Dám ngoái đầu nhìn lại (6)

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Chương 5

SỨ MỆNH với BÓNG TỐI – DIÊM LIÊN KHOA nghịch dị

“… Nhưng tôi, giống như là người mang số phận phải cảm nhận bóng tối. Thế là, tôi nhìn Trung Quốc hôm nay, nó phồn thịnh mà méo mó, nó phát triển mà biến dị, hủ bại, hoang đường, hỗn loạn, những việc phát sinh mỗi ngày, mỗi ngày, đều vượt qua thường lý và thường tình của nhân loại. Những thước đo trật tự tình cảm, trật tự đạo đức và sự tôn nghiêm của con người mà nhân loại dùng cả ngàn năm để dựng xây nên đã giải thể, sụp đổ và biến mất ở chính mảnh đất rộng lớn và lâu đời này…”

(Sứ mệnh với bóng tối)

*

MỞ ĐẦU

Dũng cảm và táo bạo đến liều lĩnh, trần trụi và sắc sảo đến nghiệt ngã, thâm thúy và bình thản đến lạnh lùng, Diêm Liên Khoa đột phá vào văn đàn Trung Quốc vừa như một kẻ bợm nghịch đầy thông minh, hóm hỉnh; vừa như một triết gia trầm mặc, uyên thâm. Những trò hoạt náo lẫn bi thương mà nhà văn này bày ra trong tiểu thuyết của mình quả thật đã làm điên đầu các nhà kiểm duyệt. Vì vậy, dù Diêm Liên Khoa khẳng định rằng “sách cấm không có nghĩa là sách hay” và tha thiết mong mỏi người đời đừng giới thiệu ông với tư cách là nhà văn có nhiều sách cấm nhất, nhưng giới nghiên cứu và truyền thông không thể làm theo ý ông. Bởi vì, đối với họ, sách cấm của Diêm Liên Khoa là sách hay; là đồng nghĩa với sự cương quyết, mạnh mẽ và độc lập sáng tạo đến tận cùng; là bất chấp hiểm nguy, “có dũng khí đối mặt với hiện thực”, “chấp nhận vứt bỏ tất cả, kể cả cơ hội được xuất bản tác phẩm” (Diêm Liên Khoa, 2016). Chính những thành công về tư tưởng lẫn bút pháp chứ không phải vì tính chất cấm đoán đã khiến Diêm Liên Khoa trở thành nhà văn Trung Quốc duy nhất giành được danh tiếng trên thế giới mà không cần dựa vào chiến lược thúc đẩy “văn học hướng ngoại” của chính phủ Trung Quốc (Diêm Liên Khoa, 2017).

Diêm Liên Khoa được xem là “bậc thầy của chủ nghĩa siêu hiện thực, một nhà văn đầy dũng khí và trách nhiệm xã hội”, nhà tiểu thuyết có sức sáng tạo nghệ thuật vào loại bậc nhất của văn học Trung Quốc. Với các tiểu thuyết Nhật quang lưu niên, Vì nhân dân phục vụ, Kiên ngạnh như thủy, Thụ hoạt, Đinh trang mộng, Phong nhã tụng, Tứ thư, Nhật tức… Diêm Liên Khoa đã khoét sâu vào ung nhọt của xã hội Trung Quốc đương đại với những màn hài kịch cười ra nước mắt và bi kịch ngột ngạt đến mức nhiều người “không dám ngoái đầu nhìn lại”. “Suy tư trực tiếp nhất, nhìn thẳng nhất vào lịch sử và hiện thực Trung Quốc, con người Trung Quốc” khiến tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa trở thành một khối trầm cảm nặng nề và cay đắng. Với ông, nhìn thẳng vào hiện thực là “sứ mệnh với bóng tối”, là dám viết ra những “sự thực không nhìn thấy, sự thật bị che đậy”. Khi tự nhận lãnh sứ mệnh đau khổ này, ông luôn nhìn thấy trong ký ức tập thể của dân tộc và ký ức cá nhân những tai ương chấn động đất trời. Ông đã sử dụng nghệ thuật nghịch dị với một ngòi bút tung hứng giàu chất hài hước đen, chất carnaval hóa sâu cay để viết về tai ương, để thực hiện “sứ mệnh với bóng tối”.

Tự xưng mình là “phản đồ của sáng tác”, đằng sau mỗi yếu tố nghịch dị trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa là lịch sử với nhiều biến động, là thân phận con người trong guồng quay của những cuộc cách mạng xây dựng đất nước ở cái thời kỳ “sinh tồn và sống không phải là việc quan trọng nhất với người Trung Quốc; mà Cách mạng mới là đại sự duy nhất của quốc gia” (Diêm Liên Khoa, 2014b). Tất cả những thân phận ấy đều thấm đẫm nỗi đau thương lẫn nhục nhã, nước mắt ướt, nước mắt khô và tiếng cười điên dại của những người không được sống cho ra con người. Vì vậy, tìm hiểu bút pháp nghịch dị là một cách để nhìn nhận vai trò đưa văn học Trung Quốc phát triển theo một đường hướng khác trong gần hai mươi năm qua, “vừa làm thay đổi trật tự văn học Trung Quốc, vừa xây dựng một trật tự mới của văn học Trung Quốc” của nhà văn này (Diêm Liên Khoa, 2017).

NỘI DUNG

5.1. NGHỊCH DỊ QUA NHÂN VẬT – “SỰ PHI LÝ CỦA SINH TỒN”

Người trí thức – phạm nhân: “Học khắp năm xe, tài cao tám đấu, tất cả đều phải… lao động cải tạo”

Người trí thức – lưu manh: “Nhổ lên khuôn mặt sáng sủa của nhà trí thức… một bãi đờm ghê tởm”

Người cách mạng – đấng cứu thế: “Tự đóng đinh mình lên cây thập giá”

Người cách mạng – kẻ đốt đền: “Không có một loại Cách mạng nào vinh quang hơn loã thể trần truồng”

Người nông dân – kẻ tự sát tập thể: “Bán máu đến phát điên”

Nhân tính Trung Hoa – vực thẳm xấu xa: “Vì sao lại đau khổ, vì ai mà rơi lệ”

5.2. NGHỊCH DỊ QUA THẾ GIỚI DỊ THƯỜNG – “SỰ MÉO MÓ VÀ SỰ KINH TỞM”

Nhiệt tình diễn trò: “Vô cùng náo nhiệt, vui vẻ tràn đầy”

Cuồng điên sản xuất: “Xung thiên náo địa, đuổi Anh vượt Mỹ”

Tăm tối quái dị: “Cách mạng và tình yêu đầy trong huyệt mộ”

Thế giới mới tươi đẹp: “Ở đây tốt hơn bất cứ đâu”

Chết chóc điêu tàn: “Trơ trụi hết cả rồi”

5.3. NGHỊCH DỊ CỦA NGHỊCH DỊ – “GÂY SỐC ĐẾN KINH NGƯỜI VÀ HÀI HƯỚC ĐẾN TUYỆT VỌNG”

Trò hài hước đùa nghịch suồng sã: “Thầy trò một trận, vợ chồng một trận, bố con một trận, tình nhân một trận”

Trò thân xác tấn phong – hạ bệ: “Sung sướng hơn gấp trăm lần”

Cận văn bản: “Phạm cả vào vấn đề Cách mạng lẫn sắc tình”

Trích dẫn liên văn bản: “Chìm ngập trong trò chơi của ngôn từ cách mạng”

TRÍCH ĐĂNG

Người cách mạng – kẻ đốt đền: “Không có một loại Cách mạng nào vinh quang hơn loã thể trần truồng”

Theo nhà nghiên cứu Vương Nghiêu, trước đây, văn học Trung Quốc đã quen với những tác phẩm kể về các phương diện của “cách mạng” như bi kịch dân tộc, bất hạnh cá nhân, sự mê hoặc của cách mạng, sự đen tối của chuyên chế, sự phai nhạt của nhân tính, sự biến hình của lý tưởng, sự méo mó của linh hồn” (Vương Nghiêu, 2017: 179), nhưng Diêm Liên Khoa thì khác hẳn, tiểu thuyết của ông là câu chuyện về “dục vọng” xen lẫn “cách mạng”. Trong Người tình phu nhân sư trưởng (nguyên tác là Vì nhân dân phục vụ) và Kiên ngạnh như thủy, có bốn nhà cách mạng nổi loạn không phải vì tỉnh ngộ như Con Trời của Tứ thư, mà vì cuồng si tình ái. Họ luôn cố gắn kết dục vọng cá nhân với hành động cách mạng, nghĩa vụ cách mạng, chân lý cách mạng; dùng cách mạng để biện minh cho sự tha hóa, hủ hóa của mình. Đó là bốn nhân vật Ngô Đại Vượng, Lưu Liên, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai.

Ngô Đại Vượng và Lưu Liên trong Người tình phu nhân sư trưởng có quan hệ chủ tớ. Lưu Liên là phu nhân của sư đoàn trưởng. Sư đoàn trưởng bị bệnh bất lực, phu nhân đang thì xuân sắc và khát khao hạnh phúc gối chăn. Cô để mắt đến anh lính cần vụ vạm vỡ nam tính Ngô Đại Vượng. Ngô Đại Vượng không dám phạm thượng, “có chết cũng không thể quan hệ với Lưu Liên, phải giữ bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng”. Nhưng, cơ hội chuyển hộ khẩu vợ con lên thành phố, “trách nhiệm” của một người lính với gia đình chỉ huy và nỗi khát khao bản năng đã khiến Ngô Đại Vượng “phục vụ” phu nhân Lưu Liên một cách nhiệt thành. Ngô Đại Vượng làm phu nhân vui vẻ, hạnh phúc khiến cho sư trưởng yên tâm lo việc quân, mà lo việc quân chính là lo việc nước, mang lại hạnh phúc êm ấm cho nhân dân. Vì thế, suy cho cùng, Ngô Đại Vượng vì phu nhân phục vụ cũng là “vì nhân dân phục vụ”.

“… Chị nói:

– Vì nhân dân phục vụ, Vượng cởi đi.

Anh phựt phựt tháo cúc, cởi áo ra, để lộ chiếc áo lót in chữ vì nhân dân phục vụ trước ngực.

– Vì nhân dân phục vụ, Vượng cởi đi – Chị nói.

Anh lại cởi phăng áo lót.

Chị giục:

– Cởi đi. Chẳng phải Vượng đang cần vì nhân dân phục vụ đó sao?

Do dự một lát, anh cởi luôn chiếc quần dài […]. Lưu Liên nói một câu dài như tràng pháo, rất đúng lúc, rất hợp cảnh:

– Vì nhân dân phục vụ, Vượng làm đi, làm đi, lại làm đi”.

Tấm biển gỗ khắc dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ” đặt trong nhà sư trưởng là tín hiệu, là mật ngữ tình yêu. Khi nào cần Ngô Đại Vượng, Lưu Liên đem tấm biển đó đặt ở trước mắt anh. Đang hái rau, cuốc đất, tưới cây hay thái rau, nhìn thấy tấm biển “Vì nhân dân phục vụ”, Ngô Đại Vượng sẽ vứt rổ, ném cuốc, bỏ dao xuống, “phóng thẳng lên buồng ngủ gác hai”. “Hai người cũng không cần nhiều lời, nhìn nhau một cái hiểu ngay, bắt đầu cuộc chơi”. Tấm biển có thể đột ngột xuất hiện khắp nơi: dưới giàn nho, trong vườn rau, dưới chân cửa, trên bàn ăn,… Chỉ cần thấy nó, “thân hình bóng bẩy sạch sẽ của Lưu Liên lập tức ngự trị trong đầu anh, toàn thân anh rạo rực si mê, chạy ngay đến cạnh chị. Chuyện ấy diễn ra không kể thời gian, không phân địa điểm, ở ngay phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng đọc, phòng treo bản đồ của sư đoàn trưởng trong ngôi nhà gác số một, cả ở dưới giàn nho lúc đêm khuya thanh vắng”.

Trong “trò chơi tình dục” như là “toàn bộ nội dung sinh hoạt và mục tiêu sống của hai người”, tấm biển “Vì nhân dân phục vụ” trở thành vật chứng kiến từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Lưu Liên mang thai, sư trưởng cho Ngô Đại Vượng phục viên về làm ở một đơn vị kinh tế. Chính trị viên, đại đội trưởng và toàn bộ lính trong doanh trại cũng đều bị buộc phải “hạ sao cởi bỏ quân phục, ai về quê người ấy”. Lúc Ngô Đại Vượng ra đi, Lưu Liên tặng anh tấm biển “Vì nhân dân phục vụ”. Mười lăm năm sau, người đàn ông trung niên Ngô Đại Vượng tìm đến nhà của tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Anh xưng danh, xin gặp phu nhân Lưu Liên. Phu nhân không tiếp, chỉ gửi ra một mảnh giấy: “Có khó khăn gì cứ viết vào giấy này. Nếu cần tiền, viết rõ số lượng và địa chỉ gửi thư”. Dưới bầu trời mưa tuyết bay lất phất, Ngô Đại Vượng đứng yên không nhúc nhích, nét mặt tái nhợt, đầy vẻ tức giận và bất lực. Lát sau, ông lấy từ trong áo choàng một tấm biển bọc lụa đỏ, nhờ chú lính trao cho Lưu Liên. Ông quay người đi luôn và dần mất hút trong mưa tuyết.

Vì nhân dân phục vụ, vì một người phục vụ, vì ái tình phục vụ… Sự đời như nước chảy mây trôi, bí mật về bệnh bất lực của sư trưởng, bí mật về chuyện tình yêu, tình dục của Ngô Đại Vượng và Lưu Liên vĩnh viễn chôn sâu trong lãng quên của mọi người. Nhưng tấm biển gỗ “Vì nhân dân phục vụ” còn đó, câm nín mà đa ngôn, đủ để nói lên sự nổi loạn chống lại những bưng bít, dối trá của những người nhân danh lý tưởng để vùi dập khát vọng cá nhân. Cùng với hình tượng người lính trong các tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa và nhiều nhà văn tân lịch sử khác, giấc mơ thành phố – khát vọng đổi đời của Lưu Đại Vượng đã phơi bày một sự thật trần trụi về lý tưởng nhập ngũ của người lính Trung Quốc trong thời hiện đại. Họ nhập ngũ không phải vì nhân dân phục vụ, vì tổ quốc phục vụ; mà vì gia đình – vì bản thân phục vụ. Để được ăn no; để được thoát khỏi nghèo khổ, trở thành đảng viên, vào biên chế của một cơ quan nhà nước; để được nhập hộ khẩu thành phố, đưa vợ con về thành phố sinh sống, thanh niên thời bấy giờ đã tìm thấy “con đường tơ lụa đổi đời”, đó là nhập ngũ. Nổi loạn của Ngô Đại Vượng và Lưu Liên là một cách giải thiêng về những tín điều của cách mạng, đả phá vào thành trì của cái “chúng ta”, cái “chung” bao nhiêu năm “cả vú lấp miệng em” để kìm hãm cái “tôi”, cái ước muốn và dục vọng “riêng biệt” của con người.

Các nhân vật của Người tình phu nhân sư trưởng là những nhà cách mạng nổi loạn không chỉ trong hành động dục lạc, mà bằng cách đưa khẩu hiệu của cách mạng thành trò chơi, họ còn thể hiện sự nổi loạn trong tư tưởng. Là những kẻ đốt đền của lịch sử Trung Quốc hiện đại, họ tiễn đưa cái cổ hủ, mị dân, sáo mòn bằng nghịch dị, đảo nghịch giữa hưởng thụ và hiến dâng, quyền lợi và hy sinh, phàm tục và thiêng liêng như một cách lật mặt nạ lịch sử đầy sâu cay.

Kiên ngạnh như thủy, cũng có hai kẻ đốt đền có liên quan đến tình ái, đó là hai nhà cách mạng “thiên tài” Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai. Họ làm cách mạng như AQ của Lỗ Tấn: “Cách mẹ cái mạng chúng đi!”

Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai yêu nhau vì cùng chung lý tưởng cách mạng, và cùng có chung một căn bệnh “cuồng cách mạng”. Cả hai đều đã có gia đình riêng, bỗng dưng gặp nhau trong một buổi chiều vắng người trên khung đường sắt gần sân ga, lúc Cao Ái Quân vừa rời quân ngũ trở về quê nhà. Từ đó họ bị hút vào nhau, say mê và cuồng nhiệt; say mê làm tình như say mê làm cách mạng. Người này xem người kia là “người tình cách mạng” của mình. Lịch sử tình yêu và lịch sử cách mạng của họ song hành cùng nhau. Cả trong yêu đương và cách mạng, họ đều nổi loạn.

Nếu đã từng biết về gương cách mạng, phẩm chất cách mạng của những người cách mạng khác, bạn đọc sẽ ngạc nhiên về hai nhà cách mạng của Kiên ngạnh như thủy. Họ là những con người nghịch dị từ suy nghĩ cho đến hành động. Hạ Hồng Mai “mắc chứng cuồng cách mạng”, cô bỗng dưng bỏ chồng bỏ con đi về nhà mẹ đẻ vài ngày. Khi quay lại, cô nói rằng mình đã đến Bắc Kinh gặp Mao Chủ tịch. Mao Chủ tịch nắm tay cô, nên bàn tay này không thể rửa, không thể cầm đũa hay chạm vào thứ gì khác. Bố chồng cô phải cho người đến đè nghiến cô xuống để tiêm thuốc. Từ đó, Hạ Hồng Mai mới ngoan ngoãn làm việc. Tuy vậy, mỗi khi nghe nhạc cách mạng nổi lên từ loa phóng thanh hay bất cứ đâu, Hạ Hồng Mai liền hồn xiêu phách lạc, lên cơn cuồng say cách mạng. Hôm gặp Cao Ái Quân ở đường sắt, bỗng dưng nghe bài hát “nhạc đỏ” từ loa phóng thanh của thôn phát ra, Hạ Hồng Mai như bị thôi miên vào những “ca từ lấp lánh phát sáng”, “cô ta như thả hồn vào bài hát đó”. Hạ Hồng Mai cởi từng chiếc cúc áo, cởi áo ra đặt trên đường sắt, “tấm thân trần nâng lên trong không trung, giống như một vị thần khỏa thân”. Cao Ái Quân đê mê chiếm hữu nữ thần. Đột nhiên tiếng loa ngừng bặt, Hạ Hồng Mai bừng tỉnh. Cô cài cúc áo và đi về. Hết nhạc cách mạng, cô hết cơn say!

Ý hợp tâm đầu, Cao Ái Quân cũng lây bệnh cuồng cách mạng của Hạ Hồng Mai. “Có lẽ tôi cũng bị điên rồi. Cách mạng làm tôi điên rồi, Hạ Hồng Mai làm tôi điên rồi. Tôi mắc hai chứng điên là cách mạng và Hạ Hồng Mai […]. Bệnh của tôi nguy kịch rồi, vô phương cứu chữa rồi […] Tôi chỉ có thể tự cứu lấy mình thôi”. Cao Ái Quân tự cứu lấy mình bằng cách vừa làm tình vừa làm cách mạng. Anh ta lao vào cách mạng cùng người tình cách mạng của mình. Bởi vì theo Cao Ái Quân, “chỉ có ái tình cách mạng mới có thể đem đến sức mạnh cách mạng” (Diêm Liên Khoa, 2014a: 105).

Hoài bão làm cách mạng của Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai bắt gặp cơn lốc Đại cách mạng văn hóa “xối vào trấn Trình Cương với sức mạnh không thể nào ngăn nổi”. Quyết phải làm cách mạng, họ “nhất thiết phải tìm thấy lời nói và hành động phản cách mạng trên người bí thư chi bộ thôn hoặc thôn trưởng, một phát phá hủy cái chi bộ Đảng này”. Đối tượng đầu tiên của họ là bí thư chi bộ thôn Trình Thiên Thanh – bố vợ Cao Ái Quân, cũng là người từng đi mời bác sĩ đến tiêm thuốc trị bệnh điên của Hạ Hồng Mai. Cao Ái Quân muốn thay Trình Thiên Thanh làm bí thư. Trình Thiên Thanh cho rằng Cao Ái Quân mắc chứng điên, vì thế ông đã không giao chức trưởng thôn cho anh sau khi xuất ngũ. Cao Ái Quân trả lời: “Bệnh mà con mắc là bệnh cách mạng. Thầy không giao quyền thì con sẽ phát động cách mạng ở Trình Cương”. Để châm ngòi cho cách mạng, Trình Thiên Thanh phải chết. “Để nhanh chóng dẫn Trình Thiên Thanh đến chỗ chết, thì cần phải có sự thực và bằng chứng sắt thép cho thấy ông ta đã phản cách mạng hoặc từng phản cách mạng”. Nếu không tìm thấy cũng không sao, “chỉ cần tìm thấy vài thứ trên những người họ hàng ruột thịt của ông ta là hoàn toàn có thể rồi”. Cao Ái Quân bí mật tập hợp hơn ba mươi nhà cách mạng trẻ của thôn (từ mười bốn đến ba mươi hai tuổi), cho họ “vạch trần những sai sót và phạm tội của Trình Thiên Thanh” trong ngày mừng thọ ông sáu mươi tuổi.

Nhưng, thành quả của cách mạng không phải là cái chết của Trình Thiên Thanh, mà là cái chết của con gái ông – vợ của Cao Ái Quân. Lúc Cao Ái Quân đang tổ chức tố giác bố vợ, Trình Quế Chi không ngăn cản được việc làm điên rồ tày đình của chồng nên đã tự treo cổ. Trước khi chết, vì hận chồng theo cách mạng, Trình Quế Chi đập vỡ tượng và xé nát ảnh của Mao Chủ tịch. Cảnh sát kết luận: “Đây là vụ tự sát phản cách mạng đầu tiên […] của trấn Trình Cương”. Trình Thiên Thanh kêu oan, khiếu kiện khắp nơi, nhưng bản cáo trạng ghi hai mươi sáu tội ác của Trình Thiên Thanh do Cao Ái Quân chủ trì vừa đến tay sở trưởng cảnh sát. Trình Thiên Thanh phát điên. Ông “đích thực là mắc bệnh điên (Lịch sử thật biết đùa)”.

“Cách mạng đã thành công bước đầu như vậy”.

Bước tiếp theo là xây dựng “căn cứ địa Cách mạng đỏ”. “Đại dương màu đỏ sông hồ màu đỏ, dãy núi màu đỏ ruộng đồng màu đỏ, màu đỏ của tư tưởng, màu đỏ của trái tim, màu đỏ của đầu lưỡi, màu đỏ của ngôn ngữ”. Ai không thuộc Ngữ lục Mao Chủ tịch thì bị phạt trừ công điểm lao động, ai tỏ ý phản đối thì bị đội mũ cao đi diễu phố, “tất cả nam nữ già trẻ trong thôn (trừ người điên, người bệnh và người đần độn) đều được đặt vào môi trường màu đỏ nóng như thiêu. Giống như mỗi người đều là một con cá bị nấu trong nồi, kinh khủng loạn vía, nhưng không ai ra được miệng nồi”. Mọi người nói câu gì cũng phải bắt đầu bằng: “Phê đấu tố giác”, “Tiết kiệm Cách mạng”, “Vì nhân dân phục vụ”, “Nhiều – nhanh – tốt – kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội”,…

Thành công của cách mạng trấn Trình Cương minh chứng cho bản chất của Cách mạng văn hóa Trung Quốc: vu khống, chụp mũ, tố giác, đấu tố, trả thù cá nhân,… Người lương thiện chết oan, kẻ bất lương trở thành nhà cách mạng lẫy lừng thành tích. Đội ngũ cách mạng của trấn Trình Cương cũng mang đậm đặc điểm của các hồng vệ binh khắp nơi: hung hãn, tàn nhẫn, cuồng nhiệt, cuồng sát. Và đặc biệt, hai nhà lãnh đạo cách mạng Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai lại càng điển hình cho sự tàn ác và tha hóa của những nhà cách mạng biến chất.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tình yêu của Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai ngày càng khăng khít. Phần thưởng cho mỗi thắng lợi cách mạng là thân xác, nhục dục của nhau và cho nhau. Để được tự do yêu đương, Cao Ái Quân đã đào một địa đạo dài năm trăm năm mươi mét nối từ nhà mình đến tận nhà Hạ Hồng Mai. Địa đạo đó là động tân hôn, là thế giới tự do của họ; nó chứng minh cho tình yêu mãnh liệt và quyết tâm sắt đá của người cách mạng. Chồng của Hạ Hồng Mai là Trình Khánh Đông phát hiện địa đạo, Cao Ái Quân nghĩ đến căn cứ luận “Cách mạng không thể tách rời bạo lực”, liền chộp lấy cái xẻng sắt và chặt xuống đầu anh ta. Xác của Trình Khánh Đông được chôn ngay động tân hôn!

Say mê với sự nghiệp cách mạng, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai “đoạt lấy chính quyền của chính phủ trấn”, dẫn quân xông vào chùa Trình thiêu hủy ngự biển và đập vỡ mấy tấm ngự bia. Để loại bỏ trưởng trấn Vương Chấn Hải, hai người lặn lội đến tận thôn Vương Gia Dụ nằm sâu trong núi Bả Lâu để tìm chứng cứ phạm tội của anh ta, nếu không tìm thấy thì “phải mua cho bằng được chứng cứ”. Họ thành công hơn cả mong đợi khi tình cờ tìm ra chứng cứ Vương Chấn Hải cho dân nhận ruộng làm ăn cá thể. “Vụ phản Đảng, phản xã hội chủ nghĩa cực lớn” đã bị hai nhà cách mạng phanh phui. Phần thưởng cho họ là một chuyến lên gặp mặt lãnh đạo tỉnh, là chức huyện trưởng, huyện phó hoặc bí thư huyện sắp đến tay. Nhưng, tai họa cũng theo phúc này mà đến. Hôm vào phòng làm việc của bí thư địa ủy, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai đã vô tình làm rơi mất bức ảnh phu nhân Mao Chủ tịch. Bí thư tìm không thấy, bèn không nói không rằng cho bắt giam hai người.

Không rõ nguyên nhân tại sao mình từ thiên đường bỗng chốc rơi xuống địa ngục. Hai nhà cách mạng đoán già đoán non. Họ cho rằng, có lẽ bố chồng của Hạ Hồng Mai là Trình Thiên Dân đã phát hiện bí mật địa đạo cũng như sự thông dâm của hai người nên báo cho cấp trên, khiến họ bị cấp trên tống giam. Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai vượt ngục, đồng thời vạch ra kế hoạch hành động ngay trong đêm tối. Phải giết Trình Thiên Dân, phải cho nổ tung chùa Trình và cổng đá – nơi tượng trưng cho giá trị cũ, thế lực cũ mà người cách mạng phải tiêu diệt. Theo Cao Ái Quân, cho nổ tung chùa Trình và cổng đá “không chỉ vì lý tưởng và ước nguyện thuở nhỏ của anh, điều này còn vì nước cờ cách mạng triệt để của chúng ta, là phần lễ cuối cùng mà chúng ta hiến tế cho cách mạng”. Để trả thù Trình Thiên Dân đã tố cáo tội thông dâm, Cao Ái Quân đề nghị Hạ Hồng Mai phải cho “ông ta tận mắt nhìn thấy […] tình yêu chân chính và sức mạnh của người cách mạng, làm cho ông ta cảm thấy chúng ta cách mạng hoàn toàn và triệt để như thế nào, […] chúng ta là một đôi nhà cách mạng điên cuồng […], làm cho ông ta chết trong hối hận”. Họ lấy cắp hai ký thuốc nổ của đại đội, gài khắp chùa Trình, trói Trình Thiên Dân lại, bắt ông hướng mặt về chiếc giường của ông được khiêng ra chính giữa sân chùa. Trên chiếc giường là những trước tác kinh điển của Nho giáo mà Trình Thiên Dân đã cất giấu trong tấm đệm của mình vừa được hai nhà cách mạng thiên tài phát hiện. Di thư, Ngoại thư, Văn tập, Kinh thuyết, Túy ngôn, Tam dạng khán tường văn,… tất cả Nhị Trình toàn thư đều trở thành chiếc đệm giao hoan của Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai. Mặc cho Trình Thiên Dân phẫn nộ gào thét, hai người họ vẫn “chuyên chính trên đầu ông”, trước mắt ông. Cao Ái Quân “chỉ nghĩ đến sự cương cứng và cách mạng”, Hạ Hồng Mai “phát ra những tiếng thét nóng bỏng […] nửa là vì sung sướng không thể không kêu, một nửa là cố ý khoa trương để bố chồng nghe thấy”. Họ “thực nghiệm tất cả mọi phương thức làm tình trên thế giới”. “Cách mạng chính là tình yêu […], không có một loại vũ khí nào mạnh mẽ hơn trần truồng lõa thể, không có một loại cách mạng nào vinh quang hơn lõa thể trần truồng”. Hai hàm răng của ông già Trình Thiên Dân nghiến chặt vào nhau, đôi mắt trợn to rỉ ra hai dòng máu đen dính sệt ngưng lại ở hai bên cánh mũi.

Sau tiếng nổ cực lớn, gạch ngói rơi xuống như mưa, ngôi chùa và cổng đá sụp đổ, thi thể chết đứng của Trình Thiên Dân không còn một mảnh da thịt nào nguyên vẹn, kho sách cổ của chùa Trình cũng tan ra thành tro bụi. Đôi tình nhân cách mạng kéo nhau chạy trở về nhà giam tự thú. “Ái tình cách mạng như phân bò, nhiệt tình cách mạng thành nước đái, tinh thần cách mạng thành tà khí, máu nóng cách mạng thành vại phân, lòng hăng hái cách mạng như cứt đái, giác ngộ cách mạng trở thành ruột già, bước chân cách mạng đi vào con đường phản cách mạng, móng tay đỏ cách mạng trở thành điển hình xấu, giày đỏ cách mạng trở thành phân tro, […] đổ máu hy sinh không hối hận, đầu rơi máu chảy không bi thương […]. Người cách mạng đã lên cò với người cách mạng […]. Cách mạng vẫn chưa thành công, đồng chí ạ, bạn vẫn cần cố gắng!” (Diêm Liên Khoa, 2014a: 421-436). Tất cả đều hỗn loạn, tan tành bởi những kẻ đốt đền rồ dại, ngông cuồng và hoang tưởng.

Vào năm 356 trước Công nguyên, Herostratos muốn trở nên nổi tiếng đã phóng hỏa đền thờ thần Artemis ở Ephesus. Không những không thèm lẩn tránh vì đã cố ý phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong lịch sử. Không cho ý đồ của hắn trở thành hiện thực, những nhà chức trách ở Ephesus đã xử tử hình Herostratos và biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Tuy vậy, biện pháp này cũng không thể ngăn cản tên tuổi của Herostratos đi vào lịch sử như kẻ đốt đền nổi tiếng nhất thời cổ đại. Hành động của Herostratos trở thành điển cố, thành ngữ “kẻ đốt đền” cũng ra đời từ đó. Đến năm 1950, ở Nhật Bản, motif kẻ đốt đền được lặp lại bởi một tiểu tăng đã đốt cháy toàn bộ ngôi đền vàng Kinkakuji. Sự việc điên rồ này được nhà văn Yukio Mishima đưa vào tiểu thuyết nổi tiếng có tên Ngôi đền vàng. Câu chuyện tiếp tục mô tả quá trình tha hóa của chàng trai đốt đền, cậu cố tình làm điều ác và mong muốn người khác cũng vấy bẩn như mình. Cậu làm điều ác không mục đích, chỉ là do nỗi ám ảnh cần phải phá hủy một cái đẹp thiêng liêng. Người ta giải thích đó là hành động thể hiện khao khát tự giải thoát khỏi xã hội tàn bạo và dối lừa vây bọc xung quanh, hoặc là do một ý thích bệnh hoạn không chịu được những vẻ đẹp hiện hình và vĩnh cửu.

Tựu trung, kẻ đốt đền là nhân vật có những bất thường về tâm lý, thích theo đuổi những thành tích không tưởng và sẵn sàng hủy hoại một/những giá trị nào đó để khẳng định tên tuổi của mình. Ngô Đại Vượng, Lưu Liên, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai cũng là những kẻ đốt đền của cách mạng Trung Quốc. Ngô Đại Vượng và Lưu Liên đã giễu cợt bức trướng “Vì nhân dân phục vụ” của cách mạng thời trước Cải cách mở cửa, giễu cợt những khẩu hiệu, xảo ngôn cách mạng đã từng lừa dối toàn xã hội. Bằng việc gắn cách ngôn cách mạng vào trò chơi tình ái của mình, họ đã đánh sập tượng đài tư tưởng – lý tưởng một thời, bóc trần sự thật về cái gọi là cống hiến, hy sinh của người cách mạng. Cao Ái Quân trong Kiên ngạnh như thủy thì cho rằng: “Không có một loại vũ khí nào mạnh mẽ hơn trần truồng loã thể, không có một loại Cách mạng nào vinh quang hơn loã thể trần truồng” (Diêm Liên Khoa, 2010: 415). Sự “vĩ đại và thần thánh của ái tình Cách mạng” với việc đốt chùa Trình và làm tình trên sách vở thánh hiền của anh ta và Hạ Hồng Mai là hệ quả của những ảo tưởng về tài năng cách mạng. Vừa buông thả và biện bạch cho dục vọng cá nhân, vừa muốn trả thù, họ đã phá nát giá trị vật chất, tinh thần và tâm linh truyền thống. Đồng thời, nhân danh cách mạng để thực hiện hành động cuồng loạn của mình, họ cũng đã đốt cháy ngôi đền cách mạng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.

Bằng hình tượng nhân vật nghịch dị, Diêm Liên Khoa đã lật mặt nạ của Cách mạng văn hóa Trung Quốc, phơi bày bản chất của nhà cách mạng và sự nghiệp cách mạng. Tàn sát văn hóa, hủy diệt cái tiến bộ, ngăn cản tự do dân chủ và cơm no áo ấm cho người dân, trả thù cá nhân, người cách mạng trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa là những kẻ đốt đền thực sự. Họ đã đốt ngôi đền hiện hữu và cả ngôi đền vô hình – đó là những giá trị thật của cách mạng, niềm tin của nhân loại về cách mạng. Mặt khác, bản thân kẻ đốt đền đại diện cho mặt trái của cách mạng Trung Quốc. Chủ nhân cách mạng là những kẻ kém đức kém tài như thế, thực chất của cuộc cách mạng này là gì? Nghịch dị về kẻ đốt đền của Diêm Liên Khoa thật đa nghĩa, sâu cay.

Trò thân xác tấn phong – hạ bệ: “Sung sướng hơn gấp trăm lần”

Như trên đã nói, tư tưởng carnaval là “tấn phong – hạ bệ”, nghĩa là “sự bài xích một cách đầy vui sống (bằng tiếng cười) của nhân dân đối với mọi chân lý quan phương cứng đờ và cách biệt với họ, đối với mọi cái chết cứng, “hoàn tất” trong tồn tại”. Diêm Liên Khoa đã thể hiện một cách táo bạo sự hạ bệ những chân lý quan phương đã chết cứng bằng cách gắn chúng với những mối tình đậm chất xác thịt của những nhà cách mạng trong Người tình phu nhân sư trưởng Kiên ngạnh như thủy.

Trước hết, tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đề cao hạnh phúc trần thế với khát vọng thỏa mãn bản năng tình dục của nhân vật. Lưu Liên trong Người tình phu nhân sư trưởng xinh đẹp, hát hay, tràn trề nhựa sống. Cô thật hạnh phúc khi được trở thành phu nhân của sư đoàn trưởng. Nhưng Lưu Liên không ngờ sư trưởng “không phải là đàn ông”, không ngờ người vợ đầu tiên của ông cắt đứt với ông cũng vì việc ấy. Ông là cán bộ cao cấp, ngần ấy tuổi, “vì cách mạng đầu đã bạc trắng”, huân huy chương “đựng một rổ cũng không hết”; ông ấy quỳ trước mặt Lưu Liên khóc như một đứa trẻ xin cô đừng ly hôn. Thử hỏi Lưu Liên có thể cắt đứt được với ông ấy không? Ngô Đại Vượng là chàng trai nông dân hiền lành chất phác, văn hóa cấp hai, viết chữ đẹp nên lọt vào mắt của kế toán Triệu. Ông ấy muốn gả con gái cho Ngô Đại Vượng. Ngô Đại Vượng vào quân đội, một năm sau thì mẹ ốm nặng, bà muốn có con dâu trước khi nhắm mắt. Ngô Đại Vượng đến nhà lão Triệu xin cưới con gái ông. Sau khi phỏng vấn một thôi một hồi, lão Triệu nói: “Anh chưa vào Đảng, chưa lập công, lại chưa được đề bạt cán bộ, không có tiền đồ như thế làm sao ta có thể gả con gái cho anh được”. Ngô Đại Vượng phải quỳ xuống trước mặt lão Triệu, khóc khóc mếu mếu hứa hẹn và viết giấy cam đoan: “Đời này nếu con không lập công, không vào Đảng, không đề bạt cán bộ, không chuyển hộ khẩu của em Nga con gái bố lên thành phố theo quân đội […], có chết con cũng ở quân đội, không trở về quê hương”. Ký tên vào giấy cam đoan như tờ giấy hẹn nợ, Ngô Đại Vượng cưới được vợ. Tuy nhiên, “cái gọi là tình yêu, hoặc hôn nhân của Ngô Đại Vượng cũng bước vào chặng đường thực sự bất lực”. Đêm tân hôn, cô vợ bắt Ngô Đại Vượng phải quỳ xuống thề những điều đã viết trên giấy cam đoan. Anh vất vả thề xong, “ôm chầm vào lòng thân thể mới cưới vốn đã thuộc về mình”. “Tình dục bắt đầu từ lúc này. Còn tình yêu cũng mất đi từ lúc này”. Trong những đêm sau của tuần trăng mật, “mỗi khi anh sắp sửa đến cao trào”, vợ lại nhắc đến lời hứa phải phấn đấu, “chẳng khác gì bất ngờ hắt chậu nước lã lên thân anh nóng bỏng, khiến cơn ham muốn đang hừng hực xẹp hẳn đi, bục nổ và tan biến như bong bóng”.

Suốt hai năm liền Ngô Đại Vượng không lập được công, không được vào Đảng. Lần nào gửi thư, bố vợ cũng hỏi đến thành tích ấy. Anh lo lắng, tuyệt vọng, thậm chí “có ý nghĩ tự sát”. Đúng lúc ấy, anh được điều đến làm cấp dưỡng cho gia đình sư trưởng. Mối tình của phu nhân sư trưởng ba mươi hai tuổi và anh lính cần vụ hai mươi tám tuổi nảy sinh từ đây. Khát vọng bản năng đã đưa đẩy hai người gắn kết với nhau.

Trong Kiên ngạnh như thủy, nhân vật Cao Ái Quân cũng có một cuộc hôn nhân thiếu tình yêu. Bởi vì nếu bố vợ của Cao Ái Quân không là bí thư chi bộ thôn, anh sẽ không lấy con gái xấu xí của ông là Trình Quế Chi. Cao Ái Quân quan hệ với vợ chỉ vì mục đích “làm cho cô ta có thai” theo yêu cầu của vợ. Những cử chỉ động tác nào trong ái ân mà không phải để đẻ con thì Quế Chi đều cho là lưu manh. Vì thế, khi gặp Hạ Hồng Mai, Cao Ái Quân có được hạnh phúc tình ái như nắng hạn gặp mưa rào.

Cuộc hôn nhân khô khốc với lời thề và giấy cam đoan đã khiến cho Ngô Đại Vượng “sau khi bước vào giường màn của Lưu Liên, liền cảm thấy ánh sáng rực rỡ của tình yêu”. Tuy nhiên, sau đó, anh “rất nhanh chóng sa vào bãi lầy của tình dục”. “Trò chơi tình dục hầu như là toàn bộ nội dung sinh hoạt và mục tiêu sống của hai người”. Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai cũng vậy. Họ say mê nhau vì cùng vừa có cơn khát tình, vừa có cơn khát lý tưởng. Cách mạng là lẽ sống, tình dục là phần thưởng của cuộc đời và cũng là của cách mạng ban cho họ. Hai người đã biến quan hệ tình dục thành một sự nghiệp kỳ công như sự nghiệp làm cách mạng. Đồng thời, họ cũng biến tình dục thành trò chơi thân xác. Và khi đổ vỡ tất cả, Ái Quân ao ước nếu được sống trở về, anh ta sẽ móc dương vật “đái lên cái đầu lâu Cách mạng của thị trấn Trình Cương”.

Điểm đặc biệt khiến tác phẩm của Diêm Liên Khoa được xếp vào hàng sách cấm, khiến Diêm Liên Khoa trở thành nhà văn gây tranh cãi không phải vì tác giả khai thác trần trụi yếu tố thân xác; mà chính vì trò chơi thân xác của các nhân vật thường được gắn với cảm hứng tấn phong – hạ bệ của carnaval hóa. Đó là sự tấn phong tình dục, tôn vinh yếu tố thân xác và hạ bệ những giá trị một thời từng là lý tưởng cách mạng và chân lý của xã hội.

Trong ngôi nhà công vụ của sư trưởng, Ngô Đại Vượng và Lưu Liên sống những tháng ngày cuồng mê xác thịt. “Không ở đâu không phải là giường của họ, không chỗ nào là không có tiếng cười sung sướng của họ, không chỗ nào là không có hạt giống hoan lạc của họ”. Sau khi bày hết trò thế ái ân với “ba ngày ba đêm cởi trần truồng, không ra khỏi nhà, đói ăn, mệt ngủ, thức lại làm tình”, họ “khoái lạc đến tận cùng, cũng là lúc rã rời đến tột đỉnh”. Vì rã rời cả thể xác lẫn tinh thần nên dù có cố gắng đến mấy, hai người cũng “không có được một lần kỳ diệu và sung sướng của tình yêu như lần thô bạo đến dã man có được trước đó”. “Cho dù hai người đã dốc hết tâm tư, tập trung tinh lực, nghĩ ra các kiểu, các trò và động tác, cũng không có được một lần điên cuồng và tuyệt vời nào nữa”. Không thể chấp nhận thất bại trong trò chơi tình ái, Lưu Liên đã nghĩ cách để thay đổi cảm hứng, cải thiện chất lượng yêu đương của mình. Chị gài bẫy để Ngô Đại Vượng sơ ý làm vỡ tan tành bức tượng lãnh tụ bằng thạch cao, rồi dọa sẽ tố cáo anh. Từ sợ hãi, lo lắng, đến lúc phát hiện ra đó là cái bẫy của Lưu Liên, Ngô Đại Vượng “lấy tình yêu điên cuồng làm thủ đoạn phục thù… như một con thú hoang nổi cơn khùng” “mang màu sắc cưỡng hiếp” khiến chị sung sướng đến “khóc thét lên”. Tiếp đến, hai người tung hứng với trò chơi làm “phần tử phản cách mạng”, báng bổ thần tượng như để làm mới cảm xúc yêu đương của mình. Ngô Đại Vượng nhiều lần lấy chân dí vào những mảnh thạch cao vỡ từ tượng lãnh tụ, nghiền nát chúng thành bột, “giơ chân đá tung tóe bột thạch cao trên nền nhà”. Lưu Liên thì lao đến bóc bức tranh chân dung lãnh tụ dán trên tường, vò nhàu, “xé vụn, vứt ra đất, giơ chân vừa dậm vừa đạp” và xé nát cuốn sách bìa đỏ có tên “Tuyển tập…”. Ngô Đại Vượng không thể thua kém, móc thủng mắt Lâm Bưu trong bức tranh. Lưu Liên lấy búa đập vào bức tượng lãnh tụ mạ vàng. Ngô Đại Vượng lấy bút lông viết năm chữ đen “Phải tự tư tự lợi” đè lên năm chữ đỏ “Phải đấu tư phê tu” (đấu tư sản phê xét lại) in trên chậu rửa mặt. Lưu Liên “tìm ra hai chiếc ca uống trà quân dụng, trên ca đều có lời dạy, có cả hình, chị dùng bút lông, xóa lung tung lên tranh, lên chữ trên ca, quẳng vào trong chiếc chậu sành chị dùng để lau rửa phía dưới người hàng ngày”. “Cuối cùng, trong phòng ăn, phòng khách và trên tường gác một, tất cả chậu, ca, hòm, ghế, phàm những đồ gì có liên quan đến lời dạy, hình, tranh, ảnh đều bị hai người “đốt giết cướp giật”, “đập phá cho bằng sạch”. Họ chỉ chừa lại tấm biển gỗ có dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ”, bởi vì ý nghĩa của dòng chữ này đã được hai người hiểu và vận dụng theo một chiều hướng khác. Kết thúc màn đập phá, Lưu Liên cầm tấm biển đó lên, Ngô Đại Vượng liền bế Lưu Liên bước lên buồng ngủ trên gác. “Những thứ vứt bừa bộn trên nền nhà bị bước chân anh đá phải, kêu loảng xoảng, lăn chỏng chơ. Đêm ấy hai anh chị ngủ vùi trên đống bừa bộn thiêng liêng, ngay đến việc ái tình vui sướng tràn trề cũng diễn ra và hoàn thành suôn sẻ trên đống bừa bộn trên nền nhà”.

Tương tự, trong Kiên ngạnh như thủy, tình yêu – tình dục của hai người tình cách mạng Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai cũng liên quan chặt chẽ đến yếu tố tinh thần của cách mạng.

Ngoài “súng môi kiếm lưỡi” cách mạng, Cao Ái Quân thích loa phóng thanh và nhạc cách mạng. Bắt đầu từ cái hôm gặp Hạ Hồng Mai ở trên đường sắt, nghe tiếng nhạc cách mạng nổi lên trên loa phóng thanh, cô đã như si như say cởi cúc áo để cho Cao Ái Quân ve vuốt chiếm hữu. Căn bệnh cuồng cách mạng và cuồng tình dục của của Cao Ái Quân tương thông với nhau. Mỗi khi “những ca khúc cách mạng vang lên, anh trở nên lợi hại lắm”. Anh ta bộc bạch rằng: “Chỉ cần nghe loa phát thanh trên phố phát, cho dù là bài hát hay kịch nêu gương, cả người tôi đều rần rật không ngừng, đế giày, ống quần, đũng quần, và áo lót, toàn thân trên dưới giống như một ngọn lửa […]. Tôi biết tôi sắp điên lên rồi, cảm thấy có vô số sức mạnh từ tứ chi bắt đầu chạy đến tập trung ở giữ hai đùi, cái đó của tôi lại hiên ngang bừng bừng, thanh xuân vô hạn, nó giống như một cây gỗ dựng đứng lên”. Nhưng, hễ tiếng nhạc trên loa đột ngột ngưng bặt, Cao Ái Quân cũng ngay lập tức trở nên vô dụng như người bị liệt dương. Kể từ đó, bất cứ ở đâu, trên ngõ hẻm, dưới địa đạo, trong nhà khách hay giữa sân chùa, việc làm tình của Cao Ái Quân không thể thiếu nhạc cách mạng.

Trình Quế Chi – vợ của Cao Ái Quân không thể hiểu và đồng cảm với nỗi niềm cần thiết phải có nhạc cách mạng khi ân ái của Cao Ái Quân. Chỉ người tình – người đồng chí tuyệt vời Hạ Hồng Mai mới hiểu điều đó. Cô luôn giúp anh bùng cháy, thăng hoa, hồi sinh cùng tiếng nhạc. Bị đốt xương ngón tay còn sót trong huyệt mộ làm cho hụt hẫng, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai đổ sụp, tiếc nuối. Nhưng ra khỏi mộ, ái tình lại “đại bùng nổ” nhờ tiếng nhạc bất ngờ vang lên từ loa phóng thanh. “Chúng tôi vừa đi vừa nghe, nghe đến chỗ kích động […] em cuộn lưỡi mình thành một cuộn nhỏ đưa vào trong miệng tôi bảo tôi mút lấy […]. Những nốt nhạc va vào nhau trên không trung, những lời ca phi nhanh dưới mặt đất […]. Chúng tôi không thể tự kiềm chế, không thể tự thoát khỏi, không thuốc nào có thể cứu chữa được […]. Tôi đuổi lưỡi em ra khỏi miệng tôi, để lưỡi tôi như đao như búa xâm nhập vào trong miệng em […]. Tôi không hiểu vì sao lại như vậy, vì sao mà những ca khúc cháy rực và thứ âm nhạc đỏ tươi lại có thể thiêu đốt cơn ham muốn của tôi trở lại, lại có thể làm cho cái vật đó như chết rồi trong nháy mắt như một chú sư tử bừng tỉnh giấc, dựng đứng lên như gang thép kiên cường, như bách tùng bất khuất […]. Tôi biết khoảnh khắc vĩ đại này đã đến rồi […]. Tôi sợ những âm thanh cao, thấp đang vang lên điên cuồng của loa phát thanh đột nhiên dừng lại, sợ rằng cái vật vì âm nhạc mà đột nhiên ngỏng dậy sẽ lại đột nhiên đổ xuống […]. Khoảnh khắc mà tôi bất chấp tất cả tiến vào trong cơ thể em, tôi thấy em vì vui sướng phát điên mà bật kêu thành tiếng […]. Tiếng hưởng ứng của loa phát thanh từ bốn phương tám hướng vẫn như nước dạt dào, như sóng cuồn cuộn […]. Tôi nghe thấy bài hát Tiến hành Cách mạng đến cùng từ phía đông truyền lại như sắt đen thép trắng, bài hát từ phía tây Tạo phản có lý truyền đến cao vang rực lửa, bài hát từ phía nam truyền lại là Đả đảo đế quốc Mỹ, xét lại Xô Viết và bọn phản động âm vang, bài hát từ phía bắc truyền lại là Mời bạn uống một cốc trà bơ ngọt ngào thơm mát và Tố cáo xã hội cũ vạn ác đầy mồ hôi nóng và nước mắt mặn […], bài hát Công xã nhân dân tốt nhảy nhót vui cười như tơ múa lụa bay. Chúng tôi bị các ca khúc cách mạng bao vây rồi […], tôi liền bắt chặt nhịp điệu của bài hát đặt vào giữa thân thể của em và tôi, làm cho nhịp ra nhịp vào của tôi cùng một nhịp với nhịp điệu bài hát, có nhanh có chậm, có gấp có khoan, có mạnh có nhẹ […] cho đến khi trong tiếng “a” của loa phát thanh, tôi và Hồng Mai không hẹn cùng “a” lên một tiếng […]. Chúng tôi cuối cùng nghe thấy sau tiếng nhạc và những bài hát đó có một tin quan trọng của Tân Hoa Xã ban bố, Chủ tịch Mao lại có chỉ thị mới nhất cao nhất tuyên bố”.

Xem ra, nhạc cách mạng không những chữa được căn bệnh liệt dương bất thình lình của Cao Ái Quân mà còn mang lại cho anh ta và người tình một sự thoả mãn nhờ thể nghiệm mới mẻ độc đáo này. Đào xong địa đạo, họ càng sáng tạo trong trò chơi tình dục. Tận hưởng hoan lạc trong “âm nhạc đỏ” còn được kết hợp với chân dung lẫn ngữ lục của lãnh tụ khiến đôi tình nhân cách mạng càng “sung sướng hơn gấp trăm lần”: “Khi loa phóng thanh và đài phát thanh đã được nối đến rồi, lúc tôi muốn làm việc đó, chỉ cần mở loa phóng thanh ra, vặn cái kim đỏ đến đài phát thanh nhân dân trung ương hoặc kênh phát thanh tỉnh, khi ấy vừa lúc có bài hát Cách mạng phát ra […], có tiếng khẩu hiệu của đội ngũ hô lên, có diễn giảng quan trọng của lãnh đạo Cách mạng và những chỉ thị mới nhất, cao nhất phát ra, trong địa đạo liền tràn đầy tiếng phấn khích trầm thấp và tiếng nhạc, tiếng trống chiêng đỏ chói. Lúc đó, tôi và Hồng Mai cuối cùng cũng không nén được. Chúng tôi rải ga giường, cởi quần áo, mắt nhìn những âm thanh rất đỏ từ trên ga giường của chúng tôi chảy đến, chà lên làn da trắng nõn, mịn màng của Hồng Mai, nghe tiếng kêu ào ào của những bức chân dung và ngữ lục được hất lên bay lên trong âm nhạc, máu toàn thân như có quy luật trào lên điên cuồng bạo liệt trong người tôi, tôi liền cương cứng rất lâu cùng Hồng Mai làm việc đó […]. Mỗi lần làm xong việc đó, chúng tôi nằm lên giường, đều nói “Cách mạng thật đáng, chết cũng đáng!” (Diêm Liên Khoa, 2014a: 251).

Có mở đầu, có kết thúc, có phát triển, có cao trào, những cuộc phiêu lưu tình ái của Ngô Đại Vượng và Lưu Liên, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai đều lấy cảm hứng từ tranh tượng lãnh tụ, ngữ lục và nhạc cách mạng. Nếu Ngô Đại Vượng và Lưu Liên đập phá thì Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai tâng bốc, nhưng cho dù đập phá hay tâng bốc thì mục đích mà các nhân vật hướng đến vẫn là khoái cảm xác thịt của mình chứ không phải là giá trị tinh thần của cách mạng. Đặt những giá trị đó làm nền cho hoạt động tính giao của những con người mang lý tưởng “Vì nhân dân phục vụ”, Diêm Liên Khoa đã vô cùng táo bạo khi để cho chính nhà cách mạng hạ bệ những tín điều cách mạng trong tình huống đầy kịch tính của trò chơi thân xác. Các yếu tố đối lập như thiêng liêng và phàm tục, tinh thần và thể xác, cao cả và thấp hèn bện xoắn trong nhau. Diêm Liên Khoa đã đưa tang thứ âm nhạc của nhà cầm quyền toàn trị làm nghèo tinh thần, giết chết sự sáng tạo và khả năng hưởng thụ nghệ thuật của con người bằng những trò hạ bệ mang sắc thái carnaval. Đồng thời, tấn phong và hạ bệ đầy chất nghịch dị carnaval đã mang lại cho tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa những nét độc đáo trong nghệ thuật tự sự. Bởi vì, nó chống lại các định ước, chỉ ra sự vô nghĩa của những khuôn mẫu đã từng ép buộc con người noi theo một cách phi nhân.

Trích dẫn liên văn bản: “Chìm ngập trong trò chơi của ngôn từ cách mạng”

Văn chương hậu hiện đại xem bút pháp trò chơi là địa hạt mà nhà văn có thể bộc lộ năng lực sáng tạo bằng cách tạo ra những khả thể mới. Trò chơi là một cách tạo ra mô hình thế giới mới, phá vỡ những giới hạn của hiện thực, đồng thời kiến tạo một không gian mới chi phối người chơi với những nguyên tắc, những quy ước ngầm và cũng có thể gọi là “hợp đồng ủy thác”. “Trò chơi khi trở thành nghệ thuật sẽ không còn là trò chơi nữa”, nó có căn cước khác: “chơi mở ra những văn bản (những trò chơi) văn hóa theo cách thức tạo ra những khả thể mới” (Trần Ngọc Hiếu, 2012).

Diêm Liên Khoa cũng “tạo ra những khả thể mới” trong các tiểu thuyết của mình bằng cách sử dụng liên văn bản với lối chêm chen các văn bản mang tính cộng đồng vào văn bản cá nhân. Đó là Kinh Thánh với những câu chuyện về sự tạo tác và hủy diệt thế giới trong Tứ thư, là thơ trong Kinh thi với những câu ca dao đã trở thành điển tích điển cố trong Phong nhã tụng, là những khẩu ngữ mang tính khẩu hiệu đậm phong khí cách mạng trong Vì nhân dân phục vụ, Kiên ngạnh như thủyTứ thư.

Tứ thư là tổ hợp những câu chuyện ngụ ngôn đau đớn về thân phận người trí thức, về sự thử thách nghiệt ngã đối với nhân tính. Diêm Liên Khoa đã chuyển tải những nhọc nhằn thân phận đó bằng những câu văn ngắn, đơn giản như Kinh Thánh, một số chỗ còn được trích dẫn Kinh Thánh (chương Sáng thế ký) vào trong lời trần thuật. Sự chêm chen văn bản này như ngầm ý về sự tẩy trắng văn minh, trở về thuở hồng hoang mà cách mạng Đại nhảy vọt đã gây ra cho khu Dục Tân nói riêng và cả đất nước Trung Quốc nói chung.

Vì nhân dân phục vụKiên ngạnh như thủy, trò chơi chồng lớp trò chơi. Bên cạnh trò chơi tình ái của các cặp nhân vật là trò chơi ngôn ngữ của nhà văn với vô số từ ngữ nghiêm túc, mực thước đã bị “giả trang”. Cao Ái Quân vận dụng hành động cách mạng vào tình yêu với Hạ Hồng Mai. Anh ta đào địa đạo để xây tổ ấm cho mình dưới lòng đất, xem tình yêu trai gái cũng mãnh liệt như tình yêu cách mạng, khoái lạc xác thịt như khoái lạc cách mạng. Trong họ tồn tại một lúc hai cuộc cách mạng, Cách mạng văn hóa và cách mạng tình dục. Cả hai cuộc cách mạng song hành bên nhau, không thể thiếu nhau và đều gian khổ, gian dối, mãnh liệt, cuồng nhiệt như nhau. Diễn ngôn cách mạng ngập tràn, đan xoắn trong diễn ngôn tính dục: “Cặp mâu thuẫn không thể giải quyết được chính là tinh thần Cách mạng của tôi và nỗi nhớ của tôi với da thịt Hồng Mai”; “Tôi nói: “Nếu có dũng khí, dám chiến đấu, không sợ hy sinh, liên tục tác chiến, lớp trước ngã xuống lớp sau tiếp bước […]”. Em nói: “Chất thay đổi là bắt đầu từ lượng thay đổi […]. Không giải quyết mâu thuẫn từ trong trứng nước, có nghĩa là bất lợi và thất bại đang chờ phía trước” […]. Tôi nói: “[…] Đối diện với phong kiến, tư bản, xét lại, chúng ta hoàn toàn vô địch; đối mặt với địa chủ – phú nông – phản Cách mạng – phần tử xấu và cánh hữu, chúng ta hăng hái xung kích; đối mặt với đế quốc Mỹ và xét lại Xô, hét to một tiếng tiễn bọn chúng về quê”. Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai đã sử dụng “tài hùng biện, lý luận và sự giác ngộ thâm hậu, bền chắc” của mình để diễn thuyết cho cách mạng và cho cả ái tình. Từ khi thấm nhuần lý luận cách mạng, họ đem lý luận ấy làm tăng hưng phấn cho trò chơi tình ái hiệu quả đến mức “không cần dùng đến loa phát thanh”, họ vẫn có thể hoàn toàn chủ động “làm việc đó”. Cao Ái Quân cho rằng: “Đây là phát hiện và sáng tạo của tôi và Hồng Mai, khoái lạc tuy rằng ngắn ngủi, không dài lâu và cuồng điên bằng vừa nghe nhạc hoặc ca khúc vừa làm việc đó, nhưng lại vô cùng nồng ấm và ngọt ngào, tinh tế và ướt át”. Màn song đấu về lý luận cách mạng đó được nhân vật gọi là “súng môi kiếm lưỡi cách mạng”, nó đem đến cho họ “sự kích thích và vui sướng”. Trong khoảng một thời gian rất dài sau đó, mỗi lần hẹn nhau dưới địa đạo, Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai không mở loa phóng thanh nữa, mà tùy ý chỉ vào một vật nào đó làm đề tài để thi nhau biện luận. Có khi, họ còn “lấy bộ phận sinh dục của nam nữ làm đề tài để tiến hành cuộc lưỡi chiến và đọc thơ cách mạng”, “quy định ai thắng thì có thể đi hôn hít đối phương năm mươi cái hoặc một trăm cái […] hoặc là ai thua rồi thì người đó bắt buộc phải dùng miệng đi ngậm vật giữa hai đùi đối phương”. Phần thưởng cho trình độ lý luận cách mạng là các trò đùa thân xác. Đồng thời, sự hòa hợp giữa lý luận và “làm việc đó” còn có tác dụng biện chứng trong việc có thể giúp họ “khai quật trí nhớ, tài hùng biện, lý luận và sự giác ngộ thâm hậu, bền chắc”. Cao trào cách mạng nâng đỡ cho cao trào tính dục, trò chơi ngôn ngữ bồi đắp cho trò chơi thân xác khiến cho ngôn ngữ liên văn bản trong tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy luôn cuộn trào, sôi réo, hổn hển, cuồng nhiệt, phóng túng, man dại và đa nghĩa đến kinh người.

Nhân vật của Kiên ngạnh như thủy rất nhiều lần trích dẫn các câu cẩm ngôn, châm ngôn, ngữ lục, thơ, từ của Mao Trạch Đông (17 lần); thơ, kịch, ca khúc cách mạng (10 lần) và vô số những mảnh rời của trước tác cách mạng của Mao Trạch Đông, Marx, Lenin vào trong lời nói của mình. Họ xem “đây là đỉnh cao trong trò chơi” của “người cách mạng song hùng tương ngộ”. Họ sáng tác nên những tác phẩm hiến tặng với nhiều trích dẫn liên văn bản mà họ tự cho là xuất sắc: “Thế giới quan chủ nghĩa duy vật lịch sử”, “học thuyết giá trị thặng dư”, “giai cấp vô sản không hề muốn bóc lột, áp bức người khác, đã trở thành người đào huyệt của giai cấp phong kiến”, “người cách mạng vì cách mạng mà sử dụng bạo lực cũng chính là chủ nghĩa nhân đạo trên phương diện chính trị”… “Chúng tôi vốn bị trò chơi vừa mới mẻ, kích thích vừa có thể phát huy tài năng của cả hai này làm cho tâm hồn kích động, hưng phấn không ngừng; bởi vì chúng tôi đều muốn đối phương dùng miệng để cởi cúc áo của mình […]. Tôi không nhịn được nữa muốn cùng em làm việc đó, lúc em chưa ngâm nga xong tác phẩm, tôi đã cương cứng thẳng đứng lên rồi […]. Tôi muốn hưởng thụ đến tận cùng môi em, răng em, lưỡi em ở trên người tôi di động bò trườn […]. Tôi mới nhanh như chớp dùng phương thức đánh tập kích bất ngờ, để em lật nhào xuống dưới người tôi”.

Sau khi hiến tặng các lãnh tụ vĩ đại nhiều hào ngôn tráng ngữ, hai nhân vật chính đã lao vào nhau hưởng thụ tình dục. Sau đó, để thể hiện tình yêu thuỷ chung son sắt của mình, họ cần thực hiện lời thề cách mạng trước chân dung các lãnh tụ. Hạ Hồng Mai đề nghị cứ khoả thân để thề, vì khoả thân “càng thể hiện sự chân tình”. Cao Ái Quân giơ tay phải tuyên thệ “ba điều trung: “[…] ngoài trung thành với lãnh đạo vĩ đại Mao Chủ tịch, trung thành với tư tưởng của ngài, với con đường xã hội chủ nghĩa ra […], sẽ vĩnh viễn chung thuỷ với tình yêu […]”. Hạ Hồng Mai cũng nắm chặt ngón cái của tay phải xin thề “chỉ cần anh vẫn còn cần cô Hạ Hồng Mai, cô ấy còn có thể làm anh vui sướng và khoái lạc…”. Cả hai đều đưa tay lên, đều tuyên thệ: “Trời cao trên đầu, vĩ nhân làm chứng”. Khi hạ tay xuống, hai mắt của họ đều bị tấm chân tình của đối phương thấm ướt. Họ “lại ôm ấp nhau chặt hơn”, rồi “điên cuồng đổ xuống trên nền đất, cuộn thành một khối như là một người”.

Không khó để nhận ra hành động và ngôn ngữ tuyên thệ vốn trang trọng và thiêng liêng đã được Diêm Liên Khoa đưa vào cuộc phiêu lưu ái tình cách mạng của hai kẻ mắc bệnh cuồng cách mạng, kết hợp với điệu bộ, cử chỉ, “trang phục”, mục đích tuyên thệ khiến sự trang nghiêm bị đảo thành giễu cợt. Vì vậy, giả trang từ ngữ ở đây đã cùng hòa nhịp với bút pháp trào lộng, bút pháp ẩn dụ và châm biếm để tiếng cười không còn bật lên thành âm thanh, mà ngược lại, đầy lặng lẽ và càng tăng phần nhức nhối.

Có thể thấy, trò chơi ngôn từ cách mạng của nhân vật Diêm Liên Khoa thể hiện rõ ý đồ giễu nhại. “Nhại là bắt chước một người hay một tác phẩm nghệ thuật, nổi tiếng hay nghiêm túc, mục đích đạt tới là gây hứng thú cho người xem hay trào lộng, nhạo báng” (Benac H., 2008: 623). Nhại thường đi kèm với giễu cợt và châm biếm, nó có nhiệm vụ mua vui và ngầm khêu gợi sự tán đồng của độc giả. Giễu nhại mang tính nghịch dị sẽ làm đảo lộn các giá trị bằng cách hạ thấp những gì vốn được cho là cao quý, được tôn vinh. Trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, chất giễu nhại nghịch dị mang đậm dấu ấn phản tư với sự giễu nhại các “cách ngôn” cách mạng đã từng một thời là lớp ngôn từ khuôn sáo của toàn dân tộc.

Vì nhân dân phục vụ, tín hiệu yêu đương từ câu khẩu hiệu này là một cách giễu nhại pha trộn với tính ngụy biện đã biến cái cao cả trở thành thấp hèn, cái thiêng liêng trở thành phàm tục. Ở Kiên ngạnh như thủy, không chỉ trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, chất giễu nhại còn được gieo thả tới tấp và đan xen dày đặc trong lời của người kể chuyện. Vú, môi, lưỡi, da thịt, khao khát, cấp bách, cách mạng, chính trị, anh em, đồng chí, nóng bỏng, mềm mại, kích động, điên cuồng, khỏa thân, cương cứng, run rẩy, khoái lạc, giác ngộ, bụng dưới, vùng tam giác, thẳng tiến, vĩ đại, dương vật, nước đái,… tất cả những từ ngữ bất phân thượng hạ đó tuôn ra ngang dọc trên tấm lưới ngôn từ của tác phẩm; làm nên sự tồn tại giữa các mặt đối lập và song trùng đầy phức tạp như nhận thức về cách mạng của những “nhà cách mạng thiên tài”. “Cách mạng” là từ xuất hiện trong tất cả các ngữ cảnh, tình huống của tác phẩm. “Bệnh cuồng cách mạng”, “bệnh u sầu cách mạng”, “bệnh mất ý thức cách mạng”, “người cách mạng”, “con đường cách mạng”, “bài thơ cách mạng”, “bài hát cách mạng”, “ái tình cách mạng”, “người tình cách mạng”, “đấu tranh cách mạng”, “điểm nóng cách mạng”, “bước chân của người cách mạng”, “đàn bà vì cách mạng mới đáng yêu, đàn ông vì cách mạng mới anh hùng”,… những từ ngữ đó thổn thức, réo rắt, điên cuồng sôi trào trong suy nghĩ và hành động của hai nhà cách mạng Cao Ái Quân và Hạ Hồng Mai. Cho đến lúc chết, Cao Ái Quân vẫn không rời xa từ cách mạng: “Cách mạng vẫn chưa thành công, đồng chí à, bạn vẫn cần cố gắng. Tạm biệt, cách mạng!”.

Với 1.079 lần xuất hiện trong lời văn của tiểu thuyết Kiên ngạnh như thủy, “Cách mạng” đã trở thành biểu tượng của tác phẩm. Tuy nhiên, đây là biểu tượng lộn trái, mang đặc điểm nghịch dị. Bởi vì kẻ nói đến cách mạng nhiều nhất, nhiệt tình làm cách mạng triệt để nhất lại là kẻ phi cách mạng nhất. Vì vậy đi đến tận cùng của giễu nhại, Diêm Liên Khoa đã để cho nhân vật của mình nói thẳng: “Ái tình và hủ hóa, giai cấp và tình thân, hận thù và tranh đấu, lý học và Trình gia, pháp luật và cách mạng, cách mạng và sản xuất, trung thành và ngu muội, đàn ông và đàn bà, dương vật và bầu vú, […] tôi rất muốn đem hết chúng quật ngã xuống đất, lại dùng chân giẫm lên, làm cho chúng vĩnh viễn không thể vùng lên được, và còn muốn đái lên đầu chúng”. Cách mạng vốn là lẽ sống, tình yêu và là thần tượng của Cao Ái Quân, nhưng đến lúc chết, anh ta đã phế bỏ thần tượng một cách thẳng thừng. Đó chính là thái độ, cách nhìn đầy dũng cảm mang tính dấn thân của nhà văn Diêm Liên Khoa trong quan điểm tái hiện lịch sử.

Đoạn văn điều chuyển công tác Ngô Đại Vượng (thực chất là đòn trừng phạt của sư trưởng) là một dạng giễu nhại đặc thù. “Ngô Đại Vượng không những giác ngộ cao, tư tưởng đỏ, đạo đức tốt, là phần tử tích cực học tập tác phẩm nổi tiếng của Mao Chủ tịch, mà còn nói được làm được, lời nói đi đôi với việc làm, bằng hành động thực tế thực hiện tôn chỉ toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ, được sư đoàn bình bầu là chiến sĩ thi đua vì nhân dân phục vụ duy nhất toàn sư đoàn…” (Vì nhân dân phục vụ). Tất cả những mỹ từ trên đều dành cho một người bị sa thải, nhưng lại là sa thải dưới vỏ bọc chuyển công tác. Đó còn là thỏa thuận ngầm của những người tham gia vở kịch gồm sư trưởng, phu nhân và Ngô Đại Vượng. Vụ dàn xếp scandal tình ái được khoác lên tấm áo ngôn từ mỹ miều, nghiêm túc khiến “đại tự sự” bị giải thiêng trong tình cảnh trớ trêu là một kiểu đan lồng liên văn bản đầy chất trào lộng của Diêm Liên Khoa.

Cao Ái Quân thừa nhận: “Chúng tôi giống như lợn, chúng tôi giống như chó […]. Chúng tôi vô liêm sỉ không bằng chó lợn”; Lưu Liên cũng nói với Ngô Đại Vượng rằng “chúng mình đã thành súc vật”. Tuy nhiên, họ đều “kệ xác súc vật hay không súc vật”, vẫn “thuần khiết thánh thần, tình cảm chân thành thiết tha” vì nhân dân phục vụ, “hoàn toàn chìm ngập trong trò chơi của ngôn từ cách mạng đến quay cuồng mê muội đất trời” (Diêm Liên Khoa, 2014a: 257). Trò chơi đó đã góp phần làm nên phong cách ngôn ngữ, giọng điệu tự sự rất đặc biệt của nhà văn Diêm Liên Khoa.

Trò chơi ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đặt ra vấn đề nhìn nhận giá trị văn hóa tinh thần trong quá khứ. Những giá trị được tôn vinh một thời đang trở nên không còn phù hợp, thậm chí đã bị chà đạp, bị chối bỏ. Trong guồng quay của danh vọng và tình dục, những giá trị tinh thần được xác lập từ xa xưa bây giờ trở thành trò chơi nhục dục của tầng lớp quan phương, thú tiêu khiển giết thời gian của tầng lớp dưới đáy xã hội. Tất cả đều gặp nhau ở mục đích trốn chạy thực tại, phủ nhận quá khứ khiến cho nền tảng đạo đức xã hội lung lay hơn, đòi hỏi sự ra đời của những nền tảng mới. Trong sự đòi hỏi và chờ đợi chất chứa nỗi chán chường của nhân vật, họ tìm quên trong “sự chơi”. Và chính nhà văn cũng đang dùng “sự chơi” đó để giải thiêng những giá trị văn hóa – lịch sử

Liên văn bản từ nhan đề, đề tài, chủ đề cho đến các yếu tố lịch sử, xã hội và ngôn ngữ, tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đã làm sáng lại “những điểm mờ của lịch sử”. Bằng lối sử dụng văn bản của quá khứ một cách có nghệ thuật, ông nhấn mạnh sự “can dự” vào đời sống của văn học. Đó là “đặc trưng tinh thần của Diêm Liên Khoa trong quan hệ căng thẳng giữa ông và hiện thực” (Vương Nghiêu, 2018: 156). Đồng thời, đó cũng là tiếng nói chống thỏa hiệp với “chủ nghĩa hiện thực giả dối”, phản tư về hiện thực và lịch sử cũng như “lạ hóa” phong cách nghệ thuật giàu chất hài hước đen của nhà văn.

KẾT CHƯƠNG

Chọn “những điều không được phép viết” (Diêm Liên Khoa, 2016), thực hiện sứ mệnh với bóng tối bằng cách suy tư trực tiếp nhất, nhìn thẳng nhất vào lịch sử và hiện thực Trung Quốc, Diêm Liên Khoa đã tuyên chiến với “chủ nghĩa hiện thực giả dối” của văn học Trung Quốc một thời khiến ông kinh hoàng, sợ hãi, bất lực trong tâm hồn cũng như sụp đổ trong sáng tác (Vương Nghiêu, 2017: 162). Cuộc tuyên chiến lâu dài này đã mang lại cho văn đàn những tiểu thuyết xuất sắc như Nhật quang lưu niên, Kiên ngạnh như thuỷ, Thụ hoạt, Đinh Trang mộng, Phong Nhã Tụng, Tứ thư, Nhật tức,… Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, tiểu luận này chỉ khảo sát các tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt là Người tình phu nhân sư trưởng, Kiên ngạnh như thuỷ, Đinh Trang mộng, Phong Nhã Tụng, Tứ thư. Tiếp nhận các tác phẩm này từ nghệ thuật nghịch dị, có thể thấy “vấn đề Trung Quốc” với “Trung Quốc chính trị”, “Trung Quốc kinh tế” và “Trung Quốc văn hóa” nổi lên như một hiện thực mang diện mạo tàn khốc.

Phản tư về con người và lịch sử là một đề tài lớn của văn học Trung Quốc từ sau Cách mạng văn hóa đến nay. Sáng tác theo khuynh hướng hiện thực cũng ngập tràn văn đàn. Các nhà văn thời kỳ mới đều nỗ lực tái hiện hiện thực bằng nhiều dạng thức khác nhau. Với nhà văn Diêm Liên Khoa, phản tư và hiện thực được chuyển tải bằng nghệ thuật nghịch dị với sự góp sức của carnaval hóa và liên văn bản đã góp phần tạo nên phong cách sáng tác độc đáo của ông trong dòng chảy tiểu thuyết đương đại. Từ nhân vật nghịch dị, không gian dị thường với thế giới lộn trái, thân phận con người và thân phận lịch sử hiện lên qua tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa quả thật đã làm rúng động người đọc. Nó khiến cho người Trung Quốc không được quên và không quên được ký ức đen tối của dân tộc. Bởi vì khi ký ức ấy được đánh thức, họ có thể nhìn thấy bóng tối để tránh đi, nhìn thấy sai lầm để tránh tái diễn. Đó là khát vọng của người mang sứ mệnh với bóng tối Diêm Liên Khoa.

Cùng với “chủ nghĩa hiện thực dữ dội”, “chủ nghĩa hiện thực yêu tinh” của Mạc Ngôn và rất nhiều kiểu thể hiện hiện thực của các nhà văn khác, “chủ nghĩa hiện thực hoang đường” – “chủ nghĩa siêu hiện thực” của Diêm Liên Khoa “đã làm cho văn học đương đại Trung Quốc vừa có ý nghĩa hiện đại của văn học thế giới, vừa có sự khác biệt rõ ràng so với chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hoang đường, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của phương Tây, thực sự làm cho văn học Trung Quốc có ý nghĩa hiện đại thuộc về phương Đông. Vì thế, cũng khiến cho tác giả có tầm quốc tế” (Diêm Liên Khoa, 2017).

Comments are closed.