Hàn Giang
Ôi, Han Kang đoạt giải Nobel. Bất ngờ nhưng xứng đáng!
Mình mới đọc có hai cuốn của bà và viết về mỗi cuốn này thôi. Ước mong xong việc đi để còn đọc thỏa thích mà xa quá, vẫn phải làm nông dân cày ruộng đến nhọc đừ.
***
Có lần, cô bạn thân bảo: “Mày đọc Người ăn chay đi, tao nghĩ mày sẽ hợp”. Khoảng một năm sau, cũng là cô bạn ấy nhắc lại. Thế là mình đọc Người ăn chay của Han Kang hai lần.
Hai lần, không phải con số nhiều nhặn gì, nhưng ám ảnh ghê gớm. Lần đầu bị cuốn hút, giữa những khoảng đọc (vì mùa đội tuyển, đọc không liền mạch được), cảm thấy sinh quyển mà Han Kang tạo ra giữa những trang sách cứ bao bọc lấy mình. Đọc trong nỗi thấp thỏm và cơn choáng váng mà dòng sự kiện và cảm xúc tràn ra, cuốn lấy. Lần hai đọc trầm hơn, lặng hơn, thấm thía cảm giác loang đến từng tế bào…
Truyện không dài, vẻn vẹn 204 trang, khổ nhỏ. Là tác phẩm xuất sắc nhất (cho đến bây giờ) của nữ nhà văn sinh năm 1970, giảng dạy ở Đại học Yonsei. Han Kang khá nổi tiếng ở Hàn Quốc nhưng Người ăn chay là tác phẩm đầu tiên được dịch ra tiếng Anh của cô. Chuyển ngữ năm 2015, bởi Deborah Smith – một cô gái trẻ mới học tiếng Hàn 6 năm – chỉ sau một năm, tác phẩm đã giành giải Man Booker International Prize và tạo nên tiếng vang lớn.
Nhưng tiếng vang của giải thưởng và những tranh cãi bất tận quanh Người ăn chay chưa hẳn đã lớn hơn vọng âm mà trang sách để lại trong lòng người. Ba câu chuyện liên hoàn mà độc lập: Người ăn chay – Vết chàm Mongolia – Cây pháo hoa, được kể từ ba nhân vật như sự đứt gãy trong giao kết giữa các cá nhân, đều xoay quanh một sự kiện: Yeong-Hye quyết định ăn chay.
Ăn chay, nhìn theo cách thông thường, vừa là một trào lưu của xã hội hiện đại, lại vừa là sự lan tỏa của tư tưởng hiếu sinh trong đạo Phật. Nhưng trường hợp của Yeong-Hye lại hoàn toàn ngoại lệ, từ động cơ, cách thức đến sức tàn phá của nó. Những giấc mơ vô thực và kinh hoàng khiến Yeong-Hye quyết liệt ăn chay. Từ đó, cô trở thành kẻ bất thường và nỗi xấu hổ đối với chồng, thành kẻ nổi loạn trong mắt bố mẹ, thành cây thập giá trên lưng chị gái. Từ đó, hai gia đình nhỏ tan vỡ, các thành viên trong một gia đình lớn đứt lìa khỏi đời nhau, còn bản thân cô nằm trên lằn ranh sinh tử.
Vậy, đối với riêng Yeong-Hye, ăn chay mang ý nghĩa gì?
Có lẽ trước khi trả lời câu hỏi đó, cần xem Yeong-Hye ăn chay từ lúc nào!
Bạn sẽ bảo, Han Kang đã nói rõ rồi thôi, sau khi lấy chồng 5 năm, sau một giấc mơ phi thực, người vợ trẻ bình thường đến mức không thể bình thường hơn ấy cực đoan trút tất cả thịt, cá, trứng, sữa vào túi rác rồi nghiêm ngặt ăn chay.
Không đâu! Ăn chay chỉ là hình thức mà Yeong-Hye lựa chọn lúc đó thôi. Còn suốt từng chặng đường nhọc nhằn sống, cô đã “ăn chay” theo cách của riêng mình rồi!
Chẳng phải thế sao khi giữa những trận đòn của người cha gia trưởng trở về từ chiến trường Việt Nam, cô bé Yeong-Hye lại “ra đường đánh những đứa trẻ con khác gần đấy” để “vơi bớt khổ sở”? Chẳng phải thế sao khi lạc trên núi, cô bé Yeong-Hye chín tuổi lại bảo chị gái: “Chị, hay mình đi luôn đi, đừng về nữa”? Chẳng phải thế sao, khi Yeong-Hye vẫn lén trèo lên những xe chở đất để họ chở đi khắp nơi trong bóng tối, rồi mới trở về ngôi nhà có người bố luôn phải uống canh giải rượu và người mẹ cam chịu?
Yeong-Hye đã luôn tìm cách từ chối và tuyên ngôn về quyền cá nhân một cách lặng lẽ như thế suốt bao năm. Vì vậy, ăn chay chỉ là một hình thức khác của sự phủ nhận, mà Yeong-Hye lựa chọn cho mình thôi!
Nhìn từ góc độ nào, ăn chay cũng là cách thức hợp lí nhất để Yeong-Hye phủ nhận xã hội đang trùm bọc khiến cô nghẹt thở. Phủ nhận người chồng “thuộc típ người không thích cái gì quá” đang “làm việc ở công ty nho nhỏ biết quý cái năng lực vừa phải” của anh ta. Nếu chỉ nhạt nhẽo, anh ta không đáng trách. Nhưng nếu kèm thêm vô tâm và ích kỉ, anh ta thực sự đã trở thành giọt cuối cùng trên cái ly độc tố bao năm thẩm thấu trong Yeong-Hye. Suốt thời gian chung sống, anh ta chưa bao giờ quan tâm đến vợ mình mà chỉ tính toán được mất của bản thân. Anh ta không hề chia sẻ, hỏi han dù Yeong-Hye đã hai lần nói rằng “Em mơ…”. Thậm chí, khi vợ đã gầy rộc, mất ngủ và hạn chế giao tiếp, người chồng ấy còn tự thỏa hiệp rằng coi như sống với một người chị họ, hoặc chị giúp việc cũng được. Cần phải có bao nhiêu dửng dưng để khô lạnh đến như vậy? Rốt cuộc giữa Yeong-Hye và anh ta có phải là vợ chồng không? Có tồn tại thứ tình gì không trong ngôi nhà đó?
Không chỉ phủ nhận người chồng tầm thường, với việc ăn chay, Yeong-Hye còn phản kháng tất cả: người bố gia trưởng và bạo lực, người mẹ hèn yếu và không chịu hiểu con, cả người chị gái tưởng như tận tụy mà cũng tách biệt như một viễn đảo. Họ có mặt trong cuộc đời Yeong-Hye mà như không hiện hữu. Họ chỉ biết bắt ép (bóp miệng cô để nhét thịt), biết lừa dối (bảo thịt dê đen là thuốc bắc) mà tuyệt nhiên không ai lắng nghe. Cuối cùng, khi cô đã thực sự trở thành một thứ gánh nặng, em trai và bố mẹ đều cắt liên lạc. Họ gần như đã chối bỏ, để Yeong-Hye tự sinh tự diệt.
Nhìn ở một tầm khái quát hơn, ăn chay là sự phản kháng của Yeong-Hye với xã hội. Xã hội Hàn Quốc từ nông nghiệp truyền thống bước vào thời kì hiện đại với sự thay đổi nhanh chóng về cấu trúc xã hội nhưng vẫn còn đó bao định kiến, giáo điều. Điều đó khiến một số người nghẹt thở, nhưng kì lạ thay là nhiều người vẫn cố gắng một cách quán tính để trụ được trong vòng quay chóng mặt và phi lí ấy. Một số nhỏ hơn văng ra, hoặc họ là kẻ yếu đuối đáng thương, hoặc họ là người mạnh mẽ điên rồ. Yeong-Hye có lẽ thuộc loại người thứ hai.
Tất cả đều thấy Yeong-Hye bất thường, điều đó đúng. Nhưng không đi liền với yếu đuối. Cô đã mạnh mẽ và kiên định với lựa chọn của mình. Cô muốn mình thành một cái cây, bởi lẽ “mọi cây cối trên đời này đều là anh em của nhau”. Ước muốn và cách thực hiện kì quái trong mắt thế nhân ấy chỉ là tiếng kêu đau đớn đòi hỏi được thấu hiểu, đòi hỏi được tự định đoạt lấy đời mình. Có ai không ám ảnh khi nghe cô kêu lên sững sờ: “Sao, không được chết à?”
Có ai đó đã phát hiện ra, Yeong-Hye và chị gái In-Hye là đối cực nhưng không đối lập. Nhìn ở một góc độ khác, họ chính là một bản thể trong những chặng khác nhau của đời sống. Nếu Yeong-Hye không mơ, cô có thể là In-Hye, còn nếu In-Hye mơ cô cũng đâu chắc chắn không thành Yeong-Hye. Giấc mơ lúc đó chính là tiếng nói bên trong mà bao định kiến và áp lực của sự tồn tại trong xã hội đã nén chặt lại.
Yeong-Hye đáng thương, hay In-Hye đáng thương hơn? Có lẽ là In-Hye, cô gái sớm phải gánh cả ngọn núi trên lưng. Dẫu sao, Yeong-Hye đã được sống là mình, đã được cất lên tiếng nói của mình, và nếu có chết cũng vì xác tín của mình. Còn In-Hye thì sao? Cô con gái đảm đang biết nấu canh giải rượu cho bố, người chị dịu dàng biết che chở cho em và nhớ cả món ăn ưa thích của em, người vợ giỏi giang nhận lấy gánh nặng mưu sinh và chăm sóc con cái cho chồng theo đuổi đam mê ấy đã được gì? Cái cảm giác thảng thốt “mình chưa từng sống trên cuộc đời này”, nỗi bất an lúc một ngày khép lại “cảm thấy cái lỗ tối đen ấy lúc nào cũng có thể há miệng ra nuốt chửng” lấy mình, sự sững sờ khi thấy cuộc sống hiện tại sụp xuống như đồi cát như ngàn ngân châm độc tước đi sức sống của cô.
Đừng thấy thích ứng là hèn nhát, đừng chê trách In-Hye bằng những tín điều. Mọi sự trên đời đôi lúc giống như một khối rubic mà ta chỉ có thể kết luận khi thấy đủ mặt của nó.
Mình thực sự thích cách viết của Han Kang. Thích kiểu liên truyện chứ không phải tiểu thuyết mà cô lựa chọn. Mỗi thiên truyện là một góc nhìn riêng để từ đó nổi lên bao nhiêu tầng vỉa. Giữa ba truyện là những khoảng trống mà người ta tự cảm, hoặc để lại khoảng gián cách như cuộc sống bao điều bí ẩn và phi lí. Han Kang xuất sắc khi chọn điểm nhìn, có lẽ việc không đặt điểm nhìn ở Yeong-Hye không phải vì “không thể miêu tả quyết tâm này (của Yeong-Hye) theo cách thông thường” như tác giả chia sẻ, mà còn vì tạo cho nhân vật một không gian rỗng để người khác quan sát cô ấy. Bên cạnh đó, hình ảnh vết chàm Mongolia được miêu tả sống động và có tư cách biểu tượng như bất kì chi tiết kinh điển nào. Nhiều người gọi Han Kang là “Kafka của Hàn Quốc”, tất nhiên sự so sánh nào cũng có những vênh lệch, nhưng đó là sự tôn vinh xứng đáng.
Nếu bạn định đào sâu vào bản thể với những câu hỏi mang tầm nhân loại, định tìm hiểu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, định cắt nghĩa bạo lực và sự chống đối trong suốt chiều dài của nó, hay đơn giản hơn là bạn định tìm một tác phẩm mang tiếng nói nữ quyền… thì Người ăn chay nên nằm trong lựa chọn của bạn!
H. G.
14.10.2019