“Gia đình bé mọn”, một tác phẩm lớn

Trần Thiện Đạo (Paris)

 

 

Văn Việt: Gia đình bé mọn, tiểu thuyết của nhà văn Dạ Ngân đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề Une bien modeste famille. Ngày 25 tháng 9 năm 2014 Thư viện đại học về các ngôn ngữ và các nền văn minh (BULAC) và Học viện quốc gia về các ngôn ngữ và các nền văn minh phương Đông (Inalco) sẽ tổ chức một bàn tròn nhân dịp ra mắt cuốn sách (NXB Intervalles / Inalco, 2014) với chủ đề: Dịch giả và tác giả. Diễn giả chính: dịch giả Charlotte Dang, nhà văn Phan Huy Đường và ông Michel Fournié (Inalco). Nhà văn Dạ Ngân không thu xếp được để sang dự toạ đàm, ban tổ chức đã cử người qua Việt Nam quay phim về tác giả để chiếu trong buổi ấy.

 

Trong vòng vài ba năm trở lại đây, nền văn chương Việt nam bỗng dưng sôi nổi, ồn ào. Giới quan sát và phê bình và cả độc giả phong thanh nghe thấy có nhiều giọng nói khác lạ, về mặt nội dung cũng như hình thức – khiến chúng tôi, chúng ta không khỏi nhớ tới hiện tượng Trần Đăng Khoa với cuốn bình luận văn chương Chân dung và đối thoại (Nxb Thanh niên, 1998) độ nào. Khác lạ, bởi các giọng nói này đột nhiên thoát hẳn bầu khí chánh thống nhàn nhạt, nhàm tai hằng ngự trị trong giới làm văn làm thơ từ hơn nửa thế kỉ nay, ngoại trừ trong một thời gian sáu bảy năm văn nghệ được cởi trói đã đẻ ra một loạt Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, 1985), Lê Lựu (Thời xa vắng, 1986), Nguyễn Quang Thân (Ngoài khơi miền đất hứa, 1989), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma, 1990), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh, 1991)… chẳng hạn, và giữa thời kì các nhà văn nhà thơ (gọi là) trẻ như Phạm Thị Hoài, rồi Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… hay Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, rồi Ly Hoàng Ly… chiếm lãnh hoạt cảnh thơ văn sau đó. (1)

Tiêu biểu cho các giọng nói khác lạ này là bốn nhà văn nữ. Ba thuộc thế hệ đàn em là Nguyễn Ngọc Tư, tác giả tập truyện Cánh đồng bất tận (Nxb Trẻ, 2005), Thuận, tác giả truyện China town (Nxb Đà nẵng, 2005), và Đỗ Hoàng Diệu, tác giả tập truyện đầu tay Bóng đè (Nxb Đà nẵng, 2005); một thuộc thế hệ đàn chị là Dạ Ngân, tác giả cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn (Nxb Phụ nữ, 2005). (2) Trong khi cánh đàn em, mỗi nhà một thể cách độc đáo riêng biệt, Nguyễn Ngọc Tư với thứ bút pháp sền sệt sông nước chuyển tải một nội dung đã và còn làm náo động cả giới văn học một cách rợn người, rợn người bởi con mắt cú vọ độc tôn của cái ban Tuyên giáo tỉnh uỷ nọ, Thuận với một văn phong dị biệt triền miên kể nhiều sự việc xa tít cũng chẳng kém phần kì lạ khác thường, Đỗ Hoàng Diệu qua những câu chuyện ngụp đầy nhục dục và khao khát không màng thỏa hiệp với xã hội áp bức hiện hành – thì đàn chị về tuổi tác cũng như sự nghiệp của họ là Dạ Ngân, trái lại, không gây sốc chánh trị lớn nhỏ nào, không làm mới câu cú và cũng không mời gọi độc giả moi tìm ý nghĩa ẩn náu giữa những dòng chữ, hay đằng sau các trang sách.

Kể chuyện

Vậy mà chính thuật kể chuyện truyền thống, vọt ra từ ruột gan máu huyết, không hoa hoè, không kiểu cách, không cầu kì, có thể bảo là cổ điển đó mới là thành tố bất phân với nội dung (sẽ trình bày trong các tiểu mục tiếp theo), nghịch lí thay, đã tự dưng biến thiên truyện Gia đình bé mọn của Dạ Ngân thành một tác phẩm độc đạo – độc đạo chớ không phải độc đáo. Một hình một bóng, trên con đường quen thuộc hơn một phần tư thế kỉ cầm viết trong Nam ngoài Bắc, tác giả chẳng nói chẳng rằng nhè nhẹ nắm tay người đọc, rù quến, lôi cuốn, dẫn họ cùng rảo bưóc với mình từ trang đầu cho tới hết trang chót: trường hợp bản thân cho phép chúng tôi khẳng định như vậy, đã suốt một đêm ròng không chợp mắt nghiến trọn 295 trang sách – và không chỉ một lần. Chính cách kể chuyện đơn giản và dung dị này là bệ phóng nhấc cuốn tiểu thuyết trồi lên, nổi bật giữa các tác phẩm hằng được giới quan sát và phê bình văn học trong nước và ngoài nước chú ý và ca ngợi mấy năm qua.

Nổi bật, nói thí dụ, giữa các cuốn Đi tìm nhân vật (Nxb Văn hóa Dân tộc – 2003) của Tạ Duy Anh, hay Thoạt kỳ thuỷ (Nxb Hội nhà văn – 2004) của Nguyễn Bình Phương và một số ít khác. Các tác phẩm vừa nhắc tới đó, và đồng loại, rằng hay thì thật là hay, nhưng thiết yếu là dành cho hạng happy few, dành cho số ít độc giả chọn lọc, sành điệu, hoặc có chút gì thời thượng. Thành thử dĩ nhiên là khó hiểu đối với bàn dân thiên hạ và, hơn nữa, lại còn khó đọc, bởi chứa chất nhiều tìm tòi hình thức và ý tưởng quá ư mới mẻ chưa trải qua thời kì thử nghiệm, khiến cho hạng độc giả bình thường hoặc thất học (như kẻ viết bài này) khôn thôi bỡ ngỡ, lọ mọ không đủ khả năng nắm bắt được dễ dàng – một phần vì lạc hậu cũng có (ai dám bảo mình không lạc hậu, không chỗ này thì chỗ nọ?), phần khác cũng là vì xa lạ với môi trường biệt lập trong đó tác giả tuỳ nghi đạo diễn nhơn vật của mình.

Ngược hẳn lại, tác giả Gia đình bé mọn không ấp ủ cao vọng cách tân, đổi mới hình thức hay ẩn chứa ý tưởng cao xa và cũng không đảo lộn trình tự diễn biến sự việc tường thuật – có chăng thì cũng chỉ là để làm rõ sự việc đang tường thuật, cho nên thiên truyện hóa ra dễ đọc, dễ hiểu, tình tiết cũng dễ theo dõi. (3) Nhờ vậy mà tâm tình – tâm tình chớ không phải thông điệp, tác giả gởi gắm qua các nhơn vật chánh và phụ, qua thực trạng xã hội phác họa, qua kí ức và hồi tưởng của mình, thảy đều được người đọc, có học hay thất học, tiếp nhận một cách dễ dàng, thấu triệt, trọn vẹn. Và thích thú – thiên truyện đã chẳng được nối bản chỉ sau một thời gian ngắn, và chắc còn in tiếp thêm nữa, đó sao? (4) Đã chẳng được Hội Nhà văn Hà Nội chấm giải 2005 và, biết đâu, cả Hội Nhà văn Việt nam vào cuối năm 2006 này nữa, đó sao? Tất nhiên, sách bán chạy và được giải không nhứt thiết là có chất lượng (có biết bao trường hợp tương tợ, mà cuốn Da Vinci Code, hay Mật mã Da Vinci của Dan Brown mà người ta hối hả chuyền tay nhau chuyển dịch cho kịp thời vừa đây là thí dụ điển hình) (5), nhưng với Gia đình bé mọn tác giả của nó, chúng ta không sợ rơi vào trường hợp loại sách rẻ tiền phải nhờ tới thủ thuật đánh trống rao hàng và mánh khoé tiếp thị của các tay môi giới chuyên nghiệp làm rùm để chiêu khách.

Nhưng lối kể chuyện tuyến tính của Dạ Ngân cũng phải chuyển tải một nội dung hấp dẫn và sâu sắc thế nào mới thâu hút được người đọc như vậy. Đó là điều chúng tôi sắp sơ lược và lần lượt trình bày trong các tiểu mục tiếp theo.

Chuyện kể

Chuyện kể rằng có một cô nàng Mỹ Tiệp trải nghiệm cuộc đời thanh xuân của mình ở một nơi không xa lắm, nhưng ngụp đầy xáo trộn – vào một thời kì không xa lắm, nhưng biến động tràn trề – trong một xã hội không ngừng chuyển mình từng giây từng phút, dầu vậy vẫn cứ khư khư phòng giữ nền nếp hủ lậu cổ truyền. Lại còn cộng thêm một cơ chế toàn trị khắc nghiệt, nuôi dưỡng thứ cung cách hách dịch của thành phần mới chưn ướt chưn ráo nắm được chút quyền lực trong tay, hành hạ dân lành và đè bẹp con người biến thành nô lệ thể xác và tinh thần khó bề vùng vẫy. Vậy mà nàng Mỹ Tiệp gầy gò yếu ớt của chúng ta – ba mươi tám cân – đã đủ phẫn nộ, đủ tánh khí, đủ bản lãnh, đủ can đảm để dám vùng vằng và vùng vẫy, khi cương, khi nhu, kiên trì lần hồi bẻ gãy trọn mớ xiềng xích bủa vây mình, tự mình cởi trói cho mình, để cuối cùng toại nguyện sau bao nhiêu năm trời thử thách, thất bại và dằn vặt lẫn lộn, thể xác băm vằm và tinh thần bầm dập.

Mỹ Tiệp là con một liệt sĩ bị địch thủ tiêu, 14 tuổi đà bỏ nhà ra đi, theo anh mình bưng tham gia kháng chiến. Thời gian ở Cứ, Mỹ Tiệp lấy chồng giữa bom đạn ngặt nghèo – lấy phải một anh tuyên giáo chỉ biết mỗi một việc là tiến thân bằng đủ mọi cách, lợi dụng bạn bè, nịnh hót bề trên, coi vợ con như đồ bỏ xó. Rồi sau đó, khi đất nước thống nhứt thành một, về thành, vẫn cứ như bị chia cắt, lẻ loi đơn chiếc, không tình yêu, không chỗ nương tựa, ngay cả trong hàng thân quyến gần gũi nhứt mà cô Tư Ràng, em ruột người cha tuẩn tiết, là đại diện cho thói tục gia trưởng tuyệt xảo và luôn cả cho gia đình cách mạng. Nên chi Mỹ Tiệp đương nhiên phải thường xuyên đối mặt, đụng đầu với những điều trái tai gai mắt bầm tím ruột gan, đau đớn tâm hồn với những sức ì thể xác và nọa lực tinh thần của bọn ăn trên ngồi trốc khôn thôi chỉ đạo, và của bọn cửa quyền không bỏ lỡ cơ hội lớn nhỏ để làm mưa làm gió mà không hề sợ bị ai ngăn chặn.

Trước hết là ông chồng mang một cái tên quả tình ăn khớp với nhiệm vụ giao phó là Tuyên (y chẳng là cán bộ tuyên giáo đó sao?), lợi dụng bạn bè, bợ đít bề trên, hờ hững với vợ con, mọi công sức và tài năng đều dành cho mục tiêu tối hậu là tiến thân – rồi ngài thủ trưởng cầm trịch Ban Tuyên huấn tỉnh hay lam hay… làm vè phục vụ chánh sách vừa kịp thời vừa đúng lập trường và … làm quan thẳng tay xử án là Hai Khâm… Sau họ là cả một lứa cắt cổ ăn tham, cả một mớ cá mè ta đây phải biết, không ngừng biểu thị quyền lực nhỏ nhoi và nhỏ nhen của mình đạp lên trên đầu những ai thấp cổ bé miệng: – đây, mụ bưu vụ (nhơn viên nhà giây thép) có chức vụ nối liền giây điện thoại viễn liên Điệp vàng / Huế / Hà nội, – kia, nhơn viên bịnh viện… nạo thai xẵng giọng với sản phụ lép vế, và – nọ, cô nường bán giấy xe đò hạch sách khách chen lấn giành chỗ.

Nghẹt thở trong thứ ngục tù hiếm lỗ thông hơi như vậy, trong lúc xung đột giữa vợ chồng nàng còn ”tàn khốc hơn cả cuộc chiến đã lấy mất tuổi trẻ” (sđd, tr. 102) của họ, thì bất thần xuất hiện anh chàng Viết Đính, chẳng biết từ xó xỉnh bụi bờ nào vụt mò tới, áo quần xốc xếch vá đụp vá chằng. Lẻ loi một bóng một hình, bỗng dưng lướt cạnh trái tim ủ cháy như đang chờ sẵn của kẻ đồng cảnh ngộ – trái tim của Mỹ Tiệp. Chàng đã có vợ, có con, nhưng không hạp, hệt như Mỹ Tiệp cũng có chồng, có con, nhưng cũng không hạp. Họ chợt như hai ngọn gió quạt mát cho nhau. Hỏi ra mới biết chàng là nhà văn từ Hà nội xuống miệt vườn viết mướn cho ông giám đốc một cơ quan nông nghiệp (6). Cùng một nòi mang nghiệp viết lách như nàng, nhưng họ là kẻ Nam người Bắc, xa xôi ngàn dặm, cách biệt muôn trùng. (7) Mối tình của họ vậy mà lại ngang nhiên phủ định câu ngạn ngữ cổ truyền Loin des yeux loin du cœur của người dân Pháp – phủ nhận thói đời cách nhau một tấc, dài thêm khúc lòng. Cho nên họ không xa mặt trở lòng, mà trái lại, đủ gắn bó, đủ keo sơn, đủ khao khát, đủ dũng cảm, đủ kiên trì để lần hồi đạp đổ hết mọi chướng ngại, hết mọi cản trở mà gia đình, mà xã hội, mà bộ máy quyền lực không ngừng dàn dựng, gieo rắc trên con đường tình ái và tình dục của họ. Để cuối cùng với tới hạnh phúc sau 11 năm trời đầy sóng gió phũ phàng trong việc li thân li dị của đôi bên.

Trên bối cảnh đó không ngừng diễn tấu một số nhơn vật đậm nét khó quên: Mỹ Tiệp, cô Tư Ràng và nhiều nữa không thể kể xiết, nổi bật giữa một xã hội ngụp mình trong máu lửa, gồng mình hứng chịu hệ luỵ của tình trạng đồng phục và bao cấp. Họ là chứng nhơn trực tiếp, đã thật sự trải nghiệm thời kì này trong máu huyết của mình.

Mỹ Tiệp, 1

Nhơn vật chánh, trung tâm, tất nhiên là Mỹ Tiệp. Mỹ Tiệp, một thiếu nữ lớn lên trong cảnh giặc giã triền miên, sống chết tựa lông hồng. Nàng nếm mùi thân xác lần đầu giữa tiếng bom rơi đạn nổ, cái chết gần kề: 

Tiệp nhảy ùm xuống kênh, không biết bơi, (…). Từ đằng lái Tuyên bò lom khom trong tiếng nổ nắm tóc Tiệp kéo lên. “Cầm dầm bơi ngược lại sau lên bờ kênh may ra có công sự”. Quả nhiên, cả hai tìm thấy một cái công sự không nắp dài dài như cái lỗ huyệt dưới một gốc trâm bầu, nước ngập tới cổ, vậy đã là may, (…). Tiệp mười chín tuổi, thâm niên năm năm ở Cứ (…). (…), nàng rụt sâu xuống hơn trong cái công sự với người thanh niên có thể chết cùng với mình bởi một quả pháo chụp pháo đào hay pháo trộn gì đó. (…) Tai Tiệp ù đặc, mắt nàng long lanh cảm thán vì Tuyên đã nắm được tóc nàng kéo lên đúng lúc và đã ấn nàng xuống cái công sự như cái lỗ huyệt này. Nàng cười sằng sặc rồi nàng mếu máo khóc, bỗng nàng nín bặt vì nghe thấy có hai bàn tay đang áp vào, hàng nút áo bung ra tự bao giờ, hai trái ngực nàng đang săn lên run rẩy bởi đôi bàn tay ngốn ngấu trong thứ nước màu sữa đục, lạ quá, cảm giác được mơn trớn mà cũng được dày vò (8) nâng lên hạ xuống trong mặt nước có mùi âm phủ, lạ quá.” (Gia đình bé mọn, tr. 100-101)

Vậy là, “lạ quá”, cô nàng bé bỏng trinh nguyên Mỹ Tiệp đương nhiên phải lọt và đã lọt vào tay anh thanh niên tên Tuyên dũng cảm vớt mình ra khỏi bom đạn, ra khỏi cái chết bất thần có thể ụp xuống trên đầu: thời thế tạo anh hùng. Thản nhiên lấy anh ta làm chồng, nhưng ngay từ “hồi mới cưới (…)”, những khi chăn gối với Tuyên, nàng đà cảm thấy không ổn:

(…) con tim nàng không chịu rung động, nó cứ lên tiếng rằng đây không phải người đàn ông của mình, đây là cuộc xô đẩy của chiến tranh của bom đan giặc giã nước lụt bụi cây sạp xuồng. Nỗi đau màng trinh, nỗi đau sinh học trộn với nỗi đau mất mát, không rõ là mất cái gì, nó quá hệ trọng và tức tưởi, cộng với nỗi phập phồng mình có thể chết không một mảnh quần bởi một mảnh pháo, một quả bom trộm, hay một viên đạn mồ côi.” (sđd, tr. 52)

Con tạo vốn thói oái oăm – nói là nói vậy, chớ con tạo chẳng có mắc mớ gì ở đây, mọi sự thảy đều do thời thế và tay người gầy dựng. Rồi thì Mỹ Tiệp cũng lần hồi sanh con đẻ cái, Thu Thi con gái đầu lòng ở ngoài bưng, Vĩnh Chuyên con trai thứ nhì khi về thành, cả hai dĩ nhiên không tượng hình từ những giọt máu hạnh phúc phôi thai trong tình tự thương yêu say đắm, mà y hệt như lần sau đó, chỉ là “(…) kết quả của những đêm làm lành, tay chân đùi vế (Mỹ Tiệp) đã miễn cưỡng mặc cho Tuyên tung hoành với những bộ dạng rõ ràng là để biểu diễn sự ‘’ sáng tạo ‘’ vừa được đánh thức sau thời kỳ trục trặc vợ chồng.” (sđd, tr. 48). Nhưng lần này thì đứt đoạn giữa chừng: “Tiệp nghe thấy bên trong mình một tiếng bục nhỏ, rồi một dòng máu âm ấm đổ từ đùi xuống gót, một con rắn đỏ tươi chậm chạm ngoằn ngoèo bò trên mặt cát bến bãi, một cảm giác kinh hoàng chụp lấy khiến nàng đứng không cục cựa được.” (sđd, tr. 43-44) Băng huyết (9). Nạo hút.

Chính trong tình cảnh ngặt nghèo ấy mà hai tâm hồn Mỹ Tiệp và Viết Đính xáp lại gần nhau, cho dầu nàng vẫn giữ mình, bên này, chồng con vẫn còn trơ ra đó – bên kia, vợ con cũng vẫn còn trơ ra đó. Nhứt là nàng, tâm thần khôn thôi giằng xé giữa khát vọng riêng tư và nghĩa vụ gia đình.

Mỹ Tiệp, 2

Nghĩa vụ đối với gia đình mình, với gia đình đối tượng của mình. Nhưng rồi nàng cũng xiêu lòng, sau cuộc “trôi lên trôi xuống, đi dọc đi ngang” ngẫu hứng, không định trước, trên một chiếc tàu đò với Đính, ngọn gió thoảng mát trong bầu khí ngột ngạt nàng hằng hít thở tới giờ. Khiến cho nàng cảm thấy như sắp được cởi trói, tầm mắt sắp vượt qua khỏi vòng đai khép kín phóng đến một chơn trời xa tít cách biệt với hiện tại:

Tiệp thấy một sức mạnh rủ rê mãnh liệt ở người đàn ông đi cùng (Viết Đính), anh ta đã gây cho nàng cảm giác muốn đi, muốn khám phá, muốn phiêu bồng, bên nhau, chân trời góc biển. Và nàng cũng thấy rõ rằng thế là lần này Tuyên (chồng nàng) và nàng lại xa thêm, xa mịt mùng dù nàng chưa thấy cái bến mới là đâu cả.” (sđd, tr. 125)

Có chút gì mơ ước, chưa nhìn đón trước rằng mình sẽ phải trả giá đến mức nào cho việc bắc cầu nối liền Nam Bắc để có thể đặt chơn tới “cái bến mới” xa lạ ấy. Mười một năm trời gót rỗ kì khu trên con đường đầy chông gai chướng khí do gia đình, xã hội và bộ máy quyền lực đồng lượt hợp sức với nhau dàn dựng, gieo rắc hầu hủy hoại mọi toan tính, cản trở mọi ý chí. Nàng đâu dè mình sẽ phải đối mặt, đương đầu với không chỉ một mà tới những hai đối thủ. Một bên là ông chồng, của nàng – bên kia là bà vợ, của Viết Đính. Cả hai, ông chồng này và bà vợ kia đều là cán bộ cao cấp có nhiều triển vọng leo thang chót vót hơn nữa: họ cự tuyệt không chịu cho vợ mình, Mỹ Tiệp, và chồng mình, Viết Đính, tính chuyện li dị, họ không thể chấp nhận cái điều có cơ xáo trộn cuộc đời vinh hiển của mình. Mà họ thì có nhiều đồng minh đầy quyền uy và quyền lực, ngay chính trong gia đình của vợ mình, của chồng mình. Mỹ Tiệp đã phải nghe biết bao lời khuyên nhủ và dọa nạt của người anh, rồi của người cô.

Của “ông anh quyền huynh thế phụ” là anh Năm Trường, vốn là con nhà binh, vừa mỉa mai và vừa thẳng thừng thách đố cô em gái ốm nhom ốm nhách chỉ cân đầy 38 kí:

Sao, nghe nói cô Tám (Mỹ Tiệp) tính bỏ chồng? Bịnh đứng núi này trông núi nọ ở đâu ra? Cô Tám làm thiệt hay làm kiểu văn nghệ hả? (…) Ai cho Tám cái quyền nuôi con? Gia tộc không ủng hộ, tòa án cũng không ủng hộ. Suy nghĩ kỹ đi, coi chừng người ta lợi dụng, người ta chỉ nhất thời cho qua cái thời gian đặc phái ở đây thôi. (…) Thì cứ chuẩn bị tinh thần đi, chi bộ, đảng uỷ, bên vợ bên chồng, lối xóm bạn bè, chuẩn bị đi! Chuẩn bị ứng đối với cô Tư đi, nhớ chuẩn bị cho kỹ đi kẻo cứng lưỡi nghen!” (sđd, tr. 90-93)

Thì đây, cô Tư đây, cô Tư Ràng đây, “hai chân xếp bằng tròn, hai nắm tay phừng phừng, trợn trắng”, còn miệng thì ngọt xớt gọi đứa cháu gái ương ngạnh của mình bằng con, xối xả: 

Bây giờ thì anh Tuyên (chồng Mỹ Tiệp) thế này thế nọ. Hồi đầu, con nhớ đi, hồi đầu nhìn qua hai đứa Tư đâu có vừa bụng. Nhưng có ngăn được không, hử? (…) Đặng vợ mất chồng là chuyện của thế gian, giờ hai tay hai đứa con bỗng dưng con vùng vằng? Ừ thì con chán nản, con ấm ức nhưng sao lại làm um lên tui có người khác đây, chồng ơi tui có người khác đây nè! Thân bại danh liệt, con giết con, con giết cả thanh danh nhà mình rồi thì thằng Tuyên nó có muốn giết con cũng hổng ai dám cản! Nó có súng mà, con nhớ đi, nó giết con dư luận cũng không lên án, rồi nó đi tù, con cái vậy là mồ cô đủ bộ!” (sđd, tr. 98-99)

Vậy mà mười một năm sau, Mỹ Tiệp cuối cùng cũng đã cặp bến, đặt chưn tới cái “bến mới” ấy. Thế mới biết nàng can trường và kiên cường tới mức nào, khối tình Mỹ Tiệp / Viết Đính sắt đá và khăng khít như thế nào!

Cô Tư Ràng

Cô Tư Ràng! Bà cô có tánh khí mãnh liệt hơn người này của Mỹ Tiệp đại diện cho toàn thể cánh đàn ông trong đại gia đình, tập trung hết mọi quyền uy của họ trong tay – họ thảy đều đã vĩnh viễn, hay thường xuyên vắng bóng, từ ông nội thình lình qua đời khi nghe tin người cha, con mình, bị địch thủ tiêu, tới người anh đóng quân ngoài biên giới xa xăm năm thì mười họa mới ló mặt. Bởi vậy cô đương nhiên ngự trị trên mớ thân nhơn còn lại, là đám đàn bà và bầy con nít. Ngay cả trong chỗ ngủ vào đêm:

Tiệp nhớ những buổi tối êm dịu, giường của hai cô cháu vuông góc với chỗ của bà nội, dãy kia là má, chị Hoài, chị Niệm (…), chị Nghĩa và em út, một đội quân giường toàn là đàn bà và con nít từ khi ông nội ngủ giấc không bao giờ dậy sau cái tin ba nàng chết. (…), cô hay dông dài với Tiệp (…) vì sao cô ở vậy (không tái giá) để cáng đáng mọi chuyện và vì sao cô gởi em Minh, con gái một ra thành cho nhà nội nó…” (sđd, tr. 97)

Và cô thật sự “cáng đáng mọi chuyện trong nhà, từ việc nhỏ nhặt tới đại sự, không bỏ qua một chi tiết nào. Thảy đều được, hay bị cô dò la, soi mói, xét nét, bắt mọi người phải răm rắp dẫm chưn trên con đường đã thành nếp, tùng phục lối xử sự cổ truyền đã được xã hội đúc kết thành qui tắc bất khả xâm phạm. Xéo đi chút xíu là bị cô cảnh cáo ngay liền, mà lại còn không chịu sửa mình thì tất nhiên đừng hòng được cô đặc xá: kinh nghiệm của Mỹ Tiệp về ý định “bỏ chồng” nhắc tới trên đây trong tiểu mục vừa rồi là thí dụ điển hình cho tánh khí quyết liệt ấy. Bởi cô không sống cho mình, cô không đi bước nữa, mà sống cho gia tộc, bởi cô hi sanh mọi thứ, hi sanh ngay cả đứa con gái một gởi cho bên nội, để rảnh tay bảo tồn gia tộc – chẳng khác nào cánh đàn ông trong đại gia đình đã hiến mình để bảo toàn tổ quốc. Cô nghiễm nhiên biến thành hiện thân cho cốt cách “đàng hoàng”, nền móng gia tộc mà mọi thành phần lớn nhỏ đều phải bảo hành: 

Con gái con lứa nhớ sáng ra việc đầu tiên là phải cầm lược chải gỡ đàng hoàng; người lớn có gọi có bảo phải dạ thưa cho đàng hoàng, khi trả lời phải đứng ngay ngắn lại nhìn thẳng vào người hỏi để nói năng cho đàng hoàng; ăn uống phải ngồi ngay ngắn, phải cầm đũa cầm chén cho đàng hoàng… Lớn lên chút nữa thì không chây lười – đàng hoàng; không dối trá – đàng hoàng; không thất tín – đàng hoàng…Không dối trá, nghĩa là phải trung thực, (…). (…), đàn bà có chồng mà đi tằng tịu với người khác thì nhất định là không đàng hoàng rồi. (…) Danh dự là đàng hoàng, mà đàng hoàng là thể diện, thể diện là tốt khoe xấu che. Như nàng không thể cùng lúc lên giường với Tuyên (chồng nàng) mà vẫn thậm thụt đi dâng hiến cho người khác, đó là sự rạch ròi tối thiểu của một người đàn bà tự trọng, mà tự trọng là đàng hoàng.” (sđd, tr. 78-79)

Đứng trước một cô Tư Ràng gieo vần với cốt cách đàng hoàng quyết liệt tới mức đó thì dĩ nhiên Mỹ Tiệp “cứng lưỡi như anh Năm Trường đã dự đoán, không tài nào “ứng đối”, dầu cho có chuẩn bị càng. Mà quả thật, làm sao đương đầu nổi loại luận điệu chắc nịch hun đúc bởi thuyết tiền định (dầu đương sự chưa hề nghe nói tới thuyết này), kiểu “Làm đàn bà con gái là phải chịu khổ, ráng khổ chút nữa rồi cũng hết đời thôi, con.” (sđd, tr. 94) của cô Tư Ràng. Cô Tư thủ lãnh, cô Tư cấm vận, “cô Tư quan tòa của gia tộc, cô Tư quyền sinh quyền sát của đám chị em Tiệp” (sđd, tr. 86) Sánh với cô Tư Ràng, thì bà mẹ của Đính, vốn chẳng ưa gì đứa con dâu sắp tới có cơ làm xáo trộn tương lai mấy đứa cháu con của Đính, là một trời một vực.

Cho nên Mỹ Tiệp đã phải xoay xở, tìm đủ mọi cách hòng “lảng tránh bức tường” (sđd, tr. 237) kiên cố mà cô Tư Ràng vây bủa quanh mình.

Đồng phục

Anh chàng nhà văn Hà Nội vác mặt xuống tận miệt vườn viết mướn cho một ông giám đốc, chủ yếu là để ca ngợi thành tích công ti khai thác rừng tràm do ông ta điều hành (6) – “một tập sách thuộc loại ‘’ không ai thèm đọc’’” (sđd, tr. 214). Anh chàng này chẳng hiểu ăn mặc xềnh xoàng, tóc tai rối bét như thế nào, lơ ngơ láo ngáo ngoài đường phố chẳng rõ làm sao mà chàng ta lại “cay đắng vỗ vỗ vào ót mình”, rồi cười mếu:

dưới địa ngục người ta cũng không đối xử với tóc dài quần loe như mấy ông thông tin văn hóa xứ này. (…) Đang đi, vụt tiếng còi, còi hẳn hoi nhá, một tổ ba ông băng đỏ hẳn hoi ở đâu túa ra hỏi giấy túm tay như mình bị truy nã. Thế rồi áp vô gốc cây dùng kéo sởn một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi.”(sđd, tr. 40-41)

Đáng kiếp thay cho cái anh chàng Đính ăn mặc dị hợm, tóc dài quần loe, không biết hòa hợp với thứ xã hội đồng phục vận hành sau ngày đất nước thống nhứt. Người người lớp lớp đều bận một màu, không chỉ ở bên ngoài như trong trường hợp chàng ta, mà còn cả trong đầu óc, trong ý nghĩ, trong tư tưởng, trong cung cách, cùng chung một lập trường. Chưa chi mà đã mếu máo, la hoán, thử hỏi rồi sẽ phản ứng thế nào trước những lời căn dặn khẩn thiết của ngài trưởng Ban Tuyên huấn Hai Khâm, nhắc nhở Mỹ Tiệp: “Cháu phải nhớ mình là con liệt sĩ, đại liệt sĩ đấy nhá. Tấm gương Lê Lai cứu bí thư tỉnh uỷ của ba cháu hồi đó là vang dội lắm đấy. Viết gì thì viết, đừng quên lập trường chính trị, lập trường giai cấp, chú cháu mình cùng văn đàn đấy nhé.” (sđd, tr. 64-65)

Cùng văn đàn” với Mỹ Tiệp, đã truyện in ở ngoài Hà nội, là vì Hai Khâm, ngoài trọng trách cầm trịch Ban Tuyên huấn, còn xông xáo làm vè phục vụ chánh sách, kịp thời và đúng lập trường. Thường xuyên đăng tải trên tờ báo tỉnh một cách trang trọng, do hai nhơn viên dưới trướng là Sếp nhà thơ chủ tịch Hội văn nghệ và chính Mỹ Tiệp trình bày. Sếp nhà thơ lắm khi “phải nhắm mắt tung hô thứ thơ ‘’Ai ơi chớ bắc cầu tiêu /Trên sông nước chảy là điều không nên’’ chỉ vì ông ta (Hai Khâm) có thể che chắn cho Hội (văn nghệ) trong việc ‘’ đi đêm’’ (thông đồng để lập quĩ riêng cho Hội) với Công ty Du lịch quốc doanh và vì ông ta nắm quyền sinh sát cái tờ báo mà ‘‘không có diễn đàn ấy, chính anh (Sếp nhà thơ) sẽ có tội với nền văn học nghệ thuật tương lai của tỉnh nhà và của khu vực!’’” (sđd, tr. 105-106)

Tình trạng này dĩ nhiên dẫn đến hậu quả không tránh khỏi: tràn lan trên báo chí loại văn chương nhạt nhẽo, thiếu máu. Một là vì thơ văn kiểu Hai Khâm choáng rất nhiều chỗ; hai là vì, nghiêm trọng hơn, bài đăng báo và thơ văn in ra thảy đều bị/được biên tập sao cho rập khuôn, sao cho đúng lập trường. Một hôm, trên chiếc tàu đò Cầu Quay – Đồng Dưng, Mỹ Tiệp tình cờ gặp mặt Quý, anh bạn đồng nghiệp làm báo trước đây, được anh cho hay là đã “bỏ nghề báo rồi, mua rẻ miếng ruộng ngoại ô lên liếp lập vườn rồi.” Nàng không lấy làm ngạc nhiên chút nào nghe Quý giải thích, chính bản thân mình cũng đã trải qua kinh nghiệm:

Các sếp thường gọt hết những bài báo của tôi, không còn bình luận, không còn chủ kiến. Mấy ông đó sợ cái còi trong miệng Hai Khâm, hay là sợ mất cả ghế? Xem chừng tiếp tục nghề vườn của ông bà coi bộ thanh thản hơn.” (sđd, tr. 112)

Một nhà báo đeo đuổi nghiệp dĩ văn chương mà phải bỏ nghề ắt là việc chẳng đặng đừng . Biết bao nhà văn nhà báo cũng đã, y như Quý, lâm vào tình huống ấy – trong đó có kẻ viết mấy dòng này. (10) Những ai đã trải nghiệm tình huống đó chắc không lấy làm chưng hửng chút nào. Bởi vì “Viết văn là trò chơi nguy hiểm, muốn được yên cái thân để ngồi viết thì phải tính kế bảo an cho cái đầu!” (sđd, tr. 234)

Bao cấp, 1

Nhờ Sếp nhà thơ khéo léo sắp xếp, chi tiền vé máy bay thay cho tiền nằm xe lửa như theo công lịnh, lần đầu tiên Mỹ Tiệp bay ra Hà Nội trên một chiếc TU cũ kĩ: “Anh cho em nghỉ phép đi tham quan Hà Nội một chuyến cho biết. (…) Đi máy bay đi, cũng để cho biết, (…). Đi đi, cô em, một công hai việc (thăm viếng Hà Nội và họp mặt với Viết Đính), nhớ quan sát kỹ mọi thứ, nghe!.” Nàng hiểu rõ rằng đây là cách Sếp nhà thơ thường khi ứng xử, không chỉ với một mình nàng mà với nhiều người chung quanh, “một phần là để gỡ gạc lại chuyện anh hay bưng bê thơ phú cho Hai Khâm và mấy anh Thuờng vụ khác” (sđd, tr. 127-128). Và Mỹ Tiệp đã “quan sát kỹ”, như Sếp nhà thơ căn dặn.

Ngay khi chưa lên máy bay, nàng đà chú mục cảnh tượng hành khách bị bỏ mặc trong phòng chờ ở sân bay Tân Sơn Nhứt:

Không một lời thông báo, không một lời cáo lỗi, cuối cùng đám hành khách lóng nhóng trong phòng chờ mới được mời ra máy bay. Đính hay nói rằng văn hoá thương nghiệp độc quyền đã khiến cho thần kinh xấu hổ của người ta bị tiêu diệt và để đáp trả, trẻ con cũng không biết xin lỗi và cảm ơn và cứ thế, người mình cứ nhâng nháo và văng tục ở mọi chỗ đề bày tỏ thái độ.” (sđd, tr. 126)

Nhưng Hà Nội đây rồi, “Hà Nội thiêng liêng (…), Hà Nội đồng nhất với nhớ thương (…), Hà Nội như một thứ ma lực từ xa nhưng khi đã chạm chân lên nó thì lại thấy sợ hãi vì không lường được nó ẩn chứa những gì (…). Chỉ thấy cây và cây nghiêm cẩn như những lão làng, nàng thấy mình bỗng thật sự nhỏ bé và bơ vơ (…).” (sđd, tr. 129) Hà Nội mơ tưởng trước kia bỗng chốc khiến cho Mỹ Tiệp ngỡ ngàng, thất vọng. Chiếc xe buýt “khá khả nghi về sự sạch sẽ” từ sân bay Gia Lâm chở hành khách về trung tâm thủ đô lần qua cầu Long Biên, viện Bác cổ, Nhà hát lớn, phố Tràng Tiền, dọc theo “những con đường tĩnh lặng, trầm buồn dưới ánh đèn đo đỏ một trăm hai mươi oát.”Nhìn xuống ven đường, thấy ”một đám đông như họp chợ trên một đoạn vỉa hè vung vãi rác kem que, một ngài đại uý quân phục quân hàm hẳn hoi đi từ trong chỗ xếp hàng ra vừa đi vừa mút một cách rất là nhịp nhàng cả hai que kem trên tay như một anh hề tung hứng.” (sđd, tr. 128) Có một khoảng cách giữa thực tế và mơ mộng mà cảnh rác rưởi vung vãi trên vỉa hè và hình ảnh ngài đại uý mút mút cùng lúc hai que kem không khỏi góp phần làm tan vỡ.

Cô bạn trẻ An Khương du học ở Hà nội ra sân bay “chầu chực từ chiều tới giờ” (sđd, tr. 130) đón Mỹ Tiệp. Rồi cả hai trèo lên xe buýt. Về tới Bờ Hồ thì đà có Đính chờ sẵn “với cái mùi đàn ông (…) ngay bên cạnh” (sđd, tr. 135), họ khó nhọc đèo nhau và hành lí trên hai chiếc xe đạp cà tàng tính chuyện ăn nhờ cho Mỹ Tiệp. Họ tạt vô một tiệm phở:

Quán phở chắc là có tiếng, mùi than đá, mùi thịt thà lưu cữu, những dãy người chen chúc gần như là xếp hàng, đi ăn mà phải trì vai, áp lưng, giơ phiếu như thị trường chứng khoán thì Tiệp chưa thấy bao giờ. (…) Những chiếc bàn bẩn thỉu, nền quán vung vãi giấy ăn và xương xóc, những cô mậu dịch viên áo trắng in mác MDQD (mậudịch quốc doanh) xanh xanh hy vọng nhưng mặt mũi cô nào cũng ‘’ có vấn đề lịch sự ‘’. (…) Cuối cùng mỗi người lấy được một tô phở méo mó và những chiếc muỗng chết cười. Những chiếc muỗng (…) bị đục một cái lỗ tròn nhỏ ở chỗ đáng ra nó phải rất nguyên rất lành để làm một cách trọn vẹn và tốt đẹp chức năng giúp người ta húp được nước phở. (…) Người ta làm thế để chống cắp. Chỉ có những kẻ ăn cắp thành thần thì mới nghĩ ra cách chống ăn cắp độc chiêu thế này.” (sđd, tr. 141-142)

Ngay tự buổi đầu khi còn chờ máy bay ở sân bay và đặt chưn ướt chưn ráo tới thủ đô mà Mỹ Tiệp đã bàng hoàng trước những điều trông thấy đau đớn lòng. Rồi tiếp sau đó, suốt thời gian ăn nhờ ở đậu ở Hà Nội, Mỹ Tiệp mới thật sự nếm đủ mùi bao cấp trên chính da thịt và qua chính hơi thở của mình.

Bao cấp, 2

Khi chỉ còn hai người với nhau, việc đầu tiên của Đính là ghé qua các tụ điểm đổi chác, kiếm cho Mỹ Tiệp chút tiền túi và thuốc ngừa thai phòng khi “(…) còn trong vòng không an toàn thì em nhớ uống vỉ thuốc đó cho đều (…)” (sđd, tr. 148), khiến nàng phải bật lời khen chàng quả thật là sành điệu, “sành thuốc sành chỗ sành mua sành bán quá trời” để được đáp trả ngay liền rằng “Ở ngoài này, lớ quớ một chút là không tồn tại nổi đâu em.”

Rồi họ dắt nhau luồn qua các khu tập thể “đều vẻ giống nhau ở những ngôi nhà lắp ghép đơn điệu, sơ sài, những cái lồng sắt vô trật tự và xấu xí, những sợi dây phơi không cần thẩm mỹ và lịch sự.” Càng chun vô sâu trong khu chung cư “của (ông) bạn Đính, Tiệp càng nghe rõ mùi than đá bếp lò, mùi chuột gián, mùi mốc meo lưu cữu và mùi của những cái nhà vệ sinh công cộng thiếu nước.” Đến một góc tối, Đính dừng xe, nhắc chừng Mỹ Tiệp nên đi vệ sinh ngay ở đây, vì “chỗ bạn anh không có tiện nghi gì cả.(..) Lát nữa thì bất tiện. Mình vô lặng lẽ, mai ra đi sớm, hàng xóm bạn anh mà biết thì phiền. Họ không sợ mình là kẻ gian, hay gián điệp, mà chứa chấp và không trình báo là cái cớ vàng để hàng xóm họ chơi lại với nhau.” (sđd, tr. 150) (11) Tất nhiên là nàng tuân lời, tìm chỗ thích hợp trong đêm tối nhá nhem nhờ có hộp quẹt do Đính cung cấp, rồi khi lấy gáo định múc nước dội rửa thì nàng chợt “phát hiện một cục phân nho nhỏ vàng vàng đang ngao du lều bều trên mặt nước. Tiệp (liền)quăng cái gáo chạy ù ra, nàng trả lời Đính là nhiều chuột quá.” (sđd, tr. 151)

Cuối cùng thì họ cũng bước tới nơi ông bạn tên Kỳ đang ở với đứa con gái nhỏ, một gian phòng “cót ép chật chội chỉ đủ để chứa “một chiếc giường mét hai ngay liền lối đi, một chỗ trống chừng thước hai nữa trải tấm vạt bằng nan tre mảnh và một thẻo bếp bên trong.” Kỳ tinh ý bảo con gái đi ngủ sớm “để bác với còn nghỉ.” (sđd, tr. 152). Một tấm màn vải bông rách rưới được thả xuống ngăn chiếc giường với chiếc sạp tre. Vậy mà cái đêm hôm ấy đêm gì, trên chiếc sạp tre này, Viết Đính và Mỹ Tiệp đã cộng hưởng đến cực cùng khối tình đợi chờ xuyên suốt làn da thớ thịt cho tới tận sâu thẳm tâm hồn. Mỹ Tiệp cảm thấy mình “chưa như thế bao giờ”, còn về phía mình thì Đính cũng đồng tình: “Anh cũng chưa như thế nầy bao giờ.” Đến đây ngòi viết của Dạ Ngân bỗng dưng thăng hoa một cách diệu kì cùng với khối tình tròn đầy của họ. (sđd 155-157)

Nhưng rồi Mỹ Tiệp cũng phải trở về nguyên sở miệt vườn. Để đụng đầu ngay với phiên tòa luận tội do Hai Khâm chủ toạ trợ lực bởi một hội thẩm đông đảo gồm toàn những tay Thường vụ là các ông bà Trưởng Ban kiểm tra, Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc Sở văn hóa thông tin và Bí thư Dân chánh Đảng, có cả Sếp nhà thơ tham dự với tư cách là thủ trưởng trực tiếp của Mỹ Tiệp. Họ đã nhận được thư của bà Cẩm, vợ Đính, gởi cho Tuyên, chồng Mỹ Tiệp, tố cáo hành vi tình địch của mình đã khiến chồng bà lãng phí tiền bạc trong khi họ đi lại với nhau. Bức thư do cô Tư Ràng vốn mù chữ chuyển tải, chắc là đã “được Tuyên đạo diễn và làm thư ký trong chuyện này.” (sđd, tr. 193). Ngồi trước tòa án đặc biệt đó: “Tiệp trân người chịu đựng, mắt mờ đi vì trò lấy chức đè người dù họ, kẻ thì vì chức trách, kẻ thì bị Hai Khâm lôi đi, kẻ thí có ác ý sẵn.” (sđd, tr. 191) Dầu vậy, tới lúc thấy mình cần phải tự vệ, không thể để cho họ vung văng trấn áp mà không phản ứng, nàng liền đứng vụt dậy:

Nàng nói về sự phi lý của trận đòn hội chợ, về những lá thư của một người chỉ có roi vọt tổ chức và uất hận tiền bạc chứ không có nỗi đau khổ mất mát thông thường, về sự phí phạm điện nước trà thuốc của nhân dân vào những cuộc họp sát phạt vô bổ, về tư cách của những người sẽ luận tội nàng, về những lời giả dối (…).” (sđd, tr. 192)

Nàng ở đây là chính tác giả, là chính Dạ Ngân chăng?

Nhân sinh quan

Lời giải đáp cho câu hỏi vừa đặt ra trên đây nằm trọn trong mấy dòng tác giả kết thúc câu chuyện kể, như sau:

Tình duyên lận đận, học hành dở ương, con cái nhỏ dại, cái vòng tròn của nàng chưa khép lại mà vòng tròn của con gái nàng đã chồng lên, cái bóng của nàng, cái bi kịch của nàng và đó cũng là phần thiếu hụt mà nàng luôn cảm thấy khi đi còn chưa hết con đuờng mẫu tử của mình.” (sđd, tr. 295)

Bởi nàng trong câu rốt cùng của thiên truyện không là ai khác, không là Mỹ Tiệp nhơn vật tiểu thuyết, mà là tác giả, mà chính là Dạ Ngân. Chắc cũng vì không trùng hợp đồng hóa nhơn vật hư cấu Mỹ Tiệp với tác giả bằng da bằng thịt mà có nhà bình luận đã cho rằng cảnh tình Mỹ Tiệp nhận bức điện của đứa con gái bị chồng phụ bạc, từ xa kêu cứu mẹ: “Mẹ ơi, con cần mẹ, con khổ quá. Chồng con ảnh có người khác, người ta còn gọi điện đòi con nhường chồng nữa, mẹ. Phải chi hồi đó con theo mẹ, con nghe lời mẹ, nhưng mà con cần mẹ, lúc nào con cũng cần mẹ, mẹ ơi.” (sđd, tr. 292-293) là một thủ thuật văn chương có chút nào nhơn tạo, hay để dùng chữ của nhà bình luận, có phần sắp đặt khiên cưỡng. (12) Riêng mình, chúng tôi không nghĩ như vậy.

Một là vì, cứ vin theo câu thành ngữ la réalité dépasse la fiction của người Pháp hàm chứa một ý nghĩa đại đồng, là thực tế nhiều khi còn vượt quá sức tưởng tượng – những cơ cực, cay đắng mà Mỹ Tiệp đã phải gánh chịu chẳng chứng thực nhận xét này hay sao? – thì tiếng kêu trầm thống của đứa con gái gởi tới người mẹ, vào thời điểm sau bao nhiêu năm trời khổ nhọc Mỹ Tiệp mới tháo gỡ được những rối rắm tâm tình trùm phủ lên trên cuộc đời của mình, xét ra đâu phải là chuyện bất thường, không thề xảy ra. Mà, trên thực tế, nó cũng đã thật sự xảy ra trong cuộc đời của tác giả.

Hai là vì, đây mới là điều chánh yếu, các tình tiết thật sự đã xảy ra này vốn tự nói lên nhân sinh quan của tác giả, ăn khớp với hoàn cảnh. Tự nó, nghĩa là tác giả không cố tình bày vẽ, sắp đặt (chữ của nhà bình luận nhắc tới trên) trong mục đích minh họa ý tưởng, hay đạo lí của mình. Chúng tôi không rõ Dạ Ngân có dip đọc và chịu ảnh hưởng nhà văn Pháp thế kỉ XIX Guy de Maupassant (1850-1893), hay một số nhà văn Mĩ cuối thế kỉ XIX như Stephen Crane (1871-1900) và nửa đầu thế kỉ XX như John E. Steinbeck (1902-1968) (13) chẳng hạn, các nhà văn này đều ứng dụng thứ thư pháp viết truyện theo đó hành động và sự việc mới biểu thị tâm tánh và cảm nghĩ của nhơn vật và, qua nhơn vật, suy luận của tác giả. Nhưng quả là ở đây Dạ Ngân nghiêng về lối viết truyện như vậy.

Tóm gọn trong mấy dòng kết thúc câu chuyện, trích dẫn ở phần đầu tiểu mục, quan niệm của tác giả về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích cuộc sống không xuất phát từ một đạo lí, hay một triết thuyết sâu xa – Dạ Ngân, khiêm nhường, biết rõ rằng mình không thể có thứ cao vọng đó (3), mà bắt nguồn từ kinh nghiệm đau thương chính mình đã trải qua. Nó chỉ nói rằng cuộc đời là một nương dâu trong đó con người luôn phải tự mình bảo vệ mình để khỏi bị ngoại giới trấn áp, thì mới hòng sống còn đúng theo ý nguyện cá thể trong cái vòng tròn của mình.

Chứng từ

Truyện-kể Gia đình bé mọn, như ghi chú ngoài bìa, là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết nào mà không gói ghém ít nhiều chất liệu rút ra từ trải nghiệm, từ cuộc đời của tác giả? Khác nhau chăng là ở chỗ chất liệu này thể hiện rõ nét trên trang sách, hay đã hóa trang biến dạng chẳng ít thì nhiều.

Tác phẩm của Dạ Ngân dĩ nhiên thuộc loại đầu – nói dĩ nhiên là bởi, cho tới nay, giới quan sát và phê bình văn học không trừ một ai đều nhấn mạnh tánh chất tự truyện của nó. Ngay chính tác giả cũng thú nhận như vậy trong nhiều bài phỏng vấn: “Cái tạng của tôi chỉ là viết những gì đã đi qua cuộc đời của mình, những gì đã quen thuộc với mình.” và “Tôi là tạng nhà văn cái gì không ngấm vào mình, không được trải qua thì không thể viết sâu sắc được. Tôi không thay đổi tiểu sử, nhân thân cho các nhân vật nguyên mẫu.” (14) Và, trên thực tế, cuộc tình trôi nổi và mãnh liệt mà Dạ Ngân kết nối với một nhà văn danh tiếng gốc Nghệ in đậm rõ nét trong thiên truyện.

Từ mấy thập niên qua, ở Pháp có một trào lưu gọi là autofiction, hay tự sự hư cấu, mà văn giới Hoa kì nhại theo, nhưng chuyển thành surfiction, một từ đồng nghĩa. Nôm na mà nói thì tự sự cấu là những trang viết trong đó tác giả xào nấu, hư cấu những sự việc, những sự cố kín đáo riêng tư có thật, hay bịa đặt là có thật, đã xảy ra trong cuộc đời mình. Cuốn truyện L’Amant (Người tình – giải Goncourt 1984) của Marguerite Duras (1914-1996) là một thí dụ điển hình cho thể autofiction trong nền văn chương Pháp đương đại. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở đây chúng tôi nhắc tới tác phẩm này của nhà văn Pháp: đọc 295 trang tự thú Gia đình mọn của Da Ngân, chúng tôi không ngừng nghĩ tới cuốn Người tình.

Dẫu rằng đem ra so sánh, thì tác phẩm của Dạ Ngân có một bề dầy lịch sử và một chiều sâu tâm lí khiến cho nó nghiễm nhiên trở thành chứng từ khắc họa một thời kì nghiệt ngã, qua những lời tự thú chơn thật và chơn thành hiếm thấy, vượt hẳn mấy trang mỏng manh của đồng nghiệp của bà. Nhờ vậy mà Gia đình bé mọn xuất hiện dưới mắt chúng tôi như một tác phẩm lớn. (15)

TRẦN THIỆN – ĐẠO

(Paris, 15/09/2006)

_________________

(1) Chúng tôi chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ trong nước.

(2) Chỉ nhắc ở đây tác phẩm tiêu biểu của từng nhà văn.

(3) Xem: ”Tôi không định làm mới. (…) Làm mới thi pháp tiểu thuyết là điều cực khó, đòi hòi tài năng lớn, đẳng cấp văn hóa cao và cái nền triết học như thế nào đó nữa. (…)” (Dạ Ngân, Không làm được thì đừng cố, trên Thể thao & Văn hóa, số 114, ngày 22-10-2005). Tiếc rằng tinh thần biết ta biết người này của Dạ Ngân ít khi được một số nhà văn khác nhập tâm.

(4) Xem: ”‘’ Gia đình bé mọn’’ đang được NXB Phụ nữ in nối bản. In đợt đầu 1.200 cuốn bán trong vòng 3 tháng hết sạch (…)” (Dạ Ngân, Tôi viết văn như thợ xây nhà, trên Nông thôn ngày nay, số 206, ngày 17.10.2005). Có thể ví với con số tương đương trên dưới 300 ngàn ấn bản ở Pháp chẳng hạn. Có chút gì trái cựa và tủi nhục ở sự chênh lệch giữa hai dân số, Pháp 60 triệu, Việt nam 81 triệu, và hai lượng sách ăn khách.

(5) Dan Brown, Mật mã Da Vinci (Nxb Văn hóa Thông tin, 2005 và 2006). Xem bài Mật mã Dan Brown, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ – những tiếng cười giòn(Nxb Thanh niên), sắp phát hành.

(6) Bùi Ngọc Tấn có kể vụ đi viết mướn này. Xem Rừng cây xanh , trong Bùi Ngọc Tấn, Viết về bè bạn – Tập chân dung văn nghệ sĩ (Nxb Hải Phòng – 2003), tr. 11-28.

(7) Họ ở thật xa – người đàn bà tận cuối phương nam – người đàn ông tận đầu phương bắc – giữa họ là cả nghìn dặm cách. Trích Một chút dịu dàng, của Ngô Thế Oanh làm thơ tặng bạn.

(8) Chắc là giày vò.

(9) Đối chiếu với trích dẫn sau đây – tác giả đang chạy loạn: “Bụng tôi đau quặn, lưng mỏi ghê gớm. Tôi thở ra như sắp đứt hơi. Có cảm giác ẩm ướt chảy suốt, mồ hôi vã ra, bàn tay lạnh ngắt. Điều lo sợ kinh hãi nhất trong đời tôi đang xảy đến, trời ơi, không ngờ nó lại đến lúc này. Tôi cắn răng, kềm tiếng rên. Mặt tôi tái nhợt. Trời hành tôi là con gái, tôi than thầm. Những gì ‘’ người lớn ‘’ chuẩn bị tinh thần về chuyện hành kinh đầu đời con gái, giờ thấy vô lý hết. (…) Tại sao lại ngay lúc này mà không đợi tháng sau, năm sau? Tủi cực, xấu hổ, tôi ngợp với cảm giác choáng váng, nôn nao, cơn đau càng lúc dồn dập. Gập mình bậm miệng… Đau này có giống cái đau của đàn bà đau đẻ?” (Phạm Chi Lan, Tháng 4 tội lỗi – trên Hợp Lưu, số 82, tháng 4 & 5 năm 2005).

(10) Xem Nguyễn Văn Thọ, Trần Thiện Đạo còn tiếng cười giòn (trên Văn nghệ, số 12, ngảy 19-3-2005, và Nhân dân điện tử, ngày 8-6-2005).

(11) Cho đến vào năm 2006 này, nhận xét nói trên vẫn còn hiện đại. Kẻ kí tên dưới đây đã có dịp chính mình chứng nghiệm tình huống đó. Ấy là bỏ qua không nhắc tới trường hợp vì đố kị riêng tư, có kẻ vô học nhưng được nâng lên làm khoa trưởng đã chẳng ngại gởi thư từ xa tố cáo với nhà chức trách sở tại.

(12) Xem Dư Thị Hoàn, Gia đình bé mọn và tờ đăng ký kết hôn (nguyệt san Tia sáng, số tháng 12/2005).

(13) Xem Một vì sao rụng: John E. Steinbeck Đọc ‘’ Của chuột và người ‘’ , trong Trần Thiện-Đạo, Cửa sổ văn chương thế giới (Nxb Văn hóa Thông tin, 2003), tr. 251-287. Nguyễn Huy Thiệp thường sử dụng loại thư pháp của nhà văn Pháp và hai nhà văn Mĩ trong các truyện ngắn.

(14) Trích dẫn đầu, trên Thể thao & Văn hóa, số 114, ngày 22-10-2005, dưới nhan đề Không làm được thi đừng cố; trích dẫn sau, trên Văn nghệ công an, số 25, tháng 12-2005, dưới nhan đề Gia đình bé mọn có phải là câu chuyện về tình yêu của nhà văn Dạ Ngân?

(15) Tuy vậy, tác phẩm có chứa một số (nhỏ) hột sạn làm cho độc giả khó tánh gai mắt, thuộc loại dễ gạt bỏ.

Comments are closed.