Jorge Luis Borges – Sáng lập trào lưu văn chương Hóa Ảo Hiện Thực (4)

Ngu Yên

4. (Hóa ảo hiện thực được ám chỉ bởi hiện thực hóa ảo)

clip_image002

(Tranh màu sơn dầu của Guillermo Basin)

Hỏi:

Ông đã từng xác nhận tác phẩm của ông đi từ biểu hiện của thuở ban đầu cho đến sau này là ám chỉ.

Borges:

Đúng như vậy.

Hỏi:

Theo ông, ý nghĩa từ “ám chỉ” là gì?

Borges:

Thế này, Tôi muốn nói: Khi bắt đầu viết, tôi nghĩ tất cả mọi thứ phải được định đoạt bởi nhà văn. Ví dụ, nếu chữ “mặt trăng” đã bị tuyệt đối nghiêm cấm (vì sử dụng quá mòn quá nhàm), chúng ta sẽ cần phải tìm một từ ngữ, một biệt danh khác cho mặt trăng. (Dĩ nhiên, tôi đơn giản hóa mọi điều. Tôi biết được vì đã dùng chữ “la luna” nhiều lần, nhưng đây là biểu tượng mà tôi thường dụng). Vâng, tôi nghĩ mọi thứ phải được xác định và không thể thay đổi cụm từ, (nếu đó là cụm từ) phải sử dụng. (Trước kia) Tôi sẽ không bao giờ nói “đại khái ai đó bước vào, ngồi xuống” vì quá đơn giản, quá dễ dàng. Theo tôi, cần phải tìm ra vài cách khác lạ để diễn tả. Sau này, tôi phát hiện những cách như vậy thông thường sẽ làm phiền người đọc.

Nhưng theo tôi, toàn bộ gốc rễ của vấn đề thật sự nằm ở nơi nhà văn khi còn trẻ, thông thường họ có cảm tưởng, không biết vì sao, những gì họ nói họ viết, tự thấy ngớ ngẩn, lộ liễu, tầm thường, rồi họ cố giấu vào những trang trí hoa mỹ, dưới ngôn ngữ (lộng lẫy) của các nhà văn thời thế kỷ mười bảy (văn chương Barốc). Nếu không, họ sẽ làm ngược lại, phô trương để thuộc về hiện đại: Họ thường xuyên sáng chế chữ mới hoặc ám chỉ (đủ loại) máy bay, đường ray, điện báo, điện thoại… bởi vì họ đang làm hết sức, chứng tỏ mình hiện đại.

Sau một thời gian trôi qua, họ cảm nhận ra, ý tưởng của họ dù tốt hoặc xấu, hay hoặc dở, nên được thể hiện rõ ràng, bởi vì nếu có một ý tưởng tất nhiên muốn bày tỏ ý tưởng đó, cảm giác đó, tâm trạng đó, vào đến tâm trí người đọc. Nếu cùng một lúc, muốn cố gắng trở thành (người khác), để nghĩ xem, Sir Thomas Browne (37) hoặc Ezra Pound (38), vị tất là không thể được. Tóm lại, theo tôi, nhà văn thông thường bắt đầu quá phức tạp: Họ chơi nhiều trò trong một lúc. Muốn truyền đạt tâm trạng khác thường (lập dị); đồng thời muốn phải là (nhân vật) hiện đại, nếu không, phản ứng sẽ quay lại cổ điển (truyền thống).

Về mặt từ vựng, việc đầu tiên của nhà văn trẻ, tối thiểu là trong đất nước này (Hoa Kỳ), họ có khuynh hướng bày tỏ cho người đọc biết họ sở hữu một cuốn từ điển; họ biết hết những từ đồng nghĩa, vì vậy chúng ta đọc được trong một câu, màu đỏ rồi màu tía, rồi chúng ta thấy được nhiều từ khác nữa, đậm hơn hoặc nhạt hơn, để tả cùng một màu: là màu tím.

Hỏi:

Như vậy, bài viết của ông nghiêng về văn cổ điển, phải không?

Borges:

Vâng, bây giờ là lúc tôi viết khá nhất. Bất cứ lúc nào, nếu tôi phát hiện một “từ-ngữ-ngoài-dòng”, chỉ là một cách nói, một từ đã dùng trong tiếng Tây Ban Nha cổ điển hoặc một từ dùng trong khu ổ chuột ở Buenos Aires, ý của tôi là, một từ không cùng dòng với những từ khác, tôi sẽ lấy nó ra, thay thế bằng một từ thông dụng. Tôi nhớ Stevenson (39) viết “Trong một trang sách hay, tất cả những từ nên thể hiện trong cùng một đường lối. Nếu ta viết một từ thô lỗ, kinh dị hoặc cổ xưa, như thế quy luật (cùng đường lối) bị phá vỡ, và quan trọng hơn, sự chú ý của người đọc bị bối rối vì chữ này. Người ta có thể đọc được một cách trôi chảy cho dù viết về siêu hình, triết lý hoặc bất kỳ về thứ gì.

Hỏi:

Dr. Johnson (40) cũng phát biểu tương tựa như vậy.

Borges:

Vâng, ông phát biểu như vậy là phải. Trong mọi trường hợp, ông nên đồng ý. Thế này nhé, tiếng Anh của ông rất nặng nề. Cảm giác đầu tiên anh nhận ra là ông viết tiếng Anh bằng ngôn ngữ cồng kềnh, dùng quá nhiều từ Latin, nhưng nếu đọc kỹ, sẽ thấy phía sau những câu rối rắm đó, luôn luôn có ý nghĩa, nói chung, có thú vị và ý nghĩa mới.

Hỏi:

Một cách riêng?

Borges:

Vâng, một cách riêng. Như vậy, dù ông viết trong phong cách Latin, theo tôi, ông là nhà văn dùng Anh ngữ chiến nhất. Tôi nghĩ như vậy về ông ta, là sự “phạm húy”, dĩ nhiên, nhưng tại sao không phạm húy trong khi chúng ta sắp sửa nói? Theo tôi, Johnson là nhà văn mang chất Anh cao hơn Shakespeare. Bởi vì nếu có một điều gì đặc trưng về người Anh, đó là thói quen nói ít hơn những gì phải nói. Vâng, trong trường hợp Shakespeare, không như vậy. Ngược lại, ông chồng chất thêm sự thống khổ, tôi nhớ như người Mỹ đã nhận xét. Theo tôi, Johnson viết một loại Latin Anh ngữ, còn Wordsworth (41) viết nghiêng về ngôn ngữ Saxon và một nhà văn thứ ba, tôi không nhớ tên, để xem, hãy kể Johnson, Wordsworth và Kipling, họ thấm nhuần đặc tính Anh ngữ hơn Shakespeare. Không hiểu tại sao, tôi luôn luôn có cảm giác điều gì của Ý, của Do Thái về Shakespeare; có thể người Anh ngưỡng mộ ông vì lẽ đó, vì không giống họ.

Hỏi:

Tại sao người Pháp không thích ông ấy đến độ như vậy, vì ông rất phô trương.

Borges:

Ông ta rất phô trương. Tôi nhớ vừa xem cuốn phim mấy ngày trước, không hay lắm, tên là Darling. Có trích dẫn vài câu thơ của Shakespeare. Ngày hôm nay, những câu thơ trích dẫn luôn luôn nghe hay hơn, vì (những câu đó) ông ta dùng tiếng Anh thành thạo. Ví dụ: “This other Eden, demi-paradise… This precious stone set in the silver sea”, v.v. Và vào lúc cuối, ông nói đại khái như, “this realm, this England.” (42). Độc giả đọc lời trích dẫn ngừng lại ở đây, nhưng trong bài viết, tôi nghĩ, những câu thơ tiếp theo khiến cho điểm muốn nói bị thất lạc. Điểm thật sự có ý nói về, một người cố gắng xác định giá trị nước Anh, yêu quốc gia này rất nhiều, rồi đến cuối cùng mới phát hiện, điều duy nhất có thể làm, là chỉ việc kêu lên “Anh quốc”, như thể anh kêu “Hoa Kỳ”. Nhưng nếu ông ta viết “this realm, this land, this England”, rồi viết tiếp “this demi-paradise”, v.v. thì điểm muốn nói bị lạc lõng vì England đáng lẽ phải là chữ sau cùng (43). Như thế, tôi đoán chừng Shakespeare luôn luôn sáng tác trong vội vã, như một diễn viên nói với Ben Jonson (44), cứ để vậy đi. Ông không có thời giờ để cảm thấy đáng lẽ chữ cuối cùng là chữ England, tổng hợp và xóa đi tất cả những thứ khác, nói rằng, “Vâng, tôi đã cố gắng thử một điều không thể được.” Nhưng ông vẫn cứ tiếp tục với ẩn dụ và phô trương, vì ông là người khoe khoang. Thậm chí câu nói nổi tiếng cuối cùng của Hamlet, tôi nhớ là “The rest is silence”. Có chút gì không thật ở đây, chỉ dùng gây ấn tượng. Tôi nghĩ, không có ai nói như vậy.

[Bỏ một câu hòi về lời nói của Hamlet trong kịch của Shakespeare.]

Hỏi:

Khi sáng tác, loại độc giả nào mà ông nghĩ đến để viết, nếu nghĩ đến, ai là đối tượng lý tưởng của ông?

Borges:

Có lẽ vài người bạn thân. Không phải tôi, vì tôi không bao giờ đọc lại những gì tôi sáng tác. Tôi rất e sợ cảm giác xấu hổ về những gì đã viết.

Hỏi:

Ông có kỳ vọng độc giả đọc tác phẩm ông, có thể nắm bắt những ám chỉ và những gợi ý bên trong?

Borges:

Không. Hầu hết những ám chỉ và gợi ý trong đó, đơn thuần là những chuyện đùa riêng.

Hỏi:

Chuyện đùa riêng?

Borges:

Chuyện đùa không thể chia sẻ với người khác. Tôi muốn nói, nếu họ hiểu được, thế là hay nhất, nhưng nếu không, tôi chẳng quan tâm một chút nào.

Hỏi:

Như vậy là ngược lại lối tiếp cận sự ám chỉ của Eliot trong tác phẩm The Waste Land.

Borges:

Theo tôi, Eliot và Joyce muốn độc giả của họ thà bị hoang mang và vì vậy, sẽ suy tư về ý nghĩ mà họ đã viết.

Hỏi:

Dường như ông đọc nhiều, nếu không muốn nói là hơn nhiều, những tài liệu thực tế hoặc thường thức so với truyện, tiểu thuyết và thi ca, có đúng không? Ví dụ, được biết như ông đọc từ điển bách khoa.

Borges:

À, đúng. Tôi rất thích đọc nó. Nhớ lại, có một thời thường xuyên đến đây để đọc. Lúc còn trẻ, tôi rất e ngại mượn sách. Tốt hơn tôi nên nói, không phải nghèo, nhưng thời đó, không mấy dư dả, nên thường đến đây mỗi đêm, lựa đọc những cuốn Bách khoa Từ điển Britannica, phiên bản cũ.

Hỏi:

Lần tái bản thứ mười một?

Borges:

Mười một hoặc mười hai vì những phiên bản đó hay hơn phiên bản mới rất nhiều. Đúng nghĩa sách để đọc. Bây giờ, chỉ là sách tham khảo. Trong khi phiên bản mười một hoặc mười hai Encyclopaedia Britannica có những bài viết dài của Macaulay, Coleridge; Không, không phải Coleridge mà của….

Hỏi:

Của De Quincey?

Borges:

Vâng, De Quincey và nhiều nữa. Vì vậy tôi thường lấy bất kỳ bộ sách nào trên kệ mà không cần phải hỏi họ: những sách tham khảo, tôi lật mãi cho đến khi tìm thấy bài thích thú, ví dụ, về đạo Mormon hoặc về bất kỳ một nhà văn nào đó. Tôi ngồi xuống, đọc ngay vì những bài viết này thực sự là chuyên khảo, những sách có thực chất và ngắn. Bách khoa từ điển Đức cũng vậy, Brockhaus và Meyers. Khi có phiên bản mới, tôi tưởng họ gọi là The Baby Btrochaus, nhưng không phải. Điều đó giải thích cho tôi biết, bởi vì người dân sống trong những căn phòng nhỏ, sẽ không còn chỗ chứa bộ sách gồm ba mươi cuốn. Bách khoa từ điển đang gặp vấn nạn lớn, đa phần sách bị đóng thùng (cất).

(Susanna Quintero bước vào: – Xin lỗi. Está esperando et Senor Campbell. “Ông Campbell đang chờ”. Borges: – Làm ơn nhắn với ông chờ thêm một lát nữa. Gia đình Campbell tiếp tục đến.)

Hỏi:

Tôi có thể hỏi ông thêm vài câu hỏi không?

Borges:

Vâng, dĩ nhiên là được.

Hỏi:

Một số độc giả nhận thấy truyện ông lạnh lẽo, vô cảm, không phải như một số nhà văn Pháp trẻ. Có phải ông muốn như vậy không?

Borges:

Không. [Nói giọng buồn phiền] Nếu chuyện đó xảy ra, là vì sự vụng về. Bởi vì tôi đã cảm nhận những truyện này một cách sâu sắc. Tôi đã nhận thức chúng hết sức thâm trầm, tôi đã tâm tình với chúng, đúng, sử dụng những biểu tượng kỳ lạ, để người đọc không thể phát hiện những truyện này, ít nhiều gì là những tự truyện. Những truyện về bản thân tôi, những kinh nghiệm cá nhân. Tôi cho rằng đó là sự thiếu tự tin của người Anh, không đúng sao?

Hỏi:

Như vậy một cuốn sách nhỏ trong bộ sách tên Everness có thể là cuốn sách đúng đắn cho những ai muốn đọc về công việc viết lách của ông?

Borges:

Tôi nghĩ là đúng. Ngoài ra, nữ tác giả là bạn thân. Tôi tìm thấy từ này [everness] trong từ điển Roger’s Thesaurus. Theo tôi từ này được sáng tạo bởi Bishop Wilkins (45), ông đặt ra loại ngôn ngữ mô phỏng.

Hỏi:

Ông đã viết về điều này.

Borges:

Vâng, tôi viết về Wilkins. Nhưng ông cũng sáng tác ra một từ kỳ lạ mà lạ lùng thay, những thi sĩ Anh không bao giờ dùng, một từ kinh sợ, một từ ghê gớm. Dĩ nhiên từ everness hay hơn từ eternity vì bây giờ từ eternity đã khá cũ. Ever-r-ness hay hơn từ Ewigkelt tiếng Đức, cùng nghĩa.

Nhưng ông cũng phát minh một từ đẹp, một từ mang bản chất thơ nội hàm: Từ neverness. Chữ đẹp, không đúng sao? Ông ta sáng tạo nó. Tôi không hiểu vì sao những thi sĩ lại bỏ rơi, không bao giờ sử dụng.

Hỏi:

Ông đã sử dụng chưa?

Borges:

Không, không, không bao giờ. Tôi dùng từ everness nhưng từ neverness quá đẹp. Có điều gì vô vọng trong chữ đó, không đúng sao? Không có từ nào cùng nghĩa với nó trong các ngôn ngữ khác, kể cả tiếng Anh. Anh có thể nghĩ là không thể nào, nhưng từ neverness là từ đã được thuần hóa: ness là tiếng Saxon dùng để chấm dứt. Neverness. Keats dùng từ nothingness trong câu: Till love and fame to nothingness do sink, nhưng nothingness, theo tôi, không hay bằng neverness. Tây Ban Nha có từ nadería, nhiều từ tương tựa, nhưng không có từ nào như neverness. Như thế, nếu anh là thi sĩ, nên sử dụng từ này. Thật đáng tiếc cho từ này bị thất lạc trong những trang từ điển. Tôi nghĩ, chưa có ai dùng bao giờ, có thể dùng bởi các nhà thần học, có thể. Tôi cho rằng Jonathan Edwards (46) có thể thích loại từ này và Sir Thomas Browne, có lẽ, và Shakespeare, dĩ nhiên, vì ông ta rất yêu chữ nghĩa.

Hỏi:

Ông phản ứng với Anh ngữ rất giỏi, ông lại yêu thích ngôn ngữ này rất nhiều, tại sao ông viết bằng tiếng Anh rất ít?

Borges:

Tại sao ư? Tại sao, vì tôi e ngại, sợ. Nhưng năm tới, tôi sẽ cung cấp những bài giảng của tôi, viết bằng Anh ngữ. Tôi đã viết cho Đại học Havard.

Hỏi:

Sang năm ông sẽ đến Havard?

Borges:

Vâng, tôi sẽ thuyết giảng một khóa học về thi ca. Nhân nghĩ đến thơ, khó dễ gì cũng không chuyển dịch được. Nhân nghĩ về văn chương Anh, bao gồm Mỹ, là phong phú nhất thế giới. Tôi sẽ sử dụng hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ những ví dụ đến từ thi ca Anh. Dĩ nhiên, từ sở thích riêng, tôi cũng sẽ đem vào vài câu thơ cổ của Anh. Thực tế, theo ý kiến của các học viên, những câu này đậm chất Anh hơn tiếng Anh của Chaucer (47).

Hỏi:

Trở lại với tác phẩm của ông một chút: Tôi vẫn thường tự hỏi, làm thế nào để ông sắp xếp những tác phẩm trong các bộ sưu tập. Rõ ràng, cách chọn lựa không phải theo thứ tự thời gian. Có phải là sắp theo cùng chủ đề không?

Borges:

Không, không theo thời gian; nhưng đôi khi tôi phát hiện mình đã viết trùng ngụ ngôn hoặc viết cùng câu truyện, nghĩa là hai câu truyện có cùng một ý nghĩa, vì vậy tôi sắp chúng cạnh nhau. Chỉ có nguyên tắc đó. Ví dụ, đã có lần xảy ra cho tôi, khi làm một bài thơ, không hay lắm, rồi nhiều năm sau, tôi viết lại. Sau khi viết xong, một số bạn tôi nhận xét, “Thế này, giống như bài thơ bạn đã xuất bản năm năm về trước”. Tôi trả lời, “Ừ, như vậy chẳng sao”. Nhưng ý kiến đó không phai nhạt trong tôi. Tóm lại, theo tôi, một thi sĩ có thể có năm hoặc sáu bài thơ và không nên làm hơn nữa. Họ sẽ cố gắng viết lại những bài đó bằng một cách khác, có lẽ với diễn tiến khác ở những lứa tuổi khác, với nhân vật khác, nhưng bản chất và nội hàm của những bài thơ, giống nhau.

Hỏi:

Ông viết rất nhiều bài phê bình và tiểu luận trên báo.

Borges:

Vâng, đó là những việc tôi cần làm.

Hỏi:

Có phải ông tự chọn những sách để phê bình?

Borges:

Vâng, tôi thường làm như vậy.

Hỏi:

Như thế, sự chọn lựa thể hiện sở thích của ông?

Borges:

Ô vâng, đúng. Ví dụ, khi có người nào nhờ tôi bình luận về một “lịch sử văn học” nào đó, tôi tìm thấy nhiều sai lầm và ngớ ngẩn nhưng vì tôi rất ngưỡng mộ tác giả hoặc thi sĩ nên từ chối, “Không, tôi không muốn viết vì nếu bình luận, tôi sẽ phê phán (phản đối) nó”. Tôi không muốn đụng chạm người khác, nhất là bây giờ. Khi còn trẻ thì được. Tôi rất ngây thơ về việc này, nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi nhận ra, chẳng có ích lợi gì. Khi viết vì ưa thích hoặc phản đối một người nào, hầu như chẳng giúp ích gì hoặc làm hại họ. Theo tôi, người ta có thể nhận được ích lợi, vâng, họ có thể đạt được hay không là do chính sáng tác của họ. Không phải do người khác phê phán, cho dù họ phô trương ồn ào và người khác xưng tụng là thiên tài, cũng vậy thôi, lúc nào đó họ sẽ nhận ra.

Hỏi:

Ông có phương pháp nào đặc biệt để đặt tên cho các nhân vật không?

Borges:

Có hai phương pháp: Thứ nhất là tìm từ tên của ông nội ông ngoại, ông cố và những ông tổ… Để cho nhân vật một bản tính, để xem, tôi không muốn nói là truyền lại sự sống nhưng đó là một cách. Phương pháp kia, dùng tên của những người vì lý do gì đó, nổi bật ra. Ví dụ, trong một câu truyện, có nhân vật thỉnh thoảng xuất hiện, tên là Yarmolinsky, vì cái tên đó khích động tôi, một từ lạ, không đúng sao? Một nhân vật khác tên Red Scharlach vì Scharlach có nghĩa đỏ tươi trong tiếng Đức, và nhân vật này giết người. Không đúng sao? Red Scharlach nghĩa là Đỏ Đỏ Tươi.

Hỏi:

Còn công chúa có tên rất đẹp xuất hiện trong hai câu truyện của ông?

Borges:

Faucigny Lucinge? Vâng, cô ấy là người bạn tốt của tôi, người Argentine, lập gia đình với hoàng tử Pháp. Tên cô rất đẹp, như những tước hiệu của Pháp, đặc biệt, nếu bỏ đi từ Faucigny, như cô đã làm. Cô tự gọi là La Princess de Lucinge. Đó là cụm từ rất đẹp.

[Bỏ ba câu hỏi liên quan đến những tên nhân vật có gốc từ Latin và thơ cổ Anh ngữ]

Hỏi:

Có thể nói trong những truyện của ông, ông đã cố cho lai giống giữa truyện ngắn và tiểu luận?

Borges:

Vâng, nhưng tôi làm việc đó có mục đích. Người đầu tiên chỉ ra điểm này là Casares. Anh ta nói, tôi viết truyện ngắn đã thực sự sắp xếp giữa tiểu luận và truyện.

Hỏi:

Có phải đây là phần đền bù cho sự nhút nhát của ông, khi viết tự sự?

Borges:

Vâng, có thể là vậy, Vâng, vì ngày nay, hoặc tối thiểu là hôm nay, tôi bắt đầu viết một loạt truyện về bọn thổ phỉ ở Buenos Aires: Những truyện rất đơn giản. Không có bàn luận gì về họ, kể cả không có thi ca. Truyện kể một cách thẳng thắn, cảm tưởng buồn bã, có lẽ, khủng khiếp. Những truyện luôn luôn được giữ kín. Được kể lại bởi chính các tay thổ phỉ, rất khó hiểu. Có thể là bi kịch, nhưng họ không cảm thấy bi kịch. Họ đơn thuần kể lại truyện và độc giả, tôi cho rằng, sẽ tự mình đào sâu vào câu truyện. Không có gì để nói về tâm tình của các nhân vật, tôi mượn điều đó từ Old Norse saga [truyện cổ dân gian của Na Uy]. Ý chính là người ta nên hiểu nhân vật qua lời nói và hành vi, không nên chui vào não sọ để nói giùm những gì họ nghĩ.

Hỏi:

Như vậy họ vô tâm lý không phải vô cảm?

Borges:

Vâng, nhưng là loại tâm lý ẩn núp sau câu truyện vì, nếu không, các nhân vật chỉ là búp bê múa rối.

Hỏi:

Còn Cabala (Kabbalah) thì sao? Lúc nào thì ông quan tâm về điều này?

Borges:

Tôi nghĩ là qua De Quincey, thông qua khái niệm của ông ta, cả thế giới là một tập hợp các biểu tượng, nghĩa là, mọi thứ đều có một ý nghĩa khác. Khi tôi sống ở Geneva, tôi có hai bạn thân, Maurice Abramowicz và Simon Jichlinski, tên họ cho biết họ xuất thân từ đâu, là người Ba Lan gốc Do thái.

Tôi rất ngưỡng mộ Thụy Sĩ và đất nước đó, không phải đơn thuần phong cảnh và phố thị, nhưng dân Thụy Sĩ rất thiếu thân thiện; khó tìm một người bạn Thụy Sĩ vì họ sống nhờ ngoại quốc, tôi có cảm tưởng không thích họ. Cũng như trường hợp Mehico. Họ sống chủ yếu nhờ vào Hoa Kỳ, du khách Mỹ, tôi nghĩ, không ai muốn làm nhân viên khách sạn, mặc dù không có gì hèn khi làm việc này. Nếu anh phải làm vui lòng nhiều loại người từ nhiều quốc gia khác, anh sẽ cảm thấy họ khác biệt và anh dễ không thích họ sau một thời gian dài.

Hỏi:

Có phải ông cố làm cho truyện ông trở nên thần bí?

Borges:

Vâng, đôi khi tôi cố làm như vậy.

Hỏi:

Có phải ông dùng cách diễn giải thần bí theo lối truyền thống?

Borges:

Không. Tôi đọc cuốn sách Những khuynh hướng chính trong đạo thần bí của Do Thái.

Hỏi:

Có phải của tác giả Scholem? (48).

Borges:

Phải, do Scholem và một cuốn sách khác viết bởi Trachtenberg về sự mê tín của người Do Thái. Sau đó, tôi đọc hầu hết các sách về Cabala mà tôi tìm được và những bài viết trong bách khoa từ điển, v.v. Tôi không hề biết tiếng Hebrew [ngôn ngữ Do Thái cổ]. Tôi có thể có tổ tiên gốc Do Thái nhưng không chắc. Mẹ tôi tên Acevedo: Acevedo có thể là tên Do Thái ở Bồ Đào Nha, cũng có thể không phải. Bây giờ, nếu tên anh là Abraham, theo tôi, không thể nghi ngờ gì nữa [gốc Do Thái]. Nhưng người Do Thái lưu lạc mang tên Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, không nhất thiết nếu mang một trong những tên [nguồn Do Thái] sẽ tự động là dân Do Thái. Từ Acevedo, dĩ nhiên, nghĩa là cây, từ này không phải từ đặc thù thuộc tiếng Do Thái, dù nhiều người Do Thái tên Acevedo. Tôi không thể phân biệt. Tôi ước mình có vài ông tổ người Do Thái.

Hỏi:

Đã có lần ông viết rằng, tất cả mọi người hoặc theo phái Plato hoặc theo phái Aristote.

Borges:

Không phải tôi, Coleridge viết.

Hỏi:

Nhưng ông trích dẫn.

Borges:

Đúng, tôi trích dẫn của ông ta.

Hỏi:

Ông thuộc phái nào?

Borges:

Tôi nghĩ, tôi ở phái Aristote. Nhưng ước gì có lối chọn khác. Theo tôi, Đó là điệu nói của Anh khiến tôi suy nghĩ về sự việc và con người trong thực tế hơn là ý tưởng chung thực tế. Nhưng tôi e rằng gia đình Campbell đang đến đây.

Hỏi:

Trước khi tôi từ giã, ông có thể ký tên vào cuốn sách Labyrinths cho tôi không?

Borges:

Tôi rất vui lòng. A, vâng, chính cuốn sách này. Đây hình của tôi. Nhưng có phải tôi thực sự giống như thế? Tôi không thích hình này. Tôi không nên buồn rầu? Trông chán nản quá?

Hỏi:

Ông không nghĩ là giống như ông đang trầm ngâm?

Borges:

Có lẽ. Nhưng u ám quá? Nặng nề quá? Cái trán… Ô, mà thôi…

Hỏi:

Ông có thích phiên bản cuốn sách này không?

Borges:

Một bản dịch hay, không đúng sao? Ngoại trừ dùng quá nhiều từ Latin. Ví dụ, giả tỷ nếu tôi viết habitación oscura (căn phòng tối), (dĩ nhiên, tôi sẽ không viết như vậy, mà viết cuarto oscuro, nhưng cứ giả tỷ tôi đã viết như trên) thì khuynh hướng để dịch chữ habitación là chữ habitation (nhà ở), từ có nghĩa gần giống chữ gốc. Nhưng từ mà tôi muốn là room (căn phòng): nghe xác định, đơn giản, hay hơn. Anh biết không, Anh văn là ngôn ngữ đẹp, nhưng Anh văn cổ còn đẹp hơn nữa: Họ dùng nguyên âm. Trong Anh văn thời nay, những nguyên âm mất dần giá trị, mất sắc màu. Tôi hy vọng Anh văn, cho ngôn ngữ Anh, trở thành tiếng Hoa Kỳ. Người Mỹ nói rõ ràng. Gần đây tôi đi xem phim, không còn thấy nhiều (vì mất thị giác), nhưng trong phim Mỹ, nghe hiểu từng chữ, còn trong phim Anh, tôi không thể hiểu nhiều. Anh có bao giờ phát hiện như vậy không?

Hỏi:

Thỉnh thoảng, phần nào trong phim hài hước. Diễn viên Anh dường như nói rất nhanh.

Borges:

Đúng lắm! Chính xác! Quá nhanh và nhấn mạnh quá ít. Họ nuốt chữ làm âm thanh khó nghe, không rõ vì nhanh quá. Không, Hoa Kỳ phải bảo vệ ngôn ngữ này, anh biết không, tôi nghĩ tiếng Tây Ban Nha cũng trong tình trạng như vậy? Tôi thích lối nói của Nam Mỹ hơn. Tôi luôn luôn thích. Tôi cho rằng ở Hoa Kỳ người ta không còn đọc Ring Lardner (49) hoặc Bret Harte (50) nhiều nữa?

Hỏi:

Họ đọc, nhưng phần nhiều ở các trường trung học.

Borges:

Còn O. Henry (51) thì sao?

Hỏi:

Cũng vậy. Chủ yếu ở trung học.

Borges:

Như vậy, tôi nghĩ, hầu hết vì kỹ thuật, tạo ngạc nhiên trong phần chấm dứt. Tôi không thích thủ thuật này, còn anh thì sao? Ô, trong lý thuyết thì được, nhưng trong thực hành là một chuyện khác. Anh có thể đọc một lần nếu có điều kinh ngạc. Anh còn nhớ lời Đức Giáo Hoàng nói, “nghệ thuật sa lầy”. Ngoài ra, [trong truyện] còn có nhân vật, cảnh tượng, phong cảnh để làm chúng ta thỏa mãn. Nhưng bây giờ tôi sực nhớ gia đình Campbell đang sắp tới, họ sắp tới. Có thể nói, họ là những người dữ dằn. Họ ở đâu rồi?

GHI CHÚ

(37) Thomas Browne (1605-1682): là nhà văn kiêm nhà toán học, người Anh. Ngoài ra, ông được xem là nhà bác học trong nhiều lãnh vực như y khoa, khoa học thực nghiệm, tôn giáo…

(38) Ezra Pound (1885-1972): thi sĩ Hoa Kỳ và nhà phê bình, đóng vai trò quan trọng buổi sơ khai của thời Hiện Đại.

(39) Có thể là Robert Louis Stevenson (1850-1894): nhà văn Tô Cách Lan kiêm thi sĩ, tiểu luận gia… tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, sắp hạng 26 trên thế giới về mặt chuyển dịch.

(40) Samuel Johnson (1709-1784): thường được biết bởi biệt danh Dr. Johnson. Là nhà văn, nhà thơ, phê bình gia, tiểu luận gia…

(41) William Wordsworth (1770-1850): là một nhà thơ người Anh, đã cùng với Samuel Taylor Coleridge xây dựng phong trào văn chương Lãng mạn trong dòng văn học Anh quốc.

(42) Những câu thơ này xin giữ nguyên vì nằm trong thơ hoặc kịch thơ của Shakespeare. Phải có một đoạn hoặc toàn bài mới hiểu được. Nghĩa đại khái là “Vườn Địa Đàng khác này, một nửa thiên đàng… Viên đá quý này chìm vào biển sắc bạc”, “vương quốc này, Anh quốc này”. Tóm lại, Borges cho rằng những câu trích được chọn lựa là những câu mang đậm bản sắc Anh ngữ.

(43) Borges phân tích về phong cách diễn đạt theo đường lối của người Anh thuần thục ngôn ngữ.

(44) Benjamin “Ben” Jonson (1572-1637): kịch tác gia, thi sĩ, phê bình, diễn viên sân khấu. Nổi tiếng trong lãnh vực hài kịch.

(45) Bishop John Wilkins (1614-1672): nhà tư tưởng và nhà văn. Từng là giám mục địa phận Chester (1668-72).

(46) Jonathan Edwards (1703-1758): mục sư, nhà tư tưởng, nhà thần học.

(47) Geoffrey Chaucer (1343-1400): nhà văn, nhà thơ, triết gia. Được xem là người khai phá dòng văn học Anh ngữ.

(48) Gerhom Scholem (1897-1982): là nhà tư tưởng Đức gốc Do Thái. Chuyên về lãnh vực thần bí của Do Thái. Ngoài ra, ông còn là nhà sử học.

(49) Ring Lardner (1885-1933): nhà báo Mỹ kiêm nhà văn chuyên viết truyện ngắn.

(50) Bret Harte (1836-1902): tác gia Hoa Kỳ và thi sĩ nhưng nổi tiếng cuốn truyện California Gold Rush.

(51) O. Henry (1862-1910): tên thật là William Sydney Porter, nhà văn chuyên viết truyện ngắn với kỹ thuật chấm dứt đầy ngạc nhiên.

Comments are closed.