Ghen Mành Mành

Từ Thụy Khuê nhà phê bình văn học mành mành đến Ngô Tự Lập nhà phê bình văn học hay ghen

Nguyễn Đức Tùng

image

Một nhà văn nói rằng nhan đề của một cuốn sách hay một bài báo rất quan trọng.

Quả vậy.

Gần đây tôi có thấy những bài liên quan đến cuốn sách Phê bình văn học thế kỷ XX của nhà phê bình văn học Thụy Khuê của các tác giả GS.Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, bài trả lời của Thụy Khuê, nhưng thú thật tôi không chú ý lắm. Đó là thói quen cá nhân, chỉ đọc dòng đầu, hấp dẫn thì đọc hết, chưa thích thì để lại, chứ không chứng tỏ nội dung có giá trị hay không. Thế mà bài của nhà phê bình văn học Ngô Tự Lập làm tôi giật mình, nguyên văn như sau: Thụy Khuê, nhà phê bình văn học mành mành.

Tôi chưa nghe hai chữ ấy bao giờ.

Ở quê tôi, người ta gọi là bức màn cửa, màn trúc, sang trọng thì gọi là cái rèm. Tôi chưa nghe ai dùng chữ mành mành, nghe loáng thoáng như… thông manh. Nhưng hỏi lại một đứa bạn gốc Hà Nội, quả nhiên có chữ đó thật.

Cám ơn Ngô Tự Lập, cái nhan đề làm tôi tò mò đọc một mạch, vừa đọc vừa cười. Trúng ý tác giả. Cho anh 9 điểm về nghệ thuật chơi chữ mành mành. Cũng như lá Diêu bông của Hoàng Cầm.

Sau đây tôi chỉ nhắc một điểm ở đoạn cuối, vì ngoài bài của Ngô Tự Lập, không cần references nào khác. Các bài dài của Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, phần đầu của bài Ngô Tự Lập, trả lời của Thụy Khuê, có lẽ tôi cần có cuốn sách của chị Thụy Khuê. Biết bao giờ?

Đoạn cuối của Ngô Tự Lập:

"Thật khó để khen một điểm gì đó trong cuốn sách của Thụy Khuê: chỗ đúng thì không mới, mà chỗ mới lại không đúng. Phong cách đặc trưng của Thụy Khê là không đọc nhưng ra vẻ đọc. Ở chương 8, Bakhtin và xã hội học văn chương, bà nói đến hai cuốn sách của Medvedev là Phương pháp hình thức trong khoa học văn chương (1928) và Thi học xã hội nhập môn (1928). Chắc bạn đang phì cười: Vì không đọc, Thụy Khuê không biết rằng “Thi học xã hội nhập môn” chỉ là cái phụ đề của cuốn Phương pháp hình thức trong khoa học văn chương mà thôi!

Buồn cười hơn nữa là đoạn về thủ lĩnh của Tiểu thuyết mới:

“Alain Robbe-Grillet không viết một cuốn sách lý luận nào về chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta lầm với cuốn Vì một nền tiểu thuyết mới (Pour un nouveau roman) của ông. Robbe-Grillet nổi tiếng từ thập niên 1950-1960, với ba tiểu thuyết chính: Những cục tẩy (Les gommes, 1953), Kẻ nhòm trộm (Le voyeur, 1956) và Bức mành mành (La jalousie, 1957)” (tr. 561)."

Chắc bạn lại phá lên cười. "

(Ngô Tự Lập)

Chưa kể phần trên, chỉ riêng đoạn kết ngắn của anh đã có vài lần cười.

Thực ra tôi vốn kính mến các tác giả mà tôi nhắc: Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, đặc biệt chị Thụy Khuê tôi đọc nhiều nhưng chưa gặp bao giờ và Ngô Tự Lập, con người tài hoa, nhà thơ, nhạc sĩ, giáo sư, tôi đã từng in chung trong tập 26 nhà thơ đương đại, cũng từng phỏng vấn, nên có thể xem là bạn. Viết rõ thế, để nói tôi không có thành kiến riêng với ai trong các vị trên.

Như thế theo Ngô Tự Lập, tác giả Thụy Khuê, trong một đoạn trích, đã dịch nhan đề cuốn tiểu thuyết La Jalousie của Alain Robbe-Grillet, một cuốn nổi tiếng, 1957, là Bức mành mành, và anh chế giễu điều ấy, như sau:

"Chắc bạn lại phá lên cười. Cuốn La jalousie kể về một chuyện mơ hồ, có lẽ là tình tay ba, giữa một phụ nữ, một người đàn ông (có lẽ là nhân tình) và người kể chuyện (có lẽ là chồng của người phụ nữ). Người kể chuyện này không xuất hiện, nhưng lại hiện hữu mọi nơi. Nếu đọc, hẳn bà phải biết rằng tên chính xác của cuốn tiểu thuyết là Ghen. Nhưng nhà phê bình khả kính Thụy Khuê không cần đọc. Vì trong từ điển, “Jalousie” có một nghĩa khác là “Bức mành mành”, bà có thể yên tâm bàn luận một cách uyên bác về “Bức mành mành”!

Một biểu tượng tuyệt vời. Xin trân trọng tặng bà danh hiệu ấy: “Nhà phê bình văn học mành mành”!"

Tôi vốn dốt tiếng Pháp, mặc dù thời bé có học, lớn lên theo Mỹ nên quên, nhưng đúng là trong tiếng Pháp chữ jalousie có nghĩa là ghen.

Nhưng thưa, sự đời không phải chỉ thế thôi đâu.

Khi viết: "bà phải biết rằng tên chính xác của cuốn tiểu thuyết là Ghen", thì nhà phê bình của chúng ta hơi vội. Thưa anh, "tên chính xác của cuốn tiểu thuyết là La Jalousie", thì đúng hơn. Vì nó có ít nhất hai nghĩa: ghen, ghen tuông, và nghĩa thứ hai là… bức mành mành. Và đó là một chi tiết quan trọng của cuốn tiểu thuyết.

Được Robbe-Grillet viết năm 1957, đặt trong bối cảnh một vùng thôn quê, nông trại trồng chuối. Cuốn này mới đầu ra đời không ai thèm đọc, trong khi các cuốn trước đó như Les Gommes (Những cục tẩy) (hình như tôi có đọc đâu đó thời học trung học, nhưng quên béng), 1949, đặc biệt là cuốn Le Voyeur (Thụy Khuê dịch là Kẻ nhòm trộm), có lẽ từ chữ voyeurism, một bệnh rối loạn trong y học, bệnh nhân chỉ nhìn để kích thích tình dục, nhưng tôi chỉ đoán vì không đọc.

Về sau cuốn La Jalousie được xem là một trong những tiểu thuyết quan trọng. Trong tiểu thuyết này, người kể chuyện không có chân dung, thậm chí không có tên gọi, nhưng lại hiện diện khắp nơi, một anh chồng hay ghen tuông, thường xuyên quan sát những chuyện trò gặp gỡ giữa vợ mình gọi là A… và một người hàng xóm tên Franck. Người kể chuyện, gã quan sát, ngày càng bị ám ảnh vì sự ngờ vực của mình, mô tả mọi sự vật lẫn lộn giữa những điều quan sát được và những mối nghi ngờ, người đọc không thể phân biệt chúng. Trong tiếng Pháp chữ jalousie cũng có nghĩa là bức màn cửa, thường có nguồn gốc Ba Tư, gồm những thanh gỗ treo ngang, có thể cuốn lên được để che cửa sổ.

Trong cuốn tiểu thuyết ấy, người kể chuyện nhìn sự vật qua một bức mành mành mỏng mảnh. Đây là nghệ thuật chơi chữ của tác giả, thường gặp ở các nhà văn Pháp. Nỗi nghi ngờ, sự ghen tuông, paranoid, sự phân biệt ta và địch, tính bè phái, làm thay đổi cái nhìn của ta đối với thế giới bên ngoài, cũng như bức màn tre mờ mờ ảo ảo làm ta nhìn thấy người khác toàn bọn thế lực thù địch, lú lẫn lung tung.

Nên chăng, ta dịch cuốn tiểu thuyết La JalousieGhen mành mành?

Tái bút: Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi, Nguyễn Du có viết: Gió đâu sịch bức mành mành.

Nguyễn Đức Tùng

Comments are closed.