Đọc sách Giết con chim nhại của Harper Lee

Phạm Văn

 

Harper Lee, tác giả Giết con chim nhại, giải Pulitzer năm 1961, vừa qua đời ngày 19/2/2016 tại quê nhà – Monroeville, Alabama, Hoa Kỳ – ở tuổi 89. Bài đọc sách sau đây của Phạm Văn là để tưởng niệm bà.

Văn Việt

clip_image002

“Ồ, Dill, xét cho cùng thì anh ta chỉ là người da đen.”

Scout trả lời khi Dill tỏ vẻ uất ức vì thái độ miệt thị của công tố viên da trắng đối với một người da đen. Đối với Scout, người da trắng bạc đãi người da đen không làm nó căm phẫn như bạn nó. Người đọc biết Scout là đứa bé không thành kiến, sẵn sàng đón nhận mọi điều rồi nhào nặn lại trong đầu óc non nớt của nó, và nó nói câu trên như thể thái độ trịch thượng của dân da trắng đối với người da đen là bình thường. Chỉ bằng một câu nói của Scout, tác giả Giết con chim nhại (Harper Lee, To Kill A Mockingbird) cho thấy tư tưởng kỳ thị chủng tộc đã thấm sâu vào tâm trí con người nơi Scout sống – ở đó dân da màu bị coi như sinh vật hạ đẳng có thể bị ngược đãi là điều không có gì đáng phải bực tức.

Giết con chim nhại xảy ra vào thời kinh tế khủng hoảng thập niên 1930 ở Maycomb, bang Alabama. Người kể chuyện là đứa bé gái 6 tuổi Scout Finch, sống với anh Jem, cha là Atticus, bà giúp việc da đen Cal, và có một đứa bạn láng giềng là Dill. Ba đứa trẻ vừa sợ vừa tò mò về Boo Radley, một nhân vật bí ẩn trong xóm mà chúng chưa bao giờ thấy mặt. Cả thế giới của chúng chỉ quanh quẩn với vài ba láng giềng, nơi “chẳng có gì vội, vì chẳng có chỗ nào để đi, chẳng có gì để mua và không có tiền để mua, chẳng có gì để xem bên ngoài địa phận hạt Maycomb”.

Trong khi đó, toà án Maycomb giao Atticus nhiệm vụ biện hộ cho anh da đen Tom Robinson. Tom bị gán tội hãm hiếp Mayella, một thiếu nữ da trắng. Thái độ của dân da trắng tại thị trấn về vụ án và dân da đen rất phức tạp, từ cam chịu đến kỳ thị, ngay cả sự kỳ thị của họ chưa hẳn là có ý thức mà đôi khi chỉ là tập quán, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ công bằng đến đạo đức giả… Nhưng phần lớn họ dè bỉu Atticus. Để vượt qua các biến cố kinh hoàng liên quan đến vụ án, Scout quan sát người thân, láng giềng, và toàn bộ dân Maycomb, để rồi rốt cuộc nó chợt thấy trưởng thành lúc đứng trên hiên nhà kẻ đã cứu mạng nó.

Đề tài kỳ thị chủng tộc tại một thị trấn hẻo lánh ở Mỹ gần một thế kỷ trước có thể không hấp dẫn chúng ta lắm, nhưng Harper Lee hóm hỉnh lôi cuốn người đọc qua lời kể trẻ con của Scout. Maycomb là một xã hội tù đọng được mô tả qua suy luận phóng đại của Jem, trí tưởng tượng láu lỉnh của Dill, và nhận xét mộc mạc của Scout. Đôi khi chúng ra vẻ chững chạc của đứa trẻ muốn làm người lớn, đôi khi thông minh một cách ngây thơ, hay cường điệu sai sự thật. Giá trị tác phẩm không nằm ở cách giải quyết vấn đề lớn mà nó đề cập đến, mà ở cách tác giả dẫn người đọc đi theo những suy nghĩ và biến đổi của ba đứa trẻ trong bối cảnh xã hội ấy.

Scout, Dill và Jem lớn lên ra sao trong một Maycomb chật hẹp?

Jem là đứa nhiều tưởng tượng và sáng kiến. Nó biết xoay xở đắp một người tuyết, dù tuyết rơi chỉ đủ để làm “một em bé tuyết” hay “một người tuyết da đen”. Nó sửng sốt khi thấy Cal, bà người làm da đen, đã học chữ bằng cuốn sách giải thích luật Anh quốc, chỉ vì tác giả bộ sách “viết tiếng Anh giỏi”. Jem có những nhận xét tinh tế về cha: “Atticus nhịp bàn chân lúc radio cò cưa nhạc, và chưa thấy ai thích món xúp rau [nhà nghèo] bằng ổng”, tương tự với nhận xét của Scout: “phải là một ông già nhà quê như Atticus mới nhận ra mùi thịt sóc túi và thỏ” toả ra từ các món ăn thơm ngon trong khu nhà của người da đen.

Sau khi Tom bị bồi thẩm đoàn kết án chỉ vì anh là người da đen, bản năng nhạy cảm của Dill bật lên tuyên bố “tao sẽ là thằng hề kiểu mới”, một thằng hề không làm trò cười cho thiên hạ mà chính nó sẽ đứng giữa vòng rồi cười thiên hạ. Thái độ đối đầu ấy có vẻ trẻ con, nhưng có lẽ rất hợp lý, và cũng là phản ứng nhanh nhẹn của con chim cắt săn mồi. Đứa bé lắm mưu mẹo buồn cười và khôn lỏi này sắc bén hơn nhiều người trong phòng xử chật ních ấy, một đứa trẻ biết khóc biết cười trước cảnh bất công mà không cần lý luận dông dài.

Scout giỏi quan sát và biết suy nghĩ độc lập. Nó thích bắt chước bọn trẻ cùng lứa dùng những chữ thô tục dù không rõ nghĩa, hay những chữ phức tạp của luật sư ngoài sức hiểu của nó mà nó đã nghe cha nói. Nó thường tìm đến cha mỗi khi gặp khó khăn, tuy nó thấy ông “có vẻ kém khả năng và thiếu hùng dũng”. Nó vừa ngưỡng mộ vừa ganh đua với anh. Nó theo anh đi khắp nơi, lẻn vào vườn cải nhà Radley, đến nhà bà Dubose “độc ác nhất trần đời”… Để bênh vực cha và anh, nó sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ ai – Walter Cunningham và Cecil Jacobs cùng lớp, thằng cháu họ Francis hơn nó hai tuổi, kể cả bà cụ Dubose có giấu khẩu súng dưới đống khăn choàng của bà – nếu nó không bị cha cấm. Scout không khái quát hoá sự việc, nó hiểu sự việc theo nghĩa đen qua hình ảnh cụ thể, và như Jem nhận xét, nó “không giữ được cái gì lâu trong đầu”. Nó tấm tức khóc, nhưng cũng đãng trí ngay khi nghe tiếng đồng hồ tích tắc nho nhỏ trong ngực áo của cha, hay quên ngay khi được anh nó đưa cho thỏi kẹo để phải nhai thành một cục vừa trong miệng.

Sự trưởng thành của Scout còn được mô tả qua mối liên hệ giữa nó với Cal, cô Maudie và cô Alexandra. Từ những cuộc đụng độ “bi hùng và không ngang sức” giữa nó với Cal, “Calpurnia luôn luôn thắng, phần lớn vì Atticus luôn luôn về phe với bà”, tới ước muốn của nó được đến nhà bà “để thấy bà sống ra sao, bạn của bà là ai”. Nó đánh giá cô Maudie là một bà “tương đối vô hại” trong xóm, dần dần cô trở thành bạn để nó tâm sự mỗi khi cô đơn. Ngay cả với cô Alexandra, đối thủ của nó trong sinh hoạt hàng ngày, nó vẫn biết noi gương bà (hay ganh đua) để tiếp khách “bằng kiểu cách tiếp khách giỏi nhất của mình”, khi thấy bà bị xúc động mạnh mà vẫn có thể tỏ ra là một phụ nữ lịch thiệp.

Đến cuối truyện, Scout tổng kết kinh nghiệm của nó trong hai năm đầy biến cố, nó “cảm thấy rất già”, nó nghĩ Jem và nó sẽ lớn lên “nhưng chẳng còn gì nhiều để chúng tôi học nữa, có lẽ ngoại trừ môn đại số” – chắc nó lại nghe lỏm từ anh nó về môn học rắc rối này. Đứng trên hiên nhà Boo Radley, nó lan man nhớ lại một cách nôm na lời khuyên của Atticus, rồi triết lý vụn: “mình sẽ không bao giờ thật hiểu một người cho đến khi khi mình xỏ chân vào giày của người đó rồi đi loanh quanh thì mới biết. Đứng trên hiên nhà Radley cũng là đủ [để hiểu Boo]”.

Vào thời điểm người ta trịnh trọng gọi nhau là “sir” hoặc “ma’am” hoặc “miss”, nhưng người da trắng có thể thản nhiên gọi một người da đen là “boy”, bất kể tuổi tác, bất kể địa vị trong xã hội, Harper Lee lặng lẽ xây dựng nhân vật, và bà để thế giới quen thuộc xung quanh họ từ từ đổ xuống như nó phải đổ. Tác giả dẫn người đọc đi từ cuộc sống trầm lắng và tẻ nhạt ở Maycomb đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội, không bằng lời rao giảng nhàm chán hay trịnh trọng, mà bằng những nhận xét hài hước hồn nhiên của bọn trẻ đang lớn và phải lớn.

Qua cái nhìn của Scout, chúng ta thấy Atticus hình như lúng túng khi đứng trước bồi thẩm đoàn để biện hộ cho Tom, để phân tích hệ thống tư pháp của đất nước ông và thực trạng xã hội của quê ông bằng những lời mà một đứa trẻ 8 tuổi cũng có thể hiểu. Những lời biện hộ ấy không hùng hồn mà đôi khi có chút ngập ngừng, chen lẫn với mô tả về sự kiêu kỳ quý tộc hoặc vẻ khiêm tốn bình dân của cư dân Maycomb. Scout sẽ thay đổi cách nhìn về thế giới quanh nó mỗi khi có một sự kiện mới, vì thế nó dẫn chúng ta khám phá nhiều góc cạnh, nhiều tầng lớp chìm sâu của cuộc sống một cách vừa trẻ con, vừa tế nhị.

Vấn đề lớn, hoặc nhân vật toàn trí toàn năng, không nhất thiết sẽ làm nên tác phẩm lớn. Scout và Dill, cũng như Chí Phèo và Thị Nở, Xuân tóc đỏ và quả bóng quần vợt, cô Mùi và nhà mẹ Lê, họ chỉ sống trọn từng ngày bằng tất cả khả năng tầm thường của họ, họ không lên gân avant-garde, không thời thượng làm dáng, nhưng họ làm chúng ta nghĩ lại mình và nhìn lại quanh mình. Mỗi khi nghĩ tới xã hội làng Vũ Đại mà chúng ta đang sống, thì dường như Chí Phèo và Xuân tóc đỏ và Dill phải như thế, và chúng ta ước ao trong xóm Cầu Mới có cô Mùi, hay thị trấn Maycomb có Scout. Họ sinh động trước mắt chúng ta, họ là những tuyệt tác, và trong một chừng mực nào đó họ là những con chim nhại cất tiếng hót chơi để kể câu chuyện đời thường.

*

Con chim nhại phảng phất trong suốt tác phẩm của Harper Lee. Vào một buổi tối không trăng cuối tháng Mười, “tít trên cao trong bóng đêm, một con chim nhại lẻ loi đang sung sướng trút ra hết các bài hát sở trường của nó mà không biết nó đang đậu trên cây của ai, náo nức đổi từ tiếng ki-ki the thé của chim hướng dương, qua tiếng quác-quác cáu kỉnh của chim giẻ xanh, tới tiếng than vãn u-ơ u-ơ u-ơ buồn bã của chim đớp muỗi.”

Atticus dặn đứa con trai: “[…] giết con chim nhại là tội lỗi”.

Scout đem câu nói ấy hỏi cô Maudie bên nhà đối diện, cô xác nhận một cách giản dị: “Loài chim nhại chỉ hót cho mình thưởng thức chứ chẳng làm gì khác. Nó không ăn hết vườn tược của người ta, không làm tổ trong kho bắp, nó không làm gì ngoài việc hót cho mình nghe bằng cả tấm lòng của nó. Vì vậy giết con chim nhại là tội lỗi.”

Như một con chim nhại, Tom hết lòng giúp cho cuộc sống của Mayella dễ chịu hơn, vui thú hơn, mà không đòi hỏi điều gì. Và giữa những điều xảy ra dồn dập trong toà án, một đứa bé như Scout đã nhận thấy Mayella “có vẻ lén lút, giống như con mèo ngoe nguẩy đuôi không chớp mắt”. Con mèo Mayella giết con chim nhại Tom để xoá đi chứng cớ cho thấy cô đã vi phạm những quy ước xã hội của họ. Tội của con chim nhại là đã cất lên tiếng hót làm đẹp cuộc sống nhưng nó không biết nó đang ở đâu – tội của Tom là đã giúp Mayella ở Maycomb. Trong khi đó, Maycomb không chấp nhận để cho trật tự xã hội của họ bị đảo lộn, không cho phép cho một kẻ da màu “tội nghiệp” một người da trắng, dù kẻ da trắng ấy đã bị cả thị trấn ruồng bỏ.

Ngay cả Atticus cũng mang hình ảnh xa xôi của con chim nhại qua lời buộc tội của Mayella, vì cô cho rằng Atticus “nhại” cô, chế giễu cô, trong khi ông chỉ tỏ ra lịch sự theo phép thông thường của một người đối với một người khác. Con chim nhại lặp lại những gì nó nghe được – Atticus chỉ tái hiện lại sự việc đã xảy ra giữa Mayella và Tom, mô tả lại sự thật, một sự thật khác với lời khai của Mayella, sự thật về xã hội của họ, của Maycomb, đôi khi trái ngược với lòng tự tin cao ngạo nhưng phù phiếm đã thành nếp trong tâm trí của nhiều người.

Boo Radley là một con chim nhại khác. Từ nhiều năm Boo đã chọn không giao thiệp với ai, nhưng Boo đem lại niềm vui cho trẻ con, ông bí mật để quà trong bọng cây sồi nơi Jem và Scout đi qua mỗi ngày trên đường đến trường, ông lặng lẽ quàng cái chăn cho Scout lúc hai anh em nó đứng trước cổng nhà ông trong đêm lạnh giá khi một nhà trong xóm bị cháy. “Ông cho chúng tôi [Scout và Jem] hai con búp bê bằng xà phòng, một cái đồng hồ hỏng với sợi dây đeo, hai đồng xu may mắn, và mạng sống của chúng tôi”. Trải qua bao nhiêu biến cố, và khi rốt cuộc đã thấy Boo Radley, Scout chợt hiểu rằng Boo nên tiếp tục cuộc sống cô độc cũng như con chim nhại lẻ loi trên cành, và nếu buộc Boo ra khỏi nhà, dù dưới con mắt khâm phục của láng giềng, thì cũng là điều tội lỗi.

Dường như toàn thể thị trấn Maycomb, trừ một số ít người, hùa nhau giết những con chim nhại. Những con chim nhại lẻ loi với số phận và cá tính hoàn toàn khác nhau, nhưng cần thiết cho Maycomb, vì nó giúp Mayella đỡ vất vả trong việc nhà, giúp Maycomb lần đầu tiên có một bồi thẩm đoàn da trắng đắn đo rất lâu trước khi kết án một người da màu, và giúp mang lại những món quà trìu mến cũng như bảo vệ mạng sống của hai đứa trẻ. Trong một chừng mực nào đó, Scout cũng là con chim nhại của người đọc. Và như Atticus mong ước, chúng ta theo dõi sự trưởng thành của nó qua lời kể hăm hở và chất phác, và hy vọng nó sẽ đối đầu với thực tế mà “không cảm thấy cay đắng” vì những điều xấu xí đã và đang xảy ra.

Tháng Giêng năm 2015

Comments are closed.