Giới thiệu tác phẩm “Phiên bản tình yêu” của Vũ Biện Điền, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

Tác phẩm được Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ xuất bản năm 2012, cùng lúc với cuốn Dạ tiệc quỷ của Võ Thị Hảo. Đây là cuốn tiểu thuyết đồ sộ với hai tập, dài hơn 1000 trang, lấy bối cảnh Việt Nam từ năm 1954 trở lại đây, được tác giả miệt mài viết trong sáu năm. Những đặc điểm đáng ghi nhận của tác phẩm được nêu bật trong bốn trích đoạn của các nhà văn, nhà báo đã giới thiệu, phân tích, phê bình tác phẩm trong thời gian qua.

clip_image002

clip_image004

 

Trần Phong Vũ – Ngõ vào Phiên bản tình yêu (trích)

 

Như nhan sách, Phiên Bản Tình Yêu là một chuyện tình, một chuyện tình xuyên thế hệ, mang nhiều kịch tính với những tình tiết éo le, ngang trái, chuyển biến bất ngờ.

Nhưng Tình Yêu ở đây chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một băng sơn giữa đại dương mờ mịt.

Vũ Biện Điền, một bút danh xa lạ. Nhưng lạ hay quen không phải điều quan trọng. Điều quan trọng là tác giả, một nhân chứng sống của một thời hoang loạn đã ghi lại, đã ký thác được những gì trong tác phẩm của ông?

Cuộc tình xuyên thế hệ ở đây có thể được hiểu như một thứ “thang” để dẫn “thuốc”, một chất xúc tác, một hấp lực cuốn người đọc đi sâu vào những âm mưu, những màn đấu đá, những trò lường gạt, thay bậc đổi ngôi trong một xã hội người ta nhân danh đủ thứ với những mặt nạ khóc cười, hỉ nộ đã được mã hóa khi thực chất chứa đầy tâm thái tham lam, ích kỷ, độc ác, chỉ vụ thỏa mãn tham vọng cá nhân, bè nhóm, bất chấp an nguy của tiền đồ quốc gia dân tộc. Trong chừng mực nào đó,với tư cách người chứng, tác giả đã đạt mục đích.

Trở về với nhan sách, dù đã khẳng định tình yêu chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một tảng băng sơn giữa đại dương mờ mịt, nó vẫn là một thực thể, một hiện hữu không dễ bỏ qua.

Bàn về nghệ thuật dựng chuyện, dẫn chuyện ly kỳ, uyên áo của tác giả Vũ Biện Điền, người đọc không thể không nói tới cuộc tình xuyên thế hệ, phi-không-thờigian của nhân vật chính với Cẩm Khuê cuối thập niên 60 và với con gái nàng 15, 20 năm sau đó. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng như mơ ở nhà sách Ưng Hạ không ngờ đã trở thành đầu dây mối nhợ cho một chuyện tình hi hữu, dẫn dắt người đọc vào mê hồn trận với những đột biến thật bất ngờ.

…..

Một chuyện tình thê thiết, buồn bã lúc khởi đầu nhưng khi màn buông xuống lại mở ra một bình minh đầy hứa hẹn. Chuyện tình yêu như thế, còn chuyện đời thường thì sao? Người đọc bâng khuâng tự hỏi. Không hiểu khi bỏ ra sáu năm trời với hơn hai ngàn ngày đêm vật vã xây dựng tác phẩm, giữa tình yêu và chuyện quê hương đất nước, giữa nhân vật trong truyện và những con người thực đã một thời mê muội lầm đường, tác giả Vũ Biện Điền muốn gửi gấm điều gì cho những người đọc ông – đặc biệt là những công dân miền Nam đã bị bứt ra khỏi vùng trời quê hương sau tháng Tư 1975?

Nam California, Hoa Kỳ

một ngày cuối tháng 8 năm 2012

 

Nguồn: http://vnlac.org/?page_id=2548

 

 

Bảo Trọng Cư – Nhịp cầu tri ngộ – thay lời giới thiệu (trích)

 

Chính vì thời gian của tác phẩm xuyên suốt từ 1954 đến tận hôm nay, với những nhân vật đặc trưng và dụng ý rõ rệt của tác giả, đây không phải chỉ là chuyện đời, chuyện tình của nhân vật chính và một số người liên quan mà gắn kết với những vấn đề lịch sử và chính trị hệ trọng của đất nước thông qua suy tư, tranh luận và hành vi của các nhân vật.

Tuy nhiên, trước và sau, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU vẫn là một câu chuyện tình. Một chuyện tình xuyên thời gian, xuyên chế độ chính trị, xuyên thế hệ, xuyên hoàn cảnh, xuyên tuổi tác, vượt qua mọi ràng buộc luân lý, thói tục, quan điểm…nhưng cũng rất người, rất phải đạo, và cũng rất thánh thiện. Mới nghe qua ai cũng nghĩ đây là cuộc gặp gỡ định mệnh, nhưng theo tôi, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là dồn nén đau nhức của cả một dân tộc từ nửa thế kỷ vừa qua.

Vì thế PHIÊN BẢN TÌNH YÊU có thể coi như một loại “quốc sử diễn ca” cho một giai đoạn.

Tác phẩm viết theo lối song tuyến đồng hiện. Quá khứ và hiện tại xen kẽ, từng bước làm hiện rõ cuộc đời và biến chuyển của từng nhân vật trước và sau dấu mốc lịch sử năm 1975. Việc đưa các vấn đề tư tưởng, chính trị vào suy tư và đối thoại của các nhân vật, hòa quyện với chuyện đời, chuyện tình ở đây là một thủ pháp nhà nghề để đạt tới một bức tranh hiện thực sinh động. Thông qua hình tượng để phê phán, nhiều đoạn là những bài chính luận sắc bén. Thông qua những đôi co oái ăm, nhiều đoạn rất trào lộng nhưng mỉa mai cay độc. Thông qua những tình cảm chân thành, nhiều đoạn là những khúc tình ca não nuột…

PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là một tác phẩm công phu, tâm huyết, nặng trí tuệ, có tính điển hình cao với một văn phong độc đáo, đa dạng, sắc bén, quyết liệt nhưng cũng đầy chất thơ. Ắt hẳn vẫn có vài nhược điểm mà độc giả có thể nhìn thấy đâu đó, nhưng đây là một tác phẩm xứng tầm lịch sử cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Tôi tin PHIÊN BẢN TÌNH YÊU sẽ cùng tồn tại với bi kịch lịch sử mang tên Việt Nam.

 

Nguồn: http://vnlac.org/?page_id=2548

 

 

Uyên Thao – Trả lời phỏng vấn Mộc Lan DCVOnline (trích)

 

Theo tôi, Phiên Bản Tình Yêu có khá nhiều nhân vật gây ấn tượng dù chỉ là các nhân vật phụ xuất hiện gần như thoáng qua trong một số trang hạn chế. Tuy nhiên thực sự gây ấn tượng với tôi chính là cảnh sống của mọi nhân vật kéo dài từ trang đầu tới trang cuối tác phẩm. Nói một cách vắn gọn thì đó là bộ mặt thực của đất nước Việt Nam sau khi được đặt trên “con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa” với nét hoạ nổi bật là hết thẩy con người ở mọi vị thế, mang mọi chân dung, ấp ủ mọi tâm tư… đều không còn gọi được là người. Bởi hết thẩy đều rơi xa thẳm khỏi thân phận nạn nhân bi thảm của đủ mọi tệ nạn ngu si, nghèo đói, lường gạt, áp chế… mà gần như tự nguyện lao đầu vào cuộc đua hoang thú hoá bản thân với nỗi đam mê cuồng nhiệt, đặc biệt là lớp người đang thủ đắc quyền lực trong tay.

….

Nói Phiên Bản Tình Yêu là một câu chuyện tình chỉ chính xác nếu dựa riêng theo tựa đề tác phẩm và sự xuất hiện từ trang đầu tới trang cuối tác phẩm của nhân vật nữ Tường Vi. Tuy nhiên, chủ ý tác giả không gom trọn trong cuộc tình của nhân vật Tường Vi hay bất kỳ cuộc tình nào của nhân vật chính Lê Huy Phong. Có thể bảo tình yêu trong tác phẩm Phiên Bản Tình Yêu chỉ là một chất keo kết nối các tình tiết và một động lực thúc đẩy nhiều xu hướng tâm tư để giúp làm nổi bật chủ ý tác giả là diễn tả thực tế đời sống Việt Nam qua nhiều khía cạnh trong đó nổi bật nét khắc về tính đổ vỡ cùng cực của con người từ mọi phương diện hành xử tới suy tư.

Dù tác giả định tính cho tác phẩm của mình là tiểu thuyết, Phiên Bản Tình Yêu vẫn mang vóc dáng một loại tâm bút nhiều hơn là một tác phẩm nghệ thuật thuần túy. Có thể khẳng định không sợ lầm lẫn rằng Vũ Biện Điền không dựng một tác phẩm nghệ thuật về tình yêu mà chỉ muốn gửi đến mọi người bức chân dung nhầy nhụa thê thảm tới mức kinh hoàng của đời sống Việt Nam hiện nay cùng với nỗi đau bóp nghẹn tim óc của những người còn đủ lương tri không xoay lưng làm ngơ trước thời thế.

 

Nguồn: http://hoangtran204.wordpress.com/2013/03/16/tro-chuyen-voi-uyen-thao-ve-cuon-phien-ban-tinh-yeu/

 

 

Dương Hoàng Dung giới thiệu trên trang web Tiếng quê hương (trích)

 

Có lẽ theo câu nói “Tình yêu là quyển truyện tiểu thuyết còn hôn nhân là quyển sách lịch sử. Và thông thường lịch sử chán hơn tiểu thuyết nên Vũ Điện Biền tác giả “Phiên Bản Tình Yêuđã cho hai quyển tiểu thuyết và lịch sử đan xen kẻ nhau để kết nên tác phẩm có tầm vóc đồ sộ hơn 1.000 trang sách, lồng câu chuyện tình yêu cuốn hút vào bối cảnh lịch sử ở giai đoạn rối rắm, bi thương của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm xuyên suốt khoảng thời gian lịch sử nóng bỏng của Việt Nam từ trước 1954 cho đến tận những năm gần đây. Đứng trước không gian lịch sử thật rộng lớn, với nhiều diễn biến phức tạp tác giả đã thật khéo léo dàn dựng lớp lang như đạo diễn dựng vở Opera cho dân tộc. Một vở Opera với sân khấu là mảnh đất Việt Nam, kịch bản là những diễn biến lịch sử quan trọng, được diễn và dẫn giải qua những mẩu đối thoại của nhiều nhân vật lần lượt xuất hiện theo dòng thời gian xuôi ngược. Những ai khi đọc xong Bên thắng cuộc(tác giả Huy Đức) vẫn chưa thỏa mãn vì còn nhiều dấu hỏi cho diễn biến lịch sử phức tạp sau 1954 ,muốn biết bề trái xã hội Việt Nam hôm nay, hãy tìm đọc Phiên bản TìnhYêu của Vũ Biện Điền.

Kết thúc tác phẩm “Phiên bản Tình Yêu” có thể không là kết thúc đơn thuần một câu chuyện tình mà chất chứa ước mơ lớn dành cho Dân tộc,cho Quê hương :

Ước mơ về một “Phiên bản Tình Yêu” tươi mới dành cho Việt Nam.

 

Nguồn: http://tiengquehuong.wordpress.com/2013/04/20/phien-ban-tinh-yeu/

Comments are closed.