Nguyễn Đức Tùng
Ngôn ngữ thơ có tính hình ảnh. Thơ cũng dựa trên ý tưởng, suy nghĩ, nhưng sử dụng nhiều hơn các hình ảnh cụ thể và cách mô tả đặc sắc về sự vật. Bài thơ giúp người đọc nhìn thấy mọi vật một cách mới mẻ, tươi rói, như khi bạn chạm tay vào, ngửi mùi, nhìn bằng mắt. Những ấn tượng như vậy làm nên một ngôn ngữ có tính hình ảnh.
Đây mùa thu tới! mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Xuân Diệu
Không phải chỉ là các ý tưởng, mà chính hình ảnh áo mơ phai mà bạn nhìn thấy, làm cho câu thơ sống mãi trong trí nhớ và trí tưởng tượng của chúng ta. Việc sử dụng một ngôn ngữ trực tiếp là đặc trưng của thơ. Tuy vậy thơ cũng sử dụng lối diễn tả trừu tượng, như trong một số thơ triết lý, chính trị. Bài thơ không nhất thiết phải khởi đầu với một hình ảnh, nhưng bao giờ cũng xoay quanh một hình ảnh. Hình ảnh ấy trở thành biểu tượng của bài thơ, vì vậy nó cần nhiều trí tưởng tượng của người đọc. Khả năng mô tả của ngôn ngữ tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ: sự sử dụng chính xác những chữ, và thứ hai, một cách đáng ngạc nhiên, cách khai thác sự mơ hồ và khả năng mở rộng nghĩa của ngôn ngữ. Nói cách khác, thơ cần chính xác và cần mơ hồ, cùng lúc.
I place a jar in Tennessee
Tôi đặt một cái lọ xuống Tennessee
Là một tuyên bố chính xác, không có gì để nghi ngờ, có tính xác định, nhưng nó mang lại một cảm giác kỳ lạ, không quen thuộc. Người đọc có phần ngơ ngác: không biết anh ta đặt cái lọ gì, trong ấy có vàng bạc gì không, ở địa chỉ nào vậy, vì Tennessee là một tiểu bang lớn của Mỹ. Biết đâu mà tìm?
Tính vô mục đích của câu thơ trên làm người đọc dừng lại. Nhìn thấy sự vật bằng tâm trí, tái tạo một hình ảnh hay một kinh nghiệm cảm giác, đòi hỏi sức viết của nhà thơ và sức cảm thụ của người đọc. Cả hai phía. Khi đọc một bài thơ mới, người đọc dùng những kinh nghiệm đọc trước đó để nhìn thấy không những cái mà tác giả nói đến mà còn cách nói ấy. Nhưng hình ảnh không phải chỉ là phương tiện mô tả, chúng còn được sử dụng như phương tiện dịch chuyển sự vật, tức là so sánh và ẩn dụ. Chúng ta đi tìm trong thơ sự vui thú. Ngay cả đau khổ, thương tiếc, cũng trở thành vui thú. Không phải vì chúng ta thích thú sự đau khổ, mà vì chúng ta được sống sự đau khổ ấy như một kinh nghiệm của đời sống, buồn đau và phấn khích.
Các ẩn dụ không được quá gần vì chúng trở nên quen thuộc và tầm thường, không được quá xa vì chúng trở nên quái dị, tối tăm, khó hiểu. Thơ hay là sự di chuyển giữa hai cực đoan ấy. Một hình ảnh trong thơ phải gợi ra được một sự vật cụ thể, sống động, với những cảm giác tinh tế. Giá trị của một hình ảnh, như E. Pound từng nhận xét, nằm ở tính khách quan của nó. Một sự vật cần có đời sống riêng biệt, có nơi chốn và thời gian, có đời sống riêng, không phải là sự trang điểm. Một hình ảnh trong thơ được gọi là hoàn tất khi nó có một đời sống riêng, tuy nhỏ bé, nhưng vĩnh cửu. Con nai trong thơ Lưu Trọng Lư, trăng của Hàn Mặc Tử, Budapest của Thanh Tâm Tuyền, là những ví dụ như vậy.
GIAI THOẠI VỀ CÁI LỌ
Tôi đặt một cái lọ ở Tennessee
Hình tròn, trên ngọn đồi
Nó làm nên sự hoang dại
Bao quanh ngọn đồi ấy
Sự hoang dại vươn lên ở đó
Bao quanh nó, không còn hoang dại nữa
Cái lọ tròn trên mặt đất
Cao và chất đầy không khí
Cái lọ chiếm lĩnh tất cả mọi nơi
Xám và trống rỗng
Nó không sinh ra chim muông và cây cối
Nó chẳng giống với bất kỳ thứ gì ở Tennesse.
Anecdote of the jar
I placed a jar in Tennessee,
And round it was, upon a hill.
It made the slovenly wilderness
Surround that hill.
The wilderness rose up to it,
And sprawled around, no longer wild.
The jar was round upon the ground
And tall and of a port in air.
It took dominion everywhere.
The jar was gray and bare.
It did not give of bird or bush,
Like nothing else in Tennessee.
Bài thơ có những nhân vật hay sự vật sau đây: tôi, là người kể chuyện, cái lọ hình tròn, ngọn đồi, cây cối bao quanh và tiểu bang Tennesse ở Mỹ. A, Tennessee, có cái gì ở đó?
Bạn đọc lại: Tennessee. Bạn nghe một âm thanh thú vị. Cũng vậy, đối với riêng tôi: các địa danh Ba Vì, Sơn Tây, Tân Sơn Nhứt, Cù lao phố, Ô Môn. Nhiều năm sau đọc lại, sự hiểu biết của tôi tăng lên, sự yêu thích cũng vậy. Đúng là đôi khi bạn yêu thích mà không cần hiểu biết, nhưng sự hiểu biết làm tăng sự yêu thích, chứ không bào mòn nó. Bài thơ nói về một sự vật, đối lập với thiên nhiên, đứng cô độc giữa thiên nhiên nhưng không hòa mình với nó. Đó là mối quan hệ phức tạp giữa người nghệ sĩ và nghệ thuật, giữa nghệ thuật và thế giới tự nhiên. Thơ Wallace Stevens khách quan, lạnh lùng, mô tả sự vật, ngôn ngữ trung tính, quyết liệt, không thương cảm, cũng không có sự an ủi. Thử so sánh:
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Tế Hanh mô tả sự vật. Ông mô tả thật. Nhưng đằng sau sự mô tả ấy là cái tình quyến luyến, đi qua Hàng châu mà ngoái lại. Tôi đã đến Hàng châu, tôi nhắm mắt lại. Buổi chiều gần tối, trên băng ghế giữa quảng trường người ra về gần hết, tôi và nàng đã cãi nhau một trận kịch liệt. Sức mạnh của thơ Tế Hanh nằm ở chất tình trong suốt mà đầy đặn, cách nói giản dị của một người biết nhiều mà không nói nhiều, chọn cách bày tỏ thật thà, dễ hiểu, chạm tới trái tim người nghe. Đó là sự mô tả cảm xúc: câu thơ đi qua còn ngoái lại.
Thế, Wallace Stevens không ngoái lại, ông đi thẳng một mạch?
Bài thơ Giai thoại đặt người đọc vào thế đối diện với những khoảnh khắc hiện tại của đời mình, gương mặt khắc nghiệt và đáng yêu của đời sống, trước cái đẹp đầy khó khăn của lương tâm bí ẩn. Đối với Stevens, nghệ thuật không đại diện cho cái đẹp, không đi đôi với chân thiện mỹ. Nghệ thuật trong thơ ông là sự sắp đặt, là tập hợp các chữ mới. Không có bàn tay của con người, thiên nhiên trở thành vũ trụ hỗn độn. Bàn tay của con người chính là nghệ thuật. Cái lọ, cái bình của Steven không phải là phẩm vật nên thơ, không được trang trí, trần trụi, xám.
Đây là một ý niệm nghệ thuật của chủ nghĩa tối thiểu. Một cái lọ trần trụi không mang theo bất kỳ một cảm xúc nào, một lịch sử nào, một huyền thoại nào. Đó là một tác phẩm nghệ thuật đơn độc, không có một mối liên hệ nào với các nối kết văn hóa, một ràng buộc nào với những quy ước luân lý. Một tác phẩm nghệ thuật tồn tại độc lập, không khác gì một văn bản như trong quan điểm của Rolan Barthes, nhờ vậy mà tồn tại gần như vĩnh viễn. Nó chiếm lĩnh không gian ấy. Nhân vật tôi trong bài thơ, cũng là tác giả, là một người làm nên một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ông không nói về mình. Chỉ tác phẩm làm nên ý nghĩa. Như vậy trong thế giới của Stevens, nghệ thuật làm nên tất cả, thơ làm nên tất cả. Thực ra tác giả gần như không làm gì cả, ông chắc không phải là người sản xuất ra cái lọ như một nhà điêu khắc. Ông chỉ mang cái lọ tới đó và đặt xuống. Có thể nhân vật tôi cố tình làm thế, có thể chỉ tình cờ. Bạn nghĩ sao cũng được. Bạn nhìn cái lọ từ góc nào cũng được. Tuy nhiên sự vật quan trọng nhất là cái lọ thì vẫn đứng đó, ở vị trí trung tâm, không thay đổi, mọi thứ khác tùy thuộc vào nó, dựa vào nó.
Quan niệm nghệ thuật phản ánh hiện thực tỏ ra không áp dụng được đối với thơ đương đại. Cái lọ mở ra như một cửa ngõ của không khí. Đó không phải là một bức tranh hiện thực. Stevens không phải là người sao chép hiện thực, nhà thơ là người biến đổi nó. Sự tác động của con người đối với hiện thực không phải là một ý định có tính ý thức. Đó là những quá trình vô thức. Cái lọ không phải là một vật trang trí, nó hoang dại, nó trần trụi, nguyên thủy. Nó không dùng để trưng ra trong phòng khách.
Sự hoang dại vươn lên ở đó
Bao quanh nó, không còn hoang dại nữa
Stevens có một tuổi thơ gắn bó với một xứ sở có truyền thống làm nghề gốm. Chắc ông không xa lạ gì với nghệ thuật làm gốm, các bình, chai, hũ, chén, lọ. Những thứ của tuổi thơ ông đã làm nên bài thơ này. Stevens sống ở vùng Kentucky và Tennessee, những tiểu bang miền Nam. Những tiểu bang miền Nam thơ mộng và bảo thủ của nước Mỹ: tôi yêu chúng xiết bao.
Bài thơ của Stevens thì tối thiểu, nghiêm cẩn. Thực ra đó là kết quả của một trí tưởng tượng giàu có, sức suy nghĩ rộng khắp, một tư duy thơ gây chấn động. Tuy là người yêu thiên nhiên, nhà thơ không bộc lộ điều ấy một cách dễ dàng. Bài thơ của ông không có tính mời gọi. Cánh cửa của nó không mở, bạn tự mở lấy. Cái lọ của Stevens là một vật vô tri giác, ở ngoài sự sống, một vật tầm thường, vừa khiêm tốn vừa tự tin, nếu như nó có linh hồn. Nhưng nó không có linh hồn. Bài thơ có vẻ lạnh lùng này càng đọc càng ám ảnh tôi, càng vang dội. Tôi thường trở lại với hai nhà thơ: W. Stevens, mờ mà trong suốt, trong khi W. C. Williams trong suốt mà mờ tối. Stevens là cuộc chiến đấu của ánh sáng và bóng tối, của ý thức và hư vô, của sự sống và cái chết. Stevens là một người suy nghĩ, trong khi bác sĩ Williams là một người hành động. Thơ của Stevens ngay từ những ngày đầu tiên đã chứng tỏ một tâm hồn trưởng thành, sự vận động không ngừng của ông không phải là đi về phía trước mà là đi sâu vào thấu cõi riêng tư. Trong bài thơ của Stevens, chúng ta nghe được âm nhạc cổ điển. Trong giới hạn của thời đại mình đang sống, ông không phải là người phá vỡ các nguyên tắc âm thanh. Sự hài hước, châm biếm sang trọng, đương thời, ác liệt. Sự tưởng tượng của Stevens gần như vô tận, hướng đến tái tạo và phá hủy. Đọc thơ ông, tôi có cảm giác tiếp xúc gần gũi với sự vật, những va chạm tinh tế có phần hài hước. Cái đẹp tạo ra hình ảnh, hình ảnh thu hút cái đẹp. Cái đẹp không phải chỉ là một khái niệm thẩm mỹ. Trong tiếng Việt chữ tốt đẹp thường là một khái niệm tinh thần hoặc đạo đức, tức là tốt và đẹp. Hình ảnh khi được dùng để so sánh một vật này với vật khác liền tăng cường sức mạnh của nó. Sức mạnh của sự so sánh vượt ra ngoài mọi hiểu biết: khi được so sánh, các hình ảnh lập tức chuyển hóa, không còn là hình ảnh nữa, mà trở thành phép tưởng tượng, giúp cho người đọc và người hưởng thụ nghệ thuật vượt qua các khoảng cách.
Hài hước là sự bảo vệ các cảm xúc riêng tư.
Cảm xúc trong thơ Stevens tuy vậy bao giờ cũng hướng tới ý tưởng. Đó không phải là ý tưởng thuần lý trí, thơ vốn chống lại sự suy nghĩ này, không phải vì thơ chỉ là cảm xúc, mà vì thơ là một trí tuệ rộng rãi hàm chứa cả lý trí và cảm xúc. Các đối tượng của Stevens đôi khi có tính siêu hình và nhờ vậy ông đẩy ngôn ngữ của mình đến tận cùng biên cương của ngôn ngữ hình ảnh. Nhưng không bao giờ vượt qua chúng. Vì vậy, bất chấp những suy nghĩ sâu xa trong bài thơ, đó không phải là một bản tuyên bố mà là một sự vật, một tác phẩm nghệ thuật.