GIỚI THIỆU “NỀN DÂN TRỊ MỸ”

 

Phạm Toàn

PT

        Cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville[i]được nhà xuất bản Tri Thức công bố ngày 9-1-2007 nhân lễ ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh.

          Bài giới thiệu này không kể về nội dung cuốn sách: tự bạn đọc sẽ tìm đến nội dung đó. Bài viết này giới thiệu một “nội dung” khác: phương pháp tạo nên công trình đồ sộ đó.

Khái niệm phương pháp nói ở đây là toàn bộ tiến trình suy tư và lao động cho tới khi hình thành hai tập sách.

Alexis de Tocqueville là một nhà quý tộc trẻ. Ông sinh năm 1805, đậu cử nhân luật năm 1826 (hai mươi mốt tuổi) và năm năm sau (vào tháng 4 năm 1831) ông cùng bạn là Beaumont, cũng là một luật gia, xuống tàu ở cảng Le Havre sang Mỹ, lý do của chuyến đi là nhằm “nghiên cứu chế độ nhà tù Mỹ”, một công việc không được trả công nhưng là sứ mệnh chính thức, đến cuối đợt khảo sát sẽ phải có một “báo cáo” gửi tới các cơ quan công ích rồi sau đó sẽ được đem xuất bản.

Các nhà nghiên cứu đều đặt câu hỏi về chuyến đi này, mà ngay từ khởi thủy đã có điều gì đó bí ẩn khó hiểu. Là nhà quý tộc, sống trong nước Pháp sục sôi “cách mạng” từ năm 1789 và không ngừng sôi sục – hoặc luôn luôn bất ổn – ông nghĩ đến chuyện đi xem xét nước Mỹ từ khi nào? Và tại sao lại đi Mỹ?

          Vào thời đó, nước Cộng hòa Mỹ quốc trẻ tuổi là khuôn mẫu của một loạt những đầu óc xa lạ với truyền thống quý tộc đã nuôi dưỡng họ, và vào thời Trung Hưng họ đã trở thành thế lực chống đối của những con người ủng hộ Tự do. Những con người có đầu óc tự do ấy thuộc mọi màu sắc, có những người theo các Hội Kín, có những người cộng hòa thờ thần tượng La Fayette, họ tạo thành “mặt trận” của những người mang thiện cảm với nước Mỹ. Và như ta đã biết, còn có nhiều người Pháp thậm chí sang hẳn bên Mỹ chiến đấu cho độc lập – tự do – hạnh phúc của liên bang Hoa Kỳ nưã. 

          Liền sau khi Tocqueville từ Mỹ trở về, ngay sau khi xuất bản tập Một cuốn Nền Dân trị, ông viết thư cho bạn là Kergorlay vào tháng Giêng năm 1835. Trong thư Tocqueville chỉ rõ cho bạn mình rằng con đường tiến đến quyền bình đẳng là tất yếu không sao tránh khỏi, mà vấn đề trung tâm vào thời ấy là tìm xem quyền bình đẳng có dung hòa được với Tự do hay không. Tocqueville còn viết thêm về hoàn cảnh khó chịu của ông, việc chẳng ai có thiện cảm với ông cả, vì có những người thấy về cơ bản ông chẳng hề yêu thích Dân chủ và còn tỏ ra khắc nghiệt với khái niệm đó, còn có những người khác thì nghĩ rằng ông bộp chộp ủng hộ sự phát triển nền dân trị. Trong thư, Tocqueville nói với bạn – Louis de Kergorlay, người đã rời bỏ quân đội và ít lâu sau thì lao vào cuộc phiêu lưu đảo chính của nữ công tước Berry – câu trả lời cơ bản này: “từ mười năm trước tôi đã suy nghĩ về một trong những điều tôi vừa mới trình bày với anh. Tôi sang Mỹ để làm sáng tỏ cho mình mỗi một điểm ấy. Hệ thống lao ngục chỉ là một cái cớ tôi viện ra. Tôi lấy đó làm tấm giấy thông hành để thâm nhập vào khắp nơi ở Hoa Kỳ. Ở cái đất nước này nơi tôi gặp hàng ngàn điều ngoài điều mình trông đợi, tôi bắt gặp vô vàn điều khác cũng đáp ứng những câu hỏi biết bao lần tôi tự đặt ra cho chính mình.”

          Cho chính mình, hay là cho đất nước? Ta cần lưu ý yếu tố “cho chính mình”. Và toàn bộ công trình của Tocqueville có thể được coi như một sự suy tư không bao giờ ngừng về giai tầng quý tộc của chính mình.

          Đó là xuất phát điểm của một quá trình suy tưởng bắt đầu từ  những trải nghiệm từ tuổi thiếu niên về bản thân mình, gia đình mình, đời mình, ý nghĩa lịch sử của những gì cha mẹ mình đã trải qua và cái gì chính mình đang trải, hoặc đang trải lại lần nữa qua những thất bại của cuộc Trung Hưng và sau các mưu toan đảo chính bất thành năm 1830 mà chính cha ông, Hervé de Tocqueville, cũng chỉ may mắn thoát máy chém nhờ sự kiện ngày 9 Tháng Thermidor (27-7-1794) – cuộc đảo chính chống lại “cánh tả” của Robespierre.

Kể từ năm 1815 – khi Tocqeville lên mười – nền chuyên chế được trung hưng đã luôn tích cực nuôi dưỡng cái liên minh xây dựng lại giữa nhà vua và giai cấp quý tộc. Song Tocqueville chẳng quan tâm xem cái triều đại đang trị vì có chính đáng hay không; cũng chẳng quan tâm là đã có một triều đại hay không. Câu hỏi trung tâm không phải là về những mối quan hệ giữa tầng lớp quý tộc và nền quân chủ; mà đó là câu hỏi về khả năng dung nạp nhau giữa tầng lớp quý tộc và nền dân trị. Xây một cái mới trên nền tảng lịch sử đã có, ấy mới đúng là mối quan tâm của Tocqueville.

          Trong sự hình thành hệ thống quan điểm mới, ông đồng tình với cái không thể tránh khỏi, phù hợp với trải nghiệm lịch sử của môi trường ông đã sống, và ông thấy rằng hợp lý hơn cả là xem xét cái bước tiến tới một nền dân trị càng ngày càng hoàn thiện — đó chính là nội dung và cũng là “sự lúng túng” của cách mạng Pháp. Nhưng Tocqueville không đi tìm các lý do để giải thích sự kiện và cũng không tính đến chuyện kết thúc chủ nghĩa tư bản (như cách làm của K. Marx). Tocqueville khảo sát những mối quan hệ giữa nguyên lý chi phối các xã hội và kiểu chế độ chính trị có khả năng tạo ra từ nguyên lý đó, cho dù điều này không hoàn toàn mang tính tất yếu. Nguyên lý đó ông đã thấy, nó nằm trong con đường tiến đến quyền bình đẳng, con đường được Tocqueville coi là tất yếu không sao tránh khỏi.

          Nếu chuyến đi Mỹ nằm trong khuôn khổ khám phá ấy, đó là vì nước Mỹ tạo ra một phòng thí nghiệm cho nhà quý tộc trẻ đó. Mỹ là một tổ quốc dựng xây trên cơ sở phủ định tầng lớp quý tộc, nước Mỹ là tấm gương về cuộc thí nghiệm “hóa học” thuần khiết đối với nền Dân trị. Nước Mỹ là một khám phá thực sự thiên tài vì nó đơn giản và nó táo tợn. Tocqueville lấy đất nước này làm chốn kiểm nghiệm một ý tưởng và làm phong phú thêm một ý tưởng.

          Nước Mỹ là nơi tối hảo cho phép tiến hành phân tích “như trong phòng thí nghiệm” cái nguyên lý dân chủ đang vận hành, thấy rõ cả những nguy cơ tiềm ẩn lẫn những thuận lợi đối với Tự do. Các quốc gia châu Âu đều ở quãng đường dang dở giữa quý tộc trị và dân trị, bị giằng xé bởi sự xung đột giữa hai nguyên lý và hai thế giới, lắm khi bị làm mồi cho dạng dân chủ cực đoan, được Tocqueville gọi tên là “cách mạng”. Tấm gương nước Mỹ không là tương lai cho các nước châu Âu, tương lai đó tất yếu là khác rồi, nhưng tấm gương đó đem lại cho các nước này chất liệu để tư duy về một tương lai sao cho có thể đem lại cho nền Tự do những thuận lợi tối đa và những bất trắc tối thiểu.

 

body-Nen-dan-tri-4657-1422444019

          Phải nói luôn, mối quan tâm của Tocqueville khi viết Nền dân trị Mỹ là sự lo lắng cho châu Âu. Nhưng những số liệu nước Mỹ thu được từ “phòng thí nghiệm” có thể đem dùng được cho châu Âu không?

Rõ ràng là châu Âu không chỉ thiếu vắng những “thuận lợi vật chất” mà người Mỹ gốc Anh có được. Châu Âu còn có những nét lịch sử khác hoàn toàn với Tân thế giới. Trong tư duy Tocqueville, đối với châu Âu, Hoa Kỳ không thể là một thực nghiệm với các khái niệm có thể so sánh được với châu Âu, và cũng chẳng là một hình mẫu nên theo.

          Tuy nhiên, khi Tocqueville phân tích nền dân trị nước Mỹ, ông chỉ ra sự tồn tại một vấn đề chung giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Âu châu: con người đều có cùng những đam mê, vốn là những đặc điểm của trạng thái xã hội dân chủ thèm muốn vươn lên cao. Người Mỹ đã lấy cái trạng thái tinh thần ấy làm bản tính tự nhiên cho xã hội của họ và làm động cơ cho xã hội. Mọi thứ đó còn được “bảo đảm” bởi các quyền, bởi tôn giáo, bởi các thiết chế, các tập tục, là cái thiếu vắng ở châu Âu.

          Tocqueville chỉ rõ ra rằng, các quốc gia Âu châu đã có một trạng thái xã hội dân chủ rồi, đã có một trạng thái tinh thần dân chủ rồi, song lại vẫn chưa có những thiết chế dân chủ tương ứng, mà vì thiếu những thiết chế đó, nên lại cũng vẫn chưa có những truyền thống chính trị hoặc tôn giáo làm đối trọng cho trạng thái dân chủ ấy. Đó là lí do vì sao lịch sử các nước châu Âu đều có đặc điểm là sự im lặng của những người dân thụ động và nản chí khi đối diện với những chính quyền mạnh và có tổ chức.

          Vấn đề là phải làm cho các luật pháp và tập tục của các quốc gia lâu đời của châu Âu, trước hết là nước Pháp, được tiến hóa hài hòa với những tiến bộ của nền dân chủ cả trên việc làm và trong tư tưởng để tránh được nạn độc tài của một người trở thành người đứng đầu nhà nước.

          Vậy là Tocqueville đi Mỹ để tìm tòi không phải một hình mẫu, mà đi tìm một nguyên lý để học hỏi, và tìm một vấn đề để minh họa và giải quyết, là xem xét những điều kiện để nền dân trị, như một trạng thái xã hội, phải trở thành một trạng thái chính quyền ra sao để tránh không đi tới một nền độc tài.         

          Bộ sách Nền Dân trị được xuất bản làm hai lần. Phần Một ra đời năm 1835 miêu tả có phân tích các thiết chế nước Mỹ. Phần Hai ra đời năm 1840 từ trường hợp điển hình Mỹ mà nghiên cứu một cách trừu tượng hơn ảnh hưởng của nền dân trị đối với các tập tục và nếp sống của cả dân tộc. Chuyến đi thông minh nhất thế kỷ thứ XIX đã lấy mất của Tocqueville gần mười năm lao động trí tuệ miệt mài.

          Tocqueville có dịp quan sát, nghiền ngẫm rồi viết về trạng thái xã hội của người Mỹ gốc Anh với đặc trưng là dân chủ đến tột cùng. Ông thấy rõ, nét cơ bản của xã hội là quyền bình đẳng, mà khởi điểm đơn giản chính là việc tài sản của mọi người sẽ không thâm căn cố đế chuyển giao trong nội bộ gia đình.

          Từ tình trạng xã hội đó, Tocqueville mô tả rất tỉ mỉ hệ thống chính trị Mỹ mà hiển nhiên là ta có thể nhận được nhiều bài học. Nhưng chưa hết, Tocqueville còn mô tả tập tục Mỹ, mà trước hết đó là vai trò tôn giáo vừa khuyến dụ và vừa cấm đoán với con người. Tocqueville cho thấy đạo Công giáo (La Mã) uốn nắn tinh thần con người theo hướng bình đẳng và sự vâng lời, còn đạo Tin lành, nhất là ở dạng phân liệt và đa nguyên, dẫn con người đến bình quyền và độc lập.

          Mặc dù chỉ mô tả các thiết chế, song Tocqueville cũng xen vào những       biện luận riêng và cả những so sánh với châu Âu và với nước Pháp khi nói đến những thiết chế như: công xã là gì, cán bộ công xã được bàu ra như thế nào, số lượng cán bộ công xã gồm bao nhiêu người, họ có được lĩnh lương hay không, cấp công xã so sánh với cấp tổng và cấp quận của Pháp khác nhau ra sao… Hạ Viện là gì, hoạt động của Hạ viện diễn ra như thế nào, quyền hạn của nó đến đâu… Thượng Viện là gì, quyền lực của Thượng Viện đến đâu… Tổng thống được bầu ra như thế nào, tổng thống có những quyền gì, vì sao khi tổng thống thuộc phe thiểu số mà công việc quản trị đất nước vẫn diễn ra trôi chảy, vì sao tổng thống có thể bị luận tội, cách luận tôi ra sao, việc luận tôi đó có đẩy đất nước vào khủng hoảng vô chính phủ không… Tocqueville cũng mô tả đủ để ta hiểu vì sao cơ quan lập pháp chỉ có ở cấp Bang và cấp Liên bang, còn ở cấp Quận (county) và cấp công xã (commune) thì không có những “Hội đồng nhân dân” ấy.

          Thú vị nhất là những đoạn diễn tả về cách vận hành của luật pháp. Các đạo luật được thông qua như thế nào, sau khi thông qua luật thì việc giải thích luật được tiến hành ra sao, và hết sức hay là việc giáo dục luật pháp cho toàn thể công dân thông qua hoạt động của bồi thẩm đoàn qua đó mỗi cử tri đều được lần lượt tham gia dưới sự hướng dẫn của một quan toà có kinh nghiệm và có tinh thần trách nhiệm, và cứ sau ba năm “học nghề” thì được làm chánh án xử một vụ án dân sự (xử lỗi thay vì toà hình sự xử tội)…

Tocqueville cũng mô tả yếu tố then chốt nữa tạo nên tính độc lập của xã hội Mỹ, đó là trình độ văn hóa cao. Tocqueville chỉ rõ rằng động lực của các nền cộng hòa không phải là đạo đức mà là khai sáng, hiểu theo nghĩa là sự dân chủ hóa các kiến thức, đặc biệt là kiến thức chính trị. Trình độ văn minh cao ấy đã đem lại cho liên bang một tính đồng loạt trong các tập tục dân chủ. Và “văn minh” là gì? Ông quan niệm “văn minh” là một tập hợp những nét văn hóa đã làm cho các xã hội càng ngày càng bị kiểm soát hơn và tích cực hơn, mở rộng đến mọi công dân khi nền dân trị mang tinh thần tự do, một trạng thái người dân được khai sáng và sống trong các điều kiện để họ có thể tự cai quản được.

          Bối cảnh “văn minh” ấy dẫn Tocqueville – tại chương cuối của tập I Nền Dân trị – đến chỗ tách xa khỏi nền “dân trị” Mỹ để xem xét tương lai của cái ông gọi bằng “ba chủng tộc” (ngừoi da trắng, ngừoi Anh-điêng bản địa, và người nô lệ da đen) sống trong liên bang Hoa Kỳ; về những cơ may trường tồn của Liên bang Hoa Kỳ, những mối nguy hiểm nào đe doạ nó; về những cơ may trường tồn của các thiết chế cộng hoà ở Hoa Kỳ…

 

 

—   4   —

Tập II bộ sách Nền Dân trị in năm 1840, giả định khi đó người đọc đã biết đến hệ thống chính trị nước Mỹ — đối tượng căn bản của cuốn sách xuất bản năm 1835 — vấn đề khi đó đặt ra với Tocqueville là đào sâu thêm nữa câu hỏi còn khó khăn hơn mà ông đã đụng chạm tới và khoanh lại trong phần Một nhưng chưa được xem xét có hệ thống. Đó là vấn đề về ảnh hưởng của trạng thái xã hội dân chủ đến tinh thần người Mỹ, đặc biệt là tinh thần những con người nằm dưới chính quyền dân trị Mỹ. Đào sâu thêm, không phải vì ông muốn lấy cái “trạng thái xã hội dân chủ” — tức là cái trạng thái bình đẳng bình quyền — là nguyên nhân duy nhất của các tính cách xã hội người Mỹ.

          Câu trả lời giản đơn nhất là theo nghĩa thông thường: một xã hội bình đẳng bình quyền là một xã hội nơi đó giữa những cá nhân không có các rào chắn giai cấp nữa. Tocqueville đôi khi cũng dùng định nghĩa lối đó. Ta cũng bắt gặp kiểu định nghĩa vừa theo cách “chung chung” (quyền bình đẳng là thực trạng xã hội) và vừa ngây thơ (quyền bình đẳng phù hợp với cách hình dung của các tác nhân xã hội) chẳng hạn khi ông so sánh hôn nhân lối quý tộc — con người ít tự do chọn lựa, và là sự hôn phối của tài sản hơn là của con người — và hôn nhân dân chủ — kết quả của lựa chọn tự do, dựa trên cơ sở thiên hướng của đôi bên với nhau và có tương đồng về thị hiếu.

          Nhưng sâu hơn thế, có lúc Tocqueville cũng cho bạn đọc thấy rằng con người chưa từng gặp những xã hội nơi đó có các điều kiện bình đẳng bình quyền đến mức không còn thấy người giàu và người nghèo, và tương ứng là không còn thấy ông chủ và người đầy tớ. Nền dân trị chẳng hề ngăn cản sự tồn tại hai giai tầng con người đó, nhưng nó thay đổi lối tư duy của họ và biến cải mối quan hệ của họ. Trong mối quan hệ chủ-tớ, xã hội dân chủ như ở Hoa Kỳ có tồn tại mối quan hệ này nhưng, không giống với các xã hội quý tộc, nó không là thành phần nguyên lý của trật tự xã hội. Và nó không tạo ra ở đó, trên cơ sở người lệ thuộc người, một đám dân riêng rẽ có những tập tục và lối suy nghĩ riêng từ đời cha cho chí đời con. Ngược lại, nó là kết quả của một khế ước được thỏa thuận một cách tự do, qua đó đương sự thương lượng về một sự phục tùng tạm thời cùng những giới hạn của sự phục tùng ấy.

          Hơn thế, Topcqueville còn nói rõ thành “lý thuyết” trong tập II của cuốn Nền Dân trị Mỹ về việc tạo ra các bất bình đẳng trong lòng nền dân trị. Đối với sự bất ổn định đó, Tocqueville vẫn thấy những phương thuốc chữa chạy cho phép hệ thống được vận hành nhịp nhàng hài hòa. Một mặt, đó là tôn giáo, cái dưới mắt ông là một thành tố chủ chốt của đồng thuận xã hội và cái bảo vệ các công dân “dân chủ” chống lại những kỳ vọng phi lý đòi biết tuốt tuột, và do đó là đòi thay đổi tuốt tuột. Nhưng còn một mặt khác, còn có một phương thuốc trung lập nằm ẩn sau chính cái đam mê quyền bình đẳng và đam mê leo cao. Đó là đặc trưng của trạng thái dân chủ với việc lập nghiệp tương đối chậm cùng với thói quen sử dụng những nỗ lực hàng ngày để leo dần lên các nấc thang xã hội, nên các ước vọng có xu hướng tự hòa hợp với phương tiện, các tham vọng tự hòa hợp với các cơ may. Đó là quy luật cơ bản của các xã hội hiện đại, theo đó con người chỉ có trong đầu óc mình cái ước vọng với số phận là khả năng được phép đạt tới, con người sẽ chỉ tiên lượng những gì họ có khả năng đạt tới, điều khiến họ tránh được cả những tham vọng mênh mông cùng những nỗi thất vọng không sao khắc phục nổi.

          Đó là tính chất “bình thường” — “bình thường” không theo nghĩa “tầm thường”, mà theo nghĩa “không cần cố gắng”, như “con tàu vũ trụ hoạt động bình thường” — là cái không có nổi ở nền “dân trị” tại Pháp thời Tocqueville. Chính việc chỉ ra cái vấn đề mà các nhà quý tộc trị chưa biết tới, vấn đề sức sống “hàng ngày” (bình thường) của nền dân trị, mà Tocqueville cũng chỉ ra được mặt trái của dân trị: sự bình đẳng và đam mê bình đẳng trong cái xã hội chính trị không có tự do lại tạo ra nền cai trị chuyên quyền độc đoán.

          Tocqueville thấy ở Mỹ một nền dân chủ ở đó đam mê bình đẳng đồng thời được ghìm giữ bởi sự đồng thuận tôn giáo, giành cho Trời những chuyện về các mục đích tối hậu của nhân loại, và bởi các thiết chế chính trị điều chỉnh và thậm chí còn tạo sức mạnh cho xã hội lên trên Nhà nước. Chương sách tuyệt hay ở phần tập II về các hội và hiệp hội cho thấy các thiết chế này, với đủ các tổ chức tập thể biểu đạt những sáng kiến xã hội, độc lập với Nhà nước, đóng một vai trò to lớn trong xã hội dân trị; về tự do báo chí và việc củng cố hệ thống dân trị ở nước này; về cách thức huấn luyện tri thức xã hội cho công dân (chẳng hạn về luật pháp) với việc công dân đến tuổi cử tri đựoc tham gia bồi thẩm đoàn xử lỗi trong các vụ dân sự (không xử tội trong các vụ hình sự) hẳn sẽ rất hấp dẫn bạn đọc là nhà giáo dục lo lắng cho tương lai đất nước.

 

* * *

          Có một điều thú vị cuối cùng cần nhận xét về phương pháp so sánh giữa Marx và Tocqueville.

Nghiên cứu của Marx xuất phát từ sự bất bình đẳng và chỉ ra một cách sâu sắc một lời hứa hẹn còn để ngỏ đối với con người.

Tocqueville thì đặt cược vào quyền bình đẳng và các hành xử rút ra từ đó, coi như những hiện tượng quyết định cho tương lai bền vững, không thể đảo ngược.

Nghiên cứu của Marx khô khan “như triết học của tổ quốc ông” – nó thu xã hội chỉ vào những “quan hệ sản xuất”, “lực lượng sản xuất”, đấu tranh loại trừ nhau …

Tocqueville thì xem xét xã hội như một ngôi nhà chung của con người đang sống. Trong ngôi nhà ấy đang nổi lên một xu thế mới mang tính thời đại: xu thế sống DÂN CHỦ. Xã hội Mỹ đã tìm ra các THIẾT CHẾ DÂN CHỦ như thế nào để ngôi nhà chung kia bớt đấu đá, bớt máu me, và ngày càng sống hạnh phúc, bằng cách tự học lấy cách thức tháo ngòi xung đột. Tocqueville không hề tô điểm xã hội Mỹ như là “thiên đường”, mà mô tả chân thật cuộc sống thực ở vùng “Đất Mới” ấy, trong sự triển diễn không nhừ vào “đấu tranh giai cấp”, “ai thắng ai”,  mà chỉ ra được THỂ CHẾ DÂN CHỦ là vũ khí duy nhất đem lại hạnh phúc chung cho con người dưới mái nhà chung mà thân phận con người bị buộc phải sống chung ở đó.

 Hà Nội 21/7/2007

Chú thích – Bài viết này được chuẩn bị để thuyết trình theo lời mời của Đại học Quốc gia liền sau khi bản dịch cuốn “Nền dân trị Mỹ” xuất bản.        Một tuần trước buổi thuyết trình theo dự kiến đó, diễn giả nhận được điện thoại      cho biết trường “không thuê được hội trường” và cuộc giới thiệu sách được hoãn … từ năm 2007 cho đến ngày 30 tháng 1 năm 2015 vừa qua mới được NXB Tri Thức chuyển thành… “tọa đàm” tại NXB. Dẫu sao, người thuyết trình cũng xin lỗi bạn đọc vì sự chậm trễ ngoài ý muốn này và xin tạ lỗi bằng bài viết chuẩn bị tám năm trước.

 

Ảnh: Dịch giả Phạm Toàn thuyết trình sách Nền dân trị Mỹ trong tọa đàm tại NXB Tri Thức 30/1/2015                             



[i]  Nền dân trị Mỹ, nguyên văn tiếng Pháp “De la démocratie en Amérique” của Alexis de Tocqueville, bản dịch sang tiếng Việt của Phạm Toàn, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và viết lời giới thiệu, hai tập, tập Một 742 trang, tập Hai 520 trang, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2007, giá bìa tập 1: 85.000 đồng, tập II: 65.000 đồng.  Năm 2013 sách này được tái bản lần thứ 4, in chung hai tập làm một.

 

Comments are closed.