Đáy nước thiên thu…

Lê Thị Tuyết Hạnh

clip_image002

Có những nỗi buồn không sao an ủi được…

Những hình tượng làm sắc nét hơn gương mặt tinh thần của nhân vật trữ tình qua bức Tự họa[1] của Vũ Khánh: “chỉ có mình tôi trên thế gian này”, “cũng như tôi lại lẫn vào với bao kẻ khác”. “Duy có mắt màu ghi hơi buồn” đối lập với “trên môi sẵn nụ cười thường trực” cho thấy một cuộc chiến âm thầm mà không kém phần khốc liệt trong tâm hồn, suốt hành trình thơ và cuộc đời anh – một người vốn điềm đạm, chỉn chu phận sự. Cuộc chiến ngay trong một phận người, giữa dòng đời. Sự sống và cái chết. Trần tục và thanh tao. Cao cả với thấp hèn. Tồn tại mưu sinh và một cuộc đời có nghĩa. Những câu hỏi luôn day dứt những cá thể người, bởi là người chính là có trách nhiệm, trong đó bao gồm trách nhiệm với những khát vọng con người. Trái tim nghệ sĩ bẩm sinh được cài đặt tần số riêng để có thể cảm nhận ba động cuộc đời nhạy bén hơn, cùng với đó là tài sản mà cũng là gánh nặng không thể thoái thác và trao đổi cho ai: nỗi buồn…

Không khó khăn để nhận ra nỗi buồn là gam màu chủ đạo, cũng là hình tượng ám ảnh bức tranh Hoa Trạng nguyên, dù tập thơ mang cái tên rạng rỡ màu hoa đỏ được lấy từ một bài trong tập – cái tên gợi niềm hy vọng, biểu tượng công danh, khoa bảng phương Đông hay phước lành Thiên Chúa của phương Tây. Dầu vậy, bản chất đó lại là niềm tuyệt vọng trong cùng cực cô đơn: “Nhưng thôi hoa đỏ trong trời lạnh/ có lẽ mùa xuân đã đến gần. sự phân thân, tự mình an ủi lấy mình trên hành trình đơn độc, giữa lạnh giá cõi người…

Trong dòng đời chảy trôi màu xám ấy, lựa chọn của anh là sự cô đơn, tách ra ngoài dòng chủ lưu tranh đoạt, làm “kẻ học trò thi trượt” thua thiệt mà bản lĩnh. Buồn là trạng thái phản ứng của tâm hồn anh với những đổi thay ngoại cảnh, thế sự thăng trầm, mà cũng có khi là sự rạn vỡ ngay trong bản thân mình: “Có ai tự chuốc cho mình /những cốc đầy phiền muộn/mà anh vẫn uống/nhạt thếch ban mai từng ngụm sương mù”. Nỗi buồn dự cảm mơ hồ về sự lạc thời: “Bến đông cho đò đầy/Và thế là không gặp/cho đến ngày tóc bạc/bao giờ thôi nhớ mong” từ Mùa xuân (1983) đến Hồ Kiếm (2019) là nhất khí… Nỗi buồn vô phương hướng của “hiệp sĩ không còn người đẹp”… Nỗi buồn “bị đóng đinh/như tù nhân trước lúc hành hình”. Nỗi buồn của những giá trị bị tổn thương: “mong manh quá một góc vườn xưa cũ”; “làng thành phố từ khi nào chẳng rõ/tiếng ếch thưa dần dưới vũng tre ngâm”; “ai đã chặt đi cây nhãn ấy rồi/ không còn gì làm chứng/ nên sao Mai có lúc dối lừa/khi báo trước một ngày sáng sủa…”.

Những cung bậc nỗi buồn thơ anh không chỉ đơn thuần là phản ứng của làn da nhạy cảm hơn người hay cái mong manh muôn đời thi sĩ. Đó còn là thái độ của chủ thể trữ tình trước những dở dang, trái khoáy, nhốn nháo và hoang dã của thực tại mệt mỏi, lạnh lùng, khi chủ nghĩa tôn thờ vật chất lên ngôi. Nỗi buồn phân lập tâm hồn Tư mã Tương Như với những vô cảm thói thường: “Anh có lỗi với đàn chim xanh/ cất công về từ miền rừng xa thẳm/ anh có lỗi với cánh buồm/ cả tin tìm vào đất cạn/…gãy cuống rồi những hoa đồng thảo/ lăn lóc từng chùm nốt nhạc trắng trong”… Sâu hơn nỗi buồn là nỗi đau: “khi dưới đáy muộn phiền/lộ ra chùm rễ đắng. Đau hơn cả “nỗi đau lòng thứ nhất” là nỗi đau “những điều trông thấy”. Nỗi đau của “hạt cát/trong đáy thẳm ngọc trai”. Nỗi đau cái đẹp bị hành hạ: “Nụ cười chết lặng/mắc cạn trên hàng dây giá băng/ ghi-ta mơ mộng/sáng nay bị bắt quả tang/ Sáng nay chim bồ câu bị thương/ không biết chạy đi đâu run rẩy/ không ai cứu chiếc hài cô Tấm/ bị ném xuống bùn…”. Nỗi đau hoài niệm: “Sao chỉ còn trọc phú và hoa hậu/ hào kiệt phong lưu dấu cũ bùi ngùi”… Nỗi đau tuyệt vọng: “một mùa màng phế bỏ đã cho anh/ của những nụ cười héo rũ/ và những ban mai trống rỗng đến kinh hoàng”; “chiều như con nai vàng hết đường chạy trốn/ lần ra ven đường chờ sự giải thoát của lưỡi dao…”.

Day dứt hơn cả là nỗi đau tự vấn, tự cắn xé mình như tượng đền Thái sư triều Lý[2]. Nỗi đau quằn quại bản thể trước những thỏa hiệp bất đắc dĩ: “Thành phố/đêm với ngày lẫn vào nhau mê mải/ mới sáng hoa tươi đã chiều rác rưởi/ không lối quay về/với rặng tre ngà đẫm nắng mai xưa”… Đáng nói hơn là ứng xử của nhân vật trữ tình trước nỗi đau: đứng về phía giá trị nhân bản để gìn giữ thiên lương như cái còn lại của phận mình. Chúng ta cảm nhận một tấm lòng khoan dung trong nụ cười kham nhẫn, hiền lành: “Ướt một nửa, thôi thì cho ướt cả/… bố một mình trơ trọi gió mưa đây”; trong sự ân cần, trách nhiệm: “thân con làm gậy chống/ đỡ mẹ đi trong ánh chiều vàng”; “Anh sẽ tìm lại cho em điệu hát đưa nôi…/ và giản dị những vọng cầu xưa cũ…”, một tâm hồn tự trọng, mạnh mẽ qua “tiếng kêu thương của lòng tuấn mã” khi “nhún mình cất vó/bay lên với chòm sao Phi Mã”; cái kiêu dũng của “những con linh dương của Exupery/ không sống được nếu không có các bước nhảy/ trên Xahara sư tử và tự do”, cũng như sự thanh thản khát khao: “cánh đồng Mẹ/ vâng/ một hôm nào đó/con sẽ về làm cơn mưa tự do”.

Em dịu dàng, em xinh đẹp của anh…

Cách thức nào để hóa giải nỗi đau, bảo vệ niềm tin và lẽ sống của mình? Sinh thời bạn văn Chu Sơn từng nói: “Trường của Khánh là anh hùng, khách phong lưu và mĩ nhân”. Chẳng phải đó cũng là hiện thân của những điều tốt đẹp, những chân giá trị ở đời? Nhưng với anh, cả ba hội tụ trong Em – đối tượng thẩm mĩ mà cũng là nhân vật trữ tình thường trực của thơ anh. Có thể trực chỉ bằng những cái tên. Có thể là phiếm chỉ: “bỗng trơn quá, con đường lắm sỏi/ anh ngã vào em, xin lỗi không ngờ”; “bến đá cô em giặt áo, trăng thượng huyền soi xuống đáy sông xanh”; “cô thiếu nữ không nói/ mắt vẫn nhìn đâu xa/ trăng chiều dần đã sáng/lửng lơ ngọn trúc già”; “Ầy dà, cô bé thật xinh/con vua Thủy tề bưng mặt khóc”… Dù là một thoáng bất chợt, day dứt trong cuộc tình đã mất, hay khắc khoải mối tình đơn phương, thì Em vẫn luôn là hiện thân của Cái Đẹp, của niềm trân trọng, yêu thương, nên Em nhất định phải là “Em dịu dàng, em xinh đẹp của anh”…

…Như một khái quát nghệ thuật, một tín hiệu thẩm mĩ đặc biệt, Em trong thơ anh đã trở thành biểu tượng của những chân giá trị muôn đời, của thiên lương mà anh suốt đời ngưỡng vọng. Cao hơn những thường tình, Tình Yêu đối với anh đã trở thành lẽ sống, lung linh tôn giáo và thánh khiết. Vì vậy mà Em trong anh mang cả yêu thương và lòng kính trọng. Em trong anh vừa cụ thể vừa trừu tượng, hiện thực và mộng mơ. Như là sống cần phải có niềm tin, là thuyền cần có neo để không trôi dạt. Nhớ và yêu Em là đối trọng để anh cân bằng hiện thực, là cách anh tồn tại: “không thấy gì nữa ngoài mắt đen sâu thẳm dịu dàng/ giọng lời mát rượi như nước suối mùa xuân, không nghe gì nữa”. Em là nguồn năng lượng bí ẩn làm nên điều kì diệu: “Em sẽ dệt cho anh chứ/một tấm áo choàng/…sẽ có lúc lướt trên mặt đất”; Cảm ơn đã cho anh thấy lại/cánh đồng xưa tình ái phong nhiêu/cảm ơn em đã cho anh hồi sinh/sau tất cả tháng ngày khô khát”… Trong Em quy tụ những sắc màu khác biệt mà thống nhất: Em như mẹ, như chị, như bạn bè tri kỉ, em gái dễ thương, người vợ dịu hiền, và trên hết là người tình không ai thay thế được. Em như một đức tin, rất riêng với cá nhân anh, mà cũng rất chung cho tâm thức văn hóa Việt, và gặp gỡ “nữ tính vĩnh hằng” của văn hóa nhân loại[3]. Nếu như thơ với anh là sự kí thác thì Em chính là nhân vật kí thác của thơ anh.

Đối thoại với Em là cách để nhân vật trữ tình bộc lộ cái tôi cô đơn mà kiêu hãnh, yếu mềm mà mạnh mẽ trong “bản lai diện mục” mình. Theo cách đó, Em cũng chính là Anh: người-tình-tri-kỉ – “một nửa” mà anh luôn khao khát kiếm tìm nơi thiên nhai giác hải, luôn thiết tha đợi chờ tương ngộ để được là mình trọn vẹn: “Thiên hạ hữu nhất nhân tri kỷ, khả dĩ bất hận” như cách nói của Trương Trào[4] mà cũng chính là con người nguyên sơ trong sạch “tính bản thiện” trong anh. Hướng về Em là hình thức hướng thượng, là cách lựa chọn của anh để sống đẹp và ý nghĩa cuộc đời mình.

Sẽ chờ mãi những gì không thể có…

Anh đã mong và tin như vậy. Khao khát những đám mây bay trên bầu trời chứ không phải là những gì đang có trên mặt đất, hành trình đời và thơ Vũ Khánh là hành trình cô đơn thăm thẳm tìm bạn tri âm trong sa mạc, tìm một Con Người giữa cõi người ta”, như chuyến phiêu du của “Hoàng tử bé[5]. Ra đi cũng là sự trở về: tìm lại con người bản thể chân như trong mình – Con Người viết hoa trong thang phân loại của triết gia Trần Đức Thảo[6]. Hành trình không qua các hành tinh mà ở giữa cuộc đời, trong chính tâm hồn mình. Đó cũng là chân dung tâm hồn của một con người trong diễn trình của chính nó, vật vã làm người, gìành giữ thiên lương, nhân tính trước sự xâm lăng của tha hóa và ô trọc thói đời. Dẫu có lúc mệt mỏi và gục ngã, chưa bao giờ anh hết niềm tin và hy vọng vào điều thiện lành trong trẻo ấy, như chưa bao giờ từ bỏ tình yêu lí tưởng của đời mình. Thơ anh khắc khoải một tiếng đàn: “Sẽ nhớ mãi mùa màng tươi tốt/núc nỉu gian xanh/sẽ khóc mãi những gì đã mất/ đêm khuya một bóng một hình/sẽ chờ mãi những gì không thể có…” với một sự chân thành, tha thiết khiến chúng ta cũng phải tin rằng cái đẹp, tình yêu và sự tử tế trên đời là có thật, cùng anh. Tiếng đàn anh đã lay động trái tim người, thức tỉnh ta bằng cách “đưa vào một cơn mơ mới”, nơi ta có thể nghe “tiếng nói bên trong”[7] sâu thẳm của lương tri mình.

Xét ra nào phải cơ cầu

Lụy chi tiếng hão cho rầu tấm thân

Là hai câu thơ Vũ Khánh dịch Khúc giang của thánh thi Đỗ Phủ. Âu đó cũng là lựa chọn của anh trong thơ và đời, giữa con người chức phận và con người cá nhân. Từng có hơn 300 bản dịch các tác gia và tác phẩm đặc sắc Đường thi ra lục bát với “đam mê và công phu”[8], đề cao vai trò “anh hùng hào kiệt”[9] trong sự nghiệp văn hóa nước nhà của Tản Đà – người “dịch thơ Đường ra quốc văn hay nhất” đến vậy mà Hoa Trạng nguyên lại không có một bài nào viết bằng lục bát.

Thơ anh phần nhiều ở thể tự do, không vần điệu, các câu thơ có số lượng âm tiết không đồng đều… Kiệm lời, theo tôn chỉ “giữ lại những gì không thể bỏ đi được nữa”[10], nhưng thơ anh dày đặc những từ hư, “chữ nước”: “Này em, khăn áo nhớ thương đã tả tơi rồi/ / ngón tay em hãy lựa ra từng sợi/ những ban mai đã bạc màu rồi/nhanh lên nào bàn tay mát rượi”; Này em, má em hồng lại đó”; Cô bé ơi, đường về của chúng anh đâu nhỉ/ không tiếng trả lời trên bến Khách nhi… Khẩu ngữ là một nét duyên độc đáo của thơ anh. Những lời thơ như buột miệng nói ra dường như không phải do anh sắp xếp và chọn lựa mà là ai đó sang tai từ miền của Liêu trai… Bù lại sự phá vỡ vận luật thể thơ là một nhạc điệu bên trong mạnh mẽ được làm nên nhờ thanh điệu. Nhạc điệu ấy ma mị và dẫn dụ, vang vọng trong đầu, khiến ta bất giác nhẩm theo rồi tự nhiên ám ảnh. Anh thấy: có mảnh trăng ban ngày/không ai thấy/ chỉ hồ nước thấy/… không ai biết /kiếm bạc lưng trời/chìm hồ nước mắt em nhòa nhạt…”. Anh cảm nhận: “Kí ức đi chân đất / như mõm bò thong thả sớm mai, hơi giá lạnh đã rờn lên bến bãi/ trăng đã ngời nơi đáy sông trong”. Và anh nghe:”Thật đấy tôi nghe có tiếng kêu/trên đỉnh cây Mãn đình hồng/ ngửa mặt lên trời rền vang sắc đỏ/Thật mà tôi có thấy /lời tỏ tình trên mình chú cánh cam kia/với sự tán đồng của những mái nhà miền châu thổ Đó chính là “những ảnh tượng tìm về cội nguồn trinh trắng,… tiếng kêu của tiềm thức”[11]. Quả thực, thơ anh nhất thiết phải nói lên điều mà nó thấy. Có lẽ phải hình thức ấy mới đáp ứng được nhu cầu thể hiện bản thể, khát vọng giải tỏa con người cá nhân ở trong anh? Và sự hòa hợp của một nội lực sâu thẳm thể hiện ra trong lối diễn đạt như nó đòi hỏi ấy đã khiến thơ anh đáp ứng hai tiêu chí của thơ hay: mớiđanh. Đây là anh tả “Gốm”: “Dưới lớp đất màu/có bài ca của đất/ sau vạt yếm đào/là vú em trắng muốt./Như kỷ vật cũ như nỗi khát khao/ như cánh đồng phong nhiêu đã mất/ có những nỗi buồn không sao an ủi được/sau dải yếm đào sau lớp men lam”… Lựa chọn cách nói phù hợp với điều mình diễn tả, thơ anh đã góp thêm những sáng tạo độc đáo vào việc cách tân ngôn ngữ thơ ca hiện đại Việt Nam.

Mạch ngầm chảy bên trong dòng đời phận sự, người thơ không có gì giống bức chân dung “luôn chỉnh tề trang phục”, “Mắt màu ghi hơi buồn” mã hóa “chỉ có mình tôi trên thế gian này” như một cá tính vĩnh cửu, một tâm hồn khiêm nhườngkiêu hãnh, lặng lẽ cứng cỏi, bằng chính nỗi buồn, đau và sự cô đơn của mình. Viết với anh, là cách để giải tỏa nỗi đau và chắt chiu từng giọt thiên lương. Viết, là cách anh lựa chọn để sống thành thật, trách nhiệm với mình và với đời. Viết, là nhu cầu nội tại, nỗi thôi thúc “không thể nguôi yên”[12], chứ không cầu danh lợi. Anh đã không muốn nhận danh hiệu nhà văn, dù quá trình và dung lượng sáng tác đủ khẳng định cho điều đó. Sau những truyện ngắn giàu chất thơ và cảm thức văn hóa, sau mấy chục năm “âm thầm cày cuốc trên cánh đồng trắng”, mới cho ra đời một Hoa Trạng nguyên, bởi anh tin: “đã đến lúc có người đọc nó”. Thơ với anh, là sự kí thác, là tiếng gọi đàn tri kỉ, tri âm, là nơi anh có thể vứt bỏ bộ trang phục “áo luôn bỏ trong quần khi cần thiết” và “nụ cười thường trực” để soi vào gương mặt bản nguyên mình. Thành thật với mình trong từng satna sự sống của một số phận bình thường, với cả những dằn vặt, sai lầm, mất mát, khổ đau và khát vọng “không vĩ đại”, thơ anh không ở trên cao, hướng đạo, hô hào mà đồng hành cùng ta trong những trăn trở, vui buồn và cả những dự cảm mơ hồ, không rõ rệt… Viết cho chính mình, tiếng nói tâm hồn anh đã chạm đến cõi thâm sâu và linh diệu của thơ, làm nên một phong cách thơ riêng biệt, với tư tưởng, giọng điệu, ngôn ngữ và hệ thống hình tượng riêng, cần được nghiên cứu, lý giải trong những công trình công phu và nghiêm túc, ngõ hầu đánh giá xác đáng hơn lao động nghệ thuật âm thầm mà đầy trách nhiệm của anh trong nền thơ ca hiện đại.

“Anh trả giá bao nhiêu phiền muộn/để yêu em như thể anh yêu”[13]. Vũ Khánh đã trả giá cho tình yêu, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, xứng đáng hơn với phẩm giá con người bằng “những cốc đầy phiền muộn” và “nỗi đau như phún thạch, âm thầm”. Thơ được sinh ra. Là ân huệ hay sự đọa đày, hạnh phúc hay niềm cay đắng? Đó là cây thánh giá của anh.

Thầm lặng mà bền bỉ trong cuộc chiến với “hai kẻ ra vào Trường An” giữa cuộc đời thường, anh đã là “hiệp sĩ” trong chiếc áo choàng “tả tơi” kiêu dũng của chính mình. Khu vườn thơ của anh, không rộng, chưa xa và chỉ cho trái sầu riêng, hương vị chẳng dễ quen với tất cả mọi người, nhưng một khi bước vào, sẽ chẳng dễ quên. Cây đàn thơ mà mã vĩ được dệt bằng những thớ tim anh còn ngân rung, chạm đến nỗi đau làm người trong mỗi chúng ta, và mãi “còn là tinh anh” …

Mùa sen cũ

Kết giao từ tuổi thanh niên và có tình bạn tâm giao với nhà thơ, nhà giáo đàn anh Trần Hòa Bình, đến mức nhiều khi lời và ý thơ của các anh có thể lẫn vào nhau, mà cũng không cần tách bạch. “Cứ mỗi mùa trăng lại thấy mình đang khuyết” là một câu trong bài thơ không thành công của Vũ Khánh cho mối tình đơn phương không thành tựu của mình. Anh Bình đã nhấc vào Thêm một và khiến nó trở nên lấp lánh như một phần không thể tách rời của thi phẩm để đời: “Thêm một đêm trăng tròn, lại thấy mình đang khuyết”. Có lẽ vì thế chăng mà Vũ Khánh luôn thấy mình khuyết thiếu một nửa không thể lấp đầy khi người anh, người bạn tri âm đột ngột “theo trăng gió đi xa” một ngày thu hơn mười năm trước, vào lúc mùa sen mà anh yêu dấu đã hầu tàn.

Viết Sen hồng mấy độ để nhớ Trần Hòa Bình, Vũ Khánh miêu tả cảm giác phân ly chia biệt bằng hình tượng mùa thu “trong thì để lại cái bình gốm Phù Lãng trơ một góc nhà đong đầy những hư không, ngoài thì để lại những xác lá khô trên những mặt đầm còn sót lại cho những giọt mưa thu đầu mùa có chỗ mà than thở”. Và rồi chính anh, cũng nhằm một ngày thu trăng sáng nhất theo người anh thi sĩ phiêu du cùng mây trắng, đến nay cũng vừa đầy năm. Cũng vào dịp sen tàn, “những bông sen đã rụng cánh và đài sen đã kết hạt cho mùa thu hái[14]. Hoa trạng nguyên mà chúng ta nâng ở trên tay phải chăng là gương sen kết hạt từ lao động nhọc nhằn và huyết lệ của đời anh, là món quà kí thác của anh gửi tặng cho đời. Nhìn đài sen xanh, ai có thấy: “… mùa sen cũ/phong nhiêu trút xuống mặt hồ/ chỉ còn mây hồng vạn thuở/ nở bừng đáy nước thiên thu”…


[1] Tên một bài thơ trong tập Hoa Trạng nguyên, Vũ Khánh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2020. Từ đây, xin được in nghiêng những câu trích từ thơ tác giả. Do số lượng nhiều, người viết xin được không chú thích riêng cho từng bài.

[2] Tượng rồng đá cắn thân ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, thầy dạy của vua Lý Nhân Tông, Gia Bình, Bắc Ninh gắn với truyền thuyết lịch sử về nỗi oan hóa hổ giết vua.

[3]Cái Nữ Tính Vĩnh Hằng / Nâng ta lên cao mãi”, J. W. von Goethe, Faust, Quang Chiến dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 607.

[4]Trong thiên hạ có được một người tri kỷ, thì có thể không còn ân hận gì nữa. Trương Trào, U mộng ảnh (Bóng trăng gió núi), Huỳnh Ngọc Chiến dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 6.

[5] Tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry.

[6] Trần Đức Thảo, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”, Nxb Tổng hợp TPHCM, 1989, tr 36.

[7] Nguyễn Phan Cảnh, Truyện Kiều – kiếp nhân sinh giả lập, LaGiang Publishing. Canada, 2018, tr. 1: “Bằng lay gọi thường tình, ta đánh thức được con người ra với đời. Vì đánh thức con người trong cơn mơ. Nhưng đánh thức tiếng nói bên trong là đánh thức con người đang trong cuộc tỉnh. Phải là một lay gọi mà đời thường chưa hề biết tới: đánh thức là đưa vào một cơn mơ mới. Để từ trong cơn mơ đó, mới thực sự tỉnh. Mà nghe thấy tiếng nói bên trong của chính mình.Thơ ra đời. Chỉ giản dị, thơ là tiếng lòng. Vì chỉ tiếng lòng mới lay gọi được tiếng lòng – cái tiếng nói bên trong câm lặng trong Cõi Người Ta, để chờ đánh thức trong một cơn mơ mới, Cõi Thơ”.

[8] Trần Thanh Đạm, Lời giới thiệu cuốn Lục bát với thơ Đường của Vũ Khánh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2013, tr. 7.

[9] Vũ Khánh, Câu chuyện dịch thơ Đường, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1+2 – 2012 (Dẫn theo Lục bát với thơ Đường. Sdd, tr. 434)

[10] Theo Antoine de Saint-Exupéry, Quê xứ con người. Nguyễn Thành Long dịch, Nxb Hội Nhà văn 2013, Phần 3: Phi cơ.

[11] Trích thư Vũ Khánh gửi Trương Thiếu Huyền (1994, 1995).

[12] Chu Văn Sơn (trích thư gửi Vũ Khánh: “Tôi lại nghĩ và mong thế này: Vũ Khánh tuy nghề được đào tạo là Sử, nghề sống với thời là Quản lý, nhưng nghiệp của Khánh là nghiệp Trước tác. Ông không trước tác, lòng ông không bao giờ có được cảm giác nguôi yên. Dù có được đồng sự, cộng sự tung hô, đãi đằng, ông vẫn không thể có được sự đắc ý, mãn nguyện. Trước tác là nghiệp dĩ cũng là nghiệp chướng của ông. Không thoái thác được.

Mà trước tác thì rồi khi khép sổ đời, ông phải bày ra trước mặt được: 1) một tập thơ ưng ý; 2) một tập dịch ưng ý; 3) một tập truyện ngắn ưng ý; 4) một tập tạp văn ưng ý.

Rồi ông xem, nếu chưa có ít nhất 4 đầu sách ấy, tâm ông không yên.

Cho nên, ông xác định là “chơi” cũng là thật lòng. Nhưng đấy là nói từ sự bộn bề của phận sự mà gác khát vọng sang bên. Chứ không phải nói lời “khi tỉnh rượu lúc tàn canh”. Vậy nên tôi mới có lời khuyên về chuyện thơ phú như thế.”)

[13] Federico Garcia Lorca, Thơ chọn lọc, Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng 1988, tr. 25.

[14] Vũ Khánh, Sen hồng mấy độ, Văn nghệ số 12, 18/3/2017, tr 6.

Comments are closed.