Đối mặt với nỗi đau của người khác

Dương Thắng

Tháng 10 năm 2004, trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tràn ngập hình ảnh của Margaret Hassan, nữ giám đốc của tổ chức nhân đạo CARE tại Iraq, người đã bị một nhóm những kẻ khủng bố không rõ danh tính bắt cóc và sau đó hành hình, đoạn băng ghi lại cuộc hành quyết này đã được những kẻ khủng bố gửi tới hãng thông tấn Al-Jazeera. Trước khi bị hành quyết Hassan đau đớn khẩn cầu các quốc gia hãy làm mọi cách để giữ lại mạng sống cho mình. Thế giới hiếm khi nhìn thấy một bức ảnh đầy bạo lực như thế: Gương mặt của một người phụ nữ bị biến dạng bởi nỗi kinh hoàng và đau đớn. Đây không phải là một đoạn phim hư cấu mà là một tình huống thực tế khủng khiếp trong đó những kẻ bắt cóc khác đã vượt qua mọi giới hạn của sự tàn bạo. Chúng ta cần phản ứng thế nào với hình ảnh này khi biết rằng chúng ta không thể làm gì để cứu cô ấy? Chúng ta cần có thái độ như thế nào khi nhìn vào hình ảnh của đau khổ? Thế nào là một phản ứng đúng đắn về mặt đạo đức đối với những điều được diễn tả trong những bức ảnh đó? “Nhìn” có nghĩa là gì khi nhìn những bức ảnh ghi lại sự tàn ác khủng khiếp này? Sự khác biệt là gì giữa việc xem những bức ảnh này và hiểu thông điệp của nó? Đây là những vấn đề nan giải mà Susan Sontag đã đề cập tới trong tác phẩm Trước nỗi đau của người khác – về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực.* Cuốn sách như là một tập hợp các câu hỏi day dứt của mỗi người trong chúng ta về cách phản ứng đối với những bức ảnh ghi lại sự tàn bạo.

1. Trước nỗi đau của người khác được bắt đầu bằng một ví dụ về sự khác biệt. Sontag nhắc nhở chúng ta nhớ lại tác phẩm Ba đồng ghi-nê của Virginia Woolf, được xuất bản năm 1938, ở vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Hồi đáp cho câu hỏi của một luật sư nổi tiếng của Luân Đôn đặt ra cho bà “Theo quan điểm của bà, chúng ta phải ngăn chặn chiến tranh như thế nào?”, trong Ba đồng ghi-nê, Woolf đã đứng trên lập trường nữ quyền để nói về chiến tranh. Bà viết: “Đây không phải là cuộc chiến tranh của chúng tôi, mà là của các ông – cuộc chiến của đàn ông trong thế giới những người đàn ông”. Bà nói: “Cỗ máy giết người có giới tính và và giới tính đó là đàn ông”. Woolf đã tuyên bố dứt khoát như vậy.

2. Trở thành khán giả chứng kiến những thảm họa đang xảy ra ở một đất nước khác giờ đây đã là một trải nghiệm đặc biệt của thế giới hiện đại, một trải nghiệm đã được tích lũy từ hơn 150 năm nay bởi những “vị khách du lịch đặc biệt trong một chuyên ngành” mà chúng ta gọi là những phóng viên chiến trường. Thông qua các hình ảnh và những âm thanh, chiến tranh giờ đây đang hiện diện hàng ngày hàng giờ trong phòng khách của mỗi gia đình. Những cảnh đau buồn được ném lên màn hình để được rồi được đáp trả bằng lòng trắc ẩn, sự phẫn nộ, sự kích động hay niềm khao khát trả thù nơi người xem.

3. Làm sao chúng ta có thể nhận thức được hình ảnh chiến tranh từ vị trí cá nhân của mình: vị trí một người đàn ông, một phụ nữ, một người trưởng thành hoặc còn trẻ, có học thức cao hoặc thấp, là người Mỹ, người Nga, người Ukraine, người Israel hay Palestine hoặc những dân tộc khác, những người gần gũi hoặc xa lạ với các nạn nhân? Không, Sontag nhấn mạnh rằng cái vị trí “chúng ta” này không nên được coi là đương nhiên, khi nhìn vào nỗi đau của người khác. Đứa trẻ bị giết bởi một vụ đánh bom không phải là một đứa trẻ “Palestine”, cũng không phải là “Israel”. Những nỗi đau khổ và cái chết mà chúng ta chứng kiến chỉ đơn giản là những cái chết của những đứa trẻ. Và bởi vì đó chỉ ngắn gọn là trẻ em, và không có bất kỳ tính từ gắn liền với từ này, những hình ảnh lan truyền trên toàn thế giới này, sẽ có tác dụng như một lời kêu gọi những hành động nhân đạo vĩ đại và dũng cảm nhất trong lịch sử.

4. Tuy nhiên, luôn có một khoảng cách không thể tránh khỏi giữa khách thể và chủ thể, giữa nhân chứng và nạn nhân, một khoảng cách không chỉ nằm ở loại và mức độ đau khổ mà chúng ta (với tư cách là người quan sát và những người khác là nạn nhân) thử nghiệm, mà còn nằm ở sự xa cách về không gian và thời gian. Từ đây nảy sinh vấn đề về giới hạn trách nhiệm cá nhân và khả năng hiểu nỗi đau của người khác. Đối mặt với hình ảnh tàn bạo, như Sontag đã viết, chúng ta thường thấy mình ở vị trí “khán giả” hoặc “kẻ hèn nhát”. Với cả hai tư thế đó, chúng ta đều không thấy thoải mái.

5. Cuốn sách của Sontag là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề về khoảng cách giữa chúng ta và nỗi đau của người khác, một vấn đề đã hằn sâu trong nhiếp ảnh và điện ảnh. Và nếu không thể triệt tiêu được cái khoảng cách này thì ít nhất cũng phải thấu hiểu được nó. Một nỗ lực như vậy thực sự là quan trọng và cao quý, bởi vì trong một thế giới tràn ngập hình ảnh và các thông tin về thảm họa, chúng ta thực sự có nguy cơ mất đi cảm giác về thực tế, hoặc tệ hơn là mất đi cảm giác đồng cảm với những người đang đau khổ. Một khi chúng ta mất đi sự đồng cảm, chúng ta sẽ mất đi nhân tính. Trong cuốn Trước nỗi đau của người khác, Sontag cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm của việc suy giảm cảm xúc đạo đức của chúng ta. Bà không cực đoan đến mức cho rằng những hình ảnh thực tế của chiến tranh đầy bạo lực phải được giữ bí mật, nhưng bà đã cảnh báo về nguy cơ khi việc chứng kiến nỗi đau của người khác bị lợi dụng một cách tàn bạo đến mức ý thức đạo đức và ý chí hành động của người xem bị khuất phục bởi sự thờ ơ và ý muốn khước từ hành động.

6. Nguy cơ hình ảnh “quá bão hòa” là một hiện tượng mới mẻ. Đó là một sự đảo ngược. Cho đến tận thế kỷ 19, đa số người dân chưa thể tận mắt nhìn thấy sự khủng khiếp và đau khổ của chiến tranh, đối với họ chiến tranh thật lãng mạn, các bãi chiến trường thì xa xôi về không gian và thời gian, chiến tranh đối với đa số người dân là câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng và danh dự. Họ không nhận thức được thực tế khủng khiếp của chiến tranh. Chúng ta có thể tha thứ cho sự ngây thơ của họ bởi họ là nạn nhân của sự tuyên truyền và giáo dục quốc gia. Một trong những ví dụ điển hình nhất về kết quả tuyên truyền của các quốc gia vào đêm trước của Thế chiến I, những cỗ máy tuyên truyền coi chiến tranh là chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh vì lợi ích của cộng đồng. Năm 1914, sau gần một trăm năm hòa bình, người châu Âu không còn nhớ chiến tranh là gì. Hơn nữa, họ được dạy phải tin rằng đó là điều tốt. Ngày nay, hình ảnh bạo lực quân sự hiện diện khắp nơi. Chúng ta biết chiến tranh là gì. Những hình ảnh này đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đối với Chiến tranh Iraq, đóng vai trò to lớn trong tình cảm phản chiến trong những năm 1960 và trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng cũng góp phần làm lan rộng sự thờ ơ. Ngày nay, chúng ta được tiếp xúc bởi dòng hình ảnh và báo cáo trực quan liên tục về những cảnh đổ máu ở Ukraine, ở dải Gaza và Trung Đông cũng như ở Châu Phi. Tiếp xúc quá nhiều khiến chúng ta một lần nữa quên hoặc muốn quên rằng bạo lực và đau khổ là có thật.

7. Nhiều thập kỷ đã trôi qua và phần lớn hoạt động báo ảnh ngày nay đã xa rời các nguyên tắc đạo đức mà các nhiếp ảnh gia tiền bối đã nêu ra. Giờ đây theo nhận định của Sontag “những bức ảnh trở nên dễ đọc một cách thô bạo”. Hơn nữa, nếu như trước kia chỉ có các phóng viên ảnh là những người “khách du lịch chuyên nghiệp” duy nhất có thể mô tả trực quan sự tàn bạo của chiến tranh, thì giờ đây, các binh sĩ cũng có thể chụp với những chiếc điện thoại di động và gần như ngay lập tức có thể chia sẻ góc nhìn nhiếp ảnh của họ về chiến tranh với mọi người trên toàn cầu. Truyền hình đã cách mạng hóa việc đưa tin về chiến tranh; nhiếp ảnh kỹ thuật số cũng đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta chứng kiến chiến tranh với tư cách là những khán giả. Công nghệ số khuyến khíchquá trình “toàn cầu hóa đau khổ”, nhưng việc phổ biến ảnh về chiến tranh thông qua những người không chuyên đang gây ra những hậu quả đáng tiếc, bao gồm cả kiểm duyệt. Trớ trêu thay, trong “thời đại quá tải thông tin” của chúng ta, khi những hình ảnh và video đồ họa về các vụ hành quyết con tin có thể dễ dàng truy cập được trên Internet, thì những bức ảnh và đoạn phim về những vụ hành quyết tương tự của phía bên kia lại bị ngăn chặn trên các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ. Công chúng Mỹ chỉ được phép tiếp cận với các hình ảnh đã được cắt xén mô tả các tù nhân bị tra tấn bởi những người lính Mỹ hả hê trong nhà tù Abu Ghraib của Iraq (các sự kiện được giảm xuống thành một uyển ngữ “lạm dụng tù nhân” trong các tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ). Nếu chúng ta không vô cảm trước nỗi đau của người khác, thì việc lan truyền thiên lệch những hình ảnh như vậy sẽ gây ra hậu quả gì? Lịch sử cho thấy những bức ảnh có thể trở thành “vật tổ của những nguyên nhân” và, như đã được chứng minh trong Chiến tranh Việt Nam, một hình thức phê bình chuẩn mực đủ mạnh có khả năng làm bùng phát những nỗ lực phản chiến và làm tê liệt ý chí hiếu chiến của cả một đạo quân.

8. Susan Sontag là một nhân vật tiêu biểu của giới trí thức cánh tả Hoa Kỳ, một ủng hộ viên nhiệt thành cho tư duy tự do và luôn dấn bước theo truyền thống cao quý của các nhà văn lỗi lạc như Rousseau, Voltaire hay Zola. Trong những năm cuối đời, bà đã công khai lên tiếng phản đối các chính sách và “kế hoạch thống trị thế giới’ của George W. Bush. Sau vụ khủng bố 11/9, bà đã viết một loạt tiểu luận phê phán chính quyền Mỹ và cảnh báo về “sự kết thúc của nền Cộng hòa, sự khởi đầu của Đế chế”. Kết quả là Sontag đã nhận được vô số những lời đe dọa trực tiếp đến tính mạng và những cáo buộc mang tính phỉ báng. Bất chấp những lời vu khống cay nghiệt của họ, phong cách ăn nói của Sontag vẫn không hề thay đổi, sức mạnh tinh thần của bà vẫn luôn vững vàng, tâm trạng của bà không nhuốm màu cay đắng hay cay độc. Sontag không bao giờ cho rằng mình là người hoàn hảo cũng như không bao giờ đưa ra những khẳng định “tự tin thái quá”.

9. Trong tác phẩm Trước nỗi đau của người khác này, những suy ngẫm của bà về nỗi đau khổ của người khác sẽ khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy tiến hành xem xét nội tâm một cách kỹ lưỡng, đánh giá lại nhận thức và sự hiểu biết của chúng ta về nỗi đau của người khác và cuối cùng, đặt câu hỏi về khả năng đồng cảm hoặc thông cảm của chúng ta, cũng như niềm tin và giá trị sâu sắc nhất của chúng ta. Không được phép dung túng, thờ ơ hay coi thường nỗi đau khổ của con người, mỗi chúng ta phải phân tích nó. Với chúng ta, việc áp dụng tư duy phê phán không chỉ thể hiện ở cái cách chúng ta nhìn những bức ảnh ghi lại những hành động tàn bạo và tìm kiếm ý nghĩa của việc nhìn chúng, mà còn vào cách chúng ta viết và đọc về chúng – và thậm chí cả việc chụp chúng.

10. Hình ảnh về những nỗi đau khổ, dù là nhiếp ảnh hay phim ảnh, là một ký ức nói trực tiếp và nói bằng một ngôn ngữ duy nhất cho tất cả các thế hệ. Nguy cơ kiệt sức do tràn ngập hình ảnh các nạn nhân của bạo lực luôn hiện diện, không thể tránh khỏi trong thế giới hiện đại và không thể giải quyết bằng các biện pháp kiểm soát truyền thông giả tạo. Quan trọng nhất, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra, nhiệm vụ của chúng ta là không làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Tôi nghĩ đây là kết luận của Sontag và cũng là của chúng ta.


* Susan Sontag: Trước nỗi đau của người khác – Về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực. Chu Đình Cường dịch. NXB Tri Thức, Hà Nội, 2020.

Comments are closed.