Điểm sách: Tư bản và Ý thức hệ của Thomas Piketty

Đỗ Kim Thêm

clip_image002

Tác phẩm

Thomas Piketty, nhà kinh tế học Pháp, vừa cho ra mắt tác phẩm “Capital and Ideology (Tư bản và Ý thức hệ). Qua tác phẩm mới nhất này, Piketty báo động về tình trạng bất bình đẳng tài sản trong toàn cầu hiện nay và đề ra việc cải cách về thuế tài sản, thu nhập và hợp tác quốc tế là một đối sách. Trên cơ sở tái tạo công bình xã hội, Piketty hy vọng, chủ nghĩa xã hội sẽ mang lại ý nghĩa đóng góp tích cực hơn cho việc xây dựng tương lai.

Tác giả

Piketty là Giám đốc École des Hautes Etudes en Sciences Sociales và là giáo sư trường École d’économie Paris. Cuốn sách “Tư bản trong Thế kỷ 21” của ông đã được dịch ra 40 thứ tiếng và bán hơn 2,5 triệu bản trên toàn thế giới.

Bố cục

Sách chia làm bốn phần với tổng cộng là 17 chương. Phần đầu giới thiệu chung về tình trạng bất công, cấu trúc quyền lực, hình thành tài sản qua các thời đại và hai trường hợp điển hình tại Pháp và châu Âu.

Phần hai mô tả sự đa dạng trong các hình thức cai trị của các xã hội nô lệ và thực dân mà trường hợp của thực dân Anh tại Ấn Độ và các ảnh hưởng tại Trung Quốc, Nhật Bản và Iran là hai thí dụ điển hình.

Phần ba soi sáng các chuyển hoá xã hội trong thế kỷ 20 qua các nguyên nhân gây ra bất công, các hình thức chuyển tiếp từ xã hội cộng sản sang hậu cộng sản và các xung đột, thoái trào của xã hội tư bản hiện nay.

Phần cuối nêu ra tầm vóc của các khủng hoảng hiện nay mà vấn đề chủ yếu là cấu trúc của công bình, giới hạn của tài sản, rạn nứt trong các đường lối chính trị tại Hoa Kỳ và châu Âu, và khủng hoảng bản sắc trong thời kỳ hậu thuộc địa. Phần quan trọng nhất là Chương 17, tác giả biện minh cho vai trò của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết bất công.

Nội dung

Với 1.300 trang, nội dung sách “Tư bản và Ý thức hệ” quá đồ sộ, nên không thể giản lược xuống mức tối thiểu thành các từ khoá làm khẩu hiệu, như thường thấy trên báo chí, mà cần tìm hiểu các lập luận chính của Piketty.

Lịch sử đã sang trang, thời đại đấu tranh ý thức hệ tư bản và cộng sản đã qua, thiên đường của lý tưởng cộng sản đã tan biến, Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ trang đã kết thúc. Cho dù trào lưu dân chủ hoá bộc phát và nền kinh tế thị trường tự do đang chế ngự khắp nơi trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng tình trạng đối nghịch Đông và Tây còn tiềm tàng. Thực tế cho thấy là Nga và Hoa Kỳ vẫn là những đối thủ chính trị và các nhà tỷ phú của hai nước cạnh tranh nhau trên thị trường thương mại thế giới.

Do tình thế thay đổi, các nước phương Tây xét lại triệt để các giá trị chủ đạo trong nền dân chủ xã hội. Vì giá trị của “Cánh Tả” và “Cánh Hữu” đang bị nghi ngờ về mọi mặt, nên các trào lưu dân túy thu hút cử tri hơn. Giới trí thức không còn quan tâm các vấn đề lịch sử vĩ đại và xem các thành tựu đó là hào quang trong quá khứ.

Nói chung, lich sử cận đại cho thấy, các bất ổn xã hội, các cuộc nổi dậy và các cuộc cách mạng không thuyên giảm mà biến dạng. Mọi người phải chấp nhận là bất bình đẳng vốn dĩ đã có từ thời xa xưa và cho đến nay vẫn còn tồn tại. Chủ nghĩa tư bản không phải là một cấu trúc tự nhiên và thị trường, doanh lợi và tư bản là do con người tạo ra. Chính con người cần kết hợp hai vấn đề đối nghịch là bất công xã hội và tái quân bình tài sản để giải quyết.

Trong bối cảnh của thế kỷ 21, Piketty tìm cách tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm và lý luận triết học. Piketty cho là mỗi xã hội phải biện minh cho sự bất bình đẳng của mình và bắt đầu giải thích nguyên ủy của vấn đề tại Pháp.

Sở hữu – một “quyền tự nhiên”?

Kể từ thời Trung cổ, châu Âu theo Kitô giáo và có một sự phân chia chung cho các vai trò trong xã hội: lớp trí thức thượng tầng bảo đảm cho sự hưng thịnh, tầng lớp quân sự lo bảo vệ an ninh và dân chúng lao động làm việc để lo cho kinh tế gia đình.

Hệ thống xã hội phân chia theo ba giai cấp: tăng lữ, quý tộc và dân chúng, cả ba đã bị Cách mạng Pháp làm thay đổi triệt để. Sau khi cách mạng thành công, giai cấp tăng lữ không còn nắm ưu quyền, giới lãnh đạo và dân chúng bị ràng buộc theo một trật tự mới của xã hội thế tục mà hai chức năng cần được phân biệt: Một nhà nước trung ương tập quyền có nhiệm vụ bảo vệ đất nước và duy trì văn hóa dân tộc; còn lại là dân chúng, những người lo tạo dựng tài sản.

Khi nhìn lại thành quả của Cách mạng Pháp, Piketty nhận ra là Bảng Tuyên ngôn Nhân quyền đề cao giá trị cao cả của Nhân quyền, nó không còn được quan niệm là do Thiên Chúa ban phát và không cần được xét lại giá trị hay nguồn gốc. Thay vào đó, nó được coi là quyền sẵn có đúng theo “luật tự nhiên” hay “quyền tự nhiên” của con người. Trong việc quy định cho tài sản, sở hữu là một “quyền tự nhiên.”

Chính vì thế, ở Pháp, các yêu sách về quyền sở hữu được chấp nhận dễ dàng. Ngày nay, ở các nước phương Tây, trong một lập luận mới theo luật tư pháp, các luật gia biện minh cho sở hữu là tố quyền. Nhưng làm thế nào để bảo vệ tài sản khi nó thể hiện một cách khác nhau trong thực tế? Piketty phân loại như sau:

Đầu tiên là tài sản công cộng. Tài sản nảy thuộc quyền sở hữu của chính quyền trung ương hay địa phương (khu vực hoặc đô thị) hoặc giao cho một cơ quan, nhưng được chính phủ kiểm soát, gọi chung là công sản.

Thứ hai là tài sản xã hội. Giới lãnh đạo doanh nghiệp tư tham gia trực tiếp điều hành và chia sẻ quyền lực với các cổ đông tư nhân và nhà nước, họ cũng có thể thu tóm hoàn toàn loại tài sản này.

Thứ ba là tài sản do tư nhân là chủ sở hữu, họ giàu là do thừa kế và thu nhập cao. Piketty đề xuất thuật ngữ là loại tài sản tạm thời. Để sự giàu có không bị tập trung mà được lưu thông, hàng năm, tư nhân chuyển một phần cho công quỹ là chính quyền áp dụng biện pháp đánh thuế thu nhập, bất động sản và di sản theo dạng lũy tiến.

Chính quyền thừa kế cho toàn dân

Theo chủ thuyết cộng sản, tài sản tư nhân phải được ngăn chặn. Các nhà kinh tế và doanh nhân thời nay, cho dù họ không bị ảnh hưởng nhiều về ý thức hệ hay quan tâm đến chủ thuyết tân tự do, nhưng có tư tưởng chung là chống lại các can thiệp của nhà nước, đặc biệt nhất là khi nó vượt ra ngoài mục tiêu bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp và dân chúng.

Sau bốn thập niên theo trào lưu tư nhân hóa, trọng tâm vấn đề tranh luận chính trị là nhà nước có nên tiếp tục can thiệp trong các chính sách kinh tế không.

Trường phái kinh tế tân tự do chủ trương thu hẹp tối đa chức năng bảo vệ của nhà nước. Các đảng cực Hữu ở châu Âu ủng hộ chủ trương này và sử dụng thành các khẩu hiệu để cổ súy cho tinh thần dân túy. Họ cáo buộc nhà nước là yếu kém và bao biện trong mọi đối sách, như trong bối cảnh các phong trào tị nạn kể từ năm 2015. Các suy nghĩ có tính cách cực đoan trong kinh tế đã dẫn đến các biện pháp chính trị độc tài, và hai đặc điểm này cần phải được khắc phục.

Do đó, theo Piketty, đã đến lúc quyền sở hữu tài sản không thể được hiểu là quyền tự nhiên, tức là phải hiểu một phần là của công cộng, một phần là của tất cả những người tham gia hoạt động sản xuất và một phần là tạm thời và luân chuyển. Giới hạn thời gian luân chuyển tạm thời sẽ dựa trên quy tắc luật định: Sửa đổi luật thừa kế, thuế bất động sản và thu nhập.

Theo tính toán của Piketty, khi thuế tài sản lên đến mức tối đa là 90%, kết hợp các sắc thuế bất động sản và di sản, quyền lực kinh tế tư nhân sẽ giảm và làm tăng thu cho ngân sách. Nhờ thế chính quyền có phương tiện để chu cấp cho mỗi người dân từ 25 tuổi trở lên một số tiền làm vốn 120.000 Euro một lần trong đời để đầu tư vào dự án kinh doanh hay gia cư.

Các nghiên cứu dài hạn trong lịch sử đã chỉ ra, khi dung lượng tư bản khổng lồ còn nằm trong tay thiểu số và thiếu huy động thích hợp, nó sẽ không làm tăng năng suất xã hội. Cũng giống như chủ thuyết kinh tế tân tự do kích động tinh thần dân tộc, sự hình thành độc quyền đưa tới tình trạng suy thoái kinh tế. Từ những định đề thuần túy của chủ nghĩa cộng sản và tư bản, Piketty sử dụng bằng chứng lịch sử để tìm ra một lối thoát và biện minh là hợp lý và khả thi.

Những bài học lịch sử

Lịch sử luôn thay đổi, nên chúng ta phải học lịch sử. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy, xu hướng bất bình đẳng gia tăng rõ rệt. Qua cuốn sách “Tư bản trong thế kỷ 21”, Piketty đem lại một ấn tượng chung là khủng hoảng và chiến tranh khiến mọi người tỉnh ngộ, không phải là do tinh thần đạo đức. Với “Tư bản và Ý thức hệ”, Piketty mang đến một câu trả lời tiếp nối cho vấn đề trọng đại này.

Piketty khởi đầu bằng cách gợi lại các cuộc tranh luận về thuế thu nhập, một loại thuế có mục tiêu làm gia tăng thịnh vượng ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19, mà Irving Fisher, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ, có cảnh báo vào năm 1919.

Willford King đã thu thập các số liệu thống kê về chủ đề này vào năm 1915. Số liệu của King đưa ra đã khiến Fisher kinh ngạc và đi đến kết luận là vấn đề kinh tế lớn nhất của nước Mỹ là của cải tập trung trong tay thiểu số, tình trạng này ngày càng tăng, nếu không quan tâm giải quyết, nước Mỹ sẽ trở nên bất bình đẳng giống như châu Âu cũ, vốn được coi là chế độ do thiểu số cai trị và trái ngược với tinh thần của dân chủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Fischer lập luận là những phát hiện như “2% dân số sở hữu hơn 50% của cải chung” và “2/3 dân số gần như không có gì”, đó là “một sự phân phối tài sản phi dân chủ (an undemocratic distribution of wealth), nó đe dọa cho nền tảng của xã hội Mỹ”.

Theo Piketty, tình trạng bất bình đẳng kinh tế xã hội lớn trầm trọng nhất ở châu Âu vào thế kỷ 19 là Thụy Điển. Trong thời bình giữa năm 1909 và 1911, vì dân chúng áp lực phải cải cách, đất nuớc đã biến thành một kiểu mẫu chung cho các nền dân chủ xã hội.

Một ví dụ khác là vào năm 1938, chủ thuyết tân tự do được hình thành do Walter Lippmann khởi xướng. Trường phái này nhằm mục đích bảo vệ cho sự vận hành tự do của thị trường và biện minh cho các hoạt động cạnh tranh.

Trong những năm của thập niên 1970, các quốc gia đề cao phúc lợi cho toàn dân gặp khủng hoảng. Để ứng phó cho Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Margaret Thatcher đã quay lại các phương thức cũ nhưng với các dấu hiệu mới: Nhà nước giảm chức năng bảo vệ phúc lợi. Lập luận chính của cả hai là, sau những năm trong thế kỷ 19 tạo ra những thành tựu phúc lợi chung cho toàn xã hội, nay đúng là lúc nhà nước giao chức năng này lại cho thị trường đảm nhiệm. Do đó, nhà nước trước đây hành sử như một bậc quốc phụ, nay biến thành một cơ quan tự quản, trường hợp của Đức là thí dụ.

Trong việc quy định quyền sỡ hữu của nước Đức, Piketty có biện hộ cho mô hình này theo hai cách: Một mặt, Hiến pháp Weimar đã phá vỡ quy chế sở hữu tư nhân như một quyền tự nhiên. Sau đó, Luật Cơ bản (Hiến Pháp) cũng quy định là phúc lợi chung của toàn dân đứng trên quyền sỡ hữu tài sản. Mặt khác, luật pháp cho phép công nhân viên chức của doanh nghiệp tư nhân được quyền tham gia vào các quyết định quan trọng, việc thừa nhận này đã được thực hiện nhiều hơn các nước khác.

Ý thức hệ và nợ công

Trong cái nhìn toàn diện, Piketty cho thấy ý thức hệ là các nguyên tắc hướng dẫn cơ bản hành động cho lý tưởng về công lý xã hội. Mối quan hệ của công lý với tình trạng bất bình đẳng có những ảnh hưởng sâu đậm của ý thức hệ, nó thể hiện qua các hình thức cai trị từ chế độ phong kiến, xã hội chủ nô, thực dân cho đến dân chủ, nó định hình cho cách giải quyết bất công xã hội. Đề xuất của Piketty được dựa trên nền tảng suy luận lịch sử này. Để minh chứng, Piketty nêu ra trường hợp Haiti.

Haiti là nơi tập trung nô lệ lớn nhất trong khu vực và một cuộc nổi dậy của giới nô lệ xảy ra trong năm 1791. Pháp có nghĩa vụ phải chấm dứt chế độ nô lệ, nhưng bù lại Pháp yêu cầu Haiti phải trả một khoản nợ cho cái giá của tự do. Sau đó, Napoléon tái lập chế độ nô lệ ở Martinique, Guadeloupe cho đến năm 1848.

Năm 1804, giới nô lệ cho Pháp đã tuyên bố giành độc lập. Sau nhiều thương lượng, mãi đến năm 1825, Pháp mới công nhận Saint Domingue trở nên độc lập dưới cái tên Haiti, điều đó chỉ xảy ra với một khoản nợ áp đặt lên Haiti là 150 triệu goldfrancs, theo giá hiện nay là ước khoảng 40 tỷ Euro. Khoản nợ khổng lồ này tương đương với ba năm tổng sản lượng quốc gia, vào khoảng 300% của thu nhập quốc dân. Cuối cùng, Haiti đành mang một gánh nợ qua bao thế hệ và đã trả trong vỏng 125 năm, nghĩa là hết nợ vào năm 1950.

So sánh với Đức, dù Piketty không đề cập trực tiếp, cho chúng ta thấy đây là một bài học khác, nhưng vẫn có những điểm chung.

Vào cuối Thế chiến Thứ nhất, để trả thù cho cuộc chiến năm 1870/71, Pháp có buộc Đức phải bồi thường chiến tranh chiếu theo các quyết định của Hiệp ước Versailles năm 1919 và Ủy ban Tái thiết năm 1921: Đức phải trả 132 tỷ Goldmark, nghĩa là chiếm hơn 250% thu nhập quốc dân Đức trong năm 1913 và khoảng 350% thu nhập quốc dân Đức từ 1919-1921.

Trách nhiệm của Đức đối với hai trận Thế chiến là hiển nhiên. Đức đã được miễn trừ thanh toán các khoản nợ chiến tranh vào năm 1931 trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các khoản nợ sau Thế chiến Thứ hai đã được đình chỉ một phần vào năm 1953 và cuối cùng đã trả cho đến vào năm 1991. Hiện nay, theo Hiệp định Sáu bên (Zwei Plus Vier Vertrag) tất cả mọi yêu sách bồi thường chiến tranh trước đây xem như kết thúc.

Không thể so sánh hai khoản nợ này trong khía cạnh đạo đức, nhưng để nhận ra rằng ở nơi nào khi chính quyền có ý chí chính trị để giải quyết thì cũng có cơ hội. Theo Piketty, trong việc đòi nợ, các quốc gia chủ nợ thường dựa vào các tính toán kinh tế và cũng biện minh về mặt ý thức hệ.

Tiếp tục trốn thuế?

Trở lại với hoàn cảnh hiện nay, Piketty chỉ ra một nghịch lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa: việc thu thập các dữ liệu quy mô quốc tế (Big Data) liên quan đến thuế vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Các cơ quan thống kê, tài chính và chính giới, nhìn chung, họ là những người vẫn không am tường về các đề mục tài chính trong việc phân phối quốc tế và chưa tạo ra các phương tiện để phát triển một cách hiệu quả. Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của cách giải quyết vấn đề bất công trong tầm vóc quốc gia và quốc tế, Piketty cho là hiện nay chúng ta không thiếu các khả năng kỹ thuật, mà thiếu một quyết định chính trị và ý thức hệ.

Các tổ chức LuxLeaks, SwissLeaks hay Panama Papers tiết lộ ngày càng nhiều tin tức trốn thuế của các doanh nghiệp cũng như các doanh gia quốc tế, đây cũng là một thí dụ làm cho công luận biết đến tầm vóc của vấn đề.

Trước các hình thức mới này, Piketty đặt vấn đề là tại sao các loại tính thuế ở châu Âu vẫn được ghi nhận qua các số liệu tự khai của những người khai thuế, mà không phải là do từng các quốc gia hoặc Liên minh châu Âu tự đứng ra khai thác.

Liên Âu trong hỗn loạn

Theo lý thuyết, các quyết định về chính sách thuế, ngân sách và xã hội ở cấp Liên Âu là áp dụng theo nguyên tắc đồng thuận của các quốc gia thành viên. Quy tắc chung là không ngăn cản các quốc gia ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương, miễn là các hiệp ước này không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ khác gây thiệt hại chung. Vì các thẩm quyền về chính sách tài chính được thảo luận ở đây không nằm trong thẩm quyền dành cho Liên minh châu Âu, nên hiệp ước có thể thông qua mà không vi phạm các quy tắc hiện hành. Khi các quốc gia cho rằng cần ngăn chặn việc lạm dung khi kiểm thuế là lập luận thuyết phục.

Hội nghị Thượng đỉnh Maastricht là một bước tiến quan trọng trên đường dẫn Liên minh châu Âu thành một định chế hoạt động hữu hiệu. Giới lãnh đạo của châu Âu đã đồng ý về một tinh thần hợp tác mới qua việc sử dụng đồng Euro, cụ thể là ngân sách cho Liên minh châu Âu được chu cấp bởi các quốc gia thành viên.

Đáng lý ra châu Âu, qua các định chế tài chính, nên chứng minh tinh thần thượng tôn pháp luật. Thực tế khác hẳn. Qua nhiều ngỏ ngách tinh vi nhưng đúng luật, các quốc gia thành viên tìm cách ngăn chặn việc kiểm thuế bằng lá phiếu của mình và biến thành thiên đường trốn thuế, Luxemburg là ví dụ điển hình. Từng quốc gia muốn kiểm thuế và cải cách theo hướng giám sát riêng của chính phủ.

Trào lưu toàn cầu hóa gây ra bao hỗn loạn và châu Âu không phải là một ngoại lệ, nên cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bất công xã hội và khủng hoảng giáo dục là không phù hợp với nhu cầu cùa châu Âu trong thời đại đang chuyển mình.

Từ thế kỷ 19 cho đến Thế chiến Thứ nhất, tài sản tư nhân khởi đầu thành hình. Sau những thảm họa của chiến tranh thế giới, các phong trào xã hội bắt kịp các biến chuyển của nền kinh tế thị trường và nhất là đã chế ngự trong suốt thời gian dài. Các hình thức quốc gia phúc lợi bắt đầu phát triển cho đến những năm của thập niên 1970. Các phong trào tân tự do đã xoáy lên những cơn lốc mạnh làm suy yếu việc bảo vệ phúc lợi xã hội.

Từ những năm của thập niên 1970, giới sinh viên tốt nghiệp và tầng lớp lao động không có việc làm đã tích cực tham gia sinh hoạt chính trị và có phản ứng mạnh trong các cuộc bầu cử. Là cử tri, cả hai giới này không còn tín nhiệm các chính đảng hoạt động lâu đời. Một yếu tố khác làm cho các chính đảng mất uy tín là không tỏ ra tinh thần đoàn kết quốc tế, khi nền kinh tế quốc gia chuyển huớng trong trào lưu toàn cầu hóa.

Sau khi bức tường Bá linh và chế độ Liên Xô sụp đổ, châu Âu bước sang một trang sử mới, dĩ nhiên không thể triệt để đến độ làm kết thúc các bất công xã hội và mang lại một nền hoà bình vĩnh cửu.

Theo Piketty, điều này có nghĩa là Hiệp ước Maastricht thất bại, phải được khắc phục, Liên minh châu Âu phải cải thiện tình trạng thiếu phối hợp, đồng Euro cần phải có một chính sách tài chính và thuế khoá chung cho các quốc gia thành viên. Ba loại quyền sở hữu, công, tư và tạm thời, phải được thực hiện, để tăng thu cho ngân sách và tăng năng suất cho xã hội. Thành tựu cải cách trong sự phân phối công bằng này sẽ làm cho mọi người tin tưởng là chủ nghĩa xã hội sẽ mang ý nghĩa tích cực cho việc xây dựng tương lai.

Hiện nay là thời điểm châu Âu nên mở ra một tầm nhìn mới, mang lại cho chủ nghĩa xã hội một năng động mới, bất công phải được giải quyết qua cải cách triệt để và hợp tác quốc tế.

Độc giả có thể cho giải pháp theo Piketty là không thực tế. Tuy nhiên, có một điều mà Piketty rất thực tế và thuyết phục là tại sao chính giới trách nhiệm lại để cho bất công vẫn tiếp tục hoành hành trầm trọng hơn một cách vô trách nhiệm.

Nhận xét

Piketty và Karl Marx

“Tư bản và Ý thức hệ” là một đóng góp quan trọng của Piketty trong lĩnh vực tư tuởng chính trị kinh tế hiện đại và đem lại những chuyển biến trong nhận thức về vai trỏ của chủ nghiã xã hội cho việc xây dựng tương lai.

Giống như Karl Marx, Piketty lý giải về những nguyên nhân của các biến động xã hội và đề ra phương sách cải cách. Cả hai cùng nêu cao vai trò của lịch sử và ý thức hệ trong nỗ lực tìm kiếm công bình cho xã hội.

Marx nêu lên sự bất công giữa chủ nhân và công nhân trong mối quan hệ sản xuất, tình trạng bóc lột qua thặng dư giá trị của sản phẩm và hô hào giới vô sản đoàn kết để làm cách mạng bạo động.

Ngược lại, Piketty giải thích bất công trong một bới cảnh xã hội biết tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Công bình có thể hình thành qua hình thức tham gia thảo luận, tư vấn và cùng quyết định. Nguyên nhân của bất công là do di sàn và thu nhập quá cao, do đó, cải cách thuế khoá và phối hợp quốc tế là giải pháp. Các phương tiện kỳ thuật là khà dụng trong khi chính giới chưa có ý chí để thực hiện.

Piketty và thực tế châu Âu

Trong thực tế, lý tưởng của Piketty khó khả thi vì lý do chính là nguyên tắc tự trị ngân sách trong khuôn khổ khoa học Tài chính công và Luật Tài chánh châu Âu. Pháp luôn tự hào bảo vệ kỷ luật này. Đến nay, các biện pháp dung hoà ngân sách không đạt được tiến bộ, thành công đáng kể chỉ là các hợp tác để tránh đánh thuế hai lần. Piketty hiểu rõ hơn ai hết là cải cách thuế khóa là thẩm quyền chuyên quyết tối thượng để Pháp bảo vệ quyền lợi quốc gia, không cho quyền lợi châu Âu.

Tại Đức, vỉ cơ chế liên bang, tình trạng cũng không thể khá hơn mà còn phức tạp hơn Pháp. Nguồn thu cho ngân sách trong từng tiểu bang hoàn toàn dị biệt, bất quân bình tại các tiểu bang nghèo như Saarland và Bremen là một đề tài tranh tụng trước Toà Bảo Hiến Liên bang. Việc hỗ trợ của liên bang và các tiểu bang giàu như Bayern và Baden-Wüttemberg trong việc quân bình ngân sách cho địa phương còn là vấn đề phải cải cách. Các nỗ lực tránh thất thu chưa mang lại kết quả thiết thực. Việc truy nã các doanh gia trốn thuế có cải thiện mức độ, tình thần tự giác khai lại phần chính là để tránh các hậu qủa của biện pháp hình sự. Việc cải cách thuế thu nhập và di sản vẫn còn đang thảo luận. Đó là trình trạng trước đây.

Còn hiện nay? COVID-19 tác động đình trệ toàn bộ mọi sinh hoạt, các dự án cải cách cũng vì thế mà không thể khởi động. Do đó, tái tạo công bình cho châu Âu theo ý nghĩa của chủ nghĩa xã hội là không thực tế.

Piketty và chủ nghĩa tư bản

Trong “Tư bản trong Thế kỷ 21”. Piketty thuyết phục được chúng ta điểm quan trọng: Vận hành của chủ nghĩa tư bản sai lạc làm cho nền kinh tế thị trường có một cấu trúc cạnh tranh không hoàn hảo, doanh lợi bất thường cho doanh nhân và tình trạng bất công xã hội lan rộng và đã đến lúc chính giới phải tìm cách san bằng.

Lý do chính là giới siêu giàu mới không phải là những người có tài năng siêu việt, thành tâm muốn đóng góp to lớn cho xã hội và doanh thu không phải do làm việc cực nhọc, thông minh và tiết kiệm và đáng hưởng những phần thưởng vật chất tương xứng.

Thực ra, họ không tuân theo quy luật thị trường, phần thì cấu kết với các giời lãnh đạo qua nhiều hình thức để trục lợi, phần khác tìm mọi cách không cho công nhân được chia phần thành quả doanh nghiệp. Ngoài ra, họ là những người biết cách khai thác kỹ thuật mới để làm giàu nhanh.

Vì chính quyền chưa đề ra biện pháp đánh thuế giới hữu sản trong tầm vóc toàn diện quốc gia và quốc tế, nên không có giải pháp cho vấn đề.

Piketty và việc chu cấp

Theo Piketty, việc chu cấp 120.000 Euro sẽ tạo điều kiện cho dân chúng xây dựng doanh nghiệp hay gia cư, viễn kiến này bị hầu hết chuyên gia coi lả ảo tưởng.

Nhìn chung, các biện pháp phúc lợi hiện nay chỉ cần cải thiện đúng mức là đủ, dù thực tế là cực kỳ khó khăn. Việc tài trợ sẽ không những làm sai lạc các mục tiêu phúc lợi xã hội, mà còn không khích lệ cho dân chúng tìm việc, đó là hai lý do chính.

Piketty đem lại một hướng suy luận mới trong đề tài chu cấp cho toàn dân. Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Đức và Pháp thảo luận vấn đề một cách khá ồn ào, nhưng vượt ra khòi nội dung của Piketty, đó là việc chu cấp hàng tháng uớc khoảng 560 đến 1000 Euro, tùy theo gia cảnh, cho mọi người dân mà không đòi hỏi một nghĩa vụ hay điều tra tài sản.

Piketty, Rutger Bregman và Amartya Sen

Không giống như Piketty trình bày, Rutger Bregman, một triết gia Hà Lan, trong tác phẩm Utopia for Realists biện minh cho việc chu cấp là nằm trong khuôn khổ vận hành nền kinh tế thị trường tự do. Bregman lập luận là hiện nay yếu tố lao động không còn ý nghĩa cao đẹp nguyên thủy, một phần ba công việc không còn thu hút nhân công, thị trường nhân dụng không còn cung ứng công việc ổn định nhằm bảo đảm cho cuộc sống và lý do quan trọng nhất là giáo dục không còn thích hợp để tạo ra cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề là tại sao người có việc làm mà vẫn nghèo? Lúc đầu, đó chỉ là một hiện tượng đặc thù ở Mỹ (working poor), nay lan rộng trong khắp châu Âu. Khi các luật lệ bảo vệ phúc lợi thay đổi, hiện nay mọi thứ quyền lợi nghiêng hẳn về phía chủ, nên bất công cho công nhân là một tình trạng thực tế. Các chỉ số kinh tế như GDP và lợi tức tính theo đầu ngưòi không còn diễn tả chính xác thực trạng.

Để cải thiện, Bregman đề nghị là mỗi người đều có một mức thu nhập tối thiểu hàng tháng mà chính quyền chu cấp và không đặt bất cứ điều kiện nào hay kiểm soát tình trạng gia sản.

Người đề xuất đầu tiên cho chính sách này lại rất quen thuộc với nguời Việt: Richard Nixon. Năm 1974, Nixon chủ trương chu cấp cho mỗi người dân hằng năm là 1600 Đô la. Theo ước tính của Bregman, thời giá hiện nay là trên 10000 Đô la. Vì phải lo ứng phó với vụ Watergate, nên Nixon không thể tiếp tục theo đuổi chính sách này.

Để tạo cho thị trường nhân dụng được dung hoà, Bregman cho là mỡi người chỉ nên lảm việc 15 giờ một tuần để chia việc cho người khác.

Theo Bregman, việc chu cấp mang một ý nghĩa tích cực. Những người nhận trợ cấp hàng tháng sẽ an tâm khi tìm việc thích hợp, có ý nghĩa cho cá nhân, bảo đảm thu nhập, thăng tiến nghề nghiệp và phát huy nhân cách. Nếu đạt được, cuối cùng, cá nhân sẽ hạnh phúc, gia đình và xã hội hài hoà hơn.

Nội dung lập luận này của Bregman không mới, mà thực ra, Amartya Sen, Giáo sư Kinh tế Đại học Harvard, đã nêu ra trong danh tác The Idea of Justice.

Sen cổ suý là sự thịnh vượng của cá nhân không chỉ được định nghĩa bằng các sung mãn vật chất theo các luận điểm kinh tế, mà cần nhìn bao quát hơn. Hành động của con người được thể hiện là một cá nhân tự do hoạt động trong môi trường xã hội năng động. Khả năng phát triển các kỹ năng cá nhân và thực thi công lý đối với đồng loại là một sự thịnh vượng chung về mặt tinh thần. Cho dù hành động trong khuôn khổ, sự tự do lựa chọn giúp cho cá nhân có một cơ hội để quyết định những gì nên làm, nhưng cũng có trách nhiệm với những gì muốn làm. Các biện pháp trợ cấp là một phương tiện giúp cho con người cô thế tự tin hơn, họ tìm lại bản sắc, nâng cao khả năng và xác định mối tương quan trong tự do cá nhân và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và thế giới.

Piketty và COVID-19

Piketty không đề cập cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng nhìn chung, có thể hình dung một bức tranh ảm đạm mà COVID-19 gây ra làm cho mọi suy luận của Piketty khó khả thi.

Thế giới bế tắc dẫn tới bao khuynh hướng đối nghịch: ​Sự tái quốc tế hóa, tan rã của chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc gian trá và suy yếu của Hoa Kỳ bất cẩn làm cho dân chúng không tin chủ nghĩa tư bản hay xã hội là ưu việt, cả hai ý thức hệ không có khả năng cải thiện tình trạng kinh tế tê liệt và dân chúng nhiễu nhương. Bảo vệ sức khoẻ trở thành nhu cầu chủ yếu cho cá nhân và biện pháp khẩn thiết của chính quyền.

Do 93% các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng, các chính phủ và ngân hàng trung ương lo ứng phó bằng những đợt bơm tiền mặt khổng lồ để chửa cháy, nó đã đạt tới 10% GDP toàn cầu. Dân chúng hoang mang nên chỉ dùng tiền mặt để chi tiêu tối thiểu cho gia đình, doanh nghiệp cũng không đủ khích lệ để lao vào các cuộc đầu tư mới. Cuối cùng, chi tiền mặt trở thành một cái bẩy khó thoát, một hoàn cảnh tương tự như thời Đại suy thoái năm 1930. Các biện pháp này chưa chắc là đã đáp ứng đúng mục tiêu hồi phục

Tác hại của COVID-19 cho châu Âu trầm trọng hơn là hậu quả của Đệ nhị Thế Chiến. Việc áp dụng chương trình tái thiết hậu chiến theo kế hoạch Marshall khi xưa không có điều kiện thực hiện hiện nay. Việc khẩn thiết trước mắt là Quỹ tái thiết đã huy động lên đến 750 tỷ Euro và ngân sách chung trong bảy năm tới được dự trù là 1 nghìn 1 tỷ Euro. Khó khăn chính cho châu Âu là huy động chương trình trái phiếu chung mả tất cả các nước thành viên cùng chịu trách nhiệm. Vấn đề đồng thuận trong việc phân chia cho các chương trình đang được xúc tiến.

Trước những thách thức như về bảo vệ khí hậu, quốc phòng và dịch bệnh, Liên Âu phải có nhiều khả năng hành động hơn. Thực tế cho thấy là nguồn lực tài chính của Liên Âu là chưa đáp ứng đúng mức, nhưng đạt mức đồng thuận cho chính sách chung là bế tắc nhất.

Niềm tin của dân chúng cho chính giới và cơ chế cũng là trở ngại chính. Đa số dân chúng Ý và Hy Lạp có cảm tường là bị châu Âu bỏ rơi trong việc giải quyết vấn đề tỵ nạn và đại dịch; 60% dân chúng Pháp và Đức không tin chính giới có đủ khả năng làm cho cơ chế châu  vận hành. Con đưởng hồi phục chông gai hơn là nỗ lực tái thiết sau Đệ nhị Thé chiến, chuyện dể hiểu là Đồng minh Mỹ không còn đầy hào phóng như xưa.

Vượt ra ngoài mọi tiên liệu của các chuyên gia, COVID-19 và lệnh đóng cửa gây bao hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Mỹ đã giảm 5% trong quý đầu năm 2020 và trong quý thứ hai giảm đến 40%. Hơn nữa, 40 triệu công nhân đã mất việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức là 14,7% trong tháng Tư, mức suy sụp mạnh nhất kể từ thời Đại suy thoái năm 1930. Thống kế tính đến cuối tháng 6 cho thấy là các thị trường đã tuyển dụng thêm 4,8 triệu và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%, đó chỉ là một tin vui ban đầu, nhưng không phải là một tín hiệu cho khởi sắc trong toàn diện.

Cơ chế suy đồi và thực tế bất công làm cho những cảnh báo của Irving Fischer trong năm 1919 nay thành thực tế. Trong năm 2020, Mỹ có 10% người giàu nhất nước nắm giữ 80% tài sản thị trường chứng khoán, trong khi 75% không sở hữu cổ phiếu nào, 40% người Mỹ không có 400 đô la tiền mặt cho các trường hợp khẩn cấp. Kỳ thị và đại dịch còn kéo dài, hai tình trạng này làm cho nền tảng của xã hội Mỹ ngày càng lung lay.

Điều ngạc nhiên nhất là lý tưởng của Piketty được các nước mang ra thực hiện. Đây là lựa chọn duy nhất tại thời điểm này, trợ cấp nhất thời không hoàn lại trong thời kỳ chuyển tiếp, nhưng nó không mang đặc điểm của Piketty mong đợi.

Hậu COVID-19 khó lường đoán làm nảy sinh vô số các nhà tiên tri cho tương lai của nhân loại. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, các thị trường hồi phục và mô hình kinh tế nào định hình là các vấn đề cần dược thảo luận nghiêm chỉnh hơn, nhưng chắc là không theo suy luận của Piketty.

Cuối cùng, giải pháp theo chủ nghĩa xã hội Pháp chỉ còn là tương lai của một ảo ảnh mà Piketty dày công xây dựng, cho dù phần trình bày lịch sử về bất công là một tuyệt tác.

____

Capital and Ideology, Harvard University Press (10. März 2020), ISBN-10: 0674980824

Bài liên quan: SPIEGEL ONLINE phỏng vấn Thomas Piketty: Chủ Nghĩa Tư Bản Đi Về Đâu Trong Thế Kỷ XXI?Tư Bản Trong Thế Kỷ XXI

Comments are closed.