Hiện thực sáng tạo văn chương hôm nay: từ ba nỗi sợ

Inrasara

"Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho tới cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…" – Dostoievski.

Ông nói thế…

Và ông đã đẩy suy tư và phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật đủ dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Nhưng làm thế nào có thể “đẩy cho tới cùng”, khi mỗi nhà văn Việt Nam đều mang trong mình thứ virus… sợ?

1. Sợ sự thật

Triết học được xem là môn học căn bản nhất để nhận diện thực tại, thế nhưng triết học ta đang dạy trong nhà trường là gì, nếu không phải là triết học Theo-ism? Nghe theo, suy nghĩ theo và nói theo, các nhà văn tương lai của Việt Nam được đào tạo trong môi trường Đại học như thế, thì làm sao hắn có thể nhìn hiện thực đa chiều, để có thể gọi là cung cấp cho người đọc những cái nhìn mới, khác về hiện thực. Bởi hiện thực không chỉ là thứ hiện thực ta nhìn thấy ở bề mặt đầy phiến diện và hời hợt, mà còn là hiện thực của tưởng tượng, của vô thức không thể phơi bày, của mộng tưởng giấu kín, của bóng tối ẩn sau vẻ ngoài đạo mạo, hiện thực của siêu thực và phi hiện thực, hiện thực của sát na xẹt qua ý thức hay hiện thực của trùng trùng duyên khởi bất khả tư nghì.

Sau Freud, ai dám cho rằng các giấc mơ đầy cảnh tượng quái dị không là "hiện thực"? Hoặc họa phẩm với những nét cọ chằng chịt như sợi dây thần kinh của Paul Klee thì kém hiện thực hơn các bức tranh chân dung của họa sĩ thời Phục hưng? Mỗi trường phái triết học, mỗi trào lưu văn học nghệ thuật hiến tặng cho nhân loại cách nhìn mới, khác về hiện thực. Chúng làm phong phú đời sống tinh thần con người. Vấn đề là ta hành xử thế nào với các "phương tiện thiện xảo" đó.

Nhà văn Việt Nam hôm nay chưa từng tiếp cận với các nền triết học lớn có bài bản. Nhà văn chưa được trang bị kĩ năng quan sát hiện thực nhiều chiều, đa góc cạnh, hiện thực ở bề tối, nơi góc khuất, để có thể phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Ta chưa hề nhận mặt nó, còn khi mơ hồ nhìn ra nó, ta rụt cổ lại. Văn chương ta cứ lớt phớt lướt qua vài tầng hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực phê phán, sau đó – một ít hiện thực huyền ảo học đòi hay vài mảnh siêu thực chắp vá, không là chuyện lạ. Không muốn né tránh, ta cũng thành né tránh.

Rồi ngay hiện thực xã hội sờ sờ trước mắt, ta cũng chưa một lần dám “đẩy cho tới cùng”.

"Ngoảnh lại" cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, các nhà văn Trung Quốc cho ra đời hàng trăm tác phẩm "ngang tầm thời đại"; còn ta, sau Cải cách Ruộng đất: trống vắng. Chiến tranh biên giới phía Bắc hay biên giới Tây Nam cũng chịu chung thân phận. Ngay cả viết về sex thôi, Việt Nam vẫn không sở hữu khuôn mặt mạnh bạo, sâu thẳm và cao vời như Henri Miller.

Non nửa thế kỉ qua, thời sự chính trị xã hội Việt Nam xảy tới mênh mông chuyện, văn chương Việt Nam vẫn chưa thể đi tới tận cùng các sự kiện đó. Mấy mệnh đề "văn học xa rời hiện thực", "không bám vào hiện thực cuộc sống", "né tránh hiện thực"… được nhai đi nhai lại đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật. Nhất là với văn chương dòng chính hôm nay.

Các đề tài nhạy cảm luôn ám ảnh nhà văn Việt Nam, ám ảnh để mà né tránh. Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa lần thứ nhất vào năm 2007 lay động tâm thức người Việt trên toàn thế giới, thế mà không có bài thơ, trang văn nào về đề tài này xuất hiện trên mặt báo chính thống. Tuyệt đối! Để rồi, ở sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa lần thứ hai năm 2011 khi được phép, ta mới ồ ạt làm thơ yêu nước. Mà văn, thơ ta cũng không trực diện vấn đề, với hiện thực đa tầng, đa diện của sự thể.

Một xúc động lớn khiến dồn nén lớn để tạo sức bung phá lớn, thì một tài năng mới có thể làm ra tác phẩm lớn. Xúc động kia bị bẻ cong, bị làm nhòe, bị đánh bạt đi, thì còn gì là sáng tạo? Thảm không!

Sợ sự thật, thế nên khi sáng tác, ta hè nhau tự kiểm duyệt. Ta luôn bị bóng ma mơ hồ lởn vởn quanh bàn viết nhắc nhở nên thế này với không nên thế kia, thế là ta tránh, hay ta bóng gió ám chỉ, ta tự kiểm duyệt để không một lần “đẩy cho tới cùng”.

Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn nhìn cận cảnh sự thật và gây được tiếng vang, để rồi bị thu hồi và tiêu hủy ngay sau đó. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nhìn sự thật ở phía khác được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh, để không lâu sau đó chịu bao thân phận. Mới nhất, Mình và họ (2011) của Nguyễn Bình Phương chạm vào đề tài được cho là nhạy cảm nhất: chiến tranh biên giới Việt-Trung giai đoạn 1979-1984, đã chịu ba năm luân lạc náu Hoa Kỳ mới quy hồi cố hương với tên khai sinh mới: Xe lên xe xuống.

Nhà văn không được trang bị triết học nền tảng (dù đó chỉ là một trong những yếu tố), từ đó thiếu bản lĩnh để nhìn thấy hết sự thật như thực, và sợ.

2. Hết sợ sự thật đến sợ cái mới

Cái mới khai mở ở tâm thức kẻ sáng tạo, được nuôi dưỡng bởi giáo dục và truyền thông, cuối cùng – phát triển lớn mạnh nơi cộng đồng tiếp nhận. Tuy thế, khác với Tây phương, truyền thống văn học Việt Nam ít chuộng sự thay đổi. Thay đổi nếu có, luôn là hệ quả của/ từ biến động của thời cuộc, chứ rất hiếm ở tự thân vận động của văn nghệ sĩ, của kẻ sáng tạo thực sự yêu chuộng, khao khát và đam mê cái mới.

Khác với nền dân chủ Tây phương, truyền thống xã hội Việt Nam về cơ bản thiết định trên tính cố kết gia đình và cộng đồng thay vì tình liên đới giữa các cá nhân độc lập, ưu tiên bảo vệ nề nếp gia phong hay ổn định cộng đồng thay vì đảm bảo quyền lợi cá nhân như là thành tố độc đáo làm nên tập thể nhỏ, lớn đó. Không có gì dở cả. Dẫu sao, văn học là hoạt động sáng tạo độc lập, khi phải vận hành trong thiết chế truyền thống kia, nó đã chịu bao thiệt thòi. Tài năng cá nhân với những suy nghĩ và hành xử cá biệt luôn bị dị nghị. Đòi hỏi nhà văn Việt Nam vượt thoát và "chối bỏ" nó như Cao Hành Kiện đã làm, là điều cực khó. Để được tồn tại giữa lồng môi trường văn hóa ấy, nhà văn chấp nhận thỏa hiệp. Họ sẵn sàng để cho họ hàng thân quyến, anh em bằng hữu can thiệp vào công việc sáng tạo. Kín đáo hay lộ liễu thì cũng vậy.

Cái mới đồng nghĩa với cái xa lạ. Đã lạ thì chưa thể biết đúng hay sai, tiến bộ hay lạc hậu. Mà trước hết và trên hết – nó phải là cái lạ. Lạ và khác cái đang hay đã từng hiện hữu trước đó. Cái lạ luôn mang trong mình khía cạnh tối nghĩa của nó. Mười yếu tố quyết định đối với tiến trình sáng tạo, thái độ "chấp nhận tối nghĩa" (tolerance of ambiquity) được cho là đức tính quan trọng nhất (John S. Dacey and Kathleen H. Lennon, 1998). Ở ta, đại bộ phận độc giả luôn đồng hóa tối nghĩa với tắc tị, từ đó cái khác lạ và "tối nghĩa" luôn bị dị nghị. Dị nghị từ kẻ sáng tác cho đến nhà phê bình. Nếu thời Thơ Mới, Xuân Diệu từng dè bỉu "thơ điên" của Hàn Mặc Tử thì chưa đầy hai thập niên sau đó, Nguyễn Hiến Lê cũng có thái độ y hệt về nhóm Sáng Tạo.

Giai đoạn qua, vài cây bút tự trang bị và thử liều lĩnh bước ra khỏi quỹ đạo quen thuộc, đi tìm cái khác lạ, cái độc đáo. Cuối thế kỉ XX đầu XXI, hậu hiện đại Việt xuất hiện và tự khẳng định với không ít tác phẩm xuất sắc. Thế mà nó hết bị cánh phê bình chê bôi, đến người cùng giới kì thị(2). Các tổ chức và cơ quan quản lí văn học không buồn nhấc ngón tay đẩy nó đi tới. Trong khi tạp chí Sông Hương đã làm số chuyên đề về phong trào thơ Tân hình thức, về sáng tác Hậu hiện đại Việt; trong khi Bàn tròn Văn chương (một hoạt động ngoại biên của Hội Nhà văn) đã chủ trì về Văn chương mạng, về Hậu hiện đại, thì Hội Nhà văn Việt Nam bình chân như vại. Chúng ta làm hội thảo đâu tận… Cao Bá Quát!

Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo (có thể thành truyền thống ở thì tương lai); ta đã từng núp dưới bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt… Cá tính, độc đáo với ý hướng "đẩy tới" không phải chưa từng xuất hiện trong hành trình sáng tác của nhà văn Việt Nam. Có, nhưng ta biết dừng lại đúng lúc. Từ đó, cái mới giả xuất hiện và phô trương thanh thế. Cái mới mang đủ tên “cách tân”, thứ cách tân trước đó không lâu ta từng miệt thị, trù giập không thương tiếc.

Miệt thị hay trù giập cũng không sao; còn khi ta dựa hơi cơ chế trù giập họ đến không còn chỗ đứng trên văn đàn, triệt hạ họ đến không còn mảnh đất dung thân, thì đó là tội ác.

Chẳng phải ta đã từng hưởng thụ từ các khai phá của họ sao?

Nguyễn Vỹ thử nghiệm thơ 12 chân, để Chế Lan Viên có thành tựu. Thơ Trần Dần, Đặng Đình Hưng đã chịu hi sinh cho phong trào “cách tân” hôm nay thụ hưởng. Thơ Tự do không vần của Nguyễn Đình Thi, của Nhóm Sáng tạo ở thập niên 1950-60 cũng thế. Mới nhất, thơ Hậu hiện đại thời kì đầu đã chấp nhận bị đánh phá tơi tả cho Hậu hiện đại tới sau bình tĩnh nhìn lại để rút tỉa kinh nghiệm cho sáng tạo.

Đành vậy. “Kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hi sinh”, – Nietzsche nói thế.

3. Sợ sau cùng, và là sợ tai hại nhất, đó là sợ suy tư.

Suy tư về thân phận con người, về số phận dân tộc trong định mệnh nhân loại, về hữu thể và hư vô, về ngôn ngữ, và về chính cái viết, nhà văn Việt Nam chưa. Đây đó thi thoảng cũng có, nhưng chưa một lần sự thể được “đẩy tới cùng”.

Đa phần tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam, ta cảm nghe sự hời hợt, là vậy. Viết thế nào? Viết cho ai? Và tại sao viết? – Hiếm nhà văn Việt Nam đặt ra câu hỏi đó, và tìm cách trả lời chúng cho rốt ráo. Ta nghĩ, các câu hỏi đại loại như thế đã được nêu lên, và được trả lời từ lâu rồi, không cần vẽ rắn thêm chân nữa. Lầm to! Suy tư lại điều đã được suy tư là điều cần thiết – như đòi hỏi của Heidegger, nhà văn Việt Nam hoàn toàn không biết đến.

Bởi biếng nhác và sợ.

Sáng tác, ta không phát kiến tư tưởng nào mới lạ. Phát kiến, và dành cả đời triển khai nó, mở rộng tối đa nó bằng nhiều hình thức và thể loại văn chương khác nhau; sẵn sàng lên diễn đàn tranh luận bảo vệ nó – như Sartre hay Camus làm với hiện sinh, ta hoàn toàn chưa.

Phê bình, ta cũng chẳng có đâu tư tưởng. Các “cảm nhận”, “suy nghĩ về”, “tản mạn” từng đăng báo đây đó, ta gom chúng lại hòm hòm đâu khoảng 250-300 trang, ta kêu: “tập tiểu luận – phê bình”. Đọc suốt cuốn sách không thấy đâu tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ là những suy nghĩ vụn bên lề một tác phẩm, một tác giả, một phong trào văn chương nào đó. Thế thôi, không gì hơn, không gì khác.

Ta muốn ăn vội, ăn non, và ta được ăn non.

Cuối cùng, trong môi trường văn học Việt Nam hôm nay, điều không thể không nói lên, đó là các sinh hoạt ngoài văn học đã và đang góp công lớn vào công cuộc làm trì trệ sáng tạo văn chương Việt Nam.

Nhà văn chán, khi nhìn về phía Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi dẫu sao tổ chức chính thống này vẫn đang giữ cây gậy chỉ chỏ và tạo ảnh hưởng lên sinh hoạt văn học đất nước. Từ xét kết nạp hội viên đầy tai tiếng đến tác phẩm vẫn được Ban chấp hành trao giải khi không qua nổi cửa Hội đồng chuyên môn, từ tổ chức hội thảo mang tính phong trào đến hội thảo giả (như hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận) sang tận cách thức tổ chức làm tuyển tập. Nhà văn chán, khi ngay giữa người trong giới với nhau xảy ra nạn đạo văn, vụ cáo giác nhau chạy chọt chức vụ (hão) bị phơi bày trước công luận. Tất tần tật tạo nên bầu khí u ám và chán nản phủ trùm lên môi trường văn học Việt Nam, khiến các cây bút thiếu bản lĩnh bỏ cuộc, và làm nhụt chí kẻ sáng tạo đích thực.

________________

Chú thích

(1) "Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! tôi điên đây! – Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống" (Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, tái bản, NXB Hội Nhà văn, H., 2000, tr. 216). “Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng… mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kì, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả" (Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, chương XXVII, vnthuquan.net).

(Dự đoán của Nguyễn Hiến Lê sai: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… lớn, gây được tiếng vang và ảnh hưởng đến văn học ra sao, đã được thế hệ sau đó khẳng định – chú thích của Inrasara).

(2) Lê Thiếu Nhơn, “Giải mã ảo giác thơ trẻ”, báo Thể thao – văn hóa, số 84, 15-7-2006; Mai Quốc Liên, “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, báo Văn nghệ, 22-4-2006.

Comments are closed.