KHẢO SÁT CÔNG TRẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI PHÁP GIÚP VUA GIA LONG (22)

Thụy Khuê

 

Văn Việt: Bài “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp Vua Giúp Long” Kỳ 22 đã đăng trên Văn Việt ngày 9/8/2015, vừa được nhà nghiên cứu Thụy Khuê sửa lại để đảm bảo sự chuẩn xác của các tư liệu. Văn Việt đã thay bản mới tại trang V.V ngày 9/8/2015, đồng thời xin đăng lại tại đây để bạn đọc lưu ý. Xin cảm ơn tác giả và quí bạn đọc. 

 

Chương 16: IV- Jean-Marie Dayot (1759- 1809)

 

Phần II: Sự sáng chế những “công trạng” ảo của Dayot từ các ngòi bút thuộc địa

 

Tất cả hình ảnh những “sĩ quan” Pháp đứng đầu trong các ngành, làm “kỹ sư trưởng”, “chỉ huy trưởng”, “xây dựng thành đài”, “thiết lập thuỷ binh”, và “huấn luyện quân đội”… nói chung là “giúp đỡ” và “dạy dỗ” Gia Long thành lập một quân đội tân tiến, xây những “thành đài theo kiểu Vauban” mà các ngòi bút thuộc địa dầy công tô đậm, đôi khi chỉ cần vài dòng chân thực của một vị thừa sai, là bị quét sạch.

 

Sự vô hạnh của những người lính đánh thuê

Sự vô hạnh của những lính Pháp và Bồ, khi đặt chân đến nước Việt, được giáo sĩ Le Labousse ghi lại trong lá thư gửi quản sự Létondal ngày 28/5/1790, một tháng trước khi một số trong bọn họ được nhận chức cai đội, như sau: “Chúng tôi rất bực mình vì mỗi ngày được nghe và thấy hàng ngàn câu chuyện nhục nhã xảy ra vì hạnh kiểm của bọn [lính] Pháp và Bồ… Chúng tôi đã chán ngán phải rên siết vì chiến tranh tàn phá giáo dân, không cần những người Âu này đến để trùm lên chúng tôi những hỗn độn vì sự dâm ô và vô kỷ luật của họ (leur incontinence le leurs désordres). Đức Ông [Bá Đa Lộc] đã quỵ ngã vì gánh nặng này (succombe sous le faix); người đã chán ngấy bọn đồng hương; phải có một tâm hồn cao thượng và mạnh mẽ lắm, người mới trụ nổi” (Launay, III, note 1, t. 209).

Hai năm sau, giáo sĩ Lavoué gửi thư cho M. Létondal từ Lái Thiêu, ngày 16/6/1792, viết:

“… nhà vua, bất mãn với những người Pháp, đã cho họ nghỉ tất cả, trong những ngày đầu tháng năm[1792]; hay chính những người Pháp bất mãn với vua, đã xin nghỉ và vua cho phép ngay lập tức” (Launay, III, t. 295).

Ngày 16/4/1793, trong một thư gửi cho hai người bạn Lewet và Roland, Olivier de Puymanel viết:“… tôi thề vời các anh đó, trạng thái này [xưng tội] tốt hơn hết tất cả những gì mà ta gọi là khoái lạc. Tôi cũng xấu hổ vì nhiều khi đã làm gương xấu cho các anh, và tôi muốn sữa lỗi, vì tôi tin chắc rằng sự chơi bời dẫn đến sự vô đạo” (Cadière, Les francais au service de Gia Long, Leur correspondance, BAVH, 1926, IV, t. 365)

Nhờ những dòng ngắn ngủi này mà chúng ta hiểu rõ tình trạng những năm đầu, khi đám lính Pháp và Bồ đánh thuê đến Nam Hà và vai trò cũng như tình cảm của Bá Đa Lộc đối với bọn người này. Những lời trên đây của các giáo sĩ Le Labousse, Lavoué và chính Puymanel đã:

– Đặt những người lính Pháp đào ngũ, đánh thuê, trong bối cảnh thực sự của họ với những thói hư tật xấu.

– Vô hiệu hoá tất cả các lập luận cho rằng giám mục Bá Đa Lộc “điều khiển quân đội” và ban chức Tư lệnh bộ binh cho Puymanel, Tư lệnh hải quân cho JM Dayot, vv… mà ngược lại, vị giám mục đã chịu đựng sự vô hạnh của họ như nỗi bất hạnh của chính mình.

Chuyện Dayot thâm lạm ngân quỹ năm 1792 chỉ là giọt nước làm tràn cái chén đã đầy.

 

Vụ Dayot thâm lạm ngân quỹ năm 1792

Được hưởng nhiều ân sủng và sự tin cậy của vua Gia Long, nhưng Dayot đã không làm tròn phận sự ghi trong văn bằng Khâm sai Cai đội. Nếu chuyến đầu tiên vua sai Dayot đi Phi Luật Tân (chỉ dụ ngày 27/6/1790) thành công, khiến vua bằng lòng, tháng 7/1791, triều đình viết thư cám ơn viên toàn quyền Phi Luật Tân, như đã nói ở phần I, thì chuyến đi Phi lần thứ hai, Dayot đã phạm tội thâm lạm ngân quỹ. Thư của giáo sĩ Le Labousse viết cho M. Letondal ngày 17/6/1792, có những lời sau:

Chuyến đi xui xẻo từ Macao sang Manille của Dayot và sổ sách cực kỳ thâm lạm của anh ta đã làm cho vua ghê tởm, bực quá không thèm nói gì thêm, vua sai đuổi hết không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ. Họ cũng không đợi vua đuổi, họ đã làm đơn xin về và được chấp thuận liền. Điều này khiến cho Đức Cha [Bá Đa Lộc] quyết định, vì từ lâu người đã rất bất mãn với vua và vv…, lại một lần nữa xin vua cho phép người được về Pháp, lấy cớ có việc nhà. Vua đã thuận cho, rồi nghĩ lại, vua đổi ý” (Launay, III, t. 296).

Giám mục Bá Đa Lộc, từ khi đem hoàng tử Cảnh trở về, ở trong một địa vị rất khó khăn: Vừa thất bại trong sứ mệnh cầu viện, vừa là cha đỡ đầu cho một bọn lính đào ngũ vô kỷ luật, vừa chịu sự ác cảm của các bà hoàng và sự nổi giận của vua, vì đã dạy hoàng tử không được lậy trước bàn thờ tổ tiên, vừa bất mãn với vua vì không được Gia Long nghe lời khuyên nên đánh ngay ra Bắc. Trong hai năm, ông đã bị dày vò về vấn đề đi hay ở.

Năm 1792, đối với giám mục Bá là năm phải quyết định bỏ đi, vì trước mắt có một cái họa lớn: Quang Trung sắp đánh xuống miền Nam qua ngả Lào; nếu Quang Trung thắng mà ông còn ở đó, thì họ đạo của ông sẽ bị tiêu diệt vì Quang Trung không thể tha thứ tội ông đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Mà trở về Pháp trong thời điểm hỗn loạn đẫm máu sau cách mạng 1789, giáo quyền bị triệt tiêu, là bất cẩn, có thể mất đầu, nên ông chỉ tính đi lánh nạn ở nước ngoài, đợi khi chiến cuộc ngã ngũ, sẽ trở về đất Việt, đó là toan tính của ông.

Về phiá những lính Pháp đánh thuê, sự bỏ Gia Long để đi chỗ khác, đến từ những yếu tố:

– Vì sự vô hạnh của họ nên vua nổi giận đuổi họ đi.

– Họ chê vua trả lương ít.

– Họ đến đây với mục đích tìm của, tìm vàng, nhưng không “tìm” thấy gì cả.

– Và sau cùng, khi nghe tin Nguyễn Huệ sắp đánh xuống miền Nam, họ không muốn chết vì một cuộc chiến không dính dáng gì đến họ.

Tuy nhiên, Gia Long là một chính trị gia tầm vóc, ông biết trong tình trạng cấp bách này, không nên để cho địch thấy sự đổ vỡ của việc “người Âu đến giúp” mà ông vẫn dùng như một lợi khí tuyên truyền. Vì vậy, ông đã thuyết phục giám mục Ba Đa Lộc ở lại, và khi vị giám mục, người cha tinh thần của họ ở lại, thì những người lính theo đạo Gia Tô này sẽ theo. Vì vậy, vua tỏ những cử chỉ khuyến khích: cho Puymanel được thăng chức Vệ uý, vì đã có công trong đội ngũ pháo binh, “chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí” cùng với Trần Văn Học (LT, II, t. 282). Dayot cũng được vua bỏ qua lỗi thâm lạm, tuy nhiên nhà vua sẽ không gửi y đi mua bán ở ngoại quốc nữa, Dayot được sung vào ban tiếp vận lương thực cho quân đội. Chính nhờ nhiệm vụ tiếp vận quân lương này mà Dayot có đủ phương tiện để vẽ thủy đạo đồ bờ biển miền Nam như anh ta đã tả lại trong bài ký sự ghi ở phần I.

Sự kiện Dayot được quản hai chiếc tàu và phục vụ trong đội vận tải quân lương, sẽ được các sử gia thuộc địa khuếch trương thành Dayot, “tư lệnh hải quân” của Gia Long và là “người anh hùng thắng trận Thị Nại 1792″ như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu dần, từng bước một, ở dưới. Nhưng trước khi đi xa hơn, chúng tôi muốn trình bầy sức mạnh thuỷ quân của Nguyễn Vương, để độc giả thấy rõ hơn, những điều có thật và những điều người ta biạ đặt ra, sau này.

 

Sức mạnh của thuỷ quân Nguyễn Ánh

Để trả lời những sai lầm, vì chủ quan của người Pháp, tưởng cái gì họ cũng làm thầy, và những sai lầm của người Việt, vì mặc cảm bị trị, tưởng cái gì mình cũng phải học của Tây, chúng tôi xin nhắc lại một số dữ kiện sau đây:

Khoảng cuối thế kỷ XVIII, tức là đoạn lịch sử mà chúng ta đang khảo sát, thuyền tàu của Tây phương chưa tiến bộ đến mức vượt xa thuyền tàu Đông phương. Bởi cả Đông lẫn Tây đều dùng thuyền, tàu buồm. Chúng ta chỉ cần xem tàu Bounty trong cinéma, hay tàu của Lafayette mà người Pháp vừa làm lại nguyên bản, và cho chạy xuyên đại dương sang Mỹ là thấy rõ.

Tàu Tây chỉ hơn hẳn tàu Ta một bực, khoảng hơn nửa thế kỷ sau, khi khoa học Âu châu đã phát triển mạnh trong khi Á Châu, trừ Nhật, còn ở trong tình trạng lạc hậu.

Các chiến thuyền của Tây phương, thời Gia Long khởi nghiệp (1777-1800) có khác với chiến thuyền của Đông phương; sự khác biệt này, cả ưu lẫn nhược điểm của đôi bên, đã được Barrow và Montyon phân tích trong sách của họ (xin xem chương 4: Barrow và chương 7: Montyon). Một câu hỏi cần được trả lời cặn kẽ hơn: Thuỷ binh Nam Hà -lực lượng chính của quân đội Nguyễn Ánh- tại sao lại hùng mạnh?

Theo các tác giả thuộc địa, mà người Việt thường chép lại, là nhờ sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc và nhờ những “sĩ quan” Pháp đem kỹ thuật tân tiến của Tây phương vào.

Lời sau đây của Tạ Chí Đại Trường có thể coi là tiêu biểu: “Đặc sắc của thuỷ quân Gia Định là sự dồi dào vũ khí, hiệu suất cao của chúng, là các tàu bọc vỏ đồng chắc chắn cùng chiến thuật mới của các sĩ quan Tây phương đưa vào” (LSNCVN, t. 237).

Trong những chương trước, chúng tôi đã tháo gỡ dần dần những sự “ngộ nhận” này. Ở đây, xin trình bầy thêm một số điểm chưa được nói đến: Thuỷ quân Nam Hà, phát triển rất sớm, không nhờ vào những đội “tàu Tây”, do “người Tây” Dayot “lãnh đạo” và “huấn luyện”, mà nhờ ở những yếu tố sau đây:

1- “Đất Gia Định nhiều sông kinh, cù lao, bãi cát, trong 10 người đã có 9 người giỏi nghề bơi lội, chèo thuyền”. “Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, Phong tục chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử).

2- Chúng ta đừng quên rằng cả Nguyễn Ánh lẫn Tây Sơn đều mạnh về thuỷ binh. Nguyễn Huệ xuất quân vào Nam, ra Bắc, một cách thần tốc. Biết vậy, Nguyễn Ánh đã sớm mở mang kỹ thuật đóng thuyền, tàu (ta gọi tất cả là thuyền), nhờ tướng giỏi, có tài đóng thuyền như Đỗ Thanh Nhơn, Võ Di Nguy và lại liên tục sai người đi mua thuyền, tàu ngoại quốc. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh có thêm Trần Văn Thái, thuộc Công bộ của Tây Sơn về hàng, hợp lực với Võ Di Nguy trong việc đóng tàu thuyền. Võ Di Nguy tử trận khi đánh nhau với Võ Văn Dũng ở Thị Nại, 1801. Trần Văn Thái sau làm đến chức Công bộ thượng thư (LT, II, t. 474). Tháng 8/1787, Nguyễn Văn Trương, chưởng cơ của Tây sơn đem 300 quân tinh nhuệ và 15 chiến thuyền về theo, Nguyễn Ánh trao cho chức Khâm Sai Chưởng Cơ, quản đạo Tiên phong Thuỷ dinh Trung quân; sau trở thành đại tướng thống lãnh toàn bộ thuỷ binh của Nguyễn Ánh và lập công lón trong các trận Thị Nại 1792, Thị Nại 1801, Quảng Nam, Phú Xuân… Như vậy chứng tỏ Nguyễn Ánh biết dùng người và Tây Sơn cũng có một nền thuỷ binh mạnh mẽ không kém.

3- Vừa thoát chết khỏi bàn tay Nguyễn Huệ, ngay từ tháng 4/1778, Nguyễn Ánh lúc đó mới 16 tuổi, đã sai đóng hơn 50 chiến hạm gọi tên là thuyền hiệu Long Lân và mua nhiều bè hoả công. (TL, I, t. 206)

Trịnh Hoài Đức giải thích rõ hơn về các chiến thuyền Long Lân này: “Năm 1778… Quân ta đắp lũy đất từ bờ tây Bến Nghé chạy dọc đến mé sông An Thông, phàm tại các cửa sông đều đóng cọc cây ngăn cản tàu để chống giữ và bí mật đóng hơn 50 chiếc chiến hạm tại sông nhỏ Thị Tĩnh thuộc sông An Thông.Mấy chiến hạm này đầu bọc nhọn, đầu và thân đều gắn ba tấm ván có vẽ hình như hạm của Tây dương, lại giăng lưới gọi là Long Lân thuyền, lại chỉnh bị bè cho hoả công” (Gia Định Thành Thông Chí, Vật Sản Chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử).

Như vậy, ở tuổi 16, Nguyễn Ánh đã sai đóng “chiến hạm giả” kiểu Tây dương, để “loè” địch.

Đến tháng 5/1778, Ánh lại sai cai đội Trần Văn Phúc sang đạo Tân Châu, Nguyễn Đức Huy sang đạo Quang Hoá để đóng thuyền đi biển (TL, I, t. 206).

4- Một bước tiến mới trong kỹ nghệ đóng thuyền chiến của quân Nguyễn: Theo Trịnh Hoài Đức tháng 8/1780, Đỗ Thanh Nhơn đã “sáng chế đóng thuyền chiến, làm bánh lái dài để đi đường biển yên ổn, nhưng vẫn để bánh lái tròn khi trước để dùng khi đi đường sông, gọi là thuyền hai bánh lái, phiá trên gác sàn chiến đấu, hai bên treo phên tre để che cho thuỷ binh ở dưới chuyên lo chèo chống, trên thì bố trí bộ binh để xung kích, nhờ vậy mà kỷ xảo của thuỷ sư càng tinh nhuệ, đến nay [khoảng 1820]cũng vẫn theo” (Gia Định Thành Thông Chí, Vật sản chí, bản dịch của Lý Việt Dũng, điện tử).

Thực Lục ghi: “Đỗ Thanh Nhân sai thủy quân lấy thứ gỗ nam (kiền kiền) để đóng thuyền trường đà (bánh lái dài), trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm” (TL, I, T. 209).

Montyon đã nhắc đến sự lợi hại của thuyền trường đà có hai bánh lái này trong sách của ông (Montyon I, t. 128-130) mà chúng tôi đã trích dẫn trong chương 7, Montyon.

5- Về sức mạnh thủy binh và sự đóng thuyền, tàu liên tục của Nguyễn Ánh trong khoảng 12 năm (1781- 1793), có những mốc đáng chú ý:

– Tháng 5-6/1781, Nguyễn Ánh duyệt binh, có khoảng 3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 thuyền chiến lớn và 2 tàu Tây (TL, I, t. 210).

– Tháng 9-10/1782, sai cai cơ Trung thủy Võ Di Nguy, cai cơ Tiền thuỷ Trương Phúc Dĩnh tập hợp những thủy binh ngạch cũ, sửa đóng chiến thuyền.

– Ngày 9/4/1785, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm với 30 quần thần, 200 quân và 5 chiến thuyền:Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi, Thuyền Ô (Thực Lục I, t. 223).

– Trong thời gian tạm trú ở Xiêm, “xưởng” đóng tàu của Nguyễn Ánh là đảo Giang Khảm:

Hoàng Tiến Cảnh, năm Ất Tỵ [1785], được thăng khâm sai tổng nhung chưởng cơ, cùng với bọn Trương Phúc Dĩnh đến đảo Giang Khảm đóng thuyền chiến (LT, 270). Năm Bính Ngọ [1786] Nguyễn Văn Nhàn cùng Trương Phúc Luật đến Giang Khảm đóng chiến thuyền thập hiện (LT, 236). Trương Phúc Luật trông coi đội trường đà [tức là thuyền hai bánh lái] (LT, 237). Năm Bính Ngọ [1786] đốc chiến cai cơ Mai Tiến Vạn theo chưởng cơ Hoàng Tiến Cảnh đóng 10 chiếc thuyền hiệu ở đảo Giang Khảm (LT, II, t. 249).

– Tháng 8/1989, sai đóng chiến thuyền lớn hơn 40 chiếc, thuyền đi biển hơn 100 chiếc (TL, t. 251). Tháng 12/1789, sai cai cơ Võ Di Nguy đóng một chiếc thuyền lớn và 15 chiếc thuyền đi biển (TL, I, t. 267).

– Tháng 1/1791, Lập xưởng thuỷ sư, từ bờ sông Tân Bình đến bờ sông Bình Trị, trên ba dặm, thuyền đi biển, thuyền chiến (hình thức như thuyền buôn, không mui mà nhỏ) thuyền ô (sơn đen nên gọi là ô thuyền), thuyền son (sơn đỏ gọi là chu thuyền), thuyền lê (đầu đuôi thuyền đều chạm vẽ gọi là lê thuyền), đều đậu ở đó (TL, I, t. 270).

– Tháng 5/1791, đóng hơn 100 chiếc chiến thuyền (TL, I, t. 284).

– Tháng 2/1792, đóng năm hiệu thuyền Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến và Huyền Hạc (TL, I, t. 283).

– Theo thư của giáo sĩ Liot gửi từ Tân Triều (Đồng Nai) về Paris ngày 18/7/1792: Nhà vua  vừa làm xong 15 tàu chiến, mũi, đuôi và giàn cột buồm giống tàu Trung Hoa, tất cả phần còn lại làm theo lối Tây, sắp đi đánh Tây Sơn (Cadière, Doc.Rel, t. 28)

– Tháng 2-3/1793 (tháng giêng Quý Sửu) đóng thêm các thuyền đại hiệu: Long Ngự, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phượng Phi, Hồng Phi, Loan Phi, Ưng Phi. (Chắc là sửa lại các thuyền Phượng Phi và Bằng Phi, vì đã có từ năm 1785) (TL, I, t. 290).

Nhìn những mốc trên đây, ta thấy ngay:

Hai thuyền Phượng Phi và Bằng Phi (tàu chiến bọc đồng theo kiểu Tây phương) Nguyễn Ánh đã có từ năm 1785, hoàn toàn do người Việt điều khiển. Tàu Phượng Phi năm 1790 sẽ giao cho Trần Văn Học và Nguyễn Văn Chấn (Vannier) cai quản (Liệt truyện II, t. 282). Đến năm 1792, trong trận Thị Nại, hai tàu Long Phi và Phượng Phi sẽ được các tướng Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương sử dụng. Cho nên, chúng ta không nên lầm tưởng chỉ có người Tây mới quản được tàu Tây.

Nguyễn Ánh là nhà lãnh đạo giỏi, ông thường sai Dayot, Barisy, Gibsons, Januario, Puymanel… đi ngoại quốc mua bán vì họ là người Âu, nói được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Bồ, dễ giao thiệp hơn người Việt. Chỉ đơn giản như thế. Ngoài ra, trừ Puymanel ở trong pháo binh, những người này không có phận sự tác chiến. Trong những năm cuối của cuộc chiến: 1801, 1802, Nguyễn Ánh sai Chaigneau, Vannier, và de Forçant, quản ba tàu chiến bọc đồng Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi đi hộ giá, có lẽ chỉ là để thị uy, phô trương lực lượng, chứng tỏ ông có người Pháp hầu cận. 

Từ đầu năm 1791, khi đã lập xưởng đóng tàu ở Sài Gòn (Trịnh Hoài Đức viết rõ vị trí và diện tích; xưởng này cũng được Barrow và Le Labousse mô tả và khâm phục), Nguyễn Ánh gia tăng sản xuất thuyền tàu ngay tại Sài Gòn.

Nhìn qua số lượng tàu thuyền Tây, Ta mà Nguyễn Ánh mua hoặc sản xuất tại chỗ thời đó, mới thấy con số 2 tàu Đồng Nai và Prince de Cochinchine mà Dayot được điều khiển thực là khiêm nhượng. Và sự thượng thăng khâm sai cai đội Dayot lên làm Chỉ huy trưởng hải quân Nam Hà thực là ấu trĩ.

Nhưng các sử gia thuộc địa sẽ dùng mọi phương tiện để trá mạo lịch sử, đưa Dayot lên hàng “đệ nhất anh hùng” trong trận Thị Nại 1792, tiêu diệt toàn bộ hạm đội của Nguyễn Nhạc.

Tiến trình này đã xảy ra như thế nào?

 

Trận Thị Nại 1792

Về Trận Thị Nại, tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL), Thực Lục ghi như sau:

“Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đóng nhiều chiến thuyền để ở cửa biển Thị Nại, mưu toan vào cướp, kẻ gián điệp báo tin. Vua muốn ra đánh trước để chặn giặc, mới dụ cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ thuộc Trung Quân chỉnh bị lương thực súng ống khí giới như phép hành quân, định ngày thử các chiến hạm ở ngoài biển, thuyền đại hiệu (là loại thuyền lớn) và thuyền ô sai (là thuyền nhẹ để sai phái, sơn đen), 128 chiếc” (TL, I, t. 286).

Nguyễn Vương qua cửa Cần Giờ, Nguyễn Văn Thành tiên phong, Phạm Văn Nhân, thứ nhì. Nguyễn Văn Trương hộ giá, Nguyễn Văn Nhuận tiếp sau.

“Khi quân đến ngoài cửa biển Thị Nại, thì trước hết sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng lửa đốt thuỷ trại giặc. Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành dùng thuyền Long và thuyền Phụng [đánh] thẳng vào, các quân tiến theo. Đô đốc giặc là Thành (không rõ họ) thấy đại quân chợt đến, bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân ta bắt được hết (thuyền lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc)” (TL, I, t.286-287).

Thực Lục không nói có người Pháp tham dự trận này. Điều này dễ hiểu, bởi vì tháng 6/1792, có cuộc khủng hoảng giữa nhà vua và những người Pháp đến giúp: nghe tin Nguyễn Huệ sắp vào đánh, giám mục Bá Đa Lộc xin đi; Dayot thâm lạm ngân quỹ, khiến vua nổi giận muốn đuổi tất cả lính Pháp; Vannier cũng định bỏ đi với Dayot. Sau vua hồi tâm, giữ Bá Đa Lộc ở lại; không đuổi mà chuyển Dayot sang ngành tải lương. Mọi chuyện còn đang giải quyết thì chớp nhoáng xảy ra trận Thị Nại.

Qua những dòng vắn tắt của Thực Lục, ta thấy vua đã tổ chức và phân công rõ ràng: chỉ có 2 dinh quân Tiên Phong và Chấn Võ, tức là quân cảm tử, dự trận, còn về các thuyền đại hiệu, có thuyền đồng Long Phi và Phượng Phi do hai đại tướng Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành điều khiển.

Trận Thị Nại 1792, mà chúng tôi đã xác định bắt đầu từ ngày 26/7/1792 và chấm dứt ngày 5/8/1792, trong chương 8, Hịch Quang Trung, là chiến thắng lớn đầu tiên của Nguyễn Ánh, phá hoại toàn bộ thuỷ quân của Nguyễn Nhạc đậu ở cửa Thị Nại trong khi Nguyễn Nhạc đi săn vắng. Trận này đánh dấu ngõ quặt, khiến Quang Trung nổi giận, truyền hịch đánh Nam Hà, và hai mươi ngày sau khi hịch truyền, Quang Trung mất.

Vì sự quan trọng của trận Thị Nại 1792, coi như chiến công lớn đầu tiên trong cuộc chinh phục lại toàn thể lãnh thổ của Gia Long, vì vậy, các sử gia thuộc địa bằng mọi giá, đã tìm cách “xác định” chiến công Thị Nại 1792 là chiến công “lừng lẫy” của người Pháp, đặc biệt của Jean-Marie Dayot, để đưa Dayot lên hàng “đại đô đốc thống lĩnh thuỷ quân của Nguyễn Ánh”. Chúng ta sẽ điều tra hư thực chuyện này như thế nào.

 

Barrow là một trong những tác giả đầu tiên viết mấy hàng về Dayot và trận Thị Nại 1792, nhưng ông khá dè dặt: “Mùa xuân 1792, ông [Nguyễn Ánh] xuống thuyền đi đánh Qui Nhơn, để trên đầu hạm đội, 2 sĩ quan Pháp, cai quản hai tàu chiến Tây phương. Người ta đồn rằng, một trong hai người này, ông Dayot, đã làm cho hạm đội Việt [Tây Sơn] thiệt hại lớn, đốt cháy, đánh đắm, hoặc xâm chiếm tất cả những thuyền gặp trên đường. Nhưng hăng say, tiến sâu quá và thuyền ông mắc cạn. Người ta đồn rằngnhà vua tuy chứng kiến tai nạn này, có thể làm cho ông thua trận, nhưng vẫn tỏ chút mãn nguyện, nói rằng: “Ông ấy đã làm nhiệm vụ của mình, tôi không chờ đợi ông ấy làm nhiệm vụ của tôi” (Barrow, t. 218).

Câu: [Nguyễn Ánh] để trên đầu hạm đội, 2 sĩ quan Pháp, cai quản hai tàu chiến Tây phương, và một trong hai người này là Dayot là vô căn cứ. Dayot chỉ có nhiệm vụ quản hai tàu buôn  Đồng Nai vàPrince de Cochinchine, không nơi nào nói Dayot có nhiệm vụ tác chiến và lái thuyền đồng. Người ta thấy hai thuyền đồng do Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành điều khiển, xuất hiện, thì vội phóng lên là tàu Tây, và tàu Tây thì “nhất định” phải do người Pháp lái! Còn vụ tàu mắc cạn quá giống chuyện Mạn Hoè. Không biết Barrow chép những việc này ở đâu, ông không đề xuất xứ, nhưng ông đã cẩn thận dùng những tiếng “người ta đồn rằng“, chứng tỏ ông không chắc và ông cũng biết rằng chẳng ai dựa vào những lời “người ta đồn” để viết sử.

 

Maybon và “chiến công tiêu diệt hạm đội Tây Sơn” của Dayot

Maybon, như thường lệ, vẫn dùng những thủ pháp riêng biệt của ông để “chứng minh” Dayot là “anh hùng” của trận Thị Nại 1792, bằng bất cứ giá nào. Trước hết ông đưa ra những xác định vô bằng chứng:

– “Không thể chối cãi được rằng họ [những người lính Pháp] đã góp phần rộng lớn vào chiến thắng của Gia Long. Chưa nói đến sự đóng góp của họ vào những chiến công quan trọng, như việc tiêu diệt hạm đội Tây Sơn năm 1792, và những cuộc hành quân khác dẫn đến chiến thắng Huế, năm 1801″ (Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 279).

-”Trên biển cả, những tàu Tây phương, do Dayot và Vannier điều khiển, với thủy thủ đoàn người Việt được thuỷ binh Pháp tập luyện và đưa vào khuôn phép, mang lại cho đội ghe buồm một sự trợ giúp mà thuỷ quân Tây Sơn không có.” (Maybon, t. 310).

Rồi ông viết tiếp: “Trận Thị Nại chứng minh rõ điều đó”. (Maybon, t. 310).

Tiếp đó, ông mô tả trận Thị Nại bằng tài liệu của Thực Lục. Rồi ông trách Thực Lục không đếm xỉa đến công lao của những người Pháp, nhưng “may mắn thay”, ông tìm được tài liệu khác, nói rất rõ, đó là lá thư sau đây của Le Labousse:  

“Nhà vua đi vào khoảng cuối tháng 7, với một hạm đội nhỏ, được chiến hạm Âu châu yểm  trợ, đi thẳng tới hải cảng Quy Nhơn ở đó có toàn bộ hạm đội của địch quân… ông vào hải cảng, dưới sự che chở của chiến hạm Âu Châu, làm quân địch khiếp sợ. Sau vài giờ chiến đấu, ông làm chủ hải cảng và tất cả hạm đội địch. Ông hoàng này chưa quen với thành công, chưa biết nhận thành quả của chiến thắng. Sợ không đạt được mục đích, vội đốt hết: chỉ để lại 5 chiến hạm trang bị đầy đủ vũ khí, hai chục ga-le lớn, và khoảng 40 đến 45 thuyền chiến; còn đốt hết cả. Ông ta hối lại ngay khi qua lửa, nhìn thấy những ga-le lớn đầu bọc vàng. Nhưng không thể cứu vãn được nữa, cũng như ba kho: kho tiền, kho quần áo và kho gạo.

Chắc quý vị muốn có một vài chi tiết về chiếc tàu Âu châu làm gì. Con tàu này được ông Dayot ở Redon điều khiển, và được ông Vannier ở Auray, phụ tá; ông Olivier ở Carpentras, cũng có đó với quân đội của ông. Chính nó đã tiến vào cửa biển [Thị Nại] đầu tiên, trước đại binh một giờ. Tính cách cao quý và mạnh dạn độc tiến giữa lòng địch của nó, trong khi địch quân đã ùa ra phiá trước nhả đạn tứ phiá vào tàu, làm cho nhà vua và tất cả những người Nam Hà kinh ngạc. Nhà vua, trong lúc này, không thể không ngợi khen sự can đảm của những người Âu. Toàn thể quân đội lúc đó đều nhận ra sự khác biệt giữa người Pháp và mấy chiếc tàu Bồ, ngày trước đã nhục nhã trốn chạy và đã làm cho vua bại trận.

Trong khi tất cả mọi người đang khâm phục chiếc chiến hạm đơn độc chống chọi với kẻ thù, thì lòng dũng cảm của những Vị [sĩ quan] này bỗng chốc bị đình chỉ một cách nhục nhã nhất đối với người chiến sĩ: Cửa vào cảng rất hẹp, gặp lúc thuỷ triều xuống, tàu bị mắc cạn. Ở vị trí này, họ chỉ dám bắn vài phát đại bác nhỏ, phiá trước, mà đã trúng khá nhiều kẻ thù. Họ phải dừng ở đó. Và đau đớn thấy toàn thể đoàn quân kéo vào cảng mà họ không theo được. Nếu có thể tiến vào được hải cảng thì chắc chắn họ sẽ là những người duy nhất nhận công trạng và sự vinh quang của chiến thắng. Từ đó nhà vua thường nói bông đùa, về chuyện này: “Chúng tôi rất sung sướng vì biến cố này xảy ra. Nếu chiếc tàu này không mắc cạn, thì nó chẳng để cho chúng tôi việc gì nữa, và như thế chúng tôi sẽ ngượng lắm”. (Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 311-312).

Đọc đoạn được gọi là “chứng từ” này, chúng tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý:

1-Maybon chú thích lá thư này của Le Labousse in trong Nouvelles lettres édifiantes, VII, t. 216-218, nhưng ông không ghi ngày viết và ngưòi nhận, điều này rất lạ vì những thư in trong bộ Nouvelles lettres édifiantes, đều ghi rõ ngày tháng và người nhận.

2- Chúng tôi không thể kiểm chứng được vì sưu tập Nouvelles lettres édifiantes, thiếu tập VII. 3- Trong bộ sách Histoire de la Misson de Cochinchine của Launay, cũng không thấy in lá thư quan trọngnày.

4- Cả tập Documents Relatifs à l’epoque de Gia Long của Cadière cũng không có. Tại sao hai nhà sưu tầm này cùng bỏ qua một lá thư quan trọng như vậy?

5- Cadières chỉ trích dẫn lá thư Le Labousse viết cho M. Boiret, tại Sài Gòn ngày 26/6/1793,  đoạn cuối có một câu nói về chiến dịch đánh Quy Nhơn năm 1793: “Nhà vua vừa đi cùng với đại binh thuỷ bộ đánh Quy Nhơn, kinh đô của Nguyễn Nhạc, mà người ta goi là Đại Đế. Các ông Dayot quê Rhedon và Vannier, quê Auray cùng đi với tàu của họ. Ông Olivier quê Carpentras cũng đi với quân của ông ấy và vài người Âu trong đoàn bộ binh.” (Cadière, Doc. Rel, t. 29)

6- Điểm lạ cuối cùng là văn bản được Maybon gọi là của Le Labousse trên đây, lại quá giống một đoạn trong Sử Ký Đại Nam Việt, nhưng tên vị anh hùng ở đây không phải là Dayot mà là Puymanel:

“Vậy tàu ông Dade cai [SKĐNV gọi Puymanel là ông Dade] thì đi trước, mà Nguyễn Ánh cùng các tàu thì đi sau, cách xa một trống canh đàng. Ông Dade vào một mình và bắn súng đánh các tàu quân giặc. Quân giặc thấy tàu Tây thì sợ hãi lắm; song cũng ra sức bắn trả, mà không mũi nào nhằm sốt. Ông Dade vào cửa nhằm khi nước ròng, nên tàu ông ấy phải mắc cạn chẳng đi được nữa. Vậy phải dùng những khẩu súng ở trước mũi tàu mà bắn thì càng khó lắm, song cũng đánh, và quân giặc đã phải chết nhiều; còn quân của ông ấy thì bằng yên vô sự (…)

Khi vua thấy mình được trận làm vậy thì mừng quá, mà truyền đốt các tàu quân giặc. Bấy giờ có một tàu lớn và một kho đầy tiền, còn hai kho khác đầy đồ đạc quần áo, thì vua truyền đốt ba kho ấy đi cho quân giặc chẳng dùng đặng nữa. Nhưng mà khi vua thấy lửa phát lên cháy bấy nhiêu tàu thì lấy làm tiếc lắm, lại truyền ra sức chữa lửa đi; nên còn giữ  lấy năm chiếc tàu trận lớn, hai mươi chiếc nhỏ, và bốn mươi thuyền nhỏ“. (SKĐNV, t.58-59).

Tất cả những chi tiết vô lý ở hai văn bản trên đều giống y hệt như nhau, không thể có một sự ngẫu nhiên lạ lùng như vậy:

1- Tàu của Dayot (hay Puymanel) đi trước tàu Nguyễn Ánh và đại binh một giờ (một trống canh).

2- Chưa vào qua cửa bể Thị Nại thì bị mắc cạn (như Mạn Hoè)

3- Một mình, một tàu, chống trả mãnh liệt (như Mạn Hoè)

4- Vua ra lệnh đốt tàu Tây Sơn… Tất cả những con số đều giống nhau…

Sự vô lý đến từ 2 điểm chính sau đây:

1- Tàu chưa vượt qua được cửa Thị Nại đã bị mắc cạn, làm sao quân Tây Sơn (đóng trong cửa Thị Nại) lại biết mà bao vây bắn phá tứ phiá?

2- Tàu đến Thị Nại trước đại quân một giờ, rồi bị mắc cạn ở ngoài cửa, các “sĩ quan” Pháp và Dayot đứng trên tàu nhìn đại quân đi qua, mà sao Gia Long đã có đó để ngợi khen sự can đảm của những người Âu: “Chính nó đã tiến vào cửa biển đầu tiên, trước đại binh một giờ. Tính cách cao quý và mạnh dạn độc tiến giữa lòng địch của nó, trong khi địch quân đã ùa ra phiá trước nhả đạn tứ phiá vào tàu, làm cho nhà vua và tất cả những người Nam Hà kinh ngạc”.

 

Giáo sĩ Le Labousse là người cẩn trọng, không lẽ ông lại viết một lá thư luẩn quẩn như thế?

Còn tác giả Sử Ký Dại Nam Việt, nói Olvier de Puymanel lái tàu vào đánh là hoàn toàn sai, vì Olivier dù có dự trận này, cũng chỉ ở đội pháo binh, chưa thấy nơi nào ghi Puymanel được phép lái tàu chiến đồng. Chuyện tàu mắc cạn, như trên đã nói, lại quá giống chuyện Mạn Hoè. Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, như ta đã biết, là người nhà dòng, luôn luôn đội Tây làm thầy giống như Trương Vĩnh Ký. Ngoài ra, trận này xảy ra ở miền Trung, tác giả SKĐNV là người miền Nam, chắc cũng chỉ nghe kể lại. Chúng tôi nghĩ rằng: Barrow và SKĐNV đều chép lại cùng một nguồn tin, nhưng Barrow thận trọng hơn không chép những điều vô lý.

Trong khi chờ đợi tìm được Nouvelles lettres édifiantes, tập VII, chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết sau đây: Vì Maybon biết Nouvelles lettres édifiantes tập VII đã bị mất, không ai kiểm chứng được nữa; nên ông chép SKĐNV rồi thêm đoạn thư Le Labousse viết ngày 26/6/1793 gửi M. Boiret, về chiến dịch đánh Quy Nhơn năm 1793: “Nhà vua vừa xuất thuỷ bộ đại binh đi đánh Qui Nhơn… Các ông Dayot quê Rhedon và Vannier quê Auray cùng đi với thuyền của họ. Ông Olivier quê Carpentras cũng đi với quân của mình và một vài người Âu khác trong bộ binh.” (Cadière, Doc. Rel. t. 29) vào, và đề là thư của Le Labousse.

Tất cả những lắt léo này chỉ để “chứng minh” chiến công Thị Nại 1792 là của Dayot.

 

Taboulet và “chiến công” Thị Nại của Dayot

25 năm sau, Taboulet tiếp sức Maybon trong việc xây dựng huyền thoại Dayot. Lần này, sử gia Taboulet, kê khai thẳng những “thành tích của Dayot trong trận Thị Nại 1792″ như sự thực lịch sử, không cần bàn cãi:

“Theo lời Cha La Bissachère, Dayot là “thủ lãnh và linh hồn của hải quân Nam Hà”. Ngày 27/6/1790, Nguyễn Ánh cấp cho ông văn bằng “Tư lệnh các hạm đội của ông” (Capitaine de ses vaisseaux), Dayot còn được gọi là Délégué Impérial [Đại diện nhà vua] và Marquis de Trí Lược [Trí lược hầu] hay “Marquis au jugement rempli de Prudence” [Vị Hầu tước phán đoán đầy cẩn trọng]. Năm 1792, Dayot phá tan, ở Quy Nhơn, một hạm đội Tây Sơn gồm 5 tàu lớn (bâtiments), 90 chiến thuyền (galères), và 100 chiến thuyền nhỏ (demi-galères), tịch thu được 137 khẩu đại bác nòng đạn khác nhau. Năm 1793, Dayot chiếm được 60 chiến thuyền Tây Sơn, ở miền bắc Quy Nhơn nữa” (Taboulet, La geste Française en Indochine I, 1955, t. 249).

Trừ câu: “Năm 1793, Dayot chiếm được 60 chiến thuyền Tây Sơn, ở miền bắc Quy Nhơn nữa” là hoàn toàn bịa đặt rồi, Taboulet luôn luôn khôn khéo và tế nhị: Trước hết, ông dùng lời Bissachère để xác định Dayot là “thủ lãnh và linh hồn của hải quân Nam Hà”. Nhưng chúng ta đã biết sự xuyên tạc lịch sử của Bissachère và câu này cũng không phải của Bissachère mà là Ste-Croix viết lại lời Dayot kể về mình (xin xem chương 9, Bissachère và chương 10, Ste-Croix). Sau đó Taboulet dùng đến văn bằng của Dayot với chức Khâm sai Cai đội Trí lược hầu, chức này khi Cadière dịch sang tiếng Pháp, nâng cấp thành Hầu Tước Đại Diện Vua (xem chương 15, Cadière). 

Và sau cùng, Wikipédia Pháp, theo gót các sử gia thuộc địa, phong thêm cho Dayot thành Đại đô đốc của thuỷ quân An Nam và tư lệnh những tàu Pháp của nước Nam” (Grand Amiral de la flotte annamite et commandant des bâtiments français de l’Annam).

Đó là tiến trình mà các sử gia thực dân đã làm để cho Dayot nhảy từ chức khâm sai cai đội tức là quan võ hàng thất phẩm, cai quản 50 người lính và hai chiếc tàu, trong một toàn bộ hạm đội có tới hàng trăm chiếc tàu của Nguyễn Ánh, lên chức Đại đô đốc của thủy quân An Nam và tư lệnh những tàu Pháp của nước Nam! Sự thăng chức nhảy vọt như vậy để tiến tới lô-gích thứ nhì: “Đại đô đốc” chỉ huy và chiến thắng trận Thị Nại 1792:

“Năm 1792, ông [Dayot] cầm đầu một chiến dịch cho Nguyễn Ánh, ông tàn phá 5 tàu chiến, 90 chiến thuyền, và khoảng 100 tàu nhỏ của Tây Sơn; ông cho đổ bộ quân đội lên bộ và phá huỷ những đồn luỹ trước khi quay về bến Can-Tru [Cần Giờ]” (Wikipédia Pháp, Việt, Anh).

Việc Dayot có dự trận Thị Nại 1792 hay không, sẽ được phân tích ở dưới. Chức “Đại đô đốc” chỉ bịp được độc giả không thạo lịch sử Việt Nam; đối với người biết sử, chức Đại đô đốc của thuỷ binh Nam Hà là chức của Nguyễn Văn Trương, còn chức tư lệnh những tàu Pháp của nước Nam, thì chưa hề có, vì thời đó, Nguyễn Vương vừa cho làm tàu ở trong nước, vừa sai mua tàu của nước ngoài. Theo Barrow và Montyon, Nguyễn Vương đã áp dụng những cái hay của Tây phương cho những tàu làm ở trong nước, như bọc đồng phần chìm của tàu, còn phần nổi vẫn giữ hình dạng tàu Việt Nam (xin xem chương 4, Barrow và chương 7, Montyon). Ngoài ra, Trịnh Hoài Đức còn cho biết: Nguyễn Ánh sai đóng loạt tàu Long Lân, bên ngoài có hình dạng giống như tàu Tây phương, ngay từ năm 1778. Như vậy rất khó phân biệt tàu tây với tàu ta; cho nên, không thể nói vì không hề có một đội ngũ “tàu Pháp của nước Nam” để Dayot làm “tư lệnh”.

 

Tạ Chí Đại Trường và “chiến công” của Dayot  

Tạ Chí Đại Trường khi viết về Dayot còn phóng đại thêm nữa:

“JM Dayot phục vụ Nguyễn Ánh trong những năm 1790-1795 đã nhân dịp điều khiển các tàu Tây trong chuyến xuất quân vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 dl [Dương Lịch] để mà lập cả một chương trình vẽ các hải cảng, đi dò đáy nông sâu. Chính đội này dắt theo sau cả hàng ngàn thuyền mang lương thực cho binh lính -cả lính bộ- có khi phải ghé lại một bến đến vài ngày để chờ bộ binh tới lãnh lương” ((LSNCVN, t. 235).

Câu này ông Tạ rút từ bài ký sự của Dayot, in trong Taboulet, t. 250, mà chúng tôi đã dịch ở phần I, tuy nhiên, ông Tạ vẫn hiểu sai tiếng Pháp. Xin nhắc lại lời Dayot: “Làm việc trong hải quân của nhà vua và cai quản các tàu Tây phương, lực lượng chính của quân đội ông, tôi bắt buộc phải đi theo quân mỗi khi có chiến dịch, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10…. Nhiệm vụ tải lương, cho một số lượng tàu bè nhiều đến thế, đi với quân đội và tuỳ tùng, và cho cả bộ binh, thường tiến dọc theo bờ biển, bắt buộc chúng tôi phải đỗ lại mỗi buổi chiều, để tập hợp một đoàn thuyền tàu, thường tới hơn nghìn cánh buồm.

Nhiều khi chúng tôi cũng bị bắt buộc phải ở lại một nơi nhiều ngày để đợi bộ binh và phân phát thực phẩm cho họ” (Taboulet, I, t. 250-251).

Viết những dòng này, Dayot đã quan trọng hoá nhiệm vụ của mình khi nói rằng: [tôi] cai quản các tàu Tây phương, lực lượng chính của quân đội ông“, thực ra, anh ta chỉ được cai quản có hai chiếc tàu Đồng Nai và Le Prince de Cochinchine mà thôi, và không có gì xác nhận hai tàu này là tàu Tây. Câu kế tiếp, Dayot nói về công việc đi theo chiến dịch: phải phát lương thực cho một số lượng tàu bè rất lớn, có khi tới hơn nghìn cánh buồm, rồi nhiều khi còn phải đỗ lại vài ngày đợi bộ binh, để phát thực phẩm cho họ nữa. Nhưng Tạ Chí Đại Trường lại hiểu sai, nên ông viết: “Chính đội này dắt theo sau cả hàng ngàn thuyền mang lương thực cho binh lính”. Khổ quá! Dayot đâu có nói thế: y làm gì mà được cai quản hàng ngàn chiếc thuyền! Mà ai lại chở lương trên cả ngàn chiếc thuyền như thế! Vậy thuỷ binh của Nguyễn Ánh phải có tới cả vạn thuyền à? Điều này chứng tỏ ông Tạ không hiểu gì cả, ông chỉ có một mục đích là thổi phồng trách nhiệm của Dayot lên cho hợp với điều các ngòi bút thực dân phóng ra!

 

Dayot có dự trận Thị Nại 1792 không ?

Tuy Dayot không viết rõ, nhưng chúng ta cũng nên hiểu anh ta chỉ là một trong những người thuộc đội vận tải lương thực dưới lệnh của các quan đại thần trách nhiệm việc quân lương. Nguyễn Ánh hành quân bao giờ cũng có chiến thuật rõ ràng, ai tiên phong ai đoạn hậu, ai vận tải lương thực, nhất nhất đều ghi rõ, tên các tướng, các quan có trách nhiệm. Về lương thực:

– Ở trận Thị Nại tháng 7/1792, vì quyết định đánh nhanh, chỉ có 10 ngày, cho nên Nguyễn Ánh đã:“dụ cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ thuộc Trung quân chỉnh bị lương thực súng ống khí giới như phép hành quân” (TL, I, t. 286). Tức là: trong trận đánh chớp nhoáng này, Nguyễn Ánh chỉ dùng có hai dinh quân (như quân đoàn ngày nay) là dinh Tiên Phong và dinh Chấn Võ (quân tinh nhuệ, lính cảm tử), đúng như lời thư Bá Đa Lộc viết: “ông chỉ mang theo một nửa quân đội” (thư Bá Đa Lộc gửi M. Boiret ngày 18/7/1792 (Montyon, II, t. 143). Vì thế, Nguyễn Ánh ra lệnh cho quân sĩ phải chuẩn bị khí giới và lương thực mang theo người; điều này rất hợp lý, vì khi đi chiến dịch ngắn, lính phải tự đem lương theo.

Vì vậy, trong trận Thị Nại 1792, Nguyễn Ánh không chỉ định quan coi việc quân lương.

– Đến trận Qui Nhơn tháng 5-6/1793, dự dịnh đánh lâu, hai quan đại thần được vua chỉ định coi lương là: “Hộ bộ Phan Thiên Phúc, và tham tri Nguyễn Đức Chí chia coi thuyền lương đi theo, cấp cho các quan thuỷ bộ” (TL, I, t. 293).

– Tháng 5/1794, Nguyễn Vương thân chinh dùng thuỷ binh giải vây Diên Khánh, cũng chỉ định: “Hộ bộ Trần Đức Khoan, tham tri Nguyễn Văn Mỹ và Nguyễn Kỳ Kế đi theo trông coi việc lương” (TL, I, t. 308), vv…

Tóm lại, trong trận Thị Nại tháng 7/1792, vì đánh nhanh, không cần tải lương; Dayot thuộc đội tải lương, vậy chúng tôi có thể xác nhận chắc chắn ràng: Dayot đã không dự trận Thị Nại 1792.

Bây giờ nói về cách cách bầy bố chiến lược trận Thị Nại 1792, Thực Lục ghi rõ thứ tự tiến quân:“Thuyền vua ra từ cửa biển Cần Giờ… Sai quản Tiên phong dinh là Nguyễn Văn Thành tiến trước, kế đến quản ban Trực tả là Phạm Văn Nhân tiến thứ nhì. Giám quân Trung quân Nguyễn Văn Trương hộ giá. Đô đốc Nguyễn Kế Nhuận tiếp sau”. (TL, I, t. 286-287).

Vậy, trong các đội tiên phong và trực chiến, cũng không có tên ông tướng nào là Dayot cả.

Rồi khi đến Thị Nại, Thực Lục ghi:

Khi quân đến ngoài cửa biển Thị Nại, thì trước hết sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng lửa đốt thuỷ trại giặc. Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành dùng thuyền Long [Long Phi] và thuyền Phụng[Phượng Phi] [đánh] thẳng vào, các quân tiến theo. Đô đốc giặc là Thành (không rõ họ) thấy đại quân chợt đến, bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân ta bắt được hết (thuyền lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc). Lại sai tìm bắt bọn giặc biển Tề Ngôi, bắt được 3 chiếc thuyền” (TL, I, t. 287).

Đến cửa Thị Nại, vua cho quân tinh nhuệ (tức là đội cảm tử thuộc dinh Chấn Võ) đổ bộ đốt thủy trại của Tây Sơn. Rồi hai tướng Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương dùng thuyền chiến đồngLong Phi và Phượng Phi đánh thẳng vào, và ba quân tiến theo. Vẫn không thấy có ông tướng nào tên là Dayot thuộc đội xung phong cả! Chỉ có hai thuyền đồng Long Phi và Phượng Phi, do hai đại tướng Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương điều khiển xung kích. Barrow chắc muốn nói đến hai thuyền đồng này, tưởng rằng do người Pháp điều khiển.

Chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải nghi ngờ những điều ghi trong Thực Lục trên đây, để tin một thoại khác, như ông Tạ Chí Đại Trường, trong cuốn Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam. Trước hết, ông Tạ chép vài câu đầu Thực Lục viết về trận Thị Nại 1792, như chúng tôi vừa trích ở trên, nhưng ông vội vàng cải chính ngay: “Nhưng theo người Tây, kẻ mở đường lại là Dayot trên chiếc “tàu đồng”…(LSNCVN, t. 259). Rồi ông kể tiếp: “Chiếc “tàu đồng” do Dayot chỉ huy tiến vào cửa Thị Nại (1792) là một kinh ngạc lớn cho Tây Sơn (Thư của LM J. de Jésus Maria cho LM Trưởng tỉnh, Chợ Quán, 4/3/1790, BSEI, 1940, trang 101-102). Rồi sau đó Nguyễn Ánh mới bắt chước theo các tàu Tây mà đóng tàu vỏ đồng nhờ số kim có được dồi dào trong các cuộc trao đổi thương mại” (LSNCVN, t. 236-237).

Coi thường sử gia triều Nguyễn, là quyền của ông Tạ. Chắc ông có đọc những điều “rồng rắn” của Maybon chép lại và bảo là của Le Labousse đã nói ở trên, nhưng không thấy ông nhắc đến Maybon. Vậy ta thử xem ông dẫn chứng được “người Tây” nào hay ho hơn, đã cho ông biết: “kẻ mở đường lại là Dayot trên chiếc “tàu đồng””, thì thấy ông Tạ dẫn chứng lá thư của LM J. de Jésus Maria viết ngày4/3/1790 gửi cho LM Trưởng tỉnh, Chợ Quán, kể về trận Thị Nại xảy ra tháng 7/1792, tức là ông linh mục Jésus Maria này viết thư kể trước chuyện sẽ xảy ra hai năm sau!

Đã vậy, ông Tạ còn thêm câu: “rồi sau đó Nguyễn Ánh mới bắt chước theo các tàu Tây mà đóng tàu vỏ đồng”. Điều này chứng tỏ ông Tạ hoàn toàn không biết gì về những hoạt động đóng tàu của Nguyễn Ánh, và ông luôn luôn tìm cách hạ thấp Gia Long trước người Âu. Nhưng cái tệ nhất của ông, là, để đánh đổ những điều ghi trong chính sử, mà ông luôn luôn nghi ngờ, ông lại đi lượm lặt những tin tức, không thể tin được: việc Dayot chỉ huy chiếc tàu đồng, xông trận, như một đại tướng cảm tử, làm cho quân Tây Sơn khiếp đảm! Chứng tỏ quân đội Gia Long không có trật tự, chiến thuật gì cả, vào trận, ai muốn lái tàu đồng thì lái, ai muốn xông ra đánh thì đánh! Như thể nước ta là một nước bán khai. Thực không thể hiểu được, một cuốn sách như thế mà lại được trao giải thưởng “văn học toàn quốc, bộ môn sử” (năm 1973, ở miền Nam).  

*

Chúng tôi lại tìm thêm các tài liệu về phía các giáo sĩ Pháp, cũng không thấy ai viết gì về “chiến công Thị Nại 1792″ của Dayot. Trong cả thư từ của Barisy kể lại các trận đánh lớn, cũng không thấy nói đến chiến công “lừng lẫy” này. Và chính Dayot trong bản ký sự in ở phần I, cũng chỉ nói đến nhiệm vụ tải lương, không viết gì về “chiến công” này nốt.

Học giả Cadière khi tìm tài liệu trong văn khố Pháp, cũng chỉ thấy:

“Công việc mà hai anh em Dayot giúp vua Nam Hà hình như chỉ thuần tuý thương mại. Văn khố của Hội thừa sai Paris, vol. 312, chứa một số khá lớn thư từ của họ [thường ký J.M et Félix Dayot] nhưng chỉ là những thư ngắn nói chuyện tiền bạc ” (Doc. Rel. BEFEO, Note số 1 của Cadière, t. 72).

Sau cùng, trong thư của giáo sĩ Le Labousse gửi về hội thừa sai, đề ngày 20/4/1801, ở Bình Khang, có mô tả trận Thị Nại 1801, trong đó có đoạn nói đến chiến công của De Forçant:

“Những sĩ quan Pháp, các ông Chaigneau, Vannier, và De Forçanz, điều khiển các tàu le Dragon [Long Phi], le Phoenix [Phượng Phi] và L’Aigle [Bằng Phi] cũng đi chiến dịch này.

Mỗi người với tàu trang bị khí giới, có nhiệm vụ hộ tống nhà vua và phò trợ tất cả những thuyền chiến trở về. Nhưng lúc đánh nhau, họ bị giữ lại để hộ tống vua. Khi nghe thấy tiếng đại bác nổ, máu Pháp sôi sục trong huyết quản, vua phải nghiêm cấm mới cản được lòng nhiệt thành của họ. Giữ họ lại bên vua còn khó hơn là thúc quân tiến lên giữa những trận mưa đại bác. Ông de Forçanz đã không dằn lòng trước cơn hăng say chiến đấu; lòng can đảm thúc đẩy, đang đêm lẻn vào cảng một mình đốt hết bẩy tàu chiến trang bị khí giới nhiều nhất” (Doc. Rel., BEFEO, t. 45-46).

Bấy giờ chúng tôi mới đoán rằng: Nghệ thuật xuyên tạc lịch sử của Maybon, thì đã rõ, đây không phải là lần đầu ông ta “sáng tạo” bằng chứng. Những người khác, nếu không chép Maybon, còn có thể mượn chiến công của de Forçant ở trận Thị Nại 1801, làm “chiến công” của Dayot ở trận Thị Nại 1792.

Và họ đã mượn chức của Nguyễn Văn Trương để đắp cho JM Dayot. Họ mượn thành tích của các tướng nhà Nguyễn trong trận Thị Nại 1792 làm thành tích của Dayot (bắt được: thuyền lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc, rồi thêm thắt vào, thành: “5 tàu lớn (bâtiments), 90 chiến thuyền (galères), và 100 chiến thuyền nhỏ (demi-galères), tịch thu được 137 khẩu đại bác nòng đạn khác nhau” và ghi là “thành tích” của Dayot.

Dayot xuất thân đại uý, lái tàu buôn, trong các vùng biển giữa Ile de France và Ấn Độ. Gia Long đã mượn Dayot theo đúng chuyên ngành lái tàu buôn của anh ta. Nhưng vì mắc tội thâm lạm ngân quỹ, nên vua chuyển sang ngành chở lương, và dĩ nhiên, khi đi chở lương, anh ta ở dưới sự chỉ đạo của các quan Phan Thiên Phúc, và Nguyễn Đức Chí trong trận Quy Nhơn 1793; và ở dưới quyền các quanTrần Đức Khoan, Nguyễn Văn Mỹ và Nguyễn Kỳ Kế trong trận giải vây Diên Khánh năm 1794. Trong 5 năm ở Nam Hà, Dayot chưa từng có nhiệm vụ tác chiến, thì không thể lập bất cứ một “chiến công” nào. 

 

Dayot làm đắm tàu, trốn đi năm 1795

Những ngày cuối cùng của Dayot ở Việt Nam thực không mấy vinh hiển.

Năm 1795, lại có vụ người Pháp bỏ đi lần nữa, và giám mục Bá Đa Lộc cũng can dự vào.

Trong vụ này, Dayot đóng vai chính vì làm đắm tàu Đồng Nai [Faure, t. 216, ghi tên Đồng Nai, nhưng bài Introduction của Ste-Croix không nói rõ tên tàu] và bị tội, phải trốn đi, còn Bá Đa Lộc, cùng lúc ấy, bị Trần Đại Luật dâng sớ xin vua chém đầu, nên cũng xin đi. Vụ này chúng tôi đã trình bầy trong chương 10 về Sainte-Croix, ở đây xin nhắc lại mấy nét chính:

Sainte-Croix kể lại chuyện đắm tàu theo lời Dayot, tóm lược như sau: Dayot chống việc tham nhũng bị các quan căm ghét, nên tìm mọi cách triệt hạ. Một hôm, anh không có mặt trên tàu của mình, trời bão, tàu bị thổi xuống nước, lật. Vua đang sửa soạn hành quân, nổi giận vì sự mất tàu này. Các quan lợi dụng, tâu vua: tàu chìm do Dayot bất cẩn muốn làm chậm trễ việc xuất quân. Dayot bị đóng gông, đáng lý bị xử tử ngay, nếu bạn bè không tìm cách chận lại, đúng lúc Giám mục Bá Đa Lộc đi vắng, Dayot chịu gông 4 ngày. Khi giám mục về, giảng lẽ phải trái cho vua, vua tha ngay và “xử tử” các quan. Vì vụ oan uổng này mà anh em Dayot bỏ đi. Và tất các người Pháp khác, kể cả Puymanel cũng từ chức, bởi vì công việc của họ khó khăn như thế mà vua không cho họ của cải gì cả. (Tóm tắt lời Sainte-Croix, Introduction, Relation de La Bissachère, t. 85-87).

Nhưng theo thư của giáo sĩ Lavoué và giáo sĩ Le Labousse, mọi sự xảy ra khác hẳn:

1-Giáo sĩ Lavoué gửi M. Létondal, thư ngày 27/4/1795, viết:

“Nhà vua vừa hết sức giận dữ những người Âu đang giúp việc, và bắt bỏ tù hai người: Ông Dayot và phó cai đội của chiếc tàu bị đắm [như vậy Guillon hoặc Guilloux bị bắt cùng với Dayot], bị hư hại nặng nề; người ta vừa báo cho vua biết là tàu không còn dùng được nữa, điều đó làm cho vua nổi trận lôi đình, trong lúc quá giận đã chửi bới thậm tệ những người Âu, sau đó vua có hối lại, và có lẽ ông còn hối lại nữa bởi vì từ lúc ấy, công việc của ông ngày càng tồi tệ.

Chính trong lúc đó thì các quan đệ trình lên vua lá sớ chống Đức Giám Mục [Sớ của Trần Đại Luật xin vua chém đầu Bá Đa Lộc], vua đọc và làm thinh. Đức Ông được người ta báo tin ngay, giả vờ [như không biết] trong vài ngày nhưng sau thấy vua không nói gì và có vẻ đồng ý với các quan, bèn than thở một cách cay đắng, và người ta đã báo tin ngay cho vua biết, vua bèn gửi cho Đức Ông lá sớ đó(Launay, III, t. 302).

Chúng ta thấy ngay sự bịa đặt trong lời Ste-Croix: Bá Đa Lộc không đi vắng mà ông đang bị nạn vì lá sớ của Trần Đại Luật, ông cũng đang tìm cách tự cứu mình, nói chi đến việc cứu Dayot.

2- Thư giáo sĩ Le Labousse viết cho M. Létondal, quản thủ viện thừa sai Macao, từ Sài Gòn ngày 22/6/1795, cho biết thêm một chi tiết quan trọng sau đây:

“… Ông ta [Nguyễn Ánh] đang ở trong thế kẹt… Tất cả người Âu bỏ đi… Tôi sợ rằng đó là tiên khởi của chúng ta…. Đức Ông [Bá Đa Lộc] đã sửa soạn một chiếc tàu tốt rồi…

Ông sẽ thấy các ông Olivier và Dayot tới Macao. Dayot phải trốn khỏi tàu của mình khi ra hàng ở cảng Saint Jacques. Sự tẩu thoát này sẽ là tổn thất nặng nề cho nhà vua.

Trên tàu của Olivier có Chaigneau, cùng quê với tôi…” (Documents relatifs à l’époque de Gia Long, Cadière, BEFEO, số 12, 1912, t. 35).

Vậy, sau khi làm đắm tàu, bị đóng gông và kết án, Dayot trốn ra Vũng Tàu, nhưng bị bắt lại, rồi lại trốn trên tàu của Olivier de Puymanel; tàu này có cả Chaigneau nữa (lúc ấy Chaigneau chưa đầu quân Nguyễn Ánh, còn đang buôn bán trên đường Sài Gòn Macao). Puymanel cũng định bỏ đi, nhưng rồi sẽ quay trở lại. Việc Dayot trốn đi chứng tỏ anh ta chẳng oan uổng gì, câu chuyện Ste-Croix kể ở trên là biạ, Bá Đa Lộc chẳng can thiệp và cũng không có chuyện vua “xử tử” các quan đã “vu khống” cho anh ta.

 

Dayot trở lại nước Nam và được Gia Long khoan hồng

Dayot trốn đi, sang lập nghiệp ở Phi Luật Tân; mọi sự dễ dàng vì anh ta đã hai lần được vua sai sang Phi mua bán và đã được vua viết thư giới thiệu với viên toàn quyền Phi từ năm 1790.

Chín năm sau, toàn quyền Phi sai Dayot trở về Nam Hà mua gạo. Vua Gia Long đã bỏ qua tội cũ và cho phép y mua gạo đem về Phi. Lá thư của M. Labartette viết cho M. Foulon, quản thủ mới của Hội thừa sai Macao, ngày 15/4/1804, kể về về việc này với giọng mỉa mai, như sau:

“…Ở đây vừa xảy ra một chuyện khá lạ lùng mà chắc chẳng ai chờ đợi và có lẽ sẽ ầm ỹ lên. Số là cái ông Dayot danh tiếng, ngày xưa đã ở đây khá lâu phục vụ vua Nam Hà thời Giám mục Bá Đa Lộc còn ở Đồng Nai, rồi bỏ đi vì bất mãn gì đó với vua; cái ông này mới trở lại Đà Nẵng khoảng độ mươi ngày nay. Ông ta được viên toàn quyền ở Manille gửi đến, trên chiến thuyền Y Pha Nho, tên là La Princesse royale. Người ta đồn ông ta đến với sứ mệnh rất quan trọng cho lợí ích của hai nước, đó là sự cộng tác thương mại giữa nước Nam với cái gọi là chính phủ Manille. Việc phái bộ Anh bí mật đến nước Nam [chỉ việc phái bộ Roberts năm 1804 đến xin thông thương bị vua từ chối không tiếp] chắc đã bị các cường quốc Âu châu khám phá ra, bởi vì ông Dayot lại thông báo rằng chiến tranh Anh Pháp đã nổ ra từ 10 tháng nay, rằng cả Âu châu theo Pháp, Anh đứng một mình. Rằng Manille đang đợi hai hạm đội, một của Pháp, một của Y Pha Nho. Chính phủ Manille thông báo cho vua Nam Hà biết dự định của Anh muốn có một hải cảng ở nước Nam và khuyên nhà vua đừng cho.

Hơn nữa, vì người ta sợ khi hai hạm đội kia đến Manille sẽ thiếu gạo ăn, Mayot xin được mua gạo, vua cho phép xuống Đồng Nai mua. Hình như nhà vua thích đề nghị cộng tác của chính phủ Manille…”(Cadière, Doc. Ref. BEFEO, t. 58).

Việc Dayot mua gạo cho Phi Luật Tân được Thực Lục ghi trong tháng 4/1804, như sau:

“Lữ Tống bị đói, xin đong gạo ở Gia Định. Lưu trấn thần không muốn bán, đem việc tâu lên. Vua nói rằng:“Bờ cõi dù có khác nhau, nhưng lấy lòng chung mà thương nhau, sao nỡ không ngó đến”. Bán cho 50 vạn cân gạo” (TL, I, t. 590).

Vậy, năm 1804, Dayot không dám đến Huế gặp vua, như lời giám mục Labartette: “Người ta đồn ông ta đến với sứ mệnh rất quan trọng cho lợi ích của hai nước”. Có lẽ Dayot chỉ dám ghé lại Đà Nẵng, rồi không mua được gạo, mới xuôi thuyền xuống Gia Định, nói (dối) quan trấn thủ rằng Lữ Tống bị đói, xin mua gạo, nhưng quan trấn thủ không bán, mà tâu về triều, và vua đã ra lệnh bán. Như vậy đủ tỏ không những Gia Long đã rộng lượng tha thứ cho Dayot, mà ông còn muốn giúp người láng giềng Phi Luật Tân. Có lẽ nhà vua không quên ơn cũ, khi ông viết thư nhờ quan toàn quyền Phi giúp đỡ Dayot khi ông sai y sang Phi mua bán và sửa tàu năm 1790?

Ba năm sau, trong thư Chaigneau, viết từ Huế gửi M. Létondal, quản thủ tu viện Macao, ngày 6/6/1807, lại có câu: “Vua hay hỏi thăm tin tức anh em ông Dayot và mong họ trở lại Nam Hà” (Doc. Relatifs à l’époque de Gia Long, t. 59). Lời này, nếu có thật, xác định một lần nữa, Gia Long không những đã tha thứ tất cả lỗi lầm cho anh em Dayot mà còn mong họ trở lại.

Tuy nhiên, Dayot vẫn tiếp tục sự phản bội, y còn lừa vua thêm một lần nữa: Note số 1 của Cadière (Doc. Rel. BEFEO, t. 58) cho biết: “Dayot chẳng bao lâu trở thành tồi tệ với Gia Long, người ta nói với vua rằng ông ta đã làm gián điệp cho Anh. Chúng tôi biết được điều này nhờ lá thư của thừa sai Audemar ở Nam Hà viết ngày 6/6/1808 cho vị quản thủ viện thừa sai Macao” (Archives M-E, 801, p.1253) (Cadières, Doc. Rel., t. 58, note 1). Kể từ năm 1804, sau khi sứ bộ Roberts của Anh đến xin “thông thương”, tức là xin Cù Lao Chàm để mở “thương điếm”, vua không cho, đã để lại lá thư lời lẽ hỗn xược, hăm hoạ, vua Gia Long hết sức đề phòng người Anh. 

 

Cái chết của Dayot

Dayot chết đuối mùa thu năm 1809.

Thư của giáo sĩ Audemar từ Nam Hà ngày 28/4/1811, cho biết:

“Khoảng gần một năm rưỡi nay ông Dayot bị đắm tàu và chết đuối gần đây cùng với vợ và hai chục người nữa. Đúng là lỗi tại ông ấy, bởi vì, khi gặp cơn bão đầu mùa thu đến bất ngờ trên biển, ông ấy đã đến rất gần một bến tàu nhỏ. Trận bão thật dữ dội. Mọi người đều muốn ghé vào bờ; nhưng không hiểu sao mà điên rồ đến thế, ông ta đã làm gì? Tay khư khư cầm kiếm, đe doạ chém đầu hoa tiêu nếu anh ta lái tàu vào bến. Thế là tàu ngập nước. Chỉ có khoảng 7 thủy thủ bơi thoát được vào bờ. Thực ông ấy chết như đã sống, một cách vô đạo (en impie)!” (Cadière, Doc. Rel. BEFEO, t. 61).

Linh mục dùng chữ en impie (vô đạo) theo nghiã vô thần, khinh đạo, nhưng nếu chỉ vào cách sống của Dayot, còn có nghiã là vô luân nữa. 

Dayot chọn cái chết, chứ nhất định không cho tàu cập bến Việt Nam, có phải vì anh ta sợ lần phản bội cuối cùng này sẽ không được vua Gia Long tha thứ như những lần trước?

 

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-21/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-20/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.htm

 

Comments are closed.