Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học

Inrasara

Qua tiếp nhận phát hiện của người đi trước và bằng sự quan sát của mình về hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam đương đại, tôi đã một lần gọi tên mười căn bệnh phê bình(1). Sinh hoạt phê bình Việt Nam mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các bài viết kia cuối cùng được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, rồi ta tự tin kêu đó là “tập lí luận – phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn… gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.

1. Chuẩn bị tinh thần thay đổi cách làm phê bình

Để dứt bỏ thứ bóng ma phê bình cảm tính đầy tùy tiện từng ám văn học Việt Nam, nhà phê bình tự trang bị tinh thần và cả thái độ mới. Đòi hỏi trước tiên là nhà phê bình tự thức toàn diện và sâu thẳm về sự yếu kém của bản thân nền phê bình, nhận mặt căn bệnh và cương quyết rũ bỏ chúng. Tư thế tự do. Tự do khỏi mọi ràng buộc định kiến nghệ thuật, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, quyền lợi phe nhóm, quen biết anh chị em bằng hữu. Nhất là nhà phê bình cần có cái nhìn toàn cảnh văn học đương đại. Muốn thế, nhà phê bình học biết chấp nhận các quan điểm, các tác phẩm không cùng hệ mĩ học với mình. Hướng về phía tương lai và phía mới. Nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại, một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở của thời đại toàn cầu hóa. Vừa đảm bảo tiêu chí khoa học, cạnh đó nhà phê bình còn là một nghệ sĩ sáng tạo, để mỗi tác phẩm phê bình là một công trình nghệ thuật.

Làm thế nào để giải thoát khỏi phê bình cảm tính? Câu trả lời là: Ở thời điểm khởi đầu, chỉ qua thao tác phê bình lập biên bản, nhà phê bình mới hi vọng thoát khỏi định phận từng bám đuổi văn học Việt Nam suốt cả thời gian dài dặc ấy.

2. Ba hình thức phê bình lập biên bản

Phê bình lập biên bản hiện hữu dưới ba dạng:

Bàn tròn Văn chương(2)

Bàn tròn Văn chương, đề tài có thể là một tập thơ, bài thơ, một tập truyện ngắn, một tác giả, một trào lưu văn chương hay hình thức in ấn và phát hành; không phân biệt tác phẩm đó xuất sắc hay không. Các hiện tượng này cả tốt lẫn xấu, hay, dở hoặc trung bình… được soi chiếu từ nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. Bởi nếu là tập thơ trung bình, BTVC thảo luận về cái trung bình đó, rằng nó trung bình thế nào, tại sao như thế, và nó có gì khác so với trung bình tương cận không? Nghĩa là BTVC vẫn có thể rất hay, cả khi bàn về tác phẩm dở(3).

BTVCLập biên bản [như là] phê bình. Các thành viên nhận định và phê bình một tác phẩm, một vấn đề hay trào lưu văn chương đương đại, như kiểu tập thể phê bình. “Biên bản BTVC là bản ghi chép trung thực và đầy đủ các nhận định đó.

Bảy kì BTVC đạt được thành công đáng ghi nhận: trong tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau với số lượng người tham dự ngày càng tăng để thực sự cùng bàn về văn chương đương đại; đề được chọn tự do, vô phân biệt; thành viên tham gia và thảo luận tự do trong một không khí cởi mở, vô ngại – một tự do đầy trách nhiệm. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó.

BTVC đảm bảo cho nhà phê bình cái nhìn toàn cảnh sinh hoạt văn học.

Biên bản lập chậm

Sau mỗi Hội thảo, Ra mắt sách, Cà phê văn học… các báo đưa tin, bình luận. Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau, tùy thế đứng, cách nhìn hay tâm cảm người viết. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai, như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản bất toàn hay sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. BBLC: cụ thể, chính xác, đầy đủ và toàn diện. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước, trong, sau và cả ngoài hành lang hội thảo. BBLC thể hiện thao tác công bằng nhất có thể có, làm cơ sở cho nhà phê bình và độc giả đánh giá sự việc.

Chỉ dựa trên thông tin đầy đủ và chính xác, các nhận định hay phê bình mới mang tính tích cực như là tích cực. Qua đó, nó khả năng đẩy nền văn học dấn tới. Đó là cách chuẩn bị cho lối phê bình văn học tuân thủ các thao tác rất khoa học(4).

Phê bình [như là] lập biên bản

Là các bài “phê bình” về tác phâm, tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. Nó không thuần nghiên cứu và cũng không hẳn phê bình mà cư trú lấp lửng giữa hai món này. Tên cúng cơm của nó phải là Phê bình [như là] lập biên bản. Phê bình [như là] lập biên bản ghi nhận một trào lưu hay một bộ phận văn chương: về thơ nữ, thơ dân tộc thiểu số, thơ hậu hiện đại, thơ của các cây bút Chăm…; về tác giả hay một tác phẩm thuộc nhiều hệ mĩ học khác nhau.

PBLBB cố gắng bày nó ra như là thế, “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Với sự “đi vào trong” này, nhà phê bình sẽ có thái độ bao dung với mọi trào lưu văn chương, qua đó khả năng soi sáng các góc khuất chưa được soi sáng đầy đủ. Khi ấy, nhà phê bình có thể nhận ra bản chất văn học rằng, các hiện tượng nào bất kì hiện hữu có lí do của nó, chúng không loại trừ nhau mà cùng tồn tại để thúc đẩy nền văn học phát triển. Phê bình [như là] lập biên bản là song thoại đúng nghĩa, nghĩa là đầy tính dân chủ.

Bất kì hiện tượng văn học nào tồn tại đều có lí do của nó. Từ phong trào ngâm thơ cho đến sinh hoạt câu lạc bộ thơ Đường luật hay thơ mực tím, từ thơ đăng báo Văn nghệ cho đến thơ in photocopy, thơ kì khu lựa chữ ép vần cho đến thơ viết văng mạng… mỗi loại đều có độc giả của nó. Và không thể nói nó không được đón nhận đầy trân trọng.

Tìm hiểu tinh thần con người thời đại thì không thể bỏ rơi chúng, miệt thị chúng. Tôi không cho phong trào văn chương thời thượng nào đó thì tiên tiến hơn cái có trước, không cho hậu hiện đại tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng lạc hậu so với siêu thực. Mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại. Nhìn văn học trong tiến trình và biến trình của nó – từ một tác giả, một nhóm tác giả cho đến một trào lưu – là cái nhìn khả dĩ hơn cả. Chỉ có thái độ và hành vi cản trở sự hình thành và phát triển cái mới mới là lạc hậu và phản [chuyển] động.

Thế nhưng với sáng tác của các khuôn mặt thơ thế hệ mới, thế hệ thơ sau hậu hiện đại, Phê bình lập biên bản chưa thể đáp ứng được sự phát triển trương nở đến vô cùng của nó, tốc độ cập nhật và tương tác đa dạng và nhanh nhạy của nó. Nó cần đến thái độ khác, phương cách khác, tại đó “kiểu tập thể phê bình” như đã từng diễn tập tại Bàn tròn văn chương chỉ là một gợi ý ở phạm vi hẹp. Đó chính là Phê bình mở.

3. Phê bình mở: độc giả nhập cuộc đồng sáng tạo

Một tác giả xuất hiện, một tác phẩm vừa lên mạng hay ra lò in, vấn đề văn học đang nóng, nếu phê bình truyền thống phải chờ đến ngày hôm sau, tuần sau, tháng sau mới thấy bài viết mình được đăng lên, tác giả mới đọc được lời bình luận về nó, thì hôm nay đã khác. Chúng nhận được ý kiến khen chê, hoặc chúng bị bỏ quên ngay khi vừa ló đầu ra đời. Trên mạng internet!

Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí. Còn hơn cả báo chí. Bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog đảm đương mà không hề hấn gì. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Bài thơ cuối cùng trong tập thơ Liên tưởng của Lê Vĩnh Tài, kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Ở Bàn tròn Văn chương, nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó, không thể làm gì hơn. Nhưng nếu bài thơ xuất hiện trên website hay blog, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Như “Mình không định giống nhau đến thế” của Phạm Tường Vân đã nhận được. Mười một nhận định từ nhiều địa chỉ khác nhau gởi đến, nhận định này kéo theo nhận định khác; nhận định sinh bài thơ, sinh cả hành động. Chúng xảy ra trong một thời gian rất ngắn, có khi chỉ vài giờ, mươi phút sau khi tác phẩm xuất hiện.

Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình trên website hay blog cũng không giới hạn về thời gian. Tác phẩm hay vấn đề đó, có thể khá lâu sau đó hay khi thành viên cũ khám phá ra điều mới mẻ, vẫn có thể ghé lại bình luận tiếp tục. Xới lại vấn đề. Sự này sẽ sinh ra nhiều sự khác, đan xen, chống lắp. Vô cùng.

Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi bao nhiêu diễn ngôn khác nhau. Nếu thế giới là nơi diễn ra và dung chứa mọi hoàn cảnh, sự thể (The world is all that is the case – Wittgeinstein), thì tác phẩm văn chương cũng là nơi xảy ra và chấp nhận mọi khả thể của diễn ngôn. Vì tác phẩm văn chương là thế giới mở, người đọc có thể chấp nối đằng trước, đằng sau; bởi ở đó tồn tại khoảng vắng lẫn khoảng trống, người đọc có thể làm đầy nó từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chấp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng. Cũng chùm thơ đó của Tuệ Nguyên, cảm nhận của tôi vào mùa hè năm 2008 khác xa chính tôi nửa năm sau đó. Nhận định bột phát dại dột của cô bé Trung học tại Sài Gòn nằm sát sườn một ý kiến nghiêm cẩn của tiến sĩ sử học đang dạy Đại học ở Mĩ, cảm tưởng lạc đề của anh nông dân đang sống ở miền quê Bắc Ninh nằm ngay trang sau comment của một kĩ sư hóa học sính thơ với nhận định đầy võ đoán. Chúng chấp nối và làm đầy tác phẩm. Làm đầy tràn và tiếp tục mở ra hướng mới, khác nữa… cho đến khi tác phẩm kia chết hẳn.

Độc giả hôm nay – trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao – hết còn thưởng thức tác phẩm đầy thụ động. Bất kì lúc nào, họ cũng có thể nhảy vào, tham gia nhận định và tranh luận, nói lên cảm nghĩ và các phát hiện của riêng mình về tác phẩm. Họ hoàn toàn xa lạ nhau, cư trú nhiều vùng miền khác nhau, từ các truyền thống văn hóa khác nhau. Khen ngợi hay chê bai thậm chí miệt thị, đồng tình hay phản đổi – đủ cả. Hệt các người hâm mộ bóng đá tranh cãi về trận cầu đang diễn ra hay vừa kết thúc. Có kẻ đi đường tạt vào phát một câu rồi đi. Cả bà chủ quán không hiểu gì về bóng đá cũng xía vào. Theo đường link, các nhà kinh doanh hay chính trị gia ngẫu nhiên ghé mắt sang trang thơ của một tác giả lạ, cũng đưa lời bình. Trên diễn đàn này, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa. Người nào thấy ý kiến mình quá tẻ hay nhảm thì có thể chuồn êm không để lại dấu vết. Hôm sau lại lập nickname khác tranh luận tiếp!

Phê bình truyền thống đủ loại có thể cảm nhận hay diễn giải một tác phẩm bằng nhiều cách khác nhau, bình luận hay luận chiến về tác giả, tác phẩm đó; nhưng chung quy tác phẩm vẫn được xem như một thứ văn bản đóng. Ngược lại, các phản hồi trên blog, website góp phần biến tác phẩm thành một văn bản mở, văn bản sống đúng nghĩa. Tác giả nghe hơi thở của tác phẩm mình đập thình thịch qua các bình luận lắm khi rất nhảm nhí không đâu vào đâu của người tiếp nhận(5).

Đó là chuyện không tờ báo giấy nào chấp nhận hay có thể kham nổi.

Vài năm qua, thơ mạng bị phê phán là thứ thơ dễ dãi, thơ ăn nhanh, chưa kịp chỉnh sửa đã đưa ra công chúng. Đúng, nhưng đó là đúng từ cách nhìn cũ. Không ít nhà thơ xem bản “in” đầu tiên là bản nháp đơn thuần, cảm tác tức thời đáp ứng nhu cầu nội tâm hay thời cuộc. Hoặc đó chỉ là thử nghiệm cách diễn đạt mới để dò lòng người đọc. Qua tương tác với độc giả, tác giả có thể hoàn chỉnh nó vài ngày sau, đăng lại bản sửa cũng chính ở trang đó; hoặc tái bản trong thời gian sớm nhất ở trang khác. Không vấn đề gì cả! Ranh giới kẻ sáng tác và người thụ hưởng bị xóa nhòa toàn triệt, đó cũng là một cách đồng sáng tạo.

Với tinh thần của Mĩ học tiếp nhận Reception Aesthetics và phê bình đặt trên phản hồi của độc giả Reader reponse criticism, người đọc đóng vai trò rất lớn: chủ động và tích cực. Đã có không ít độc giả sau những tương tác với tác giả trên thế giới ảo, đã kéo tác giả ngồi vào quán cà phê hay hội trường thực để bàn bạc tổng kết ý kiến. Họ thoải mái ngôi nhâm nhi hay trà đạo trao đổi – những người chưa từng gặp nhau, quen nhau. Họ tích cực đến không ít lần tác giả chủ trang Blog trở thành diễn viên phụ, rất phụ.

Đó là những điều kiện Phê bình mở. Từ những điều kiện này, các nhà phê bình chuyên nghiệp cũng nhập cuộc, nếu không hắn sẽ bị bỏ rơi lại phía sau trong nỗi bảo thủ tệ hại. Nhập cuộc trong tinh thần Phê bình mở, nghĩa là chấp nhận và dung chứa tất cả hiện tượng mới đó trong sinh hoạt văn chương. Nó gợi hứng và gợi mở cho mọi người cùng nhập cuộc. Nó không phán định mang tính đinh đóng. Cũng đưa cảm nhận riệng, nhưng nó không bao giờ cho đó là lối cảm nhận duy nhất đúng. Nó chấp nhận và kêu đòi nhiều cách tiếp cận đối tượng khác nó, điểm nhìn và cách nhìn khác nó. Nó vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác.

Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, nó đi vào trong và có khi đi trước sáng tác.

Từ mấy đặc điểm trên, Phê bình mở tuyển, chủ yếu nó không nhằm sưu tập tác phẩm “hay” theo kiểu truyền thống mà nhấn vào sáng tác đặc trưng của tác giả. Nó coi văn học như là một tiến trình chuyển động không ngưng nghỉ. Chỉ tác phẩm nào tham dự vào tiến trình mới đáng bàn tới. Còn lại, xin nói lời bình an cho chúng.

Đa hướng trong cách tiếp cận tác giả, tác phẩm, Phê bình mở cũng đa dạng trong lối thể hiện. Có bài cảm nhận theo lối cổ truyền, người viết đưa ra một chiều bình, ngoài ra không gì khác. Phê bình đính kèm phần quan niệm sáng tác của tác giả cùng thư trao đổi qua lại giữa người viết và tác giả, cũng là một cách. Có khuôn mặt được gợi mở qua vài nhận định trích dẫn từ các trang báo và cả của người viết ở thời điểm trước đó, rồi mới tới lời bàn. Đặc biệt, có tác giả mà người viết đưa các comments của độc giả xen vào giữa các bài thơ tuyển. Nghĩa là – linh hoạt và, hoàn toàn theo hướng mở.

4. Nền tảng thẩm định văn chương (tạm chọn một thể loại: thơ)(6)

Đòi hỏi đầu tiên với nhà phê bình là đủ bản lĩnh: bản lĩnh tri thức và tinh thần để thẩm định; thừa tự do, tự do thoát khỏi mọi gu thẩm mĩ “cổ điển” hay thời thượng, thoát khỏi mọi thứ quyền lực bất kì, đám đông công chúng hay ý hệ; dư tinh thần dân chủ, dân chủ để thật công tâm với mọi loại, mọi dạng sáng tác phẩm. Nghĩa là phê bình đặt hoàn toàn trên lí tính. Nhưng trước muôn ngàn quan điểm về thơ, làm thế nào hòa giải chúng, để các “loài” thơ cùng tồn tại mà không bị loại trừ hay phải loại trừ nhau? Có ba loại nhà thơ (không có chút tâm phân biệt trong thái độ phân loại này cả):

Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lac bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ truyền. Nhà thơ phục vụ cho một ý hệ, một tầng lớp nào đó bất kì. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của chính mình. Kẻ sáng tạo đúng nghĩa. Luôn luôn trên đường khám phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Khi học biết nhìn nhận tất cả ba “loại” nhà thơ trên, nhà phê bình sẽ có cái nhìn công bằng, từ đó đưa ra sự thẩm định(7).

Một nhà văn được đánh giá qua bốn điểm cốt yếu: [1] Nhà văn có tư tưởng nào mới không, hoặc động cập đến các vấn đề cốt tủy nào của dân tộc, đất nước và thời đại không? [2] Bạn có dấn vào nhiều thể loại để mở rộng và đào sâu tư tưởng/ vấn đề đó không? [3] Bạn có khám phá bút pháp nào mới, để thể hiện tư tưởng/ vấn đề đó? [4] Cuối cùng là dung lượng để đo bề rộng, chiều cao và độ sâu, của một tác phẩm hay cả đời viết của một nhà văn; nghĩa là tương quan giữa tầm vóc và dung lượng.

Thẩm định đánh giá một tác giả cần dựa trên bốn yếu tố đó. Cuối cùng, bởi một tác phẩm, mỗi nhà văn không tồn tại hay sáng tác cô lập nên, muốn biết nó hay, mới thế nào, lớn đến đâu thì cần đặt nó trong dòng chảy của sự phát triển văn học, so sánh với các tác phẩm hay tác giả vừa lịch đại vừa đồng đại, trong nước lẫn thế giới.

5. Triển khai một công nghệ phê bình toàn diện

Phê bình Việt Nam lâu nay quanh quẩn ở phê bình tác phẩm, tác giả, thời đoạn văn học… mà chưa dấn lên một bước mới, khác. Bởi văn học không tách rời khỏi đời sống xã hội, nó luôn chi phối và chịu tác động của môi trường xung quanh, nên công nghệ phê bình đòi hỏi cái nhìn xuyên suốt. Nó không dừng lại ở phê bình tác phẩm, tác giả mà còn bao quát nhiều đối tượng; nó nhấn vào cả việc phê bình đọc, phê bình viết và cả phê bình chính bản thân phê bình. Hình thức phê bình cũng rất đa dạng: Phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành hay phê bình lí thuyết. Cạnh đó, nó còn thể hiện qua sự đa diện ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới khác nhau của tác phẩm…(8)

Như thế, phê bình không chỉ phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là cứ chịu phận lọt tọt đi sau sáng tác, mà còn có thể dũng mãnh đi trước sáng tác, một dạng phê bình khả năng dẫn đạo sáng tác.

Phê bình khám phá cái đẹp rồi quy phạm hóa cái đẹp để lập thuyết và phê bình mang ý hướng khai mở cho cái đẹp mới xuất hiện là hai loại phê bình song hành tồn tại ở một nền văn học lớn của đất nước nào bất kì. Công nghệ phê bình ra đời để tạo lực đẩy và trao cơ hội cho mọi khả tính của phê bình.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: Người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Có thể phân “nhà” phê bình làm ba loại: nhà phê bình đại diện cho thị hiếu chung của xã hội, nhà phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, và nhà phê bình lí thuyết mở hướng đi mới cho khai phá sáng tạo.

Mỗi loại phê bình hiện hữu có lí do chính đáng của nó. Và cần thiết. Bởi tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho sự phát triển của văn học, miễn là nhà phê bình thức nhận và biết đặt nó vào đúng vị trí và vai trò của nó.

Sài Gòn, 8-5-2010

_______________

Chú thích

(1) Xem thêm: Inrasara, “Gọi tên căn bệnh của phê bình hôm nay”, báo Văn nghệ, 30-8-2008.

(2) Bàn tròn Văn chương là chương trình văn chương của Ban Sáng tác trẻ do Inrasara – thay mặt nhà văn Phan Thị Vàng Anh – chủ trì, sinh hoạt ngoại biên của Hội Nhà văn Việt Nam. 7 kì Bàn tròn Văn chương: Kì 1: Ngô Thị Hạnh làm thơ và nghĩ về thơ; Kì 2: Lê Vĩnh Tài và Thơ; Kì 3: Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại; Kì 4: Cát Du làm thơ trong cơn mê ngủ; Kì 5: Lửa sâu cõi đá của Vương Huy: Cuộc lữ hành về một thiên đường đã mất; Kì 6: Nhật Chiêu – Thử thay đổi cách nhìn vào thực tại; Kì 7: Văn chương mạng & Website Vanchuongviet.

Sau BTVC kì 7, “xảy ra” hai cuộc nữa: Kì 8: Nắng đêm của Lê Hải, nhưng kì này, Ban chủ trì không nhận được Văn bản lẫn Biên bản BTVC là bản văn cuối cùng làm chứng từ cho một kì BTVC; Kì 9: Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý, Ban chủ trì có nhận được Văn bản gồm ba tham luận ngắn, bởi tổ chức bất thành và dĩ nhiên không có Biên bản, nên cả hai cuộc này không được kể vào sinh hoạt của BTVC. Cả kì 10: Phong trào thơ Tân hình thức cũng thế.

(3) Sau Bàn tròn Văn chương kì 4: Cát Du làm thơ trong cơn mê ngủ, có độc giả thắc mắc" Thơ Cát Du có gì hay mà Hội Nhà văn Việt Nam phải làm "hội thảo". Đây là câu hỏi đặt đúng, nhưng chỉ đúng với tinh thần cũ, đã lỗi thời. Tinh thần BTVC hoàn toàn khác. Nó không đóng vai người lăng xê tác giả hay quảng bá cho tác phẩm nào bất kì.

(4) Biên bản lập chậm, Cà phê Văn học của Hội đồng Anh tháng 7-2007, Vanchuongviet, 9-7-2006: “Sau mỗi cuộc hội thảo lớn nhỏ, luôn có các cách đưa tin và nhận định khác nhau. Cafe Văn học tháng Bảy của Hội đồng Anh không là ngoại lệ. Đã có năm, sáu bài báo ngắn về cuộc này. Người đọc cũng sẽ tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác, chắc chắn thế. Theo tôi, tốt hơn cả là ta cứ ghi biên bản: cụ thể, chính xác, đầy đủ. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Là người trong cuộc, tôi thử “lập biên bản” hội thảo này. Và để biên bản không rơi vào chủ quan hay thiếu sót, tôi có tham khảo ý kiến và trí nhớ của vài người tham gia”.

BBLC chỉ nhằm phục vụ cho nghiên cứu riêng, nên chúng ít “kiêng nể” hơn cả; ngoài vài bạn văn thân thiết, hầu hết BBLC chưa được đưa ra thông tin đại chúng. Đây là một trong mười hai BBLC được đưa ra thông tin đại chúng.

(5) Ví như bài thơ “Khóc Tây Tạng” của Inrasara vừa đăng trên Tienve.org sáng ngày 28-7-2009, thì ngay sau đó đã có mười bốn bài bình luận được post lên tương tác. Có bài dài đến bốn trang A4 dẫn ra bao nhiêu đường link đưa độc giả tiếp cận với vấn đề. Rồi có tác giả làm cuộc sưu tầm các bài viết và sáng tác xung quanh sự kiện Tây tạng. Rất lí thú và bổ ích. Đặc biệt hơn nữa là có đến bốn bài thơ “họa” lại bài thơ khởi đầu. Và đặc sắc không kém.

(6) Xem “Đặt nền tảng cho phê bình thơ Việt đương đại”, tạp chí Hợp Lưu, số 110, 2010.

(7) Xem thêm: Inrasara, “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010.

(8) Xem Nguyễn Hưng Quốc, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn Mới, Hoa Kì, 2007, tr. 89-92.

Comments are closed.