Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (16)

Chương 8

Việc truyền giáo dưới thời chúa Trịnh Tạc và chúa Hiền

III – Chúa Hiền cho phép tự do giảng đạo

Vai trò của Lữ Y Đoan

Xin sơ lược nhắc lại một số sự kiện đã nói đến trong kỳ trước: Hai linh mục Mahot và Vachet tháp tùng Giám mục Tông toà Lambert de la Motte, tức Bérithe trong chuyến đi Đàng Trong lần thứ nhất (1671-1672). Tới Lâm Tuyền, Giám mục để Mahot ở lại quản trị vùng họ đạo Lâm Tuyền, Nha Trang, Nha Phu, đó cơ sở đầu tiên của Giám mục tại Đàng Trong. Tại Công Đồng Hội An 1672, Giám mục phong cho linh mục Guyart [được gửi vào Đàng Trong từ trước] làm Tổng đại diện Đàng Trong. Guyart qua đời ngày 24-5-1673, tại Bau-nghe [Bầu Nghệ] Quảng Ngãi, nhưng cái chết đầy nghi vấn của ông hầu như không được ai nhắc tới, trừ vài dòng tường thuật của Vachet.

Chuyến đi Đàng Trong lần thứ nhất (1671-1672) của Giám mục Bérithe là trốn vào, không giấy thông hành, nên ông tìm cách vào lại lần thứ hai, với sự cho phép của chúa Hiền. Tháng 7-1673, tức là chưa tới một tháng sau khi Guyart qua đời, Giám mục phái Vachet đi Đàng Trong, liên lạc với Mahot (ở Lâm Tuyền) để chuẩn bị chuyến đi thứ hai của ông tới Đàng Trong, dâng quàthư lên chúa, hy vọng lần này chúa sẽ cho phép ông chính thức đến Đàng Trong.

Có bốn linh mục người Việt đầu tiên được thụ phong và hoạt động đắc lực trong thời kỳ này:

Giáo sĩ Hainques đến Đàng Trong năm 1665, đến tháng 10 năm 1667, ông đã đào tạo được thầy giảng người Việt đầu tiên ở Đàng Trong, tên thánh là Joseph, 28 tuổi, gửi về Xiêm để Giám mục Bérithe phong linh mục[1].

Cha Joseph qua đời năm 1675 ở Phú Yên, theo lời de Courtaulin, vì uống phải “nước độc”[2] (Chúng tôi sẽ trở lại việc “nước độc” này ở dưới). Ba linh mục khác là cha Luc, cha Manuel và cha Louis Đoan. Chỉ có một mình cha Đoan được ghi lại tên Việt, ba người kia chỉ ghi tên thánh.

Sau này, Paulus Tạo (trong bài tựa sách Sấm Truyền Ca) tìm được tên Việt của ba linh mục là: Joseph Trang (thụ phong năm 1668 ở Xiêm, thực ra là 1667), Lucas (hay Luc) Bền (thụ phong gần cuối năm 1668) và linh mục Manuel Bổn (thụ phong năm 1672).

Từ đây, khi nhắc đến các cha, chúng tôi sẽ đề cả tên Việt của họ.

Cha Lữ Y Đoan (Louis Đoan) được phong linh mục năm 1676, khi đức Giám mục Tông toà vào Đàng Trong lần thứ hai; hai năm sau, ông qua đời (tháng 6-1678) cũng vì uống phải “nước độc”, theo thông tin của de Courtaulin. Như vậy trong bốn linh mục đầu tiên người Việt, có hai cha bị chết vì “nước độc” năm 1675 và 1678. Cha Luc Bền qua đời năm 1684, không rõ ở đâu và vì bệnh gì[3].

Hai linh mục Việt đắc lực trong việc vận động cho đức Giám mục Tông tòa được công khai vào Đàng Trong lần thứ hai, là cha Manuel Bổn (đi cùng với cha Mahot vào Triều, trình thư và quà của Giám mục dâng chúa năm 1673) và cha Lữ Y Đoan mà chúng tôi tin là tác giả lá thư chữ Nôm viết thay cho Giám mục, trình chúa, khiến chúa thay đổi lập trường: cho phép đạo Gia-tô được truyền bá ở Đàng Trong.

Mahot tổ chức chuyến đi Đàng Trong lần thứ hai cho Giám mục Tông tòa

Sau khi Guyart qua đời, Mahot trở thành vị linh mục có thẩm quyền nhất ở Đàng Trong, và cũng là người thân tín nhất của đức Giám mục Bérithe, có nhiệm vụ cùng với Vachet tổ chức cho đức Giám mục trở lại Đàng Trong lần hai.

Vachet từ Xiêm, được gửi đi Quảng Ngãi. Mahot từ Nước Mặn lên Quảng Ngãi gặp Vachet. Nhưng Vachet bị ốm phải ở lại Quảng Ngãi. Mahot đi cùng với Manuel Bổn tới Triều đình [lúc đó ở Kim Long], dâng quà và thư của Giám mục lên chúa Hiền.

Trong thư viết cho Hội Truyền Giáo (La propagande, ở La Mã), đề tháng 7-1675, Mahot tóm tắt hành trình này như sau:

“Tôi lên Quang-nghia [Quảng Ngãi] trung tâm công giáo của vương quốc, để uỷ lạo giáo dân và gặp ông Vachet, bị ốm nặng từ khi sang đây. Cuối tháng 9-1673, ông lý trưởng của một làng (un capitaine d’un village) lên quan Trấn thủ [Quảng Ngãi] tố cáo chúng tôi và đông đảo giáo dân của hai làng; viên Trấn thủ này tham lam, nghĩ rằng sẽ kiếm được nhiều tiền nếu bắt chúng tôi làm tù binh [lúc đó chúa Hiền đang cấm đạo], nên ông ta gửi lính tới hai nơi chúng tôi trú ngụ. Trong một căn nhà, họ bắt bốn linh mục với tất cả hành lý đem theo, đó là cha Rivas, Dòng Tên, mới đến đây hôm qua, ông Vachet, với ông Manuel [Bổn] là linh mục người Việt và tôi [Mahot], cùng một thầy giảng và hai học trò.[4]

Lúc bị bắt, ông Vachet và tôi đều nói với bọn lính rằng chúng tôi tới Triều đình đem quà dâng chúa, nhưng chưa đi được vì Vachet ốm. Cha Manuel Bổn và tôi cùng người thầy giảng và hai học trò, bị giam với quà cáp tặng chúa; những người lính thả Rivas và Vachet vì bị bệnh nặng. Họ giam chúng tôi sáu ngày, tuy hơi khó chịu, nhưng công nhận cũng không đến nỗi nào, nhờ Thượng đế che chở.

Cha Manuel Bổn và tôi, táo tợn như hai con sư tử (hardis comme deux lions), chúng tôi giảng đạo không ngừng trong tù cho người ngoại đạo, chúng tôi tranh luận với sư sãi (les prêtes des idoles) và được trình diện với quan Trấn thủ trước mặt các quan chức của vùng này, cha Manuel Bổn, hùng hồn nói về đạo Chúa, về sự ngụy tạo của các thần tượng (la fausseté des idoles, ý nói Phật, Khổng, Lão) bằng cách chỉ ra những sách Tàu đã tôn thờ và ca tụng đạo Thánh của chúng ta, quan Trấn thủ không tra xét gì cả, thả chúng tôi ra, và còn trợ giúp tất cả những gì chúng tôi chờ đợi và ông ra lệnh cấm không ai được ức hiếp người công giáo.

Vài ngày sau, chúng tôi được vào Triều, và trước khi vào, phải qua một cuộc sát hạch của quan Trấn thủ [ở Kim Long], một người quyền thế và uyên bác. Mới đầu, ông muốn tra hỏi chúng tôi đến Đàng Trong bằng cách nào. Tình thực chúng tôi không thể trả lời, nhưng như có một phép lạ của Thượng Đế, ông thay đổi phong cách và đối đãi với chúng tôi rất tử tế: coi tôi như em và ông bảo không thể nào làm hơn được.

Chúng tôi vào Triều khoảng ngày 15-10-1673[5], được giới thiệu với phò mã [gendre du roi], người phụ trách ngoại kiều, và nhận tất cả tặng phẩm dâng chúa. Ông này mang tiếng không tốt [ghét đạo] nhưng không hạch sách gì cả, nhận quà của chúng tôi trình chúa, chúa cho phép chúng tôi tự do ở lại vương quốc và ra lệnh cho tôi đi rước đức Giám mục [vì người] muốn đến Đàng Trong.

Tóm lại, chúa che chở giáo dân, phò mã tiếp đón đạo và theo lời cầu khẩn của chúng tôi, các quan lớn trong triều đã tha cho những tín đồ bị giam giữ, khiến tất cả mọi người công giáo ở đây đều cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.

Tháng 4 [1674], tôi trở lại Triều đình thăm Phò mã, và xin ông cấp cho giấy thông hành để đi các tỉnh, ông cho ngay; tháng 7, tôi tới biên giới [Khánh Hoà], ở đấy tôi gặp hai cha Dòng Tên, cha Ignace Baudet và cha Joseph Candone, hai ông này đã được người công giáo ân cần đón tiếp, sau khi cả hai đã tuyên thệ tuân lệnh Giáo hoàng và Giám mục [Tông tòa]. Ở đấy tôi cũng gặp các ông de Courtaulin và Bouchard, vừa [từ Xiêm] mới tới.”[6]

Mahot kể tiếp: ông đề nghị với hai cha Dòng Tên Baudet và Candone: trong vòng một năm rưỡi họ có thể không phải tuân lệnh ngay, nhưng sau đó thì phải thần phục Giám mục Tông toà. Hai giáo sĩ Dòng Tên không chấp nhận. Cha Ignace rút về một tỉnh lân cận. Cha Joseph trở lại Triều đình ở nhà người thợ đúc súng [Jean de la Croix]. Mahot phái Bouchard trông nom địa phận Khánh Hoà, và cử Manuel Bổn lên vùng biên giới Bắc kỳ.[7]

Như vậy, ý định hòa hợp hai phe giáo sĩ Pháp-Bồ của Mahot không thành: Baudet rút về vùng lân cận Nha Trang, Candone lên Huế, đến ở nhà Jean de la Croix.

De Courtaulin, nhân vật mới tới, người thân cận của Giám mục Pallu, sẽ nổi đình đám trong thời kỳ (1674-1682): Tháng 7-1674, de Courtaulin và Bouchard được Giám mục Bérithe gửi từ Xiêm sang, theo lời de Courtaulin, ông nhận lệnh Giám mục đi quan sát toàn bộ tình hình giáo dân Đàng Trong để làm bản phúc trình. De Courtaulin sẽ viết bản Ký sự Đàng Trong, 1674-1682. Qua bản ký sự này, ta biết rõ hành trình và tham vọng của de Courtaulin, việc tranh quyền với Mahot, và tại sao Vachet, Mahot không thể hòa hợp được với de Courtaulin. Cuối cùng Mahot vẫn được Vatican phong chức Giám mục Tông toà.[8]

Trở lại câu hỏi tại sao chúa Hiền thay đổi thái độ đối với đạo Gia-tô và cho phép Giám mục Bérithe vào Đàng Trong lần thứ hai?

Lá thư Mahot viết cho Hội Truyền Giáo La Mã mà chúng ta vừa đọc trên đây, quá vắn tắt, không nhắc đến thư quà dâng chúa.

Nhưng nhờ một bài khác, ta có thể biết rõ hơn về chuyến đi của Mahot đến Triều đình.

Đó là đoạn III, chương Mgr Lambert de la Motte (1658-1675), in trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823 của Launay (trang 123-132).

Đoạn III này do một hay nhiều người tập hợp những tài liệu mà Hội Thừa Sai Paris đã nhận được, để chấp bút, dưới nhan đề:

Ô. Mahot tại Triều đình – Nghiệp vụ sứ đồ – Lễ rửa tội một hoàng tử (M. Mahot à la Cour – Travaux apostoliques – Baptême d’un prince)

Dưới hàng tựa này có một dòng chữ nhỏ, viết tắt: Relat. des miss. et voy. des év. Vic. apost. ès ann. 1672-1675, p.145 (Ký sự truyền giáo của các giám mục tông tòa những năm 1672-1675, trang 145)[9]. Vì vậy, đoạn III này có thể hiểu là Launay chép lại trong cuốn Ký sự truyền giáo của các giám mục tông tòa những năm 1672-1675, từ trang 145.

Và những đoạn nào trong sách Launay có hàng tựa nhỏ như thế, chúng tôi cũng sẽ ghi là rút ra từ Ký sự truyền giáo của các giám mục tông tòa những năm 1672-1675.

Đây là một tập hợp nhiều tài liệu, ký sự, văn thư, được ghép thành một chuỗi sự kiện như nhật ký về chuyến đi của Mahot và Manuel Bổn đến Triều đình. Người chấp bút đoạn III này là một linh mục trong Hội Thừa Sai Paris, đã đọc các tài liệu khác nhau và tổng hợp thành một bản văn, và ghi cả những diễn biến “nhạy cảm” thời bấy giờ cho đời sau. Đoạn III này chứa đựng những yếu tố quan trọng nhất trong chuyến đi của Mahot và Manuel Bổn, đầy đủ hơn thư Mahot gửi về Hội Truyền Giáo La Mã, mà ta đã thấy ở trên. Nhất là việc cho in lại (bản dịch tiếng Pháp) lá thư đức Giám mục Bérithe gửi chúa Hiền, nhờ đó, ta mới hiểu tại sao chúa Hiền thay đổi hẳn thái độ với đạo công giáo và cho phép Giám mục Tông tòa công khai vào Đàng Trong lần thứ hai. In lại lá thư của Giám mục, nhưng cẩn thận đưa vào như một tư liệu trích dẫn bình thường, để không gây chú ý, chứ không trình bầy rõ ràng là bức thư quan trọng của Giám mục gửi chúa Hiền.

Những điều chúng tôi trích dẫn dưới đây, đều rút ra từ đoạn III này, đặt tên vắn tắt là Ô. Mahot tại Triều đình (M. Mahot à la Cour).

Mahot và Manuel Bổn đến Triều đình

Tác giả bài Ô. Mahot tại Triều đình [M. Mahot à la Cour] có giọng khách quan của người ngoại cuộc, bắt đầu bằng câu:

Tránh mất thì giờ, cần lợi dụng thiện ý của quan Trấn thủ và không để cho sự vu cáo có cơ hội trở lại tung hoành, hai ông Mahot và Manuel Bổn để người bạn đồng hành bị ốm [Vachet] ở lại [Quảng Ngãi] cho giáo dân chăm sóc, họ lên đường đến Triều đình ngày 20-10 [Mahot ghi khoảng15-10] lòng rộn ràng vui sướng và hy vọng”.[10]

Đoạn kế tiếp, xin tóm tắt sau đây:

Ngay khi đến Hội An, cách Quảng Ngãi hai ngày đường, họ đến chào quan cựu Trấn thủ [Hội An] để xin giấy thông hành, được ông đón tiếp rất tử tế và còn tặng quà cho Mahot, nhưng ông không có quyền cấp giấy thông hành cho người ngoại quốc, nên ông gửi họ đến một quan chức có thẩm quyền. Bọn người [Bồ?] muốn phá công việc của hai giáo sĩ đã tới Hội An trước, và đã thông báo cho viên chức này, nên khi họ đến, ông ta tiếp đãi lạnh lùng, trả lời rằng không làm gì được nếu không có lệnh của quan Thượng thư (bản tiếng Pháp viết là Le Premier ministre, nhưng chắc viết nhầm, vì triều đình không có chức Tể tướng). Trong khi chờ đợi, ông Mahot bị lính canh gác kỹ, không cho giao tiếp với giáo dân.

Vì biết Manuel Bổn không thể một mình đến Triều đình, nên họ không bắt. Ông Bổn tức tốc trở lại nhà quan [cựu] Trấn thủ trình bầy sự thể. Quan Trấn thủ nổi giận sai lính của ông đi với lính của quan Trấn thủ Quảng Ngãi, đến đón ông Mahot ra và tháp tùng hai giáo sĩ đến Triều đình. Họ tới nơi [Kim Long] ngày 27-10 [1673], (Mahot ghi khoảng 15-10-1673) và đến chào quan Thượng thư Phò mã (Premier ministre, Gendre du roi), phụ trách người ngoại quốc, trình thư và quà[11] của Giám mục tặng chúa. Thượng thư Phò mã tiếp đãi lạnh lùng vì ông vốn ghét đạo Gia-tô, ngày hôm sau ông lại đi vắng khoảng 10, 12 ngày. Giáo dân ở Huế [tức Kim Long, thủ đô lúc bấy giờ] được tin cha Mahot đến, hy vọng được dự thánh lễ. Nhưng hai giáo sĩ thận trọng chờ quan Thượng thư Phò mã trở về, không dám động tĩnh gì.

Lần này quan Thượng thư Phò mã thay đổi hẳn thái độ đối với người công giáo[12].

Tác giả bài Ô. Mahot tại Triều đình viết tiếp:

Thực vậy, thư và lễ vật của các giáo sĩ được dâng chúa ngày 23-11. Hai ngày sau, vị Thượng thư thông báo cho Mahot biết: “Chúa rất hài lòng, và cho phép Giám mục Bérithe, không những được đến nước ông, mà còn được xây dựng một nhà thờ ở Hội An là hải cảng lớn nhất Đàng Trong, và một ngôi nhà làm dinh cơ. Chúa còn nói thêm: Ta cho phép, khắp nơi trong vương quốc được tự do theo đạo Chúa và được giảng Phúc Âm cho giới trẻ. Điều này vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Ngoài ra, chúa còn biểu lộ cảm tình chân thành, sai ông Thượng thư Phò mã gửi thầy thuốc đến [Quảng Ngãi] chữa bệnh cho ông Vachet và ra lệnh cho ông này nếu khỏi bệnh phải vào chầu.”[13]

(En effet les lettres et les présents des missionnaires ayant été offerts au roi le 23 Novembre, ce ministre dit deux jours après à M. Mahot que Sa Majesté les avait très bien recus, et qu‘elle permettait à l’évêque de Bérithe non seulement entrer dans son royaume, mais même de faire bâtir une église à Faifo [Hội An], qui est le port le plus considérable de la Cochinchine, et une maison, où il verrait avec plaisir qu’il voulut faire sa résidence. Il ajouta, qu’il permettait dans tous les lieux de son obéissance le libre exercice de la réligion chrétienne et qu’il consentait que l’on y prêchât L’Evangile, et que l’on instruisit la jeunesse. C’était plus qu’on n’eut osé espérer. Cependant ce prince, pour marquer la sincérité de ses intentions, avait outre cela chargé le ministre son gendre d’envoyer des médecins à M. Vachet, avec ordre de l’amener à la Cour aussitôt qu’il serait en état de d’y pouvoir paraître.)[14]

Lá thư “mầu nhiệm” khiến chúa Hiền đổi ý

Tác giả bài Ô. Mahot tại Triều đình (M. Mahot à la Cour) viết tiếp như sau:

Ở Pháp, không ai biết gì về những quà[15] và thư khiến chúa bằng lòng. Chúng tôi chỉ tìm thấy trong những bài tường trình gửi từ Xiêm về [Hội Thừa Sai] bản sao một bức thư, ký tên Giám mục Bérithe, viết bằng chữ Hán [thực ra là chữ Nôm] gửi vua Đàng Trong, được dịch sang tiếng Pháp, lá thư này quả thực đã được trình chúa nhân danh đức Giám mục Bérithe. Người dịch lá thư tuyên bố rằng bản dịch tiếng Pháp này không thể so sánh với vẻ đẹp của bản chính chữ Nôm (l’original cochinchinois], với cách diễn đạt sự vật và bút pháp thanh nhã trong tiếng mẹ đẻ, mà ông ta không thể dịch sang tiếng Pháp, là thứ tiếng mà ông ta đã gần quên đặc tính mỗi chữ và cách hành văn. Ông ta còn nói thêm rằng: để soạn bản chính lá thư này, Ô. Bérithe đã dùng những người thấm nhuần ngôn ngữ văn chương và đạo đức công giáo theo khuynh hướng ở trong nước và vì vậy, ông đã thu thập những luận cứ đặc biệt nhất để thuyết phục người Đàng Trong mà cái gu (goût) chưa chắc đã hợp với gu châu Âu.

Với tất cả thận trọng này, chúng tôi không sợ trình bày cho mọi người dự thảo lá thư được dịch từ bản chính chữ Nôm.[16]

Qua những hàng rất cô đọng, thận trọng và hàm ý, trên đây, ta có thể biết:

Tác giả bài Ô. Mahot tại Triều đình thuật lại việc tìm thấy bản dịch tiếng Pháp lá thư của Giám mục Bérithe gửi cho chúa Hiền. Lá thư này do một người Việt viết chữ Nôm rồi dịch sang chữ Pháp. Nhưng có lẽ vì nội dung lá thư không đi đúng đường lối của Vatican cho nên cả người viết lẫn người cho in bản dịch tiếng Pháp, đều phải thận trọng: người viết lá thư chữ Nôm nói rằng: Ô. Bérithe đã dùng những người thấm nhuần ngôn ngữ văn chương và đạo đức công giáo theo khuynh hướng ở trong nước, là để tránh trách nhiệm nếu bị Vatican điều tra ra, nhưng cho đến bây giờ, chưa thấy tài liệu nào nói đến những người này, mà chỉ có sự thông bác của cha Lữ Y Đoan được nhiều người xác nhận.

Người dịch lá thư lại tuyên bố rằng: “bản dịch tiếng Pháp này không thể so sánh với vẻ đẹp của bản chính chữ Nôm [l’original cochinchinois], qua cách diễn đạt sự vật và bút pháp thanh nhã trong tiếng nước ông [dans sa langue] mà ông ta không thể dịch sang tiếng Pháp, là thứ tiếng mà ông ta đã gần quên đặc tính mỗi chữ và cách hành văn.

Câu này cho biết dịch giả là người Việt, học chữ Pháp đã lâu, nên quên khá nhiều. Và câu “Để soạn lá thư này, Ô. Bérithe đã dùng những người thấm nhuần ngôn ngữ văn chương và đạo đức công giáo, theo khuynh hướng ở trong nước chỉ cần thay chữ những người bằng chữ một người, ta có thể đoán tác giả lá thư là ai, nhất là câu “ông đã thu thập những luận cứ đặc biệt nhất để thuyết phục tinh thần người Đàng Trong.

Tóm lại: Bản chính lá thư viết bằng chữ Đàng Trong (tức chữ Nôm) là tiếng mẹ đẻ của người dịch, vậy người dịch là người Việt. Tiếp đến câu này: “tiếng Pháp, là thứ tiếng mà ông ta đã gần quên đặc tính mỗi chữ và cách hành văn”, cho biết: người dịch khá cao tuổi vì đã học tiếng Pháp từ lâu rồi, nên đã quên ít nhiều. Launay, trong chú thích 2, cũng ghi: dịch giả không phải là người Pháp.

Rồi đến câu: “Để soạn lá thư này, Ô. Bérithe đã dùng những người thấm nhuần ngôn ngữ văn chương và đạo đức công giáo, theo khuynh hướng ở trong nước và vì vậy, ông đã thu thập những luận cứ đặc biệt nhất để thuyết phục tinh thần người Đàng Trong; mà cái gu (goût) chưa chắc đã hợp với tinh thần Âu châu.

Câu này nói đến nội dung lá thư: dựa vào tinh thần văn hóa Đông phương làm nền tảng để giải thích đạo Gia-tô với chủ ý thuyết phục chúa và các quan trong Triều bãi bỏ việc cấm đạo.

Bên cạnh Mahot lúc bấy giờ chỉ có Manuel Bổn là tu sĩ Việt, nhưng ông Bổn trẻ tuổi, giảng đạo hoàn toàn theo lối Tây phương, chống Nghi lễ, mạt sát tư tưởng phương Đông, nên không thể là tác giả một bức thư như thế.

Tóm lại, những điểm trên đây, cho phép ta hiểu rằng: Lá thư đức Giám mục Lambert de la Motte gửi chúa Hiền viết bằng chữ Nôm, tác giả là một người uyên thâm nho học. Dịch giả là người biết chữ Pháp, cao tuổi, học tiếng Pháp từ lâu rồi và cũng uyên thâm nho học.

Vì vậy ta có thể xác định mà không sợ sai lầm: tác giả và dịch giả là một, và chính là Lữ Y Đoan ở Quảng Ngãi, tác giả Sấm Truyền Ca, được coi là một trong những thầy giảng lâu đời nhất và hay chữ nhất trong vương quốc (Vachet).

Ba sự kiện:

1- Đức Giám mục khi đến Đàng Trong lần thứ nhất, đã ở lại Quảng Ngãi hai tháng, lập dòng nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Quảng Ngãi là trung tâm truyền giáo đầu tiên của Hội Thừa Sai, do Hanques và Brindeau xây dựng, hẳn không thể thiếu sự giúp đỡ của thầy giảng Đoan, và có nhiều khả năng chình thầy Đoan đã dạy chữ Nôm cho cha Hanques.

2- Vachet từ Xiêm đi Đàng Trong với nhiệm vụ sửa soạn chuyến đi thứ hai cho Giám mục cũng đến thẳng Quảng Ngãi.

3- Mahot và Manuel Bổn từ Lâm Tuyền lên Quảng Ngãi để gặp Vachet. Mahot gọi Quảng Ngãi là “trung tâm công giáo của vương quốc”.

Ba yếu tố này đồng quy, đưa đến câu hỏi:

Ở Quảng Ngãi, ai là người thâm hiểu Hán, Nôm và đạo Chúa, theo tinh thần phương Đông, ngoài tác giả Sấm Truyền Ca?

Chúng tôi xin đưa ra kịch bản: Khi Giám mục đến Đàng Trong lần thứ nhất, ở Quảng Ngãi hai tháng, đã giao cho linh mục Lữ Y Đoan việc viết thư cho chúa Hiền. Vachet từ Xiêm đến thẳng Quảng Ngãi để “lấy thư”. Mahot và Manuel Bổn từ vùng Lâm Tuyền, Nước Mặn lên Quảng Ngãi để cùng đem thư đến Triều đình, nhưng chẳng may Vachet bị ốm nặng nên phải ở lại Quảng Ngãi. Mahot đi với Manuel Bổn vào Triều.

Lá thư này rất dài, ở đây chỉ xin tóm tắt, kỳ tới, trong chương viết về Lữ Y Đoan, chúng tôi sẽ dịch đầy đủ hơn sang tiếng Việt.

Nội dung lá thư

Dưới đây xin tóm lược mấy ý chính. Thư bắt đầu bằng câu:

Cầu xin Hoàng thượng vạn tuế để dìu dắt muôn dân sống bình an trường cửu. Chúng tôi sinh ra ở phương Tây, trong vùng được gọi tên là Âu châu, cách xa vạn dặm. Trước đây, khi còn ở quê nhà, chúng tôi đã được nghe truyền tụng rằng Hoàng thượng đầy lòng khoan hồng và bác ái đã cho phép tất cả mọi tôn giáo được truyền giảng trên đất nước của ngài, và cho phép người ngoại quốc ra vào để đệ trình lòng biết ơn và phục tùng Thánh thượng…[17]

Tiếp đó, lá thư nói đến cuộc viễn du đầy sóng gió mà Giám mục Tông toà đã thực hiện từ Âu sang Á, cốt đem Phúc âm đến truyền giảng ở vương quốc này.

Sau đây là phần cốt yếu của lá thư:

Đạo của Giám mục nhắm vào ba lẽ chính:

– Thứ nhất, phải yêu kính Trời, tức Thiên Hoàng [Roi du Ciel], uy lực tối cao, tạo tác vạn vật.

– Thứ hai, phải tôn kính Vua, người trị vì và bảo vệ thần dân, dưới đất.

– Thứ ba, phải tôn kính Mẹ Cha, đã sinh thành ra ta.

Tóm lại, đạo mà Giám mục xin được phổ biến ở đây, truyền giảng bổn phận của Con đối với Cha mẹ, Dân đối với Vua, đều thuộc về bổn phận của Con người đối với Trời Đất, là nguồn cội của mọi bổn phận.

Lập luận này cực kỳ khôn khéo, xác định tư tưởng và đạo lý Đông phương, mà không phản lại tinh thần đạo Gia-tô:

– Tác giả không dùng chữ Chúa Trời của đạo Gia-tô mà chắc là trong bản Nôm, ông dùng chữ Trời, và ông dịch sang tiếng Pháp là Roi du Ciel, tức Thiên Hoàng, vẫn là khái niệm Đông phương, nhưng không trái nghiã với khái niệm Thượng đế của Tây phương và Đức Chúa Trời của đạo Ky-tô.

– Tác giả không hề nhắc đến Chúa Jésus mà thay vào đó là Cha mẹ và bổn phận làm con; một khái niệm hoàn toàn Đông phương, không có trong Kinh Thánh, nhưng không ai có thể chối cãi được.

Vì thế, lá thư tuy ký tên Giám mục Lambert de la Motte, nhưng lại theo đúng Nghi Lễ phương Đông, nên đã hoàn toàn chinh phục được chúa Hiền, khiến chúa cho phép đạo Gia-tô được truyền giảng ở Đàng Trong và Giám mục được phép vào Triều.

Vì thư này hầu như không chứa đựng tinh thần Ky-tô giáo, nên không được những người trong Hội Thừa Sai công nhận và những người viết lịch sử truyền giáo công khai nhắc đến và chép lại như một tài liệu lịch sử quan trọng.

Trường hợp của Louvet khá đặc biệt, trong sách Đạo giáo ở nước Nam, ông có nói thoáng đến lá thư và quà Giám mục gửi chúa, nhưng không cho biết nội dung lá thư này mà ông “tạo” ra một lá thư khác: thư của vua Xiêm gửi cho chúa Hiền, như sau: “…chúa nhận được thư và quà của Giám mục, cùng với thư vua Xiêm viết để khuyên nhủ chúa [tiếp đón] vị giáo chủ” (…il reçut la lettre et les présents de l’évêque, ainsi que la lettre, que le roi de Siam lui avait écrite pour lui recommander ce prélat)[18].

Louvet muốn nói: chúa Hiền “tiếp đón” Giám mục Bérithe nhờ thư khuyên của vua Xiêm, mà không nói đến lá thư quan trọng của Giám mục Bérithe viết cho chúa vừa đề cập ở trên. Nhưng Louvet không biết rằng vua Xiêm không thể “recommander” tức là “khuyên bảo” chúa Hiền được, bởi vì Xiêm La ở địa vị chư hầu đối với Đại Việt; và chúa Hiền không tiếp đức Giám mục, như ta sẽ thấy ở dưới.

Lá thư này là một văn bản quan trọng, nhờ nó mà chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, vị chúa thế lực nhất vùng Đông Á thời đó, đã cấp giấy thông hành cho Giám mục Lambert de la Motte, cùng các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris đến Đàng Trong, mở ra một kỷ nguyên mới: chúa cho phép đạo Gia-tô được truyền giảng công khai ở Đàng Trong.

Trong khi các giáo sĩ Pháp hết sức hoan hỷ, chuyển tải khắp nơi Tin mừng này, thì phe Bồ nổi giận, họ nhờ Jean de la Croix can thiệp, tố cáo với chúa việc Giám mục Lambert de la Motte hai lần vào lậu Đại Việt: một lần đầu vào Đàng Ngoài năm 1669, và lần sau tới Đàng Trong năm 1671, trong thời điểm hai bên chiến tranh, tất có hậu ý không tốt, nhất là lần sau còn phạm tội “bắt cóc” nhiều thiếu niên người Việt đem về Xiêm học đạo. Tất cả dự trình của Giám mục Lambert de La Motte tưởng như sụp đổ, may nhờ linh mục Mahot chữa khỏi bệnh cho cháu nội của chúa Hiền, và phò mã thượng thư có thiện cảm với Mahot, nên đã dàn xếp mọi việc. Vì thế Giám mục mới được phép đến Đàng Trong lần thứ hai, lần này đường hoàng, trên tàu của Hoàng gia.

Việc đạo Gia-tô được tự do truyền giảng ở Đàng Trong, là một đặc ân của chúa Hiền (cũng như việc ông cho phép người Minh trốn nhà Thanh vào lập nghiệp ở nước Việt), tiếp tục sau khi chúa Hiền qua đời (1687), kéo dài trong khoảng hai, ba mươi năm, đến hết thế kỷ XVII. Ô. Ausiès, ghi trong Nhật ký truyền giáo là được ông Labbé báo tin cho biết: chúa [Nguyễn Phước Trăn (1687-1691)] theo lời mẹ và các quan đại thần, bắt đầu ra lệnh đuổi giáo sĩ từ năm 1690[19]. Còn theo Lê Quý Đôn, đến năm 1699, chúa [Nguyễn Phước Chu (1691-1725)] mới ra lệnh bắt và đuổi người truyền đạo Hoa Lang (đạo Gia-tô)[20].

Lambert de la Motte đến Đàng Trong lần thứ hai

Ký sự truyền giáo của các giám mục tông tòa những năm 1672-1675, trang 340, năm 1675, ghi rằng:

Mọi trở ngại đã được tháo gỡ, đức Giám mục Bérythe ra đi với sự thỏa thuận của chúa và với giấy thông thành cần thiết. Giám mục lên thuyền ngày 23-7-1675. Ngày 25, tới dinh ông de Chandebois, Đức Ông cử hành thánh lễ; hai ông Mahot và Vachet làm lễ Saint Jacques le Majeur. Bốn ngày sau, ngài cùng với các giáo sĩ lên tàu Hoàng gia Đàng Trong, hạnh phúc tiến nhanh như lòng người mong muốn”.[21]

Sau chuyến đi, trở về Xiêm, Giám mục Bérithe viết thư cho Giám mục de Laval, đề ngày 14-11-1676:

Tháng năm vừa qua tôi từ Đàng Trong thân yêu của tôi trở về, nơi đây tôi đã đi thăm tất cả những tín đồ trung thành ở nhiều tỉnh với niềm vui không thể tả được.[22]

Và Giám mục viết thư cho ông Brisacier bày tỏ niềm hân hoan của mình:

Xiêm, ngày 16-11-1676,

Tháng vừa qua tôi trở lại xứ Đàng Trong yêu quý của tôi lần thứ nhì, nơi mà những địch thủ của tôi và bọn mật thám của họ đã hành động trong vô vọng, họ đã buộc tội tôi đi Đàng Ngoài, vào lậu Đàng Trong, và đã bắt cóc nhiều người, nhưng điều đó vẫn không cản tôi được tiếp kiến tại triều và chúa đã cho tôi chiếu thư đặc biệt để có thể đi về hay gửi người đến vương quốc của ngài như ý tôi muốn.[23]

Trong thư viết cùng với Giám mục Laneau (cai quản điạ phận Xiêm) gửi Giám mục Pallu, ngày 4-9-1678, Giám mục Bérithe cho biết:

“Một mình cha Manuel [Bổn], người Đàng Trong, trong sáu tháng đã làm lễ rửa tội khoảng 2000 người; sự tự do [tôn giáo] rất lớn ở Đàng Trong […].

Các ông Chevreuil, Le Noir và Thomas, khởi hành năm ngoái, đã tới nơi yên lành, vì họ biết sơ sơ tiếng [Việt] nên họ đã hết lòng hoạt động ngay, bởi vì trên đường từ nhà ông Bouchard [ở vùng Khành Hoà] đi tới Triều đình, họ đã rửa tội cho 200 người lớn… nghe 2000 người xưng tội[24].

Đức Giám mục không được chúa Hiền tiếp kiến

Trong thư gửi Giám đốc Hội Thừa Sai, đề ngày 20-10-1677, Vachet viết:

Đức Giám mục đến triều đình đúng lúc chúa đang có tang con trai thứ hai, hoàng tử tài năng và đức độ, chúa thương tiếc lắm, mấy tháng nay chúa không tiếp người ngoại quốc. Phò mã Thượng thư tiếp chúng tôi nhiệt tình và chu đáo. Sau đó chúng tôi được gặp hoàng tử trưởng [Nguyễn Phước Diễm cũng mất sớm] ngài rất vui mừng thấy Đức Ông và mong chúng tôi ở lại vương quốc. Câu chuyện bàn toàn về đạo, tôi [Vachet] làm thông ngôn cho Giám Mục và hoàng tử.[25]

Giám mục Bérithe mang sang rất nhiều quà tặng, nhưng chúa chỉ nhận có một chiếc kính nhìn gần. Theo Vachet, chúa không tiếp Giám mục vì lý do chính trị:

Nếu chúa không ngại làm ồn ào trong nước vì lý do chính trị, thì có lẽ chúa đã cho phép Giám mục được vào yết kiến, nay chúa chỉ gửi tặng đồ giải khát và một trăm écus tiền trong xứ, và dặn quan thượng thư nói với đức Giám mục rằng ngài muốn ở lại hay đi là tuỳ ý.

Đức Ông chọn giải pháp thứ nhất, quyết định ở lại sáu tháng ở kinh đô và cho xây một nhà thờ trên vùng đất chúa đã cấp.

Ngài quyết định dành sáu tháng ở Hội An, là hải cảng lớn nhất Đàng Trong nơi đã có một nhà thờ rộng rãi sạch sẽ; tỉnh này là trung tâm của vương quốc, khiến ngài có thể liên lạc được với tất cả các giáo sĩ và thầy giảng tản mát ở các tỉnh.[26]

Về việc này, Louvet vẫn bịa đặt, ông viết: “Gần kết thúc việc thăm giáo dân, đức Giám mục xin công khai yết kiến chúa, và được chấp thuận, trong những ngày đầu năm 1676. Đức Ông đi kèm với các giáo sĩ tới cung điện, ngài mặc áo choàng tráng và áo thụng ngắng tay. Trong lời diễn văn khéo léo, ngài cảm ơn chúa đã cho ngài được tự do thăm con chiên và xin chúa coi giáo dân như thần dân của chúa, v.v.[27]

Đúng như Vachet nói: chúa cho phép Giám mục Bérithe vào Đàng Trong nhưng không tiếp, vì lý do chính trị, bởi chúa không muốn gây thêm hiềm khích, ganh tị giữa hai phe công giáo: Pháp và Bồ.

Giáo hội Đàng Trong đệ thư lên Đức Giáo Hoàng

Trong thư gửi Giám mục Pallu ngày 16-11-1676, Giám mục Bérithe viết:

Chuyến đi Đàng Trong của tôi được hưởng ơn trời. Tôi đã xin được chúa cho quyền tự do -bằng văn bản- ra vào, hoặc gửi người đến Đàng Trong, tuỳ ý.

Toàn thể Giáo hội [Đàng Trong] cùng viết thư cho Giáo hoàng trình bày tất cả những gì đã làm được ở Đàng Trong từ khi chúng tôi đến đây, lá thư rất văn chương, do ba linh mục nội địa [cha Đoan, cha Bổn và cha Bền, cha Trang đã qua đời] và một trăm lẻ chín thầy giảng lớn nhỏ, hầu như tất cả đều là thầy tu của Giáo hội này cùng ký tên. Chúng tôi đã cố gắng dịch sát nghiã; đây là một trong những văn bản hoàn hảo nhất trong tiếng nước họ.[28]

Lá thư bằng chữ Nôm này, chắc chắn vẫn do Lữ Y Đoan viết [đề ngày 25-12-1676], là bằng chứng cụ thể: giáo dân Đàng Trong được tự do theo đạo dưới thời chúa Hiền, đó là thành công lớn của Giám mục Bérithe và Lữ Y Đoan.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-163.png

Lá thư chữ Nôm của các cha Đoan, cha Bổn, cha Bền cùng 109 thầy giảng người Việt của Giáo hội Đàng Trong ký tên gửi Đức Giáo Hoàng, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 195-196.

Giáo hoàng Clément X qua đời ngày 22-7-1676. Giáo hoàng Innocent XI được bầu ngày 21-9-1676, sẽ nhận lá thư này.

Phong linh mục cho Lữ Y Đoan và cái chết của Lữ Y Đoan

Việc phong linh mục cho Lữ Y Đoan được Vachet ghi rất ngắn gọn, tuy nhiên sự thụ phong này chắc chắn liên hệ tới công lao của cha Đoan đã làm chúa thay đổi thái độ với đạo Gia-tô.

Vachet trong thư gửi cho Giám đốc Hội Thừa Sai Paris, ngày 20-10-1677, viết:

Trở về từ sứ bộ truyền giáo này (trong tỉnh Quang-nghia), Đức Giám mục Bérithe phong linh mục cho Ô. Louis Đoan, một trong những thầy giảng lâu đời nhất và hay chữ nhất trong vương quốc này.

(Au retour de cette mission (dans la province de Quang-nghia), Mgr de Bérithe ordonna prêtre M. Louis Doan, l’un des plus anciens cathéchistes et lettrés du royaume.)[29]

Câu này không rõ nghiã lắm nhưng ta có thể đoán rằng Giám mục từ giáo xứ Quảng Ngãi trở về Hội An và phong linh mục cho cha Đoan ở Hội An.

De Courtaulin trong thư gửi Lambert de la Motte, năm 1676, ghi thêm:

“Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cha Louis cử hành thánh lễ đầu tiên ở Cacham [Kẻ Chàm, Quảng Ngãi] tại nhà người con út [hay em út, tiếng Pháp viết là cadet] trang hoàng tuyệt đẹp, với sự hiện diện của khoảng 500 giáo dân, gồm những phần tử ưu tú nhất của toàn thể vùng này [qui étaient l’élite de toute cette province.]”[30]

Cha Đoan đã quy tụ được một số đông giáo dân thuộc thành phần ưu tú trong vùng hẳn nhờ tác dụng của Sấm Truyền Ca.

Sấm Truyền Ca, là bản diễn nôm Kinh Thánh sửa lại cho phù hợp với phong tục và triết học Đông phương, được quảng bá ngầm, rất rộng rãi.

Sấm Truyền Ca bị Hội Thừa Sai nghiêm cấm, vì đi ngược đường lối của Giáo hội.

Thư của Giám mục Tông toà Đàng trong Alexandris (1728-1738), gửi ông Grouge năm 1731[31] ra lệnh tịch thu sách này, cho biết nhà người công giáo nào cũng có Sấm Truyền Ca, như vậy sách này đã được giấu diếm lưu truyền từ khi ra đời, khoảng 1670, đến năm 1731, tức là trong hơn nửa thế kỷ! Tác phẩm có giá trị rất cao, tất nhiên được giới trí thức thời ấy chú ý và chắc chắn đã thu phục được nhiều nhà nho theo đạo.

Chúng tôi sẽ trở lại tất cả những vấn đề này trong chương 8 phần IV: Lữ Y Đoan và Sấm Truyền Ca.

Mặc dù được thụ phong linh mục, cha Lữ Y Đoan có thể đã bị coi như một “con chiên ghẻ”.

Về cái chết của ông năm 1678, de Courtaulin chỉ ghi vắn tắt:

Tháng 6, Cha Louis, người Đàng Trong, qua đời vì đau bụng[32]

Nhưng sau đó de Courtaulin đưa ông vào danh sách 5 giáo sĩ bị chết vì uống phải “nước độc” (xem ở dưới).

Cái chết của Giám mục Lambert de la Motte

Một năm sau khi linh mục Lữ Y Đoan qua đời, Giám mục Lambert de la Motte từ trần ở Juthia (Kinh đô Xiêm) ngày 15-6-1679, vì rượu và buồn, ở tuổi 55.

Giáo sĩ Gayme, người săn sóc đức Giám mục trong những ngày tháng cuối cùng, kể lại trong bức thư ông viết cho giáo sĩ Sevin ngày 27-10-1679:

… Đức giám mục từ trần ngày 15-6 vừa qua… Sự buồn phiền và chán nản là hai điều dằn vặt ông nhất. Cho tới hai tháng trước khi chết, không ai được làm trái ý ông, bất cứ điều gì. Học trò của tôi, trong hơn bốn tháng nay, ban đêm, thay phiên nhau canh gác phòng ông, với vài đứa khác, để giải buồn cho ông. Trong ba mươi, bốn mươi ngày, tôi đưa ông đi dạo thuyền trên sông, để ông khuây khoả nỗi buồn. Từ khi ông [Sevin] đi, không ngày nào là tôi không phải dành ba, bốn giờ để săn sóc Giám mục; tới khoảng sáu tuần trước khi chết, ông bị sốt dữ dội. Tôi cho gọi ông Geffrard và trong suốt thời gian này chúng tôi canh gác phòng ông ngày đêm với học trò. Tôi nhận 3/4 thời gian để các em một phần tư, vì ông chỉ tin tôi, tôi cho ông uống, cho ăn, v.v. Không hiểu tôi đã làm thế nào, mà chỉ có tôi mới biết cách săn sóc và xử sự với ông. Ông chết vì bệnh rượu, vào cuối phiên tôi canh gác, hồi 4 giờ sáng. Đêm trước ông còn muốn chịu lễ ban thánh thể… Khoảng tám ngày trước khi mất, cứ mười lăm phút là phải thay giường cho ông, cho tới khi tôi gác lần cuối. Tôi không muốn thay giường nữa, sợ ông chết trong tay tôi; ông chỉ nói với chúng tôi và không nói với một người ngoài nào, trong vòng 15 ngày trước khi chết.[33]

Ba năm sau khi đạt thành công lớn: được chúa Hiền cho phép đạo Gia-tô tự do truyền giảng ở Đàng Trong, Đức Giám mục Lambert de la Motte qua đời.

Cái chết của Đức Giám mục Lambert de la Motte, một năm sau cha Lữ Y Đoan, trong buồn phiền, chán nản, cô độc sau 20 năm hy sinh cho việc truyền giáo, trải những khó khăn tưởng như không thể vượt nổi, kể cả nguy nan đến tính mệnh; có gì bất nhẫn và khó hiểu.

Phải chăng vì ông đã âm thầm theo phe “phản kháng”, là những tu sĩ, từ Hainques đến Guyart, Lữ Y Đoan, đều chống lại chính sách truyền giáo của Vatican chủ trương tiêu diệt Lễ Nghi phương Đông. Hai giáo sĩ trẻ năng nổ, được Giám mục tin cậy nhất là Guyart và Mahot, cùng một dòng tư tường này, cũng đã qua đời trong những điều kiện tối tăm, bí mật.

Sau khi đức Giám mục Lambert de la Motte từ trần, sự nghiệp lẫy lừng của ông không được đề cao như “sự nghiệp” của Giám mục Pallu, mặc dù chính Giám mục Lambert de la Motte mới là người xây dựng lại tất cả cho Giáo hội Pháp ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam.

Giám mục Mahot

Trong một thời gian dài sau cái chết của Guyart (1673), Giáo hội Đàng Trong không có người đứng đầu. Mahot được đề cử thay thế Guyart, nhưng từ chối.

Điều gì đã khiến Mahot không nhận thay thế Guyart? Ngoài sự tranh chấp điạ vị của de Courtaulin, có lẽ còn một lý do khác: Phải chăng Mahot âm thầm ủng hộ Guyart?

Năm 1679, Giám mục Bérithe mất ở Xiêm trong cô đơn. Tâm thần khủng hoảng. Những ngày tháng cuối, ốm đau, không có một giáo sĩ nào theo ông ngày trước đến thăm ông, cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Mãi tới năm 1682, Mahot mới chính thức nhận chức Giám mục Đàng Trong.

Trong lúc Mahot nhận lễ thụ phong ở Hội An, Vachet nhận thấy: “Toàn thân ông run rẩy khi quỳ xuống chân vị Giám mục hành lễ [Laneau] […] Trong suốt buổi lễ, tôi thấy ông không còn như trước nữa. Ông là Giám mục đầu tiên thọ chức ở Đàng Trong[34].

Hai năm sau, Giám mục Mahot qua đời ngày 1-6-1684, tại Hội An. Ở tuổi 54.

Theo Labbé, trước khi qua đời, cha Mahot chia Đàng Trong làm hai: Ô. Forget cai quản địa phận phiá Nam và nước Chiêm Thành. Ông Labbé cai quản từ Nước Mặn trở lên biên giới phiá Bắc[35]

Về cái chết của Giám mục Mahot

Vachet viết:

Sau khi đi thăm các tỉnh mà hai ông Forget và Ausiès ở, Giám mục Bide [Bide là tước hiệu của Mahot] trở về Hội An, giải quyết những vấn đề trong giáo xứ. Vài ngày sau, ông bị lả người, rồi trở thành tê liệt. Và sau cùng linh hồn ông rời khỏi lưu vực khổ đau này để đón nhận lòng khoan thứ của Đức Chúa Trời tưởng thưởng công lao của ông.

Không thể chấm dứt những điều nhận xét về cuộc đời Giám mục Bide mà không đề cập đến những điều trong lá thư của ông Labbé, một trong những Phó Tổng đại diện của Giám mục, đã viết ở Đàng Trong, gửi ông de Fresnet. Đây là những điều ông viết:

Ông cũng biết rằng vị Giám mục thánh thiện này đã từ thế giới bên này sang thế giới bên kia ngày 1 tháng 6, ngày Lễ Thánh Thể (Fête-Dieu), hồi bẩy giờ chiều năm một ngàn sáu trăm tám mươi tư; ông đã cực kỳ đau đớn trước khi chết. Trong hơn tám tháng, ông đi ngoài ra máu, rồi ra mủ trắng. Một tháng rưỡi trước khi chết ông bị tê liệt.

Tôi không cần kể về đức độ của ông mà các ông biết rõ hơn tôi, chỉ xin nói rằng đây là một người hoàn toàn trên mọi phương diện, chuẩn xác trong hành động cũng như diễn ngôn, một người sống nội tâm, với tấm lòng thong dong, tự do, không ràng buộc, và có lẽ ông đã quên không biết đến lòng dạ con người: trinh bạch với tất cả những gì người ta đồn đại.

Ông đã viết một Ký sự về đạo Chúa ở Đàng Trong, trong đó ông bày tỏ sự dìu dắt giáo xứ của Thượng Đế, bằng những lập luận khác hẳn những gì mà người ta đã viết cho các ông. Ông nói với tôi, sau khi đọc lại tập Ký sự này, ông đã đốt đi vì sợ người ngoài đọc được. Tôi không hiểu vì lý do gì, nhưng tôi đã mong ước ông để lại tâp Ký sự cho chúng ta. Quan trấn thủ Fumoy [Phú Yên] cực kỳ tôn kính ông, thường nói với người thân cận: “Ông cha Tây này đầy quyền năng”. Quan trấn thủ nói như vậy chắc chắn vì ông đã thấy nhiều bản [Ký sự] trong nhà Giám mục.

Tầm vóc trung bình, tóc vàng sợi nhỏ, trán rộng và cao, lông mày rất nhạt như không có, mắt xanh, má hóp vì sống trai giới, mũi hơi quặm, miệng và môi bình thường, râu quai nón trắng xẻ dọc dưới cằm, phần còn lại của thân thể rất cân đối, da đặc biệt trắng.

Nhìn bề ngoài thấy ông hợp với đời sống tu viện hơn là làm giáo sĩ. Ông rất thích ẩn dật; chỉ nói khi cần, ăn ít và thức khuya, ông qua đời ở tuổi năm mươi tư, hai mươi năm sau khi rời nước Pháp, không bao giờ trở lại.

Sau khi chết, thân thể ông vẫn mềm mại và linh động như lúc còn sống, chúng tôi để ông mặc áo Giám mục, ngồi trên chiếc ngai nhỏ đã sắp sẵn. Giáo dân đến hôn chân ông, nhận thấy chân tay ông hoàn toàn linh động như người sống; họ đồn ầm lên, rằng cái chết không làm thay đổi thân thể đức Giám mục, đó là một ông Thánh. Khiến những người không thích chúng tôi cũng đến xem thân thể của Đức ông, họ đồng ý là thật, nhưng cho rằng đó là hậu quả của thuốc tiêm vào […] mặc dù họ cũng biết rằng tôi đang đau nặng, chỉ chờ chết…

Vachet viết về đám tang Giám mục Mahot:

Chưa bao giờ Đàng Trong có đám tang long trọng đến thế. Quan Kinh Lược gửi ba con trai đi dự, khiêng linh cữu Giám mục cùng với người khác. Hơn 6.000 người tham dự […] tay cầm đuốc, cầm nến, tiến lên, đi theo quan tài phủ khăn bằng vàng […] Không thể diễn tả nổi sự thương tiếc bao la vị Giám mục. Tất cả con chiên khóc ông như con khóc cha.”[36]

Cái chết của Giám mục Mahot là cái chết đầy nghi vấn sau cùng, trong thời kỳ Lambert de la Motte làm Giám mục Tông tòa Đàng Trong (1659- 1679), dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687).

Mặc những tranh chấp gắt gao trong nội bộ Giáo hội Pháp-Bồ, Giám mục Tông tòa vẫn thâu lượm được những thành quả tốt đẹp trong việc truyền giáo, nhờ Mahot, được chúa Hiền hết sức tin cậy.

Mahot đã viết gì trong Ký sự về đạo Chúa ở Đàng Trong, khiến ông phải đốt đi trước khi chết, và quan trấn thủ Phú Yên đưa ra nhận xét: “Ông cha Tây này đầy quyền năng”, có phải vì Mahot đã phê phán quy luật truyền giáo hẹp hòi cấm Nghi Lễ của Roma và đề nghị một giải pháp mới cho phương Đông? Mahot đã nhận được sự mến yêu kính phục của toàn bộ giáo dân, trí thức và các nhà chính trị Đàng Trong. Phải chăng vì thế mà Mahot cũng phải chết vì đầu độc như Hainques ngày trước?

Chết vì uống “nước độc”

Sau khi Giám mục Lambert de la Motte qua đời (1679), de Courtaulin, muốn trở thành Giám mục đại diện Đàng Trong, ông có một lập luận lạ lùng về cái chết đột ngột của một số giáo sĩ, và đưa ra thuyết sau đây: chết vì uống nước độc.

Như ta đã biết: Hai linh mục Hanques và Brindeau bị đầu độc chết ở Quảng Ngãi cuối năm 1670. Sau đó là cha Joseph Trang, linh mục người Việt đầu tiên, qua đời năm 1675 ở Phú Yên, vì uống phải “nước độc”.

Về cái chết của cha Joseph Trang, de Courtaulin viết: “Điều đáng chú ý là cái chết của cha Joseph ở Phú Yên: Từ miền núi trở về, nơi ông đã uống phải nước độc [l’eau malsaine], ông ngã bệnh, và sáu ngày sau ông chết, không được ông Cha ở Nước Mặn đến trợ tử.[37]

Năm 1681, giáo sĩ Thomas cũng chết vì “nước độc”. De Courtaulin viết trong Ký sự Đàng Trong, 1674-1682, về cái chết của Thomas như sau:

Cái chết của Ô. Thomas

Chết ở Phu-moi [Phố Mới] ngày 19-2-1681

Ô. Thomas, giáo sĩ, rất có phẩm hạnh, được hết sức quý mến trong vùng tôi cho ông cai quản cùng, tất cả giáo dân coi ông như cha. […]

Trước khi tôi kịp báo cho ông ta biết sự nguy hiểm, ông ta đã uống nước trong một làng nào đó, thứ nước độc làm cho toàn thân thể co dật khủng khiếp, và sau khi chịu đựng như vậy trong vòng sáu tháng, ông ta đã chết trong tay giáo sĩ Bouchard, ở giáo phận bên cạnh. Ông ta là giáo sĩ thứ năm bị chết vì nước độc: Ô. Hainques, Ô Brindeau, Ô Guiart [Guyart], Cha Louis người Đàng Trong [Lữ Y Đoan] cũng đã chết như thế.

Nếu Ô. Mahot không nôn hết những thứ ông ta uống, thì cũng bị chết như thế. Còn tôi, khi tôi đến nơi này, tôi sai đi lấy nước cách đấy nửa dặm đường, ở dưới đồng bằng […]. Làng này tên là Chu nang [?] thuộc Bin-son [Bình Sơn] tỉnh Quảng Ngãi.[38]

Ngay dưới những hàng chữ này, de Courtaulin viết thêm:

Năm 1680, xảy ra việc Ô. Thomas bị bệnh do nước độc gây ra và đã kéo dài hơn một năm; sau cùng, ông chết tại Fumoy ngày lễ Tro Thánh (Cendres) [19-2] năm 1681”.

Charles Thomas, sinh khoảng 1644 ở Paris. Đi truyền giáo ngày 8-7-1674. Ngày 15-8-1677 Thomas đi cùng với Chevreuil[39] và Le Noir, đến Đàng Trong. Thomas qua đời ngày 19-2-1681 ở Chu Nang, Quảng Ngãi.[40]

Sau khi de Courtaulin rời Đàng Trong (1682) để đi Trung Quốc, còn một cái chết khó hiểu nữa: Giám mục Mahot, không chết ở Quảng Ngãi mà ở Hội An, năm 1684.

Tựu trung, những lời của de Courtaulin trên đây, có nghiã gì?

– De Courtaulin ghi rõ hai cha Guyart và Lữ Y Đoan chết vì “nước độc”, đây là điểm rất đáng chú ý, vì chưa thấy ai nói ra.

– De Courtaulin xác định rằng những người mà ông nêu tên, chết vì uống nhầm “nước độc”, chứ không phải bị đầu độc.

– De Courtaulin đưa ra bốn địa danh ở Quảng Ngãi: một làng nào đó, Phu-moi, Chu nang, Fumoy. Những địa danh này, hiện chúng tôi chưa tìm thấy ở đâu.

Chúng ta lại biết: Hainques và Brindeau, cùng chết ở Quảng Ngãi, nhưng cách xa nhau, vì khi thấy mình bị đầu độc, Brindeau muốn báo cho Hainques biết nhưng không kịp (xem chương 8 phần II). Guyart qua đời đột ngột ở Bau-nghe [Bầu Nghệ] cũng trong tỉnh Quảng Ngãi.

Cha Lữ Y Đoan, người Quảng Ngãi, nhưng không biết quê ở làng nào. Quảng Ngãi là nơi cha Đoan sống suốt đời, chẳng lẽ ông lại không biết chỗ nào “nước độc” mà uống lầm!

Vậy, không phải tình cờ mà de Courtaulin “nghĩ ra” rằng những người này đều uống phải “nước độc” mà chết, nhưng có lẽ ông muốn hay ông bắt buộc phải “che giấu” một sự thực không thể nói ra về những cái chết này, nhưng đồng thời ông cũng muốn cho mọi người biết là những người này chết vì thuốc độc nhưng ông nói tránh đi là nước độc.

Điểm chung của 5 người này, không phải là uống nhầm “nước độc”. Nếu tỉnh Quảng Ngãi nhiều nơi có nước độc như thế, thì dân chúng chết hết còn gì.

Điểm chung của họ là: chống lại chính sách truyền giáo của Hội Thừa Sai và Vatican.

Giám mục Lambert de la Motte, có lẽ cũng đã âm thầm ủng hộ họ, nên ông đã bị thất sủng trong thời điểm cuối đời và sau đó người ta ít nhắc đến công nghiệp lớn lao của ông trong lịch sử truyền giáo của Hội Thừa Sai.

Trường hợp Mahot cực kỳ khó hiểu, không biết ông đã viết gì trong tập Ký sự truyền giáo, mà ông phải đốt đi trước khi chết? Bản Ký sự của ông, có thể đã viết từ thời ông quản trị vùng Phú Yên, Khánh Hòa và phần còn lại của Chiêm Thành, cho nên quan trấn thủ Phú Yên mới thấy được tập ký sự, như lời giáo sĩ Labbé kể lại ở trên. Và còn những ai nữa? Những ai đã đọc được và đã bẩm báo thế nào? Khiến ông phải chết?

Số người Tử vì đạo dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần

Bộ sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ (ba tập) và Bắc Kỳ (một tập) tổng cộng gần 3.000 trang của linh mục Launay, in năm 1923, là bộ tài liệu lịch sử đồ sộ, trung thực và đầy đủ nhất, bằng tiếng Pháp, mà chúng tôi được biết. Những tư liệu in trong sách này đều lấy từ Văn khố Hội Thừa Sai (A.M.F), gồm thư từ hoặc những bản phúc trình của giáo sĩ gửi về Âu Châu, nên có giá trị nguồn cội cao.

Riêng hồ sơ Persécutions ghi chép những trường hợp tử đạo, in trong chương Giám mục de La Motte (1658-1679), dưới tiểu tựa: Sự bạo tàn 1663-1668, Chứng thư tử đạo, Chi tiết những chứng thư tử đạo, Nhật ký truyền giáo ở Xiêm [Persécution 1663-1668, Actes des martyres, Détails des actes des martyres, Journal de la Mission de Siam] từ trang 28 đến trang 43, lại là một hồ sơ phức tạp không đảm bảo sự chính xác.

Trong tập hồ sơ này, Launay tuyển chọn những văn bản tố cáo tội ác persécution, đã được dịch ra tiếng La tinh, của chín nhân chứng sau đây:

Chevreuil, Barthélemy Dang, Hainques, Raphael Danh, Marthe Tlang, Antonius Voe, Chiro graphum Marthae, Anna Tom Joseph Tho.

Trong số chín nhân chứng này, chỉ có một hồ sơ của Hainques được giám mục Lambert de la Motte công nhận là xác thực, như ta sẽ thấy ở dưới.

Nhưng tập tài liệu do linh mục Hainques [qua đời năm 1670] soạn thảo khi ông ở Đàng Trong và gửi về Xiêm, đã bị thất lạc.

Tác giả bài Nhật ký truyền giáo ở Xiêm [Journal de la Mission de Siam] viết:

Đầu tháng tư năm 1667, một chiếc tàu của chúa Đàng Trong đến Xiêm. Trên tàu có một người đã đến Đàng Trong trợ giúp ông Hainques, năm trước. Chúng tôi nhận được từ ông ta những gói và những thông tin mà vị giáo sĩ đầy nhiệt tâm đã thu thập được về những tín đồ đã chịu chết để tỏ lòng kính yêu Đức Chúa Trời thay vì bội phản Chúa.

Xin báo trước với độc giả rằng: Ông Bérithe giao phó những thông tin này, vào cuối năm 1673, cho ông de Chamesson, quý tộc Pháp, đem về Âu châu, nhưng ông này chết ở Golconde (Ấn Độ) năm 1674… những thông tin này được gửi trở lại Xiêm, nhưng Xiêm chỉ nhận được có vài mảng, mà chúng tôi chưa định có nên công bố hay không, bởi vì chúng tôi còn đang chờ đợi từng ngày toàn bộ hồ sơ và khi nhận được, chúng tôi sẽ in ra, sau khi Toà Thánh tuyên bố về sự kiện này. Lúc đó, chúng tôi sẽ cho biết tất cả những thủ tục mà chúng tôi làm ở Xiêm và ở Đàng Trong trong về vấn đề này, cả trước lẫn sau những lệnh nhận được từ La Mã gửi cho các giám mục Pháp để thông tin theo pháp lý về tất cả trường hợp những người tử vì đạo.[41]

Tóm lại: Xiêm nhận được tài liệu tử đạo của Hainques năm 1667. Giám mục Bérithe gửi ông de Chamesson đem về Âu Châu cuối năm 1673; nhưng ông de Chamesson chết ở Ần Độ năm 1674. Tài liệu được gửi lại về Xiêm nhưng bị thất lạc nhiều.

May thay, ở Xiêm còn giữ được bản chính (bằng chữ Nôm của Hainques) và bản sao của bản dịch sang tiếng La tinh của Langlois, như lời Launay ghi lại dưới đây, trong chú thích số 1 trang 28:

Những chứng thư này [ces actes] do ông Hainques thảo ra bằng tiếng Việt [chữ Nôm] trong hai năm 1666 và 1667, theo lệnh của Giám Mục Lambert de la Motte, được ông Langlois dịch sang tiếng La tinh năm 1672 ở Xiêm. Bản dịch gửi đi Rome, bị mất, nhưng ở Xiêm còn giữ lại bản chính [chữ Nôm của Hainques], cùng với bản sao của bản dịch Langlois. Giám mục Laneau giao cho các ông de Courtaulin và Vachet, giáo sĩ ở Đàng Trong xem lại. Chúng tôi cho in lại một phần công trình sau cùng này”.

Launay cho in lại bản dịch sang tiếng La tinh những tài liệu của Hainques viết bằng chữ Nôm, chúng tôi không đọc được. Rất may, tựa của những bài viết này được dịch sang tiếng Pháp, nên ta có thể dựa vào để đoán nội dung, đó là những bài sau đây:

1- “Tình trạng di hài của Ignace Vang, Vincent Vi, Mathieu Ven, Damase Dao, Marthe Phuoc, Pierre Ky” [Etat des restes de Ignace Vang, Vincent Vi, Mathieu Ven, Damase Dao, Marthe Phuoc, Pierre Ky]: Bài viết này rất ngắn, có đoạn chỉ định ông Kỳ là Trùm đạo. Dưới ký tên Antonius Hainques, missionarius apostolius. Đề ngày 3-1-1667.

2- “Chữa lành bệnh cho Sébastienne de Souza và Lucies de Reuis bằng sự cầu nguyện của Marthe Phước [Guérisons de Sébastienne de Souza và Lucies de Reuis par l’intercession de Marthe Phước]. Ký tên: Petrus Langlois và Ludovicus. Đề ngày 6-1-1667.

3- Hainques gửi Giám Mục Lambert de la Motte một số xương cốt của những ngườì tử đạo: Pierre Ki, Mathieu Ven, Vincent Vi, Marthe Phước [Envoi à Mgr Lambert de la Motte par M. Hainques de quelques ossements des martyrs Pierre Ky, Mathieu Ven, Vincent Vi, Marthe Phuoc]. Đề ngày 8-1-1667.

4- Giấy chứng nhận của Giám Mục Lambert de la Motte về tính xác thực của biên bản truyền giáo về các trường hợp tử đạo ở Đàng Trong [Attestation par Mgr Lambert de la Motte de l’authenticité des procès apostoliques sur les martyrs de Cochinchine]. Đề ngày 2-9-1673.

Trong giấy chứng nhận này, Lambert de la Motte xác nhận lời khai tiếng Việt (chữ Nôm) của Antonium Hainques và bản dịch sang chữ La tinh của Petrus Langlois là đúng.

Như vậy, Giám mục Lambert de la Motte chỉ chứng nhận có lời khai chữ Nôm của Hainques và bản dịch của Langlois sang tiếng La tinh là đúng. Điều này chứng tỏ rằng:

– Hainques biết viết chữ Nôm, và ông đã dùng chữ Nôm để gửi tài liệu cho đức Giám mục Lambert de la Motte, mà không dùng chữ Pháp hay chữ La tinh, có lẽ với dụng ý để người Âu châu không thể sửa được, hoặc viết thêm vào các tài liệu truyền giáo này.

– Trong giáo khu Quảng Ngãi, người ta không dùng chữ Quốc ngữ, mà dùng chữ Nôm.

Giám mục Lambert de la Motte không hề nhắc đến các tài liệu của Chevreuil, Barthélemy Dang, Raphael Danh, Marthe Tlang, Antonius Voe, Chiro graphum Marthae, Anna Tom và Joseph Tho. Có nghiã là Đức Giám mục không tin những tài liệu này là chính xác.

Langlois là người dịch tài liệu của Hainques sang tiếng La tinh, và ông còn ký tên dưới bài:

Giấy chứng nhận của Giám mục Lambert de la Motte về tính xác thực của biên bản truyền giáo về các trường hợp tử đạo ở Đàng Trong. Tức là Langlois xác định lại một lần nữa, biên bản của Hainques, có chữ ký của de la Motte là chính xác.

– Còn linh mục Hainques, ông ký tên dưới hai bài:

Tình trạng di hài của Ignace Vang, Vincent Vi, Mathieu Ven, Damase Dao, Marthe Phuoc, Pierre Ky. Và bài:

Hainques gửi Giám Mục Lambert de la Motte một số xương cốt của những người tử đạo: Pierre Ki, Mathieu Ven, Vincent Vi, Marthe Phước.

Hai bài này thực ra chỉ là một, có nghiã là Hainques đã chứng nhận chỉ có sáu người tử đạo tên là: Vang, Vi, Ven, Dao, Phuoc và Ky.

Đó là những gì xác thực về tên Việt và con số những người tử đạo: Vang, Vi, Ven, Dao, Phuoc và Ky, do Hainques ghi nhận và được Giám mục Lambert de la Motte công nhận.

Không những Hainques ghi tên Việt mà ông còn giữ được cả di hài của họ để gửi về Xiêm.[42]

Xin nhắc lại một lần nữa: Số người tử đạo dưới thời chúa Hiền được Giám mục Lambert de la Motte xác nhận là sáu người: Vang, Vi, Ven, Dao, Phuoc và Ky.

Con số này tương đương với con số sáu linh mục chống lại chính sách truyền giáo của Vatican từ năm 1670 đến 1684 bị đầu độc chết: Hainques, Brindeau, Joseph Trang, Guyart, Lữ Y Đoan, nếu kể thêm trường hợp Mahot là bảy.

Sự xuyên tạc trong sách Đạo giáo ở nước Nam của Louvet

Linh mục Louis-Eugène Louvet là người đầu tiên – một năm sau hòa ước Giáp Thân (1884) – đã cho in bộ sách lịch sử truyền giáo, gián tiếp xác định vai trò của Hội Thừa Sai trong cuộc xâm lăng này. Bộ sách đồ sộ hai tập mang tên Đạo giáo ở nước Nam [La Cochinchine Religieuse] được hầu hết mọi người trích dịch, chép lại mà không kiểm chứng, để “chứng minh” sự tàn sát đạo Chúa ở nước Nam là nguyên nhân sâu xa của cuộc viễn chinh Pháp.

Louvet bắt đầu bằng việc tố cáo sự “tàn sát đạo” từ thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) bằng câu chuyện thần thoại André tử đạo năm 1644 của Alexandre de Rhodes, với những chi tiết hư cấu buộc tội quan trấn thủ Quảng Nam (lúc đó là Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phước Tần) bắt giết thiếu niên André Phú Yên, để đưa ra “nhận định”:

Sự Tàn sát (Persécution) tiếp tục vận hành. Hiền Vương nối ngôi cha năm 1649, chỉ rập khuôn, tạc lại sự bạo hành mới. Dưới sự thống trị kéo dài của ông ta tới 1686, gần một trăm người tử vì đạo, dâng đời mình cho Chúa ở Đàng Trong.”[43]

Để mô tả “tình trạng tàn sát” này, Louvet viết tiểu đoạn tựa đề Sự tàn sát gấp bội (1664-1665) [La persécution redouble, 1664-1665][44] trong đó, ông chép lại những câu chuyện ghi trong Ký sự của Chevreuil (xem chương 7- Louis Chevreuil) rồi thêm thắt vào, cho việc persécution trở thành cực kỳ dã man tàn ác, và ông cho chúa Hiền “trực tiếp tham dự”, điều mà Chevreuil chưa dám làm, Louvet viết:

La persécution kéo dài từ mười lăm năm nay, đột nhiên, năm 1664, gia tăng gấp bội và là năm kinh hoàng nhất dưới thời Hiền Vương. […]

Vua Đàng Trong quyết định tận diệt đạo Chúa, sai ba quan đại thần đi cưỡng bách giáo dân bỏ đạo. Một đám vệ sĩ đông đen kịt, được trải ra khắp các xóm đạo, chúng cướp của, đốt phá sách đạo, hình ảnh thiên thần, tràng hạt, thánh giá, đánh đập con chiên trước mặt các ông quan này, chúng thực hiện những hành vi tàn hung, bạo ngược. Cuối cùng, những người cứng cỏi bị bắt đóng gông đưa về Huế, bỏ tù […].

Ngày 22-12 [1664], bốn chiến sĩ công giáo (quatre soldats chrétiens) được đưa tới trước Hiền Vương, mặt đỏ rực vì tức giận, ông ta tự hỏi cung. Ba người sợ quá không dám phát nguyện ý đạo. Nhưng người thứ tư, tên là Pierre Dang không sợ, cất tiếng…

Louvet kể hệt như ông đã trực tiếp tham dự, Pierre Dang nói rằng: trước tiên ông ta là bầy tôi của đức Chúa Trời, sau mới là bầy tôi của chúa. Thế là chúa Hiền tức giận, truyền lệnh chém ngay.[45]

Louvet rất sành chuyện vá víu: ông lấy tên Pierre Dang trong bài Barthélemy Dang tố cáo cái chết tử đạo của Pierre Dang (không được Giám mục Bérithe công nhận); rồi thêm thắt và xào xáo thành một câu chuyện. Riêng màn ông mô tả chúa Hiền “mặt đỏ rực, tự hỏi cung thì hoàn toàn “xuất chúng” ở một người “viết sử” .

Sau đó, đến màn ba đứa bé bị voi giày, Louvet vẫn chép của Chevreuil, nhưng sửa cho tàn bạo hơn. Hai bé trai, được đặt tên là Raphaël và Étienne, cũng lấy trong hồ sơ tuẫn đạo (không được Giám mục Bérithe công nhận). Lucie có thêm tên cha là Pierre Kỳ, rút trong hồ sơ tử đạo của Hainques. Ra tòa, Louvet đưa thêm bà góa Marine, lần thứ ba xung phong xin được chết. Màn voi giày viết lại với những lời đối thoại đầy dũng cảm. Cảnh hành hình mô tả cực kỳ khủng khiếp. Louvet vẫn giữ nguyên chi tiết: Chevreuil đem đầu Lucie về Xiêm, mà không thấy lạ ở một tội nhân bị voi giày.

Mỗi khi nói đến chúa Hiền, Louvet không quên thêm vào những cụm từ át-xít như:

Hiền vương, kẻ đàn áp bạo tàn người công giáo.[46]

Hoặc những thông tin bịa đặt như:

Vào khoảng cuối năm 1663, Giám mục Bérithe nhận được những lá thư rất lễ phép của những ông này [Marquez, Baudet, Fuciti] tả những bức tranh xúc động về việc đàn áp bạo tàn của Hiền Vương kéo dài từ 12 năm nay.[47]

Những “lá thư” như thế này, không hề tìm thấy trong bộ tài liệu truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris do Launay sưu tập.

Năm 1988, Nguyễn Khắc Ngữ trong cuốn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII[48] còn “biên tập lại” Chevreuil và Louvet cho hợp với “tinh thần” người Việt:

– Ông bỏ hẳn câu chuyện ba đứa bé bị xử voi giày (vì không người Việt nào tin được chuyện chúa cho xử voi giày ba đứa nhỏ).

– Ông biến cô bé Lucie, thành nữ tín đồ, tức là một người trưởng thành.

– Ông thay những lời vô lễ của Lucie, bằng câu nói lễ phép cho hợp với giáo dục Việt Nam.

– Ông cho Lucie là con gái của ông Trùm Kỳ, theo sách Louvet.

– Cuối cùng Nguyễn Khắc Ngữ thay việc xử voi giày bằng chém đầu. Chém đầu một nữ tín đồ Lucie (không phải trẻ con) để có đầu lâu cho Chevreuil đem về cho Giám mục Bérithe đưa lên ban thờ.

Bổn phận của sử gia là điều tra sự thực, ở đây Nguyễn Khắc Ngữ viết lại sự thực cho phù hợp với tiền đề Persécution của các giáo sĩ và hợp với lô-gích, luật pháp và đạo đức Việt Nam, để độc giả Việt có thể chấp nhận tiêu đề Từ cấm đạo tới sát đạo mà ông đã chép lại câu chuyện của Chevreuil và Louvet rồi sửa cho hợp lý, để buộc tội nhà Nguyễn.

Viết về thời cận đại, Louvet giới thiệu vua Minh Mạng bằng những hàng chữ:

Vua Minh Mạng, sửa soạn những cú thử nghiệm mở màn việc tàn sát bạo tàn, vì tàn ác nên sau này ông ta xứng đáng với biệt hiệu Néron Annam[49].

Hẳn vì Louvet đã được Trương Vĩnh Ký mớm cho những lời châu ngọc, trong cuốn Giáo trình lịch sử Annam (Cours d’Histoire Annamite) in mười năm trước (1875) như: “Minh Mạng, bản chất độc ác, lạnh lùng, đen tối và gian trá” nên ông bắt chước?

Sang thời Tự Đức, Pháp đã chiếm xong Nam Kỳ, cần phải sáng chế ra “tội trạng khủng khiếp” của Tự Đức để biện hộ cho việc Pháp xâm lăng Việt Nam, Louvet không ngần ngại viết:

16-12-1861, 401 giáo dân bị thiêu sống trong những nhà tù ở Biên Hoà.

7-1-1862, 290 đàn ông, 106 đàn bà và khoảng 50 trẻ con bị thiêu sống ở Bà Rịa.

Tháng 12-1862, hai mươi giáo dân bị chém ở Ba Giòng, gần Mỹ Tho.

Khoảng 20 người bị ném xuống nước ở Gò sam, 80 bị sát hại ở Dat do [Đất Đỏ]; gần 100 người bị vứt xuống giếng ở Thom (thuộc Bà Rịa).

Chú thích: Ta có thể ghi vào con số 10.000, giáo dân bị thiêu sống, dìm chết, giết chết, chết đói, chết khổ trong tù, cho ba giáo phận ở Nam Kỳ, trong thời gian từ 1858 đến 1862[50].

Vẫn không có một lời nào cho biết xuất xứ của những “thông tin” này.

Louvet quên rằng, ngày 9-5-1862, vua Tự Đức đã phải ký hoà ước Giáp Thân[51] với điều khoản số một: để Pháp và Tây Ban Nha tự do giảng đạo trên khắp nước Việt. Vậy mà ông vẫn tiếp tục lập danh sách diệt đạo của Tự Đức, những năm sau đó.

Đấy chỉ là đoạn cuối của một danh sách dài in trong cuốn Đạo giáo ở nước Nam, từ trang 489 đến trang 493, tựa đề:

Danh sách những người tử vì đạo đã đổ máu ở Nam Kỳ trong thế kỷ XIX” [Liste des martyrs qui ont versé leur sang en Cochinchine pendant le cours du XIXe siècle] được Louvet đưa vào phần Chứng văn (Pièces justificatives) tức là những văn bản làm bằng chứng cho sự thực.

Cách viết “lịch sử truyền giáo” của Louvet – một thầy tu nên không ai nghi ngờ – đã cung cấp cho hầu hết những người viết sử từ trước đến nay, kể cả những người được coi là thận trọng như Võ Đức Hạnh, Charles Fourniau… cũng đều trích lại những con số tử đạo không bằng chứng của Louvet và những lời buộc tội nhà Nguyễn, trải ba triều, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã đàn áp và giết đạo không ngừng.

Sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn của linh mục Louvet chính là Chứng từ đích thực biện hộ cho việc quân Pháp xâm chiếm Việt Nam.

Đáng buồn hơn nữa là sử gia Việt Nam không những chép lại Louvet và đôi khi còn tăng con số lên gấp bội, thí dụ, Nguyễn Thế Anh viết:

Từ năm 1848, đến năm 1860, tại Bắc Việt Nam có đến 10 giáo sĩ người Âu và khoảng 100 giáo sĩ người Việt bị xử tử. Tại Nam Việt Nam vào khoảng 15 giáo sĩ ngoại quốc và 20 giáo sĩ người Việt bị giết. Hai vạn giáo dân bị tàn sát hay bị lưu đày.[52]

Vẫn theo “truyền thống” Louvet, sử gia Nguyễn Thế Anh không nói rõ nguồn cội thông tin từ đâu.

(Còn tiếp)


[1] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, quyển I, trang 62.

[2] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 170.

[3] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 326.

[4] Về việc cả nhóm bị bắt, Louvet trong La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở nước Nam) viết rằng: Vachet ở nhà bà goá Lucie Kỳ bị lính đến bắt, ông đang ốm vẫn bị đánh đập tàn nhẫn và cướp hết hành lý. Luce là tên bà goá đã tiếp Giám mục Tông toà và đỡ đầu cho các nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá, khi ông đến Đàng Trong lần thứ nhất (xem kỳ trước). Louvet bịa chuyện Vachet bị đánh đập tàn nhẫn và đổi tên bà Luce thành Lucie, là tên bé gái tử đạo trong câu chuyện Chevreuil sáng chế (xem chương 7: Louis Chevreuil), rồi ghép với tên ông Kỳ, là một ông Trùm, được cha Hainques xác nhận đã tử đạo (Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, trang 297.) Sau này Nguyễn Khắc Ngữ sẽ cho Lucie trở thành con gái ông Kỳ.

[5] Trong bài Ô. Mahot tại triều đình, sẽ nói đến ở dưới, ghi ngày 27-10-1673 đến Triều đình và ngày 23-11-1673 trình thư và quà lên chúa.

[6] M. Mahot à la Propagande (Thư của Ô. Mahot gửi Hội Tuyền Giáo) A.M.E., Vol 734, trang 90, in lại trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 122-123.

[7] Thư của Ô. Mahot gửi Hội Tuyền Giáo, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 123.

[8] Tiểu sử Bouchard và de Courtaulin:

Gabriel Bouchard sinh khoảng 1636, trong giáo khu Lisieux. Xong trung học, được gửi đi Paris học triết. Tại đây làm quen với Ô. François Savry, và ông này đã mở cửa cho Bouchard bí mật vào con đường thừa sai. Bouchad đi truyền giáo ngày 8-11-1665, không cho ai biết. 1669 đến Xiêm. Được gửi đi Đàng Trong tháng 7-1674, cùng với de Courtaulin. Qua đời tại Hội An ngày 14-2-1682 (Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay I, trang 132). Bouchard ở lại quản trị địa phận Khánh Hoà cho đến khi qua đời.

Jean de Maguelonne de Courtaulin sinh tại Limoux (Aude) khoảng 1635, 1637, anh cả 26 người em cùng một mẹ. Cha là Nam tước Saint-Benoit, thuộc dòng quý tộc nổi tiếng. Sau khi học xong ở Toulouse, được cha gửi lên chủng viện Saint-Sulpice ở Paris. Là người thông minh, năng nổ, sức khoẻ rất tốt. Khi được giới thiệu với Giám mục Pallu, ông đã là linh mục, được Giám mục đặc biệt chú ý và khen ngợi. Đi truyền giáo ngày 3-2-1670 (Launay I, trang 133). Tất cả những yếu tố này giải thích thái độ trịch thượng, cách viết ký sự khoe khoang, và những việc làm gây đổ vỡ của Courtaulin sau này, đặc biệt việc tháo gỡ một ngôi nhà thờ đem dựng lại ở Hội An, Vachet và Mahot hết sức ngăn cản nhưng không được, sau vì lôi thôi với phe nhà chùa và phe Bổ, nên bắt buộc phải rỡ đi. (Launay I, trang 162-163). Năm 1682, Giám mục Pallu đến Xiêm để đi Trung Quốc, de Courtaulin được gọi đi tháp tùng Giám mục trong chuyến đi Trung Quốc, nhưng ông không vào được, bị gửi trả về Xiêm, rồi trở về Pháp. Ông rời khỏi Hội Thừa Sai năm 1685 (Launay I, trang 133).

[9] In trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, I, trang 123-129.

[10] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 123.

[11] Quà tặng chúa gồm có: một nhánh san hô rất đẹp, một tấm gương Venise nhận đá mã não, một chiếc đồng hồ báo thức bằng bạc, một chiếc bằng đồng khá lớn, cùng một số đồ vật hiếm quý khác của Âu Châu. (Theo Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, I, chú thích 1, trang 125, Launay chép theo tài liệu của Vachet).

[12] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 123, 124, 125.

[13] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 125.

[14] M. Mahot à la Cour-Travaux apostoliques- Baptême d’un prince (Mahot tại Triều đình- Nghiệp vụ sứ đồ- Lễ rửa tội cho một hoàng tử) in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 125.

[15] Quà tặng chúa gồm có: một nhánh san hô tuyệt đẹp, một tấm gương Venise nhận đá mã não, một chiếc đồng hồ báo thức bằng bạc, một chiếc đồng hồ bằng đồng khá lớn, cùng một số đồ vật hiếm quý khác của Âu Châu. (Theo Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, I, chú thích 1, trang 125, Launay chép theo tài liệu của Vachet).

[16] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, I, trang 125. Bản dịch tiếng Pháp lá thư của Giám mục Bérithe gửi Chuá Hiền in trong sách Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823 Launay I, trang 125-128.

[17] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 125-126.

[18] Louvet, Đạo giáo ở nưóc Nam, quyển I, trang 302.

[19] Ausiès, Journal de l’année 1690, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 350.

[20] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, trang 64.

[21] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 177.

[22] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 198.

[23] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 177.

[24] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 212.

[25] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 179.

[26] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 186-187.

[27] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, cuốn I, trang 303-304.

[28] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 194.

[29] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 197.

[30] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 197.

[31] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay II, trang 11.

[32] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 237.

[33] Thư Gayme gửi cho Sevin ngày 27-10-1679, Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay I, trang 237.

[34] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 271-272.

[35] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 362.

[36] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 324-326.

[37] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 170.

[38] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 256.

[39]Chevreuil là Tổng đại diện Đàng Trong đầu tiên, như ta đã biết. Sau những thất bại và báo cáo sai lầm về chúa Hiền, dường như ông không được Giám mục Bérithe tin cậy, nên chỉ giữ vai trò phụ thuộc, đi theo các giáo sĩ khác, trở lại Đàng Trong vài lần, nhưng không để lại công trạng gì.

[40] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, trang 199.

[41] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay I, quyển I, trang 28.

[42] Dưới tựa đề: “Danh sách những người tử đạo từ năm 1664 tới 1668”, Launay chép lại danh sách tử đạo in trong cuốn Đạo giáo ở nước Nam (La Cochinchine religieuse) của Louvet (1885) và chua thêm câu: “Chúng tôi không tìm thấy gì rõ ràng trong Les A.M.E [Văn khố Hội Thừa Sai] để có thể xác định hay cải chính danh sách này”.

[43] Louis-Eugène Louvet, Đạo giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse, quyển I, Nxb Ernest Le Roux, Paris, 1885, trang 243-244.

[44] Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, trang 269-276.

[45] Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, trang 270-271.

[46] Nguyên văn: Hiền Vương, le persécuteur acharné des chrétiens (Đạo giáo ở Nam Kỳ), quyển I trang 298.

[47] Nguyên văn tiếng Pháp:”Vers la fin de l’année 1663, l’évêque de Berythe reçut des lettres très polies de ces Messieurs: ils lui faisaient un tableau touchant de la persécution de Hien Vuong, qui durait depuis douze ans” (Đạo giáo ở Nam Kỳ, quyển I, trang 266).

[48] Nguyễn Khắc Ngữ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII cuốn 1, Montréal, 1988, Tủ sách nghiên cứu sử điạ, trang 54-55.

[49] Nguyên văn: “Le roi Minh Mạng, qui se préparait par ces coups d’essai à ouvrir la persécution, et qui mérita, plus tard, par ses cruautés, le surnom de Néron annamite”. Louvet, Đạo giáo ở Nam Kỳ, quyển II, trang 31.

[50] Louvet, Đạo giáo ở Nam Kỳ, quyển II, trang 492.

[51] Hoà ước Giáp Thân do Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký với Bonard ngày 9-5-1862: ta phải nhường cho Pháp ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường.

[52] Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Lửa Thiêng , Sài Gòn 1970, trang 18.

Comments are closed.