Jonathan Franzen: Thời đại công nghệ số, sách điện tử và tương lai văn học

Jonathan Franzen: Thời đại công nghệ số, sách điện tử và tương lai văn học

Trần Ngọc Hiếu

Theo Phê bình văn học

Writer Jonathan Franzen

Nhà văn Jonathan Franzen

 1. Năm 2012, giải Oscar đã tôn vinh một bộ phim ngược dòng – The Artist (Người nghệ sĩ) của đạo diễn Michel Hazanavicius. Gọi The Artist là bộ phim ngược dòng bởi trong khi nhiều tác phẩm cùng thời tận dụng những lợi thế công nghệ, tìm cách thỏa mãn khán giả bằng nhiều kỹ xảo, nhiều hiệu ứng thì Michel Hazanavicius lại quay về làm một bộ phim câm, đen trắng, theo đúng phong cách của điện ảnh thời kỳ đầu. Qua câu chuyện về một ngôi sao thời kỳ phim câm, The Artist đã tái hiện lại một giai đoạn bước ngoặt của nghệ thuật điện ảnh, từ hình thái phim câm sang phim có tiếng nói. Dĩ nhiên, trong nhận thức của George Valentin, ngôi sao phim câm do nam diễn viên Jean Dujardin, người đồng thời cũng nhận tượng vàng Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất, sự ra đời của phim có tiếng nói là một mối đe dọa đối với điện ảnh, làm điện ảnh mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của nó. Nói tóm lại, phim có tiếng nói không thể được thừa nhận như là điện ảnh đích thực.

George Valentin đã dốc toàn bộ tài sản của mình để làm một bộ phim câm hoành tráng, với niềm tin rằng nó đủ sức đánh bại những bộ phim có tiếng nói. Nhưng ông đã thất bại. Khán giả vẫn ùn ùn kéo đến xem những bộ phim có tiếng nói dù chúng chỉ nói những câu chuyện có vẻ như tầm thường. Có khán giả, phim có tiếng nói đã đánh bại phim câm và biến những ngôi sao phim câm không thích nghi được với môi trường nghệ thuật mới thành những biểu tượng quá vãng.

Câu chuyện The Artist kể lại cũng là tình thế mà nghệ thuật hiện đại thường xuyên phải đối mặt: nghệ thuật có cảm giác bị thương tổn bởi chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Các thành tựu của khoa học công nghệ có khả năng chiều chuộng các giác quan của con người, làm thay đổi cách và cái người ta nhìn, nghe, đọc, từ đó ảnh hưởng đến cảm xúc, đến cách người ta tiếp nhận và kỳ vọng ở nghệ thuật. Chúng vừa có khả năng mê hoặc con người và đồng thời cũng bởi thế, vừa có khả năng bắt con người phải phụ thuộc vào chúng. Điều này dễ khiến các hình thái truyền thống của nghệ thuật e ngại khoa học kỹ thuật làm tha hóa công chúng của mình. Nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa phản ứng thời đại kỹ trị bằng nhiều hình thức: hoặc bảo vệ sự tồn tại của mình theo đường lối bảo thủ giống như George Valentin hoặc liên tục tạo ra những chất vấn, mỉa mai, giễu nhại chủ nghĩa kỹ trị cùng lúc với việc phơi bày những nguy cơ phi nhân mà nó có thể đem đến.

Sự kháng cự của nghệ thuật trước khả năng thao túng đời sống con người của khoa học kỹ thuật, đến thời điểm này, vẫn là một thực tế. Một tâm lý technophobia (“sợ kỹ thuật”) tồn tại ở nhiều nghệ sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn, nhất là khi chứng kiến công nghệ số đã và đang không ngừng cải tạo môi trường vật chất và không gian tinh thần của con người một cách sâu sắc. Con người đang sống trong một thế giới bị màn hình hóa, không gian kỹ thuật số và không gian vật chất phân mảnh con người cùng lúc, ranh giới giữa ảo và thật trở nên nhập nhằng, luôn có khả năng chuyển hóa lẫn nhau, can thiệp lẫn nhau. Văn học cũng không được miễn trừ trước những tác động này của công nghệ số, thậm chí cái nền tảng tưởng chừng như bất di bất dịch của nó – trang giấy – nay cũng bị lung lay. Từ trước đến nay, hai hoạt động cơ bản nhất tạo nên sự sống của văn học là đọc và viết đều bắt đầu từ trang giấy. Những vận động, những thể nghiệm, cách tân, dù phá phách, nổi loạn đến đâu, hầu như cũng không diễn ra bên ngoài không gian vật chất nền tảng của văn học là trang giấy. Nhưng màn hình máy tính, với sự tiện dụng và nhiều tính năng của nó, đã xuất hiện như một khả thể khác. Nhiều nhà văn đã nhìn thấy sự bành trướng của thế giới màn hình vào trong vương quốc của hoạt động đọc-viết mà trang giấy xưa nay vốn độc quyền như là dấu hiệu của sự bất an. Trong số đó có nhà văn người Mỹ, Jonathan Franzen.

2. Jonathan Franzen sinh năm 1959, thường được nhắc đến như một tiểu thuyết gia quan trọng của văn chương đương đại Hoa Kỳ. Năm 2001, cuốn tiểu thuyết The Corrections của ông đã được trao giải thưởng Sách quốc gia (National Book Award), vào chung kết giải Pulitzer cho thể loại hư cấu và đồng thời cũng được đề cử cho giải thưởng văn chương quốc tế IMPAC. Năm 2010, với sự ra mắt tiểu thuyết Freedom, ông được tạp chí Time khẳng định là “Tiểu thuyết gia vĩ đại của văn chương Mỹ”. Bên cạnh tiếng vang từ những tiểu thuyết, Franzen còn là một cây bút tiểu luận sắc sảo với một giọng điệu châm biếm cay đắng không khoan nhượng. Một trong những chủ đề mà Franzen thường xuyên tấn công quyết liệt chính là chủ nghĩa tiêu thụ công nghệ (technocosumerism) và các hình thức truyền thông đại chúng. Sách điện tử, đối với Franzen, chính là dấu hiệu sự xâm thực của chủ nghĩa tiêu thụ công nghệ vào văn học và điều này hàm chứa những nguy cơ không thể xem thường đối với tương lai của văn học và rộng hơn là văn hóa. Franzen đã thẳng thừng đưa ra cảnh báo này trong bài thuyết trình của mình tại Festival Văn chương và Nghệ thuật Hay tổ chức tại thành phố Cartagena, Columbia tháng 1-2012.

Theo tường thuật trên các báo TelegraphThe Guardian – hai tờ báo chính bảo trợ thông tin cho Festival này, Jonathan Franzen đã không ngần ngại dùng những từ ngữ rất mạnh để công kích sách điện tử: “sách điện tử đang làm xói mòn các giá trị”, thậm chí, sách điện tử đang “phá hoại xã hội”. Theo Franzen, sách điện tử, và rộng hơn thế là thời đại số hóa này, đang hủy hoại một cảm thức có ý nghĩa đặc biệt, cần thiết đối với con người và thế giới của mình: cảm thức về sự cố định. Franzen diễn giải quan điểm ấy khá mạch lạc:

“Có thể sẽ chẳng ai quan tâm đến số phận của sách giấy 50 năm sau, kể từ bây giờ, nhưng tôi thì có. Khi đọc một quyển sách, tôi đang cầm trên tay một vật thể đặc biệt, trong một khoảng không gian và thời gian đặc biệt. Thực tế là khi tôi lấy quyển sách ra khỏi kệ thì nó vẫn nói cùng một điều, một câu chuyện ấy mà thôi… Có những người làm việc tận lực chỉ để làm sao ngôn từ thật chính xác, đúng như cách mà họ muốn. Và họ chắc chắn cấu trúc ngôn từ này sẽ được bảo đảm nếu họ in nó ra bằng mực, trên giấy. Một màn hình luôn đem đến cho ta cảm giác ta có thể xóa bỏ nó, thay đổi nó, dịch chuyển nó. Vì thế, một người sùng kính văn chương như tôi, màn hình không đem lại sự yên tâm về một điều gì đó cố định.”

Đối với những độc giả nghiêm túc, Franzen cho rằng “cảm quan về sự cố định luôn là một phần của kinh nghiệm”. “Mọi thứ khác trong đời ta đều lỏng, đều khả biến nhưng ở đây, ở văn bản này, mọi thứ không đổi,” ông nói tiếp. “Liệu 50 năm nữa, sẽ còn có độc giả nào vẫn nuôi cảm giác ấy? Có ai còn khao khát về một cái gì đó cố định, bất biến, không thể thay đổi? Tôi không có khối cầu pha lê để tiên tri. Nhưng tôi sợ rằng thế giới này sẽ khó khăn nếu như không có sự bảo đảm về một sự cố định như thế. Sự tùy tiện, ngẫu nhiên được thế giới số cho phép quá đà này không tương thích với một hệ thống công bằng và chế độ tự trị giàu tính trách nhiệm.”

Luận điểm của Franzen cho thấy: sự thay thế trang giấy bằng màn hình đồng nghĩa với việc văn chương phải chấp nhận một hình thức tồn tại phi cấu trúc, phi trật tự, ở đó, công nghệ số cho phép người đọc – giờ đây, đúng hơn phải gọi là người tiêu dùng – được phép ứng xử với tác phẩm của nhà văn – giờ đây, có tính chất như một vật, thậm chí một thứ hàng hóa – một cách tự do, tùy tiện. Hơn cả văn chương, thế giới bị số hóa, bị màn hình hóa này là một thế giới phi nền tảng, mọi thứ đều trơn trượt, đều có thể được tạo ra, thêm thắt và xóa bỏ trong khoảnh khắc. Trong thế giới ấy, những ý niệm về đạo đức, trách nhiệm, sự công bằng không thể được thiết lập bền vững. Con người phải chấp nhận một thế giới hỗn mang bởi chính những thành tựu của khoa học công nghệ.

3. Cùng với sự phê phán sách điện tử, Franzen cũng tấn công trực diện nhân tố được xem là đã cải tạo triệt để đời sống đương đại: mạng internet và hàng loạt những tiện ích phái sinh cùng với nó: các mạng xã hội, các hình thức thương mại điện tử, thư tín điện tử… Walter Berglund, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Freedom, dường như mang chính nỗi bức bối của tác giả: “Đó là những gì khiến tôi không thể ngủ được vào ban đêm,” Walter nói, “Tình trạng phân mảnh hóa này. Vì vấn đề tương tự xảy ra ở mọi nơi. Giống như internet, truyền hình cáp – không có bất cứ trung tâm nào, không có một sự đồng thuận chung nào, chỉ có hàng tỉ những tiếng động vo vo làm mất tập trung… Tất cả những thứ có thật, những thứ chân thực, những gì thật thà, đều đã chết sạch.”

Trong tiểu luận “What’s Wrong With the Modern World?” (Điều gì không ổn với thế giới hiện đại), Franzen thẳng thắn bày tỏ: cái thế giới mà công nghệ nuốt con người vào trong thực tại ảo mà nó tạo ra, nơi con người biến mất ngay khi họ đang bận rộn facebook hay sử dụng twitter, cái thế giới mà các cơn sốt công nghệ khiến con người thường xuyên rơi vào tình trạng cả thèm chóng chán… là cái thế giới gây nghiện, cái thế giới không ngừng náo động, không dành một góc yên tĩnh, khuất lấp nào cho cái cá nhân. Cái thế giới đó không phải là không gian lý tưởng của văn chương. Franzen đã phân tích chủ nghĩa bá quyền của nền thương mại điện tử mà Amazon có thể ví như một đề quốc và cho thấy chủ nghĩa bá quyền ấy có thể hủy hoại những nhân tố quan trọng tạo nên cảnh quan đa dạng của văn chương. Ông viết: “Amazon muốn một thế giới mà ở đó các cuốn sách hoặc là được các nhà văn tự xuất bản hoặc được xuất bản bởi chính Amazon, với những độc giả phụ thuộc vào những bình luận trên Amazon để chọn lựa sách, với những tác giả tự chịu trách nhiệm quảng bá cho sách của mình. Trong thế giới ấy, những hot blogger, những kẻ chơi twitter, của những kẻ quyền lực ảo trên mạng lại là những kẻ ăn nên làm ra với tiền được trả để họ bầu chọn năm sao cho những cuốn sách. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với những người muốn trở thành nhà văn  không thể chịu nổi sự hời hợt, nông cạn của những hành vi tương tác xã hội bằng hình thức blogging hay twitting như thế? Điều gì sẽ xảy ra với những người muốn giao tiếp ở chiều sâu, giữa cá nhân với cá nhân, trong sự yên tĩnh và cố định của trang sách in, với những người mà nhân cách của họ được hình thành một phần trong tình yêu với những nhà văn sáng tác ở cái thời mà việc xuất bản còn đảm bảo sự kiểm soát chất lượng bằng những hình thức nhất định và uy tín của nhà văn không phải là sự tự phô trương?”

Rất cực đoan nhưng không phải nỗi lo ngại của Jonathan Franzen không nhận được những chia sẻ từ những người cùng thời. Bằng một giọng điệu điềm tĩnh hơn, Chad.W Post trong bài “Reading in the Age of Screens” (Sự đọc ở thời đại màn hình) trên trang điện tử Publishing Pespectives  cũng cho rằng: rất có thể thời đại màn hình sẽ là thời kỳ may mắn của các thể loại văn chương giải trí, theo khuôn mẫu, có thể đọc nhanh. Nhưng văn học nghiêm túc lại luôn là thứ văn học phá vỡ khuôn mẫu, đòi hỏi một lối đọc chậm, kỹ lưỡng, nó không có nhiều không gian trong môi trường thương mại điện tử, người ta sẽ rất khó tìm được thông tin về nó trên các kênh thông tin rộng rãi. Thời đại số hóa phải chăng là thời đại mà những thứ văn chương nghiêm túc phải chấp nhận một địa vị ngoại vi, thiệt thòi?

4. Jonathan Franzen là người không chấp nhận một thứ chủ nghĩa chiết trung ba phải. Những phát biểu của ông về sách điện tử, về thời đại số hóa gây nên nhiều phản ứng trái chiều. Có người không ngần ngại nói thẳng quan điểm của Franzen là thứ quan điểm yếm thế của một kẻ mắc bệnh sợ công nghệ hoặc cho rằng ông không hiểu đúng về công nghệ, về sách điện tử. Có nhà văn sẽ chống lại thứ định kiến về công nghệ, về thời đại số, tìm cách để văn chương có thể hòa giải, thậm chí tận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, để mở rộng những khả năng của mình. Có người lại cho rằng chẳng nên bi quan quá. Bản thân Franzen thực ra đã tự cho phép mình lạc quan hơn người ta nghĩ. Trước nguy cơ sách giấy có thể tuyệt chủng trong 50 năm tới, bất chấp tất cả những nỗ lực bảo vệ nhiệt thành của Franzen, ông vẫn thấy chẳng có việc gì để không vui vẻ cả. Rất khiêu khích nhưng đồng thời lại rất có lý, ông nói, thật may, mình đã không sống đến thời điểm đó để chứng kiến điều này: “Một trong những điều an ủi của cái chết là nó khiến ta có thể nghĩ rằng, ‘Ừ, đó sẽ không phải là vấn đề của ta nữa…Nói một cách nghiêm túc, thế giới đang thay đổi nhanh chóng đến nỗi nếu được sống thêm 80 năm nữa, tôi thực tình sẽ không hiểu nổi làm thế nào người ta có thể chịu đựng được thế giới này về mặt tâm lý.”

(Bài viết được tổng thuật dựa trên những tài liệu sau:  Alison Flood, “The E-books are Corroding Values”,http://www.theguardian.com/books/2012/jan/30/jonathan-franzen-ebooks-values; Jonathan Franzen, “What’s Wrong With the Modern World?”, The Guardian, 13-09-2013,  Chad.W.Post, “Reading in the Age of Screens”, http://publishingperspectives.com/2011/02/reading-in-the-age-of-screens/ )

Comments are closed.