Gánh gánh… gồng gồng…

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Trong một buổi chuyện trò vào tuần trước, người anh của chúng tôi là một nhà báo – võ sư đã bày tỏ: “Người ta thường nói phụ nữ là phái yếu nên họ cần được chở che. Nhưng thực ra, đàn ông mới chính là phái yếu. Những người đàn ông mất vợ thường bị suy sụp rất nhanh. Họ cảm thấy chông chênh, hụt hẫng… và hầu như họ không đủ sức đơn thân “gà trống nuôi con”, cáng đáng một gia đình. Ngược lại, những người đàn bà mất chồng thường rất vững chãi. Họ thực sự là phái mạnh. Họ vượt qua nỗi mất mát, trống trải rất nhanh và có thể trở thành trụ cột của gia đình. Họ gánh vác gia đình mình, gia đình chồng… gồng gánh cả giang sơn…” Khi anh nói đến câu này, bỗng dưng tôi và những người xung quanh đều buộc miệng hoà cùng anh: “gánh gánh gồng gồng”.

Sở dĩ chúng khẩu đồng từ như thế là bởi vì chúng tôi vừa đọc xong hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng – một cuốn hồi ký đặc biệt, rất đặc biệt.

Gánh gánh… gồng gồng… gây ấn tượng với tôi không phải vì giải thưởng Văn xuôi hay nhất của Hội Nhà văn Việt Nam 2020 (bởi trong nghệ thuật, huy chương chưa hẳn đã là giá trị xác thực), không phải vì tác phẩm được hoàn thành vào năm 92 tuổi của một người đàn bà nổi tiếng (bởi người nổi tiếng, người có tuổi tác viết hồi ký, âu cũng là lẽ thường tình; vì họ có cái “quyền” ấy), không phải vì sự ra mắt rầm rộ và bài bản của cuốn sách (bởi việc đó trong thời 4.0 thì có khó gì, nó còn khiến cho nhiều người đọc bị choáng ngợp, thậm chí bị mắc lỡm bởi truyền thông). Vậy, điều gì khiến tôi bị cuốn hút bởi Gánh gánh… gồng gồng…?

Đây là câu chuyện cuộc đời rất đáng kể ra của một tiểu thư xuất thân từ gia đình trí thức tiểu tư sản, học trường Tây, tuổi ấu thơ từng sống ở hai thành phố thơ mộng Huế và Đà Lạt; kết hôn với con trai của quan thượng thư bộ Lễ dưới triều Bảo Đại; 16 tuổi đi theo kháng chiến, từng làm từ y tá cho đến chế tạo thuốc nổ, làm báo và làm phim tài liệu chiến trường, sưu tập tranh và trở thành "bà đỡ" cho nhiều họa sĩ tài năng…

Gồng gánh cả giang sơn như thế, nhưng ngày đất nước thống nhất, tác giả trở nên trơ trọi giữa quê hương, vì gia đình có năm anh em thì tất cả đã cùng bố mẹ sang Mỹ. Sau 40 năm xa cách, nhờ nhiều sự can thiệp và bảo trợ, người con gái ngày xưa mới được gặp mẹ mình ở một nước thứ ba (Pháp). Trong một bữa cơm trùng phùng, sau bao ngày kìm nén, người mẹ già 80 nước mắt lưng tròng bật lên một câu hỏi mà cả nhà cố tránh né: “Con ơi, con theo người ta làm chi, để mà đất nước, gia đình mình ly tán như thế này?”

Câu hỏi của mẹ khiến Nguyễn Thị Xuân Phượng thấy đã đến lúc phải viết lại hồi ký đời mình cho những người thân yêu, “nhất là cho những người trẻ, những người chưa biết chiến tranh là gì.”

Gánh gánh… gồng gồng… là cuộc đời của người đàn bà sống gần một trăm năm, đi qua nhiều cuộc chiến tranh, có mặt trong hầu hết các sự kiện lịch sử, gặp gỡ và cộng tác với rất nhiều nhân vật lịch sử – văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Ở đó, ta thấy được lý tưởng và hành động dấn thân của thế hệ trí thức từ bỏ chăn ấm nệm êm, từ bỏ hào quang thế phiệt trâm anh, chung minh đỉnh thực của gia tộc để đi theo kháng chiến. Ta thấy những đau thương mất mát của một dân tộc mà chiến tranh dường như là một định mệnh, bởi bốn ngàn năm qua, lịch sử đất nước gần như đồng nghĩa với quân sử.

Gánh gánh… gồng gồng… được viết bằng lối văn giản dị, giàu sự kiện nhưng không sa vào kể lể, giàu thành tích nhưng không sa vào khoe khoang, giàu cảm xúc nhưng không uỷ mị, giàu lý trí nhưng không lạnh lùng, sòng phẳng nhưng không chát chúa, thứ tha nhưng không dễ dãi… Đó là lối văn thể hiện nội lực của một con người đã từng trải qua nhiều thử thách, biết cách lựa chọn những tình tiết, tiểu tiết cần thiết để tái hiện câu chuyện đời mình.

Có thể nói, nghệ thuật kết cấu là điểm độc đáo nhất làm nên thành công của cuốn hồi ký. Tác giả đã dùng kỹ thuật dán ghép, thủ pháp đồng hiện của điện ảnh để tổ chức kết cấu của tác phẩm. Nhờ vậy, dù nhiều nhân vật và sự kiện nhưng cuốn hồi ký bị không rối rắm, các tình tiết đều được giải quyết trọn vẹn, thấu đáo. Quá khứ và hiện tại, mở đầu và kết thúc cứ lần lượt thay thế nhau, đan xen trong nhau khiến câu chuyện trở nên sống động và người đọc luôn được thay đổi cảm xúc.

Nguyễn Thị Xuân Phượng của Gánh gánh… gồng gồng… khiến tôi liên tưởng đến người mẹ Úrsula trong Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez, Lỗ Thị trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn. Họ là những người mẹ – thế kỷ, người mẹ – lịch sử; người mẹ – tổ quốc, bởi thân phận của họ chính là thân phận đất nước. Họ vượt qua những trắc trở, éo le, khắc nghiệt của cuộc sống đa đoan này bằng chính nghị lực và và tấm lòng bao dung của phụ nữ. Thiên tính nữ trong họ chính là điểm tựa của tất cả. Và như thế, họ chính là phái mạnh!

Hãy cùng tác giả của Gánh gánh… gồng gồng… bước chân trần vào lịch sử, để được cảm nhận khói lửa, máu me, chết chóc và đổ vỡ của chiến tranh; được nghe tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh vang lên dưới lòng địa đạo; được tham quan những phòng tranh Việt Nam trong những sảnh trưng bày sang trọng của châu Âu…

Gánh gánh… gồng gồng… là câu chuyện của một con người, một người đàn bà, một số phận… nhưng là cả lịch sử.

Hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

(Gánh gánh… gồng gồng…, Nguyễn Thị Xuân Phượng, Nxb. NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2020)

Comments are closed.