Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa, và Dân chủ: Trình tự Phát triển Con Người (kỳ 9)

Donald InglehartChristian Welzel

Nguyễn Quang A dịch

NXB Dân Khí – 2022

Nguyên bản: Modernization, Cultural Change, and Democracy: The Human Development Sequence. Cambridge University Press, 2005.

undefined

6. Chủ nghĩa Cá nhân, các Giá trị Tự-thể hiện, và các Đức hạnh Công dân

Cội rễ Tâm lý học của sự Phát triển con Người

Trong các năm gần đây, văn hóa đã bước vào dòng chính của tâm lý học, với các khái niệm về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể đóng các vai trò nổi bật. Triandis (1995) cho rằng có nhiều nghiên cứu ngang-văn hóa về chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể hơn về bất kể chiều tâm lý khác nào, và Oyserman, Coon, and Kemmelmeier (2002) trích hàng trăm nghiên cứu xử lý nó. Greenfield (2000) xem chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể như “cấu trúc sâu” của các sự khác biệt văn hóa, từ đó mọi sự khác biệt khác tiến hóa. Phân tích xã hội Tây phương từ lâu đã nhấn mạnh sự tương phản giữa một tiêu điểm cá nhân và một tiêu điểm tập thể.

Durkheim (1988 [1893]) đã tương phản các mối ràng buộc thân mật, cố định, và toàn cục (holistic) giữa những người khác nhau tương tự (similar others) trong “các xã hội phân đoạn” (mà ông dán nhãn “sự đoàn kết cơ học”) và các mối ràng buộc lỏng hơn, linh hoạt, và đặc thù giữa những người khác nhau không giống nhau (dissimilar others) trong các xã hội “được phân biệt về chức năng” (mà ông dán nhãn “sự đoàn kết hữu cơ”). Durkheim đã coi sự chuyển đổi từ đoàn kết cơ học sang đoàn kết hữu cơ là một khía cạnh chung của hiện đại hóa, cho rằng nó thay thế các hình mẫu tập thể của sự tự-nhận diện bằng các hình mẫu cá nhân chủ nghĩa hơn. Weber (1958 [1904]) cho rằng sự khác biệt mấu chốt các xã hội Tin lành và Công giáo là tiêu điểm cá nhân của xã hội trước versus tiêu điểm tập thể của xã hội sau. Tönnies (1955 [1887]) đã nhấn mạnh sự phân biệt giữa Gemeinschaft và Gesellschaft, hay cộng đồng và hiệp hội. Cộng đồng phản ánh “các mối ràng buộc gắn kết” thân mật và toàn cục mà dẫn tới sự cố kết nội nhóm (ingroup) rất mạnh nhưng cũng tới các nhóm đóng, hướng nội. Các hiệp hội gồm “các mối ràng buộc bắc cầu” lỏng hơn và đặc thù-hơn mà kết nối các cá nhân ngang các ranh giới của các giới xã hội dựa vào các cam kết chung với các lợi ích chung. “Cộng động” nuôi dưỡng các bản sắc tập thể chủ nghĩa, trong khi “hiệp hội” nuôi dưỡng các bản sắc cá nhân chủ nghĩa.

Sự phân biệt rộng giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể tiếp tục là một chủ đề trung tâm trong nghiên cứu tâm lý học về các sự khác biệt ngang-văn hóa. Hofstede (1980) định nghĩa chủ nghĩa cá nhân như một sự chú tâm vào các quyền trên các nghĩa vụ, một sự quan tâm cho bản thân mình và gia đình trực tiếp của mình, một sự nhấn mạnh đến sự tự trị cá nhân và sự tự mãn, và đặt cơ sở bản sắc (căn cước-identity) vào các thành tựu cá nhân của mình; ông đã phát triển một dụng cụ khảo sát đo chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể giữa các nhân viên IBM trong hơn bốn mươi xã hội. Gần đây hơn, chủ nghĩa cá nhân đã được Triandis (1989, 2001, 2003) đo ngang-quốc gia. Schwartz (1992, 1994, 2003) đã đo khái niệm liên quan về sự tự trị-sự gắn kết (autonomy-embeddedness) giữa các sinh viên và các giáo viên ở nhiều nước. Và, như chương này chứng minh, chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể, như được Hofstede và Triandis đo, và sự tự trị-sự gắn kết, như được Schwartz đo, đề cập đến cùng chiều biến thiên ngang-văn hóa như các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện: một sự nhấn mạnh đến sự lựa chọn tự trị con người.

Chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể, tính gắn kết-tự trị và các giá trị sinh tồn/tự thể hiện tất cả đều liên kết với quá trình phát triển con người, phản ánh các ràng buộc giảm bớt lên sự lựa chọn con người. Sự thực rằng chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và các giá trị tự-thể hiện đề cập đến một cực chung của sự biến thiên ngang-văn hóa là không hoàn toàn ngạc nhiên. Các giá trị tự-thể hiện được định nghĩa theo cách rất giống với sự nhấn mạnh của Hofstede đến sự tự trị cá nhân và sự tự mãn như các yếu tố lõi của chủ nghĩa cá nhân; và sự nhấn mạnh của Schwartz đến sự tự trị trí tuệ và sự tự trị xúc cảm (affective autonomy) thâu tóm các yếu tố lõi của các giá trị tự-thể hiện. Tất cả các biến này đều phản ánh một chủ đề chung: một sự nhấn mạnh đến sự lựa chọn tự trị con người.

Yếu tố lõi của chủ nghĩa tập thể là giả thiết rằng các nhóm trói buộc và bắt buộc các cá nhân với nhau (Oyserman, 2001; Ku¨ hnen and Oyserman, 2002). Trong các xã hội tập thể chủ nghĩa, các đơn vị xã hội có một số phận chung và các mục tiêu chung; cá nhân đơn giản là một thành phần của cuộc tụ họp, làm cho ingroup (nhóm nội) là cốt yếu. Chủ nghĩa tập thể ngụ ý rằng tư cách thành viên nhóm là một khía cạnh trung tâm của bản sắc, và sự hy sinh các mục tiêu cá nhân cho lợi ích chung được đánh giá cao. Hơn nữa, chủ nghĩa tập thể ngụ ý rằng sự thỏa mãn đến từ việc thực hiện các nghĩa vụ được xác định bên ngoài, mà có nghĩa rằng mọi người được thúc đẩy từ bên ngoài, chú tâm vào việc thỏa mãn các kỳ vọng của những người khác. Vì thế, sự tự kiềm chế xúc cảm được đánh giá cao để bảo đảm sự hài hòa (mặc dù sự tự kiềm chế như vậy có khuynh hướng hạ thấp sự an lạc chủ quan, như chúng tôi sẽ chứng minh). Trong các xã hội tập thể chủ nghĩa, bối cảnh xã hội là nổi bật trong nhận thức của mọi người và lập luận nhân quả, và ý nghĩa bị ngữ cảnh hóa. Cuối cùng, chủ nghĩa tập thể ngụ ý rằng các tư cách thành viên nhóm quan trọng được xem như “thực tế không thể tránh” cố định mà mọi người phải thích ứng – mà không có sự lựa chọn nào. Các ranh giới giữa các ingroup và các outgroup (nhóm ngoại) là ổn định, tương đối không thẩm thấu được, và quan trọng; và các sự trao đổi dựa vào các nghĩa vụ chung và các mối ràng buộc gia trưởng.

Ngày nay, các đo lường kinh nghiệm của chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và các giá trị tự-thể hiện là sẵn có từ nhiều xã hội, và hóa ra tất cả chúng đều đề cập đến một chiều chung của sự biến thiên ngang-văn hóa, phản ánh một sự nhấn mạnh đến sự lựa chọn tự trị con người. Số điểm trung bình quốc gia trên ba biến này cho thấy các tương quan trải từ 0,62 đến 0,70, với một trung bình 0,66. Phân tích nhân tố của số điểm trung bình quốc gia tiết lộ rằng chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và các giá trị tự-thể hiện đo một chiều cơ bản duy nhất, mà giải thích cho đầy đủ 78 phần trăm phương sai ngang-quốc gia (xem Bảng 6.1). Số đo chủ nghĩa cá nhân của Triandis cũng tương quan mạnh với chiều này (r = 0,88), nhưng ít có ý nghĩa để thêm nó vào phân tích nhân tố này bởi vì số điểm của ông dựa vào dữ liệu của Hofstede, được bổ sung với số điểm được ước lượng cho một số nước thêm.[1]

BẢNG 6.1. Các Thang các Giá trị Tự-thể hiện và Chủ nghĩa Cá nhân và sự Tự trị Đề cập đến một chiều chung

image

 

Các mức cao của chủ nghĩa cá nhân đi với các mức cao của sự tự trị và các mức cao của các giá trị tự-thể hiện. Các số đo của Hofstede, Schwartz, Triandis, và Inglehart đều đề cập đến sự biến thiên ngang-văn hóa theo cùng khía cạnh cơ bản của tâm lý học con người – sự cố gắng tới sự lựa chọn con người rộng hơn. Chúng cũng đo cái gì đó vượt xa việc liệu các nền văn hóa cho trước có một quan điểm cá nhân hay tập thể. Các xã hội xếp hạng cao về sự tự-thể hiện có khuynh hướng nhấn mạnh sự tự trị cá nhân và chất lượng cuộc sống, hơn là sự an toàn kinh tế và thân thể. Các công chúng của chúng có các mức tin tương đối thấp vào công nghệ và các phát kiến khoa học như các giải pháp cho các vấn đề con người và tương đối chắc có khả năng hành động để bảo vệ môi trường. Các xã hội này cũng xếp hạng tương đối cao về bình đẳng giới và sự khoan dung với những người đồng tính, những người nước ngoài, và các outgroup khác; cho thấy các mức tương đối cao của sự an lạc chủ quan và sự tin cậy giữa cá nhân; và nhấn mạnh sự tưởng tượng và sự khoan dung, như các thứ quan trọng để dạy một đứa trẻ.

Nhưng chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và sự tự-thể hiện không phải là các đặc trưng tĩnh của các xã hội. Chúng thay đổi với sự diễn tiến của sự phát triển kinh tế xã hội. Như chúng ta đã thấy, sự phát triển kinh tế xã hội mang lại các mức tăng lên của sự an toàn sinh tồn (nhất là trong pha hậu công nghiệp của nó), mà dẫn đến sự nhấn mạnh tăng lên đến chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và sự tự-thể hiện. Birch and Cobb (1981) xem quá trình này như phản ánh một xu hướng tiến hóa tới “sự giải phóng đời sống.” Chúng tôi mô tả nó như một quá trình phát triển con người trong đó khả năng “con người” điển hình nhất – khả năng để đưa ra các sự lựa chọn tự trị – trở thành một đặc điểm trung tâm hơn bao giờ hết của các xã hội hiện đại, cho chúng một định hướng ngày càng nhân văn. Như chúng ta sẽ thấy, hội chứng này của chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và sự tự-thể hiện là thuận lợi cho sự nổi lên và sự sống sót của các định chế dân chủ.

Chiều chung này làm cơ sở cho chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, và sự tự-thể hiện là vững chãi một cách đáng chú ý. Nó nổi lên khi người ta sử dụng các cách tiếp cận đo khác nhau, các kiểu mẫu khác nhau, và các thời kỳ khác nhau. Hofstede đã tìm thấy nó trong cuối các năm 1960 và đầu các năm 1970, phân tích các giá trị của một mẫu ngang-quốc gia của các nhân viên IBM. Schwartz đã đo nó trong các khảo sát về sinh viên và giáo viên được tiến hành từ 1988 đến 2002; và Inglehart đầu tiên thấy nó trong một phân tích của các mẫu đại diện quốc gia của các công chúng của 43 xã hội được khảo sát trong 1989–91; cùng chiều đã nổi lên trong các mẫu đại diện quốc gia của 60 xã hội, được phỏng vấn trong 1995–97; và trong các khảo sát công chúng của hơn 70 xã hội được tiến hành trong 1999–2001. Chiều này có vẻ là một đặc điểm kéo dài của sự biến thiên ngang-văn hóa, kéo dài đến mức người ta có thể hầu như kết luận rằng là khó để tránh tìm thấy nó nếu người ta đo các giá trị cơ bản của một mẫu rộng của các nền văn hóa.

Chủ nghĩa Cá nhân, sự Tự trị, và sự Tự-thể hiện như Hiện tượng Tiến hóa

Hầu hết lý thuyết tâm lý học-văn hóa đã xử trí sự phân cực chủ nghĩa cá nhân-chủ nghĩa tập thể như một thuộc tính tĩnh của các nền văn hóa cho trước, bỏ qua khả năng rằng các định hướng cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa phản ánh các điều kiện kinh tế xã hội của một xã hội tại một thời gian cho trước. Lý thuyết của chúng tôi cho rằng mức mà các giá trị tự-thể hiện (hay chủ nghĩa cá nhân) chiếm ưu thế hơn các giá trị sinh tồn (hay chủ nghĩa tập thể) phản ánh mức phát triển kinh tế xã hội của một xã hội: khi các ràng buộc bên ngoài lên sự lựa chọn con người giảm xuống, mọi người (và các xã hội) đặt sự nhấn mạnh tăng lên đến các giá trị tự-thể hiện hay chủ nghĩa cá nhân. Hình mẫu này không phải đặc thù-văn hóa. Nó là phổ quát.

Ràng buộc bên ngoài căn bản nhất lên sự lựa chọn con người là mức độ mà sự sinh tồn thân thể là chắc chắn hay không chắc chắn. Suốt phần lớn lịch sử, sự sống sót đã là bấp bênh cho hầu hết mọi người. Hầu hết trẻ con đã không sống sót cho đến tuổi trưởng thành, và suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan đã là nguyên nhân hàng đầu của cái chết. Mặc dù tình trạng này là xa với kinh nghiệm của các công chúng Tây phương ngày nay, sự bấp bênh sinh tồn vẫn là thực tế chi phối trong phần lớn thế giới. Dưới các điều kiện như vậy, các giá trị sinh tồn có ưu tiên cao nhất. Sự sống sót là một mục tiêu căn bản đến mức nếu nó có vẻ không chắc chắn, toàn bộ chiến lược sống của người ta được định hình bởi sự thực này. Các mức phát triển kinh tế xã hội thấp không chỉ áp đặt các ràng buộc vật chất lên các sự lựa chọn của mọi người; chúng cũng liên kết với các mức thấp của giáo dục và thông tin. Sự nghèo trí tuệ này áp đặt các ràng buộc nhận thức lên các lựa chọn của mọi người. Cuối cùng, trong sự vắng mặt của nhà nước phúc lợi, các nghĩa vụ nhóm mạnh là hình thức duy nhất của bảo hiểm xã hội, áp đặt các ràng buộc xã hội lên các lựa chọn của mọi người.

Trong lịch sử gần đây một số tăng lên của các xã hội đã đạt các mức phát triển kinh tế chưa từng thấy. Việc làm giảm các ràng buộc vật chất, nhận thức, và xã hội lên sự lựa chọn con người là thuận lợi cho một sự dịch chuyển từ sự nhấn mạnh đến các giá trị sinh tồn sang sự nhấn mạnh đến các giá trị tự-thể hiện – và từ một tiêu điểm tập thể sang một tiêu điểm cá nhân, với các động cơ thúc đẩy ngoài (extrinsic) nhường đường cho các động cơ thúc đẩy nội tại (intrinsic).

Sự phát hiện rằng sự biến thiên văn hóa ngang-quốc gia phản ánh các sự biến thiên trong tâm lý học cá nhân là cơ bản. Nó cho biết rằng sự thay đổi văn hóa xã hội đi theo các quá trình bén rễ sâu trong tâm lý học con người, một phát hiện mà nhiều nhà lý luận văn hóa đã bỏ qua. Cảm giác chủ quan về sự tự trị con người trở nên mạnh hơn khi các ràng buộc sinh tồn khách quan lên sự lựa chọn con người giảm đi. Việc này có các hệ quả thêm, như chúng tôi sẽ chứng minh. Sự nhấn mạnh quần chúng lên sự lựa chọn con người có khuynh hướng ủng hộ hệ thống chính trị tạo ra chỗ rộng nhất cho sự lựa chọn: dân chủ. Như thế, dân chủ không đơn giản là vấn đề của tính duy lý thể chế. Nó là một sự biểu thị thể chế tiến hóa của một quá trình phát triển con người rộng hơn mà rốt cục được neo vào bản chất con người.

Lực Tâm lý học hướng tới sự Tự-thể hiện con Người: sự An lạc Chủ quan

Khi các ràng buộc khách quan lên sự lựa chọn con người dịu đi, mong muốn cho sự tự-thể hiện có ưu tiên cao hơn trong một xã hội. Các khát vọng cho sự lựa chọn và sự tự-thể hiện là các khát vọng con người phổ quát: việc đạt được chúng mang lại các cảm giác toại-nguyện, như Abraham Maslow đã chỉ ra từ lâu (Maslow, 1988 [1954]). Lời xác nhận của Maslow rằng sự tự-thể hiện liên kết với các cảm giác mạnh hơn về sự toại-nguyện đã được chứng minh về mặt kinh nghiệm bởi nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng những người tự-điều khiển được thúc đẩy bởi các động cơ nội tại có khuynh hướng hạnh phúc hơn những người được thúc đẩy bởi các động cơ bên ngoài, bất chấp sự nhấn mạnh của xã hội của họ lên chủ nghĩa tập thể hay lên chủ nghĩa cá nhân (Schmuck, Kasser, and Ryan, 2000). Tương tự, Chirkov et al. (2003) chứng minh rằng sự tự trị cá nhân liên hệ với các cảm giác về sự an lạc giữa những người trong các nền văn hóa cả cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa.

Con người có một nhu cầu nội tại để bày tỏ mình. Nếu nhu cầu này bị kìm nén bởi sự bất an sinh tồn hay các chuẩn mực xã hội hạn chế, mọi người cảm thấy ít toại nguyện hơn và cho biết các mức thấp hơn về sự hài lòng với đời sống tổng thể. Dữ liệu kinh nghiệm từ các Khảo sát Giá trị cho biết rằng việc có các cơ hội cho sự tự-thể hiện liên kết với các mức cao tương đối của sự hài lòng với cuộc sống. Trong mỗi trong 191 khảo sát đại diện quốc gia, được tiến hành trong 73 xã hội đa dạng trải từ Hoa Kỳ đến Uganda, Trung Quốc, Iran, Brazil, Thụy Điển, và Ba Lan, ta tìm thấy một tương quan hết sức có ý nghĩa giữa sự sự hài lòng với cuộc sống của các cá nhân và nhận thức của họ về bao nhiêu lựa chọn họ có trong việc định hình đời họ.[2] Tương quan trung bình mức cá nhân bên trong các quốc gia là r = 0,37. Tương quan này có sai số chuẩn (standard error: SE = 0,07), ngụ ý rằng sự liên kết giữa sự hài lòng với cuộc sống và cảm giác về sự lựa chọn không khác đáng kể cho quốc gia mà bên trong đó nó được đo. Hơn nữa, như Hình 6.1 chứng minh, có sự liên kết giữa sự hài lòng với cuộc sống và cảm giác về sự lựa chọn ngang các vùng văn hóa. Nó không phải là một đặc tính độc nhất của các xã hội Tin lành Tây phương. Chúng tôi tìm thấy sự biến thiên nào đó về sức mạnh của sự liên kết này trong mỗi vùng văn hóa, nhưng nó là đáng kể trong tất cả các vùng văn hóa. Trong một số xã hội phi-Tây phương, tuy vậy, sự liên kết giữa sự hài lòng với cuộc sống và cảm giác về sự lựa chọn là mạnh hơn trong vài xã hội Tây phương. Như thế, sự liên kết giữa sự hài lòng với cuộc sống và quyền tự do lựa chọn là mạnh hơn ở Trung Quốc, Indonesia, và Zimbabwe so với ở Hà Lan, Đan Mạch, Iceland, hay Phần Lan.

clip_image002

HÌNH 6.1. Các tương quan giữa sự hài lòng với cuộc sống và cảm giác rằng người ta có sự lựa chọn tự do (ở mức cá nhân).

 

Sự liên kết giữa sự hài lòng với cuộc sống và một cảm giác về sự lựa chọn con người là phổ quát bởi vì mong muốn cho sự lựa chọn tự trị được neo vào tâm lý con người, với sự lựa chọn tự do hơn mang lại sự hài lòng lớn hơn ngay cả trong các nền văn hóa tập thể chủ nghĩa. Khát vọng cho sự lựa chọn là không cá biệt cho các nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa Tây phương, mà tồn tại ở mọi nơi. Cái khác nhau là lượng của ràng buộc bên ngoài mà các xã hội cho trước áp đặt lên quyền tự do lựa chọn của nhân dân của chúng. Và các sự khác biệt này được phản ánh trong các mức khác nhau của sự hài lòng với cuộc sống. Các xã hội có thể truyền các chuẩn mực văn hóa khiến người ta nản lòng mạnh khỏi việc thực hiện các lựa chọn tự trị, nhưng chúng có khuynh hướng làm giảm mức thịnh hành của sự hài lòng với cuộc sống.

image

HÌNH 6.2. Sự hài lòng với cuộc sống theo nước và (năm) và cảm giác rằng người ta có lựa chọn tự do (ở mức xã hội).

 

Sự liên kết giữa cảm giác về lựa chọn tự do và sự hài lòng với cuộc sống là đặc biệt mạnh tại mức xã hội, như Hình 6.2 chứng minh. Ngang các quốc gia và thời gian, cảm giác quần chúng thịnh hành về sự lựa chọn con người giải thích 61 phần trăm của mức hài lòng với cuộc sống của một xã hội. Hạnh phúc con người phát đạt trong bầu không khí của sự lựa chọn tự do. Các cá nhân cho trước có thể không biết rõ về sự liên kết giữa sự lựa chọn tự trị và hạnh phúc, nhưng những người cảm thấy họ có các mức tương đối cao của sự kiểm soát và lựa chọn đối với đời họ cho biết một cách có hệ thống về mức hài lòng với cuộc sống cao hơn của họ. Việc phát hiện rằng sự lựa chọn tự trị có khuynh hướng làm cho mọi người hạnh phúc hơn tạo thành một lực thúc đẩy trong quá trình phát triển con người. Lực này ủng hộ các chuẩn mực và các định chế nâng cao quyền tự do con người.

Bản chất Công dân của các Giá trị Tự-thể hiện

Các mối đe dọa sinh tồn thúc đẩy mọi người tìm kiếm sự an toàn trong các nhóm gắn bó chặt chẽ. Việc này nuôi dưỡng các mối quan hệ gắn kết mật thiết và toàn thể (holistic), mà thu hẹp sự đoàn kết của mọi người với giới dòng họ mở rộng (Geertz, 1963). Bản chất đóng của các ingroup ủng hộ sự tin cậy giữa cá nhân thân mật với cái giá của sự tin cậy giữa cá nhân tổng quát. Việc này có tác động khổng lồ đến bản chất của các mối quan hệ xã hội, hay vốn xã hội: dưới các điều kiện bất an toàn, vốn xã hội là gắn kết (bonding) hơn là cầu nối (bridging).

Vì thế, cuộc tranh luận liệu vốn xã hội có đang giảm sút trong các xã hội hậu công nghiệp đang bỏ qua một điểm quan trọng. Vốn xã hội không giảm sút trong các xã hội này nhưng đang dịch chuyển từ một hình thức sang hình thức khác. Không xã hội nào có thể tồn tại mà không có các mối quan hệ xã hội. Cái khác nhau là đặc tính của các mối quan hệ này. Vốn xã hội gắn kết và vốn xã hội bắc cầu có khuynh hướng cạnh tranh với nhau và không thể được tối đa hóa đồng thời. Có một sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa cường độ và độ rộng của các mối quan hệ xã hội của mọi người, với các mối quan hệ ingroup mạnh hạn chế năng lực của người ta để tham gia vào các mối quan hệ lỏng lẻo hơn với nhiều người khác (Fukuyama, 2000).[3] Như thế chúng tôi không đồng ý với quan điểm của Putnam (2000) rằng sự can dự giảm sút vào các hiệp hội chính thức ở Hoa Kỳ biểu thị một sự xói mòn của vốn xã hội. Các phát hiện của ông phản ánh sự giảm sút của kiểu đặc thù của vốn xã hội gắn kết. Nhưng, đồng thời, vốn xã hội bắc cầu đã tăng lên, khi các hành động tập thể được tự-tổ chức và thách thức-elite đã trở nên phổ biến hơn một cách đáng chú ý. Bản chất của vốn xã hội đang thay đổi trong các xã hội hậu công nghiệp. Sự cá nhân hóa tăng lên khiến cho mọi người ngày càng độc lập về mặt xã hội: các mối quan hệ xã hội trong đó họ tham gia phản ánh sự lựa chọn tự trị của họ hơn là sự tuân thủ các nhóm được áp đặt từ bên ngoài. Việc định hình các mối quan hệ xã hội trong các xã hội hậu công nghiệp ngày càng trở thành một vấn đề về sự lựa chọn tự trị (U. Beck, 2002; Florida, 2002). Các mối quan hệ ngày càng được định hình một cách nội tại hơn là được áp đặt từ bên ngoài.

Các nhóm đóng bày tỏ sự tuân thủ giữa những người bên trong và sự kỳ thị chống lại những người ngoài cuộc (Monroe, Hankin, and van Vechten, 2000). Sự tuân thủ giữa những người bên trong có các tác động phi-cá nhân hóa, làm cho mọi người sẵn sàng hơn để ủng hộ các hạn chế về các quyền tự do cá nhân vì kỷ luật nhóm (Pettigrew, 1998). Tương tự, sự kỳ thị chống lại những người ngoài cuộc có các tác động phi nhân nhân tính, tước đoạt các quyền con người của những người ngoài cuộc – đôi khi đến mức việc diệt chủng có vẻ có thể chấp nhận được vì phúc lợi của ingroup. Các giá trị sinh tồn là một phản ứng con người duy lý đối với các mối đe dọa sinh tồn: khi các nguồn lực là hiếm đến mức là vấn đề của một nhóm hay nhóm khác sống sót, sự kỳ thị chống lại những người ngoài cuộc, các nghĩa vụ lẫn nhau mạnh, và chủ nghĩa thiên vị người trong cuộc[4] là không thể tránh khỏi. Sự bài ngoại trở nên phổ biến khi các mối đe dọa sinh tồn chi phối cuộc sống của mọi người. Các giá trị sinh tồn hoạt động dưới các điều kiện này, nhưng chúng buộc mọi người chấp nhận một đạo lý chú tâm vào sự an lạc của ingroup của mình hơn là của loài người như một toàn thể. Các giá trị sinh tồn nhấn mạnh vốn xã hội gắn kết, mà thường được sử dụng theo những cách kỳ thị. Xu hướng để kỳ thị chống lại những người ngoài cuộc để lại các giá trị sinh tồn với một dấu ấn phần lớn chống công dân (anticivic).

Các giá trị sinh tồn đã được xem xét từ các phối cảnh đa dạng. Rokeach (1960) khám phá “trí óc đóng (closed mind),” mà – theo Popper (1966 [1945]) – dẫn đến một “xã hội đóng” được cai quản bởi “tinh thần bầy đàn.” Putnam (1993) nhấn mạnh đặc tính phi công dân của “các mối quan hệ gắn kết,” Banfield (1958) nghiên cứu các giá trị của “chủ nghĩa gia đình phi luân lý” và Monroe et al. (2000) xem xét cặp hiện tượng chủ nghĩa thiên vị ingroup và sự kỳ thị outgroup. Tất cả các thứ này là các sự thể hiện của một hội chứng rộng hơn của các giá trị sinh tồn, mà có khuynh hướng hiện diện trong hình thức cực đoan nhất của chúng khi sự sống sót của một nhóm bị đe dọa. Vì thế, cái Hofstede (1980) mô tả như “các bản sắc tập thể” và cái Kühnen and Oyserman (2002) mô tả như các sự tự-nhận thức (self-conception) “tương thuộc” không đơn giản là các thuộc tính tâm lý tĩnh của các nền văn hóa cho trước. Các đặc điểm tâm lý này phản ánh sự chi phối của các giá trị sinh tồn, dưới các điều kiện của sự bất an sinh tồn. Các giá trị này nhấn mạnh kỷ luật tập thể trên quyền tự do cá nhân, sự tuân thủ nhóm trên sự đa dạng con người, và uy quyền nhà nước trên sự tự trị công dân.

Ngược lại, các giá trị tự-thể hiện có khuynh hướng trở nên phổ biến hơn khi các mối đe dọa sinh tồn rút đi. Các giá trị tự-thể hiện nổi lên khi mọi người lớn lên trải nghiệm sự an toàn sinh tồn và sự tự trị cá nhân, làm giảm nhu cầu cho sự bảo vệ nhóm. Việc này làm yếu các áp lực cho sự tuân thủ nhóm. Mọi người ngày càng chấp nhận các nhận thức độc lập về bản thân mình. Việc tạo các mối quan hệ với những người khác không còn là một vấn đề của các ràng buộc bên ngoài mà là một vấn đề của sự lựa chọn nội tại, mà giúp mọi người di chuyển quá các ranh giới hẹp của các mối quan hệ họ hàng mở rộng. Các mối quan hệ bắc cầu (bridging ties) thay thế các mối quan hệ gắn kết (bonding ties), và sự tin cậy suy rộng thay thế sự tin cậy thân thiết. Mọi người trở nên ít có khả năng chấp nhận các sự hạn chế các quyền tự do cá nhân vì sự tuân thủ nhóm và trở nên có khả năng hơn để xem các kiểu con người khác như các cá nhân có giá trị thực sự. Do đó, các giá trị tự-thể hiện khiến mọi người ủng hộ hơn các quyền tự do cá nhân và các quyền con người. Các giá trị tự-thể hiện có một xu hướng không kỳ thị và nhân văn. Điều này cho các giá trị này một đặc tính phần lớn ủng hộ công dân.

Các nhà khoa học xã hội đã xem xét các khía cạnh khác nhau của hiện tượng này, sử dụng các nhãn khác nhau, như tâm trí mở (open mind), các mối quan hệ bắc cầu, sự tự-nhận thức (self-conception) độc lập, chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa vị tha. Từ phối cảnh của sự phát triển con người, đấy đều là các khía cạnh của một hiện tượng rộng hơn mà chúng tôi mô tả như các giá trị tự-thể hiện. Các giá trị tự-thể hiện ngày càng trở nên phổ biến khi các ràng buộc sinh tồn lên sự lựa chọn con người lùi xa, tạo nhiều chỗ hơn cho các khát vọng con người phổ quát cho sự hiện thực hóa-bản thân (self-realization) và sự tự trị cá nhân nổi lên. Từ quan điểm phát triển con người, sự đa dạng này của các đặc điểm tâm lý và văn hóa không đại diện các khía cạnh tư chất của các nền văn hóa cho trước mà thường được liên kết với tình trạng kinh tế xã hội.

Phù hợp với lập luận này, “lý thuyết tiêu điểm quy định (regulatory focus theory)” trong tâm lý học thực nghiệm cho rằng tình hình xã hội định hình các định hướng của mọi người (Förster, Higgins, and Idson, 1998). Nếu tình hình xã hội tràn đầy sự bất an và các mối đe dọa, các định hướng của mọi người được hướng vào một “tiêu điểm trước” trong đó họ áp dụng các chiến lược sống sót để thử tránh các tổn thất tai hại và thất bại. Nhưng nếu tình hình xã hội là an toàn và đưa ra các cơ hội cho sự thành đạt, các định hướng của mọi người được hướng vào một “tiêu điểm thăng tiến” nhấn mạnh sự phấn đấu cho sáng kiến, sự sáng tạo, và sự tự-thể hiện. Từ quan điểm này, sự phát triển kinh tế xã hội là cốt yếu bởi vì nó làm thay đổi tình hình xã hội của toàn bộ dân cư, cho nên “tiêu điểm thăng tiến” trở thành kiểu định hướng phương thức trong một xã hội. Như thế, các giá trị tự-thể hiện tăng lên có thể được diễn giải như phản ánh sự chi phối xã hội tăng lên của một tiêu điểm thăng tiến. Sự thay đổi văn hóa đi theo các cơ chế tâm lý cơ bản.

Trong văn liệu về các đức hạnh tạo ra các công dân dân chủ tốt (xem Sullivan and Transue, 1999; Galston, 2001), các nhà lý luận và các nhà nghiên cứu đã nhận diện hai sự phân cực, mà được thảo luận tách biệt: sự bài ngoại versus sự vị tha trong các định hướng của mọi người đối với những người ngoài cuộc (thí dụ, những người không phải công dân); và chủ nghĩa độc đoán versus chủ nghĩa tự do (liberalism) trong định hướng của mọi người đối với những người trong cuộc (thí dụ, các công dân đồng bào). Hai sự phân biệt này hội tụ trong sự phân cực rộng hơn giữa các giá trị sinh tồn versus các giá trị tự-thể hiện. Xung lực kỳ thị của các giá trị sinh tồn kết hợp một xu hướng bài ngoại đối với những người ngoài cuộc với một xu hướng độc đoán giữa những người trong cuộc. Ngược lại, xung lực nhân văn của các giá trị tự-thể hiện kết hợp một xu hướng thế giới chủ nghĩa ủng hộ các quyền con người phổ quát với một xu hướng tự do chủ nghĩa ủng hộ các quyền tự do cá nhân.

Trong thảo luận về các đức hạnh công dân, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nhân văn thường được xem như mâu thuẫn. Nhưng quan điểm này dựa vào giả thiết sai rằng chủ nghĩa cá nhân phải được đánh đồng với chủ nghĩa vị kỷ phi xã hội (asocial egoism). Từ quan điểm này, được cho rằng chủ nghĩa cá nhân có các các hệ quả phản công dân [anticivic] (Lawler and McConkey, 1998; Flanagan et al., sắp xuất bản). Quan điểm này có thể truy nguyên về thời Hy Lạp cổ đại khi các nhà Epicurean ca ngợi tư-lợi, trong khi các nhà Stoic ca ngợi lòng từ thiện (xem Coleman, 1990: 302). Nhưng sự mâu thuẫn giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa nhân văn bị hiểu lầm. Thực ra, chủ nghĩa cá nhân thường đi cùng với một định hướng nhân văn, không phải một định hướng ích kỷ. Không ngẫu nhiên rằng triết lý của chủ nghĩa nhân văn, mà hình thành trong thời Phục hưng trong thế kỷ thứ mười lăm, đã nổi lên từ các trung tâm đô thị thịnh vượng của xứ Flanders và Lombardy khi chủ nghĩa tư bản trước công nghiệp đã cho các xã hội này một quan điểm cá nhân chủ nghĩa hơn bất cứ xã hội khác nào của thời đó (Jones, 1985).

Kết luận

Chúng tôi cho rằng sự biến thiên ngang-văn hóa về các đặc trưng tâm lý cơ bản – kể cả chủ nghĩa tập thể versus chủ nghĩa cá nhân, sự gắn kết (embeddedness) versus sự tự trị, và tiêu điểm ngăn ngừa versus tiêu điểm thăng tiến – liên kết mật thiết với chiều các giá trị sinh tồn versus các giá trị tự-thể hiện. Chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, tiêu điểm thăng tiến, và sự tự-thể hiện phản ánh một chủ đề chung cơ bản, nhấn mạnh sự lựa chọn tự trị con người. Việc này có hai hệ lụy. Thứ nhất, chiều phân cực giữa các giá trị sinh tồn và các giá trị tự-thể hiện được neo vào tâm lý học con người: nó là một chiều áp dụng cho tất cả các nền văn hóa, mặc dù chúng thay đổi hết sức về cực nào chúng nhấn mạnh. Thứ hai, quan điểm thịnh hành rộng giữa các nhà tâm lý học văn hóa rằng các đặc điểm như chủ nghĩa cá nhân hơn là chủ nghĩa tập thể là các đặc điểm cố định của các nền văn hóa cho trước phải được sửa đổi: chúng quả thực có phản ánh một di sản văn hóa cho trước ở mức độ nào đó, nhưng sự nhấn mạnh có thể thay đổi theo thời gian. Phần lớn, sự nổi lên của các định hướng nhân văn phản ánh sự phát triển con người. Không xã hội nào được miễn nhiễm với sự phát triển con người. Hoàn toàn ngược lại, như các chương trước đã cho thấy, các giá trị tự-thể hiện liên kết với sự phát triển kinh tế xã hội. Chúng không phải là một đặc điểm tĩnh của các nền văn hóa, mà là một hiện tượng tiến hóa liên kết với một logic phổ quát: sự nhấn mạnh chủ quan đến quyền tự do con người tăng lên khi các ràng buộc bên ngoài lên sự lựa chọn nội tại rút lui.

Sự lên của các định hướng giải phóng, như chủ nghĩa cá nhân, sự tự trị, định hướng thăng tiến, và các giá trị tự-thể hiện, phản ánh quá trình phát triển con người. Điều này có các hệ quả công dân đáng mong muốn, bởi vì sự nhấn mạnh tăng lên đến sự lựa chọn tự trị con người là thuận lợi một cách cố hữu cho các quan niệm chống kỳ thị về sự an lạc con người. Cuối cùng, các định hướng giải phóng vốn lấy nhân dân làm trung tâm, mà là một lý do chính vì sao sự nhấn mạnh tăng lên đến các giá trị tự-thể hiện liên kết mạnh với dân chủ. Điều này có nghĩa rằng sự nổi lên và sự thịnh vượng của bản thân dân chủ là phần của quá trình phát triển con người rộng hơn – như phần còn lại của cuốn sách này sẽ chứng minh.


[1] Các xếp hạng khoảng cách quyền lực (power distance) của Hofstede cũng liên hệ mạnh với chiều này: r = −0,72.

[2] Sự hài lòng với cuộc sống trong các Khảo sát Giá trị được đo trên một thang đánh giá 10-điểm từ 1 “hoàn toàn không hài lòng” đến 10 “hoàn toàn hài lòng.” Nhận thức lựa chọn cũng được đo trên một thang đánh giá 10-điểm dựa vào câu hỏi sau: “Một số người cảm thấy họ có sự lựa chọn hoàn toàn tự do và sự kiểm soát đối với đời họ, trong khi những người khác cảm thấy rằng cái họ làm không có tác động thực tế nào đến cái xảy ra với họ. Hãy sử dụng thang này nơi ‘1’ có nghĩa là ‘không chút nào’ và ‘10’ có nghĩa là ‘rất nhiều’ để cho biết bao nhiêu quyền tự do lựa chọn và sự kiểm soát bạn cảm thấy bạn có đối với cách đời bạn diễn ra.” Trong 191 khảo sát trong đó các biến này có thể được tạo ra, ta thấy một tương quan dương hết sức có ý nghĩa. Tương quan trung bình bên trong-khảo sát là r = 0,37. Tập hợp ngang tất cả các khảo sát, tương quan mức cá nhân là r = 0,40 (N = 248.000). Tại mức tổng hợp của các quốc gia, tương quan là r = 0,78.

[3] Điều này phản ánh một sự đánh đổi giữa cường độ và độ rộng trong sự hợp tác con người, liên kết với một cân bằng giữa sự hợp tác và sự cạnh tranh. Nếu cạnh tranh trở nên mạnh dữ dội (thí dụ, trong một nội chiến), sự hợp tác bên trong các phe cạnh tranh trở nên mạnh một cách tương ứng (mọi người hợp tác mạnh đến mức họ thậm chí hy sinh đời họ cho nhau). Nếu cạnh tranh trở nên ít gay gắt hơn, mọi người có thể hạ thấp cường độ của sự hợp tác của họ với những người bên trong và mở rộng các phạm vi hợp tác của họ với những người ngoài. Tuy vậy, sự hợp tác như một tổng của cường độ và độ rộng của nó có khuynh hướng vẫn không đổi mặc dù bản chất của sự hợp tác thay đổi đầy kịch tính.

[4] Chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa gia đình trị và chủ nghĩa gia đình là các hình thức hiển nhiên của chủ nghĩa thiên vị (favoritism).

Comments are closed.