhìn chàng; mặt chàng tái đi như tôi và buông tay tôi ra. Nhưng rồi chàng lại vội vàng ôm lấy tôi và kéo tôi lại. Tôi mơ hồ cảm nhận: cái đó sắp tới rồi, cái đó sắp tới rồi. Sau đó là liên khúc tình yêu: nỗi sợ hãi tiếp sức cho cơn ham muốn, sự dịu dàng và cuồng nhiệt và rồi nỗi đau buốt nối tiếp với cơn hả hê khoái cảm. Ngày ấy, tôi sung sướng – còn Cyril hết sức dịu dàng – khám phá cơn khoái cảm đó”[9] (Bonjour Tristesse).

Sagan viết đoạn này vào giữa thế kỷ 20 ở bên trời Tây, mô tả cảm giác của người con gái lần đầu tiên có quan hệ tình dục, lại là quan hệ tự nguyện, quan hệ để khám phá, đã gây ra một cái “sốc” lớn trong xã hội Pháp, đến nỗi, Françoise Mauriac, một trong những nhà văn được kính trọng nhất thời bấy giờ, trong một bài báo viết trên trang đầu của tờ “Le Figaro” ngay sau khi tác phẩm được phát hành, gọi tác giả là một “tiểu yêu khả ái” (charmant petit monstre). NgH viết “Nhà có cửa khóa trái” chỉ khoảng 15 năm sau đó, từa tựa, lại ở Việt Nam, thành nếu gây sốc cũng không lấy gì làm lạ.

“Chủ nhật” diễn tả một cảm giác khác, còn đậm nét hơn, về lần ân ái đầu tiên:

“Dù thế nào tôi vẫn không thể phân trần với ai về cái ấn tượng khủng khiếp một buổi tối tôi nằm ngửa dưới thân thể nóng hực của Định, mở mắt trân trối nhìn lên trần gian phòng lạ hoắc, lắng nghe da thịt vỡ tung cùng một lúc với ngày tháng mù mịt trước mặt. Định đã ra khỏi tôi, nhưng sự ê ẩm vẫn còn sót theo các lóng xương trong cơ thể, trong trí nhớ.”

Trong bộ ba, “Nghỉ mát ở bãi biển” mô tả kinh nghiệm mất trinh một cách bài bản hơn, sống động hơn và cũng rối rắm hơn, đặc biệt nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một cô gái mới lớn. Cô cô đơn, không biết chơi với ai, hay bày tỏ với ai những cảm nghĩ cá nhân của mình, nên chỉ biết viết nhật ký, viết để ‘tự cởi trói”. Cô “khao khát chọn lựa”, nghĩ đến một người tên Trường như một điểm tựa, lại là một điểm tựa rất yếu đuối vì Trường thiếu quả quyết và từ đó, sẵn sàng chọn lựa “một người nào khác bất cứ.” Và rồi cô gặp một người tên Dự, tình cảm hơn và quả quyết hơn. Không yêu Dự, nhưng “Tôi làm như thể tôi không thể sống thiếu Dự. Thực ra tôi ý thức được hết những chuyện này. Trong bữa ăn, tôi ngồi đối diện với Dự nghiêm trang, lúc nào tôi cũng muốn tỏ ra buồn kín đáo, u ẩn. (…) Tôi thành công, nhưng còn làm bộ cười gượng chống chế.” Quyết định chọn lựa Dự để thử nghiệm, cô đề nghị đi chơi với Dự và chuẩn bị kỹ cho chuyến đi này: xin phép ở sở làm, nói dối mẹ và làm lơ hẳn với Trường khi gặp lại anh chàng này một ngày trước ngày hẹn. Khi Dự vào thuê một khách sạn tồi tàn ở bãi biển, cô gái “làm bộ đóng tuồng điềm tĩnh, quan sát căn phòng với vẻ hiểu biết của người trong cuộc.” Khi Dự tắm xong đi ra, tỏ vẻ thân mật thì, cô “ngùng ngoằng dằng tay ra như vai thôn nữ trong một vở thoại kịch.” Tóm lại, cô gái làm bộ thụ động trong lúc hoàn toàn chủ động mà chính Dự, một tay đàn ông sành sõi, cũng không biết. Và rồi chuyện gì đến phải đến:

“Tôi nằm ngửa ngó ngược lên trần căn phòng. Đêm ngoài tầm hiểu biết. Dự nhỏ nhẹ, anh dạy cho em làm vợ chồng.” Rồi sau đó, “Tôi co người như con tép thụt sát góc giường ngó trân trân người đàn ông lạ mặt nằm ngủ. Tôi đập muỗi chan chát, nôn ruột ụa mửa những búng nước tanh lỏng le, tôi lò dò đi tiểu, rửa ráy, cầm nhín cái thau nhôm vàng khè nhớt nhợt.” (…) “Tôi ngồi thụp xuống giường rên rỉ. Em đau quá anh, cho em về nằm ở nhà, em sẽ nói với má em em đau quá. Má, má yêu dấu của con.” (…) “ Tôi đi khấp khởi, nhìn ngó chung quanh. Tôi đây, tôi đàn bà. Nhìn tôi coi mọi người. Tôi vừa bước ra khỏi khách sạn phòng số 14 tầng hai. Người này người kia và người đó nữa, ngó coi, tôi đàn bà.”

Tôi đã thành đàn bà rồi! Than van? Nuối tiếc? Ân hận? Reo vui? Hình như tất cả. Cô Kiều ấm ức tiếc vì cô bị bắt buộc phải hiến dâng trinh tiết cho một người không yêu; nhân vật của NgH chọn lựa hiến tặng, đúng hơn là tự nguyện cho đi trinh tiết của mình. Một thử nghiệm tự do, lạ, đầy cảm giác. Trở thành đàn bà và tiếng kêu “mạ ơi” cho thấy kinh nghiệm mất trinh là kinh nghiệm ghê gớm, độc nhất của một cái gì sang trang, một cái gì qua đi, mất đi không bao giờ tìm lại được. Mất trinh, như thế, trông có vẻ là một hiện tượng sinh lý, thực ra, là một hiện tượng tâm lý. Và hiện tượng này xuất hiện từ mặc cảm văn hóa do đàn ông chế tạo: biến một sự kiện sinh học bình thường thành một taboo văn hóa, thậm chí taboo tôn giáo. Chính vì thế, trở thành đàn bà vẫn tiếp tục ám ảnh cô gái:

“Những lần trần truồng một mình, tôi vẫn hay nhìn ngắm tôi trong tấm gương lớn trong phòng tắm, như soi bói một kẻ lạ. Tôi thù ghét chỗ này chỗ nọ, chỗ này tôi không thể rửa sạch được bằng nước, chỗ này tôi không thể kỳ cọ, hơi thở tôi gay gắt mùi thuốc lá, hơi đàn ông lẫn trong chân tóc, còn chỗ nào không, tôi tan hoang từ đầu xuống chân. (…) Tôi đã nghĩ đến má lúc ấy, từ sự nhơ bẩn tương tự, tôi được sinh ra. Ba đã giày vò má, mọi người giày vò nhau để những đứa trẻ dưng không được bước ra từ cơn đau ấy…” (Chủ nhật)

Nhớ đến mẹ trở thành một phương cách tự vệ duy nhất của người phụ nữ trong việc dịch chuyển bất-hồi-tố trong quá trình trở thành đàn bà. Ở điểm này, NgH đưa ra một nhận định có tính triết lý:

“Đó là tình yêu chăng, em những tưởng anh như một phương tiện cho em thể hiện sự tự do, đến khi không còn là nô lệ của chính thể xác mình, em cũng biết đó cũng là một cách nô lệ, nhưng với một thể xác khác.” (Chủ nhật)

Một song quan luận (dilemma) về tự do: một mặt, cô gái biểu lộ tự do bằng cách không xem trinh tiết là điều quan trọng, là phá bỏ xiềng xích truyền thống về thân xác đàn bà; nhưng mặt khác, cô lại phải lệ thuộc vào một thân xác khác là đàn ông, mà rốt cuộc là mất tự do. Nói khác đi, tự do tuyệt đối là điều bất khả đối với con người. Dẫu vậy, NgH tìm cách vượt qua song quan luận đó. Bằng cách nào? Bằng cách nói lên, nói hết, nói sạch. Không e lệ, không thẹn thùng, e ấp. Không che đậy. Và không ân hận. Bạch hóa nó, biến nó thành một điều bình thường. Y như nam giới. Thể xác không tự do, nhưng ý thức thì tự do. Kinh nghiệm thể xác là một kinh nghiệm sinh lý, nam lẫn nữ. Bạch hóa nó là phá vỡ một taboo. Là tự do.

· Đàn ông

Ám ảnh tình dục cũng là ám ảnh về đàn ông. NgH xây dựng đàn ông qua nhiều hình ảnh khá khác nhau. Trước hết, là đàn ông viết văn làm thơ. NgH mê và yêu văn nghệ từ nhỏ, nên cũng chẳng lạ gì, hình ảnh những những nhà thơ, nhà văn đàn ông thường xuất hiện trong các truyện của NgH, khi thì rõ ràng, khi thì thấp thoáng. Đàn ông văn nghệ vừa gây rắc rối lại vừa là nhu cầu. Túy Hồng viết:

“Bọn đàn ông văn nghệ người nào cũng có một “cháu” để ngoài đường và có một vợ để ở nhà. Bọn đàn ông văn nghệ nào cũng chia cuộc đời ra làm hai cảnh sống, một cho vợ và một cho người tình. (…) Tôi chủ trương rằng làm vợ bọn đàn ông này là giờ phút nào cũng phải ghen, cũng phải đổ bể chén đĩa, cũng phải nấu canh bằng nước mắt mình, cũng phải cầm dao phay đi lóc thịt xẻ xương tình địch. (…) Tôi chủ trương rằng làm vợ bọn đàn ông này dù có đặt tay lên ký một trăm tờ hôn thú cũng cầm bằng một cái lắc đầu.” (Tôi nhìn tôi trên vách)

Hình như NgH có phần đồng ý với Túy Hồng, vừa bài bác lại vừa nhận chịu:

“Em đã có những tháng ngày lãng mạn nhưng hợp vệ sinh với nhà văn này nhà thơ nọ, luôn luôn cảnh giác giữ tư thế ngồi để tránh nhăn lưng áo. Chính anh đã đẩy em vào thế giới sáng tác nơi em không thể không cà-phê phin hoặc trà chanh đường với những văn nhân hàng ngày ngồi chơi xơi nước ở quán Cái Chùa hoặc Givral – khu vực… hmmm… văn hóa nhất của Sài Gòn ngày trước. Kẹt cái là họ đều có vợ, đỡ cái là em không chủ trương làm lẻ làm chẵn để làm chi. Mấy ông kẹ thấy táo hườm hườm thì muốn hái, nhưng đúng ra chỉ là trái cây chín dú.” (Telecom)

Cái khác là Túy Hồng, trong lúc than trách bọn đàn ông, vẫn nghe giọng hờn trách. NgH không hờn trách. NgH lột, bóc, bóc ra từng mảng thực chất của đàn ông văn nghệ. Trong “Phục chế ảnh cũ”, kể lại mối tình giữa một cô gái mới lớn mê văn chương với một nhà thơ lính, NgH nhìn thẳng, nhìn ngay vào sự thật, một mặt, lật tung trò ma mãnh, dụ khị của người tình, nhưng mặt khác, cũng tự lột mặt nạ chính mình, chấp nhận chúng y như không thể khác hơn, y như đàn ông là phải thế và đàn bà phải thế. Tình yêu, rốt cuộc, là một quan hệ thành khẩn và lệch lạc, thành khẩn trong lệch lạc. Cô gái trút hết tình cảm sâu đậm của mình cho người tình, còn anh ta “quơ cả bụm”, bất chấp “còn chín hay chua”. Từ đó, NgH “khám phá” ra cái gọi là tính cách đàn ông trong quan hệ với đàn bà:

“Có phải tất cả những người đàn ông đều giống nhau? Họ đều ngủ và ngáy sau trận mây mưa? Ai trong số họ cũng cần một cái lỗ để thỉnh thoảng đâm vào, ngoáy sâu đến hụt hơi, đứt phựt rồi ngã vật ra giường? Vì sao họ có thể ngủ say liền sau đó không trăn trở tư duy dằn vặt? Họ tha lòng thòng của quý đi khắp nơi, vật bất ly thân có giá trị nhân chủng nhân bản nhân loại toàn cầu, có lúc nào họ quên là họ có nó không? Tôi đã thầm đặt những câu hỏi tương tự với bất cứ người đàn ông nào quen biết, gặp gỡ, nhìn thấy. Họ tràn ra đường lái xe hơi, đi gắn máy, đạp xe, bách bộ, ngồi quán, chờ xe buýt, cười nói, nhai nuốt, phì phèo, mập thù lù hoặc ốm nhom ốm nhách, già khú đế hoặc trẻ non trẻ nụ, giàu sụ hoặc nghèo mạt, phè phỡn hoặc băn khoăn, chăm chú hoặc lơ đãng. Tất cả bọn họ, dù hùng hục cày cấy hay nho nhã sáng tạo, cũng đang sục tìm một lỗ trống, chờ đợi cái lúc được đâm vào?” (Phục chế ảnh cũ)

Hỏi mà cũng là trả lời. Thú thật, trích đoạn này làm tôi, một đàn ông, giật thót mình. Một cái nhìn thẳng tuột, trông rất tàn nhẫn và than ôi, không xa… sự thực là mấy! NgH đánh đổ mọi giá trị đàn ông? Không. NgH bảo là, trong truyện này, NgH phân tích đàn ông về mặt sinh học.[10] Ừ, thì sinh học. Nhưng rõ ràng là không chỉ sinh học. NgH soi rọi thẳng vào từng mảng hiện thực, dù là đàn ông hay đàn bà, kể cả chính NgH, qua những nhân vật “tôi” hiện diện kiểu này hay kiểu khác ngay từ bộ ba truyện liên văn bản đầu tay.

· Giới tính thứ hai

Trong một số truyện, NgH dựng nên hình ảnh một đàn ông khác với loại đàn ông kiểu “quơ cả bụm” trên. “Chàng” trong “Nhà có cửa khóa trái”, trông hiền, nhu mì, thụ động. Nhân vật chính – cô con gái còn ngây thơ, trong trắng – trái lại, tính tình quả quyết, chủ động, tỉnh táo. Chàng được cô nhìn ngắm như nhìn ngắm một người đẹp: “hai vai tròn trịa khỏe mạnh, hai cánh tay bỏ trần, những hạt tàn nhang trên ngực, cổ, gáy, chiếc áo may-ô trắng mới nhét trong cái quần tây chưa thay.” Những hoạt động bình thường hàng ngày của chàng trông êm ả, gọn gàng và đáng yêu, từ việc đánh răng, nằm, đọc báo, nghe nhạc, trở mình cho đến khi ngủ “với tờ báo đắp trên ngực, cái đầu ngoẻo một bên vai.” Vì thế, cô gái “thường bỏ ngủ ngồi ngắm nghía chàng, chờ giờ chàng đi làm buổi chiều.” Suốt cả truyện, chàng cứ như thế, hiền lành, đáng yêu. Ở với nhau một thời gian, “Một hôm chúng tôi đồng ý xa nhau.” Và thế là “Sáng sớm tôi xếp quần áo vào va-li. Chàng ngồi cạnh mép giường nhìn tôi đi tới đi lui thu dọn những thứ lặt vặt (bàn chải đánh răng, khăn mặt, kính soi, kẹp tóc, thuốc gội đầu, thuốc ho…). Tôi mang đi hết, không để sót một món. Tôi ghét di tích, kỷ niệm.” và “Tôi hít lấy hít để ngực áo chàng, cánh tay chàng, cổ chàng.” Còn chàng không biết làm gì, chỉ “ngồi tằn mằn mớ quần lót”, “thoa vòng trên môi tôi chút nước thơm”.

Chàng y như “giới tính thứ hai”, hay cũng gần gần như thế. Và hiển nhiên hưởng đủ phẩm tính của cái thứ hai này: dịu dàng, ngoan ngoãn, dễ thương. Chàng không còn là “hắn”, là “ông kẹ” chuyên đi dụ gái mà là một phái khác: phái đẹp, phái yếu.

“Người thuận tai trái” đưa ra một đàn ông còn thụ động hơn. Khi quen nhau, tới thăm nhà nàng, chàng mắc cỡ, “ngoan ngoãn nằm tòn ten trên cái võng treo ngay bên dưới phòng tôi.” Cưới xong, chàng ở rể. “Ngay đêm tân hôn chàng khóc. Sao vậy? Nhớ má. Tôi dỗ dành, ngủ đi mai tôi đưa ông về nhà trọ thăm bà già. Sau khi rước dâu về chính nhà cô dâu, bà cụ còn nấn ná ở chơi vài hôm, trọ trên căn gác thuê của chàng. Chắc hẳn đời chàng đang qua một khúc quanh. Còn đời tôi? Trước đó chúng tôi không có hẹn hò, sau đó không có tuần trăng mật. Đời con gái đêm tân hôn phải dỗ nín đời trai.” Anh chồng chẳng biết sửa soạn gì cho chính mình, mà phải nhờ vợ thêm râu, thêm tóc, sắm quần tây, áo sơ-mi, giày vớ, thắt lưng và ví đựng tiền. Không những thụ động đối với vợ mà thụ động đối với mẹ. Khi về ở chung với mẹ, bị mẹ giành giật với vợ, la mắng, đuổi đánh nhiều lần mà chịu đựng, không dám làm gì. Rốt cuộc, mỗi người một ngả.

Những nhân vật đàn ông trên cho thấy giới tính thứ hai hay phái yếu là một tính cách, tính cách người, có thể nằm ở bất cứ ai, không chỉ nằm trong hai chữ “đàn bà”. Hay nói cách khác, đàn bà không tất nhiên phải yếu, phải thụ động, phải tình cảm, phải nhẹ dạ, phải cảm tính… Và đàn ông không tất nhiên phải mạnh, phải lý trí, phải chủ động…

NgH còn dựng nên chân dung một loại đàn ông phi truyền thống khác, hao hao dấu vết của giới tính thứ hai, qua hình ảnh của người tình nhí. Hình ảnh này xuất hiện ở “Tuyệt tác – Chín biến khúc” và “Cải lương”, được viết dưới dạng (tạm gọi là) hiện thực huyền ảo, đen xen giữa hiện thực đời sống và hội họa. Cả hai, mô tả tâm tình của người đàn bà lớn tuổi, sống đơn thân, dày dạn, từng trải, mơ tưởng được có một người tình thuộc loại “Khi tôi thành đàn bà thì nó hãy còn bú, ỉa đùn trong tã lót, mồm miệng chỉ có nướu mà không có răng.” (Tuyệt tác) Đó là thứ tình yêu “Không có những xoắn xít tầm thường, không lôi thôi tiền bạc. Thuần túy tình mẫu tử, tình chị em, tình thầy trò, tình bạn.” (Cải lương) Mơ tưởng này, rốt cuộc, chỉ có thể tìm thấy trên giá vẽ, nơi người tình nhí này là sản phẩm của chính mình, không gia trưởng, không độc đoán, lại nhu mì, hiền lành, dễ bảo, vân vân và vân vân. Tranh mà, đâu phải là người! Một quan hệ ảo. “Tôi tự cưới lấy mình, hôn phối với bản thân (…) “Trong cái xã hội đầy ước lệ và giáo điều, nó có dáng vẻ của một thanh niên điềm đạm, tỉnh táo.” (Tuyệt tác) “Nó”, thứ đàn ông đó, rất dễ cư xử: “Nấu sao cho nó ăn vừa no vừa ngon vừa bổ. Tính coi kể gì cho nó nghe cho vui. Làm mặt ngầu cho nó sợ, hoặc cười bí ẩn như Mona Lisa cho nó hoang mang chơi. (…) Bảo nó trật áo ra cho xem cái vai để vẽ thực ra để coi con thú vật nơi người đàn ông có nhào ra không.” (Cải lương)

Ảo có phần khác với thực. “Người đàn bà hai con” hiện thực hơn, kể một câu chuyện thuộc loại vòng tay học trò. Lúc quen nhau, cô giáo Doãn 37, cậu học trò Kiệt thua cô 17 tuổi, tức là mới 20 và lớn hơn con cô giáo 10 tuổi. Với số tuổi chênh lệch kiểu đó, cả ba người khi cùng đi chơi với nhau, trông như một bà mẹ có hai con. Cô ốm “quắt queo”, hơi giống đàn ông, giọng dữ, lạnh lùng và hơi ác. Còn cậu học trò thuộc loại con nhà bình dân, “đời trai hẻm nhỏ”, mặt xương xương, lưỡng quyền hơi cao, cằm nhọn, hai mắt nhỏ, tính trầm tĩnh. Với Kiệt, cô giáo Doãn không hấp dẫn, nhưng có “nhiều ngóc ngách khác, im ỉm, đen tối và gây tò mò.” Dưới mắt cô, nó là một thằng nhỏ được việc. “Sáng xách nước lên gác tưới mấy cây kiểng của bé Bo rồi đi học may, ăn cơm tối xong biết phụ rữa chén bát, thỉnh thoảng lau nhà, lâu lâu ủi đồ, thậm chí còn cắt may cho cô Doãn một áo sơ-mi ca-rô kiểu đàn ông. Trông nó như thằng ở đợ, hơi hèn hèn.” Ấy thế mà rồi, cô và trò gắn bó nhau. Một thời gian sau, Kiệt được bảo lãnh đi nước ngoài. Và rồi, anh chàng Kiệt, Việt kiều, về nước nhiều lần, bị bé Bo, con của cô, mỗi năm lớn thêm một tuổi, “hút cạn” chịu không thấu. Người tình nhí để sai vặt ngày nào bây giờ nghiễm nhiên trở thành …tình mẹ duyên con! An ủi cái là, đàng nào thì Kiệt, người tình nhí hay bồ của con, cũng vẫn là “thằng nhỏ được việc” của cô giáo Doãn, bây giờ đã đeo kính lão. Tính ra đã 14 năm, kể từ ngày ấy, khi cô trò quen nhau.

· Âm thầm nuôi một con đực và một con cái

Nhưng có một quan hệ làm người phụ nữ cảm thấy mình hoàn toàn được “giải phóng” về mặt bản thân: đồng tính. “Bật ngửa” là một truyện khá dài hơi, mô tả chi li một mối tình thầm lặng kéo dài hàng nhiều năm giữa hai phụ nữ, một Tây và một Việt Nam. Họ làm việc với nhau, trao đổi, giúp đỡ nhau và âm thầm thăm dò lẫn nhau khi ở chung cũng như qua điện thư, vì ngại thành kiến của người chung quanh về mối tình đồng tính. Phải đến mười mấy năm sau, mối tình thầm lặng đó mới thành hiện thực: người phụ Tây thổ lộ cho bạn tình của mình trong một buổi chiều:

“Thay vì ôm lấy vai bạn và nói cám ơn, tôi bỗng nhiên nghe nóng bừng mặt vì một tình cảm mơ hồ lúc ấy bị thôi thúc phải thể hiện bằng một cái hôn giữa chốn công cộng, ngay trên cái xứ sở nhiều thành kiến của bạn. (…) Ba tuần im lặng của bạn cho tôi thời gian để hiểu rằng suốt đời tôi chưa bao giờ có khả năng yêu một người đàn ông, nhưng cuối cùng lại có thể làm điều đó với một người đàn bà.”

Trong “Lệch một khấc”, cặp đồng tính đắm đuối, say mê trong cơn ân ái:

“Họ nằm rúc vào nhau, và chuyện đã không dừng lại ở đấy. Ban đầu Thị đâm hoảng với những rung động da thịt đầu đời, hoang mang không biết từ đâu Vi đã học được các thao tác thật tự nhiên đầy kinh nghiệm; dần dần Thị phó mặc cho xúc giác đưa dẫn đến những vi mạch khác của các giác quan còn lại.” (…) Họ đầm đìa đắm đuối ở mọi ngóc ngách của khu nhà trống. Họ cũng thường nhìn nhau châm bẩm để thăm dò chính mình hơn là để quan sát kẻ đối diện.”

Quan hệ đồng tính dễ dàng, đơn giản đến nỗi có thể thực hiện online trong “Trổ đồi mồi”:

“Khi giọt tình rụng xuống, người Thị rướn lên, đầu trật ra phía sau, khoái cảm cuộn từng đợt như sóng. Trong tư thế ngồi, Thị bấu hai tay vào cạnh bàn viết, lẩy bẩy đến rung rinh cả cái VAIO trước mặt. Diện tích màn hình chữ nhật nhỏ xíu bằng nửa tờ nhật báo gấp đôi sáng nhờ nhờ như hư ảnh hút Thị miết miết đến ngộp thở. Trong suốt bao nhiêu năm làm đàn bà, chưa có người đàn ông nào làm Thị vừa tròng trành vừa đau đớn đã đời như Vili.” (Trổ đồi mồi)

So với những mô tả về những lần ân ái dị tính trong bộ ba liên-văn-bản “Nhà có cửa khóa trái”, “Chủ nhật” và “Nghỉ mát ở bãi biển”, trông bộ kiểu ân ái đồng tính này được NgH viết một cách, tuy đơn giản, nhưng điệu nghệ, mướt mát, trơn tru hơn nhiều. Phải chăng tình yêu đồng tính “đẹp” hơn tình yêu dị tính?!

HỘI CHỨNG NHÂN SINH

Như đã nói ngay từ đầu, đọc NgH là đọc văn hơn là đọc truyện hay đọc chuyện. Người không thích, đọc, chỉ thấy NgH viết nhăng viết cuội. Người thích, mới đọc, không rõ mình thích cái gì. Đọc rồi, thấm, bỗng tìm thấy ở cái văn phong này một hiệu ứng rất lạ: tất cả mọi thứ quan hệ tình cảm nhân sinh (tình yêu, tình bạn, tình gia đình, tình thầy trò…), quan hệ xã hội (tôn giáo, chính trị, văn nghệ, nghề nghiệp…), và cuối cùng, quan hệ với chính bản thân mình, từ lâu nay vốn mang một khuôn mặt êm ái, trơn tru, thân thiện, tình cảm bây giờ bỗng trở nên lỏi chỏi, rạn nứt, trục trặc và có lúc mang vẻ giả trá, ngụy tạo một cách lạ lùng. Nhất là vì, không có tác giả nào mà cái “tôi” được phơi bày một cách rạch ròi, chi li và tiêu cực trong văn chương đến vậy bằng NgH. Tất cả các nhân vật “tôi” dường như đều tự khỏa thân, bóc mẻ và cào xước chính mình.

Nhưng cũng cần phải nói ngay, tất cả những nhân vật của NgH đều tích cực tham dự cuộc sống, từ người chồng, người cha, người mẹ, người tình, người thầy, cho đến người bạn hay nhà văn, nhà thơ, tu sĩ. Họ đều là những nhân vật sống ở đời, không ai hoài nghi, không ai lên án cuộc đời là phi lý, là hư vô và từ đó, nôn mửa. Cũng không ai sống cuồng, sống vội. Ai cũng sống y như thể họ phải sống. Không có nhân vật nào sống trong hoang tưởng. Tóm lại, mọi nhân vật của NgH đều có thể gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày. Ấy thế mà mọi quan hệ giữa người và người, giữa cá nhân nầy và cá nhân nọ dường như luôn luôn bất ổn. Họ yêu nhau, nhưng vẫn vờn nhau. Thương nhau nhưng biết rõ hậu ý của nhau. Đến với nhau nhưng vẫn đề phòng nhau. Quan hệ tốt với nhau nhưng vẫn xa cách nhau. Tất cả những nghịch lý đó chờn vờn trên tất cả các trang văn của NgH, khiến cho ngay cả những lúc cảm động nhất hay nghiêm trang nhất, người ta đều cảm thấy có cái gì khôi hài, giễu cợt, bất thường.

Hãy thử đọc truyện “Mataco, Ltd”. Tựa đề truyện là tên một công ty mai táng. Bà mẹ già hạng thượng thọ hấp hối, nhân vật “tôi” là cô con gái út từ nước ngoài bay vội về. Trên máy bay, cô tưởng tượng cảnh mẹ “chầu trời”, “thăng thiên”. Tới đầu hẻm, cô đã thấy “lô nhô màn trướng cờ quạt.” Cô đã từng tự hứa là sẽ đợi khi má chết “khóc một trận tổng kết” cho đã, nhưng giờ má mới chết mà nước mắt cô chỉ “rỉ” giống như “vải lau nhà vắt chưa ráo đã đem hong.” Thấy cái “quần thể người xôn xao” quanh thi thể bà mẹ, cô viện cớ đi làm giấy tờ khai tử để tránh mùi nhang khói vì bị suyễn. Những đứa con khác, “Nghe nói số 3 đi cùng số 5 chỉ đến lạy mẹ lúc liệm rồi xin cáo lui vì lý do sức khỏe. Số 1 đã qua đời, không tính. Số 7 còn đang bay trên Tokyo, sẽ hạ cánh kịp lễ động quan. Đích danh đích tử chỉ có số 6 giày rơm gậy trúc đấu thầu công khai.” Trong lúc đó, thân bằng quyến thuộc đến viếng tang “nườm nượp như trẩy hội”. Cái hòm sơn son thếp vàng của bà mẹ “nằm chình ình.” Thi thể bà mẹ bây giờ thì “teo tóp gọn lỏn trong sáu tấm ván bít bùng”. Lễ động quan xúc tiến với “sự vẻ vang của giấy phép mai táng” dưới ánh nhìn tinh nghịch của người đã khuất. Khi đưa vào lò thiêu, những lóng xương bà mẹ “sụm xuống giống căn nhà bị hỏa hoạn, điêu tàn một nhúm tro.” Cô cho rằng thà như thế vẫn hơn là để mẹ “nằm dưới lòng đất lạnh với bọn dòi bọ tự tung tự tác.” Trong khi tang lễ đang diễn tiến, người con thứ 6 đã “cầm lòng không đậu” bàn chuyện chia của. Ngày đưa đám, mấy đứa con số 2,3,4 và 5 “biến” vì lý do sức khỏe. Lần cúng thất tuần, chỉ có “lèo tèo” hai đứa con hiện diện. Sau thất tuần, cái nhà ở im ắng, tủ bàn xộc xệch, điện đóm tù mù, giây phơi đồ giăng ngang dọc, chỉ có một thứ “lẫm liệt” là “một bình hoa vạn thọ bằng nhựa vàng chóe điểm xuyết những chiếc lá xanh bội thực diệp lục tố”. Và sau đó là cuộc tranh chấp tài sản giữa những người thừa kế. Cái chết nhường chỗ cho cái sống. Người mẹ hoàn toàn đi vào quên lãng. Thực ra, bà đã bị quên lãng ngay cả trước khi người ta nhận biết nó. Trong lúc lo đám cho người chết, người ta không thôi lo cho chính bản thân mình. Nỗi niềm tiếc nuối dành cho người đã khuất không che dấu được những lo toan riêng của người còn sống.

Chẳng thế mà, từ đầu chí cuối, truyện diễn ra như một hoạt cảnh bát nháo trên sân khấu được dàn dựng hấp tấp bởi một đạo diễn mới ra lò. Chữ nghĩa NgH (mà tôi in nghiêng trong đoạn trên) góp phần tạo nên các độ đậm, nhạt khác nhau của một khung cảnh trông khá bất bình thường, chẳng giống gì với tang lễ của một bà mẹ có 8 đứa con hiếu đạo. NgH muốn gửi gắm cái gì? Bi kịch? Không. Phi lý? Không. Đáng buồn nôn? Cũng không. Riêng tôi, đọc xong truyện, tôi có một cảm giác rất lạ: rã rời. Những cái trông như bất bình thường ấy, khổ nỗi, lại rất bình thường: hoạt cảnh đám tang như thế có thể tìm thấy ở khắp nơi, không chừng ngay cả ở đám tang người thân yêu của mình mà mình đã từng dự. Tất cả dường như xuất phát từ một thứ hội chứng, hãy gọi là hội chứng nhân sinh: các quan hệ giữa người và người, giữa tôi và tha nhân dường như luôn luôn bị chi phối bởi những bất tương hợp/so le/khác biệt. Mỗi một cá nhân, trong hoàn cảnh và cá tính rất riêng của mình, không hề khớp với người khác, cũng trong hoàn cảnh và cá tính rất riêng của họ. Chữ nghĩa, và qua đó, văn chương NgH, soi rọi vào từng ngóc ngách của hội chứng đó, đẩy bật chúng ra ngoài ánh sáng, khiến ta sửng sốt. Cái bất thường, cái tiêu cực, cứ tưởng chỉ có ở hay người khác, hóa ra, cũng ở, cũng mình. Mình vẫn là kẻ xa lạ của chính mình. Hay nói một cách khác, kẻ xa lạ, hóa ra, là người quen, rất quen. Chỉ là mình không nhận ra và không muốn nhận ra mà thôi.

Tôi tìm thấy hội chứng nhân sinh (và cũng là sự giải thích hội chứng này) trong “Chuông gió”. Sau khi lăng ba vi bộ đủ thứ chuyện như một tiểu luận về phép xử thế, NgH dẫn ta đến một chuyện tình. “Sau vài tháng tòn teng với Kha, một hôm thật bất ngờ, tôi được anh nhỏ nhẹ định bệnh: em mắc chứng tự kỷ.” Dựa theo định nghĩa chuyên môn về chứng tự kỷ (autism), theo đó, người tự kỷ bị “khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, không có tương tác xã hội do đó phát triển tâm lý, giao tiếp ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ và sở thích cá nhân đều bị hạn chế, có những thói quen và cách tư duy cố định cùng một số hành vi được lập đi lập lại”, nhân vật “tôi” tự thấy “không khác chi” so với mô tả vì đã sống một cuộc sống “không có gì khác thường”: ăn, ngủ, thức dậy đúng giờ giấc, ngăn nắp, giản dị, thích đọc sách, thích nghe nhạc, không thích ăn ngoài, ghét tán gẫu, hạn chế giao tiếp, sợ thay đổi thói quen, tránh các thủ tục pháp lý và hành chánh, vân vân và vân vân. Ô hay, sống tươm tất, ngăn nắp, như thế mà lại tự kỷ? Đúng. Đó là tôi, “một con đà điểu với hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở dạng bị kìm hãm”, theo NgH. Trong cuộc sống nhiều phức tạp của cuộc nhân sinh, “Vùi đầu xuống cát như đà điểu để đối phó với những hiểm nguy xung quanh” là cách ứng xử mà con-người-tinh-khôn rất nên học tập.” Nhưng phải chăng chính cái khôn ngoan ấy lại là đầu mối của chia cách và ngăn cách. Khôn ngoan quá giúp người ta “đối phó” với cuộc đời nhưng lại không hòa giải được với cuộc đời. Rốt cuộc, cuộc tình tan vỡ. Vì sao? Kha bảo, “em là cái chuông anh biết cách rung, nhưng rung mãi những âm thanh lục bục như nước sôi nồi đất riết cũng phát chán,” mặc dầu Kha biết là “tôi chân thành và sẽ chung tình.” Hóa ra, hội chứng nhân sinh rốt cuộc là là thứ hội chứng: chỉ biết có mình!

ÁC TÍNH

Hội chứng nhân sinh có thể tìm thấy ở một truyện khác: “Ác tính”, một truyện khá lạ về nội dung, gồm hai phần nối kết nhau.

Phần đầu, dịch từ một truyện Pháp, Maligne, kể chuyện bệnh nhân Hores bị con quỷ háu đói hành hạ đến nỗi ăn mọi thứ, kể cả thịt của mình, rồi chết. Con quỷ này, một khối u ảo, theo Hores, “Nó ẩn núp. Nó chống trả. Nó ranh ma, khôn lỏi và biết suy nghĩ. Nó phát triển. Nó di động. Không phải vô cớ mà người ta nói nó ác.” Nhưng theo Sam Kurger, bác sĩ điều trị tâm lý cho Hores, nó “không gì khác hơn là kết quả từ những đau đớn trong tâm hồn. Cái người ta dồn nén lại, cái người ta phủ nhận đi. Tất cả tích tụ lại. Quay mặt giả lơ với ưu phiền không làm nó biến đi, trái lại còn làm nó thối rữa thêm trong góc riêng.”

Phần sau, sáng tác, kể chuyện nhân vật “tôi”, khi đột ngột khám phá trong cơ thể mình một khối u, đâm hoảng hốt và thấy nó tương tự như con quỷ háu đói của Hores. Sau khi giải phẫu, trục cái khối u (thực) ra, nhân vật “tôi” tự hỏi: “Thứ gì trong đầu mình và từ hồi nào đã tích tụ thành con quỷ cái? Trong khối nhầy nhụa đó phải chăng rùng rùng dư chấn tuổi thơ, tình bất toại, mộng tan tành – tất cả hợp thành bó, xoắn vặn? Nó đeo theo đứa nhỏ, ăn hớt tuổi thanh xuân, đuổi bén gót những năm tháng trung niên, trì trì ở bụng dưới ngay đúng cái nhánh đã từng có hoa trái. Nó cộm lên do dị ứng với hạnh phúc phẳng.”

Đọc xong “Ác tính”, thú thật, tôi rùng mình. Thì ra, cái ác là “ác tính” (hay tính ác). Và ác tính nằm ngay trong mỗi người. Chợt liên tưởng đến Tuân Tử: nhân chi sơ, tính bản ác, tính con người vốn ác. Phải chăng?

KẾT

Không dám chắc là tôi đã đoán trúng ý của NgH. NgH rất giỏi nghệ thuật lăng ba vi bộ. Nhưng điều này đâu có gì quan trọng. NgH viết theo cách của NgH. Tôi đọc NgH theo cách của tôi. Đi tìm những góc khuất trong văn chương NgH, rốt cuộc, tôi bắt gặp những góc khuất chính mình.

THT

(6/2019)

· “Đi tìm vài góc khuất trong văn chương Trần Thị NgH.” đã đi trên tạp chí mạng Da Màu (damau.org), chuyên đề Trần Thị NgH. Tác giả Trần Hữu Thục gửi trực tiếp đến Văn Việt.


[1] Nói chuyện cùng nhà văn Trần Thị NgH, Minh Thùy phỏng vấn Trần Thị NgH, đài Á Châu Tự Do. Xem: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TalkWithWriterTranThiNgh_MThuy-20070812.html

[2] Chà láng = chà cho láng. Chữ thường được dùng trong quân trường để chỉ việc các tân binh dùng gà-men chà các mô đất cho phẳng phiu, đẹp.

[3] Cổ Ngư trò chuyện với Trần Thị NgH, trang nhà Du Tử Lê. Xem: https://www.dutule.com/a4650/co-ngu-tro-chuyen-voi-tran-thi-ngh-

[4] Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Trần Thị NgH, https://damau.org/60643/dang-tho-tho-phong-van-tran-thi-ngh

[5] Lý Đợi phỏng vấn NgH nhân buổi ra mắt tập truyện “Ác tính” tại Café Phượng Các, Sài Gòn ngày 27/4/2019, https://damau.org/60709/giao-luu-ra-mat-tap-truyen-ac-tnh-cua-tran-thi-ngh

[6] Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Trần Thị NgH, https://damau.org/60643/dang-tho-tho-phong-van-tran-thi-ngh

[7] Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Trần Thị NgH, https://damau.org/60643/dang-tho-tho-phong-van-tran-thi-ngh

[8] Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Trần Thị NgH, https://damau.org/60643/dang-tho-tho-phong-van-tran-thi-ngh

[9] Il m’avait rattrapée par le bras et me retenait en riant. Je me retournai vers lui et le regardai; il devint pâle comme je devais l’être moi-même et lâcha mon poignet. Mais ce fut pour me reprendre aussitôt dans ses bras et m’entrainer. Je pensais confusément: cela devait arriver, cela devait arriver. Puis ce fut la ronde de l’amour: la peur qui donne la main au désir, la tendresse et la rage, et cette souffrance brutale que suivait, triomphant, le plaisir. J’eus la chance – et Cyril la douceur nécessaire – de le découvrir dès ce jour-là.

[10] Đặng Thơ Thơ phỏng vấn Trần Thị NgH, https://damau.org/60643/dang-tho-tho-phong-van-tran-thi-ngh

Comments are closed.