Bản dịch tiếng Anh cho các tác phẩm của Han Kang đã được tán dương rộng rãi. Liệu chúng có trung thành với nguyên tác?
Jiayang Fan, The New Yorker ngày 8/1/2018[L1]
Quyên Hoàng dịch
Một bản dịch văn học phải sát nghĩa đến mức nào? Nabokov, người thông thạo ba ngôn ngữ và viết văn bằng hai thứ tiếng, tin rằng “bản dịch văn học sát nghĩa, vụng về nhất vẫn hữu ích gấp ngàn lần hơn một diễn giải mỹ miều nhất”. Mặt khác, Borges lại giữ quan điểm rằng người dịch không chỉ nên sao chép văn bản mà cần tìm cách chuyển hóa và làm giàu thêm cho nó. “Dịch thuật là một trình độ văn minh tiên tiến hơn,” Borges cả quyết – hoặc, tùy theo bản dịch mà bạn bắt gặp, “một trình độ viết lách cao hơn”. (Ông viết dòng này bằng tiếng Pháp, một trong nhiều ngôn ngữ mà ông thông thạo.)
Năm 2016, “The Vegetarian” (Người ăn chay) trở thành tiểu thuyết tiếng Hàn đầu tiên thắng giải Man Booker Quốc tế, giải thưởng được trao cho tác giả Han Kang lẫn người dịch sách, Deborah Smith. Tại thời điểm đó, Smith là nghiên cứu sinh 28 tuổi mới chỉ bắt đầu học tiếng Hàn 6 năm trước; ở các nước nói tiếng Anh, cô nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ công trình của mình. Tuy nhiên, trong mắt truyền thông Hàn Quốc, niềm tự hào dân tộc xung quanh việc Han thắng giải – chưa kể lượng sách in đã tăng vọt gấp 20 lần, trong khi tác phẩm chỉ đạt được thành công khiêm tốn khi lần đầu ra mắt vào năm 2007 – sớm bị lu mờ bởi các cáo buộc rằng sách đã bị dịch sai. Dẫu Han đã đọc duyệt và chấp thuận bản dịch, trang báo Huffington Post Korea lại khẳng định nó hoàn toàn “sai lệch”. Smith bảo vệ mình tại Hội sách Quốc tế Seoul, nói rằng: “Tôi chỉ cho phép mình một độ thiếu trung thành nhất định nếu nó giúp đem lại một sự trung thành cao hơn”.
Cuộc tranh cãi này lan đến tai nhiều độc giả Mỹ vào tháng Chín năm ngoái, khi tờ Los Angeles Times đăng một bài viết của Charse Yun, một người Mỹ gốc Hàn giảng dạy dịch thuật ở Seoul. (Bài viết mở rộng lập luận mà Yun lần đầu nêu ra trên tạp chí trực tuyến Korea Exposé vào tháng Bảy.) “Smith khuếch đại văn phong thanh nhã, trầm mặc của Han và vẽ vời thêm cho nó những trạng từ, những từ dùng để chỉ sự so sánh tột bực và những cách chọn từ nhấn nhá khác vốn không hề xuất hiện trong nguyên tác,” Yun viết. “Điều này không chỉ diễn ra một hai lần, mà hầu như trên mọi trang sách”. Nó như thể Raymond Carver đã bị làm cho giống Charles Dickens, anh tiếp lời. Trong mắt Yun, đây không đơn thuần là vấn đề về tính chuẩn xác, mà còn là về sự thông hiểu văn hóa. Hàn Quốc có truyền thống văn học giàu đẹp và phong phú – lẫn một lịch sử hiện đại có mối liên hệ mật thiết với lịch sử phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhưng có rất ít tác phẩm văn học Hàn là đạt được thành công ở các nước nói tiếng Anh, và Hàn Quốc – tuy thường xuyên xuất hiện trên các trang báo Mỹ – lại không khơi dậy trí tưởng tượng sâu đậm trong tâm thức đại chúng như là hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản. Han Kang dường như đã lấp đầy khoảng trống đó – hoặc ít ra là tạo bước khởi đà. Nhưng nếu thành công của bà là phụ thuộc vào độ sai lệch trong dịch thuật, thì bao nhiêu phần của nguyên tác đã thực sự được truyền tải trọn vẹn?
“The Vegetarian” (NXB Hogarth) có cấu trúc tựa như truyện ngụ ngôn. Tác phẩm tập trung sinh động vào sự tự-hủy hoại một thân thể người duy nhất. Thân thể này thuộc về người nội trợ tên Yeong-hye, mà chồng cô, anh Cheong, mô tả là “chẳng có gì hấp dẫn đặc biệt” [theo bản dịch tiếng Việt phát hành năm 2011 của NXB Trẻ]. Với anh Cheong, kẻ “thuộc típ người không thích cái gì quá”, điều đó ở cô khiến anh bị thu hút. “Cái tính cách bình thường khó tìm thấy sự tươi mới, dí dỏm, tinh tế đó lại khiến tôi thấy thoải mái,” anh nói. Nhưng có một điểm mà anh Cheong thấy đáng lưu ý ở vợ mình: cô không thích mặc áo ngực – cô bảo chúng khiến cho ngực mình bị siết chặt. Cô từ chối mặc chúng, kể cả khi ra đường, thậm chí ngay trước mặt bạn bè của chồng, tuy rằng, anh nói, cô không sở hữu “bộ ngực nhỏ xinh họa chăng sẽ hợp với cái ‘mốt không mặc nội y’” [bản dịch của NXB Trẻ: “Thật ra với bộ ngực gần như ‘không có gì’ của cô ấy thì không hợp với kiểu đó”]. Anh xem đó là điều hổ thẹn.
Các nhà phê bình Hàn Quốc đã bày tỏ sự tiếc nuối về việc cho rằng dịch giả tiếng Anh của Han Kang đã diễn giải tác phẩm quá mức cần thiết. Ảnh: Park Sung Jin cho The New Yorker
Buổi sáng nọ, anh Cheong thấy vợ mình đang vứt bỏ thịt cá trong tủ lạnh. Cô đã trở thành người ăn chay, cô bảo với anh vậy, vì cô “đã mơ”. Trước nay, anh chỉ có thể nghĩ về vợ mình “như người lạ… một người chị nấu cơm, dọn nhà cho mình, hay chí ít cũng như một người giúp việc”. Giờ thì, anh cảm thấy xấu hổ và bị phản bội. Sau cùng, anh ta bị kích thích bởi sự bất tuân của cô, và bắt đầu đè cô ra giường. Không thể chống cự nổi, Yeong-hye lịm người. Sự câm lặng không phản ứng của cô làm gợi nhớ trong anh hình ảnh từ một thời quá khứ của Hàn Quốc, khi nước này bị chiếm đóng: “cô ấy làm như thể mình bị cưỡng chế lôi đi theo quân lính ra trận để làm vật giải khuây, [còn tôi là tên lính Nhật buộc cô phải hầu hạ mình]”.
Quyết định không ăn thịt của Yeong-hye bị cả nhà xem như thái độ chống đối khiến họ khiếp đảm, đặc biệt là bố cô, một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam mà tính khí hung bạo của ông có chăng là hệ quả từ những sang chấn tâm lý nơi chiến trường. (Hơn 300.000 người Hàn đã tham chiến cùng lính Mỹ trong cuộc xung đột đó.) Trong một bữa ăn gia đình, được thu xếp để có động thái can thiệp, ông bố cố nhét miếng thịt heo chua ngọt vào miệng con gái. Phản ứng lại, Yeong-hye rạch cổ tay mình trước sự bàng hoàng của toàn thể gia đình. Rốt cuộc, cô bị đưa vào viện tâm thần.
Gần cuối sách, In-hye, người chị gái trông có vẻ mực thước hơn của Yeong-hye, vào viện thăm cô. Ba năm đã trôi qua từ hôm bữa ăn gia đình, và In-hye bắt đầu nhận ra rằng vai trò của cô trong tư cách “con gái lớn” trong nhà và “cái sự chăm chỉ, cần mẫn của cô hồi đó không phải là sự chững chạc sớm mà chỉ là sự hèn nhát, chỉ là một phương thức để tồn tại”. Ở bệnh viện, Yeong-hye héo mòn, nặng chưa đến 30 ký. Từ chối nói năng hoặc chấp nhận ăn uống theo bất cứ dạng nào, cô dành phần lớn thời gian cố bắt chước một cái cây: làm động tác trồng cây chuối và đắm mình trong ánh dương. Han Kang từng nói rằng nhân vật Yeong-hye được lấy cảm hứng từ một dòng thơ của Yi Sang – thi nhân theo chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ 20 vốn bị kiểm duyệt nặng nề dưới thời Nhật Bản cai trị, và tác phẩm của ông gợi lên tính bạo lực và kích động của chủ nghĩa đế quốc. Yi mô tả sự thoái lui thờ thẫn như là triệu chứng của việc bị áp bức. “Tôi tin rằng con người nên hóa thành cây cỏ,” ông đã viết.
Nếu như Yi bị ám ảnh với nỗi sang chấn tập thể từ chủ nghĩa thực dân, thì Han tập trung vào niềm khổ đau mang bản chất thân mật và riêng tư hơn. Tuy vậy, sáng tác của bà cũng bén rễ từ lịch sử Hàn Quốc. Theo Charse Yun, đó chính là thứ có nguy cơ bị rơi rụng trong lúc dịch. Một trong số những lý do khiến “nhiều độc giả phương Tây cảm thấy văn học hư cấu đương đại của Hàn Quốc là vô vị,” anh viết, là vì sự thụ động của những người kể chuyện. Vậy nhưng, Smith lại nhấn mạnh tính “xung đột và căng thẳng”, khiến tác phẩm của Han trở nên lôi cuốn hơn với độc giả phương Tây hơn là một kiến giải trung thành với nguyên tác. Giả như, khi Yeong-hye lờ đi câu hỏi từ chồng, anh ta nói rằng nó “như thể cô ấy không nghe tiếng tôi nói,” theo phần dịch sát nghĩa của Yun cho đoạn trích này. Còn trong bản dịch của Smith, chồng cô khẳng định rằng cô ấy “hoàn toàn tỉnh bơ trước sự tra vấn liên hồi của tôi”.
Tuy vậy, điều khiến Yeong-hye trở thành một nhân vật khiến ta thương cảm không nằm ở bất kỳ sự gây hấn bị đẩy lên cao nào hoặc ở đấu tranh công khai. “The Vegetarian” đọc như thể một câu chuyện ngụ ngôn về sự kháng cự thầm lặng và những hệ quả của nó; nó cũng là một cuộc suy xét trầm tư mặc tưởng về văn hóa Hàn Quốc, ở đó các câu hỏi xoay quanh ý chí và hành động, lẫn sự phục tùng và tuân giữ lề lối xã hội, đã đem lại một thanh âm đồng cảm nhất định. Đấy là những câu hỏi cốt lõi trong tác phẩm của Han.
Han Kang sinh năm 1970 ở Kwangju, một thành phố tỉnh lị gần mũi đất của Bán đảo Triều Tiên với dân số tại thời điểm đó là khoảng 600.000 người. Cha bà, Han Seung-won, là một tiểu thuyết gia có tiếng và đã nhận được nhiều giải thưởng văn học. (10 năm qua, Han cũng đã thắng nhiều giải thưởng mà cha bà từng nhận.) Anh em trai của bà cũng là tiểu thuyết gia. Cha bà vừa là giáo viên vừa là nhà văn, và gia đình bà thường xuyên phải chuyển nhà vì công việc của ông. Hồi nhỏ, Han theo học năm trường tiểu học khác nhau, và bà đã tìm kiếm sự ổn định trong việc đọc sách.
Khi Han lên mười, gia đình bà rời Kwangju để chuyển đến Seoul vào năm 1980, không lâu sau khi Chun Doo-hwan, vị tướng mang biệt danh Đồ tể, lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính và ban bố thiết quân lập. Các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên ở Kwangju đã vấp phải bạo lực: binh lính đã nổ súng, thọc lưỡi lê, và đánh đập người biểu tình lẫn người đứng ven đường. Một đội dân quân dân sự gồm sinh viên và công nhân đã lấy vũ khí từ các đồn cảnh sát địa phương và buộc Quân đội phải tạm rút lui vào vùng ngoại ô thành phố. Sự kiện này, vốn đã bị so sánh với vụ thảm sát Thiên An Môn của Trung Quốc, kéo dài trong 9 ngày; ít nhất hai trăm người, có khi 2000 người, đã thiệt mạng (ước tính của chính phủ ít hơn khoảng 10 lần so với các số liệu không chính thức). Tuy gia đình của Han không chịu mất mát cá nhân nào trong cuộc thảm sát, nhưng đối với bà, tên thành phố nơi bà sinh ra đã trở thành hoán dụ cho “thứ bị cô lập, thứ bị ra sức giẫm đạp, thứ đáng ra không được tàn phá nhưng đã bị tàn phá” [bản dịch phát hành năm 2019 của NXB Hà Nội].
“Human Acts” (Bản chất của người), tiểu thuyết gần đây nhất của Han cũng do Smith chuyển ngữ, kể câu chuyện về cuộc thảm sát trên. Tác phẩm mở đầu với một thiếu niên 15 tuổi, Dong-ho, đang chờ cơn mưa rào và sự quay lại của quân đội, những kẻ đã khiến thành phố của cậu chất đầy xác người và khiến cậu bị chia cắt khỏi người bạn thân. Dong-ho đi tìm bạn mình nhưng bị những người biểu tình chiêu mộ để ghi chép thông tin các thi thể đặt bên trong tòa ủy ban tỉnh. (Nhà xác không còn chỗ chứa.) Tại đó, cậu nhìn thấy cái chết ăn dần ăn mòn xác thịt ra sao – vết thương hở là những chỗ thối rữa đầu tiên, và các ngón chân “gồ lên như những củ gừng” rồi ngả sang màu thâm đen rợn người.
Giai điệu quốc ca Hàn Quốc thi thoảng văng vẳng trong tòa nhà; bài hát được cất lên trong lúc nghi lễ an táng đang được thực hiện ở ngoài. Khi Dong-ho hỏi những người đưa tang vì sao họ lại hát quốc ca – “Như thể không phải chính đất nước này đã giết họ vậy” – những người khác phản ứng ngạc nhiên. “Là quân lính nổi dậy làm phản mà, để giành quyền lực ấy,” một người trong số họ trả lời. “Bọn họ đã hạ lệnh nổ súng đấy. Sao có thể gọi những kẻ đó là ‘đất nước này’ được?” Dong-ho nhận ra rằng câu hỏi mà cậu thực sự muốn hỏi thì lớn hơn nhiều, và trừu tượng hơn, hoặc có chăng nó là một tập hợp gồm nhiều câu hỏi, về sự tồn tại dai dẳng của tàn ác và ý nghĩa của tự do. Cơn thấu tỏ của cậu mang hồi vọng của việc In-hye trong cuốn “The Vegetarian” ngộ ra rằng, sự sinh tồn của cô chưa bao giờ là một thắng lợi mà là điều ngược lại, bởi lẽ cô đã phải trả giá cho nó bằng nhân phẩm của mình.
Ở chương bốn, sau khi quân đội tái chiếm Kwangju, Dong-ho – giơ tay đầu hàng – đã bị binh lính bắn chết. Mỗi chương của tiểu thuyết là xoay quanh một nhân vật bị tác động bởi quãng đời ngắn ngủi của cậu: cô nữ sinh trung học sau lớn lên thành nhân viên biên tập sách bị giao nhiệm vụ kiểm duyệt thông tin về vụ thảm sát; chàng sinh viên bị bắt làm tù nhân chính trị sau này tự vẫn; cô công nhân nhà máy sau trở thành nhà đấu tranh cho quyền của người lao động; mẹ của Dong-ho, người vẫn bị ám ảnh, mỗi ngày, vì cái chết của con mình. Cuốn sách thử nghiệm sâu rộng với lời trần thuật ngôi thứ hai, ở đó [chương 1 và chương 5] Han chơi đùa với chữ “bạn” [ví dụ, hai câu mở đầu chương 1 trong bản dịch tiếng Anh là: “Hình như trời sắp mưa. Bạn lầm bầm thành tiếng”; bản dịch của NXB Hà Nội thì là: “Hình như trời sắp mưa. Cậu lầm bầm thành tiếng”], thủ pháp trên khiến người đọc bị khắc sâu vào và trở nên liên can với đống đổ nát hoang tàn.
Chương gây ấn tượng nhất trong sách là “Bạn cậu bé, 1980” [“Hơi thở đen” trong bản dịch tiếng Việt], xoay quanh Jeong-dae, người bạn học của Dong-ho, bị bắn ngã trọng thương khi hai đứa ra đường để dõi theo đám đông. Dong-ho đã nép mình dưới bóng một tòa nhà, thấy chân bạn mình động đậy trong lúc nỗ lực giải cứu người bị thương của những người dân thường dẫn đến việc họ cũng bị sát hại, và cuối cùng, cậu nhìn binh lính kéo xác người ra khỏi đường phố. Câu chuyện của Jeong-dae được kể bằng linh hồn của cậu – nó bị trói vào tấm thân đã chết, dần cạn máu, và nằm dưới tầng tầng lớp lớp xác người chất cao như núi, như thể nó là chiếc bong bóng xì hơi bị mắc vào cành cây. Trong khi Dong-ho chỉ cho chúng ta biết ngôn ngữ của những xác chết, thì Jeong-dae làm sáng tỏ việc một linh hồn phải chật vật ra sao nhằm hiểu được sự chết của cơ thể mình. Các linh hồn khẽ chạm vào nhau nhưng chừng như không thể hòa kết được với nhau thì được mô tả như “những ánh lửa sầu liếm chạm tường kính trơn nhẵn để rồi lặng lẽ trườn đi, bất lực trước rào chắn nào đó hiện diện chốn này”. [Bản dịch tiếng Việt của NXB Hà Nội không có đoạn “những ánh lửa…” như bản dịch tiếng Anh của Deborah Smith, mà đơn giản là: “… rồi rốt cuộc, chẳng thể nào nói chuyện được với nhau, chúng tôi lại rời khỏi nhau”.]
Không như Dong-ho, người cố sức quên đi ký ức của mình, chôn vùi nó trong nỗi hổ thẹn, Jeong-dae tìm nguồn an ủi trong quá khứ của cậu như là cách giúp cậu tránh phải nhìn vào thân xác rữa nát của mình. Trong các tác phẩm của Han, những ai xa lánh lịch sử đời họ sẽ buộc phải sống không bằng chết. Còn các nhân vật mở lòng với nỗi kinh hoàng cá nhân ít ra sẽ có được tia hy vọng tự do. Việc tháo gỡ những sợi chỉ dệt nên câu chuyện của những ký ức như thế đúng là đau đớn, nhưng cùng với đó là sự nhẹ nhõm trong hành động chẩn đoán vết thương lòng.
Trong bài tiểu luận về việc chuyển ngữ cuốn “Human Acts”, được đăng trên tạp chí trực tuyến Asymptote, Deborah Smith mô tả việc đọc tác phẩm của Han và bị “mê hoặc bởi những hình ảnh sắc nét – tự chúng phát sinh từ văn bản mà không nhất thiết là đã được mô tả trực tiếp trong đó”. Cô trích dẫn một vài điểm mà cô “tự ý chêm vào, rất ít mà thôi”, bao gồm trích đoạn ấn tượng về “những ánh lửa sầu liếm chạm tường kính trơn nhẵn”. Charse Yun, trong bài tiểu luận của anh về cuốn “The Vegetarian”, bày tỏ sự ngưỡng mộ của anh dành cho công trình của Smith, nhưng lập luận rằng nó là một “sáng tạo mới”. Smith cả quyết rằng những cụm từ mà cô chêm vào là các hình ảnh “được gợi lên mãnh liệt bởi tiếng Hàn đến nỗi đôi lúc tôi thấy mình tìm kiếm chúng trong nguyên tác một cách bất lực, đinh ninh rằng chúng hiện diện đâu đó trong văn bản, sống động và tường minh như cách chúng hiện lên trong tâm trí tôi vậy”.
Đây không hẳn là ý thường được nghĩ đến khi nhắc đến dịch thuật. Ta có thể so sánh nó với công đoạn hợp tác giữa một nhà văn và một nhà biên tập; Han từng bảo đối với bà và Smith, quá trình này bao hàm sự thảo luận đáng kể từ hai phía, “như một phen chuyện trò mãi không dứt”. Nó khiến ta nhớ đến biên độ tự do trong các sáng tác thi ca “mô phỏng” [các cây bút danh tiếng] của nhà thơ Robert Lowell. (Yun thì viện dẫn tuyển tập “Cathay” của thi sĩ Ezra Pound). Vậy nhưng, điều mà Smith mô tả lại là hiệu ứng mà bất kỳ nhà văn nào cũng hy vọng sẽ lôi kéo được từ phía bạn đọc: một thức cảm nội sinh đến nỗi nó như thể người đọc đã đượm nhuần văn bản vào trải nghiệm cá nhân của chính họ. Nó cũng có vẻ đồng điệu sâu sắc với điều mà Han hướng đến trong việc sáng tác. Năm 2015, Han đã viết về một khóa bồi dưỡng dịch thuật mà bà từng tham dự ở Anh, nơi Smith và những người khác đã nỗ lực chuyển một truyện ngắn của bà từ tiếng Hàn sang tiếng Anh. Trong bài tiểu luận về trải nghiệm này, Han mô tả giấc mộng của bà lúc ở đó. “Ai đó đang nằm trên tấm giường trắng, và tôi lặng lẽ nhìn người này,” bà viết. (Bài tiểu luận này cũng đã được Smith dịch sang tiếng Anh). Tuy gương mặt của kẻ say giấc bị che phủ bởi một tấm mền/giấy trắng, bà có thể nghe thấy người ấy đang nói gì. “Tôi phải tỉnh dậy ngay thôi… không, nó quá là ngang phè”. Rồi thì “Tôi thực là phải tỉnh dậy ngay thôi… không, nghe nó trúc trắc”. Một bản dịch tốt – như tiềm thức của Han có vẻ gợi ý – là một thực thể đang sống, đang thở, phải được hiểu theo cách riêng của nó, được khám phá sau trang giấy trắng lớn lao. Han hồi tưởng, “Trong buổi học sáng hôm đó, mọi người thích thú nghe giấc mơ tôi kể. (Tôi nhận ra rằng hóa ra cơn ác mộng của một ai đó lại có thể trở thành thứ khiến nhiều người hạnh phúc)”.
“Human Acts” kết thúc với chương sách nhan đề “Người viết, 2013” [“Ngọn đèn tuyết phủ” trong bản dịch của NXB Hà Nội], chương này là về Han. (Cuốn sách được xuất bản ở Hàn Quốc năm 2014). Ở đó, ta biết được rằng Dong-ho là một người có thật, cuộc đời cậu có điểm giao thoa với cuộc đời Han một cách khó bề xóa nhòa. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Han nói rằng viết về Jeong-dae và Dong-ho khiến bà đau đớn đến nỗi mỗi ngày bà thường chỉ viết được ba hoặc bốn dòng. Bà giải thích trong sách rằng, để viết về vụ thảm sát Kwangju, bà đã lên kế hoạch sẽ nghiền ngẫm mọi tư liệu lịch sử, nhưng rồi thấy mình không thể tiếp tục, “vì những giấc mơ”. Trong một giấc mơ, bà đối mặt với tin tức về một cuộc hành quyết hàng loạt mà bà không có khả năng ngăn chặn. Ở một giấc mơ khác, bà được tặng cỗ máy thời gian, và nhanh tay thử đưa mình về ngày 18/5/1980. Có chăng, bất kỳ nhà văn nào cũng hy vọng có được tiềm thức trói chặt vào tác phẩm của mình, nhưng những giấc mơ của Han – nơi các nhân vật hiện lên “từ đáy lửa chập chờn”, như bà mô tả trong cuộc phỏng vấn cũng đã được Smith chuyển ngữ – là những sự việc khiến cơ thể ướt đẫm mồ hôi, những tra vấn mà bà tự hướng mũi rìu về phía mình, ở đó bà vừa là nạn nhân vừa là kẻ ác. Nỗi kinh hoàng của Han và Yeong-hye có thể là khác nhau, nhưng chúng cùng được đẽo gọt từ một chốn tăm tối, nơi những ký ức về sự tàn bạo vẫn mãi tồn tại, và trở thành những ảo cảnh sống.
Tháng 10/2017, Han viết một bài xã luận cho tờ The New York Times về việc quan sát, từ Seoul, khi Triều Tiên và Mỹ vướng vào một thảm họa ngoại giao có khả năng dẫn đến hậu quả tàn khốc. “Đôi lúc, người nước ngoài đưa tin rằng người Hàn có một thái độ khó hiểu với Triều Tiên,” bà viết. “Kể cả khi phần còn lại của thế giới dõi theo Triều Tiên trong sợ hãi, người Hàn lại có vẻ điềm tĩnh lạ thường”. Nhưng đó đơn thuần là bề mặt, Han cả quyết: “Nỗi căng thẳng và khiếp sợ tích tụ hàng thập kỷ qua đã ăn sâu vào lòng chúng tôi và bộc lộ trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi”. Đối với Han, việc viết – giống như dịch thuật – là một dạng khai quật: bà phải đào lên những ký ức bị chôn vùi, và trả lại ý chí và hành động cho những nhân vật hư cấu của bà lẫn những phận người đã truyền cảm hứng để bà viết nên chúng.
Trong “The White Book” (Trắng), tác phẩm mới do Smith chuyển ngữ và được xuất bản ở Anh vào tháng 11/2017, Han suy ngẫm về nỗi đau mất bé gái mới lọt lòng của mẹ bà và suy tưởng về hành động thương tiếc. Màu trắng đóng vai trò là biểu tượng cho cái chết, đau buồn, sinh nở, và sáng tạo nghệ thuật; Han để trống vài trang trong cuốn sách. (Ta nhớ đến cơn ác mộng mà bà mô tả trên về dịch thuật, trong đó tấm mền/giấy trắng che phủ những cụm từ mà bà đang cố diễn đạt sao cho đúng.) Bà đã muốn sáng tác của bà sẽ “thay đổi được điều gì đó… như thuốc mỡ màu trắng bôi lên, như miếng gạc màu trắng đắp vào vết thương” [bản dịch 2021 của NXB Hà Nội], bà giải thích. Trên hết, bà cần phải viết về nỗi đau mất đi người chị gái, vì “trốn tránh là không thể”.
Tháng 3/2017, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye – cha bà, nhà lãnh đạo quân sự Park Chung-hee, từng là Tổng thống trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam và bị ám sát vài tháng trước cuộc đảo chính năm 1980 – đã bị phế truất vì lạm dụng ảnh hưởng chính trị. Vụ bê bối khiến cả nước chấn động. Trong bài viết của Han trên tờ The New York Times, bà nhớ lại các cuộc biểu tình mà bà đã tham gia vào mùa đông năm ngoái, trước khi Park rời ghế Tổng thống. Đấy là một trong số các cuộc tuần hành công dân lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Người biểu tình thổi tắt những ngọn nến trên tay nhằm tượng trưng cho bóng tối buông phủ. “Chúng tôi chỉ muốn thay đổi xã hội thông qua ánh nến thinh lặng và ôn hòa,” Han viết. Đó có chăng là một cử chỉ hoàn toàn có thể được vay mượn từ trí tưởng tượng của Han, hoặc từ những giấc mơ của bà. Ngọn lửa tuy phù du và mong manh nhưng đồng thời có thể dùng để tưởng nhớ những người đã khuất, và soi đường cho những ai đang sống.