Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa, và Dân chủ: Trình tự Phát triển Con Người (kỳ 1)

Donald InglehartChristian Welzel

Nguyễn Quang A dịch

NXB Dân Khí – 2022

Nguyên bản: Modernization, Cultural Change, and Democracy: The Human Development Sequence. Cambridge University Press, 2005.

 

undefined

Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa, và Dân chủ: Trình tự Phát triển con người

Cuốn sách này chứng minh rằng các giá trị và miềm tin cơ bản của mọi người đang thay đổi, theo những cách tác động đến hành vi chính trị, tình dục, kinh tế, và tín ngưỡng của họ. Các thay đổi này đại thể có thể tiên đoán được: trong mức độ lớn, chúng có thể được giải thích bởi phiên bản được xét lại của lý thuyết hiện đại hóa được trình bày ở đây. Dựa vào một lượng khổng lồ bằng chứng từ các xã hội chiếm 85 phần trăm dân số thế giới, các tác giả chứng minh rằng hiện đại hóa là một quá trình phát triển con người, trong đó sự phát triển kinh tế gây ra những sự thay đổi văn hóa mà làm cho sự tự trị cá nhân, sự bình đẳng giới, và dân chủ ngày càng có khả năng. Các tác giả trình bày một mô hình về sự thay đổi xã hội tiên đoán các hệ thống giá trị có khả năng tiến hóa như thế nào trong các thập niên tới. Họ chứng minh rằng các giá trị quần chúng số đông (mass values) đóng một vai trò cốt yếu trong sự nổi lên và sự hịnh vượng của các định chế dân chủ.

Ronald Inglehart là giáo sư khoa học chính trị và giám đốc chương trình tại Viện Nghiên cứu Xã hội tại Đại học Michigan. Ông đã giúp lập các khảo sát Eurobarometer và là chủ tịch của World Values Survey Association. Các sách mới nhất của ông là Modernization and Postmodernization: Cultural, Economic and Political Change in 43 Societies (1997), Rising Tide: Gender Equality in Global Perspective (với Pippa Norris, Cambridge University Press, 2003), và Sacred and Secular: Religion and Politics Worldwide (với Pippa Norris, Cambridge University Press, 2004). Tác giả của gần 200 xuất bản phẩm, Inglehart đã là giáo sư hay học giả thỉnh giảng ở Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, và Nigeria, và ông đã phục vụ như một nhà tư vấn cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu.

Christian Welzel là phó giáo sư về khoa học chính trị và điều phối viên chương trình tại Đại học Quốc tế Bremen và là một thành viên Ủy ban Điều hành của World Values Survey Association. Ông đã là một Thành viên (Fellow) nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội Berlin và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Potsdam. Ông là người hai lần nhận được trợ cấp từ Viện Nghiên cứu Xã hội, và đã công bố nhiều bài báo trong European Journal of Political Research, Comparative Politics, Comparative Sociology, International Journal of Comparative Sociology, và Political Văn hóa and Democracy, giữa các tạp chí khác. Ông cũng công bố rộng rãi bằng tiếng Đức.

Modernization, Cultural Change, and Democracy

The Human Development Sequence

RONALD INGLEHART

University of Michigan

CHISTIAN WELZEL

International University Bremen

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU.. viii

LỜI CẢM ƠN.. xii

LỜI NÓI ĐẦU.. xiv

DẪN NHẬP. 1

PHẦN 1. 13

CÁC LỰC ĐỊNH HÌNH SỰ THAY ĐỔI GIÁ TRỊ 13

1. Một Lý thuyết Hiện đại hóa được Xét lại 15

2. Thay đổi Giá trị và sự Bền bỉ của các Truyền thống Văn hóa. 48

3. Khám phá Điều chưa Biết 77

4. Sự Thay đổi Giá trị giữa Thế hệ. 94

5. Các sự Thay đổi Giá trị theo Thời gian. 115

6. Chủ nghĩa Cá nhân, các Giá trị Tự-thể hiện, và các Đức hạnh Công dân. 135

PHẦN II 147

CÁC HỆ QUẢ CỦA SỰ THAY ĐỔI GIÁ TRỊ 147

7. Liên kết Nhân quả giữa các Giá trị Dân chủ và các Định chế Dân chủ. 149

8. Liên kết Nhân quả giữa các Giá trị Dân chủ và các Định chế Dân chủ. 173

9. Các Lực Xã hội, Hành động Tập thể, và các Sự kiện Quốc tế. 210

10. Các Giá trị Mức-Cá nhân và Dân chủ Mức-Hệ thống. 231

11. Các Thành phần của một Văn hóa Công dân ủng hộ Dân chủ. 245

12. Bình đẳng Giới, các Giá trị Giải phóng, và Dân chủ. 272

13. Các Ngụ ý của sự Phát triển con Người 285

Kết luận. 299

Thư mục Tham khảo. 301

INDEX. 322

 

LỜI GIỚI THIỆU

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ 56 của tủ sách SOS2,* cuốn HIỆN ĐẠI HÓA, SỰ THAY ĐỔI VĂN HÓA và DÂN CHỦ – Trình tự Phát triển con Người (MODERNIZATION, CULTURAL CHANGE, and DEMOCRACY – The Human Development Sequence) của Ronald Inglehart và Christian Welzel do Cambridge University Press xuất bản năm 2005.

Giáo sư Ronald Inglehart (1934-2021) là nhà khoa học chính trị Mỹ nổi tiếng thế giới. Ông đã nghiên cứu về sự thay đổi văn hóa từ giữa cuối năm 1960 và ông là nhà sáng lập của World Values Survey Association (Hội Khảo sát các Giá trị Thế giới) tổ chức tiến hành nhiều đợt Khảo sát các Giá trị Thế giới (WVS) từ 1981 đến nay. Giáo sư Christian Welzel là nhà khoa học chính trị Đức, hợp tác chặt chẽ với Ronald Inglehart trong dự án WVS.

Bạn đọc nên đọc lại cuốn thứ 34 của tủ sách này, cuốn Tự do đang lên của Christian Welzel sau khi đọc xong cuốn sách này, vì cuốn thứ 34 cải thiện nhiều khái niệm cơ bản của cuốn sách này và cập nhật dữ liệu khảo sát đến 2013. Đợt 7 gần đây nhất của WVS (2017-2020) vừa hoàn tất (Việt Nam được khảo sát trong 3 đợt từ 2001 đến 2020). Có thể nói lượng dữ liệu khổng lồ của WVS từ gần 100 quốc gia chiếm gần 90% dân số thế giới trong suốt 40 năm qua (1981 đến 2020) đã xác nhận lý thuyết hiện đại hóa mới được trình bày trong cuốn sách này (từ 2005) và trong cuốn Tự do đang lên (2013).

Hai cuốn sách này tạo thành một trọn bộ về lý thuyết hiện đại hóa mới, bổ sung cho và sửa những thiếu sót của lý thuyết hiện đại hóa và văn hóa chính trị cổ điển (từ Karl Marx, Max Weber, Lipset, đến Almond và Verba), cũng như của các tác phẩm tương đối gần đây hơn (như Coleman, Putnam, và Fukuyama).

Lý thuyết hiện đại hóa mới xem sự phát triển lựa chọn con người như chủ đề cơ sở của sự phát triển kinh tế xã hội, các giá trị giải phóng, và sự củng cố của các định chế dân chủ. Nó dựa vào ý tưởng của Amartya Sen (1999) về phát triển là quyền tự do và công trình năm 2000 của Anand và Sen, cho rằng việc mở rộng sự lựa chọn con người là bản chất của sự phát triển xã hội. Cuốn sách này mở rộng khái niệm của Sen về sự phát triển con người để bao gồm văn hóa, cung cấp mối liên kết thiết yếu giữa sự phát triển kinh tế và quyền tự do dân chủ (được thể hiện trong tiêu đề của cuốn sách: hiện đại hóa, sự thay đổi văn hóa, và dân chủ).

Một điểm rất quan trọng của lý thuyết mới này là nó đưa ra các khẳng định mang tính nhân quả theo trình tự: (1) sự phát triển kinh tế xã hội ⇒ (2) sự thay đổi văn hóa nhất là sự nổi lên của các giá trị giải phóng (các giá trị tự-thể hiện trong cuốn sách này) ⇒ (3) các phong trào xã hội ⇒ (4) dân chủ.

Không có nước dân chủ đích thực nào là nước nghèo (thí dụ được đo bằng GDP trên đầu người), nhưng có những nước giàu phi-dân chủ.

Không có hiện đại hóa (1) sẽ không có dân chủ (4). Cho nên muốn có dân chủ phải hiện đại hóa đất nước (nhưng đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ). Các nhà lý luận hiện đại hóa kinh điển từ K. Marx đến M. Weber về cơ bản đã đúng khi cho rằng sự phát triển kinh tế xã hội mang lại những sự thay đổi lớn về văn hóa và chính trị, tuy cách nhìn cổ điển về hiện đại hóa của họ và những người khác đã có nhiều điểm thiếu sót. Lý thuyết hiện đại hóa mới khắc phục các thiếu sót này. Đóng góp quan trọng của Inglehart và Welzel là làm rõ vai trò của văn hóa, của các phong trào xã hội và của các elite, trong đó vai trò của văn hóa là trung tâm.

Hiện đại hóa dẫn tới những sự thay đổi lớn về văn hóa (chủ yếu qua kinh nghiệm sống của các năm hình thành (formative) của thế hệ trẻ và sự thay thế thế hệ của dân cư (thế hệ già chết đi và thế hệ trẻ đến tuổi trưởng thành và đóng vai trò cốt yếu trong xã hội)). Những thay đổi này vì thế là liên tục và chậm. Các tác giả thấy rằng sự biến thiên ngang văn hóa của thế giới diễn ra theo hai chiều chính: chiều các giá trị truyền thống [traditional values] versus (đối lại) các giá trị thế tục-duy lý [secular-rational values] (gắn với quá trình công nghiệp hóa); và chiều các giá trị sinh tồn [survival values] vs các giá trị tự-thể hiện [self-expression values] (gắn với quá trình hậu công nghiệp). Nếu xác định vị trí của một nước bằng số điểm các giá trị truyền thống/thế tục duy lý (y) và số điểm các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện (x) của nó trên hệ tọa độ hai chiều (x-y) chúng ta có được bản đồ văn hóa thế giới Inlehart-Welzel nổi tiếng (Hình 2.4 là một bản đồ như thế vào khoảng năm 2000 và Hình ở mặt sau của trang bìa là bản đồ tương ứng cho năm 2020). Vị trí của một nước trên bản đồ này (tức là các giá trị truyền thống vs. thế tục duy lý cũng như các giá trị sinh tồn vs. tự thể hiện của nó) có thể tiên đoán được dựa vào sự phát triển kinh tế xã hội và tư cách thành viên của vùng văn hóa mà nó thuộc về.

Các giá trị tự-thể hiện (Welzel cải thiện chúng và gọi là các giá trị giải phóng [emancipative values]) đóng vai trò cốt yếu trong dân chủ hóa. Các xã hội mà đa số dân chúng nhấn mạnh các giá trị sinh tồn, không nhấn mạnh đến các giá trị tự-thể hiện thì là thuận lợi cho các chế độ độc đoán: không có sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian dài đi cùng với các chế độ độc tài trong phần lớn lịch sử con người. Chỉ khi có sự phát triển kinh tế xã hội trong thời gian dài thì các giá trị tự-thể hiện mới tăng lên (và sự sa sút của tình hình kinh tế đẩy các giá trị của quần chúng theo hướng sinh tồn, bất lợi cho dân chủ). Pha công nghiệp hóa của hiện đại hóa có thể dẫn đến các chế độ chuyên quyền (phát xít, cộng sản) hay các chế độ dân chủ. Nói cách khác sự tăng lên của các giá trị thế tục-duy lý (gắn với công nghiệp hóa) không nhất thiết dẫn đến dân chủ, nhưng sự tăng lên của các giá trị giải phóng với xác suất cao sẽ dẫn đến dân chủ. Các giá trị giải phóng tạo ra cầu về dân chủ, các quyền dân sự và chính trị được thể chế hóa và thực thi tạo ra cung dân chủ. Độ vênh (cầu-cung) nói cho chúng ta nhiều điều.

Luận đề phù hợp (congruence thesis) của cuốn sách nói rằng độ vênh cung-cầu dân chủ này xác định độ lớn và hướng (tới nhiều dân chủ hơn hay ít dân chủ hơn) của quá trình dân chủ hóa. Cầu càng cao hơn cung thì xác suất tới dân chủ càng cao, ngược lại cầu càng thấp hơn cung thì khả năng dân chủ hóa thụt lùi càng lớn. Luận đề này giúp chúng ta hiểu tình hình ở một số nước, chẳng hạn Hungary, Ba Lan, Phillipine nơi cung dân chủ vượt cầu hay Việt Nam và Trung Quốc nơi cầu vượt cung, dễ hơn.

Nếu cầu dân chủ cao hơn cung nhưng không có phong trào xã hội mạnh gây áp lực lên các elite cầm quyền thì cung dân chủ không tăng để đáp ứng và xã hội căng thẳng. Xu hướng các giá trị giải phóng (dân khí) tăng lên cũng gây áp lực làm cho tính liêm chính elite tăng lên, và các elite nắm quyền có khả năng đáp ứng đòi hỏi của nhân dân tăng lên.

Lý thuyết hiện đại hóa mới đưa ra các tiên đoán xác suất có thể kiểm chứng được bằng dữ liệu. Chúng là các tiên đoán mang tính xác suất, không phải là tiên đoán tất định (tuy các tác giả đôi khi vẫn đưa ra các tiên đoán rất cụ thể ở một vài nơi liên quan đến dân chủ hóa ở một vài nước mà có lẽ chưa thật thấm tính xác suất và có lẽ chưa đúng, dù xu thế dài hạn là hoàn toàn đúng).

Các tiên đoán mang tính xác suất là quan trọng cho việc hoạch định chiến lược, cũng như chính sách dài hạn (không chỉ cho những người nắm quyền mà cả cho các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền).

Một chiến lược cho dân chủ hóa ở Việt Nam đã được đưa ra gần mười năm nay dựa vào kinh nghiệm dân chủ hóa trên thế giới, vào các ý tưởng hơn một thế kỷ trước của Phan Châu Trinh, tức là các chủ trương: (1) nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh nhằm tạo ra các nguồn lực vật chất, trí tuệ và kết nối ⇒ (2) chấn hưng dân khí ở tầng văn hóa ⇒ (3) xây dựng các phong trào xã hội với các ý tưởng về “quyền ta ta cứ làm,” “đảng vận,” “an ninh vận,” “binh vận,” v.v. để “nâng cao quan trí” và gây áp lực 24/7 lên chính quyền ⇒ (4) buộc chính quyền phải tôn trọng các quyền của người dân được nêu rõ trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ 1982, cũng như các quyền hiến định trong hiến pháp hiện hành do bản thân chính quyền soạn ra ⇒ đó chính là quá trình xây dựng dân chủ. Có thể thấy các chủ trương này được lý thuyết hiện đại hóa mới củng cố về mặt lý luận, kể cả chủ trương xây dựng các yếu tố của dân chủ, nhất là văn hóa dân chủ ngay trong lòng chế độ độc tài.

Dân chủ là gì vẫn là câu hỏi gây tranh luận. Có rất nhiều định nghĩa về dân chủ, mỗi định nghĩa có thể soi sáng một số khía cạnh. Theo lý thuyết hiện đại hóa mới, có thể định nghĩa dân chủ là quá trình thể chế hóa thực thi các quyền dân sự và chính trị trên thực tế; đó chính là quá trình phát triển con người. Một mặt, cách hiểu dân chủ như vậy là thực chất nhất, mặt khác nó có thể dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ chấp nhận hơn (kể cả cho những người cộng sản, vì họ nói “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân… [Điều 2, Hiến pháp]”), có thể khiến các cuộc vận động như “đảng vận”… dễ được tiếp thu hơn một chút (dù họ có thể vẫn coi là “diễn biến hòa bình”).

Chúng ta thấy từ cuốn sách và những nghiên cứu tiếp sau (đễ thấy nhất là từ bản đồ văn hóa thế giới 2020) rằng tại Việt Nam cầu dân chủ cao hơn cung khá nhiều. Vì sự phát triển của đất nước các elite cầm quyền nên thấu hiểu điều này và thực thi nghĩa vụ pháp lý của mình (với công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và chính hiến pháp Việt Nam) để thể chế hóa và thực thi các quyền đó của công nhân nhằm thu hẹp độ vênh cung cầu làm cho xã hội ổn định và phát triển.

Lý thuyết hiện đại hóa mới cung cấp cơ sở lý luận vững chắc cho sự phát triển đất nước, chính vì thế việc hiểu lý thuyết này góp phần quan trọng cho sự phát triển, cũng như cho dân chủ hóa đất nước. Việc đọc, hiểu, và truyền bá nội dung của cuốn sách này và cuốn Tự do đang lên là rất quan trọng (kể cả việc soạn một phiên bản phổ thông về lý thuyết này). Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của đất nước.

1-2-2022, đầu xuân Nhâm Dần

Nguyễn Quang A

LỜI CẢM ƠN

Chúng tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn đến nhiều bạn và đồng nghiệp. Cuốn sách này phân tích một cơ sở dữ liệu đơn nhất được tạo ra qua World Values Surveys (WVS-Khảo sát Giá trị Thế giới) và European Values Surveys (EVS- Khảo sát Giá trị Âu châu). Chúng tôi mang ơn nhiều với những người tham gia WVS và EVS vì việc tạo ra và chia sẻ bộ dữ liệu phong phú và phức tạp này: Anthony M. Abela, Q. K. Ahmad, Rasa Alishauskene, Helmut Anheier, Jose Arocena, Wil A. Arts, Soo Young Auh, Taghi Azadarmaki, Ljiljana Bacevic, Olga Balakireva, Josip Baloban, Miguel Basanez, Elena Bashkirova, Abdallah Bedaida, Jorge Benitez, Jaak Billiet, Alan Black, Ammar Boukhedir, Rahma Bourquia, Fares al Braizat, Pavel Campeanu, Augustin Canzani, Marita Carballo, Henrique Carlos de O. de Castro, Pi-Chao Chen, Pradeep Chhibber, Mark F. Chingono, Hei-yuan Chiu, Margit Cleveland, Andrew P. Davidson, Jaime Diez Medrano, Juan Diez Nicolas, Herman De Dijn, Karel Dobbelaere, Peter J. D. Drenth, Javier Elzo, Yilmaz Esmer, P. Estgen, T. Fahey, Nadjematul Faizah, Georgy Fotev, James Georgas, C. Geppaart, Renzo Gubert, Linda Luz Guerrero, Peter Gundelach, Jacques Hagenaars, Loek Halman, Mustafa Hamarneh, Sang-Jin Han, Stephen Harding, Mari Harris, Bernadette C. Hayes, Camilo Herrera, Virginia Hodgkinson, Nadra Muhammed Hosen, Kenji Iijima, Ljubov Ishimova, Wolfgang Jagodzinski, Aleksandra Jasinska-Kania, Fridrik Jonsson, Stanislovas Juknevicius, Jan Kerkhofs S.J., Johann Kinghorn, Hans-Dieter Klingemann, Hennie Kotze, Zuzana Kusá, Marta Lagos, Bernard Lategan, Abdel-Hamid Abdel-Latif, M. Legrand, Carlos Lemoine, Noah Lewin-Epstein, Ola Listhaug, Jin-yun Liu, Brina Malnar, Mahar Mangahas, Mario Marinov, Carlos Matheus, Robert Mattes, Rafael Mendizabal, Felipe Miranda, Mansoor Moaddel, José Molina, Alejandro Moreno, Gaspar K. Munishi, Neil Nevitte, Elone Nwabuzor, F. A. Orizo, Dragomir Pantic, Juhani Pehkonen, Paul Perry, Thorleif Pettersson, Phạm Minh Hạc, Phạm Thanh Nghị, Gevork Pogosian, Bi Puranen, Ladislav Rabusic, Angel Rivera-Ortiz, Catalina Romero, David Rotman, Rajab Sattarov, Sandeep Shastri, Shen Mingming, Renata Siemienska, John Sudarsky, Tan Ern Ser, Farooq Tanwir, Jean-Franc¸ ois Tchernia, Kareem Tejumola, Larissa Titarenko, Miklos Tomka, Alfredo Torres, Niko Tos, Jorge Vala, Andrei Vardomatskii, Malina Voicu, Alan Webster, Friedrich Welsch, Seiko Yamazaki, Ephraim Yuchtman-Yaar, Josefina Zaiter, Brigita Zepa, và Paul Zulehner.

Hầu hết các khảo sát này được hỗ trợ bởi các nguồn lực bên trong nước cho trước, nhưng sự giúp đỡ cho các khảo sát nơi sự tài trợ như vậy không sẵn có, và sự điều phối trung tâm, được cung cấp bởi Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation-NSF), Quỹ Kỷ niệm 300 năm Ngân hàng Thụy Điển (Bank of Sweden Tercentenary Foundation), Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển, Quỹ Volkswagen, và Quỹ BBVA. Nhiều thông tin hơn về World Values Survey, xem Website, http://www.worldvaluessurvey.org, và Ronald Inglehart et al. (eds.), Human Values and Beliefs: A Cross-Cultural Sourcebook Based on the 1999–2001 Values Surveys (Mexico City: Siglo XXI, 2004). Các khảo sát Âu châu được sử dụng ở đây được thu thập bởi nhóm European Values Survey. Về các phát hiện chi tiết của EVS, xem Loek Halman, The European Values Study: A Sourcebook Based on the 1999/2000 European Values Study Surveys (Tilburg: EVS, Tilburg University Press, 2001). Về nhiều thông tin hơn, xem Website của EVS, http://evs.kub.nl.

Ngoài ra, chúng tôi mang ơn nhiều đồng nghiệp đã cho các bình luận có giá trị, gồm Johan Akerblom, Dirk Berg-Schlosser, Klaus Boehnke, Russell J. Dalton, Franziska Deutsch, Barry Hughes, Gerald Inglehart, William Inglehart, Max Kaase, Markus Klein, Hanspeter Kriesi, Seymour Martin Lipset, Kenneth Newton, Pippa Norris, Guillermo O’Donnell, Daphna Oyserman, Bi Puranen, Dieter Rucht, Manfred G. Schmidt, Carsten Schneider, Dietlind Stolle, Charles L. Taylor, Eric Uslaner, Stefan Walgrave, và Ulrich Widmaier. Chúng tôi đặc biệt cám ơn ban “Institutions and Social Change” trước kia tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội, Berlin (WZB). Dưới sự chỉ huy của Hans-Dieter Klingemann, ban này đã tạo ra một số nghiên cứu xuất sắc về các nền tảng xã hội của dân chủ. Trong khung cảnh này, chúng tôi đã được lợi từ các bình luận có giá trị và phê bình của Dieter Fuchs, Hans-Dieter Klingemann, Edeltraud Roller, Kai-Uwe Schnapp, và Bernhard Wessels.

Sự ủng hộ của Cambridge University Press đã là vô giá, đặc biệt lời khuyên và sự nhiệt tình của biên tập viên của chúng tôi, Lewis Bateman, cũng như các bình luận của các nhà bình duyệt nặc danh. Phần lớn của phân tích này được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội, Berlin; chúng tôi mang ơn sự hỗ trợ của trung tâm. Cuối cùng, đã không thể có cuốn sách này mà không có sự cổ vũ và kích thích của nhiều đồng nghiệp và sinh viên tại Đại học Quốc tế Bremen (IUB) và Bộ môn Khoa học Chính trị và Viện Nghiên cứu Xã hội tại Đại học Michigan.

Ronald Inglehart và Christian Welzel

Ann Arbor, Michigan, và Bremen, Germany

 

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này có một đóng góp lớn cho sự hiểu biết của chúng ta về sự thay đổi xã hội và chính trị. Nó kiểm định (test) tác động của văn hóa lên đời sống chính trị và xã hội, phân tích cơ sở thực nghiệm rộng nhất từng được thu thập cho mục đích này. Nó diễn giải bằng chứng trong một khung khổ lý thuyết mới táo bạo – một phiên bản được xét lại của lý thuyết hiện đại hóa. Phân tích một lượng dữ liệu to lớn từ quan điểm của lý thuyết phát triển con người, các tác giả đã tạo ra cái gì đó mà được công bố là đã chết: lý thuyết lớn.

Họ chứng minh rằng những thay đổi cơ bản đang xảy ra trong các hệ thống niềm tin của các công chúng khắp thế giới. Họ cho thấy các sự thay đổi này được định hình ra sao bởi một sự tương tác giữa các lực của sự phát triển kinh tế xã hội và các truyền thống văn hóa dai dẳng. Và sử dụng dữ liệu của các khảo sát quốc gia đại diện trong tám mươi xã hội, các tác giả chứng minh rằng sự thay đổi các giá trị quần chúng đang tạo ra các áp lực tăng lên cho việc thiết lập và củng cố dân chủ.

Các phiên bản sớm hơn của lý thuyết hiện đại hóa đã không thấy trước sự liên kết mạnh to lớn mà các tác giả tìm thấy giữa các giá trị tự-thể hiện (self-expression values) tăng lên và sự nổi lên và sự hưng thịnh của các định chế dân chủ. Dựa vào công trình trước của Welzel, các tác giả lý lẽ một cách thuyết phục rằng sự hiện đại hóa kinh tế xã hội, các khát vọng tự do tăng lên, và sự tìm kiếm các định chế dân chủ tất cả đều phản ánh quá trình cơ bản chung của sự phát triển con người, mà chủ đề của nó là việc mở rộng sự lựa chọn con người.

Cuốn sách này thành công trong việc tích hợp lượng mênh mông của bằng chứng kinh nghiệm thành một khung khổ lý thuyết, làm giàu sự hiểu biết của chúng ta về dân chủ nổi lên và sống sót như thế nào. Các phát hiện của nó có tầm quan trọng thực chất to lớn. Các tác giả cho rằng sự phát triển kinh tế xã hội và sự lên của xã hội tri thức có các hệ quả đại thể có thể tiên đoán được. Sau đó họ phát triển một mô hình cho phép họ đưa ra một số tiên đoán rõ ràng về những gì sẽ được quan sát trong tương lai, trong lĩnh vực thay đổi văn hóa và dân chủ hóa.

Đây là một việc làm táo bạo. Các tiên đoán thành công là hiếm trong các khoa học xã hội. Nhưng các tiên đoán này dựa vào một nền tảng đã dẫn đến một số tiên đoán tỏ ra là chính xác. Trong năm 1971 Inglehart đã tiên đoán rằng sự thay đổi giữa thế hệ sẽ dẫn đến sự lan ra của các giá trị hậu duy vật (postmaterialist). Lúc đó, các nhà duy vật đông hơn các nhà hậu duy vật rất nhiều – với khoảng bốn trên một – trong sáu xã hội Tây phương mà từ đó ông có dữ liệu. Ngày nay, các nhà hậu duy vật đã trở nên đông như các nhà duy vật trong cả sáu xã hội này. Tôi thích thú để làm việc với Inglehart như phần của nhóm Nghiên cứu Hành động Chính trị mà, sau phi phân tích các hình mẫu hành vi chính trị và sự thay đổi xã hội trong các năm 1970, đã tiên đoán sự lan tỏa của cái khi đó được gọi là “hành vi chính trị không quy ước,” kể cả các hoạt động như các kiến nghị, các cuộc tẩy chay, và các cuộc biểu tình (Barnes and Kaase et al., 1979). Ba thập niên sau, sự tham gia vào các hình thức hành vi này đã tăng khoảng hai lần trong tám nước được bao gồm trong Nghiên cứu Hành động Chính trị. Tại thời điểm này, là không thể nói các tiên đoán được trình bày trong cuốn sách này sẽ chính xác ra sao – nhưng tôi sẽ không sẵn sàng giảm bớt chúng.

Cuốn sách là một cột mốc trong nghiên cứu về văn hóa chính trị và dân chủ hóa. Nó sẽ phân cực ý kiến, gây ra cả sự ca ngợi mạnh mẽ và sự phê bình dữ dội, vì công trình mày đưa ra bằng chứng mạnh mẽ phủ nhận các trường phái tư duy lớn trong khoa học xã hội, Nó sẽ được tranh luận và trích dẫn bây giờ và trong những năm tới.

Hans-Dieter Klingemann

Tháng Tám 2004

Fondation National des Sciences Politiques

Institut d’Etudes Politiques de Paris

 

* Những cuốn trước:

1. Kornai János, Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

2. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất Bản Văn hóa Thông tin 2002.

……….

33. Christian Welzel, Tự do đang lên, NXB Dân Khí, 2016

……….

48. Tom Hartman, Lịch sử bị Che giấu của Chính thể Đầu sỏ Mỹ: Đòi lại nền Dân chủ của Chúng ta từ Giai cấp Thống trị. NXB Dân Khí, 2021

49. Adam Jetlesson, Công tắc Ngắt: sự Lên của Thượng Viện Hiện đại và sự làm Què nền Dân chủ Mỹ, NXB Dân Khí, 2021

50. Kornai János, Suy ngẫm, 2021

51. Slavoj Žižek, Đại Dịch! – Covid-19 làm lung lay thế giới, NXB Dân Khí, 2021

52. Slavoj Žižek, Đại Dịch! 2 – Biên niên sử của một thời đã mất, NXB Dân Khí, 2021

53. Amartya Sen, Quê Nhà trong Thế giới, NXB Dân Khí, 2021

54. Desmond Shum, Roulete Đỏ, NXB Dân Khí, 2021

55. Katherine M. Gehl và Michael E. Porter, Ngành Chính trị, NXB Dân Khí, 2021

Comments are closed.