Thuỵ Khuê
Chương 5
Alexandre de Rhodes
IV – Thư xin triều đình Pháp chinh phục phương Đông
Chương này giới thiệu ba bài Tựa sách quan trọng, đó là ba bức thư Alexandre de Rhodes cầu xin triều đình Pháp chinh phục phương Đông:
– Thư gửi Pháp Hoàng Louis XIV, cũng là bài Tựa sách Histoire du Royaume du Tonkin (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài), bản tiếng Pháp, in ở Lyon, năm 1651[1].
– Thư gửi quan Chưởng Ấn Pháp, là bài Tựa cuốn La glorieuse mort d’André (Cái chết vinh hiển của André), bản tiếng Pháp in ở Paris năm 1653[2].
– Thư gửi hoàng hậu Anne d’Autriche, bài Tựa cuốn Divers Voyages et Missions (Nhiều chuyến Du hành và Truyền giáo), in ở Paris năm 1653.
Ba lá thư này viết trong khoảng 1651-1653: thư gửi Louis XIV, lúc đó 13 tuổi, in năm 1651. Thư gửi Chưởng Ấn Pháp, cầm quyền thay Hồng y Mazarin phải đi lánh nạn, (vì nội loạn La Fronde), in năm 1653. Và sau cùng là thư gửi hoàng hậu Anne d’Autriche, vợ vua Louis XIII, mẹ vua Louis XIV, in cuối năm 1653, trong thư có nói đến việc ông sắp được đi truyền giáo (ở Viễn Đông) cùng với 20 linh mục Dòng Tên.
Ba lá thư này in làm Tựa sách, nhưng có văn bản “gốc” viết rời không?
Chúng tôi chắc là không. Bởi vì, trong thư, giáo sĩ nói đến việc dâng vua và hoàng hậu cuốn sách, vậy nếu có thư viết rời, thì cũng phải có sách in chưa có bài Tựa. Nhưng theo danh sách tác phẩm của de Rhodes do cha Machault soạn, in trong Voyages et Missions (Du hành và truyền giáo) (1854), thì không thấy có bản nào được in ra trước 1651 và 1653 là năm ba cuốn sách này xuất hiện lần đầu.
Như vậy, ba bức thư này không viết để gửi riêng cho ba nhân vật chính trong triều đình, mà còn để gửi cho cả dân tộc và độc giả tiếng Pháp ở năm châu.
Khi dịch sách của de Rhodes, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên đã bỏ qua, không dịch hai bài Tựa, là thư gửi vua Louis XIV (tựa sách Histoire du Royaume du Tonkin) và thư gửi mẫu hậu Anne d’Autriche (Divers Voyages et Missions, được ông dịch là Hành trình và truyền giáo).
Ba thư này diễn tả nguyện vọng: cầu xin nước Pháp, Đệ nhất Vương quốc Thiên Chúa giáo, lên đường chinh phục các nước phương Đông để tiến hành việc Gia-Tô hóa thế giới.
Các nước phương Đông ở đây, thực ra chỉ là hai “nước” Đàng Ngoài và Đàng Trong, nơi vị linh mục đã tới giảng đạo, biết nói tiếng Việt, biết sự giàu có tài nguyên, biết rõ địa hình và đã vẽ bản đồ để dâng vua Louis XIV một hồ sơ đầy đủ về vùng đất mà ông khẩn khoản xin nhà vua đi chinh phục.
Ngày 11-9-1652 Alexandre de Rhodes rời Roma, ông đến Paris tháng 1-1653, để vận động với triều đình Pháp.
Tố cáo “tội ác giết đạo”
Alexandre de Rhodes cũng như các giáo sĩ đều coi việc “khai hoá” các dân tộc phương Đông bằng ánh sáng Phúc Âm là sứ mệnh hàng đầu, mà thời ấy, ở phương Đông, quốc gia có chính sách cấm đạo hà khắc nhất là Nhật Bản, nên ông phải “tố cáo tội ác” của nước Nhật trước Giáo hoàng và Tòa Thánh, do đó ông viết cuốn: Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq Pères de la Compagnie de Jésus qui ont souffert dans le Japon (Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên đã chịu cực hình tại Nhật Bản) cùng với cuốn La glorieuse mort d’André (Cái chết vinh hiển của André) in tại Paris năm 1653, để “tố cáo tội ác” của nước Việt.
Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên trình bày “tội ác” của Mạc Phủ trong việc bắt bớ, tra tấn, và hành hình 5 tu sĩ và 3 người làm bột bánh thánh vào tháng 3-1643 ở Nangazaqui (Nagasaki). Danh sách các giáo sĩ bị xử tử được ghi trong sách gồm có:
Cha Antoine Rubin[3], Giám sát hai tỉnh Trung Hoa và Nhật Bản; cha Albert Miciski, thuộc một gia đình nổi tiếng ở Ba Lan; cha Antoine Capeche, con trai Hầu tước Capeche ở Naples (Ý); cha Jacques Morales, người Tây Ban Nha; và thầy giảng François Marquez, người Nhật[4].
Vẫn theo de Rhodes, việc năm tu sĩ quyết định đột nhập vào Nhật Bản được tổ chức từ tháng 11 năm 1640, gồm các giáo sĩ Tây phương thuộc gia đình dòng dõi và nổi danh, có lẽ họ nghĩ rằng, như thế, Tướng quốc (Shogun) sẽ không dám bắt.
Năm người hẹn nhau ở Phi Luật Tân tháng 8 năm 1642, cùng đi tàu tới Nagasaki ngày 21-8-1642. Tới nơi, lập tức họ bị bắt giam, “bị tra tấn, ngâm nước, thịt da bị lửa đốt cháy, bị nướng bằng thép nung, trong bảy tháng”.
Ngày 17-3-1643, tám người (5 tu sĩ và 3 người làm bột thánh) nhất quyết tử vì đạo, bị đưa lên thập giá. Thomas, người Nhật, chết trước, ngày 20-3-1643, sau đó đến cha Rubin, và ba ngày sau đến lượt cha Miciski. Những người khác chết chín ngày sau và hai người cuối cùng không chết, phải chặt đầu.
Cuốn sách này, de Rhodes phỏng theo lời tường thuật trên nhật báo La Nouvelle Hollande của một người Hòa Lan, tên là Jean Efdrac[5], nên không biết thế nào; bởi vì cuốn La glorieuse mort d’André (Cái chết vinh hiển của André), do de Rhodes được “mục kích kể lại” thì chúng ta đã thấy kết quả.
Vua Louis XIII và Louis XIV
Khi de Rhodes về tới Roma ngày 27-6-1649, Pháp đang ở trong tình trạng rối loạn chính trị.
Vua Louis XIII qua đời năm 1643, Louis XIV, lên ngôi mới 5 tuổi, ở dưới quyền nhiếp chính của Hoàng hậu Anne d’Autriche và Hồng y Mazarin.
Năm năm sau, bùng nổ cuộc nổi dậy La Fronde (Đầu thạch đảng) (1648-1653), chống lại Mazarin và Anne d’Autriche, ở nghị viện (1648-1650) rồi sang giới quý tộc (La Frondes des Princes, 1650-1653). Hồng y Mazarin, Thủ tướng Pháp (Principal Ministre d’Etat), người Ý, bị quốc hội buộc tội và truy nã, theo nghị quyết ngày 8-1-1649 “yêu cầu trong tám ngày phải ra khỏi nước”, đã phải lẩn trốn như một kẻ “ngoại quốc tiếm ngôi”.
Đầu năm 1651, Louis XIV, Anne d’Autriche và Mazarin phải đi lánh nạn. Tháng 10-1652, Louis XIV và Anne d’Autriche về lại Paris. Ngày 3-3-1653, Hồng y Mazarin cũng về triều, trở lại làm Thủ tướng, chấn chỉnh quyền lực vững vàng hơn trước. Đến năm 1661, Mazarin qua đời, Louis XIV, 23 tuổi, mới thực sự cầm quyền, sẽ trở thành Louis Đại đế (Louis Le Grand).
Triều đại Louis XIII (1610-1643) và Louis XIV (1643-1715) là hai triều đại rực rỡ, nhờ việc chinh phục thuộc điạ. Louis XIII trị vì cùng với Hồng y Richelieu, Thủ tướng từ 1624 đến 1642, giúp vua triệt hạ ảnh hưởng dòng họ Hadsbourg ở Vienne và Madrid, thanh trừng đạo Tin Lành, thắng Tây Ban Nha, trở thành cường quốc số 1 ở châu Âu.
Chính sách đánh chiếm thuộc địa đã bắt đầu dưới thời Henri V (1589-1610), nhưng Pháp thực thụ trở thành Đế quốc thực dân (Empire colonial) dưới triều Louis XIII (1610-1643) với Hồng y Richelieu và tiếp nối dưới triều Louis XIV, dưới sự lãnh đạo của Hồng y Mazarin tới khi ông qua đời, năm 1661, Louis XIV đã trưởng thành.
Năm 1615, Antoine de Montchrestien đề xướng Chủ nghiã con buôn (Mercantilisme): phế thải những thặng dư thương mại bằng cách tạo ra thuộc địa để khai thác, chỉ cho sản xuất và buôn bán những gì đem lợi nhuận cho chính quốc. Nói khác đi: chiếm thuộc địa để có chỗ thải những đồ không bán được và sản xuất những thứ mà nước mẹ cần dùng. Chủ nghiã này sẽ là “tư tưởng chỉ đạo” của Tây phương trong ba thế kỷ xâm chiếm thuộc địa khắp thế giới.
Trước đó, từ 1608, Samuel de Champlain đã mở Comptoir (Thương cục) Québec. Năm 1642, mở Comptoir Montréal: Canada trở thành Nước Pháp Mới (la Nouvelle France). Từ 1625 đến 1635 Pháp chiếm vùng Antilles (Guadeloupe, Martinique), rồi đảo Réunion (1638) và Madagascar (1642).
Từ năm 1633, Công ty Rosée Robin của Pháp ở Sénégal, với sự bảo trợ của Louis XIII đã được độc quyền buôn bán nô lệ da đen sang Mỹ.
Để phát triển việc mua bán nô lệ, Hồng y Mazarin, phụ chính Louis XIV cho mở Comptoir Sénégal (1646). Đến năm 1664, Louis XIV sai Colbert, Bộ trưởng Hải quân, lập Compagnie française des Indes Orientales (Công ty Pháp-Ấn) ngày 27-8-1664. Công ty này sẽ chỉ đạo việc đánh chiếm Ấn Độ (Pondichéry, Chandernagor, Mahé, Karikal, Yanaon, Masulipatam).
Colbert, xác định chính sách thực dân là điều kiện cần thiết cho sự thịnh vượng của nước Pháp. Pháp chiếm Saint Louis (1659), Saint Domingue (1665), đảo Gorée (1677), Louisane (1682). Đảo Maurice (1715), Đế quốc thực dân Pháp đạt đỉnh cao nhất trong thời kỳ này.
Sau khi Louis XIV qua đời (1715), Louis XV không mấy quan tâm đến chính sách thuộc điạ, Nhưng khi Joseph-Francois Dupleix làm toàn quyền Pondichéry (1741) và tư lệnh hải quân Pháp ở Ấn Độ, phá tan lực lượng thuỷ bộ Anh bao vây Pondichéry (1748), Pháp lại trổi dậy. Rồi Dupleix bị thất sủng, bị gọi về Pháp (1754), mộng chiếm toàn bộ Ấn Độ tan vỡ, chết trong quên lãng (1763). Anh bắt đầu thắng trận trong Cuộc Chiến Bảy Năm (La Guerre de Setp Ans) (1756-1763), Đế quốc thực dân Pháp biến mất cùng với Công ty Pháp-Ấn (do Dupleix điều khiển) năm 1794, nhường chỗ cho Đế quốc thực dân Anh. Phải đến khi Pháp chinh phục Việt Nam, từ năm 1862, mới dần dần lập lại được Đế quốc thực dân thứ hai (Second Empire) ở Đông Dương.
Những đế quốc này (Hòa Lan, Anh, Pháp…) thường dùng chữ Comptoir tức là họ chỉ “mở cửa hàng buôn bán” chứ không chiếm thuộc địa, ở khắp nơi họ đến như Canada, Mỹ, Ấn Độ, Nam Dương… Rồi họ lập ra các Compagnie des Indes, như Công ty Hòa-Ấn, Công ty Pháp-Ấn, Công ty Anh-Ấn, do Hòa Lan thông minh nghĩ ra trước, rồi Anh Pháp bắt chước, ngoài mặt là những “Công ty buôn bán”, nhưng thực chất là để chỉ đạo việc đánh chiếm thuộc điạ và tranh cướp lẫn nhau từng mẩu đất ở Á Châu.
Cho nên, khi phần đông người Việt (như Nguyễn Trường Tộ) hùa nhau buộc tội vua Tự Đức cấm đạo và không để cho Pháp vào “buôn bán” khiến Pháp “bắt buộc” phải đánh nước ta, là không hiểu gì về chính sách thực dân trên toàn cầu trong nhiều thế kỷ.
Nhìn lại bối cảnh này, ta sẽ hiểu rõ hơn hành động và ý nghiã những lời lẽ trong thư của Alexandre de Rhodes.
Thư gửi Pháp hoàng Louis XIV
Lá thư đầu tiên, quan trọng nhất, viết năm 1651, gửi vua Louis XIV để dâng sách Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài[6] và bản đồ Đại Việt.
Thư đi cùng với Sách và Bản đồ như món quà mới lạ, hiến vua sau chuyến viễn du đến một vùng đất mới chưa ai biết, chưa ai chinh phục.
Trong Avis au lecteur (Lời tiểu dẫn) ở đầu sách, de Rhodes kê khai rõ tình trạng đạo Chúa ở Đàng Ngoài thời ấy tức là vào khoảng 1650: đã có hơn 200.000 giáo dân, 200 nhà thờ lớn, chưa kể vô số tiểu giáo đường, nhà nguyện và sáu trú sở cho giáo sĩ Dòng Tên.
Chúng tôi xin dịch toàn bộ lá thư này, dưới đây:
Tâu hoàng thượng,
Theo tục lệ của dân xứ Đàng Ngoài (mà thần dốc lòng in sách về phong tục tập quán của họ) mỗi năm, họ dâng Chúa của họ một món quà, là những hoa quả mới đầu mùa, vừa trồng được trong xứ, để tỏ lòng biết ơn chúa, nhờ sự che chở của chúa, mà họ được sống và tự do hưởng thụ, không chỉ những sự tốt lành Số phận dành cho họ, mà cả những món quà họ nhận được từ sự phong phú chung của Thiên nhiên. Lẽ đương nhiên và bổn phận buộc thần phải bắt chước họ, hiến dâng Bệ hạ một loại hoa quả mới của chính đất này, thần muốn nói tới Lịch sử mới, cùng phong tục và tập quán của người dân những Xứ xa xôi, ở tận cùng thế giới mà nước Pháp chỉ thoáng nghe nói đến tên.
Thần thiết tưởng không hề phản bội những Dân tộc đã nhận Đức tin, nếu thần nhân danh họ, dâng lên Hoàng thượng món quà mới này như sự thần phục chính đáng của họ trước Đệ Nhất Vương Công giáo và Con Cả của Giáo hội, để họ được vẻ vang và vinh dự vào trong lòng và được coi là những đứa con của Giáo hội.
Tâu Hoàng thượng, sau đó, thần dám hân hạnh hy vọng rằng Tác phẩm này (dù nhỏ nhoi đến đâu) cũng không làm phật ý Hoàng thượng bởi vì nó mới.
Cái Mới đem lại vẻ yêu kiều cho ánh Mặt trời mọc, cho hoa xuân, cho sự âu yếm bập bẹ của trẻ thơ, cho tất cả những gì là sản phẩm của Thiên nhiên hay Nghệ thuật, và nó cũng sẽ (như thần hy vọng) làm cho Hoàng thượng chấp nhận cuốn Sử mới này, trong đó mô tả, không những, đời sống thế tục của Vương quốc Đàng Ngoài, cách xa nước Pháp muôn trùng Đất đai, Biển cả, mà còn cả, tình trạng tinh thần của Giáo hội công giáo mới ra đời, mà những người thợ của Dòng chúng thần [Dòng Tên] đã thiết lập, và ngày nay, đã được hơn hai trăm ngàn Giáo dân, chịu từ bỏ sự đắc tín dị đoan của họ, để trung thành sùng kính chân lý của Thượng Đế, trong lòng một Dân tộc, từ bốn nghìn năm nay, chỉ biết có Quỷ là Thầy.
Cũng như (thần hình dung) Hoàng Thượng sẽ giữ vững lòng sùng đạo, khi ngài thấy Vương cung tình yêu mỗi ngày một mở rộng, rằng Chúa Cứu Thế bằng công sức của máu và Phúc Âm, mỗi ngày thu hoạch thêm nhiều vùng đất mới mà mặt trời từ bình mimh đến hoàng hôn, đã phát giác.
Thần cầu Thượng đế, đã ban Hoàng Thượng [cho nước Pháp] để chinh phục nước Pháp bằng tình yêu, với lời hứa nhiệt thành sẽ làm cho Đông phương, dưới triều Hoàng Thượng, thành một Miền Nam của nước Pháp và một ngày hiển vinh và thịnh đạt, hoàn tất đặc ân đã bắt đầu, cho chúng thần được cảm tạ hơn là phải cầu xin Lượng Tối Cao.”
Kẻ rất hèn mọn, rất trung thành thần dân và tôi tớ Hoàng Thượng
Xin phụng mệnh
Alexandre de Rhodes,
Thuộc Dòng Tên
Nguyên văn tiếng Pháp thế kỷ XVII, chúng tôi sửa lại theo cách viết tiếng Pháp hiện đại:
Au Roi,
Sire,
C’est une coutume reçue parmi les Peuples de la Nation Tunquinoise (de qui j’ai entrepris de publier les habitudes et les moeurs) d’offrir tous les ans à leur Roi un présent des fruits nouveaux de la saison, qu ‘ils ont recueillis de la terre; pour lui témoigner par cet effet de leur reconnaissance, que c’est sous sa protection qu’ils vivent et qu’ils jouissent en liberté, non seulement des biens que la Fortune a voulu qu’ils eussent, mais encore des présents qu’ils ont reçues des libéralités communes de la Nature. Et j’ai moins de sujet de me dispenser de l’obligation, à laquelle toute sorte de droits et de devoirs me condamnent, de présenter à votre Majesté un fruit nouveau de cette même terre; je veux dire la nouvelle Histoire de ces Pays reculés dans les derniers confins du monde, qui commence à paraitre en France et à lui faire connaitre les mœurs et les qualités des peuples, dont à peine elle avait appris le nom.
J’ai cru même n’être point désavoué de ceux d’entre ces Peuples qui ont reçu la Foi, si je me déclarai d’apporter à leur nom et de leur part à Votre Majesté ce présent nouveau comme un juste hommage qu’ ils rendent au premier Roi Chrétien et au Fils Aîné de l’ Eglise; dans le sein de laquelle ils tiennent tous à gloire et à grandheur d’être entrer et de se dire ses enfants. Après cela, Sire, je me suis voulu flatter d’espérer que cet Ouvrage (quelque petit qu’il soit) ne serait point désagréable à V. Majesté, quand ce ne ferait que parce qu’il est nouveau.
La Nouveauté étant celle qui prête des grâces aux Soleils naissants, aux fleurs printannirères, à la tendresse bégayante des enfants, et à tous ce qui est de productions de la Nature, ou de l’Art; et qui fera aussi (comme j’espère) agréer à V. Majesté cette nouvelle Histoire, en laquelle non seulement est décrit l’état temporel du Royaume de Tunquin que tant de Terres, et de Mers séparent des connaissances de la France, mais encore l’état spirituel de l’Eglise naissance que les travaux des ouvriers de notre Compagnie y ont établie, composée aujourd’hui de plus de deux cent mille Chrétiens, qui après avoir renoncé de à la vanité de leurs superstitions, servent Dieu fidèlement et l’adorent en vérité au milieu d’une Nation qui depuis cinq mille ans n’avait reconnu que le Démon pour Maître.
C’est aussi (comme je me le suis figuré) ce qui servira d’agréable entretien à la pieté de Votre Majesté, quand elle y verra si notablement agrandi le Royaume des cœurs, que le Sauveur s’est acquis par le mérite de son sang et son saint Évangile entrer tous les jours en possession des terre neuves que le Soleil en se levant et en se couchant lui découvre.
Je pri Dieu, qui pour asservir la France de son amour, a donné Votre Majesté à l’ardeur de ses voeux; qu’il fasse de l’Orient de votre Règne, un Midi, et un plein jour de gloire, et de prospérité et qu’achevant l’ouvrage de sa faveur qu ‘il a commencé, il nous laisse à faire plus de remerciement que de voeux à sa Providence”.
De Votre Majesté
Très humble, très obéissant, et très-fidèle sujet et serviteur,
Alexandre de Rhodes,
de la Compagnie de Jésus
Bản đồ Alexandre de Rhodes: Tunkin bên phải, phiá trên, Cocincina bên trái, phía dưới.
Lá thư quan trọng trên đây, lời lẽ rất khôn khéo. Lập luận chia làm năm điểm:
1- Dâng Sách và Bản đồ của một nước xa lạ “mà Pháp chỉ thoáng nghe tên”, mô tả tình trạng lịch sử, điạ lý, sự màu mỡ và vị trí hoàn toàn nằm trên bờ biển của xứ này. Ở thời điểm Pháp đang phát triển chiến dịch đánh chiếm thuộc điạ, với hải quân làm chủ đại dương, đây là một lợi thế lớn: thuỷ binh có thể đổ bộ bất cứ chỗ nào trên lãnh thổ xa lạ này.
(Người Việt không biết, cho nên nhớ ơn de Rhodes là người đầu tiên vẽ bản đồ Việt Nam!)
2- Dân tộc này lại không mong muốn gì hơn là “được thần phục Hoàng đế Pháp”, “Đệ Nhất Vương Công Giáo” (Premier Roi Chrétien), “Con Cả của Giáo hội” (Fils Ainé de L’Eglise).
3- Về tình trạng của Giáo hội Đàng Ngoài: đã có tới hai trăm ngàn Giáo dân biết tôn sùng Thượng Đế, trong lòng một Dân tộc, từ bốn nghìn năm nay, chỉ biết có Quỷ là Thầy.
4- De Rhodes không xin Louis XIV cầm quân đi chinh phục phương Đông, mà ông chỉ định người chinh phục là Chúa Cứu Thế, mỗi ngày chiếm thêm những vùng đất mới…
5- Sau cùng, ông tỏ rõ nguyện ước sâu xa:
“Thần cầu Thượng Đế, đã ban Hoàng thượng (cho nước Pháp) với những lời hứa nhiệt thành sẽ biến đổi Đông phương dưới triều Hoàng thượng thành một Miền Nam nước Pháp”.
Câu này hoàn toàn ăn khớp với những điều Pháp đã thực hiện: Chiếm xong Canada, nước này trở thành Nước Pháp Mới (La Nouvelle France) và “nếu” chiếm được Đông phương (Đại Việt), thì nước này sẽ trở thành miền Nam nước Pháp (un Midi).
Với cách hành văn hoa mỹ và khôn khéo, de Rhodes không trực tiếp xin Louis XIV đem quân đi đánh chiếm thuộc địa, nhưng ông dùng Thượng đế (Dieu) và Chúa Cứu Thế (le Sauveur) làm chủ tể quyết định mọi việc: Chúa Cứu Thế thu hoạch nhiều vùng đất mới bằng công sức của máu và Phúc Âm và Thượng đế biến đổi phương Đông thành miền Nam nước Pháp, đúng là giọng một thầy tu.
Nhưng Thượng đế và Chúa Cứu Thế ở đây thực ra chỉ là vua Pháp trá hình, cũng như phương Đông thực chất là Đàng Trong và Đàng Ngoài, tức là Đại Việt.
Lá thư, cuốn sách và bản đồ chứng minh Alexandre de Rhodes là người tiên phong tâu xin Pháp hoàng chinh phục nước Việt, với bản đồ dẫn đường, vì thế ông đã được người Pháp mọi thời tìm cách ca tụng. Thậm chí đến thời hiện đại, nhà nghiên cứu Roland Jacques còn chỉ ra hai tác phẩm đáng chú ý:
Một, của nhà báo và sử gia nổi tiếng, Jean Lacouture, trong bản Tiểu sử mới nhất về de Rhodes (1991), tựa đề “Un Avignonnais dans la rizière” (Một người Avignon trong đồng ruộng) đã pha trộn “sự thần bí” trong tác phẩm của de Rhodes với lịch sử và tạo ra một tác phẩm đầy chi tiết lầm lẫn, không còn giá trị nghiên cứu lịch sử.
Tác phẩm thứ hai của linh mục Dòng Tên Philippe Lécrivain (1997) tuy không xưng tụng de Rhodes là cha đẻ chữ quốc ngữ, nhưng vẫn trình bày ông như người chủ xướng, là diễn viên chính và duy nhất xứng đáng được nêu tên trên trang lịch sử này[7]
Thư gửi quan Chưởng Ấn Pháp
Vì cuộc nội loạn La Fronde, Giám mục Pierre Séguier, Chưởng ấn Pháp (Chancelier de France), lên thay thế Hồng y Mazarin quản lý nước Pháp.
Lá thư viết năm 1653, thuyết phục Đức Giám Mục đi chinh phục phương Đông, cùng với cuốn sách La glorieuse mort d’André (Cái chết vinh hiển của André)[8] để tố cáo “tội ác của nước Việt”.
Lá thư rất dài, lời lẽ hoa mỹ, de Rhodes thuật lại chuyện André tử đạo để giữ trọn Đức Tin và cầu xin Đức Giám Mục Pierre Séguier can thiệp, để chấm dứt những bạo tàn này.
Sau đó, ông suy tôn gia đình Séguier, nhiều thế hệ phục vụ đạo Chúa và nước Pháp, tuyệt đối trung thành với vua. Rồi ông chuyển sang tôn vinh bản thân Đức Giám Mục Pierre Séguier, người cầm cân nảy mực trong chính trường Pháp, đã từng giữ các chức vụ: Cố vấn nghị viện, Uỷ viên thỉnh nguyện, Thanh tra triều đình, Chủ tịch pháo binh, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Chưởng Ấn.
Cuối cùng, ông thuyết phục Đức Giám Mục, nên vượt qua những vị tiền nhân lỗi lạc, dùng quyền lực và uy tín của mình để đưa nước Pháp lên địa vị hàng đầu thế giới bằng công cuộc chinh phục thế giới theo đạo Thiên Chúa.
Dưới đây chúng tôi dịch đoạn cốt lõi của bức thư:
Kính Thưa Đức Ông,
Ngài hết lòng phụng sự đức Vua đến độ không bao giờ bỏ quên Thượng đế, và trong lúc ngài tìm vinh quang cho vua, bình yên cho nước Pháp, nguyện vọng đầu tiên của ngài là làm sao cho chúa Giê-Su ngự trị trên tất cả các Vương triều trên thế giới.
Ngày ngày ngài nghĩ cách mở rộng Giáo hội [Pháp] là di sản của Vua Cha [Louis XIII] để lại cho Hoàng đế [Louis XIV] và ngài không thể có nguyện vọng nào mãnh liệt hơn là thấy Phúc Âm được nhìn nhận ở tất cả các vùng đất có Mặt trời soi tỏ. Ngài đem sự bảo trợ ra hải ngoại [cho giáo sĩ] và làm cho họ cảm thấy ân huệ của ngài; họ là những con người không sợ bão tố, không sợ đắm chìm, không sợ chết, cốt đem Chúa đến với những dân tộc tới nay chỉ biết tôn thờ ma quỷ.
Ngài bỏ bao công lao để giúp họ thực hiện mục đích và xin ngài đừng quên rằng nước Pháp sẽ chỉ là nước Thiên Chúa giáo hiển vinh nhất, khi đã góp phần hoàn tất việc thế giới hóa Thiên chúa giáo”.
MONSEIGNEUR,
Vous servez tellement le Roi, que vous ne perdez jamais Dieu de vue et dans le temps que vous procurez la gloire du Roi et le repos de toute la France, vos premiers desseins soient de faire régner Jésus-Christ dans tous les Royaumes du monde.
Vous avez tous les jours des nouvelles pensées d’étendre L’Eglise, qui est l’héritage que son Père lui a donné et vous n’aurez point de plus ardent souhait que de voir l’Evangile reconnu par toutes les terres où le Soleil répend ses lumières. Vous portez vos soins au delà des mers et faites ressentir vos faveurs à ceux qui ne craignent ni les tempêtes, ni les naufrages, ni la mort même pour porter le nom de leur maitre aux peuples qui n’ont adoré jusqu’ici que les démons.
Vous employez votre crédit à faire réussir leur dessein, et ne croyez pas que la France puisse jamais être plus glorieusement très-Chrétienne que quand elle aura contribué ses soins à rendre le Monde très-Chrétien.”[9]
Đoạn này tóm tắt tư tưởng chủ yếu của de Rhodes: Tuy chỉ xin quan Chưởng Ấn bảo trợ cho các “giáo sĩ đi chinh phục bằng Phúc âm”, nhưng ai cũng hiểu: chính quyền Pháp của hai vua Louis XIII và XIV, dưới sự quản trị của hai vị Hồng y lừng danh Richelieu và Mazarin, không gửi giáo sĩ đi chiếm đất bằng Phúc âm, mà chỉ gửi chiến thuyền, quân đội và vũ khí. Vì vậy, khi de Rhodes thuyết phục vị Giám mục Chưởng ấn, người có quyền lực nhất nước Pháp lúc bấy giờ đi “bảo trợ các giáo sĩ ở hải ngoại” có nghiã là cất quân chinh phục phương Đông, để nước Pháp góp phần hoàn tất việc Gia-Tô hóa thế giới.
Thư gửi Hoàng hậu Anne d’Autriche
Ngày 11-9-1652, de Rhodes rời Roma sang Pháp. Tháng 1-1953, ông tới Paris. Sau khi được yết kiến Hoàng hậu, ông viết cho Hoàng hậu Anne d’Autriche, vợ vua Louis VIII, mẹ vua Louis XIV, lá thư này, mô tả đời sống phong phú ở Đàng Trong, và tố cáo sự đàn áp đạo Chúa của cha con chúa Thượng với cái chết tử đạo bi thảm của André Phú Yên.
Thư khá dài, nhiều lời hoa mỹ, chúng tôi chọn bốn đoạn quan trọng và dịch lại dưới đây:
1- Trước hết, de Rhodes tôn vinh Hoàng hậu:
Kính thưa Hoàng hậu,
Thần kính dâng Hoàng hậu cuốn Sách này viết về những chuyến du hành của thần, không phải để dâng Đức bà một món quà, cũng không để xin Đức bà một ơn huệ mới mà là để tỏ lòng tôn kính Đức Bà và cũng là một bổn phận thần phải làm tròn. Lòng nhân đức mà Đức Bà đã ban cho người lữ hành đi rong ruổi 35 năm quanh trái đất, không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc thành lập Vương quốc của Chúa Giê-Su, buộc thần phải tìm cơ hội để biểu lộ lòng tri ân của thần cho cả thế giới biết, sau khi đã đi qua ngần ấy vương quốc, vượt ngần ấy biển cả, thần không thấy gì đẹp hơn và danh giá hơn lòng nhiệt thành và trắc ẩn của vị Hoàng hậu lớn nhất thế giới.(…)
Khi thần nói với những kẻ mê muội mà thần đem đuốc Phúc Âm soi sáng cho họ, rằng thần đã nhìn thấy bà hoàng lớn nhất trong những bà hoàng Thiên chúa giáo, cúi xuống rửa chân cho người nghèo, thăm hỏi người ốm đau trong Bệnh viện, thực hành nghiã cử không bao giờ mệt mỏi…
(A la Reine
Madame,
Quand je viens offrir à votre Majesté ce Livre de mes voyages, ce n’est pas un présent que je lui fais, ni une nouvelle grace que je lui demande, mais un hommage que je lui rends et un devoir de justice duquel je m’acquitte. Les bontés qu’elle a témoignées à ce pauvre voyageur qui a couru le monde pendant 35 années, sans autre dessein, que d’y établir le Royaume de Jésus-Christ, m’obligent à rechercher quelque occasion de publier le sentiment de reconnaissance que j’en ai et de faire savoir à toute la terre, qu’après avoir traversé tant de mers et passé par tant de Royaumes, je n’y ai rien vu de plus beau et de plus illustre que le zèle et la pitié de la plus grande Reine du monde. (…)
Quand je dirai à ces idolâtres, à qui je vais porter le flambeau de l’Évangile, que j’ai vu la plus grande de toutes les Reines Chrétiennes prosternée au pieds des pauvres pour les laver, visiter les malades dans les Hôpitaux, ne se lasser jamais dans l’exercice des bonnes œuvres…”
(trang I và II) (trang IV).
Đoạn này thể hiện lối văn cầu kỳ hoa mỹ, xưng tụng Đức Bà là “Hoàng hậu lớn nhất thế giới” thường phải có trong những thư văn phúng dụ, không có gì đáng nói.
2- Sau khi ca tụng đạo đức và công nghiệp của Hoàng hậu, de Rhodes tôn vinh vua Louis XIII, chồng bà, vị “Vua Công minh, không thể nói hết được đức độ”, và đây là sự xuất hiện của “ngôi sao sáng” mà vị giáo sĩ ví như Mặt trời, tức Louis XIII, hoàng đế nước Pháp:
“… người ta nhìn thấy một vì tinh tú mới trên Trời, cùng lúc Mặt trời này hiện ra trên trái đất, bởi vì chỉ một mình vì tinh tú ấy, vừa làm ra ngày, vừa đem ánh sáng và và danh tiếng nước Pháp đến đầu hai Cực [chỉ việc Louis XIII đánh chiếm thuộc địa]: chúng thần đã đếm những ngày của triều đại, chỉ thuần là Chiến Thắng và chúng thần nghiệm thấy Đức Vua đã một mình làm bao nhiêu điều tốt đẹp và đã chọn lối xướng ngôn hùng biện nhất trong ngôn ngữ.
Vì kính phục chiến công của Đức Vua, những biển cả dữ dội nhất cũng phải kiềm chế mọi bão tố, ngừng dâng thuỷ triều, để nhường lối cho những chiến công này, Đức Vua đã thấy quỳ mọp dưới chân mình bao nhiêu kẻ thù, tà giáo, nghịch đạo, phản kháng Giáo hội và nước Pháp. Đức Vua là vị đại Thánh, đã duy trì cho Triều đình và Binh tướng một sự trong sạch lớn lao chỉ thấy ở Tu viện.”
(… l’on vit un nouvel astre dans le Ciel, à même temps que ce Soleil naquit en terre, parce qu’il doit tout seul faire le jour, et porter les lumières avec la réputation de la France, vers l’un et l’autre Pôle: nous n’avons compté les jours de son règne que par ses Victoires et nous trouvons dans sa vie toute seule, qu’il a fait tant de belles choses, qu’il a opté le moyen aux langues les plus éloquentes de les pouvoir dire.
Ce Prince, pour qui les mers les plus orageuses ont tenu en bride toutes leurs tempêtes, par le respect quelques ont eu pour ses trophées, et ont arrêté leur marées, pour donner passage à ses triomphes, qui a vu à ses pieds autant d’ennemis vaincus, que l’hérésie, l’impiété, la rebellion en avaient donné à l’Eglise, et à la France, que dans la personne d’un Roi à faire voir celle d’un grand Saint, et a conservé dans la Cour, et à la tête des Armées toute la plus grande pureté qui se pratique dans les Cloîtres.) (trang VI-VII).
Như trên đã nói, Louis XIII (1610-1643) với Hồng y Richelieu, Thủ tướng, là một triều đại chiến tranh: Louis XIII đã thanh toán các đối thủ, để trở thành cường quốc số một Âu châu; và đã khai phá việc đánh chiếm thuộc địa và khai trương chế độ buôn bán nô lệ người da đen, để tạo sự hùng cường và giàu có cho nước Pháp.
Để ca tụng Louis XIII, được mệnh danh là Louis-le-Juste (Louis-Chính trực), de Rhodes cải biến sự nói lắp của nhà vua thành lối xướng ngôn hùng biện nhất trong ngôn ngữ, và biến những chiến sĩ phục vụ chế độ buôn bán nô lệ người da đen thành đội ngũ Binh tướng trong sạch như các thầy tu. Những điều này cốt để tô điểm thành tích chiến thắng của nhà vua, mà vị giáo sĩ đã phong Thánh: nhà vua đã làm cho bao nhiêu kẻ thù, tà giáo, nghịch đạo, phản kháng Giáo hội và nước Pháp, phải quỳ mọp dưới chân.
3- Sau khi ca tụng công nghiệp “vĩ đại” của vua cha Louis XIII, de Rhodes cầu mong Hoàng hậu giúp vua con Louis XIV nối nghiệp. Đến đây, ông ca ngợi Louis XIV được dân Pháp mệnh danh rất đúng là Louis-Trời Cho (Louis-Dieudonné), bởi vì vua Louis XIII yếu đuối, bệnh hoạn, nhiều lần tưởng chết không người nối dõi: sau 23 năm thành hôn không có con, hoàng hậu bị sẩy thai nhiều lần, phải đi cầu tự ở nhà thờ Notre Dame de Grâce. Vì vậy, Louis XIV ra đời là do Thượng đế đã ban cho nước Pháp:
“Một mình ông Trời đã ban Hoàng tử cho nước Pháp, bởi vì trái đất không thể góp phần chế tạo ra một ông Hoàng vẹn toàn như thế; chúng ta có được Hoàng tử khi chúng ta đã mất hết hy vọng, và sự ra đời của Hoàng tử là một ân huệ vượt quá công lao và kỳ vọng của chúng ta.
Chúng ta đã chờ đợi Hoàng tử rất lâu, bởi vì một kiệt tác vĩ đại như thế cần nhiều năm xây dựng. Thượng đế đã ưng thuận ban cho chúng ta sau nhiều lời cầu nguyện, bởi vì Thượng đế muốn cho toàn thế giới hay rằng Louis-Trời Cho sẽ là đứa trẻ đích thực, đứa bé của ân đức.
Chính một mình bàn tay tạo hóa đã nặn nên hoàng tử và đã trao tận tay xứng đáng của Đức Bà, theo nguyện ước của toàn dân Pháp. Chính tạo hóa đã ký thác vào thân thể cẩm tú này một đầu óc tràn đầy ánh sáng, cấp cho hoàng tử Quyền Làm Vua, nếu không, là quyền nối dõi.
Như thế, chúng thần thấy tạo hoá đã ôm vua trong tay, đặt lên đầu tất cả những kẻ nổi loạn, làm cho những vòng hoa chiến thắng nở rộ khắp nơi mà quân đội của vương triều xuất trận, với lòng can đảm, sự may mắn, và lòng mộ đạo, dựng nên những chiến công vinh hiển. Chúng thần hy vọng chẳng bao lâu sẽ thấy nước Pháp yên bình, đem Luật pháp đến cho các nước lân cận, sau khi đã khuất phục tất cả thần dân.”
(C’est le Ciel tout seul qui l’a donné à la France, parce que la terre ne pouvait rien contribuer à un Prince si accompli; nous ne l’avons eu, que quand nous avions quasi perdu l’espérance de l’avoir, parce que sa naissance était une faveur qui surpasse et nos espérances et notre mérite.
Nous l’avons attendu longtemps, parce qu’un si grand chef-d’œuvre demandait un travail de plusieurs années. Dieu ne l’a voulu donner qu’après beaucoup de prières, parce qu’il voulait faire connaître à toute la terre que Louis Dieu-donné serait le vrai enfant, et le cher nourrisson de la grâce. (trang VIII-IX).
C’est cette grande ouvrière toute seule qui l’a formé de sa main, et l’a donné aux mérites de votre Majesté, et aux voeux de toute la France. C’est elle qui a versé dans ce corps si bien fait un esprit tout plein de lumière, qui lui donnerait droit à la Royauté, quand il ne serait pas Roi par naissance.
Aussi voyons nous qu’elle le porte entre ses bras, sur la tête de tous les rebelles, et qu’elle fait naitre les lauriers en toutes les terres, où ses Armées donnent bataille, partout son courage, son bonheur, et sa piété dressent des trophées à la gloire. Nous espérons de voir bientôt la France paisible donner la Loi à tous ses voisins, après avoir mis tous les sujets du Roi à l’obéissance.) (trang IX-X).
Tất cả những lời huy hoàng rực rỡ trên đây đều quy về một mối: ca tụng chiến công của vua Louis XIII trong việc chinh phục thuộc địa, và mong vua Louis XIV sẽ tiếp tục hành trình.
Ở đây, chính nghiã Phúc âm có đôi phần mờ đi, để chính nghiã Thực dân được sáng tỏ.
Sự ca ngợi chiến công của Louis XIII và mong ước Louis XIV nối nghiệp cha, đã nói lên tham vọng thực dân của de Rhodes và mối tương quan mật thiết giữa giáo hội và triều đình trong việc đánh chiếm thuộc địa và mua bán nô lệ.
De Rhodes ca tụng công trạng đánh chiếm thuộc địa này Louis XIII “làm lấy một mình” nhưng ai cũng biết là do Hồng Y Richelieu, vị thủ tướng đầy quyền uy thực hiện, với sự đồng tình của La Mã.
Tiếp đó, ông trình bày Louis XIV như một “sản phẩm” trời cho nước Pháp, mang sứ mệnh thiêng liêng của Thượng đế để “khai hoá” con người, gián tiếp khẳng định nhiệm vụ truyền giáo và xâm lược đi đôi và hỗ trợ lẫn nhau để làm thành một chính nghiã.
4- De Rhodes kết luận lá thư với những dòng cho biết ông sẽ rời Âu châu để đi truyền giáo cùng với phái đoàn 20 giáo sĩ Dòng Tên, nhờ sự trợ cấp của Hoàng hậu:
“Thần sẽ không còn ở Âu châu, khi tổ quốc thân yêu của thần có được hạnh phúc mà thần đã cầu chúc từ bao nhiêu năm nay.
Đây thần đang sẵn sàng vượt những biển lớn mà không sợ bão tố đắm chìm, để đi giảng đạo Chúa Giê-Su cho những dân tộc chưa bao giờ biết Chúa. Thần sẽ đi theo hai mươi tu sĩ Dòng Tên, những anh em thân thiết, rời nước Pháp và châu Âu, đem thánh giá làm cờ lệnh của Thủ lãnh cắm trên bàn thờ Quỷ (…) Đức Bà đã cho họ phương tiện để đi đến tận cùng trái đất, Đức Bà sẽ có phần trong cuộc chiến đấu và vòng hoa chiến thắng của họ. Thần sẽ tìm tới Bảy Quân vương thế lực nhất Phương đông, và báo Tin Mừng cho họ nhân danh vị Vua Lớn Nhất của toàn thể người Công giáo và vị mẫu hậu rất khả kính của Đức Vua”.
(Je ne serai plus en Europe, quand ma chère patrie aura ce bonheur, que je lui souhaite depuis tant d’années.
Me voici prêt à passer les plus grandes mers sans craindre, ni les tempêtes, ni les naufrages, pour aller prêcher Jésus-Christ à des peuples qui ne l’ont jamais connu. Je m’en vais suivre vingt Jésuite, mes bien-aimés frères, qui quittent la France et l’Europe pour aller planter la Croix, qui est l’étendard de leur Capitaine sur les Autels où les Démons étaient adorés. (…)
Votre Majesté, qui leur a donné moyen d’aller en ce bout du monde, aurait part à leurs combats et à leurs couronnes. Je m’en vais trouver les Sept plus Puissants Monarques de tout l’Orient, et leur annoncer l’Évangile au nom du plus Grand Roi de tous les Chrétiens, et de sa très honorée mère.) (trang X-XI-XII)
Những lới cuối thư này cho thấy: de Rhodes đang sửa soạn đi theo phái đoàn 20 giáo sĩ Dòng Tên… Và ông sẽ tìm tới Bảy vua mạnh nhất ở phương Đông để báo Tin Mừng… Ông còn kể: Đức Bà đã cho họ phương tiện để đi đến tận cùng trái đất. Như vậy, chuyến đi Viễn Đông này là do hoàng hậu trợ cấp. Nhưng không biết những giáo sĩ Dòng Tên được đi có phải là người Pháp không? Hay thuộc giáo đoàn Bồ Đào Nha do Tòa Thánh chỉ định? Bởi vì, cuối cùng, de Rhodes không được đi Viễn Đông mà phải đi Iran.
Linh mục Cadière cho rằng ông bị gửi đi Iran là vì bị giáo đoàn Bồ Đào Nha trừng phạt về việc ông đã vận động đắc lực cho giáo đoàn Pháp ở La Mã và Paris (xem chương 5, phần 3).
Chúng tôi nghĩ đến một khả năng khác: Quyết định gửi de Rhodes đi Iran và không phong thánh cho André là một, đến từ chính những điều de Rhodes viết trong ba cuốn sách:
Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài,
Cái chết vinh hiển của André,
Du hành và truyền giáo,
Sau khi sách in ra, có thể Tòa Thánh đã đọc lại những trang sách này một cách khách quan, thấy đầy rẫy những việc dị đoan, mê tín, như chữa bệnh bằng nước thánh, trừ tà ma quỷ dữ, làm cho người chết sống lại… có thể làm giảm uy tín của đạo Chúa, nhất là câu chuyện hoang đường André tử đạo, đã khiến La Mã không thể phong thánh cho André, mặc dù có thủ cấp André làm chứng.
Trong danh sách 117 vị tử đạo ở Việt Nam được phong thánh năm 1988, không có tên André.[10]
Phải đến ngày 5-3-2000, André Phú Yên mới được Jean-Paul II phong thánh, như món quà muộn của Giáo hoàng gửi Giáo hội Việt Nam, biểu hiện tình cảm hơn là một sự điều tra xác định sự thật.
De Rhodes phải đi Iran và ông đã từ trần tại Ispahan, ngày 5-11-1660.
Năm năm sau khi ông mất, những điều ông tranh đấu cho nước Pháp dần dần được thực hiện:
Năm 1655, Giáo hoàng Innocent X (1644-1655), thiên vị Bồ Đào Nha, qua đời.
Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) lên thay, lúc đó đế quốc Bồ Đào Nha đã hoàn toàn suy sụp, mà nước Pháp là một quốc gia chói lọi với ông vua Mặt Trời (Le Roi du Soleil) và cung điện Versailles. Ngày 29-7-1659, Giáo hoàng Alexandre VII loại trừ Bồ ra khỏi địa vị Con cả của Giáo hội và cho Pháp thay thế.
Nhưng việc chinh phục Đàng Ngoài và Đàng Trong mà de Rhodes cầu xin Pháp hoàng, đã bị bỏ qua, bởi vì Louis XIV đã có các địa chỉ mới hấp dẫn hơn, đặc biệt Ần Độ “đầy vàng bạc châu báu”. Louis XV kế nghiệp, lơ là với việc đánh chiếm thuộc địa của cha ông. Pháp thua Anh trong Cuộc Chiến Bảy Năm (1756-1763), rồi trải qua thời kỳ Cách Mạng 1789, chặt đầu vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette, cuối cùng Napoléon thua trận (1814-1815), bị Anh bắt. Nước Anh lên làm chủ thế giới, Pháp bị Anh đuổi dần khỏi các thuộc địa ở Mỹ, Canada, Ấn Độ… lúc đó Pháp mới tính đến việc đánh chiếm Á đông, và mở bản đồ Alexandre de Rhodes ra dùng, cùng với bản đồ của Jean-Marie Dayot vẽ dưới thời Gia Long, đúng như lời sử gia Gosselin đau đớn tóm tắt tình hình:
“Bị mất Ấn Độ trong thế kỷ XVIII, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh, ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở Biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, bị rơi vào tình trạng đáng khinh bỉ”[11].
Vì thế mà Việt Nam chỉ phải đối phó với thực dân Pháp, từ năm 1857, dưới triều vua Tự Đức.
Con đường de Rhodes
Như trên đã nói, sự vinh thăng công lao của Alexandre de Rhodes, về phiá Pháp, là hiển nhiên và hầu như toàn diện, ở mọi tác giả. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc đến vài trường hợp “đặc thù”.
Người mở đầu việc tiếp thu con đường de Rhodes, thời hiện đại, là một người Việt, ông Trương Vĩnh Ký, với cuốn sách tiếng Pháp Cours d’Histoire Annamite, à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine (Giáo trình lịch sử An-Nam, để dùng trong các trường học ở Nam kỳ), do Imprimerie du Gouvernement (Nhà in Chính Phủ) xuất bản năm 1875, tại Sài Gòn, dẫn đầu dư luận và giáo dục tuổi trẻ bằng cách lên án và thóa mạ vua Minh Mạng. Nhờ những dòng chữ của Trương Vĩnh Ký mà Louvet mới có “cơ sở” để kết tội Minh Mạng là bạo chúa Néron. Chúng tôi sẽ tìm hiểu trường hợp của ông trong chương 11: Trương Vĩnh Ký.
Người kế tiếp là linh mục Louis-Eugène Louvet, với bộ sách đồ sộ tựa đề La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), gồm hai tập, dày 1115 trang, ấn hành tại Paris năm 1885, một năm sau khi Pháp bắt đầu đô hộ nước ta (1884) và mười năm sau khi giáo trình sử học của Trương Vĩnh Ký ra đời (1875). Bộ sách La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam) trở thành kinh điển cho bất cứ ai muốn nghiên cứu về tình hình truyền giáo ở Việt Nam.
Trong bài Introduction (Nhập đề), Louvet chắc nịch “nhận định” rằng: Cách đây 80 năm, vua nước Nam Gia Long đã nhờ các sĩ quan Pháp, do Giám mục Bá Đa Lộc gọi sang giúp đỡ, mới làm nên sự nghiệp, rồi nước này chuyển qua bàn tay sắt của Minh Mạng, đến đời Thiệu Trị hèn yếu và Tự Đức thấy vương quyền của cha ông lung lay trong bàn tay ngu xuẩn của mình (sent le scepte de ses pères vaciller entre ses mains débiles) mà không làm gì, để cho nước Pháp phải bắt tay vào:
“Người ta sẽ thấy trong bộ sách này, nước Pháp đã làm thế nào để dựng nghiệp ở An Nam. Người ta có thể nói rằng chúng ta dùng võ lực: đó là nhầm. Chúng ta chế ngự bằng định chế của một nền văn minh tốt hơn và cao nhất. Là một trong những định chế đã được lịch sử kiếm chứng kỹ càng, rằng tất cả mọi nền văn minh muốn đứng ra ngoài nền văn minh Thiên chúa giáo một ngày nào đó sẽ bị nền văn minh này hấp thụ. Trong ba thế kỷ, các giáo sĩ đã mang lại cho Viễn Đông những ân huệ của đạo Chúa, nếu những dân tộc này, rất thông minh, chấp nhận tin mừng, họ sẽ được vào đại gia đình thiên chúa giáo và giữ được căn cước của họ.
Nhưng phương Đông rút vào sự bất động khinh bỉ biệt lập; họ đóng cửa không tiếp Châu Âu, và xử tử những giáo đồ giảng Phúc Âm đem lại cho họ nền văn minh đích thực với đạo Thiên Chúa.” [12]
Lối viết kiêu kỳ, đe dọa và buộc tội ngoa ngoắt kiểu này, đến nay vẫn còn hiện diện trên không ít sách nghiên cứu lịch sử truyền giáo. Một mặt “truy tố sự tàn ác” của nhà Nguyễn, một mặt khoe khoang “những thành tích đạt được trong việc truyền giáo”, theo lối viết của de Rhodes, được lập lại trong thế kỷ XIX, với chiều kích rộng lớn hơn, linh mục Louvet cho biết: Năm 1639, số giáo dân ở Đàng Ngoài đã là 82.000 người[13] và ông đưa ra con số sau đây:
“Ở giờ phút này [1883], Giáo hội An Nam, từ vịnh Bắc Việt tới cực Nam bán đảo Đông Dương, có sáu trăm nghìn (600.000) giáo dân, trên một dân số toàn thể là 20 triệu người.”[14]
Như vậy, Giáo hội Việt Nam là một trong những cộng đồng Thiên chúa giáo lớn nhất Á Châu.
Và Louvet đã viết lịch sử đạo Chúa từ khi được truyền vào Việt Nam, tức là từ cái chết của André Phú Yên như một hành trình tử vì đạo mà toàn thể vua tôi nhà Nguyễn, từ chúa đến vua, đều là đao phủ, đặc biệt vua Minh Mạng, được coi là Néron An Nam (Néron annamite)[15].
Charles Gosselin là một sử gia, năm 1904, ông đã nêu lên công đầu của de Rhodes:
“Cha de Rhodes, linh mục bác học Dòng Tên, giáo sĩ ở An Nam từ năm 1627, là nhà văn xưa nhất đã cho chúng ta những thông tin về đất nước này. Những tác phẩm của ông, tra cứu kỹ càng, và được trình bày vô cùng duyên dáng, xứng đáng nổi tiếng là hay nhất trong số những sách viết về tập quán phong tục người An Nam”[16].
Câu này, tiêu biểu cho cách viết của phần đông các tác giả Pháp, họ biết hoặc chỉ biết Việt Nam qua sách của de Rhodes, và họ có cách đọc rất giống nhau, hoặc lờ tịt, không nói gì đến nội dung cồng kềnh của các cuốn sách đó như học giả Cadière, hoặc thích thú vì thấy nó “vô cùng duyên dáng” như sử gia Gosselin, hoặc âu yếm gọi những hiện tượng ma quỷ, chết đi sống lại trong sách của de Rhodes là “thần bí” như nhà báo kiêm sử gia Jean Lacouture.
Đây cũng là cái nhìn chung của người Âu: vì họ coi thường những dân tộc ngoài châu Âu, nếu không muốn nói là khinh bỉ, cho nên sách của de Rhodes chấn chỉnh lòng khinh bỉ đó và cho thấy “tội ác” tầy trời của chúa Nguyễn đối với đạo Chúa từ thế kỷ XVII, càng khiến họ vững tin vào thành kiến sẵn có. Vì thế mà các tác giả Pháp vinh thăng de Rhodes là nhà bác học, nhà văn tiên phong, nhìn xa trông rộng.
Nhưng Gosselin còn đưa ra một nhận định đặc biệt khác, không giống với người cùng thời, vào lúc Pháp đã chiếm xong Việt Nam:
“Nghị định của Benoit XIV, năm 1774 [1772] kết án việc thờ cúng tổ tiên và tôn thờ Khổng Tử mà cho đến bấy giờ vẫn được nhiều cha Dòng Tên làm ngơ, đã gây tai hại cho đạo Chúa hơn cả những vụ đàn áp đẫm máu nhất. Kể từ thời điểm đó, các giáo sĩ, vì không được học chữ Hán nữa, vì sống ngoài vòng nho sĩ, không tiếp xúc với họ, cho nên, dù tận tâm đến đâu, cũng không phát triển được đạo Chúa, mà chỉ có thể cải đạo cho những kẻ vô học, và thành phần này không thể tác động và không có ảnh hưởng tới đám đông trong xứ”[17].
Một nhận định sáng suốt như thế, rất hiếm và có lẽ chưa bao giờ đặt ra cho giới giáo sĩ thừa sai, khi họ đặt chân đến Đại Việt.
Sự vinh thăng de Rhodes của người Việt
Những điều viết trong sách Pháp về de Rhodes đã thấm vào đầu óc người Việt từ cuối thế kỷ XIX, nhất là những người có học, có đọc sách Pháp, được rèn luyện trong nền giáo dục thực dân, sẵn sàng chấp nhận những gì người Pháp viết ra là chân lý, là chữ thánh hiền.
Vì đã chấp nhận như vậy, nên giới trí thức người Việt im lặng không phản bác và cũng không tìm cách đi sâu vào nghiên cứu các vấn đề đã được người Pháp duyệt rồi. Hiện tượng Alexandre de Rhodes là tiêu biểu.
Thực ra, nếu Pháp không áp đặt chữ quốc ngữ cho người Việt, thì có lẽ de Rhodes cũng rơi vào quên lãng.
Sự tôn vinh de Rhodes, chỉ bắt đầu với sự tôn vinh chữ quốc ngữ, và được học giả Cadière khai trương trong giới biên khảo, từ đầu thế kỷ XX.
Sau đó chính phủ thuộc địa thể hiện bằng văn bia tưởng niệm vị giáo sĩ cạnh hồ Hoàn Kiếm, gần đền Bà Kiệu, khánh thành tháng 5-1941, với ba thứ chữ: Pháp, Hán và Quốc ngữ, ghi lại “công ơn” người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Và báo Tri Tân, tờ báo của trí thức Hà Nội thời bấy giờ, ngày 13-6-1941, phụ họa với những lời ca tụng nồng nhiệt.
Tuy nhiên ở Bắc, có phản ứng ngược lại: năm 1945, chính quyền kháng chiến coi de Rhodes là biểu tượng của thực dân, cần lên án, lật đổ, nhưng không chứng minh.
Người Việt nào đã từng đọc qua một cuốn sách của de Rhodes, thì khó có thể nhìn nhận “công lao” của ông đối với nước Việt, cho nên người ta tìm cách thu gọn “công lao” này trong sự nghiệp “cha đẻ” chữ quốc ngữ.
Trong Nam, sự vinh thăng de Rhodes tiếp tục sau 1954: de Rhodes được đặt tên đường trong thành phố Sài Gòn từ 1955. Và công sáng tạo ra chữ quốc ngữ của ông trở thành bền vững, không ai có ý kiến phản bác.
Mãi đến năm 1972, linh mục Đỗ Quang Chính, cho in cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 (Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972), báo động dư luận về sự tôn vinh thái quá Alexandre de Rhodes, và trình bày những tư liệu viết tay tìm thấy trong các thư viện công giáo Âu, Á để chứng minh rằng de Rhodes không phải là người khai sinh ra chữ quốc ngữ. Nhưng ba năm sau, xảy ra biến cố 1975, nên không mấy ai quan tâm đến lịch sử chữ quốc ngữ nữa, cho nên những khám phá của Đỗ Quang Chính hầu như không có tác dụng gì, nhiều năm sau đó. Sách này, đến năm 1985, mới được Đường Mới ở Paris in lại.
Trong nước, để tỏ sự “mở cửa”, cuối tháng 3-1993, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo “Tưởng Niệm Alexandre de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. De Rhodes được chính thức phục hồi tên tuổi, với quyết định đặt lại tên đường Alexandre de Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh. Con đường có tên ông từ năm 1955, ngày 4-4-1985, đã bị đổi thành Thái Văn Lung và ngày 16-9-1995, được khôi phục lại tên Alexandre de Rhodes.
Bia tưởng niệm de Rhodes do thực dân Pháp dựng năm 1941 ở bờ Hồ, đã được “cất đi” từ 1954; năm 1995, được đặt lại trong vườn hoa Thư viện Quốc gia Hà Nội và “khánh thành” một lần nữa.
Cuộc hội thảo do Bộ Văn hóa và Trung tâm Quốc gia Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tại Hà Nội ngày 22-12-1995 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, đánh dấu thời điểm quan trọng của việc phục hồi tên tuổi Alexandre de Rhodes, với bài diễn văn tựa đề: “Alexandre de Rhodes, nhà hoạt động văn hoá có cống hiến cho sự phát triển ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam” in trên báo Xưa và Nay tháng 1-1996, trang 19-20.
Đến thời hiện đại, phong trào tiếp tục ở trong lẫn ngoài nước, với những tổ chức hành hương thăm mộ de Rhodes ở Iran, viết bài nghiên cứu chữ quốc ngữ thời de Rhodes, như muốn đưa vị giáo sĩ này trở lại vị thế thánh hiền mà linh mục Cadière đã vạch ra từ đầu thế kỷ XX.
Mặc dù từ năm 2016, đã có phong trào “đánh giá lại” và đưa Francisco de Pina lên địa vị cha đẻ chữ quốc ngữ. Tuy vậy, phong trào tôn vinh de Rhodes vẫn tiếp tục: Các sách của de Rhodes do linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch, trước chỉ do nhà xuất bản công giáo in, nay được những nhà xuất bản uy tín tái bản, mà không kiểm chứng lại cách dịch “gian dối” của Hồng Nhuệ. Dường như vị linh mục này cho rằng phục vụ de Rhodes là phục vụ đạo Ky-tô, nhưng đó là một sai lầm: Bất cứ tôn giáo nào cũng cần những nhà tu hành, những người làm văn hoá, biết tôn trọng sự thật.
Kết luận
Tất cả những vinh tôn de Rhodes vừa kể, ngoài nguyên nhân chính trị hoặc tôn giáo, còn có một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là chúng ta chưa nghiên cứu đến nơi đến chốn ba vấn đề mấu chốt, liên quan mật thiết với nhau là việc truyền giáo, việc thành lập chữ quốc ngữ, và việc đánh chiếm thuộc địa, mà de Rhodes đều ghóp phần vào. Ba vấn đề này từ trước đến nay vẫn được tách rời, coi như không dính dáng gì với nhau. Thực ra, có liên hệ chặt chẽ.
Tuy vậy, việc nghiên cứu rất khó khăn, vì một trở lực lớn là rất ít người Việt biết tiếng Bồ Đào Nha, tiếng La Tinh, là hai thứ tiếng cần thiết để tìm đọc hồ sơ lưu trữ ở các thư viện châu Âu, và lại cần biết cả chữ Hán, chữ Nôm, để đọc các tài liệu trong nước, chưa được dịch sang chữ quốc ngữ; cho nên phải đợi đến ngày nào, chúng ta có các nhà nghiên cứu biết những thứ tiếng này và chịu khó đi lùng trong các thư viện (giáo hội) ở Rome, Lisbonne, Paris và Huế, Sài Gòn, Hà Nội, thì may ra…
Điều quan trọng nhất là ngày nay, ta không thể cho phép mình chỉ dựa vào sự nghiên cứu của người nước ngoài, bởi vì một lẽ hiển nhiên: là về lịch sử và văn hóa Việt, họ coi thường, hoặc không biết, hoặc biết rất ít, cho nên cái nhìn của họ rất phiến diện. Một sử gia Pháp viết về lịch sử Pháp-Việt mà chỉ dùng những tài liệu viết bằng tiếng Pháp không thôi, thì khó đi sâu được, nhưng đó là tình trạng thường xảy ra.
Việc đưa Francisco de Pina lên địa vị cha đẻ chữ quốc ngữ, linh mục Đỗ Quang Chính đã bắt đầu từ năm 1972, sau này linh mục Roland Jacques công bố một số tài liệu khác, đều là những bước tiến mới.
Tuy vậy, trong những bài nghiên cứu từ trước đến giờ hầu như người ta chỉ chú ý đến phương diện ngữ học, tức là nguyên tắc thành lập chữ quốc ngữ của người Âu, không mấy ai chú ý đến sự hiện diện của người Việt, để trả lời câu hỏi: có người Việt ở trong các tổ chức làm ra chữ quốc ngữ này không? Mặc dù đó là sự thực hiển nhiên: người Âu không thể sáng tạo ra chữ quốc ngữ nếu không có người Việt “dạy” cho họ những ý nghiã sâu xa và khác biệt cùng sự phát âm của mỗi tiếng Việt, để họ ghi lại và làm tự điển.
Đỗ Quang Chính là người đầu tiên tìm thấy văn bản của Văn Tín và Bento Thiện, nhưng ông vẫn còn dè dặt, “không dám” mạnh mẽ xác định hai người này “cũng” là hai “ông tổ” chữ quốc ngữ, hoặc ít ra là hai người viết chữ quốc ngữ hoàn chỉnh nhất, trong thời kỳ khai sáng. Chính Văn Tín và Bento Thiện đã trả lời câu hỏi: Có người Việt “làm” chữ quốc ngữ không?
Nhưng còn câu hỏi tiếp theo: Văn bản của họ đâu? Thì ngoài nhũng trang mà Đỗ Quang Chính đã tìm thấy, câu trả lời hiện giờ là:
– Không có, bởi vì các giáo sĩ người Âu có truyền thống không ghi tên người Việt trong “tổ chức” của họ. Nhưng, nếu không có người Việt ở trong tổ chức, thì không thể có chữ quốc ngữ. Đó là điều kiện tiên quyết và cũng là đề tài mà người Việt trong tương lai, phải tìm cách nghiên cứu và lý giải.
(Còn tiếp)
Chú thích:
[1] Nguyên tác tiếng Ý, in tại Roma năm 1650. Bản Pháp văn, do linh mục Henry Albi dịch, Nxb Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon, 1651. Bản tiếng La tinh, in năm 1652.
2 Nguyên tác tiếng Ý, in ở Roma năm 1652.
3 Theo lời kể của de Rhodes: Đức Cha Rubin đã tới Cửa Hàn và đã chứng kiến cảnh Onghebo đem lính đến nhà các cha “đàn áp và đánh đập giáo dân” (Xem chương 5, phần 3).
4 Alexandre de Rhodes, Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq Pères de la Compagnie de Jésus qui ont souffert dans le Japon (Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên chịu cực hình tại Nhật Bản), bản tiếng Pháp, Nxb Cramoisy, Paris, 1653, bài Tựa, trang 5.
5 Theo Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên chịu cực hình tại Nhật Bản, Nxb Cramoisy, Paris, 1653, trang 54-76.
6 Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài (nguyên tác tiếng Ý, in năm 1650 ở Roma), linh mục Henry Albi dịch sang tiếng Pháp do Nxb Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon năm 1651. Bài Tựa in trong ấn bản tiếng Pháp này.
7 Roland Jacques, Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire (Bồ Đào Nha và việc La Mã hóa tiếng Việt. Có cần phải viết lại lịch sử), in trong tập san lịch sử Outre-Mers. Revue d’histoire, Année 1998 trang 21-54. Chú thích số 81, trang 43.
Hai bài được Roland Jacques nhắc đến ở đây là: Un Avignonnais dans la rizière của Jean Lacouture, in trong Jésuites. Une multibiographie, t.I, Les conquérants (Dòng Tên. Nhiều Tiểu sử, tập 1, Những người chinh phục) Paris, Seuil, 1991, trang 297-324. Và La fascination de l’Extrême-Orient, ou le rêve interrompu (Vẻ quyến rũ của Viễn Đông hay giấc mơ gián đoạn) của Philippe Lécrivain, in trong L’âge de raison. 1620/30-1750, tome 9, Histoire du christianisme des origines à nos jours (Tuổi trưởng thành 1620/30-1750, tập 9, Lịch sử Thiên chúa giáo từ nguồn cội tới ngày nay), dưới sự điều khiển của Jean-Marie Mayeur, Charles Pietri, André Vauchez và Marc Venard, Paris, Desclée, 1997, trang 755-834.
8 La glorieuse mort d’André, bản tiếng Pháp do Sébastien và Gabriel Cramoisy, in ở Paris năm 1653.
9 Thư gửi Đức Giám Mục Pierre Séguier, Chancelier de France, được in như bài Tựa sách Cái chết vinh hiển của thầy giảng André (trang 11-16) chúng tôi trích lại đoạn in ở trang 13-14, và viết theo chữ Pháp
10 https://fr.wikipedia.org/wiki/Martyrs_du_Vi%C3%AAt_Nam.
11 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc Annam), Nxb Perrin et Cie, Paris, 1904, trang XIX.
12 Louis-Eugène Louvet, La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), Nxb Ernest Le Roux, Paris, 1885, Introduction (Nhập đề), Tập Một, trang 2-3.
13 Louvet, La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), Nxb Ernest Le Roux, Paris, 1885, Introduction (Nhập đề), Tập Một, trang 236.
14 Louvet, La Cochinchine religieuse, Préface (Tựa) Tập Một, trang II.
15 Louvet, La Cochinchine religieuse, Tập Hai, trang 31.
16 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), Nxb Perrin et Cie, Libraires-Editeurs, 1904, Hachette livre BNF, bài Tựa, trang XIII.
17 Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), Nxb Perrin et Cie, Libraires-Editeurs, 1904, Hachette livre BNF, trang 48-49.
[1] Nguyên tác tiếng Ý, in tại Roma năm 1650. Bản Pháp văn, do linh mục Henry Albi dịch, Nxb Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon, 1651. Bản tiếng La tinh, in năm 1652.
[2] Nguyên tác tiếng Ý, in ở Roma năm 1652.
[3] Theo lời kể của de Rhodes: Đức Cha Rubin đã tới Cửa Hàn và đã chứng kiến cảnh Onghebo đem lính đến nhà các cha “đàn áp và đánh đập giáo dân” (Xem chương 5, phần 3).
[4] Alexandre de Rhodes, Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq Pères de la Compagnie de Jésus qui ont souffert dans le Japon (Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên chịu cực hình tại Nhật Bản), bản tiếng Pháp, Nxb Cramoisy, Paris, 1653, bài Tựa, trang 5.
[6] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài (nguyên tác tiếng Ý, in năm 1650 ở Roma), linh mục Henry Albi dịch sang tiếng Pháp do Nxb Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon năm 1651. Bài Tựa in trong ấn bản tiếng Pháp này.
[7] . Roland Jacques, Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire (Bồ Đào Nha và việc La Mã hóa tiếng Việt. Có cần phải viết lại lịch sử), in trong tập san lịch sử Outre-Mers. Revue d’histoire, Année 1998 trang 21-54. Chú thích số 81, trang 43.
Hai bài được Roland Jacques nhắc đến ở đây là: Un Avignonnais dans la rizière của Jean Lacouture, in trong Jésuites. Une multibiographie, t.I, Les conquérants (Dòng Tên. Nhiều Tiểu sử, tập 1, Những người chinh phục) Paris, Seuil, 1991, trang 297-324. Và La fascination de l’Extrême-Orient, ou le rêve interrompu (Vẻ quyến rũ của Viễn Đông hay giấc mơ gián đoạn) của Philippe Lécrivain, in trong L’âge de raison. 1620/30-1750, tome 9, Histoire du christianisme des origines à nos jours (Tuổi trưởng thành 1620/30-1750, tập 9, Lịch sử Thiên chúa giáo từ nguồn cội tới ngày nay), dưới sự điều khiển của Jean-Marie Mayeur, Charles Pietri, André Vauchez và Marc Venard, Paris, Desclée, 1997, trang 755-834.
[8] La glorieuse mort d’André, bản tiếng Pháp do Sébastien và Gabriel Cramoisy, in ở Paris năm 1653.
[9] Thư gửi Đức Giám Mục Pierre Séguier, Chancelier de France, được in như bài Tựa sách Cái chết vinh hiển của thầy giảng André (trang 11-16) chúng tôi trích lại đoạn in ở trang 13-14, và viết theo chữ Pháp hiện đại.
[10] https://fr.wikipedia.org/wiki/Martyrs_du_Vi%C3%AAt_Nam.
[11] Charles Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc Annam), Nxb Perrin et Cie, Paris, 1904, trang XIX.
[12] Louis-Eugène Louvet, La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), Nxb Ernest Le Roux, Paris, 1885, Introduction (Nhập đề), Tập Một, trang 2-3.
[13] Louvet, La Cochinchine religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), Nxb Ernest Le Roux, Paris, 1885, Introduction (Nhập đề), Tập Một, trang 236.
[14] Louvet, La Cochinchine religieuse, Préface (Tựa) Tập Một, trang II.
[15] Louvet, La Cochinchine religieuse, Tập Hai, trang 31.
[16] Charles Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), Nxb Perrin et Cie, Libraires-Editeurs, 1904, Hachette livre BNF, bài Tựa, trang XIII.
[17] Gosselin, L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), Nxb Perrin et Cie, Libraires-Editeurs, 1904, Hachette livre BNF, trang 48-49.