“Lời của quá khứ” – tập truyện của Khế Iêm

Phan Tấn Hải

Tình thân không giúp chúng ta có thể hiểu hết mọi chuyện về nhau. Đặc biệt là khi khảo sát về các lộ trình tâm có thể dẫn tới những dòng thơ. Có phải thơ là thuần cảm hứng từ những kiếp xưa rơi xuống, hay là từ một chuỗi lý luận phức tạp? Khế Iêm là một trong vài nhà thơ, theo tôi nhận thấy, có lộ trình tâm rất mực phức tạp, đầy những dây nhợ rắc rối y hệt như các giàn phóng phi thuyền vũ trụ của NASA. Nhưng hôm nay, bài này sẽ chọn một phương diện khác của Khế Iêm để suy nghĩ, tập truyện Lời của quá khứ (LCQK), một ấn phẩm năm 2020, phiên bản mới của nhà xuất bản Văn Mới 1996.

Giao tình của tôi với Khế Iêm có lẽ cũng đã gần ba thập niên, ban đầu là qua nhà văn Mai Thảo. Là những người mê chữ gặp nhau, nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Ngay cả nhiều năm trước, những khi ngồi với Khế Iêm nơi quán cà phê góc đường Westminster/Euclid ở Santa Ana, niềm vui của tôi là được nghe kể chuyện sách vở, thơ ca… Tôi không phải là học giả nên không ưa suy luận, bản thân chỉ là một nhà báo đôi khi làm thơ, cho nên không bận tâm chuyện lý thuyết, chỉ quan tâm về chuyện chữ gì đã được viết lên giấy, nghĩa chữ đó ra sao, vì sao và tác động ra sao. Nghĩa là, tôi nhìn thơ, truyện và các bạn văn qua con mắt nhà báo, bất kể họ trường phái nào và bất kể họ tranh luận ra sao.

Khế Iêm không có nhiều độc giả. Bản thân anh cũng ít bằng hữu, không phải vì thiếu cơ hội quảng giao, nhưng tự nhiên như thế là như thế. Nghĩa là, một trái nghịch hoàn toàn với tôi: một nhà báo phải sẵn sàng viết tràng giang đại hải ngày đêm khi độc giả cần tới, và phải viết sao cho dễ hiểu. Khế Iêm là khó hiểu thượng thừa. Thân hình anh chỉ là một nhúm xương và da, có lẽ đã khô quắt queo vì tim máu đã vắt cạn cho chữ? Khế Iêm không bày tỏ bận tâm về lý luận siêu hình, nhưng bạn sẽ bất ngờ khi thấy anh nói lên những ngôn ngữ như vọng lại từ những chân trời đạo học Đông Phương. Thí dụ, như mấy dòng đầu của bài thơ Nắng vàng, trích:

"Tôi đứng ở bãi đậu
xe nhìn bâng khuâng một
vùng nắng vàng (và trong
lúc này) tôi không biết
  

tôi là nắng hay nắng
là tôi con đường phía
trước một hướng ra biển
còn hướng kia lên đồi."

Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Phương rất minh bạch: nắng là nắng, tôi là tôi, không thể có chuyện “tôi không biết tôi là nắng hay nắng là tôi”… Thứ tự ngôn ngữ “tôi là” và “nắng là” đều nằm trong ngữ pháp hiện sinh. Nếu chúng ta xóa bỏ động từ “là” thì tức khắc cả trang giấy như dường bất động. Bạn thử đọc lại, rất chậm mấy dòng thơ trên, và sẽ thấy trang giấy như dường đang lay động, như dường một cánh bướm đang làm Trang Tử ngẩn ngơ. Cũng như thái độ nhìn chung quanh đều thấy mới lạ, như nhân vật được ghi là “chàng” trong truyện Gặp gỡ (truỵện thứ ba trong tập truyện LCQK khi nói với nhân vật được ghi là “ông già” nơi trang 32: “Mọi thứ dần dần cũ đi. Phố xá đầy người mà không quen ai. Tôi có cảm tưởng như mình đang giẫm lên mảnh đất lạ. Gió mang một mùi vị khang khác…”

Vâng, gió mang một mùi vị khang khác. Trên các trang giấy của Khế Iêm, luôn luôn phảng phất một làn gió khang khác. Trong khi chúng ta quen suy nghĩ như A phải khác không-A, cũng như nước mắt không thể là nụ cười, văn phong Khế Iêm đưa ra cái nhìn về thực tại có khi rất mơ hồ giữa thực và mộng. Như tâm thức của cô Trúc trong truyện Thời của kẻ khi thăm ngôi chùa trên đồi, trích: “Những bậc đá dài suýt làm nàng trượt chân. Nụ cười tắt theo những giọt nước lăn trên má. Ban mai, nhưng không phải ban mai. Chẳng có bằng chứng nào cho sự tồn tại…” (trang 103, LCQK).

Ban mai không phải ban mai, chẳng có bằng chứng nào cho sự tồn tại… hiển nhiên là có phong vị của sắc tức là không. Nhưng thực ra, chữ nghĩa Khế Iêm không thể được xếp loại đơn giản là ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật, vì tới một nơi khác, nơi một trang khác, ngôn ngữ văn học của tác giả lại là một chất vấn về ý nghĩa bi kịch của khả thể, những băn khoăn kiểu tư tưởng Hy Lạp, khi chứng kiến những nền văn minh nhân loại hình thành và rồi hủy diệt, như dường sinh ra là để biến vào hư vô và như là chẳng có ý nghĩa gì cho đời.

Cũng như trong truyện Chàng và Nàng, nhân vật Phúc nói với cô Nga về cô Trúc, trích: “Cho đến quá nửa đời người, trong tôi bỗng bật dậy một tình yêu thương. Cái tài, cái sắc đã làm hỏng đời nàng. Nàng cứ tự hủy hoại mình, uống cho say khướt men cay đắng. Để làm gì nhỉ? Tôi mãi bị ám ảnh bởi những cánh hoa tan tác bay, những linh hồn nhỏ. Và Trúc đó, xa tắp như những ảo ảnh không thực. Đôi lúc tôi ngỡ nàng là kẻ thánh thiện bị ma ám, hoặc một nhân vật của bi kịch trên cái sân khấu mênh mông là trời đất. Tôi uống hết một phần rượu đời, đã quá say, nhưng vẫn tỉnh táo để muốn đốt lên ngọn lửa, thứ lửa chẳng có ở trần gian. Cho Trúc.” (trang 84, LCQK)

Bạn có thể hình dung nhóm 10 truyện ngắn trong tập truyện LCQK chỉ là 10 chương của một truyện dài, trong đó nhân vật chính là một phiên bản của chính tác giả Khế Iêm. Trong cả 10 truyện ngắn đó, độc giả có thể nhìn thấy các nhân vật như dường bước ra từ các truyện cổ tích đau đớn, nơi đó hiện thân của các nhân vật chỉ là nêu lên các băn khoăn đời người, tự thân mỗi nhân vật là những chất vấn về khó hiểu của kiếp người.

Ngay cả các nhân vật nữ cũng rất mực khuôn phép, như dường không thể có thực trong thế kỷ 20 và 21. Chúng ta không thấy nhân vật nữ nào mặc áo hai dây hay váy ngắn, hay nói cười lẳng lơ. Truyện Khế Iêm là thế đấy. Chàng có vẻ như không muốn kể về những chỗ nhân gian không thể hiểu. Thế thì đời thực của tác giả đã từng làm cái gì với một giai nhân mà chẳng hề ghi lại? À, hình như có chỗ, Khế Iêm cho chàng nắm tay nàng. Và chỉ nắm tay hai lần trong tập truyện thôi, chỉ vì hữu sự. Nhưng trời ạ, nắm tay lần đầu là để kéo nàng dợm bước, và lần thứ nhì là là để bỏ chạy hốt hoảng.

Truyện ngắn Đối thoại kể về nắm tay, trích: "Chàng kéo nàng dợm bước, nhìn những mái nghiêng không đều, những phên liếp, những quán lá mập mờ. Không gian bị đẩy lùi làm hiện ra những đám mây, cây xanh, nhà cửa. Chàng xoải nhanh, mắt đăm đăm, chậm lại." (Trang 25, LCQK)

Và cũng truyện ngắn đó, kể về lần nắm tay nàng bỏ chạy, trích: "Chàng và nàng đứng trước quầy vé, đắn đo. Căn phòng trống, không người. Đột nhiên, chàng kéo nàng, bỏ chạy hốt hoảng, bị đẩy ngược lại bởi một sức cản kỳ lạ cho đến khi rơi vào một tình thế khốn cùng, không thể nào thoát được." (Trang 30, LCQK)

Nói cho công bằng, có một chỗ truyện Khế Iêm vi phạm luật “nam nữ thọ thọ bất thân” khi cho nàng nép vào người chàng, nhưng có vẻ như bất đắc dĩ vì lúc đó bị đám đông xô đẩy, theo truyện “Đối thoại” ghi lại, chỉ có mấy chữ “Nàng nép người vào chàng, sợ hãi” sau khi "…bất thình lình đám người trở nên hỗn loạn, xô đẩy, cấu xé nhau dữ dội. Hàng người tản đều ra khắp phòng nhập vào cơn huyên náo. Chàng và nàng ngờ nghệch giữa những điệu bộ quay cuồng…" (Trang 28, LCQK)

Và sau khi để độc giả đọc suốt 10 truyện ngắn đầy những ngôn ngữ nghiêm túc, những dòng cuối của truyện thứ 10 (truyện ngắn Thời của kẻ) mới cho chàng “cầm lấy bàn tay nhỏ, mềm mại của Thục”… và thế đấy, không thêm chi tiết nào ngoài cảm giác “mềm mại” của tay nàng. Hình ảnh những dòng cuối truyện thứ 10 là “Thục ngả người vào ngực chàng” và rồi "Thục mỉm cười, quàng tay qua cổ chàng kéo xuống. Chàng hôn trên môi nàng, nụ hôn không bao giờ dứt." Phải chăng, khi viết rằng nụ hôn “không bao giờ dứt” chính vì Khế Iêm không muốn kể thêm những cuồng nhiệt, nếu có, ở các nơi khác trên cơ thể? Cũng nên ghi nhận rằng, nhan đề truyện hình như đánh máy nhầm, nơi trang 89 ghi là Thời của kẻ nhưng nơi trang Mục Lục ghi là Thời của những kẻ bị ma nhập.

Tập truyện còn có hai vở kịch đặt nơi cuối sách. Vở kich Một cành cây, một đám mây (trang 121-125, LCQK) chỉ có hai nhân vật là Vân và Thu, với cảnh ghi sau lưng họ là “bầu trời trống trơn. Không có gì cả. Thật im lặng.” Đối thoại kịch của Vân và Thu cũng kiệm lời, có khi thốt một chữ, có khi hai chữ, và không có câu thoại nào dài tới hai dòng. Câu dài nhất là 7 chữ, do cô Vân nói: “Tôi đang nói về mây xanh mà.” (Trang 122, LCQK).

Vở kịch thứ nhì, cũng là cuối tập, có nhan đề Lúc mà (trang 127-142, LCQK) cũng chỉ có hai nhân vật, tên ghi là “Người đàn ông” và “Người bạn” (nhân vật “Người bạn” này cũng là một người đàn ông, vì được gọi là “anh”). Đối thoại trong kịch này nhiều lời hơn, và đoạn kết rất khó hiểu, nếu diễn trên sân khấu khi người xem nhìn hai diễn viên thực hiện động tác kịch. Nếu chỉ đọc trên giấy, nơi cuối vở kịch có thể liên tưởng bí hiểm tới hình ảnh hai người đàn ông “ôm lấy nhau. Ngã xuống… dây dưa một lúc. Những tiếng kêu thất thanh không dứt. Đến khi cả hai bất động, không nhúc nhích nổi. Im lặng. Một lúc sau.” Bí hiểm, cực kỳ bí hiểm, khi đọc tới chỗ hai người đàn ông ôm nhau trên sân khấu và ngã xuống, dây dưa một lúc, bất động, không nhúc nhích nổi.

Truyện và kịch Khế Iêm là như thế, hư hư thực thực, tất cả nhân vật đều sương khói, nói rất kiệm lời, suy nghĩ đầy những chất vấn về ý nghĩa bất toàn của cõi người, và tận cùng là vô ngôn, là niềm tịch lặng mênh mang của cõi người. Trong vở kịch cuối, mấy dòng chữ cuối là hai người đàn ông ôm nhau, té xuống, im lặng… Trong vở kịch trước đó, kịch Một cành cây, một đám mây nơi các dòng chữ cuối là hình ảnh: “Im lặng. Mắt nhắm nghiền, bất động. Một lúc sau.” Nơi các dòng chữ cuối truyện thứ 10, là hình ảnh rất buồn của "Bóng tối vây hãm xung quanh, và chàng cứ bơi mãi ngược dòng về một xứ sở chim muông. Thiên nhiên mộc mạc, mà chàng là kẻ đang gieo vào nguồn đất mầm cay đắng."

Tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ đã nhận định về tập truyện Lời của quá khứ và nhận định này được Khế Iêm dùng làm Lời Giới Thiệu (trang 9-10, LCQK) cho ấn bản 2020 cho thấy rằng Khế Iêm viết không giống ai. Lời Giới Thiệu của Diễn Đàn Thế Kỷ viết, trích:

Tập truyện của Khế Iêm sẽ đem lại một nét lạ trong làng truyện ngắn hải ngoại hiện nay. Bây giờ không thấy ai viết kiểu như thế. Sách có chín truyện, truyện đầu (Ánh Trăng) được viết tại Sài Gòn năm 1973, và truyện cuối (Thời Của Những Kẻ) viết tại Pulau Bidong 1988. Nội dung các truyện chứa đựng trong quãng thời gian ấy, thời gian người Việt Nam ở miền Nam chịu đựng nhiều nỗi đau khổ, của chiến tranh, của thua trận, của vượt biên… Nhưng truyện của Khế Iêm ít khi bày ra cảnh đời cụ thể, tất cả chỉ được trình bày như một cảm thức, không giống như đời thực, chẳng khác nào vật thể được nhìn qua sự khúc xạ của nước hoặc không khí. Chính hiện tượng khúc xạ ấy – và môi trường khúc xạ ở đây là tâm hồn và cái nhìn của nhà văn – đã biến truyện Khế Iêm nhiều khi thành những tùy bút, hoặc những đoạn thơ văn xuôi. Có những đoạn tuyệt hay. Chính những đoạn ấy nói lên được những gì tác giả cần nói hơn là toàn thể "truyện," thường chỉ là một khối xúc cảm được diễn đạt bằng ngôn từ và hình ảnh rất trừu tượng. Ngôn từ là cái đáng kể ở đây, chúng đã đóng tối đa vai trò của chúng để tạo nên hình tượng, ấn tượng, mang rất nhiều tính chất tượng trưng. Cả nhân vật, những chàng, những nàng cũng chỉ là tượng trưng, impersonnel, và ngôn ngữ đối thoại của họ lại càng như thế, những câu cô đặc không có trong đời thực.

Khế Iêm sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Học Luật tại Sài Gòn. Ông sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại California, Hoa Kỳ từ năm 1994-2004; chủ biên trang Thơ Tân Hình Thức (thotanhinhthuc.org). Tác phẩm đã xuất bản: Hột huyết (kịch, Sài Gòn 1972), Thanh xuân (Thơ, California 1992), Lời của quá khứ (Truyện, California 1996, tái bản 2020), Dấu quê (Thơ, California 1996), Thơ khác / Other Poetry (Tan Hinh Thuc Publishing Club 2013), Vũ điệu không vần (tiểu luận, THTPC, 2018).

Tập truyện Lời của quá khứ có bìa Thái Tuấn, phụ bản Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Đinh Cường, 150 trang, giá $12.00. Liên lạc: nxb Văn Mới, 1528 S. La Cienega Bl. Los Angeles, CA 90035, USA.

bia sach Loi Cua Qua Khu

 

 

Comments are closed.