Hồ sơ Biên bản so sánh – bài 9: Thơ tạo hình hậu hiện đại có gì mới?

(Từ “Mưa rào” của Nguyễn Vỹ đến “Quà tặng của quỷ sứ” của Trần Wũ Khang)

Inrasara

 

1. Thời Tiền chiến, Nguyễn Vỹ chắc chắn là người làm thơ chịu làm mới nhất. Ông thể nghiệm từ trường phái hiện thực trần trụi (“Gửi Trương Tửu”) đến trường phái tượng trưng (“Sương rơi”); chơi từ loại thơ mười hai chân cho đến thơ tạo hình. Bài thơ “Mưa rào” tạo hình con thoi như thể mưa từ vài giọt đầu ở dòng đầu tiên, rồi tỏa rộng dần ra để sau cùng rớt lại còn vài giọt ở câu cuối cùng của bài thơ.

Cũng vui đáo để!

Tạo hình “mưa” không thực hơn ngôn từ “mưa” với các hình dung từ của nó sao? Câu hỏi tưởng vô lí không phải không cái lí lẽ của nó.

 

“Tiếp thu truyền thống cha ông”, mới đây Vũ Trọng Quang cũng chơi lối thơ tạo hình riêng anh. “Design” là một.

 

                  chính em từ chối thơ tôi khó chịu

                    chính em từ chối thơ tôi khó

                      chính em từ chối thơ tôi

                        chính em từ chối thơ

                          chính em từ chối

                            chính em từ

                              chính em

                                chính

 

Nhưng tại sao phải dừng lại ở “chính” mà không hơn thế? Với kiểu thơ tạo hình ấy, Vũ Trọng Quang lẽ ra cần làm tới:

….

chính em từ

chính em

chính

chí

ch

c

.

 

nó mới trọn vẹn. Dưới chữ C phải là dấu chấm (.), dưới dấu chấm nữa là khoảng trống mênh mông: khi em từ chối [thơ tôi] thì em không là gì cả, không là con số không (với tôi).

 

2. Như Ngu Yên với bài thơ “Em đi qua đời tôi” đã. Cả bài thơ chỉ có một chữ “Nữ”, qua cách tạo hình, anh gợi mở cho bao diễn ngôn lí thú(*).

 

clip_image001

 

3. Hay thời sự hơn, như Trần Wũ Khang qua bài thơ “Quà tặng của quỷ sứ” của anh.

 

QUÀ TẶNG CỦA QUỶ SỨ

 

bọn thi sĩ làm thơ – tao khủng bố

lũ trai gái hôn hít nhau – tao khủng bố

thợ may vào xưởng, đám nhóc tan học – tao khủng bố

chúng đánh bạc – tao khủng bố

chúng tắm biển – tao khủng bố

chúng hoảng loạn, chúng bị thương, chúng chết

– tao khủng bố nhà thờ, nhà nước, khách sạn, chợ, nhà thương điên, tàu điện ngầm

nắng, mưa, gió, bão, tắc đường, đồng đôla sụt hay lên giá – tao khủng bố

cha cố giảng đạo, ca sĩ chạy sô, bọn cai trị đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, đám tỉ phú vạch dự án làm tiền, bọn khố rách chết đói – tao khủng bố

 

chúng làm tình

chúng sinh con đẻ cháu

chúng nuôi nấng dạy dỗ nhau

chúng ca ngợi hay tố cáo nhau

chúng giả vờ hay thật lòng với nhau

chúng lo lắng cho SIDA cho lỗ đen cho cách mạng xanh cho cái chết trắng

tao khủng bố

 

không ai khủng bố – tao khủng bố

thây kệ đứa nào, nhóm đảng nào khủng bố hay không khủng bố – tao khủng bố

tao nhận tao khủng bố, dù là tao hay không phải tao khủng bố

chúng biểu tình lên án tao – tao khủng bố

 

nhân loại toàn cầu hoá hay quay lại hang ăn lông – tao cũng khủng bố

tao khủng bố dưới đất, trên mặt trăng, tận sao hoả, sao chổi, tao khủng bố mọi mọi sao sao chúng tìm ra triệu triệu năm nữa

kiếp này chết tao tiếp tục khủng bố hằng hà sa số kiếp sau

 

vui – tao khủng bố; buồn – tao khủng bố; không vui không buồn – tao khủng bố

tao ăn ngủ đụ đái với qua bằng cho khủng bố

chúng chế ra bom, tao mua – tao khủng bố

tao không mua được, tao tự làm lấy – tao khủng bố

 

KHỦNG BỐ là tên TAO

là việc làm của tao, sứ mạng của tao, tình yêu và thù hận của tao, trò chơi và cuộc chiến của tao, miền đất hứa của tao, hữu thể và hư vô của tao, niềm tin và đam mê của tao, thiên đường của tao…

tao khủng bố tao khủng bố tao khủng bố

khủng bố khủng bố khủng bố

 

 

t i ế n g n ó i

 

t i ế n g c h i m                                            t i ế n g h á t

 

t i ế n g h á t                                                                             t i ế n g c h i m

KHỦNG BỐ

t i ế n g k ê u c ứ u                                                                             t i ế n g v a n x i n

 

t i ế n g v a n x i n                                            t i ế n g k ê u c ứ u

 

t i ế n g k h ó c

 

TAO KHỦNG BỐ

TAO KHỦNG

TAO KHỦ

TAO K

TAO

TA

T

.

 

“Quà tặng của quỷ sứ”, Đinh Linh dịch ra tiếng Anh: “Gift of the Devil”. Bài thơ ngắn, nhưng từ “khủng bố” (terrorize, terrorism) lặp đi lặp 32 lần. Khi nhờ tôi gửi nó đăng Tienve.org, tác giả lưỡng lự trong xử lí đoạn áp chót. Tôi nói, bạn thử vận dụng nghệ thuật thơ tạo hình xem sao. Cả đoạn cuối nữa! Trần Wũ Khang: à hén. Và bài thơ đã ra hình hài như nó hiện có.

Ở đó, khủng bố nổ tan xác âm thanh đẹp nhất của thiên nhiên và thế giới con người. Nó bất kể, bất cần và bất chấp. Nó là trung tâm. Nó là nó, chỉ có nó và, không ai khác. Tuyệt đối. Nó muốn và nó được! Nó – với tư tưởng, chủ nghĩa cùng hành động khủng bố của nó. Rồi khi mọi thứ đã tanh bành, nó còn lại mỗi mình nó. Như nó muốn.

Hãy chú ý từ TAO. Tao khinh thường, khinh bỉ, tao sẵn sàng chà đạp mọi thứ chống lại tao. Tao hủy hoại tất cả kẻ cản trở đường tao đi. Hủy hoại cái loài người cho là đẹp (thơ ca), phá nát tương lai của chúng (học hành), triệt tiêu nhân loại và tiêu hủy luôn hành vi tạo ra nhân loại (làm tình)… Để cuối cùng, trái đất còn mỗi nó: TAO KHỦNG BỐ viết hoa và viết đậm.

Còn mỗi TAO đơn độc rồi (T) trơ trơ, và dấu chấm đen thê thảm (.) rút cục không gì cả ( ): HƯ VÔ!

 

Đây không là trò chơi kĩ thuật. Vô ích, mấy thứ vớ vẩn đó.

Thơ hình họa, bản thân nó không gì hơn trò nhí nhố, nếu nó không thể tạo nổi cho bài thơ hiệu quả nghệ thuật. Làm được như G. Apollinaire là chuyện không dễ. Ở Việt Nam, có lẽ Nguyễn Vỹ là nhà thơ đầu tiên thử nghiệm loại thơ này. Từ chối thủ pháp cũ (tượng trưng), bởi biết mình không thể làm hay hơn (và cũng không nên làm hay kiểu đó) “Il pleut dans mon coeur”, “Chanson de l’Automne”… (ngoài bài “Sương rơi”), Nguyễn Vỹ quyết chơi thơ tạo hình, và ông đã thất bại – một thất bại rất đáng trân trọng.

Hậu hiện đại ra đời, thủ pháp này được mang ra xài lại, và không thể nói nó không đắc dụng. Với Ngu Yên, với Trần Wũ Khang.

 

_________

 

(*) Xem lời bình của Nguyễn Hưng Quốc, Thơ v.v…và v.v…, NXB Văn nghệ, California, Hoa Kì, 1996, tr. 261-263.

Comments are closed.