Luận văn Nhã Thuyên: Ai mới không cần khoa học?

Nguyễn Hiếu Quân thực hiện

Luận văn Thạc sĩ “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (dưới đây gọi tắt theo tên phổ biến hơn là Luận văn Nhã Thuyên – LVNT) đã bị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN) thẩm định lại và sau đó ra quyết định số 667/QĐ-ĐH SP HN không công nhận Luận văn này. Chúng tôi đã từng có cuộc phỏng vấn một số người trực tiếp hướng dẫn và chấm LVNT, qua đó cho thấy LVNT có đủ chất lượng khoa học và xứng đáng nhận học vị Thạc sĩ Ngữ văn. Đồng thời, các ý kiến cũng cho thấy lối làm việc không sáng tỏ, thiếu đối thoại của Hội đồng chấm lại LVNT do Trường ĐHSP HN lập ra ngày 5/3/2014[1]. Việc hủy kết quả LVNT, rõ ràng, gây nên bức xúc, phẫn nộ không chỉ đối với tác giả luận văn, những người trong Hội đồng chấm LVNT, mà còn đối với nhiều trí thức, nhà nghiên cứu trong cộng đồng đại học[2]. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ lụy từ LVNT có thể còn đặc biệt nghiêm trọng hơn những gì chúng ta thấy qua những tường thuật của báo chí, tin tức cộng đồng mạng, mà trước nhất là lối làm việc không cần khoa học, thiếu tôn trọng mục đích khoa học chắc chắc sẽ trở thành “chuyện thường ngày”. Để làm rõ hơn về điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn hai người trong Hội đồng chấm LVNT đồng thời chứng kiến các hệ lụy từ LVNT: PGS, NGND Nguyễn Văn Long, TS Nguyễn Phượng (đều là cán bộ giảng dạy tại khoa Ngữ văn – ĐHSP HN) Chúng tôi trân trọng coi đây là sự lên tiếng có trách nhiệm, thấu đáo của hai ông trước những tình huống bất thường vốn chẳng còn xa lạ trong đời sống hiện nay.

……………………..

Tính đến ngày 21/4/2014, sau hơn một tháng trường ĐHSP HN ra Quyết định hủy kết quả LVNT, tước bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên):
108 cá nhân vốn là những nhà nghiên cứu, nhà giáo uy tín ở trong nước kí tên vào Bản Phản đối và Yêu cầu gửi Hiệu trưởng trường ĐHSP HN về việc đơn vị này đã ra những Quyết định phi pháp và phi lí liên quan đến LVNT.
40 nhà nghiên cứu, nhà giáo đã/đang công tác ở nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới kí tên vào thư ngỏ gửi trường ĐHSP HN, Bộ GD – ĐT Việt Nam về sự vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan.
4 giáo sư người Việt ở nước ngoài (Ngô Bảo Châu, Hồ Tú Bảo, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần) gửi thư cho Hiệu trưởng ĐHSP HN, phản đối việc trừng phạt Đỗ Thị Thoan và PGS TS Nguyễn Thị Bình.
chưa có sự bạch hóa bản “kết luận và đề nghị” của Hội đồng chấm lại LVNT – cơ sở đề trường ĐHSP HN ra quyết định hủy kết quả LVNT, tước bằng Thạc sĩ của tác giả luận văn.
chưa có sự đối thoại khoa học trực tiếp giữa hai Hội đồng chấm và thẩm định LVNT như một thông lệ khoa học.
chưa có sự trả lời chính thức của ông Hiệu trưởng ĐHSP HN về kiến nghị yêu cầu đối thoại, được giải trình của các thành viên trong Hội đồng chấm LVNT.
toàn văn bản nhận xét của PGS TS Phan Trọng Thưởng (thành viên Hội đồng thẩm định LVNT) được đăng trên website của Hội Nhà văn Việt Nam: http://vanvn.net/news/14/4614-PGS TS-phan-trong-thuong–de-hieu-ro-hon-thuc-chat-cua-mot-luan-van.html”
……………………………

Nguyễn Hiếu Quân (NHQ): Trước tiên, xin cảm ơn PGS Nguyễn Văn Long vì đã nhận lời phỏng vấn. Tôi biết ông vừa qua đợt ốm, hiện sức khỏe chưa hồi phục. Nhưng trước diễn biến, hệ lụy từ LNVT, hẳn ông muốn công khai quan điểm của mình? Nên xin hỏi ngay rằng, ông đánh giá thế nào về Quyết định hủy kết quả LVNT của trường ĐHSP HN?

unnamed

PGS Nguyễn Văn Long

PGS Nguyễn Văn Long: Tôi thấy đây là một quyết định quá vội vàng. Không chỉ Quyết định hủy LVNT là vội vàng, mà Quyết định cho PGS TS Nguyễn Thị Bình nghỉ hưu bởi lí do không thuyết phục cũng rất vội vàng và phải nói là nhẫn tâm. Thật sự tôi thấy rất khó hiểu điều gì đã dẫn tới các quyết định đó. Bởi vì trong khi sự phân định về LVNT chưa thuyết phục, đặc biệt chưa có những trao đổi khoa học giữa Hội đồng chấm và Hội đồng thẩm định thì nhà trường lại vội vàng ra những Quyết định thiếu căn cứ. Còn nếu cho rằng sự việc LNVT gây thiệt hại cho uy tín nhà trường, thì cũng phải nói rõ nó ở mức độ nào?. Ông Hiệu trưởng phải giải thích rõ để các đương sự và dư luận thấy hợp lí chứ. Bản thân PGS TS Nguyễn Thị Bình là người có chuyên môn tốt, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của khoa và trong công tác quản lý bộ môn. Giả thiết rằng PGS TS Nguyễn Thị Bình có sai sót trong LNVT thì phải cân nhắc kĩ lưỡng, thấu lí đạt tình những đóng góp của cô Bình trong suốt mấy chục năm công tác ở trường ĐHSP Hà Nội. Đằng này chưa đủ cơ sở để khẳng định cô Bình sai, bất chấp thực tế khoa và bộ môn đang rất cần những người có chuyên môn vững để tiếp tục công tác, nhà trường vẫn ra quyết định cho cô Bình về hưu. Tôi thấy sự việc này còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của trường ĐHSP HN. Có nhiều sinh viên cũ của trường đã bày tỏ với tôi nỗi buồn và sự tổn thương đến tình cảm, niềm tin của họ với trường ĐHSP HN.

NHQ: Là người đã có kinh nghiệm nhiều năm và đã hướng dẫn rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh và ủng hộ tinh thần mạnh dạn tìm tòi khoa học ở họ, thì ông có thấy những hệ lụy LVNT liệu có trở thành cảm giác lo âu, bất an ở những người nghiên cứu trẻ, những học viên cao học và nghiên cứu sinh không, thưa ông?

PGS Nguyễn Văn Long: Quả là những hệ lụy LVNT đang và sẽ gây ra những nỗi hoang mang đối với những người nghiên cứu trẻ. Họ đã có một “ví dụ tày đình” để rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn đề tài, việc viết lách, mà nhìn chung là họ sẽ chọn giải pháp rút vào những khu vực càng an toàn, càng yên ổn càng tốt. Các cá tính khoa học khó có điều kiện đựơc bộc lộ trước những đề tài mới, phức tập và khó. Mà lâu nay đề tài nghiên cứu của học viên cao học, nghiên cứu sinh thì đang dần cạn kiệt, nếu không khuyến khích họ mạnh dạn đi vào những cái mới, dám thử sức và cả phiêu lưu trong khoa học. Tình hình đó các nhà quản lý cần quan tâm để ủng hộ những tìm tòi mạnh dạn, nhất là trong lớp trẻ.

NHQ: Thưa PGS Nguyễn Văn Long, phần lớn các bài phê phán LVNT đều cho rằng, bản thân đối tượng nghiên cứu (nhóm Mở Miệng) là không đáng nghiên cứu. Và nếu chọn nghiên cứu Mở Miệng thì lẽ ra phải phê phán, phải thấy thơ Mở Miệng là phản văn hóa, chứ không thể “ca ngợi” như LVNT đã làm. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

PGS Nguyễn Văn Long: Một hiện tượng văn chương nào cũng có bối cảnh và lí do tồn tại của nó. Nếu mặc định Mở Miệng là tục, là phản văn hóa thì cũng phải thấy rằng, cái tục cũng đã có mặt từ lâu trong văn học Việt Nam. Hiện tượng thơ Mở Miệng ngay từ khi xuất hiện đã gây chú ý của dư luận, đã cho thấy một sự khác biệt trong tinh thần sáng tác và quan niệm thơ của họ. Chọn Mở Miệng làm đối tượng nghiên cứu vì nó có tính vấn đề ở chỗ đó. Tác giả luận văn đã cố gắng đưa ra sự lý giải về hiện tượng thơ Mở miệng trên bối cảnh địa văn hoá ở thành phố Hồ Chí Minh và trong ngữ cảnh khủng hoảng của thơ trẻ Sài Gòn, đồng thời thử vận dụng những lý thuyết mới như của J. Derrida, chủ nghĩa hậu hiện đại vào việc luận giải hiện tượng Mở Miệng. Cố nhiên, việc vận dụng các lý thuyết cũng như sự luận giải của luận văn còn có những chỗ khiên cưỡng, có chỗ cực đoan, như các nhận xét của các thành viên trong hội đồng chấm luận văn đã chỉ ra nhưng kết quả nghiên cứu của luận văn là cần ghi nhận và đáng khích lệ. Chúng tôi đọc LVNT từ các luận điểm khoa học mà nó có, chứ không đọc nó từ mặc định rằng Mở Miệng là tục tĩu, phản văn hóa. Mà phải nói thêm, chính Mở Miệng tự gọi họ là “thơ rác, thơ dơ”, nghĩa là họ tự thấy mình không cần được ca ngợi, không có nhu cầu đứng chung với các khuynh hướng thơ đã, đang có. Nhưng người nghiên cứu buộc phải xem xét xem quan niệm đó có khác gì với truyền thống, có cung cấp một nghĩa lí về thẩm mĩ, về phương thức sáng tạo không. Đấy là những thao tác quan trọng nếu tìm hiểu về một hiện tượng thơ nào từng có trong lịch sử thơ ca nói chung, còn với Mở Miệng là trong thơ đương đại. Có một thao tác lâu nay mỗi khi chúng ta xem xét văn hóa, xem xét các hiện tượng văn chương là thường chỉ từ và thông qua đánh giá những “cái hữu dụng”, những cái có nghĩa. Trường hợp Mở Miệng với lối thực hành thơ theo kiểu trò chơi, tạo nên những câu thơ không rõ nghĩa, những câu thơ nói ngược, bông đùa, giễu nhại… và với quan niệm “thơ rác thơ dơ”, thì họ còn cho thấy sự tồn tại của “cái vô dụng”. Nên chỉ ra sự tồn tại của “cái vô dụng” cũng là việc làm của nghiên cứu.

NHQ: Thưa ông, từng là chủ tịch Hội đồng chấm LVNT, nhưng đến giờ ông vẫn chưa có cơ hội để bảo vệ quan điểm của mình trước “kết luận và đề nghị” của Hội đồng thẩm định lại luận văn này. Ông thấy phải nói rõ chuyện này thế nào?

…………………………..

– “không chỉ Quyết định hủy LVNT là vội vàng mà Quyết định cho PGS.TS Nguyễn Thị Bình nghỉ hưu bởi lí do không thuyết phục cũng rất vội vàng và phải nói là nhẫn tâm”

– “Điều đáng tiếc nữa là các kết luận của Hội đồng khoa học khoa và Hội đồng khoa học trường đã không được lấy làm căn cứ chính để nhà trường xử lý với luận văn, mà chỉ dựa vào những phán xét của Hội đồng thẩm định được lập ra sau đó”

– không thể qui hẹp samizdat vào thời kì chiến tranh lạnh và tồn tại chỉ bởi những người “chống đối chế độ” […] Các hình thức tự xuất bản này đã tạo ra một không gian mới rộng rãi và linh hoạt nhanh nhạy hơn cho các sản phẩm văn hoá, trong đó có văn chương. Đó là điều hợp quy luật phát triển của thời đại ngày nay, không thể bỏ qua…”

PGS Nguyễn Văn Long đưa ra một số nhận định liên quan đến LVNT

…………………………………….

PGS Nguyễn Văn Long: Trước hết tôi phải nói rõ vài điều mà bản thân tôi và các thành viên trong Hội đồng chấm LVNT đã làm để chứng tỏ chúng tôi thực sự muốn đối thoại khoa học cẩn trọng, trách nhiệm. Nhiều người cứ nói tại sao chúng tôi không lên tiếng. Nhưng thực tế, cái gọi là trao đổi, tranh luận ở thời gian qua đã tập trung vào chuyên môn đâu, đã theo đúng thông lệ khoa học đâu. Khi LVNT bị báo chí phê phán, theo yêu cầu của truờng, Hội đồng chấm luận văn đã gửi đến nhà trường một bản giải trình vắn tắt về việc chấm và đánh giá luận văn. Cũng theo yêu cầu của trường, Khoa Ngữ văn đã có cuộc họp của Hội đồng khoa học khoa mở rộng nhưng các thành viên Hội đồng chấm luận văn cũng không được mời dự để trình bày ý kiến, quan điểm của mình, ngoại trừ giáo viên hướng dẫn là PGS TS Nguyễn Thị Bình (lúc này cô Bình là tổ trưởng bộ môn nên là thành viên của Hội đồng khoa học). Theo tôi được biết, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về LVNT trong cuộc họp này, nhưng trong kết luận của Hội đồng khoa học khoa mở rộng vẫn khẳng định rằng đề tài của luận văn là có thể nghiên cứu. Sau đó Hội đồng khoa học của trường, một tập hợp các nhà chuyên môn nhiều lĩnh vực, thẩm quyền cao hơn Hội đồng khoa học của khoa, cũng có những kết luận không trái với kết luận của Hội đồng khoa học khoa Ngữ văn. Chỉ đến lúc ấy, mới xuất hiện Hội đồng chấm lại LVNT. Nhưng điều đáng nói là, ở cả ba cuộc họp Hội đồng nói trên, đại diện của Hội đồng chấm luận văn đều không được mời tham dự và do đó, không có cơ hội nào để trình bày ý kiến, chứ chưa nói đến đối thoại. Điều đáng tiếc nữa là các kết luận của Hội đồng khoa học khoa và Hội đồng khoa học trường đã không được lấy làm căn cứ chính để nhà trường xử lý với luận văn, mà chỉ dựa vào những phán xét của Hội đồng thẩm định được lập ra sau đó.

NHQ: Trong kinh nghiệm đối thoại khoa học mà ông có được, ông có nhận ra sự lép vế của những nhà khoa học thuần túy trước các “quan chức quản lí” không? Trong trường hợp đó, đâu là cách thức hợp tác mà ông cho là đúng đắn, hợp lí?

PGS Nguyễn Văn Long: Theo quan sát của tôi thì mối quan hệ giữa nhà khoa học và nhà quản lí là khá phức tạp và không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng tôi nghĩ một nhà chính trị, một nhà quản lí khôn ngoan thì phải để nhà khoa học làm việc, làm hết ý đồ và năng lực khoa học của họ. Nhà quản lí nên lắng nghe nhà khoa học, kể cả những điều phản biện, phản đối. Vì như thế chỉ có lợi cho nhà chính trị, nhà quản lí, ít ra giúp họ nhìn rộng, nhìn sâu nhiều vấn đề hơn, từ đó có thể đưa ra những chủ trương, quyết định hợp lý và sáng suốt hơn.

NHQ: Thưa TS Nguyễn Phượng, là người nắm rõ các nhận xét LVNT của thành viên Hội đồng chấm, xin ông nói cho biết họ đã đọc luận văn này ra sao, ông có suy nghĩ gì khi nhiều người vin vào đó để chê bai Hội đồng này là không thực sự biết vấn đề của luận văn, đã chỉ ra nhược điểm của luận văn nhưng vẫn cho điểm 10, là thông qua luận văn để ca ngợi thứ “thơ rác rưởi” của nhóm Mở Miệng,…?

unnamed

Ts Nguyễn Phượng

TS Nguyễn Phượng: Tôi thấy những người đưa ra nhận xét nói trên có thể ít tìm hiểu kĩ công việc hướng dẫn và chấm luận văn, luận án ở trường đại học. Do đó, xin phép cho tôi được dài dòng một chút.

Nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh làm khóa luận, luận văn, luận án… tôi để ý thấy có ba loại người đi học và làm luận văn, luận án tốt nghiệp:

Loại người học thứ nhất, số lượng không nhiều, là loại chỉ cần một tấm bằng để hợp lí hóa khi đi liên hệ việc làm hoặc để thêm chút “điều kiện đủ” cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp. Do đó, loại người đi học này thường chọn những đề tài an toàn, vô thưởng vô phạt, thậm chí có người còn cả gan chọn những đề tài mà nếu cần phải nói thực, không nể nang thì là vớ vẩn, vô nghĩa. Đương nhiên, họ sẽ tìm đến những người hướng dẫn sẵn lòng chia sẻ với họ nguyện vọng đó. Kết quả là công trình của họ cũng được thông qua, thậm chí có người còn được điểm khá cao và nhận được những lời khen hào phóng thậm chí ồn ào của hội đồng chấm.

Loại người học thứ hai, số lượng khá đông, là loại cũng cần một tấm bằng nhưng phải là bằng thật, do học thật nên họ sẽ chọn những đề tài gọi là có chút ít ý nghĩa khoa học nhưng không quá khó, ít gây tranh cãi và thường dễ được hội đồng chấm thông qua nhanh chóng.

Loại người học thứ ba, là loại ít và hiếm, thường là chỉ đếm chưa đầy năm ngón trên một bàn tay ở mỗi khóa học. Trong loại này lại có những cá nhân đặc biệt xuất sắc, có khi chín mười khóa học mới xuất hiện một lần. Loại người học này chính là những người có quá trình học vấn luôn luôn xuất sắc ở mọi cấp học. Học và trở thành một người có chuyên môn tốt luôn luôn là mục tiêu thường trực trong ý nghĩ và lương tâm họ. Loại người học này thường rất tự trọng, có tư duy độc lập và tinh thần tự học rất cao. Lên đến bậc học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ thì trong loại người đi học này hình thành cho mình một quan niệm về đạo đức khoa học. Đó là họ không cho phép họ chọn những loại đề tài vô thưởng, vô phạt để nghiên cứu. Các đề tài dễ thực hiện, dễ được hội đồng chấm đồng thuận cũng không phải là lựa chọn của họ. Mục tiêu của họ là những vấn đề mới và khó, thậm chí phức tạp, còn gây tranh cãi hoặc có trường hợp nhiều năm giới khoa học tranh luận chưa ngã ngũ. Họ có biết họ sẽ húc đầu vào đá không? Có chứ! Nhưng một người có đạo đức khoa học là một người biết tự nhận trách nhiệm đi tìm câu trả lời cho những vấn đề hóc búa. Một người có đạo đức khoa học đôi khi còn phải hy sinh bản thân mình vì những thách thức và rủi ro trong nghiên cứu. Được hướng dẫn những học viên loại này thật là một hạnh phúc không chỉ vì luôn luôn có nhiều cơ hội để thầy trò cùng được học hỏi lẫn nhau mà còn vì người hướng dẫn đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bồi đắp đạo đức và nhân cách khoa học cho những người xuất sắc của thế hệ sau. Tôi cho rằng, chị Đỗ Thị Thoan thuộc loại người đi học thứ ba này.

Là thư kí hội đồng chấm, chính tôi được nghe các chuyên gia văn học đương đại mở đầu bản phản biện của mình bằng mấy lời phi lộ, rằng: “Đây là một đề tài thực sự mới, khó, phức tạp không dễ giải quyết thấu đáo một lần là xong, không chỉ đối với học viên mà cả với chúng tôi, những người có nhiều năm quan sát biến động của văn chương đương đại…”. Tuy nhiên: “Đối với một hiện tượng văn chương nghệ thuật mới mẻ, phức tạp có nhiều ý kiến không thuận chiều, thậm chí bị tẩy chay, nguyền rủa nhưng lại được một học viên nổi tiếng từ nhiều năm trong giới học đường về sự hiếu học, sắc sảo, thông minh lại đang là một cây bút trẻ có tên tuổi trong đời sống văn chương đương đại thực hiện, nên chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đọc”. Các ông PGS Nguyễn Văn Long, PGS TS Ngô Văn Giá, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, TS Chu Văn Sơn và cả tôi đều nói thêm ngoài lề với học viên Đỗ Thị Thoan rằng: “không chỉ đọc luận văn của chị mà còn phải đọc cả gần chục tập thơ của nhóm Mở Miệng cùng mấy người khác có xu hướng gần gũi lẫn mấy chục công trình lý thuyết “ghê răng” trên thế giới hiện nay để đọc chị. Tiền thù lao nhà nước thì trả ít, vậy nên, thiệt cho chúng tôi quá”, “mà cũng lợi cho chúng tôi quá” – có người nói thêm.

Do đó, theo sự đánh của cá nhân tôi, các thành viên Hội đồng được mời tham gia chấm LVNT đều là những chuyên gia thực sự về văn học Việt Nam đương đại, họ có sự am hiểu ở mức độ sâu sắc vấn đề mà LVNT đề cập tới.

Thứ hai, tôi cho rằng tất cả các thành viên của Hội đồng đã đọc LVNT một cách thấu đáo, kĩ lưỡng, khách quan và tôn trọng đạo đức khoa học của người làm luận văn khi họ không những khẳng định chính xác những ưu điểm của luận văn mà còn chỉ ra một cách thấu đáo những chỗ chưa được của công trình. Tuy nhiên, chính tôi cũng nghe các thành viên nói thêm rằng: “học viên có quyền bảo lưu quan điểm của mình”.

Trong buổi bảo vệ, sau khi trình bày bản tóm tắt, Đỗ Thị Thoan nói thêm mấy lời khiêm nhường: “Đây là cơ hội để em được lắng nghe ý kiến đánh giá, chỉ dẫn của các nhà khoa học am hiểu chuyên sâu về văn chương đương đại” nhưng tôi cũng nhận thấy cô ấy một mặt lắng nghe các ý kiến khẳng định, thừa nhận những hạn chế, những cực đoan, những chỗ sơ suất trong luận văn do áp lực thời gian vì đề tài không ngờ đẻ thêm nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều vấn đề lý thuyết cần được trang bị, nhiều kiến thức liên ngành cần có, nhưng mặt khác, cô vẫn muốn giữ một niềm tin riêng cho mình.

Buổi bảo vệ luận văn của học viên Đỗ Thị Thoan có kéo dài hơn thường lệ. Vì nó đã trở thành một buổi sinh hoạt học thuật mini khá sôi nổi, thú vị.

Chúng tôi cũng đã thảo luận kĩ trước khi cho điểm tuyệt đối. Chủ tịch hội đồng chấm luận văn trước khi thông báo kết quả có “lẩy” ý một câu nói nổi tiếng của Voltaire: “Mặc dù chúng tôi chưa hoàn toàn đồng ý với tất cả mọi điều trong luận văn của chị nhưng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quyền được nói lên tất cả mọi điều trong công trình của chị. Tuy vậy, chị cũng cần phải cắt gọt, sửa chữa một số chỗ trong luận văn mà tự chị cũng cảm thấy là chưa hợp lý”.

Cho nên, nói rằng các thành viên hội đồng chấm “ít am hiểu vấn đề của luận văn”, “đã chỉ ra nhiều sai sót của công trình mà vẫn cho điểm 10” là một nhận xét làm chúng tôi bật cười. Bạn ngưỡng mộ và chấm điểm 10 cho một vận động viên Việt Nam nhảy qua 2m35 sau khi làm rơi sào đến hai lần hay bạn ngưỡng mộ và cho điểm 10 cho, cũng chính vận động viên ấy, khi anh/cô ta chỉ nhảy qua 1m35 và không làm rơi sào lần nào? Nhưng, theo tôi, sở dĩ họ có thể nói thế trong khi họ thừa biết trình độ chuyên môn thực sự về văn chương đương đại của các thành viên hội đồng chấm 1 chủ yếu là do sự khác nhau về niềm tin học thuật, sự khác nhau trong quan điểm đánh giá công trình khoa học và người làm khoa học. Do vậy, rất cần sự đối thoại để tìm tiếng nói chung, hay ít ra, để chia sẻ những chỗ có thể chia sẻ được.

Còn nói rằng, chúng tôi hùa theo người làm luận văn để cổ xúy cho hành động ca ngợi thứ thơ rác rưởi thì quả thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Vì chấm công trình khoa học là chấm công trình khoa học. Lấy đâu ra sự liên đới kì lạ vậy? Ngạc nhiên hơn là ở đây tôi như đang nghe vọng âm của những lời các ông Thái Phỉ, Nhất Chi Mai nói về văn phẩm của Vũ Trọng Phụng vào đầu thế kỉ trước.

Một người làm việc kiệt sức trong cơ cực, thiếu thốn rồi nhiễm bệnh lao, nhổ ra đờm dãi, thổ huyết và viết văn về cái dâm uế, trơ trẽn, tục tĩu cùng bao nhiêu “sự thực ở đời” khác như nhà văn Vũ Trọng Phụng thì mục tiêu mà tất cả phải chung tay hủy diệt là vi trùng Koch, là tình trạng nhơ nhớp, bất công, phi lí của xã hội thời ấy chứ không phải là nhà văn Vũ Trọng Phụng, những người nghiên cứu đờm dãi, hay những người nghiên cứu văn chương Vũ Trọng Phụng.

NHQ: Như thế, ở đây có chuyện đồng nhất việc chấm LVNT với việc các thành viên Hội đồng chấm LVNT khuếch tán những “ý kiến sai trái” “màu sắc chính trị chống đối”… Theo ông, tại sao có lập luận như vậy? Phải chăng đây là cách để làm hệ lụy khoa học trở nên trầm trọng?

TS Nguyễn Phượng: Như tôi đã nói ở trên, sở dĩ có sự lập luận như vậy chủ yếu là do niềm tin học thuật khác nhau cùng trên một hiện tượng văn hóa. Mở Miệng chẳng qua cũng chỉ là một nhóm văn học nhỏ, hoạt động có thời hạn, trong đó, họ coi việc nói ngược với những quan điểm chính thống, lấy việc phản ứng cực đoan làm phương tiện phản tỉnh và giải hoặc. Những hiện tượng như của Mở Miệng từng có trong đời sống văn hóa dân tộc và nhân loại. Lấy ví dụ, sự kiện rước dương vật, âm vật của lễ hội dân gian. Ở đây từng xuất hiện hai cách nhìn, hai cách diễn giải: Một, người ta từng cho đó là hành động tôn vinh cái tục tĩu của một thứ sinh hoạt thô lậu, phản văn hóa. Hai, giờ đây người ta đã cho đó là hành động tôn vinh sự sống của nền văn hóa phồn thực làm nên sức mạnh trường tồn của cộng đồng. Hay một ví dụ khác, các thành ngữ ngược: “bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi” hoặc vè nói ngược: “Trời mưa cho mối bắt gà/ Cho đàn cào cào đuổi bắt cá rô…”. Người không hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có thể cho đó là những câu nói nhảm nhí, sai sự thật. Nhưng người làm khoa học có ý thức nghiên cứu thực sự sẽ rất quan tâm đến hiện tượng này và truy tìm tận gốc nghĩa lí của những hiện tượng đó. Chúng ta không thể nói người nghiên cứu lễ hội rước dương vật, âm vật, thành ngữ ngược hay vè nói ngược là có biểu hiện lệch lạc, phản động được, càng không thể nhân đó để qui cho những người tán đồng hành động nghiên cứu trên là đã cổ xúy cho những kiểu nói vô lí, sai sự thật được. Nghiên cứu khoa học mà bị đánh đồng, bị ngộ nhận như vậy thì ai còn dám nghiên cứu nữa? Hoặc giả có ai đó, vì tình yêu khoa học mà bất chấp những rủi ro, sợ hãi thì chắc chắn số còn lại ấy sẽ rất ít và rất hiếm. Có giai thoại kể rằng: con trai nhà bác học Pascal định làm một điều “điên rồ” nhưng trước khi làm điều đó anh ta có hỏi ý kiến ông. Pascal đã từng trải qua tuổi trẻ “điên rồ” của mình nên đã nói, giọng đầy khích lệ: “Con làm đi! Con có quyền được sai lầm mà!”. Tôi không dám phán quyết về những tổn hại khoa học qua vụ LVNT nhưng thời gian này tôi hay ngẫm nghĩ về nguyên nhân sự giảm sút tình yêu khoa học và sự dấn thân của giới trẻ. Rồi lại lẩn thẩn nghĩ: sở dĩ khoa học nước ta đang tụt hậu là vì chúng ta đã có quá ít những người như con trai Pascal và có quá nhiều những ông thầy khôn ngoan hơn Pascal chăng?

NHQ: Mới đây, báo Nhân Dân có đăng bài “Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..”[3] của Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng. Bài viết có dẫn điểm c mục 3 Điều 26 Chương IV Thông tư 10/2011/TT-BGD ĐT Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ: “Người phản biện phải là người có am hiểu về đề tài luận văn”. Bởi qui định đó, Trường ĐHSP HN đã thành lập Hội đồng thẩm định LVNT với những nhà chuyên môn có danh tiếng, đáng kính. Nhưng bài báo nói rằng đã có người “nhục mạ Hội đồng thẩm định”. Ông có thấy vậy không?

TS Nguyễn Phượng: Có thể vì thấy có những khác biệt về chuyên môn hẹp nên trên mạng có người đã phát tán những phán định nào đó vội vàng. Chúng tôi nghĩ, cả hội đồng 1 và hội đồng 2 dù chuyên môn hẹp theo đuổi các lĩnh vực khác nhau nhưng đều hoạt động trong một cộng đồng khoa học. Chúng tôi bao gồm các thành viên của cả hai hội đồng đều biết nhau cả, thậm chí, trong các mối quan hệ cá nhân, chúng tôi còn coi họ là các vị các đàn anh, đàn chị và là đồng nghiệp đáng trọng. Hội đồng thẩm định sau chắc cũng tương kính với chúng tôi như vậy. Cho nên, chúng tôi đặc biệt dị ứng với những lời lẽ kích động. Vì nó làm sứt mẻ cộng đồng khoa học vốn đã rất mỏng và yếu của chúng ta. Chúng tôi thực sự muốn cả hai hội đồng có thời gian và cơ hội được ngồi lại với nhau, bàn bạc và chia sẻ với nhau những khó khăn và hệ lụy của công việc nghiên cứu khoa học cùng những giải pháp thích hợp sau đó. Đáng tiếc, sự vội vàng trong phán quyết đã tước mất cơ hội ấy.

NHQ: Tôi nghĩ, dù sao, các nhà chuyên môn vẫn có quyền được trình bày ý kiến ở các lĩnh vực mà họ không gần gũi. Có như thế sự tranh biện về vấn đề mới trở nên đa chiều hoặc được bổ sung rõ hơn. Cho nên, ông chờ đợi và vẫn tin vào sự tái thẩm định, sự trở lại của vấn đề thơ Mở Miệng trong những nghiên cứu, đánh giá tiếp theo chứ?

TS Nguyễn Phượng: Thì đúng như vậy. Có ai dám vỗ ngực tuyên bố rằng tôi đây hiểu biết thấu đáo tất cả mọi lĩnh vực? Người theo đuổi nghiên cứu một chuyên ngành hẹp nhiều năm mà nhiều khi còn cảm thấy mình rất ngu, nữa là. GS NGND Nguyễn Đình Chú thường chia sẻ với thế hệ chúng tôi rằng: “Nghiên cứu (khoa học) trong tiếng Pháp không chỉ là công việc tìm kiếm mà là công việc tìm đi tìm lại (recherche)”. Cho nên, tôi tin những người nghiên cứu khoa học và quan tâm đến khoa học một cách thực sự thì từ trong căn để, luôn luôn là những người suy nghĩ và hay suy nghĩ lại. Và, tôi vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: một ngày đẹp trời nào đó, hoặc là chính chúng ta, hoặc là những người mới sẽ tiếp tục cái công việc mà hôm nay chúng ta đã buộc phải bỏ dở trong nuối tiếc và ngậm ngùi…

……………………….

– “…theo sự đánh của cá nhân tôi, các thành viên Hội đồng được mời tham gia chấm LVNT đều là những chuyên gia thực sự về văn học Việt Nam đương đại, họ có sự am hiểu ở mức độ sâu sắc vấn đề mà LVNT đề cập tới.[…]. Buổi bảo vệ luận văn của học viên Đỗ Thị Thoan kéo dài hơn thường lệ. Vì nó đã bị biến thành một buổi sinh hoạt học thuật mini rất thú vị”

– “…Còn nói rằng, chúng tôi hùa theo người làm luận văn để cổ súy cho hành động ca ngợi thứ thơ rác rưởi thì quả thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Vì chấm công trình khoa học là chấm công trình khoa học. Lấy đâu ra sự liên đới kì lạ vậy ?”

– “…Chúng tôi thực sự muốn cả hai hội đồng có thời gian và cơ hội được ngồi lại với nhau, bàn bạc và chia sẻ với nhau những khó khăn và hệ lụy của công việc nghiên cứu khoa học cùng những giải pháp thích hợp sau đó. Đáng tiếc, sự vội vàng trong phán quyết đã tước mất cơ hội ấy…”

– “…tôi vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: một ngày đẹp trời nào đó sẽ lại có những người tiếp tục cái công việc mà hôm nay chúng tôi đã buộc phải bỏ dở trong nuối tiếc và ngậm ngùi…”

TS Nguyễn Phượng nói về những hệ lụy từ LVNT

……………………………………

NHQ: Đến đây, tôi lại muốn PGS Nguyễn Văn Long nói thêm một chút về samizdat. Trong bài báo nói trên, hai tác giả cho rằng “Samizdat chỉ tồn tại trong thời chiến tranh lạnh, tác giả của Samizdat là một số người đi đầu phong trào chống chế độ”; “những gì xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu trong quá khứ, được ghi lại trong sách báo đã chỉ rõ rằng, Samizdat là một công cụ nguy hiểm đối với xã hội”… Ý kiến của ông về samizdat như thế nào?

PGS Nguyễn Văn Long: Samizdat là từ tiếng Nga, kết hợp hai từ sam (nghĩa là “tự mình”) vài izdat (“xuất bản”). Hình thức “tự xuất bản” – samizdat vốn có từ lâu và không chỉ diễn ra ở nước Nga nhưng đã được thuật ngữ hóa bởi tiếng Nga, bối cảnh văn học Nga thời Xô-Viết. Sự tồn tại của samizdat chủ yếu nhằm để thoát khỏi việc kiểm duyệt và tạo ra một hình thức xuất bản khác với việc xuất bản được cấp phép bởi nhà nước. Và samizdat sẽ càng phát triển khi có máy photocopy xuất hiện, một phương tiện nhân bản in nhanh chóng. Cho nên không thể qui hẹp samizdat vào thời kì chiến tranh lạnh và tồn tại chỉ bởi những người “chống đối chế độ”. Trong sinh hoạt văn chương ở Việt Nam, tự xuất bản đâu phải đến khi Mở Miệng mới có. Nó là một phần của văn học truyền khẩu, của văn học kí tự thời trung đại. Ngay cả khi có hệ thống nhà xuất bản, ở nhiều giai đoạn khác nhau vẫn có tác phẩm tự xuất bản. Chẳng hạn, nhiều bài thơ của Quang Dũng thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng lưu truyền bằng chép tay trong các sổ tay của các chiến sĩ, những cán bộ kháng chiến, nhất là những người từ thành thị đi vào kháng chiến. Mà hiện nay nếu hiểu rộng thì có hàng ngàn tập thơ của các câu lạc bộ thơ, các cá nhân được in ra chủ yếu cũng bằng hình thức tự xuất bản. Hàng năm, cứ đến Ngày thơ ở Văn Miếu, người ta thấy hàng trăm sản phẩm thơ tự in, tự phát tán, photocopy nhân bản truyền tay, từ quan chức-nhà thơ đến người yêu thơ đều nhận nó một cách thoải mái, tự nhiên. Trong thế giới internet hiện nay ở ta, có hàng trăm blog, hàng triệu facebook với hàng vạn các bài viết mỗi ngày, đó cũng có thể coi là hình thức tự xuất bản rất phổ biến. Nhiều tác phẩm, trước khi in thành sách ở nhà xuất bản, đã được phổ biến khá rộng rãi trên Internet, như Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập. Như vậy các hình thức tự xuất bản này đã tạo ra một không gian mới rộng rãi và linh hoạt nhanh nhạy hơn cho các sản phẩm văn hoá, trong đó có văn chương. Đó là điều hợp quy luật phát triển của thời đại ngày nay, không thể bỏ qua. Cố nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó: hiện tượng tự xuất bản cũng tạo ra những sản phẩm rất khác nhau về giá trị, mục đích, có cả hay dở, xấu tốt. Nhà quản lý văn hoá không nên chỉ nghĩ tới việc ngăn cấm, mà cần có những định hướng khôn ngoan và thích hợp để tạo ra những sân chơi mới, lành mạnh tạo cơ hội cho mọi người được đáp ứng nhu cầu giao lưu và tự biểu hiện trong đời sống tinh thần.

NHQ: Thưa TS Nguyễn Phượng, giờ đây, khi đã biết rõ những hệ lụy mà học trò và đồng nghiệp của mình đang gánh chịu, ông có nghĩ bài học “biết sợ”, “biết giữ thân” khi làm văn chương nghệ thuật ở xứ ta là không bao giờ cũ? Và nếu vẫn còn quá nhiều nỗi “sợ” thì “ai cho ta hi vọng”, thưa ông?

TS Nguyễn Phượng: Nguyễn Minh Châu có lần kể rằng: Trong một cuộc rượu với với các bạn viết cùng thế hệ và cả mấy người của thế hệ sau, có ai đó nói chuyện gì đó liên quan đến cái hèn, cái dũng của người cầm bút, người ta chợt thấy Nguyễn Tuân, lúc bấy giờ đang rất nổi tiếng về những lời nói và hành vi thể hiện tính cách cao ngạo và ngông nghênh, vâng, người ta thấy Nguyễn Tuân nâng li rượu lên, rưng rưng nước mắt, nói: “Tôi cũng hèn, tôi sống được đến ngày hôm nay, là do tôi đã biết sợ”. Đến như Nguyễn Tuân mà còn phải nói thế, thì chúng ta là ai mà dám nói rằng…

Nhưng ngẫm kĩ, người ta thường vì những hệ lụy riêng tư này khác mà buộc phải sống thế này hay thế nọ trái với những giá trị sống mà người ta muốn theo đuổi. Cho nên, chuyện sống phải “biết sợ”, “biết giữ thân” là chuyện muôn thuở của con người và có thể, còn là bài học muôn thuở đối với con người. Đằng sau một ứng xử bất thường nào đó có muôn vàn những lí do mấy ai thấu hiểu hết? Nhưng nếu cả cộng đồng ai cũng vì những lí do cá nhân mà sống theo nguyên tắc “biết sợ”, “biết giữ thân” thì thật thảm hại cho cái cộng đồng ấy. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông chúng ta vẫn ra rả lên án thói vô cảm. Nhưng trước một câu chuyện nhỡn tiền của đồng nghiệp mình, học trò mình thì, xin lỗi, chính chúng ta lại vô cảm hơn ai hết. Tôi nói ở góc độ, các bên, tất cả, ở mức độ này hay mức độ khác, đã thể hiện sự vô cảm trong cách hành xử của mình. Nhưng tôi vẫn tin, hướng tới sự ứng xử một cách văn minh (trong đó, có tinh thần dân chủ và đối thoại lẫn sự thấu hiểu và khoan dung) với tất cả mọi vấn đề của cuộc sống luôn là mục tiêu của xã hội chúng ta. Và đó là lí do để tôi và tất cả chúng ta có quyền hi vọng.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn PGS Nguyễn Văn Long và TS Nguyễn Phượng. Cuộc trò chuyện này đã giúp tôi hiểu rõ hơn một số vấn đề văn chương và đồng thời, cho tôi thấy mình không hoài công khi đăng tải ý kiến của hai ông, vốn là tiếng nói rất được dư luận chờ đợi. Xin chúc hai ông sức khỏe, niềm vui sáng tạo!

HN, 21/4/2014

Người phỏng vấn gửi Văn Việt.


[2] Xem: “Bản phản đối và yêu cầu” của cộng đồng nghiên cứu và giáo dục Việt Nam với 108 chữ ký tính đến ngày 20/4/2014) (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ban-phan-doi-va-yeu-cau/); “Thư ngỏ về sự vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan” với 40 chữ ký chủ yếu là của những nhà nghiên cứu và giảng dạy người Việt ở nước  ngoài (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-ngo-ve-su-vi-pham-tu-do-hoc-thuat-trong-vu-thu-hoi-bang-thac-si-cua-ba-do-thi-thoan/) và thư phản đối của các giáo sư Ngô Bảo Châu (Mỹ), Hồ Tú Bảo (Nhật), Trần Văn Thọ (Nhật), Cao Huy Thuần (Pháp) (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-cua-cac-giao-su-ngo-bao-chau-my-ho-tu-bao-nhat-tran-van-tho-nhat-cao-huy-thuan-phap-gui-hieu-truong-dhsp-ha-noi/).

[3] Toàn văn bài viết, xem ở đây: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22905702-ho-dau-can-quan-tam-toi-khoa-hoc.html. Xin nói thêm điều mà một người đọc ít hiểu biết và không làm khoa học như tôi bỗng có được khi đọc bài này:

– Khi cần tra cứu thuật ngữ, cho dù chỉ dùng trong bài báo, lại là bài của hai tác giả “quan tâm tới khoa học”, có nên tra Wikipedia như Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng đã làm (với thuật ngữ samizdat) không? Không rõ trong các tư vấn của Michel Beaud ở “Nghệ thuật viết luận văn” (NXB Tri Thức, H.2013) mà bài báo nêu ra làm lí tưởng có chỉ giúp hai tác giả “nếu mà không biết thì tra Wikipedia” các thuật ngữ khoa học? Hi vọng, cô ĐTT hoặc các độc giả am hiểu trả lời giúp về vấn đề này, và mong được cung cấp một số từ điển công cụ về “samizdat” để hai tác giả biết thêm.

– Bài viết cho biết ở CHLB Đức đã từng tước học vị (tiến sĩ) của ông Karl-Theodor zu Guttenberg và của bà Annette Schavan vì “phát hiện có sai lầm”, “đã vi phạm các qui định”. Nhưng bài báo không nói rõ “phát hiện có sai lầm”, “vi phạm các qui định” gì nên người đọc dễ nhầm tưởng rằng tước bằng Thạc sĩ của ĐTT ở Việt Nam là có tính quốc tế, “quốc gia nào cũng vậy”. Thực tế, cả ông Karl-Theodor zu Guttenberg lẫn bà Annette Schavan bị tước bằng vì sách/luận án của họ đạo văn (plagiarism). Quí vị có thể xem báo Đức (phiên bản tiếng Anh) đưa tin ở đây:

Charles Hawley, ‘German minister loses doctorate after plagiarism row’, http://www.spiegel.de/international/germany/copy-paste-and-delete-the-downfall-of-defense-minister-guttenberg-a-748383.html

Merkel Loses Minister: Schavan Steps Down amid Plagiarism Scandal’, http://www.spiegel.de/international/germany/a-882398.html

Thật đáng ngưỡng mộ vì CHLB Đức đã dám tước bằng hai tiến sĩ đạo văn dù họ có làm Bộ trưởng. Và cũng đáng ngưỡng mộ cả hai đã quyết từ chức vì lỗi của mình. Hẳn hai tác giả Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng sẽ tiên phong và quí vị cũng sẽ vui lòng ủng hộ nước ta nên làm được điều này, nhất là gần đây có quá nhiều “nghi án đạo văn”? Còn LNVT đâu có qui tội “đạo văn”, sao lại bị tước bằng?

Comments are closed.