Giới thiệu sách mới: Ý thức về dịch thuật

Ngu Yên

 

Sách dày 580 trang, giới thiệu hầu hết những lý thuyết, chiến lược, phương pháp, kỹ thuật mới về dịch thuật trên thế giới, từ giữa thế kỷ 20 cho đến thế kỷ 21. Những áp dụng thực tiễn để dịch truyện, tiểu thuyết và dịch thơ. Đặc biệt, phần ba, giới thiệu giả thuyết dịch Việt ngữ sang ngoại ngữ hoặc dịch ngoại ngữ sang Việt ngữ.

Sách bán trên Amazon.

http://www.amazon.com/Thuc-Ve-Dich-Thuat-Vietnamese/dp/1533209065/ref=sr_1_3?ie=UTF8&qid=1463063656&sr=8-3&keywords=Ngu+Yen

clip_image002

Dịch thuật: Những lý thuyết đương đại

(Trích chương 7 trong Ý thức về dịch thuật – Ngu Yên)

 

Cái bàn đứng vững trên bốn chân. Đóng thêm chân thứ năm, thứ sáu vào, chỉ tạo thêm phức tạp, vô ích. Cái bàn cần chân thứ năm vì nó vượt ra hình vuông, bốn cạnh. Mặt bàn trở thành ngũ giác, nó cần chân thứ năm. Nếu lục giác, cần chân thứ sáu. Nếu bát giác cần tám chân. Khi mặt bàn thay đổi hình dạng, cần thêm chân để bàn có thể đứng vững theo thời gian. Dịch cũng vậy, không phải tự dưng mà học giả tranh nhau nghĩ ra lý thuyết. Dịch thay hình đổi dạng theo văn minh và phát triển của nhân loại. Cái bàn của dịch càng ngày càng dài thêm nhiều cạnh. Sự trở ngại của dịch càng lúc càng nhiều, khi va chạm vào các hệ thống ngôn ngữ khác nhau trên toàn cầu, khi cố tìm hiểu sự tương đương trong văn hóa khác biệt. Sự trở ngại lớn lên, dài ra, bàn dịch khập khiễng. Đó là lý do nhiều lý thuyết ra đời, để làm chân chống mặt bàn. Không phải chân bàn nào cũng giống nhau. Có chân to chân nhỏ. Chân ở những khúc quanh quan trọng phải lớn, để chịu được trọng lượng. Chân được làm bởi thợ tài năng, khác với những chân bàn bình thường. Tìm hiểu những lý thuyết và giả thuyết dịch, cũng theo thứ tự như vậy: Những lý thuyết quan trọng, những học giả lớn, trong phân định theo nhóm, chủ đề, thời gian và tác phẩm. Bắt đầu thời đương đại với Eugene Nida.

Eugene Nida (1914-2011)

Nhà ngôn ngữ học Hoa Kỳ được xem là nhân vật ảnh hưởng mạnh mẽ nhất về lý thuyết dịch của thế kỷ 20, trong lãnh vực dịch Kinh Thánh. Những luận bản và những quan niệm của ông về dịch được đón nhận khắp nơi trong giới văn học dịch, giới đại học và những nhà tư tưởng dịch thuật khác.

Ông bắt đầu dịch từ năm 1940 nhưng mãi đến giữa thập niên 1960, lý thuyết “Functional Equivalence” (Chức năng của tính tương đương) mới thực sự ra mắt trong hai tác phẩm: Toward a Science of Translating (1964) và The Theory and Practice of Translation (1969).

Ông cho rằng dịch là nhắm vào sự tương đương của ý nghĩa thay vì nỗ lực giải thích ý nghĩa. tái tạo thông điệp hơn là sao y bản chính. Bản thân từ vựng khi giải thích ý nghĩa sẽ gặp trở ngại, ví dụ, từ “en oikÿ” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “in house“, khi nằm trong câu trong Thánh Kinh Mark 2:1, có nghĩa là “at home“. Việt ngữ không phân biệt in houseat home, đều có nghĩa “trong nhà“. Ông đưa ra nhận định, bản dịch hay nhất là không phải bản dịch. Tính tự nhiên của văn bản dịch được ông đề cao.

Ông phân biệt hai loại tương đương trong kỹ thuật dịch: Tương Đương Chính Thức (formal equivalence) và Tương Đương Đa Năng (dynamic equivalence, còn gọi là Tương Đương Năng Động). Loại Tương Đương Chính Thức cố gắng tái tạo cấu trúc bề mặt của văn bản gốc, càng sát càng có giá trị. Trong khi Tương Đương Đa Năng nghiêng về việc cố gắng tái tạo những phản ứng của độc giả bản dịch, được giống như phản ứng của độc giả bản gốc. (Nida and Taber 1969:24). Trong giới dịch thuật, Formal Equivalence có khuynh hướng nhấn mạnh sự trung thực với các chi tiết từ vựng và cấu trúc ngữ pháp của văn bản gốc. Dynamic Equivalence có khuynh hướng chú trọng đến văn vẻ tự nhiên, thích hợp với văn hóa dịch và bớt chú trọng mức độ chính xác. Theo Nida, Tương Đương Đa Năng đem đến phẩm chất cao cho bản dịch, và là kỹ thuật dịch chủ yếu trong lý thuyết Chức Năng của ông. Nói một cách khác, dịch thuật rơi vào tài năng và tài hoa của dịch giả. Sự sáng tạo của dịch giả trở thành quan trọng khi quyết định Tương Đương Đa Năng (Năng Động).

Trong tác phẩm, The Theory and Practice of Translation, chương một, A New Concept of Translating, Nida đã xác định ý niệm Tương đương Đa Năng: “Trong bản dịch bình thường người ta ít quan tâm về sự phù hợp giữa thông điệp bản nhận [bản dịch] và thông điệp bản nguồn, nhưng với mối liên hệ năng động (dynamic relationship)… Đó là mối liên hệ giữa người lãnh hội [dịch giả] và thông điệp, trên căn bản, phải giống như những gì hiện hữu giữa người lãnh hội gốc [tác giả] và thông điệp.

Một bản dịch mang tính tương đương đa năng nhằm đạt đến sự tự nhiên trong lối diễn đạt một cách hoàn chỉnh. Cố gắng móc nối người lãnh hội vào tâm trạng thích hợp với nền văn hóa của người dịch. Không nhất thiết người dịch phải hiểu bối cảnh văn hóa của nội dung ngôn ngữ gốc, để lãnh hội ý nghĩa thông điệp.” (Nida 1964:159).

Những yếu tố tạo nên tính Tương Đương Đa Năng

Sự tương đương trực tiếp giữa từ ngữ gốc và từ ngữ dịch, giữa văn phạm gốc và văn phạm dịch, giữa ý nghĩa gốc và ý nghĩa dịch… thuộc về tính Tương Đương Chính Thức. Tương đương giữa những sự kiện hoặc sinh hoạt xã hội, chính trị hoặc tương đương giữa hai nền văn hóa khác nhau không phải là tương đương so sánh, mà là tương đương cần giải thích, hoặc tương đương so le, mới có thể biểu lộ hoặc diễn đạt giá trị của bản gốc qua bản dịch… thuộc về Tương Đương Đa Năng.

1. Phản ứng người lãnh hội

Dịch theo lối xưa [vì Nida là một trong vài nhà lý thuyết dịch hiện đại nhất] chú trọng vào hình thái ý nghĩa thông điệp, dịch giả thỏa mãn trong việc có thể tái tạo những đặc sản phong cách, ví dụ: Vần điệu, tiết tấu, chơi chữ, hoán chuyển, dịch song song và dịch những cấu trúc ngữ pháp khác thường. Còn bây giờ, trọng tâm mới đã chuyển từ hình thái thông điệp qua phản ứng của người lãnh hội, nói một cách khác, giá trị của bản dịch không chỉ là tái tạo từ văn bản gốc mà liên quan trực tiếp đến vá qua người dịch. Sự lãnh hội của người này, chính là dịch. Sự lãnh hội để chuyển dịch thông điệp gốc là quan điểm mới của dịch thuật.

Vì vậy, việc mà người ta cần xác định là kết quả phản ứng của người lãnh hội. Và phản ứng này phải được so sánh với phản ứng của tác giả khi tiếp nhận thông điệp gốc, lúc sáng tác. Khái niệm này trở thành nhãn hiệu của tính Tương Đương Đa Năng (dynamic equivalence.)

2. Chức năng của biểu hiệu từ vựng

Hệ thống ngôn ngữ theo Latin và Hy Lạp đều có một số đặc điểm giống nhau. Các hệ thống ngôn ngữ khác như ngôn ngữ Trung Hoa, ngôn ngữ Ấn Độ, tuy có nhiều khác biệt về văn phạm và cấu trúc, nhưng căn bản về xây dựng chức năng của từ vựng có thể nói là tương đương. Ví dụ một chức năng từ ngữ trong ngôn ngữ này sẽ có một chức năng từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ khác: danh từ “con chó”, “tự do”…. đều có danh từ tương đương trong ngôn ngữ khác. Động từ, tính từ, liên từ…. cũng như vậy.

Phân biệt chức năng từ vựng sớm nhất, có lẽ, được tìm thấy trong The Philosophy of Rhetoric của George Campbell, 1776. Trong tác phẩm Toward a Science of Translating, Nida nhận định về bốn chức năng của biểu hiệu từ vựng: từ đối tượng (object), từ sự kiện (event), từ trừu tượng (abstract) và từ liên hệ (relation).

Phương pháp phân tích theo chức năng, có tên gọi tắt là TEAR, được áp dụng rộng rãi vào dịch thuật hôm nay.

3. Cấu Trúc Nòng Cốt (Kernel Structures)

Phân tích loại này chủ yếu ở mệnh đề và câu, ít quan trọng ở chữ. Cấu trúc nòng cốt hiện diện trong mọi ngôn ngữ, là thành phần căn bản, hữu hiệu để xây dựng những cấu trúc phức tạp. Dĩ nhiên không thể nói, cấu trúc nòng cốt giống nhau trong mọi ngôn ngữ, nhưng có thể tìm thấy sự đồng dạng, song song, hoặc tương đương. Cho dù khác biệt, cũng được nhìn thấy rõ ràng, khi phân tích những cấu trúc nòng cốt. Cấu Trúc Nòng Cốt đang được phát triển thành một môn học riêng, để tìm hiểu sâu xa hơn, không phải chỉ từ vựng, văn phạm, mà tìm thấy sự thành hình của văn hóa và xã hội theo thời đại.

4. Phân tích, Chuyển dịch, và Tái cấu trúc

Nida sử dụng những kỹ thuật đã có này vào trong sở thuật của ông. Công trình dịch thuật của ông là một tổng hợp toàn bộ, liên kết tinh tế, biểu hiện sự thông hiểu về ngữ nghĩa. Sự tổng hợp của ông tạo thành một hệ thống phân tích, chuyển dịch và tái tạo trong lãnh vực dịch thuật. Hệ thống này được trình bày tóm lược:

– Giảm thiểu văn bản gốc đến cấu trúc đơn giản nhất với những ngữ nghĩa, ngữ pháp nòng cốt.

– Chuyển dịch sự lãnh hội đơn giản này sang ngôn ngữ dịch, ở cấp độ đơn giản.

– Bắt đầu tạo ra phong cách và chọn lựa ý nghĩa chữ hoặc câu trong nhóm ý nghĩa mẫu tương đương trong ngôn ngữ dịch.

Những năm tháng về sau, Nida tránh dùng cụm từ Dynamic Equivalence, thay thế bằng Functional Equivalence (Tương Đương Chức Năng). Chữ chức năng ở đây, bao gồm tính tương đương của chức năng văn hóa ngôn ngữ gốc và chức năng văn hóa ngôn ngữ dịch, cùng với phản ứng tương tác văn hóa của tác giả, dịch giả và độc giả.

Nida tuy là nhân vật lớn trong lãnh vực dịch Kinh Thánh, nhưng những kỹ thật áp dụng dịch, đều có hiệu quả trên đa số ngôn ngữ, nhất là những hệ thống ngôn ngữ sử dụng vần ABC. Kỹ thuật mà ông nhấn mạnh là Kỹ Thuật Điều Chỉnh (techniques of adjustment) dùng cho dịch giả, sử dụng trong và sau diễn trình dịch. Nói nôm na là kỹ thuật sửa chữa. Chia làm ba loại: Thêm, Bớt và Cải Thiện.

– Thêm

Theo quan điểm của ông, chỉ có thể thêm, tức là bổ túc, nghĩa là văn bản dịch chứa nhiều tài liệu hoặc ngôn ngữ hơn văn bản gốc, nếu hợp lý, kết hợp vào bản dịch mà không thay đổi các nội dung ngữ nghĩa của ý nghĩa chung, của thông điệp, để làm sáng tỏ, dễ hiểu và tự nhiên hơn. Sự bổ túc này dựa trên ba căn bản: 1- Ý nghĩa ẩn. Có những ý định ngầm cần phải hiểu của tác giả. 2- Văn phạm. Sự thay đổi cần thiết trong văn phạm dịch để đối chiếu với văn phạm gốc. 3- Văn phong. Tái tạo văn phong của tác giả, thông thường sẽ có sự so le trong lúc diễn tả. Cũng như trong những trường hợp cần phải bổ túc chức vị hoặc chức nghiệp để làm rõ nhân vật. Ví dụ, “Nida nói rằng…” nên thêm vào, “Học giả Eugene Nida nói rằng…” hoặc “Lý thuyết gia Eugene Nida nói rằng…”, ngoại trừ đã nhắc qua trước đó.

– Bớt

Những lý do để bỏ bớt cũng giống như những lý do để bổ túc. Căn bản là không thay đổi thông điệp, chỉ làm cho gọn gàng, sáng tỏ, dễ hiểu và tự nhiên.

– Cải thiện

Sự thay đổi này cần thiết xảy ra khi không thuộc về hai loại thêm và bớt. Thông thường là thay đổi thể loại (category).

Trong thi ca, sự thay đổi này cần thiết vì nhịp điệu, vì âm sắc hoặc vì vần.

Thay đổi này phần nhiều đối phó với văn phạm: Thay đổi loại ngôn ngữ, thay đổi cú pháp… Đôi khi phải thay đổi thứ tự của cấu trúc để điều chỉnh, ẩn dụ, thành ngữ… với chức năng tương tự.

J.C. Catford (1917-2009)

Năm 1965, tác phẩm A Linguistic Theory of Translation xuất bản, ông công bố một lý thuyết ngôn ngữ học, sử dụng mô hình ngôn ngữ của Halliday và Firth làm cơ sở căn bản cho lý thuyết dịch. Đi xa hơn cả Nida và những nhà học thuyết khác, trong việc áp dụng những ý tưởng và thuật ngữ từ ngôn ngữ học, nhấn mạnh rằng: “Lý thuyết dịch về cơ bản là một lý thuyết về ngôn ngữ học ứng dụng.” (Catford 1965:19.) “bất kỳ một lý thuyết dịch nào cũng phải rút ra từ lý thuyết ngôn ngữ – một lý thuyết ngôn ngữ tổng quát.” (Catford, 1965:7).

Theo ông, dịch không mang tính cách mạng, chỉ là “một quá trình thay thế văn bản này bằng một văn bản khác”. “Sự liên hệ giữa hai ngôn ngữ [gốc và dịch] có thể quan tâm một cách tổng quát như hai định hướng, không phải lúc nào cũng đối xứng. Dịch, như một quá trình, luôn luôn hợp nhất về một hướng. Một hướng nhất định, từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch.” (Catford, 1965:26.). Ông đưa ra một số những định nghĩa, phân biệt và phân chia dịch thuật thành nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Điều quan trọng nhất trong số này là ý tưởng về “Cấp Hạng Ngữ Pháp” (grammatical rank), trong đó ông thêm vào khái niệm tương đương, bằng cách giới thiệu hai phân loại:

1. Dịch trong giới hạn ngữ pháp (Rank-bound translation): Mỗi từ ngữ hoặc hình vị trong văn bản gốc sẽ nhận một từ hoặc hình vị tương đương trong văn bản dịch, theo phép trao đổi tiếp cận chính xác.

2. Dịch không giới hạn (Unbounded translation): Trong kỹ thuật này, sự tương đương không diễn ra ở cùng tầng lớp hoặc cấp bậc nhưng sự hoán đổi có thể xảy ra tại những câu, những mệnh đề và các tầng lớp khác. Trong diễn trình:

Ngôn ngữ gốc à Ngôn ngữ dịch: Chuyển à cấu trúc bề mặt à cấu trúc bề sâu à Phân tích à Tái tạo.

Catford cũng nhận định sự phân biệt giữa Tương Đương Chính Thức (formal correspondence) và Tương Đương Văn Bản (textual equivalence).

Sự Tương Đương Chính Thức là “bất kỳ loại (đơn vị, cấp hạng, cấu trúc) của ngôn ngữ dịch nào có cơ cấu tổ chức gần giống cơ cấu tổ chức của ngôn ngữ gốc [ví dụ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa Kỳ, tiếng Tây Ban Nha].” Ngược lại, nếu không có sự Tương Đương Chính Thức, một sự thay đổi cần thiết phải xảy ra, đó là, sự tương đương thay thế ở mức độ tổng quát hơn.

Phương pháp dịch này sử dụng một văn bản tương đương được định nghĩa: “bất kỳ văn bản hoặc một phần trong văn bản của ngôn ngữ dịch nào được dụng công trong những trường hợp đặc biệt để trở thành tương đương với văn bản hoặc một phần trong văn bản của ngôn ngữ gốc.” (Catford 1965:27).

Chính ông đã đưa ra ví dụ:

Nguồn Anh ngữ: My father was a doctor.

Dịch tiếng Pháp: Mon père était docteur.

Dịch tiếng Nga: Otets u men’a byl doktor.

Trong ngôn ngữ Pháp tìm thấy sự Tương Đương Chính Thức, nhưng không có trong ngôn ngữ Nga, chỉ có thể tìm sự Tương Đương Văn Bản. (Carford, 195:35.)

Một ví dụ khác, ông cho thấy dịch, có những lúc phải dịch theo diễn tiến và bối cảnh. Vì chỉ dịch sát chữ và văn phạm sẽ trở thành tối nghĩa, hoặc sai lầm, khi không có Tương Đương Chính Thức ở ngôn ngữ dịch:

Nguồn Anh ngữ: I have arrived (Tôi đã đến). Dịch sang tiếng Nga: Ja prišla. Nhìn vào bối cảnh và diễn tiến cho thấy:

– (I) người nói (Ja) [tiếng Slovenia, ông gọi chung là tiếng Nga.]

– Người nói là đàn bà, chọn (prišla) thay vì (prišel).

– Đi đến, chọn (Priiti) thay vì (Vyiti).

– Đến bằng đi bộ, chọn (Priiti) thay vì (Priexat).

– Sự kiện trước, chọn (quá khứ) thay vì (hiện tại).

– Đến trước khai mạc, chọn hình thái động từ hoàn thành thay vì chưa xong, v.v.

Ngôn ngữ dịch tương đương ngôn ngữ gốc, khá hoàn hảo nhưng không cùng nghĩa:

clip_image004

(Catford, 1965:38)

Từ ví dụ này, đưa đến lý thuyết về ý nghĩa trong toàn bộ dịch thuật.

· Thuyết ý nghĩa trong dịch thuật

Thông thường sự đồng ý về ý nghĩa là trọng điểm của dịch thuật. Nếu dịch sai nghĩa của bản chính thì dịch làm gì? Tiêu đề “giữ cùng ý nghĩa như bản gốc” là công việc chính của dịch.

Lý thuyết về ý nghĩa trong dịch thuật, theo J.R. Firth, hoặc ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch có cùng một ý nghĩa, hoặc phải sử dụng nhiều cách chuyển dịch ý nghĩa khi không thể có cùng một nghĩa.

– Ý nghĩa là tài sản của ngôn ngữ. Khi hai ngôn ngữ có tài sản giống nhau, có nghĩa có toàn thể hệ thống (văn phạm, cú pháp, cấu trúc, v.v.) giống nhau. Tạo ra sự liên hệ chính thức (formal relation). Giống nhau không có nghĩa hoàn toàn so sánh như A = A, mà có nghĩa liên hệ theo tầng lớp, cấp bậc hoặc mẫu hình trong phép từ vựng, ví dụ: A = A, hoặc = B vì liên hệ đồng dạng với A, vì B có thể giải thích như A, vì B được hoán đổi có ý nghĩa văn hóa như A, v.v.

– Liên hệ mạch văn hoặc ngữ cảnh (contextual relation) nghĩa là liên hệ văn phạm hoặc pháp ngữ giữa hai ngôn ngữ. Có thể khiến cho việc diễn tả ý nghĩa của bản gốc trong ngôn ngữ dịch rõ ràng, dễ hiểu mà vẫn giữ khoảnh cách song song, hoặc giữ được ý nghĩa của ngôn ngữ gốc. Liên hệ này chủ yếu cách diễn đạt trong mệnh đề và câu theo văn phạm ngôn ngữ dịch. (Catford, 1965:42,43).

Quan điểm chính là không thể có hai hệ thống ngôn ngữ giống nhau. Chỉ có thể giống nhau một ít, phần khác biệt còn lại phải được tiếp cận bằng nhiều phương pháp và kỹ thuật của dịch.

Catdord đã nỗ lực một cách cụ thể để áp dụng những nghiên cứu ngôn ngữ học vào lý thuyết dịch trong một hệ thống tân thời. Một lý thuyết ấn tượng, mặc dù các nhà tư tưởng đương đại đang cùng nhau bác bỏ ý tưởng của ông, chủ yếu vì học thuyết của ông quá qui tắc, một chiều, (trọng điểm nằm ở cấp bậc câu); trong khi từ năm 1960-70 trở đi, các học thuyết khác có khuynh hướng đơn giản hóa dịch thuật và chú trọng hơn về văn hóa. Chuẩn bị cho một thời kỳ mới: Khúc Quanh Văn Hóa.

Nếu thập niên 1950 được xem là thời điểm bắt đầu sự bùng nổ của lý thuyết về dịch thuật, thì thập niên 1970, là thời điểm dịch thuật chuyển hướng. Dường như sa lầy vào lý thuyết đã không đưa ra những kết quả cụ thể, những nhà tư tưởng xoay qua những lối thoát khác.

Triết gia Sidney Morgenbesser nói: “Để giải thích vì sao người ta trượt té vì đạp vỏ chuối, không cần phải có một lý thuyết tổng quát về trượt té.” David B. Frank nhận định, một lý thuyết sẽ giúp cho một người nhìn rõ một vấn đề nhưng khi nhìn những vấn đề khác, thấy mù mờ hoặc không thấy gì cả.

Comments are closed.