Giới thiệu tập thơ “Trong hàng rào kẽm gai tôi thở” của Nguyễn Viện

Vũ Thành Sơn

Tôi thường nghĩ làm thơ, trước hết, là một hành động mang ý nghĩa khước từ. Nhà thơ khước từ một trật tự thế giới có sẵn bị áp đặt và một cái nhìn bị mặc định để đem đến một trật tự khác, một cái nhìn khác và một cái đẹp khác. Nhà thơ không phải là nghệ sĩ uốn dẻo, càng không phải là người làm công việc bẻ gẫy tất cả các khớp xương của ngôn ngữ để cho thơ mình lê la than khóc trên đường, mà mỗi một bài thơ sẽ là một cánh cửa bị sút mất một cái bản lề để trong gió lộng nó va đập mãi vào thế giới và vào chính mình. Cánh cửa thực tại ấy luôn luôn mở ra hai phía.

Nguyễn Viện là một trong số không nhiều những nhà thơ Việt Nam đương đại như vậy. Ở Nguyễn Viện chúng ta bắt gặp một thái độ bất tuân, bất kính và phạm thánh trước một trật tự chính trị chuyên chế, một truyền thống văn chương đầy mụn nhọt. Tôi không coi Nguyễn Viện như một tiếng nói nổi loạn hay phản kháng, bởi vì phản kháng bao giờ cũng là bản chất của văn chương đích thực. Mỹ học của Nguyễn Viện là một thứ mỹ học của cái bất định, tan rã và phân ly, một thứ mỹ học mới mẻ, khác thường, sản sinh từ sự bất lực của ngôn ngữ bị lạc khỏi giấc mơ và bị truy sát trong thời đại của những kẻ giết người, nó đòi hỏi nơi người đọc ít nhiều can đảm vứt bỏ lại cái xác chết ở trên lưng và lên đường.

Trong lịch sử triết học của nhân loại nếu đã có người triết lý với cây búa thì trong thi ca Việt Nam, Nguyễn Viện làm thơ với cây búa và đinh.

“Tôi cũng chỉ muốn tự do với cây búa
Đập vỡ chiếc quan tài mà chúng ta đang liệm mình trong đó”

Với cây búa, Nguyễn Viện làm nên một thực tại hoàn toàn khác, thực tại bất quy tắc.

“Đặt một ngọn núi trong phòng ngủ với mây trời và
những con suối
Tôi cũng nhét cơn gió vào trong túi quần
Và để sóng biển vào trong ly
Tôi vẫn tin những gì con người có thể tưởng tượng được
Đều hiện thực (theo một cách nào đó)”

bởi vì ông có một niềm tin vào khả năng sáng tạo bất tận của con người

“Bởi vì chúng ta là sự thật
không ai có thể tước đoạt niềm tin của chúng ta về sự thay đổi”

Khi nói con người là sự thật thì đó là thái độ phạm thánh thách thức chính quyền năng sáng tạo của Chủ tể vũ trụ vì sự thật chỉ duy nhất có ở Thượng Đế và đồng thời, đó cũng là một tuyên bố bất tuân các hình thức chuyên chế nhằm áp đặt một thứ trật tự vĩnh hằng cho xã hội. Ở khía cạnh này, Nguyễn Viện là một gương mặt điển hình, tiêu biểu cho tiếng nói của văn chương phi chính thống, văn chương ngoài luồng. Ông một mình bước đi theo bước chân của những kẻ tuẫn đạo trên con đường hẹp, nhỏ, đầy gai nhọn.

Trong thế giới thơ của Nguyễn Viện chúng ta sẽ choáng ngợp hoặc ngất xỉu bởi vô số những hình ảnh, ngôn ngữ, ý tưởng ngồn ngộn sức sống mà chủ nghĩa duy mỹ sẽ lập tức đỏ mặt, hoảng hốt bịt mắt quay đi và lên án tục tĩu hay ô trọc. Nguyễn Viện đã đặt mọi thứ truyền thống, điển phạm, quy ước vào một hố chôn tập thể, trả lại quyền được sống, được hít thở tự do cho ngôn ngữ và chỉ bằng cách đó, ông mới xé toang miếng vải thưa che đậy sự thật.

“Tôi sẽ đưa em đến một nơi không thật
để thấy một sự thật khác
những cái răng nhọn”

Nhưng không chỉ có thái độ khước từ, Nguyễn Viện còn giới thiệu cho chúng ta một cách thực hành thơ khác, một thi pháp khác, hoàn toàn mới. Bài thơ dài “Huyễn tượng xứ tù mù” là một ví dụ, mà phạm vi của lời giới thiệu này không thể đi sâu phân tích.

Đọc thơ của Nguyễn Viện đôi lúc người ta có cảm tưởng ông làm thơ rất dễ dàng nhưng điều đó không hề có nghĩa là ông làm thơ dễ dãi. Ông có rất nhiều câu thơ đẹp, rất nhiều bài thơ đẹp. Cái đẹp trong thơ của ông không phải là kết quả của công việc đục đẽo nặng nhọc ở sân đình, hay của việc tô lục chuốt hồng một cái xác chết đã thối rữa, mà nó đến từ một sức sống vạm vỡ, hồn nhiên của một tâm hồn trẻ trung đầy hy vọng, khát khao và mộng tưởng phiêu lưu.

Tôi thích những bài thơ tình của Nguyễn Viện. Tình yêu trong thơ ông không chỉ thơ mộng, nhớ nhung mà đầy ắp đam mê, dục vọng và niềm vui xác thịt; nó đẩy đến tận mép bờ vực của đau khổ, tuyệt vọng, hoan lạc, cứu chuộc, thánh thiện.

“Đôi chân cô ấy dài hơn chiều dài của chiếc giường
dài hơn chiều dài của căn phòng dài hơn chiều dài của con đường
Đôi chân ấy quấn lấy linh hồn tôi trong lúc tôi đã đi ra
ngoài trái đất
Và nụ hôn của cô ấy phủ lấp mọi đêm ngày
Cả khi tôi đã lìa xa”

Tình yêu trong thơ ông là khuôn mặt đau thương khác của Thượng Đế như tựa một bài thơ “Khi làm tình tôi nhìn thấy khuôn mặt của Thượng Đế”

Không phải ngẫu nhiên khi tập thơ có tên “Trong hàng rào kẽm gai tôi thở” . Trong cái thực tại nhọc nhằn, nhầy nhụa mà chúng ta đang hít thở từng ngày, Nguyễn Viện đem đến cho chúng ta một bầu khí quyển khác, trong sạch và tự do.

Comments are closed.