Đường bay của hạnh phúc

Đỗ Hồng Ngọc

[142708]Soi_to_nhen__Coa_Huy_Thuan

(đọc Sợi tơ nhện của Cao Huy Thuần, NXB Trẻ, 2015)

[…] Cao Huy Thuần giăng một sợi tơ, chỉ là cái cớ kéo ta vào đường bay của hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lấp lánh ánh vàng.

Anh nói về cái Chết, về Tình yêu. Bởi hai cái đó vốn là một. Không thể có cái này mà không có cái kia. Trong tình yêu cũng như trong cái chết thì người ta mới nhận ra “vô ngã”. Mà vô ngã là Niết bàn.

Đọc Cao Huy Thuần sảng khoái, như phát hiện giữa những trang sách một kho tàng bí mật, lấp lánh ánh vàng, bởi đó là những lời Phật dạy. Anh làm tour-guide, người dẫn đường, khai thị. Anh nói về cái chết, về linh hồn. Anh dẫn các triết gia đông tây kim cổ để rồi kết luận không có cái chết, cũng chẳng có linh hồn nào bất tử! Trịnh Công Sơn cũng bảo: “Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên/ và có đâu bao giờ đâu có cái chết sau cùng”. Tuệ Sỹ cũng viết đại ý, cái tử chỉ là chấm dứt của một giai đoạn tạm thời cũng như cái sinh là khởi đầu của một giai đoạn tạm thời khác”.

Tôi hiểu vì sao Bùi Văn Nam Sơn viết trong lời giới thiệu “… Sao lạ, cứ đọc xong vài chuyện tôi phải dừng lại khá lâu, có lúc muốn đọc lại. Một cảm giác thật hiếm gặp: vừa bồi hồi, xao xuyến, vừa thấy lòng mình trong trẻo, mát rượi, không gợn một chút bứt rứt hoang mang”. Vậy là thanh tịnh đó. Vậy là hạnh phúc đó.

“Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận”. Bởi đó là đường bay của hạnh phúc lấp lánh ánh vàng!

Hoa đào năm ngoái (tr.98), dĩ nhiên “còn cười gió đông” rồi. Cao Huy Thuần luận về chữ “còn” trong câu thơ Nguyễn Du. “Còn” thế nào được cơ chứ? Hoa đào năm ngoái rụng sạch hết rồi. Hoa đào là của năm nay đó chứ. Nhưng với chàng Kim Trọng, nhất định hoa đào năm ngoái vẫn còn đó, còn đó vì vẫn còn thấp thoáng bóng nàng Kiều. Cao Huy Thuần mượn chữ “còn” để luận thời gian. Thời gian của quá khứ hiện tại và tương lai. Luận một lúc, thì ra chả có quá khứ hiện tại vị lai gì cả. Chỉ có cái khoảnh khắc ở đây và bây giờ thôi. Biết sống là sống với cái khoảnh khắc đó. Không thì thôi.

“Chỉ có cái khoảnh khắc ấy là có thật. Cái khoảnh khắc ấy chứa đựng tất cả. Thấy để làm gì? Đâu phải để bàn hươu tán vượn triết lý suông. Mà để sống”. Đó là một cách nói khác về một bài kinh của Phật: Người biết sống một mình: Dĩ vãng đã qua rồi/ Tương lai thì chưa tới… Marc Aurèle của Hy Lạp cổ đại có một cách hay: vẽ một vòng tròn nhỏ cho hành động trong một vòng tròn lớn mênh mông của thời gian. Khoanh tròn cái gọi là hiện tại và chia nhỏ ra thành từng khoảnh khắc như những nốt của một bản hoà âm. Hãy đừng muốn cái gì khác ngoài cái ta đang có, thương cái đó, yêu cái đó, amor fati, Nietzsche nói. Nhưng không quên cái vòng tròn lớn của thiên nhiên.

Thác là thể phách (tr.167), lại bàn về chữ “còn” khác: còn là tinh anh. Dẫn từ Socrate tới Sartre, từ Lamartine tới Marcel Proust đến Nguyễn Du…

Cái gì còn? Còn cái gì? Tưởng là linh hồn mà không phải. Không có một cái linh hồn bất biến nào cả. Cao Huy Thuần nói đến tiền kiếp, đến nghiệp, nhân quả, duyên sinh…

Ông nhắc lời Phật: hãy niệm tử. Hãy nhớ đến cái chết. Cái chết không xa lạ. Nó thân quen và gần gũi xiết bao. Nhiều điều trong cuộc sống không thể biết chắc nhưng cái chết thì biết chắc, lúc nào đó, cách nào đó. Phật dạy phải niệm tử. Và nói thêm: Ai làm bạn với Thần chết thì Thần chết chẳng làm khó dễ mình! Đã là bạn bè, ai nỡ làm khó dễ nhau! Bây giờ y học cũng nói đến không chỉ “Chất lượng cuộc sống” mà cả “chất lượng cuộc chết” rồi đó!

Phỏng vấn (tr.232) với ba nhân vật: Người thứ nhất, Descartes, người của ý thức, của lý trí. Khi bàn về sự đam mê trong tình yêu, ông bảo: “Hiền nhân không chạy theo đam mê mà hãy suy xét”, hãy dùng lý trí rọi ánh sáng vào đam mê. Người thứ hai. Freud, người của “vô thức”. Vô thức mới quan trọng. Tất cả dồn nén vào vô thức. Cái “Tôi” quờ quạng “do những xung động, bức bách” gây ra đều là đã bị “Cái ấy” và “Siêu tôi” giật dây! Người thứ ba, một nhà Sư: “Sóng từ đâu đến. Từ biển. Nó trở về đâu. Về biển. Biển và sóng đều cùng một thể”. Và Sư kết luận: Vì thế nên tôi nghĩ phương thuốc để chữa bệnh vướng mắc của ông là học chữ “Không”. Chữ không, tánh không (Sanyata) này dĩ nhiên là chân không của diệu hữu. Chỉ thấy chân không mà chưa thấy diệu hữu cũng không xong. Tiền thức, Mạt-na-thức và A-lại-ya thức phải chuyển thành trí – đại viên cảnh trí hay nhất thiết chủng trí – thì mới giải quyết được vấn đề vậy.

Bướm bay (tr.295) tưởng Cao Huy Thuần nói chuyện bay bướm, ái tình chi đó bởi trong bức thư mở đầu khá ướt át: Em chưa quen của tôi… rồi Em bắt đầu quen của tôi và rồi Em đã quen và thương mến của tôi… cứ tưởng anh đang tán tỉnh một cô nàng tuổi ba mươi như ông lão André Maurois viết cho người đàn bà không quen biết (lettres à l’inconnue) ngày nào, nhưng không. Đó là chuyện những cánh bướm… chập choạng chết hàng loạt, sẽ có ngày tuyệt chủng vì hoá chất, vì các thức ăn đã bị cấy ghép gene diệt bướm!…“Giận con người đã làm thương tổn thiên nhiên. Con người quá thông minh… chỉ muốn vắt sữa thiên nhiên, hút máu thiên nhiên, cuồng bạo trước thiên nhiên. Con người không biết đọc lời kinh chép trên cánh bướm”.

Phải, chỉ có cái đẹp mới cứu rỗi. Cánh bướm chẳng đẹp sao? Như Lai đã chép trên đó.

Cho nên ta không thể ngắt một bông hoa

Mà không làm rộn một ngôi sao, F. Thompson.

Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận, Cao Huy Thuần chia sẻ.

Bởi đó là đường bay của hạnh phúc lấp lánh ánh vàng!

Đ. H. N. (Sài Gòn 9.7.2015)

Nguồn: http://thegioitiepthi.net/gia-dinh/duong-bay-cua-hanh-phuc/

Comments are closed.